Saturday, January 2, 2016

Tư Bản Chủ Nghĩa và Bất Công Xã Hội

Tư Bản Chủ Nghĩa và Bất Công Xã Hội
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-12-23


Năm 2016, Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lại chức vụ Tổng thống, toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện, một phần ba các Nghị sĩ Thượng viện và vài chục Thống đốc Tiểu bang cùng nhiều chức vụ dân cử địa phương. Trong cuộc tranh cử, một vấn đề được nêu ra là nạn bất công xã hội khi một thiểu số làm giàu quá nhanh mà lợi tức của giới trung lưu và nghèo lại giảm sút. Sự thật ra sao, ta sẽ cùng tìm hiểu trong chương trình Diễn đàn kinh tế kỳ này với Nguyên Lam và chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nghĩa cùng quý thính giả. Thưa ông, tổng kết về năm 2015 và nhìn ra viễn ảnh của năm 2016, kỳ này chúng tôi xin được đề cập đến Hoa Kỳ. Năm 2016, nước Mỹ lại có bầu cử và một đề tài sẽ được chú ý là tình hình kinh tế xã hội với sự sa sút của thành phần trung lưu trong khi kinh tế Hoa Kỳ lại có dấu hiệu khả quan hơn các khối kinh tế khác, khiến tuần qua Ngân hàng Trung ương Mỹ đã lần đầu tiên nâng lãi suất khỏi số không kể từ bảy năm nay. Ông nghĩ thế nào về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng đây là đề tài lý thú và bổ ích, nếu chúng ta hiểu ra vài chuyện căn bản.
- Trước nhất, Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, gần như cả một lục địa với quá nhiều khác biệt bên trong, nên ta cần thận trọng khi tìm hiểu vì vấn đề không dễ tóm lược qua một câu hay một khẩu hiệu. Thứ hai, Hoa Kỳ là một nước tiên tiến nhất trong khối công nghiệp hóa Tây phương nên các vấn đề của nước Mỹ cũng hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Chẳng những là khác, có khi còn trái ngược như khi ta nhìn vào một tấm gương, trái là phải và phải là trái! Thứ ba, Hoa Kỳ là xứ dân chủ, nên người ta có quyền đề cập tới mọi vấn đề chứ không có gì cấm kỵ, kể cả nhiều vấn đề rất lạ cho nước khác. Trên cơ sở của ba đặc điểm ấy, tôi xin đề nghị là ta sẽ nói đến một hiện tượng là sự khác biệt quá lớn về lợi tức khiến nhiều người Mỹ có thể phê phán sai, rằng tư bản chủ nghĩa dẫn đến bất công.
Nguyên Lam: Cám ơn ông Nghĩa nêu thẳng vấn đề này vì thế giới có nhiều người mong ước có được cuộc sống sung túc và tự do như dân chúng tại Hoa Kỳ và ngạc nhiên khi nghe thấy sự phê phán ấy. Thí dụ như trong cuộc tranh cử Tổng thống, Nghị sĩ Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ nêu lý luận có vẻ xác đáng về chủ trương dân chủ xã hội của ông. Rằng thành phần giàu có phải đóng thuế cao hơn vì là những người giàu nhất, và tánh tham lam là cái gì đó chẳng ai chấp nhận được, thí dụ như trong hai năm khốn khó kinh tế vừa qua, tài sản của 15 người giàu nhất nước Mỹ đã tăng thêm 170 tỷ đô la và hơn tổng số tài sản của 130 triệu người thuộc thành phần nghèo nhất. Từ Việt Nam mà nghe như vậy thì người ta nên nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nên biết chính khách này từng tôn sùng chủ nghĩa xã hội Liên Xô và bây giờ nói ra một phần sự thật để tranh thủ cử tri. Nhưng nếu một phần của ổ bánh mì vẫn là bánh mì, một phần của sự thật thì chưa là sự thật. Và thống kê thì không gian dối chứ kẻ gian dối vẫn có thể trích dẫn thống kê để biện minh cho lập luận của mình. Cái khó của nền dân chủ là người dân phải có sự hiểu biết tối thiểu để khỏi bị giới chính trị gây lầm lạc.
- Trở lại sự thật khách quan thì người ta nghiệm thấy là trong 40 năm qua, thế giới đã có nhiều thay đổi lớn lao chưa từng thấy, xuất phát từ hai hiện tượng khác biệt mà bổ sung. Đó là cuộc các mạng về công nghệ tín học và toàn cầu hóa. Hoa Kỳ đi sớm nên gặp hậu quả mạnh nhất, loại hậu quả cũng tương tự như tại nhiều nước đã phát triển khác ở Âu Châu. Hậu quả ấy là thành phần trung lưu bị sức ép rất nặng của hình thái sinh hoạt mới và nhiều người đổi thay không kịp nên bị tụt hậu, lợi tức giảm sút, trong khi thiểu số năng động nhất, có khi thuộc thành phần trung lưu lại nhảy vọt lên trên, trong mươi năm trở thành tỷ phú giàu có nhất. Từ một chuyển động trường kỳ ấy mà vội kết luận rằng chủ nghĩa tư bản gây bất công xã hội là một kết luận sai. Lấy thống kê của hai năm qua như ông Bernie Sanders viện dẫn là điều sai hơn nữa vì những đổi thay ngắn hạn từ nạn Tổng suy trầm bảy năm về trước.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ngay rằng vì sao ông cho rằng người ta kết luận sai khi nói chủ nghĩa tư bản gây bất công xã hội?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người Mỹ sống trong thế giới quá rộng của họ nên ít nhìn ra xứ khác và hay hiểu lầm mà cũng chẳng biết là mình lầm! Họ không thấy là từ bốn chục năm qua, chính tư bản chủ nghĩa mới tạo ra nhiều đổi thay lớn lao trên toàn cầu khiến cả tỷ người thoát khỏi tình cảnh đói khổ và có sự sung túc chưa hề thấy trong lịch sử nhân loại. Tôi cho là tư bản chủ nghĩa, chứ không phải dân chủ chính trị, mới đẩy ra cái trớn của sự thịnh vượng. Sau đấy, cái trớn ấy cần được bổ sung bằng nguyên tắc dân chủ thì mới tránh được hiện tượng tiêu cực và bất công là “chủ nghĩa tư bản thân tộc”, khi một thiểu số có chức có quyền lại trục lợi bất chính nhờ quy luật thị trường có hạn chế vì bị nhà nước quản lý. Đấy là đại thể của thế giới.
- Riêng tại Hoa Kỳ, tình hình lại hơi khác một chút mà nhiều người không nhìn ra. Hiện tượng toàn cầu hóa là tự do trao đổi trên toàn cầu có đặt ra quy luật mới, thí dụ như thay vì sản xuất lấy thì doanh nghiệp có thể mua sản phẩm ở nơi khác thì có lợi hơn. Ngày xưa, nơi đó là tỉnh bên hay tiểu bang khác, và tạo ra công ăn việc làm cho nơi khác. Ngày nay, nơi đó là xứ khác và gây phản ứng bảo hộ mậu dịch, là phản ứng đi ngược quy luật tiến hóa y hệt như trong buổi bình minh của cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 19.
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì cùng với hiện tượng toàn cầu hóa, thế giới và Hoa Kỳ còn có cuộc cách mạng về công nghệ tin học với nhưng đổi thay lớn lao không kém. Hậu quả tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi ta có một hiện tượng mới, như “new technology” thì nên tìm ra từ mới để minh định nội dung và tránh hiểu lầm. Tôi gọi đó là “thuật lý”, là cái lý của kỹ thuật, tương tự như “triết lý”, “vật lý” hay “sinh lý”, nó bao gồm và vượt ra khỏi công nghệ tín học.
- Từ ba bốn chục năm nay, tư bản chủ nghĩa, chứ không phải là xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa, đã tạo ra cuộc cách mạng thuật lý như cách mạng công nghiệp cách nay hai thế kỷ. Cuộc cách mạng thuật lý cho phép con người vận dụng nhiều phương tiện mới lạ chưa từng có để giải quyết nhu cầu của mình. Thí dụ ai cũng thấy là doanh nghiệp điện toán hay thông tin bỗng xuất hiện và làm giàu rất nhanh trong khi cũng đem lại nhiều đổi thay lớn trên thị trường. Thí dụ như Microsoft, Intel, Google hay Toshiba, Samsung, v.v…
- Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tài chính, như các quỹ đối xung, hedge funds, hoặc y khoa hay sinh dược học,bio-pharmaceutical hay biogenetic cũng khai thác loại thuật lý chưa từng có để ngồi nơi này sản xuất phẩm vật hay sự giàu có từ nơi khác. Những ai kịp thay đổi tại “nơi này” hay “nơi khác” thì được lợi tức cao hơn, giả dụ như kỹ sư Việt Nam làm cho Intel. Những ai ở tại Mỹ mà học không kịp thì đành chấp nhận việc làm khác với mức lương thấp hơn. Nếu họ oán kỹ sư Việt Nam hay y tá Ấn Độ cướp mất việc làm của họ thì ta nghĩ sao? Giới chính trị thì không nghĩ hay giải thích mà chỉ khai thác tâm lý đó để bảo vệ nguyên trạng, là bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa! Có khi với lý luận là công nghiệp và toàn cầu hóa hủy hoại môi sinh và làm nhiệt hóa địa cầu. Đấy chỉ là một biến thái mới của phản ứng cũ là chống tư bản chủ nghĩa dù chủ nghĩa này đã tự động giải quyết vấn đề và còn làm giàu thêm khi giải quyết các vấn đề ấy, thí dụ là môi sinh tại các nước tư bản tiên tiến đều ít bị ô nhiễm hơn các nước tân tòng đang phát triển.
Nguyên Lam: Có một vấn đề thường được nêu ra tại Hoa Kỳ là mức lương quá cao của giới lãnh đạo doanh nghiệp so với lợi tức sa sút của công nhân viên ở dưới. Ông nghĩ sao về hiện tượng này khi Chủ tịch hay Tổng quản trị một doanh nghiệp có lợi tức gấp 400 lần mức lương trung bình của các nhân viên ở dưới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong chuyện này, ta có ba vấn đề khác biệt. Thứ nhất là loại tư doanh với phần vốn tập trung vào thiểu số sáng lập. Nếu thành công thì mức lương của họ quả là rất cao, nhưng do chính họ quyết định ở bên trong. Mà đồng lương ấy chỉ là giá biểu của thị trường so với thành quả của sản xuất là doanh lợi. Thứ hai là loại doanh nghiệp gọi vốn trên thị trường cổ phiếu, và chủ đầu tư là các cổ đông có thể đề cử cơ chế đại diện là Hội đồng Quản trị để quyết định về thù lao thanh toán cho giới điều hành là những tay chuyên nghiệp về quản trị mà chưa chắc đã là chủ đầu tư. Thù lao ấy phải tương xứng với mức lợi nhuận họ đem lại cho chủ đầu tư và yêu cầu ở đây là thể thức quyết định phải công khai minh bạch để tránh lạm dụng là khi một thiểu số chia chác bạc tiền đáng lẽ phải phân phối đồng đều hơn cho các cổ đông.
- Chuyện thứ ba là nếu nhìn trong trường kỳ thì hiện tượng lương cao bổng hậu có tăng mạnh trong mấy chục năm liền nhưng lên tới đỉnh là năm 2000. Kể từ đấy thì mức lương “trung vị”, là có nửa cao hơn bằng với nửa thấp hơn, thật ra hết tăng mà giảm. Năm cuối có thống kê là 2014 thì lợi tức còn thua năm 2000. Chi tiết đáng chú ý bên trong là từ năm 2007 đến 2009, một phần trăm giàu có nhất nước lại thấy lợi tức giảm sút so với sản lượng kinh tế toàn quốc. Năm 2009 cũng là năm kinh tế hết suy trầm kể từ Tháng Bảy. Và trong viễn ảnh tăng giảm của mấy chục năm liền mà chọn hai năm cuối như ông Bernie Sanders vừa nói thì hoặc là ông ta không biết, hoặc cố tình nêu ra phân nửa của sự thật mà thôi!
Nguyên Lam: Quả thật như ông Nghĩa trình bày từ đầu, chuyện kinh tế và xã hội của nước Mỹ không đơn giản chút nào. Câu kết luận của ông trong dịp tổng kết này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, trong nền dân chủ, người dân nên tập thói quen nghi ngờ các chính trị gia muốn xin phiếu để làm “đầy tớ” của mình, và suy xét kỹ từng thông điệp của họ vì dễ có sai lầm hay lung lạc. Thứ hai, trong kinh tế chính trị học – hai điều ấy là hai mặt của một đồng tiền – chính trị hay chính sách có khi gây hậu quả bất lường về kinh tế mà cả chục năm sau người ta mới biết được.
- Về cụ thể thì khi xét vào lợi tức người dân, ta nên phân biệt lợi tức trước và sau thuế vì ở giữa thì thuế khóa theo phép lũy tiến có phần nào giới hạn sự bất công và tạo ra mạng lưới xã hội cưu mang dân nghèo. Kế đó, xét về lợi tức thuần sau thuế thì quả là thành phần trung lưu tại Mỹ, khoảng 120 triệu người, có mức sống chật vật hơn từ 30 năm nay. Bên trong, giới trung lưu có thể cải tiến mức sống để thành thượng lưu thì ít đi mà nhiều hộ gia đình còn tụt xuống cấp dưới. Họ không theo kịp đà tiến hóa và hết là thành phần mà tư tưởng và lối sống đã từng là cột trụ văn hóa hay mẫu mực cho xã hội Mỹ. Đấy là một vấn đề nghiêm trọng cho Hoa Kỳ, theo tiêu chuẩn rất cao của nước mỹ, nhưng không thể giải quyết trong một chu kỳ bầu cử. Tuy nhiên việc bầu cử cũng là cơ hội nêu vấn đề để quần chúng quan tâm theo dõi các giải pháp được đề nghị.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài tổng kết này.


No comments:

Post a Comment