Thursday, March 21, 2019

Thuật khinh công là gì, có thật không?


Thuật khinh công là gì, có thật không?
Thứ Tư, 20 Tháng Ba 2019

Nhiều tài liệu cổ của phương Đông và phương Tây ghi chép khá tỉ mỉ về khả năng con người tự bay lên mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Tuyệt kỹ khinh công đó là sự thực hay chỉ là trò ảo thuật?

Khinh công (Levitation) là kỹ thuật tự bay trong không khí mà không cần trợ giúp, trái ngược hoàn toàn với định luật vạn vật hấp dẫn của Newton. Sách tôn giáo ghi nhận 300 vị thánh có thể tự bay lên.
Pha khinh công đầu tiên được ghi lại là do Simon Magus thực hiện vào thế kỷ 1. Ông ta là một giáo sĩ theo dòng dị giáo, tham gia tập luyện nhiều "tà thuật" như phép tàng hình, khinh công. Người thực hiện pha bay lượn trong thời gian lâu nhất là Joseph Capertino thế kỷ 17. Giáo sĩ đạo Tin Lành này đã lơ lửng trong không khí khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Những đạo giáo khác như Hindu, Bà la môn và Phật giáo cũng ghi nhận nhiều trường hợp khinh công. Trong cuốn sách “Khoa học huyền bí ở Ấn Độ thời cổ đại”, tác giả Louis Jacollios (Pháp) đã ghi lại khá chi tiết các pha khinh công.
Nổi tiếng nhất là tu sĩ Milarepa, một nhà yoga hàng đầu ở Tây Tạng thuộc thế kỷ 19. Ông này được mệnh danh là người nắm giữ nhiều sức mạnh huyền bí đến nỗi có thể đi lại, ăn, ngủ trong khi khinh công lơ lửng giữa không khí. Không chỉ các thày tu khổ hạnh tại Ấn Độ có thể thực hiện tuyệt kỹ này, mà các môn đệ của phái Ninja ở Nhật Bản cũng có khả năng tương tự.
Một kỹ thuật thấp hơn của khinh công là khinh hành (đi bộ cực nhanh), khá phổ biến tại các khu vực có địa hình phức tạp ở Trung Hoa, Nhật Bản. Các môn đồ của khinh hành có thể đi lại rất nhanh và an toàn ở những nơi núi non hiểm trở, bằng kỹ thuật phi thân (nhảy), thần hành (chạy hàng trăm dặm mà chân không chạm đất), bích hổ du tường (thằn lằn leo tường), thủy thượng phiêu (chạy trên nước).
Những tuyệt kỹ khinh công dù thực hiện ở đâu đều có một điểm giống nhau, đó là sử dụng một kỹ thuật nào đó để giảm hoặc mất hẳn tác động của lực hút trọng trường. Nói về điều này, cần nhắc đến một khái niệm vật lý là trọng lượng biểu kiến. Nó đặc trưng cho lực nén của vật lên mặt sàn hoặc sức căng của lò xo thể hiện sức nặng của một vật nào đó. Chính trọng lượng biểu kiến tạo cảm giác về sức nặng nhẹ của cơ thể. Khi không có cảm giác về trọng lượng biểu kiến (rơi từ trên cao xuống mà không có sàn đỡ), chúng ta sẽ rơi vào trạng thái không trọng lượng.
Cho đến nay, khoa học chưa có cách nào giải thích hiện tượng khinh công (nếu như nó tồn tại) vì nó đi ngược lại hoàn toàn định luật vạn vật hấp dẫn. Người ta không thể chứng minh, ít nhất là về mặt lý thuyết, làm thế nào mà một người có thể thoát ra khỏi tác động của lực hút của trái đất trong điều kiện thông thường chỉ bằng cách hít thở, thôi miên để huy động năng lượng siêu nhiên. Những người phản bác cho rằng từ xưa đến nay, đó chỉ là trò ảo thuật đánh lừa thị giác của người xem.
Một số thử nghiệm khoa học gần đây cho thấy nhiều chiều hướng tích cực hơn. Ví dụ, các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm trong môi trường đặc biệt (âm hơn 160 độ C), một chiếc đĩa khi quay tốc độ cao, khoảng 3.000 vòng/phút trong tác động của một điện trường thì sẽ giảm trọng lượng. Các nhà khoa học Mỹ làm thử nghiệm khác: Khi đặt chất siêu dẫn lơ lửng trong từ trường, họ phát hiện ra nếu đặt một vật thể lên trên bề mặt của chất siêu dẫn, trọng lượng của nó sẽ giảm đi 5%.
Như vậy, vẫn còn hy vọng le lói cho những người muốn tin vào những điều đặc biệt, đồng thời những kẻ lừa bịp vẫn còn đất để dụng võ. Và khinh công là khả năng đặc biệt hay chỉ là một khát vọng ảo ảnh của loài người? Đây vẫn là một bí mật.


Hãng bảo hiểm căn cứ vào đâu để định giá bảo hiểm nhà?


Hãng bảo hiểm căn cứ vào đâu để định giá bảo hiểm nhà?
 -
20 Tháng Ba, 2019

(realtytimes.com) – Các công ty bảo hiểm tính toán lệ phí bảo hiểm như thế nào? Nếu mối quan tâm của bạn là giữ cho lệ phí bảo hiểm càng thấp càng tốt, thì bạn nên biết những yếu tố thường bị bỏ qua nhưng có thể ảnh hưởng tới lệ phí bảo hiểm nhà của bạn.
1-Tuổi và tình trạng của căn nhà
Đây là một trong những yếu tố rõ rệt nhất và cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tuổi của căn nhà và đường dây điện, các ống nước, mái nhà, gỗ làm nhà, diện tích căn nhà… tất cả đều đóng một vai trò trong việc ấn định giá bảo hiểm của bạn.
Tuổi của căn nhà gắn liền với mức rủi ro của căn nhà và phí tổn để sửa chữa hoặc thay thế. Chẳng hạn, nếu căn nhà của bạn được xây dựng vào năm 1920, nó có thể có những đường ống và dây điện cũ không phù hợp với bộ luật xây dựng hiện nay. Những vật liệu này đi kèm với mức rủi ro hư hại hoặc hỏa hoạn cao hơn, do đó các công ty bảo hiểm sẽ tính lệ phí cao hơn khi cung cấp bảo hiểm cho căn nhà đó.
2-Nằm trong một vùng lụt cũng làm cho bạn tốn kém hơn
Cũng vậy, nếu rủi ro bị tàn phá cao, lệ phí bảo hiểm của bạn sẽ phản ánh điều đó. Nếu bạn có một căn nhà nhìn ra bãi biển thuộc ven biển Vịnh Mexico, bạn có thể chờ đợi sẽ phải trả nhiều hơn so với trường hợp bạn ở một vùng ít phải lo lắng về lụt lội, như vùng Trung Tây.
Nếu bạn ở trong bất cứ vùng lụt thuộc loại nào và bạn có vay tiền thế chấp cho căn nhà của bạn, nhà cho vay của bạn có thể sẽ đòi hỏi một hợp đồng vảo hiểm lụt riêng biệt – và điều đó làm bạn tốn tiền. Dù bạn không sống trong một vùng lụt, công ty thế chấp của bạn vẫn có thể đòi hỏi có bảo hiểm, do đó hãy bảo đảm nhìn vào những đòi hỏi của nhà cho vay khi bạn khởi sự tìm chỗ vay tiền.
3-Vài giống chó có thể làm bạn tốn kém hơn
Trong vài trường hợp, con chó của gia đình bạn có thể làm tăng lệ phí bảo hiểm nhà của bạn. Một vài giống, chẳng hạn như giống “pit bulls” nổi tiếng là nguy hiểm so với những giống chó khác và thường đi kèm với trách nhiệm lớn hơn cho hãng bảo hiểm của bạn, đưa tới một lệ phí bảo hiểm cao hơn.
Ba trường hợp có thể xảy ra nếu con chó của bạn được coi như một giống chó “nguy hiểm:” bạn có thể phải trả một lệ phí cao hơn cho hãng bảo hiểm của bạn; hãng bảo hiểm có thể bán bảo hiểm cho bạn nhưng loại trừ trách nhiệm liên quan đến con chó; hoặc hãng bảo hiểm có thể quyết định không bán bảo hiểm cho bạn.



Blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16


Blogger Trương Duy Nhất bị giam ở trại T16
·         8 giờ trước

Sau gần hai tháng kể từ khi blogger Trương Duy Nhất mất tích, gia đình ông được thông báo ông đang bị giam ở T16, một trại giam ở Việt Nam.
Hôm 20/3, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC Tiếng Việt biết: "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16."
"Mẹ nửa tin nửa ngờ nên nhờ luật sư Trần Vũ Hải kiểm chứng bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt."
Cùng ngày 20/3, cây bút Phạm Xuân Nguyên ở Hà Nội đăng bài trên Facebook cá nhân, viết rằng vợ của ông Nhất đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội.
Ông Nguyên cho biết ông đã chở vợ ông Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai.
"Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại."
Và trại đã cấp cho vợ ông Nhất một "Sổ tiếp tế, thăm gặp" cho những lần sau.
Theo sổ này thì ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16, theo lời ông Nguyên.
Vụ ông Trương Duy Nhất đã xảy ra khiến Thái Lan phải lên tiếng trả lời báo chí hồi tháng 2.
Cảnh sát Thái Lan khi đó hứa "sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok".
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.


Bất trắc và đa diện hóa năm 2019 - Nguyễn Xuân Nghĩa


Bất trắc và đa diện hóa năm 2019
2019-03-20
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trước khi bước vào năm 2019, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã có dự báo kém vui về tình hình kinh tế toàn cầu. Sau ba tháng đầu, một số trung tâm nghiên cứu cũng xác nhận chiều hướng đó, đặc biệt là tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Diễn  đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao và dự đoán về hậu quả….
Viễn ảnh kinh tế toàn cầu
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trước khi nhân loại bước vào năm 2019 mà ông gọi là “một năm đảo điên”, thì viễn ảnh kinh tế toàn cầu đã có nhiều dấu hiệu đình trệ. Bây giờ ba tháng đầu của năm 2019 đã sắp hết, thưa ông, các tổ chức quốc tế dự báo thế nào về tình hình kinh tế trong giai đoạn kế tiếp?
Khung cảnh bất trắc và ảm đạm của năm nay lại có một điểm sáng là làm các nước đang phát triển trong khu vực nhìn lại toàn cảnh - từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương - để dần dần ra khỏi sức hút của Trung Quốc, nôm na là đa diện hóa thị trường và giảm số xuất khẩu vào Trung Quốc để khỏi bị xứ này chi phối.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin được nhắc lại phát biểu của mình trong chương trình phát thanh ngày 12 Tháng 12 năm ngoái. Đó là “Khi tham khảo công trình nghiên cứu của quốc tế, từ các định chế đa phương như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế Giới hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD gồm 34 nền kinh tế tiên tiến, tới các trung tâm đầu tư kinh tế tài chính thực hiện riêng cho thân chủ của họ, tôi đều thấy một nét chung ở chữ “bất trắc” là biến động khó lường”. Bây giờ, sắp vào Quý II của năm 2019, người ta thấy ra chuyện đó một cách rõ ràng hơn, là đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm nay có thể giảm vì hai lý do. Một vì là sự giảm sút trong khối kinh tế công nghiệp hóa; hai là điều đáng lo hơn, vì sự suy giảm nhẹ của các nền kinh tế đang phát triển, thông thường vẫn có đà tăng trưởng cao hơn các nước công nghiệp hóa.
Nguyên Lam: Khi theo dõi các dự báo đó, ông có thấy nguyên nhân vì sao hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng các rủi ro bất trắc trong năm nay xuất phát từ những nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là sự bất định trong cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà bản thân tôi thì cho là chưa thể dàn xếp nổi trong vòng ba tháng tới. Thứ hai là nạn suy sụp kinh tế nặng hơn nhiều dự đoán trước đây của Trung Quốc, vốn buôn bán với rất nhiều quốc gia. Thứ ba là khó khăn dồn dập trong khối Euro gồm các nước sử dụng chung một đồng bạc, từ Đức tới Pháp và nhất là Ý với bài toán ngân sách của họ. Thứ tư là sau khi đạt mức tăng trưởng 3% năm ngoái, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ có thể chậm lại trong năm nay qua năm tới. Thứ năm là các nền kinh tế đang lên, vốn sống nhờ xuất nhập khẩu với quốc tế, cũng bị khựng do vấn đề của khối công nghiệp hoá và số cầu sút giảm đồng loạt, với vài ngoại lệ như trường hợp Brazil.
Nguyên Lam: Chúng ta chuyển qua tình hình Á Châu Thái Bình Dương vì trong đó có Việt Nam, thì thưa ông, viễn ảnh kinh tế năm nay có thể là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong khu vực này, hai nền kinh tế có sản lượng đứng hạng nhì và hạng ba là Trung Quốc và Nhật Bản lại nằm trong chuỗi cung ứng của các nước khác. Kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn dự đoán và các biện pháp kích thích mới ban hành sau phiên họp vừa qua của Quốc hội không đủ tầm công hiệu mà còn bị hiệu ứng của trận thương chiến với Hoa Kỳ. Năm nay, nhiều trung tâm nghiên cứu cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chừng 6% là mừng, bản thân tôi thì cho là còn thấp hơn vậy trong thực tế nếu ta định nghĩa lại thế nào là tăng trưởng.
- Thứ hai, kinh tế Nhật bị nhược điểm là lệ thuộc vào ngoại thương nên gặp bất lợi khi luồng giao dịch thương mại nói chung lại sa sút năm nay vì sự thoái lui của trào lưu ta gọi là toàn cầu hóa và vì mâu thuẫn chính trị giữa các nước. Vì vậy, kinh tế Nhật không có tăng trưởng trong ba tháng cuối năm ngoái và năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 0,6% thôi. Khi hai đầu máy đều khựng như vậy, các nước khác đều lo.
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta muốn biết rõ hơn về viễn ảnh năm nay của kinh tế Trung Quốc vì có ảnh hưởng lớn tới kinh tế của Việt Nam. Theo dõi xứ này, ông nhận xét ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi lâm vào trận thương chiến với Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã có nhiều vấn đề kinh tế xã hội trong nội bộ mà lãnh đạo Bắc Kinh chưa thể giải quyết được, như gánh nợ quá lớn và đặc biệt rất khó đếm của các chính quyền địa phương, hay rủi ro tài chính của hệ thống ngân hàng, nạn ô nhiễm môi sinh và cả bất ổn xã hội vì nỗi lo thất nghiệp. Trận thương chiến Mỹ-Hoa có thể là cơ hội hay lý cớ họ tiến hành việc cải cách cơ chế đã bị đình hoãn quá lâu. Nhưng nỗ lực cải cách chưa thể có kết quả ngay mà có khi còn bị hậu quả xã hội và chính trị bên trong, giữa các tỉnh duyên hải ở miền Đông và các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa. Đã vậy, mâu thuẫn đa diện và ngoài kinh tế với Hoa Kỳ cũng sẽ còn kéo dài.
Viễn ảnh kinh tế châu Á Thái Bình Dương
Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta nói về các nước khác trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Ông đọc được những gì là đáng chú ý.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về lý thuyết thì các nước Đông Nam Á có thể khai thác được lợi thế trong khu vực chế biến các mặt hàng tiêu dùng rẻ tiền do Trung Quốc bỏ lại để lên tới trình độ sản xuất cao hơn, là chiều hướng đã có từ năm năm trước và diễn đàn của chúng ta cũng đã nói đến từ 2014. Vì chiều hướng đó mà cũng vì trận thương chiến Mỹ-Hoa, giới đầu tư quốc tế đang nhắm vào các thị trường Đông Nam Á như chúng ta đã có dịp trình bày ách nay ba tuần. Trong số đó, Việt Nam và Malaysia có lợi thế nhất vì là thành viên của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã cải tiến. Đó là về lý thuyết và trong lâu dài.
- Về thực tế thì khi số cầu của quốc tế sút giảm mà Trung Quốc vẫn còn dư một số khả năng xuất khẩu để cứu vãn tình hình khó khăn của họ, các nước Đông Nam Á sẽ chưa có lợi ngay trong năm nay. Có lẽ Việt Nam nên nhân cơ hội mà tiến hành cải cách cơ chế kinh tế và chính trị để khai thác vận hội mới cho lâu dài. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể quên một khía cạnh rộng lớn khác.
Nguyên Lam: Thưa ông, khía cạnh đó là gì?
Trong đà cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ và nhìn lại các rủi ro dồn dập xuất phát từ Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ năm nay, nếu lãnh đạo Hà Nội thực tình muốn như vậy.-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên là khu vực Á Châu Thái Bình Dương có bốn nền kinh tế chuyên về sản xuất các mặt hàng điện tử là Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore. Viễn ảnh kinh tế khó khăn trong năm nay, với số cầu sút giảm như tôi vừa trình bày, là vấn đề cho nhóm bốn nước tiên tiến này. Nếu họ đã lên tới đó mà còn bị như vậy thì các nước Đông Nam Á tính sao?
- Tôi thiển nghĩ rằng ngoài khía cạnh kinh tế, động thái hung hăng của Bắc Kinh trên vùng biển Đông Nam Á, càng khiến các nước trong Hiệp hội ASEAN phải tỉnh táo nghĩ tới việc ra khỏi quỹ đạo giao dịch với Trung Quốc trong trường kỳ. Vì vậy, khung cảnh bất trắc và ảm đạm của năm nay lại có một điểm sáng là làm các nước đang phát triển trong khu vực nhìn lại toàn cảnh - từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương - để dần dần ra khỏi sức hút của Trung Quốc, nôm na là đa diện hóa thị trường và giảm số xuất khẩu vào Trung Quốc để khỏi bị xứ này chi phối.
Nguyên Lam: Thưa ông, khi ấy và nhìn lại Việt Nam thì ông kết luận thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo các số liệu mà tôi có được, thì hai nền kinh tế trong khu vực bán hàng nhiều nhất cho Trung Quốc là Đài Loan và Nam Hàn sẽ bị điêu đứng nhất, về cả kinh tế lẫn chính trị khi số cầu của Trung Quốc thì giảm mà tham vọng của Bắc Kinh lại tăng. Trong khu vực đó, Việt Nam có thể là ngoại lệ bất ngờ vì bán hàng vào thị trường Mỹ nhiều hơn thị trường Trung Quốc, rồi mới đến thị trường Nhật Bản, theo tỷ lệ là 19%, 17% và 8%.
- Trong đà cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ và nhìn lại các rủi ro dồn dập xuất phát từ Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ năm nay, nếu lãnh đạo Hà Nội thực tình muốn như vậy. Chiến lược thực tế và ngôn ngữ ngoại giao sẽ là “Việt Nam cần đa diện hóa” chẳng khác gì các nước Đông Nam Á kia.
Nguyên Lam: Nguyên Lam biết rằng ông đang bị đau và gặp nhiều trở ngại về giờ giấc nên càng muốn cảm tạ ông về bài phỏng vấn tuần này.


Wednesday, March 20, 2019

Danh dự, nhân phẩm giá 200 ngàn đồng - Trân Văn


Danh dự, nhân phẩm giá 200 ngàn đồng
21/03/2019

Quyết định xử phạt ông Đỗ Mạnh Hùng 200 ngàn đồng vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, khiến nhiều người phẫn nộ.
Sự phẫn nộ bùng lên, loang ra, trải rộng từ mạng xã hội đến hệ thống truyền thông chính thức vì mức phạt quá nhẹ. Nhiều người bày tỏ sự bất bình kèm mỉa mai rằng mức phạt ấy giống như khuyến khích sàm sỡ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm phụ nữ.
Chuyện ông Hùng tấn công người phụ nữ giữ cửa thang máy cho ông đi ra, dùng vũ lực dồn người phụ nữ vào góc thang máy để hôn cô, bất kể cô kháng cự mãnh liệt, song ông Hùng chỉ bị phạt 200 ngàn đồng – chắc chắn chỉ có ở Việt Nam!
Chẳng riêng nạn nhân, thân nhân của cô mà không ít người bảo rằng họ thất vọng vì danh dự, nhân phẩm quá… rẻ. Khi chế tài… nhẹ nhàng như thế, rõ ràng danh dự, nhân phẩm của mọi người, đặc biệt là phụ nữ nhẹ như bấc trong mắt những kẻ bất lương.
Chỉ bất bình và lo ngại danh dự, phẩm giá của chính mình, mẹ mình, vợ mình, chị em mình, con cháu mình cũng sẽ bị xâm hại như thế là… SAI. Tại sao Công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chỉ phạt ông Hùng 200 ngàn đồng?
Đơn giản vì các qui phạm pháp luật nhằm chế tài những cá nhân “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” đặt định mức phạt chỉ như vậy.
Mức phạt đó là một trong những bằng chứng hết sức rõ ràng cho thấy, trong nhận thức của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, tầm vóc của danh dự, nhân phẩm công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở mức nào!
Chẳng riêng danh dự, nhân phẩm vốn… trừu tượng, những thứ cụ thể hơn như sức khỏe, tính mạng, tài sản công dân cũng rất rẻ. Vì quá rẻ nên môi sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, trật tự xã hội mới trở thành vấn nạn trầm kha.
Công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cũng như đang và chắc chắn sẽ còn được hưởng thứ “đặc quyền” hiếm có: “Được” thưởng thức cảm giác bất an với mức độ càng ngày càng cao, trước đủ thứ rủi ro từ đủ mọi góc độ, có thể xâm hại danh dự, nhân phẩm, hủy hoại sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình, cũng như thân nhân của mình bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu và không thể… đón đỡ.
Dẫu cũng có hệ thống dân cử (như quốc hội, hội đồng nhân dân đủ cấp), hệ thống hành pháp (chính phủ, các ủy ban nhân dân), hệ thống tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, công an) trải dài từ trung ương đến địa phương, chưa kể hệ thống chính trị (đảng CSVN, các đoàn thể, hội,…) trải rộng khắp mọi lĩnh vực nhưng cam kết bảo hộ các quyền căn bản của một con người chỉ nằm trên giấy.
Hệ thống dân cử, hệ thống hành pháp có thể nhận ra ngay lập tức nguy cơ, cũng như hậu quả của những thông tin, ý kiến “bôi nhọ lãnh đạo” hoặc tiết lộ “sức khỏe lãnh đạo”,… để nỗ lực sửa luật, bổ sung các qui phạm pháp luật để hệ thống tư pháp có cơ sở diệt trừ tận gốc hành vi này để “răn đe, phòng ngừa” chung.
Còn đặt định những giải pháp buộc hệ thống hành pháp, hệ thống tư pháp phải nỗ lực hơn nữa để việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản công dân hữu hiệu như thiên hạ thì không. Cho nên “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” mới phạt… 200 ngàn đồng.
***
Hai từ “tiện dân” tưởng đã “mồ yên, mả đẹp” cùng với sự cáo chung của hình thái quân chủ chuyên chế trong tiến trình phát triển chung của nhân loại nhưng tưởng thế là… sai!
Cho dù Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam minh định, Việt Nam đã đoạn tuyệt với não trạng “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo chết mà còn sống là… bất trung), quan không còn như… cha mẹ (quan chi phụ mẫu) nhưng hãy nhìn vào thực tế tại Việt Nam, đối chiếu với thiên hạ, ngẫm nghĩ một chút, ắt sẽ thấy công dân rõ ràng vẫn cứ là… tiện dân – thành phần dù muốn hay không cũng chỉ có thể tự xếp mình vào nhóm mạt hạng.


Sau 'cụ' Hồ, ‘cụ’ rùa cũng được ướp xác và trưng bày


Sau 'cụ' Hồ, ‘cụ’ rùa cũng được ướp xác và trưng bày
20/03/2019

Sau 3 năm từ khi mất, ‘Cụ rùa Hồ Gươm’ – một biểu tượng tâm linh của thành phố Hà Nội – đã được đưa ra trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, cách không xa ‘Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh’, nơi thi hài của ông Hồ Chí Minh được nhiều người đến viếng hàng ngày.
Theo truyền thông trong nước, mẫu vật ‘Cụ’ rùa – được cho là cá thể rùa cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm được tìm thấy chết ngày 19/1/2016 – bắt đầu được trưng bày tại di tích trên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ ngày 16/3.
‘Cụ’ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa của Đức và việc chế tác mẫu rùa được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
An ninh Thủ đô trích nguồn tin của sở KHCN cho biết đây là ‘phương pháp chế tác hiện đại nhất thế giới’. Phương pháp này “bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình hài, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai.”
Báo New York Times nhận định như vậy, ‘Cụ’ rùa đã được đưa vào nhóm những ‘nhân vật’ ưu việt được ướp và trưng bày trong các thể chế Cộng sản, trong đó có Lenin, Mao, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên, và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Trao đổi với Đài VOA, nhà rùa học Hà Đình Đức cho biết ‘Cụ rùa’ được ngâm trong một loại hóa chất “để nó ngấm vào các mô và tế bào và biến chúng thành nhựa.” Với phương pháp mà PSG-TS Đức cho biết là mới được áp dụng từ những năm 1990, ‘Cụ rùa’ sẽ được bảo quản “bền lâu và ít bị tác động bởi điều kiện khí hậu ẩm ướt và nồm như ở Việt Nam."
Phương pháp nhựa hóa được một chuyên gia giải phẫu người Đức phát triển vào cuối những năm 1970.
Tiến sĩ Đức cho biết trước khi có công nghệ nhựa hóa, phương pháp ướp truyền thống – là phương pháp được dùng để bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngâm thi thể trong hóa chất, trong đó có phoóc-môn (formaldehyde).
“Cụ Hồ sau một thời gian phải xử lý hóa chất lại rồi đưa lên (trưng bày) còn tiêu bản của ‘Cụ’ rùa thì trưng bày trường kỳ luôn,” theo PGS-TS Đức.
Theo bản tin Reuters, sau khi qua đời năm 1969, ông Hồ Chí Minh đã được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi hài ông.
Trong khi “ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập, và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới,” theo nhận định của giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, Alexei Yurchak, thì ‘Cụ’ Rùa, theo truyền thông trong nước, được người Hà Nội coi là một biểu tượng của độc lập và trường tồn của dân tộc.
Theo truyền thuyết, ‘Cụ rùa’ cho vua Lê mượn kiếm để đánh tan giặc phương Bắc. Cái chết của ‘Cụ’ rùa vào năm 2016, diễn ra trong thời gian đang có tranh luận trên khắp nước về làm thế nào để Việt Nam ‘thoát Trung’ – độc lập về chính trị và kinh tế với Trung Quốc, đã làm dấy lên một nỗi buồn lớn trong công chúng lúc đó. Theo báo New York Times, một số người xem cái chết của Cụ Rùa “là một điềm gở cho đất nước và Đảng Cộng sản” đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ.
‘Cụ’ rùa đang được đặt trong lồng kính tại đền Ngọc Sơn, trên Hồ Hoàn Kiếm, cách không xa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un đã tới thăm hôm 2/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh không thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội.


Truyền thông nhà nước và những phiên tòa chính trị


Truyền thông nhà nước và những phiên tòa chính trị
Hòa Ái, phóng viên RFA
2019-03-19
Truyền thông trong nước đăng tải thông tin về phiên tòa phúc thẩm đối với 5 thành viên của Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, và được giới hoạt động cho rằng thiếu trung thực, dẫn đến những tác hại sâu xa trong việc định hướng dư luận.
Tường thuật thiếu sót
Lượt qua trang fanpage của các tờ báo chính thống, liên quan thông tin tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) xét xử nhóm 5 người với cáo buộc tội “hoạt động lật đổ chính quyền”, diễn ra vào ngày 18 tháng 3, nhiều độc giả có ý kiến phê phán nặng nề đối với 5 bị cáo, kêu gọi toà án, phải trừng trị thích đáng vì đất nước đang yên bình thì tại sao lại có dã tâm ảo tưởng phá hoại?
Điển hình, Báo mạng VnExpress, tường thuật phiên tòa với nội dung tóm tắt của bản cáo trạng, đánh giá của Hội đồng xét xử cho là hành vi của nhóm 5 người gồm Lưu Văn Vịnh (52 tuổi), Nguyễn Quốc Hoàn (42 tuổi), Nguyễn Văn Đức Độ (44 tuổi) cùng 2 đồng phạm khác là đặc biệt nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia…nên cần xử nghiêm.
VnExpress cho biết sau phiên sơ thẩm, diễn ra vào tháng 10 năm 2018, bị cáo Vịnh và 3 đồng phạm kêu oan, một người xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, trong phiên tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo kêu oan và tuyên y án sơ thẩm; 15 năm tù đối với Lưu Văn Vịnh, 13 năm tù đối với Nguyễn Quốc Hoàn, 8-11 năm tù đối với Nguyễn Văn Đức Độ và 2 đồng phạm khác. Các bị cáo phải chấp hành thêm 3 năm quản thúc tại gia sau khi mãn án tù.
Trong bản tin tường thuật phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 18 tháng 3, VnExpress dẫn lời nói của bị cáo Lưu Văn Vịnh rằng không thừa nhận thành lập tổ chức “Liên Minh Dân Tộc Việt Nam”, không trực tiếp lật đổ ai, bàn luận chơi với một số người.
Độc giả Minh Nt viết trên trang fanpage của VnExpress là “Chỉ bàn luận chơi hả. Bây giờ bóc lịch chơi 13 năm nhé. Còn nếu bóc thật phải 30 năm mới đúng”. Hay độc giả Van Tru Pham nêu quan điểm cá nhân rằng “Hãy xử nặng để lấy đó mà làm gương”. Một thính giả ở Sài Gòn, là người thường xuyên theo dõi tin tức trên báo đài, nói với RFA ý kiến của mình sau khi đọc thông tin về phiên tòa:
Mình không phải luật sư. Mình cũng không biết luật như thế nào. Nhưng mà dẫn chứng như xem thông tin trên các video clip và ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau, rồi tự phong chức tước cho nhau…Việc này giống như một chuyện phiếm, chứ đâu có gì đến mức để gọi là ‘đe dọa an ninh quốc gia’ dữ dội.  Mức án từ 8 đến 11 năm tù, hay 15 năm tù đối với người cầm đầu thì thấy nặng nề quá. Có những tội danh mà chống phá trước mắt rõ ràng như mượn chức tước để lủng đoạn, vụ đánh bài qua mạng, bắt tay với thương buôn…nói chung lên báo hàng loạt; hay như tin mới nhất, nóng nhất là cưỡng hôn trong thang máy, phạt 200 ngàn đồng. Phạt vậy thì phạt làm gì? Luật bây giờ không biết sao nói đây? Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa
-Cư dân Sài Gòn
“Mình không phải luật sư. Mình cũng không biết luật như thế nào. Nhưng mà dẫn chứng như xem thông tin trên các video clip và ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau, rồi tự phong chức tước cho nhau…Việc này giống như một chuyện phiếm, chứ đâu có gì đến mức để gọi là ‘đe dọa an ninh quốc gia’ dữ dội.  Mức án từ 8 đến 11 năm tù, hay 15 năm tù đối với người cầm đầu thì thấy nặng nề quá. Có những tội danh mà chống phá trước mắt rõ ràng như mượn chức tước để lủng đoạn, vụ đánh bài qua mạng, bắt tay với thương buôn…nói chung lên báo hàng loạt; hay như tin mới nhất, nóng nhất là cưỡng hôn trong thang máy, phạt 200 ngàn đồng. Phạt vậy thì phạt làm gì? Luật bây giờ không biết sao nói đây? Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai nữa?”
Còn một nửa sự thật
Trong khi đó, tiếng nói của thân nhân gia đình 5 bị cáo không được tiếp xúc với truyền thông quốc nội. Anh Nguyễn Văn Đức Ấn, vào tối ngày 19 tháng 3 kể lại với RFA rằng vào khi tòa thông báo tạm hoãn xử phúc thẩm, dự kiến diễn ra hồi hạ tuần tháng 1 năm 2019, có cho biết phiên tòa sẽ mở công khai. Sau khi luật sư bào chữa cho hay phiên tòa phúc thẩm sẽ mở vào ngày 18 tháng 3, gia đình của anh Nguyễn Văn Đức Độ đã làm đầy đủ thủ tục tham dự phiên tòa, nhưng:
“Hôm qua xử phúc thẩm, tôi và người em trai là Nguyễn Đức Hải cùng với người nhà của Từ Công Nghĩa đi vào và người ta đưa thẻ cho mình đi vào tham dự phiên tòa. Chúng tôi vào tòa qua sự kiểm soát của công an. Khi vào bên trong thì gia đình cũng được gặp Độ, gặp được tất cả 5 người trong đó. Nhưng khi đến khi tòa chuẩn bị xử thì lại ép không cho chúng tôi ngồi lại tham dự phiên tòa. Sau một lúc đôi co, có một viên công an nói rằng chỉ một mình bà Thập (vợ của ông Lưu Văn Vịnh) được vào thôi, còn tất cả mọi người không được vào. Chúng tôi cũng lên tiếng đòi hỏi sự công bằng, nhưng bên công an yêu cầu chúng tôi phải đi ra ngoài, còn ở đây không giữ trật tự thì sẽ trục xuất chúng tôi ra khỏi tòa, và yêu cầu chúng tôi nếu tham dự thì vào phòng xem qua màn hình. Nhưng chúng tôi chỉ xem được hình mà không nghe thấy tiếng, chỉ nghe âm thanh rẹt…rẹt, mà không thể nghe được tiếng nói của những người tham dự trong phiên tòa nói gì cả.”
Trên trang Facebook cá nhân của Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư tham gia bào chữa cho nhóm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, tường thuật chi tiết vụ việc cũng như diễn tiến của phiên tòa phúc thẩm, diễn ra trong ngày 18 tháng 3. Trong đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh ghi rõ cả năm bị cáo đều xác định giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan, khẳng định không phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Luật sư Đặng Đình Mạnh còn ghi lại chi tiết lời nói của các bị cáo tại tòa, khi được nói lời sau cùng:
“- Ông Lưu Văn Vịnh: Tôi không có tội. Chính cộng sản mới có tội, rồi sẽ có lúc các người sẽ phải trả lời về tội lỗi của các người trước nhân dân.
- Ông Nguyễn Quốc Hoàn: Tôi không có tội.
- Ông Nguyễn Văn Đức Độ: Tôi là nạn nhân của sự lưu manh của cơ quan điều tra.
- Ông Từ Công Nghĩa: Yêu cầu chính quyền cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Chúng tôi vô tội.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh tường thuật chi tiết bất ngờ làm náo loạn tại phiên tòa phúc thẩm là sau khi nghe phần nhận định của tòa rằng không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan, các bị cáo đều vung đôi tay đang bị còng thét lớn “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, “Đả đảo Cộng sản”, át cả tiếng chủ tọa phiên tòa đang tuyên đọc bản án.
Vai trò của truyền thông nhà nước
Đài RFA ghi nhận các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa, những người lên tiếng bảo vệ môi trường…tại Việt Nam thông thường diễn ra một cách chóng vánh và kết thúc với các bản án được định sẵn, mà không ít luật sư trong nước cho là “vô pháp” trong khi truyền thông nhà nước có khi đưa tin, có khi không. Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống trong việc đưa tin tức những phiên tòa như thế này, cựu tù chính trị Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cho biết có hai lý do:
“Lý do thứ nhất là viết theo chỉ đạo. Họ lượt bỏ đi những chi tiết không có lợi cho chính quyền trong các phiên tòa đó và họ cũng cố tình vu cáo vào những người hoạt động bất đồng chính kiến. Họ buộc phải làm như vậy. Còn một nguyên nhân thứ hai nữa là họ không được theo dõi toàn bộ phiên tòa. Ví dụ như các phiên tòa xử Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Trong phiên tòa sơ thẩm, sau khi khai mạc phiên tòa thì các báo có đủ mặt. Nhưng khi phiên tòa diễn ra thì một số báo chí phải đi ra ngoài, chỉ còn có báo của Thông Tấn Xã Việt Nam và của An Ninh thôi. Đặc biệt trong phiên phúc thẩm, sau phần thủ tục của phiên tòa thì còn đủ các báo và xong phần thủ tục thì các báo đi ra hết, ngoại trừ chỉ còn lại Báo An Ninh.”
Nhà báo Nguyễn Văn Hải nói với RFA vào giờ chót trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, ông báo với luật sư bào chữa rằng các trang miền trên blogspot mà tòa dùng để cáo buộc tội ông là hoàn toàn không đúng, và tại phiên toà phúc thẩm, diễn ra hồi ngày 28 tháng 12 năm 2012:
Lý do thứ nhất là viết theo chỉ đạo. Họ lượt bỏ đi những chi tiết không có lợi cho chính quyền trong các phiên tòa đó và họ cũng cố tình vu cáo vào những người hoạt động bất đồng chính kiến. Họ buộc phải làm như vậy. Còn một nguyên nhân thứ hai nữa là họ không được theo dõi toàn bộ phiên tòa
-Nhà báo Nguyễn Văn Hải
“Cả luật sư bào chữa lẫn những lời bào chữa của mình đều không đưa vào bản án và họ đều không nghe. Án bỏ túi mà. Họ lấy trong túi ra đọc thôi. Vụ án đó đặc biệt, nếu mà để báo chí theo dõi thì không thể nào bịt được. Cho nên sau khi làm xong phần thủ tục thì họ đuổi hết báo chí ra ngoài, chỉ còn lại truyền hình của An Ninh thôi.”
Một số độc giả theo dõi thông tin phiên tòa phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Việt Nam trên báo chí nhà nước mà Đài RFA tiếp xúc được, nói rằng sau nghe nghe chúng tôi tường thuật toàn bộ nội dung diễn tiến của phiên tòa, họ mong muốn các cơ quan báo đài tại Việt Nam cần phải đưa tin trung thực và nếu không thì người dân sẽ tẩy chay, vì “một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận giới quan sát tình hình Việt Nam lên tiếng chỉ trích hệ thống công quyền của Hà Nội vi phạm nhân quyền qua các phiên tòa đối với công dân là những người bất đồng chính kiến. Và mới nhất qua phiên tòa phúc thẩm nhóm 5 thành viên của Liên Minh Dân Tộc Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên Facebook rằng “Một vụ án được chính chế độ gọi là ‘đặc biệt nghiêm trọng’ với mức án nặng nề cho các bị cáo, mà Tòa án cấp cao chỉ xử qua loa trong buổi sáng rồi tuyên y án, theo chỉ đạo của ngành an ninh. Ở đâu trên thế giới này thân phận con người và công lý rẻ rúng như vậy?”

Tuesday, March 19, 2019

15 Chuyện Cười #4


15 Chuyện Cười #4
KHÔNG CÔNG BẰNG
Cảnh sát biên phạt một cô gái lái xe vượt đèn đỏ. Cô gái phân bua:
- Thầy đội xét cho: cũng có khi đèn xanh bật nhưng em không chạy, có ai thưởng gì cho em đâu. Sao bây giờ phạt em làm gì?

CŨNG VẬY THÔI
Một cô gái trẻ vừa lập gia đình, người bạn tò mò hỏi cô về cuộc sống mới thế nào. Cô trả lời:
- Tớ thấy cũng như nhau thôi. Thời con gái tớ phải thức đến 12 giờ đêm để tiễn anh ấy về. Còn bây giờ thì cũng phải chờ anh ấy tới 12 giờ đêm mới về.

ĐÀN BÀ GIỎI THẬT
Một bà sau khi cho tiền ông hành khất ở cuối nhà thờ liền hỏi:
"Sao ông ra nông nỗi này, vợ con ông đâu?"
"Thưa bà, vợ tôi chẳng may qua đời rồi ạ. Nếu vợ tôi còn thì tôi đâu đến nông nỗi này ạ"
Bà quay sang ông chồng:
"Thấy chưa, đàn bà là đảm đang lắm. Không có đàn bà là chỉ có nước đi ăn mày. Nhưng khi còn sống bà ấy làm gì hả ông?"
"Thưa nó đi ăn mày thay cho tôi ạ.”

CÓ CÁCH VÀO THIÊN ĐÀNG
(Lưu ý: Đây không phải là cách tốt nhất)
Tư-Đen là môït tay ăn chơi khét tiếng trong làng. Mẹ hắn lo lắng cho phần hồn hắn nên khuyên " Con mà không lo ăn năn tội và bỏ những tính xấu của con thì khó có vào Thiên Đàng". Tư Đen trả lời với mẹ một cách tự tin " Mẹ khỏi lo, con sẽ có cách". Thế rồi ngày tháng trôi qua và Tư Đen qua đời. Linh hồn hắn tốc hành xuống địa ngục ngay khi lìa ra khỏi xác. Chủ cửa địa ngục vừa thấy bóng Tư Đen liền đóng cái "rầm" rồi run lẩy bẩy, hắn lẩm bẩm " Cho thằng này vào đây có môn nát bấy cái địa ngục này".
Tư Đen thấy vậy mỉm cười và mạnh dạn tiến về Thiên Đàng nơi Thánh Phê-Rô và các Thánh đang vui tươi chuyện trò. Vừa thấy bóng hắn, Thánh Phê-Rô chạy ra, dang tay chặn cửa một cách oai phong và quát "Mười điều răn ngươi đã phạm đủ, ngươi không chịu ăn năn và đền tội, ngươi không đủ tiêu chuẩn vào Thiên Đàng".
Tư Đen ung dung móc trong cái bị mà hắn đeo bên cạnh trước khi chết một con gà trống to tướng và bóp vào cổ nó liền hai lần. Con gà trống tức thì cất vang hai tiếng gáy "Ò Ó O…O…Ò Ó O….O" khiến các Thánh phải ngưng mọi việc và hướng về phía Thánh Phê-Rô và tư Đen. Tư Đen đang định bóp cổ con gà lần nữa thì Thánh Phê-Rô hoảng hồn kéo hắn qua một bên rồi thầm thì vào tai hắn " Thôi, thôi sợ cha rồi, vào đi cha, chuyện 2000 năm rồi mà còn nhắc chi nữa cha". Vậy là Tư Đen thành công.

NÓI DỐI
Một chính khách đang trên đường đi vận động tranh cử thì bất chợt bắt gặp một lũ trẻ đang vây quanh một con chó, cãi nhau chí chóe. Ông liền dừng xe, lại gần hỏi chuyện.
Một cậu bé nói:
- Chúng cháu nhặt được con chó này, ai cũng muốn mang về nuôi nên chúng cháu quyết định là đứa nào nói dối giỏi nhất sẽ được nuôi con chó.
- Các cháu không được thi nói dối vì đó là điều tội lỗi. - Nhà chính khách khuyên nhủ. - Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ nói dối và bây giờ cũng vậy...
Bọn trẻ con im lặng một phút rồi cậu bé thở dài:
- Đưa con chó cho ông ấy đi!
  
BỆNH TÌNH
Chăm sóc chồng ốm nặng, cô vợ sụt sùi hỏi:
- Anh thấy trong người thế nào?
Chồng:
- Mấy hôm nay em bớt nói, thần kinh anh đã ổn định dần, đỡ co giật.


GIẦU QUÁ
Nhà giàu than vãn:
Một lão nhà giàu vừa buôn bán vừa cho vay nặng lãi, bóp nặn từng xu, nhưng lại cứ làm ra vẻ ta đây không thích giàu sang. Một hôm lão ngồi than thở với bạn:
- Nhiều của cũng chẳng làm gì! Của càng nhiều càng khổ thân mà thôi.
Người bạn mới bảo:
- Tôi chỉ thấy thiên hạ có của, ít thì mong đựơc nhiều, nhiều lại mong nhiều hơn, chứ chưa thấy ai phàn nàn như ông bao giờ! Hay là nếu ông thấy khổ quá thì chia bớt cho tôi?
Lão vội từ chối:
- Ấy chết! Đâu dám! Tôi có của đã lấy làm khổ rồi, đâu dám làm khổ lây đến ông!

TAI NẠN 
Một vụ tai nạn xảy ra trên đường, có hai người đụng nhau, cảnh sát tới nơi.
Một người la lên:
- Trời ơi tui bị gãy tay rồi nè, mau gọi xe cứu thương đi chứ, anh còn đứng đó làm gì dzậy?
Cảnh sát:
- Ông làm gì mà la lối om sòm dzậy? Thằng cha ở bên kia bị ông đụng tới chết luôn mà hắn có la như ông đâu?!

XEM ĐÁ BANH
Một cậu bé trốn học để đến nhà bạn xem truyền hình trực tiếp trận bóng đá SEA Games 22. Ông bố bắt được, giận quá, kéo cổ lôi về bắt nằm sấp trên giường để đánh đòn. Sau khi kể tội, ông bố vụt cho cậu con 5 roi, rồi bỏ ra hè ngồi hút thuốc lào.
Thấy bố ra ngoài, cậu con len lén đứng dậy định đánh bài chuồn, ông bố quát:
- Cứ nằm im đó, không được đứng dậy!
Cậu bé mếu máo:
- Hu! Hu!... Con tưởng bố đánh xong rồi mà!...
- Hừm! Đấy mới chỉ là hiệp một! Bây giờ nghỉ giải lao để chuẩn bị vào hiệp hai còn ác liệt hơn!

XEM TRIỂN LÃM  
Một bà mẹ dẫn cô con gái khoảng 8 tuổi đi xem triển lãm nghệ thuật. Trong phòng triển lãm gồm có tất cả các tác phẩm về điêu khắc, hội hoạ, nhiếp ảnh .
Khi đi ngang qua một bức tượng khoả thân nam, bé gái kéo bà mẹ dừng lại và chỉ vào cái của quí của bức tượng mà hỏi:
- Mẹ ơi! cái này là cái gì ngộ quá hả mẹ, có cả hai trái ping-pong nữa .
- Đó là một bộ phận trong cơ thể đàn ông thôi con ạ, à mình đi đi con!
- Không! con muốn xem thêm một chút nữa .
- Thôi đi đi con, con ngoan đi, lớn lên thế nào con cũng có được một cái .
- Còn nếu như con không ngoan thì sao hả mẹ ?
- À, nếu như con không ngoan thì con sẽ có ........ nhiều cái.

DẠY CHÓ
 Cô vợ đang dạy con chó đứng bằng hai chân sau, anh chồng ngăn:
- Không được đâu, làm sao mà nó lại chịu nghe em kia chứ?
- Cứ bình tĩnh, rồi sẽ thuần phục thôi mà, lúc đầu anh cũng có chịu nghe em đâu!

ĐIỆN THOẠI CẤP CỨU
Ông chồng đi chơi về khuya, vợ chống nạnh tay lăm lăm chiếc gậy, ông ta vội vàng chạy đến bên máy điện thoại. Bà vợ càng điên tiết:
- A, anh đi cả buổi tối chưa đủ sao, giờ này còn gọi điện thoại con nào hả?!
- Tôi gọi xe cấp cứu ấy mà! Thế không phải mình định cho tôi đi bệnh viện như lần trước ư?

VỎ QUÝT DẦY MÓNG TAY NHỌN
Một đôi vợ chồng đi chèo thuyền. Vốn lo xa, anh chồng bèn dạy vợ cách chèo.
- Em hãy cầm lấy mái chèo. Giả vờ như anh bị một cơn đau tìm bất thình lình, em hãy tự mình đưa thuyền vào bến nhé!
Cô vợ làm theo và thuyền cập bến an toàn. Tối hôm ấy, khi vừa về nhà, thấy anh chồng đang xem tivi, cô vợ nói:
- Anh yêu, giả vờ như em bị một cơn đau tim bất thình lình, anh hãy chuẩn bị bữa tối, dọn bàn ăn và rửa bát nhé!

CHÍ LÝ
  Phóng viên phỏng vấn một cụ già:
- Thưa cụ, xin cụ cho biết vì sao cụ chưa bao giờ có ý định lập gia đình?
- Vô cùng dễ hiểu: Tôi thà suốt đời muốn cái mình không có còn hơn có cái mình không muốn!

ĐEO KÍNH
Bà nọ gọi điện cho bác sĩ
- Tôi cầu xin ngài, bác sĩ! Chồng tôi đang trên đường đến chỗ ông để khám mắt. Xin ông làm ơn đừng cho chồng tôi đeo kính. Cuộc hôn nhân của chúng tôi kể từ 10 năm nay rất là hạnh phúc