Wednesday, November 18, 2015

Úc cần sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á để đương đầu với Trung Quốc



Úc cần sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á để đương đầu với Trung Quốc
Việt Hà, RFA
2015-11-17
Trước những tham vọng của Trung Quốc trong việc khống chế Biển Đông, nhiều nước trong khu vực đã công khai bày tỏ quan ngại, và đều trông mong vào sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực với hy vọng kiềm chế Trung Quốc.
Tiếp tục loạt bài phỏng vấn về an ninh khu vực và căng thẳng Biển Đông trước thềm thượng đỉnh Đông Á, Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc học viện Quốc phòng Úc. Giáo sư Carl Thayer sẽ nói về vai trò của Úc tại khu vực trước sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc và hợp tác Úc - Mỹ.
Trước hết nói về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc tại thượng đỉnh Đông Á sắp diễn ra từ ngày 21 đến 22 tháng 11 tại Malaysia, giáo sư Carl Thayer cho biết:
“Bởi vì Trung quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo và Hoa Kỳ phản ứng với vấn đề tự do hang hải nên những thượng đỉnh cuối năm nay bao gồm thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh  ASEAN với các đối tác sẽ chứng kiến vấn đề biển Đông lại được hâm nóng…
Liên quan đến thượng đỉnh Đông Á, ngay từ trước khi Mỹ tham gia thượng đỉnh này thì họ đã có nghị trình, theo đó vấn đề biển Đông chỉ được đề cập trong các cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo các nước nhưng không thể được đề cập đến trong tuyên bố chung của thượng đỉnh…
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì trong thượng đỉnh lần này vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập đến và Trung Quốc sẽ chống lại và cố gắng làm như Hoa Kỳ là người làm mất ổn định trong khu vực.”
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Việt Hà: Thưa Giáo sư, có thông tin nói rằng Úc đang xem xét cho tàu tham gia việc tuần tra trên biển Đông. Theo ông, với những diễn biến gần đây trên Biển Đông, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Úc hiện nay thế nào?
GS Carl Thayer: 60% hàng hóa của Australia phải đi qua đường biển và đi qua Biển Đông, ngay cả trước khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo thì Australia vẫn luôn có lợi ích quan trọng tại đây và muốn đảm bảo tự do hang  hải và an ninh qua khu vực này.
Bất cứ những xung đột nào tại đây cũng làm cho chi phí bảo hiểm tăng cao và làm gián đoạn thương mại cho Australia.
Australia cũng có nghĩa vụ theo như thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) với Singapore và Malaysia mà theo đó các nước tham gia thỏa thuận này phải hỏi ý kiến nhau và giúp đỡ nhau khi họ gặp những đe dọa về quốc phòng, nhưng chỉ giới hạn với bán đảo Singapore và Malaysia.  Tuy nhiên những cuộc diễn tập của FPDA đã được thực hiện trên biển Đông.
Và cuối cùng là về phía chính phủ Úc, ngay khi nhậm chức thì Thủ tướng mới của Úc cũng đã nói là hành động của Trung QUốc là phản tác dụng.
Chính phủ của Thủ tướng Úc trước và chính phủ Úc  hiện tại đều tin vào tự do hàng hải và luật quốc tế, luôn ủng hộ ASEAN trong vấn đề này, gần như tương đồng với chính sách của Hoa Kỳ là mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế. Tàu và máy bay quân sự của Australia vẫn đi qua khu vực này thường xuyên.

Vài năm trước thì máy bay, tàu của Australia có gặp một số khó khăn với Trung Quốc khi đi qua đây và Australia đã ngay lập tức đã lên tiếng về lập trường của mình và quyền tự do hang hải và sau đó thì không gặp vấn đề gì với Trung Quốc nữa.
Thực tế thì khi tàu của Mỹ đi qua biển Đông thì Australia đang diễn tập bắn đạn thật với Trung Quốc và đã có thông báo công khai là khi tàu của Australia đi về lại Australia thì sẽ đi qua biển Đông nhưng không gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng vì đó là sự xúc  phạm.
Nhưng trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Australia vào năm nay tổ chức ở Boston, phía Hoa Kỳ đã đề nghị một cách không chính thức Úc tham gia vào hoạt động tuần tra trên biển Đông với Mỹ. Australia vẫn duy trì lập trường về tự do hang hải và có thể thực hiện các hoạt động này trong một lúc nào đó do chính Australia lựa chọn nhưng rất có thể là sẽ không nói gì và cứ thế làm.
Vào lúc này, tuần tra chung với Mỹ là không được đặt ra. Nhật Bản cũng đang xem xét vấn đề này.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về quan hệ giữa Trung Quốc và Úc vào lúc này?
GS Carl Thayer:  Cũng giống như là với Mỹ, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn của Australia. Australia đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ cho nên có tranh luận là Australia nên có hai chính sách, một trong số đó là chính sách về kinh tế với Trung Quốc nhưng điều này không còn quá lớn vào lúc này khi kinh tế Trung quốc phát triển chậm lại và do đó nhu cầu về quặng sắt nhập từ Úc giảm, và nhập than của Úc cũng giảm vì Trung Quốc đang tìm cách giảm lượng khí thải.
Thứ hai nữa là chúng tôi cũng muốn Trung Quốc tham gia và chúng tôi vẫn đang làm vậy. Ngoài ra có một vấn đề khác nữa cũng ít người biết vì nó cũng nhỏ thôi nhưng quan trọng đó là thủy quân lục chiến Mỹ định kỳ đến Darwin của Úc, có một số nhỏ trong đó tham gia cùng quân của Úc và Trung Quốc để thực hiện các cuộc diễn tập sống còn tại miền bắc Úc.
Cho nên Úc cũng có suy nghĩ giống như Mỹ là không muốn biến Trung Quốc thành kẻ thù nhưng sẽ kháng cự lại nếu Trung Quốc có hành động gây hấn và không chơi theo luận chơi. Australia giống Mỹ là cố gắng tham gia với Trung Quốc, nói chuyện với lãnh đạo quân đội Trung Quốc để họ có hành động giống như các cường quốc biển khác.
Vai trò cần thiết của Mỹ
Việt Hà: Có những lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành quân sự hóa những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông. Câu hỏi bây giờ là bao giờ mà thôi. Vậy một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây lấp các đảo và tiến hành quân sự hóa khu vực, mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông với Úc sẽ thế nào?
GS Carl Thayer: Không có bất cứ việc gì mà Mỹ đang làm có thể ngăn cản được Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ ở 7 đảo nhân tạo tại biển Đông. Không có gì có thể ngăn cản được việc Trung Quốc từng bước đưa vào các thiết bị quân sự như rada tầm xa, tên lửa chống tàu, tên lửa chống máy bay, đưa tàu vào khu vực này, kết nối các thiết bị với nhau để Trung Quốc có thể có được thông tin ngay lập tức về các hoạt động quân sự tại đây.
Vị trí của Trung Quốc có thể gây sức ép lên đồng minh của Mỹ là Philippines. Họ đã gây khó khăn cho tàu của Philippine hoạt động trong vùng nước của chính Philippines.
Cho nên từng chút từng chút một Trung Quốc sẽ gây sức ép lên Malaysia, Indonesia, Việt Nam để các nước này không gây khó khăn cho Trung Quốc mà làm suy yếu vị thế của Mỹ và của cả Australia. Australia hoạt động hiệu quả nhất khi có Mỹ và Nhật Bản.
Thứ hai nữa là Trung Quốc sẽ có thể kiểm soát đường đi lại của hàng hóa qua Biển Đông. Trung Quốc chưa can thiệp vào tuyến đường này vì thực sự nếu Trung Quốc làm thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhưng Australia và cả những bên không liên quan sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất cứ xung đột nào nổ ra tại đây vì nó ảnh hưởng đến đường đi của hang hóa qua đây. Các tàu chở hàng sẽ phải chuyển hướng và đi đường dài hơn để đến đích của mình.
Điều quan trọng nhất là phải giữ Hoa Kỳ tham gia vào khu vực mà không rút lui, và thấy là những cam kết của Hoa Kỳ phải được chứng minh bằng hành động.
Như giáo sư Joseph Nye Harvard, nguyên Thứ trưởng quốc phòng Mỹ nói thì Hoa Kỳ cung cấp khí Oxy cho an ninh. Chúng ta không cảm thấy điều này vì Hoa Kỳ vẫn ở đó và chúng ta vẫn hưởng khí oxy bình thường, nhưng khi họ không còn ở đó thì chúng ta sẽ cảm thấy ngay. Và vì vậy Australia muốn Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp oxy cho an ninh khu vực.
Làm thế nào để giúp Việt Nam, Philippines?
Việt Hà: Xin ông cho biết là Australia có thể làm gì để giúp các nước như Việt Nam và Philippines trong việc đối phó với sức ép từ Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Thứ nhất đóng góp của Australia là làm cho Australia mạnh để có khả năng để tự vệ và đóng góp cho các đồng minh và có thể hoạt động cùng Hoa Kỳ, có nghĩa là duy trì vũ khí quốc phòng ở tiêu chuẩn cao. Điều này rất quan trọng với Australia và cả với Nhật bản. Australia có chương trình hợp tác quốc phòng.
Australia không giàu khi so sánh về độ lớn của nền kinh tế với Nhật bản hay Mỹ.  Nhưng Australia đã cung cấp tàu đã qua sử dụng cho Philippines và đó là điều mà Nhật cũng đã làm qua vốn ODA…
Nhưng sự giúp đỡ của Australia lớn ở mặt nhân sự. Kể từ khi quan hệ quốc  phòng bắt đầu vào năm 1999 Australia đã đào tạo hơn 2000 nhân sự quốc phòng cho Việt Nam, nhiều hơn bất kể nước nào trên thế giới trong cùng quãng thời gian như Ấn Độ, Nga là những nước cũng giúp đào tào nhân sự quốc phòng cho Việt Nam.
Australia giúp đào tạo về tiếng Anh cho sĩ quan Việt Nam để họ có thể dự các khóa học ở Australia và các nước khác trên thế giới và hiểu được những gì đang diễn ra trong các đối thoại..… tất nhiên là tàu của Australia cũng ghé thăm Việt Nam, và có những trao đổi ở mức thấp với Việt Nam. Nhưng chúng ta phải đặt mọi thứ trong điều kiện là Việt Nam vẫn chưa tiến hành các cuộc tập trận với bất cứ nước nào.
Với Philippines, Australia cũng gửi một số lượng nhỏ quân đến tập trận cùng Philippines và Mỹ trong năm nay. Cả Australia và Philippine đều ký hiệp ước với Mỹ và mọi người đều không để ý nhưng khi đọc các hiệp ước đồng mình với mỹ thì đoạn quan trọng nói về cam kết của Mỹ thì từng chữ một của hai hiệp ước đều giống nhau.
Cho nên điều mà Australia có thể nói với Philippines là một liên minh thì anh cần phải tự biết giúp mình. Có nghĩa là tự hiện đại hóa, đầu tư tiền vào quân đội của mình vì mục đích phòng vệ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, tức là làm cho chính mình trở nên hữu ích trong mối quan hệ đồng mình thay vì đòi hỏi Mỹ làm toàn những việc nặng.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này!


Khủng bố tại Paris hay khủng hoảng Hồi giáo?-NXN



Khủng bố tại Paris hay khủng hoảng Hồi giáo?
Nguyễn Xuân Nghĩa & Nguyên Lam, RFA
2015-11-18

Người dân bỏ chạy hôm xảy ra vụ khủng bố ở Paris vào chiều ngày thứ sáu 13 tháng 11 năm 2015.


Việc thủ đô Paris của Pháp bị khủng bố tấn công và tàn sát hơn trăm người đã gây chấn động toàn cầu và dẫn tới phản ứng chiến tranh của các nước, cũng dữ dội như sau vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001. Mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này tìm hiểu thêm về các nguyên nhân và hậu quả của một biến cố đang làm thay đổi bộ mặt của thế giới.
Gây hậu quả kinh tế kéo dài
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, người ta đang khóc cho thành phố Paris khi hơn một trăm người thiệt mạng trong vũng máu đào và cả nước phải để tang. Người ta đang giận dữ vì hành động tàn ác của quân khủng bố đã gây ra vụ thảm sát nhiều người gọi là điên cuồng. Người ta cũng lo sợ khi nước Pháp, Hoa Kỳ và cả Liên bang Nga đang leo thang chiến tranh và ào ạt không kích trung tâm Raqqa của lực lượng khủng bố đã gây ra những tai họa này. Vì biến cố quá đặc biệt nên tuần này Nguyên Lam xin được tạm gác một bên những băn khoăn về kinh tế mà hỏi ông về những nguyên nhân và hậu qủa của một chuỗi bạo động đang xảy ra trong một khu vực rộng lớn của địa cầu. Câu hỏi, thưa ông, là “tại sao”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xin cám ơn cô Nguyên Lam đã nêu câu hỏi này. Chúng ta nhớ rằng biến cố 9-11, là vụ khủng bố tàn sát tại Hoa Kỳ vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001, đã dẫn tới nhiều đổi thay trên thế giới trong gần 15 năm qua. Sau đó, vụ khủng hoảng tài chính ngày 15 Tháng Chín năm 2008 cũng gây ra hậu quả kinh tế kéo dài từ đó và lan rộng ra toàn cầu cho đến nay. Tuần này, chúng ta chứng kiến một biến cố với ảnh hưởng tương tự cho rất nhiều lĩnh vực trên thế giới. Vì vậy chúng ta cũng nên tạm gác đề tài kinh tế sang một bên khi nhớ rằng kinh tế bị chi phối bởi các yếu tố về an ninh mà tìm hiểu nguyên nhân.
Khi theo dõi kết quả điều tra của nhà chức trách Pháp sau vụ khủng bố ngày Thứ Sáu 13 tại Paris, người ta thấy quân khủng bố đã lập kế hoạch tàn sát tại Syria, tổ chức tại Vương quốc Bỉ và thi hành tại Pháp nhờ làn sóng tỵ nạn đang từ Trung Đông tràn vào Âu Châu.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi hỏi nguyên nhân tại sao thì ta có nhiều câu trả lời từ nhiều giác độ khác nhau. Thí dụ như về chính trị thì nền Cộng hòa Pháp đã sát cánh Hoa Kỳ tham gia chiến dịch giải trừ ảnh hưởng của tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo, ISIS, ISIL, hay Daesh nói theo tiếng Á Rập, từ Tháng Chín năm ngoái. Cho nên ngày nay Pháp bị quân khủng bố trả đũa. Một lý do khác là tuần qua, Chính quyền Liên bang Nga xác nhận điều được các cơ quan an ninh Tây phương lượng định từ trước, rằng phi vụ Metrojet của hàng không dân dụng Nga mà bị nổ tung trên không phận xứ Egypt ngày 31 Tháng 10 làm 224 người thiệt mạng cũng là do nhóm khủng bố này đặt bom. Một thí dụ khác là khi theo dõi kết quả điều tra của nhà chức trách Pháp sau vụ khủng bố ngày Thứ Sáu 13 tại Paris, người ta thấy quân khủng bố đã lập kế hoạch tàn sát tại Syria, tổ chức tại Vương quốc Bỉ và thi hành tại Pháp nhờ làn sóng tỵ nạn đang từ Trung Đông tràn vào Âu Châu. Các thí dụ trên cho thấy ra từng khía cạnh có thể giải thích cái nhân hay cái duyên hoặc từng lý do tại sao. Nhưng câu trả lời có khi đòi hỏi một cái nhìn sâu xa hơn vậy và tôi đề nghị một cách giải thích khác.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, Nguyên Lam cũng đoán như vậy nên mới đề nghị ông Nghĩa trình bày cho một cách giải thích khác. Thưa ông, đó là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đề nghị một cách nhìn trong viễn ảnh trường kỳ. Trong một giai đoạn khá lâu, nền văn minh Á Đông với biểu tượng là Trung Hoa, đã dẫn đầu và thực sự tỏa sáng trên thế giới. Cũng vậy, nền văn minh Hồi giáo với các thành tựu về khoa học và nghệ thuật đã từng gây ảnh hưởng toàn cầu và thật ra có nhiều đóng góp cho nhân loại. Thế rồi nền văn minh Thiên Chúa giáo từ Âu Châu đã thoát ra khỏi khuôn khổ tư duy thời Trung Cổ, một phần cũng vì sức ép của Hồi giáo tại Trung Đông, mà mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại khiến từ 500 năm qua Âu Châu rồi một nhánh Âu Châu là Hoa Kỳ mới là thế lực tạo ra nhiều thay đổi cho thế giới…
Những thay đổi ấy dẫn tới phản ứng từ nhiều nơi khác trên thế giới. Thí dụ như Đế quốc Nga rồi cả Trung Hoa đã áp dụng các học thuyết xuất phát từ Âu Châu để tổ chức lại và tìm ra sức mạnh cạnh tranh và quật khởi chống lại Âu Châu trong thế kỷ 20. Đó là chủ nghĩa cộng sản tại Liên bang Xô viết và Trung Hoa Cộng sản, hoặc chủ nghĩa canh tân theo tinh thần thân dân vì dân của Trung Hoa Dân Quốc đã lật đổ nhà Mãn Thanh. Nói vắn tắt, thế kỷ 20 đã chứng kiến biến cố dữ dội và lâu dài nhất là trận chiến đa diện giữa hai hệ thống lý luận là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản, với kết quả là sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc ngày nay lớn mạnh một phần cũng vì từ bỏ tu tưởng cộng sản và áp dụng kỹ thuật tư bản để xây dựng thế lực cho quốc gia và thách đố lại ảnh hưởng của Tây phương. Qua thế kỷ 21, chúng ta đang chứng kiến phản ứng tương tự của nền văn minh Hồi giáo. Hàng loạt những vụ khủng bố xảy ra từ vài chục năm nay là một biểu hiện của phản ứng đó.
Màu sắc tôn giáo?
Hiện trường vụ khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp tối thứ Sáu 13/11/2015.
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì ông Nghĩa đặt vấn đề khủng bố vào khung cảnh của các nền văn minh lớn trên thế giới. Xin nhờ ông phân tích tiếp.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không quên rằng trong hơn một thế kỷ, nền văn minh Hồi giáo đã từng tranh chấp và gây chiến với văn minh Thiên Chúa giáo và thực tế thống trị một khu vực rộng lớn của ba lục địa Âu, Á, Phi, với Đế quốc Ottoman, đã hiện hữu hơn 600 năm. Đế quốc ấy sụp đổ vào đầu thế kỷ 20 và gây ra một cuộc khủng hoảng trong nền văn minh Hồi giáo. Một trăm năm sau là ngày nay, cuộc khủng hoảng đang gây ra một biến thái nguy hiểm cho Âu Châu.
Trước hết, trong thế giới Hồi giáo đã có cuộc tranh luận về lẽ thịnh suy. Tại sao nền văn minh chói lọi của họ lại bị Tây phương khuất phục? Một số khuynh hướng nhìn ra sức mạnh của Tây phương và cũng học phép canh tân của Tây phương làm sức mạnh cho mình. Điển hình là hiện tượng Mustapha Attaturk của xứ Thổ Nhĩ Kỳ hay Turkey, là mảnh vụn lớn nhất còn lại của Đế quốc Ottoman. Họ xây dựng một quyền lực thế tục với bộ máy quốc gia được tổ chức theo phương pháp Tây phương và trở thành một cường quốc Hồi giáo cho sắc tộc Thổ. Cũng theo khuynh hướng này, nhiều nước Hồi giáo của sắc tộc Á Rập đã xây dựng nhà nước thế quyền, có khi áp dụng kỹ thuật cộng sản để làm sức mạnh, là trường hợp Egypt hay Ai Cập ngày xưa.
Ngược lại, một số khuynh hướng Hồi giáo khác lại lui về quá khứ vàng son của đạo Hồi, tìm sức mạnh trong tôn giáo để tranh đua với nền văn minh Thiên Chúa giáo hay các nước Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ. Khuynh hướng này diễn giải lại đạo Hồi theo cách khắt khe nhất. Trong đạo Hồi, cả hai hệ phái lớn là Sunni và Shia đều thấy xuất hiện xu hướng suy diễn độc đoán như vậy. Từ hệ phái Shia của sắc tộc Ba Tư, ta có Cộng hòa Hồi giáo Iran dưới sự cai trị của các Giáo chủ. Từ hệ phái Sunni, phong trào tự xưng danh là Thánh Chiến hay Jihad mở ra một cuộc chiến mà họ phủ lên trên màu sắc tôn giáo và đang áp dụng phương pháp khủng bố.
Nguyên Lam: Theo cách trình bày của ông Nghĩa thì những gì ta đang chứng kiến từ các hoạt động khủng bố là một phản ứng bạo động của khuynh hướng hồi phục lại sức mạnh của đạo Hồi. Thưa ông, phải chăng là ngay trong hệ thống Hồi giáo đã có ít ra ba phái khác nhau? Xứ Turkey thì tìm sức mạnh ở việc canh tân và hiện đại hóa xứ sở cho dân Thổ. Xứ Iran Hồi giáo của sắc tộc Ba Tư thì tìm sức mạnh trong giáo lý đạo Hồi, nhưng cũng tiếp nhận nhiều kỹ thuật Tây phương, kể cả cách chế bom hạt nhân. Còn nhiều nước Hồi giáo của sắc tộc Á Rập theo hệ phái Sunni lại suy sụp và một số tìm sức mạnh từ đạo Hồi dưới lá cờ Thánh Chiến bằng phương pháp khủng bố.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên để ý rằng trong nền văn minh Hồi giáo, khi họ mạnh thật sự thì không có tinh thần độc đoán tôn giáo mà chấp nhận sống chung với các sắc dân hay tôn giáo khác, thí dụ như khi họ kiểm soát được miền Nam của Âu Châu. Chỉ khi nào suy sụp, phải lui về giáo lý đạo Hồi thì họ mới có tinh thần kỳ thị và ngày nay tinh thần kỳ thị ấy đi tới cao điểm là diễn giải lại kinh sách để chứng minh rằng mọi tôn giáo khác đều là tà đạo, đáng bị tiêu diệt. Đó là hiện tượng khủng bố Al-Qaeda xuất phát từ hệ phái Sunni, với mục tiêu là đưa Hồi giáo theo cách giải thích của họ lên vị trí thống trị tư tưởng của thế giới Hồi gíao để rồi sẽ tiêu diệt Thiên Chúa giáo. Từ lực lượng Al-Qaeda ra, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIL thì có lợi thế địa dư và kinh tế trên đất Syria và Iraq hay Libya thì muốn mở mang lãnh thổ và tái lập Đế quốc Hồi giáo ngày xưa, dưới sự lãnh đạo của một quốc trưởng mà cũng là trưởng giáo, một Khaliph.
Thực chất thì ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng của nền văn minh Hồi giáo, bên trong có cuộc nội chiến giữa hai hệ phái Sunni và Shia. Và bên trong hệ phái Sunni lại còn có cuộc nội chiến giữa hệ thống tư tưởng của Al-Qaeda với hệ thống Đế quốc của tổ chức ISIL. Vì hai cuộc nội chiến ấy, ngần ấy xu hướng đều tìm cách tấn công Tây phương để xây dựng uy thế thần quyền của mình. Và Âu Châu bị oan vì nằm gần khu vực địa dư ấy. Người ta dễ hiểu lầm và tính sai khi chỉ chú trọng đến phương pháp khủng bố của họ.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, hình như cách giải trình của ông Nghĩa khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về cách định danh các lực lượng trong cuộc. Đây không chỉ là một cuộc chiến của các nước chống khủng bố Hồi giáo mà còn có nội dung sâu xa phức tạp hơn vậy. Thưa ông Nghĩa, nếu cũng nhìn từ giác độ mở rộng của các nền văn minh để thấy ra một viễn ảnh dài thì các nước Tây phương phải làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng nền văn minh Thiên Chúa giáo của Tây phương đang bị cuộc khủng hỏang của Hồi giáo đe dọa. Khi các khuynh hướng quá khích của Hồi giáo lui lại tinh thần tôn giáo nhân danh đấng Tiên Tri Muhammad của họ thì Tây phương lại xa rời tôn giáo, coi thường Thượng Đế và đề cao nếp sống tự do, thậm chí phóng túng. Chính nếp sống sa hoa thịnh vượng ấy càng dễ gây phản ứng căm thù. Chỉ cần một phần ngàn của dân số Hồi giáo rơi vào cõi cực đoan thì thế giới cũng có một triệu người sẵn sàng đặt bom tự sát để phá nát Tây phương.
Nhìn về địa dư, kinh tế và văn hóa thì các nước Âu Châu hay cả nền văn minh Thiên Chúa giáo đang lên tới cực điểm, với lý tưởng tự do di trú và định cư trong một khối hội nhập về kinh tế v.v. Nhưng chính lý tưởng ấy đang bị thách đố vì làm các nước khó chống cự, vì nếu muốn chống thì phải phần nào thay đổi các sống và suy nghĩ. Khủng bố là dùng bạo lực mù quáng làm thay đổi cách suy nghĩ và sinh hoạt của đối phương, trong tinh thần đó thì đám cực đoan kia có lợi thế nên cả khối Âu Châu đang cần suy nghĩ lại. Nhưng riêng cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ấy cũng chẳng xây dựng được gì cho đạo Hồi, ngoài thành tích thảm sát. Người Hồi giáo cũng cần suy nghĩ lại.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

Bài tập 5 ngón tay đơn giản để thoát khỏi bệnh tật





Bài tp 5 ngón tay đơn gin
đ
thoát khi bnh tt


Massage ngón tay cái giúp giảm nhức đầu và stress, xoa bóp ngón trỏ để bớt đau nhức cơ bắp, chà xát lòng bàn tay sẽ khỏi buồn nôn.

Mỗi ngón tay của chúng ta được liên kết với một hoặc nhiều cơ quan khác của cơ thể. Massage tay và bài tập ngón tay có thể làm giảm cơn đau ở một số bộ phận cụ thể, giúp bạn bớt sợ hãi, khó chịu, bất an và lo lắng. Dưới đây là những bài tập ngón tay rất tốt cho sức khỏe, theo Boldsky.
Ngón tay cái: Điều trị nhức đầu và stress


Ảnh: Boldsky.

Ngón tay cái có liên quan đến lá lách, dạ dày và cảm xúc của bạn. Nếu cảm thấy nhức đầu hoặc có cảm giác căng thẳng và trầm cảm, hãy giữ ngón tay cái của bạn và ấn nhẹ lên nó. Bạn massage ngón cái nhẹ nhàng, lặp lại quá trình này 3-4 lần hoặc cho đến khi được thư giãn.
Ngón trỏ: Khỏi đau nhức cơ bắp và thất vọng


Ảnh: Boldsky.

Ngón trỏ được cho là có liên quan đến cảm xúc sợ hãi, hoang mang và cơ quan thận. Nghiên cứu cho thấy xoa bóp ngón tay trỏ giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân thận. Ngoài ra, người mắc chứng đau lưng, đau cơ, khó chịu ở chân tay nên làm bài tập ngón tay này để dịu cơn đau.
Ngón giữa: Giảm mệt mỏi và tức giận


Ảnh: Boldsky.

Xoa bóp nhẹ nhàng lên ngón giữa của bạn để giảm đau, viêm, các vấn đề về gan và lưu thông máu. Massage nhẹ ngón giữa cũng giúp bạn bình tĩnh lại nếu đang tức giận và khó chịu. Bạn cảm thấy thoải mái và duy trì huyết áp bình thường khi tập cho ngón giữa.
Ngón áp út: Cải thiện tiêu hóa và suy nghĩ tiêu cực



Ảnh: Boldsky.

Bạn cải thiện các vấn đề về tiêu hóa và những suy nghĩ tiêu cực, tâm trí bối rối bằng cách massage ngón tay áp út. Ấn nhẹ lên ngón tay đeo nhẫn cũng làm giảm đau ngực và các vấn đề về hô hấp. Trong khi làm các bài tập này, bạn cần phải nghỉ ngơi, giữ bình tĩnh và hít thở sâu.
Ngón tay út: Giảm cảm giác sợ hãi và suy nghĩ lo lắng


Ảnh: Boldsky.

Người quá nhạy cảm và suy nghĩ, lo lắng nhiều có thể xoa bóp ngón tay nhỏ để trấn an mình. Tâm trí sẽ rõ ràng, tư duy ổn định khi bạn làm bài tập ngón tay này.
Chà xát lòng bàn tay: Giảm buồn nôn, tiêu chảy và táo bón



Ảnh: Boldsky.

Chà xát lòng bàn tay của bạn nhẹ nhàng bằng chuyển động quay bàn tay kia. Bạn cũng có thể áp hai lòng bàn tay để xoa và hít thở sâu ba lần. Bài tập này làm giảm buồn nôn, căng thẳng và táo bón. Bệnh nhân ung thư đang điều trị nên áp dụng bài tập tay này.
Áp hai bàn tay: Tăng năng lượng, cải thiện lưu lượng máu

Ảnh: Boldsky.

Nhẹ nhàng ấn khu vực trung tâm của lòng bàn tay và các đầu ngón tay của bạn bằng cách đưa bàn tay áp sát nhau. Việc làm này sẽ làm tăng lưu lượng máu đến ruột và thận. Bài tập này cũng sẽ làm tăng sức mạnh cơ thể và sự tự tin.
Thứ hai, 9/11/2015
Linh Nga
_http://suckhoe.vnexpress.ne