Friday, February 20, 2015

‘Mánh’ chơi bài ở Las Vegas-BBC



‘Mánh’ chơi bài ở Las Vegas-BBC
Lindsey Galloway
Với khẩu hiệu ‘Cái gì xảy ra ở Vegas thì ở lại Vegas’, không có gì ngạc nhiên khi Thành phố Tội lỗi này có nhiều bí mật nhất về việc làm thế nào để thắng trên các sòng bạc. Trên trang mạng hỏi đáp Quora, một số người sành sỏi đã phá vỡ quy luật im lặng và chia sẻ một số điều mà các sòng bạc ở Las Vegas không cho bạn biết.
Uống rượu thì chắc chắn sẽ thua bạc
Mặc dù nhiều du khách đến chơi bài ở Vegas có thể nghĩ rằng được uống miễn phí là quyền lợi nhưng việc tiếp bia rượu cho khách là một chiến thuật rất rõ ràng của các sòng bài. “Trừ phi anh có tửu lượng cao, nếu không rượu vào sẽ làm giảm khả năng phán đoán và cảm nhận của anh,” ông Jon Mixon, người lớn lên ở Nevada, nói, “Nếu anh muốn thắng bạc, anh cần phải không đụng tới giọt rượu nào.”
Sòng bạc có lợi thế trong bất cứ trò nào
Những người góp ý trên Quora đều nhắc đi nhắc lại các sòng bạc có lợi thế đối với tất cả các trò chơi của họ nhưng lợi thế này thay đổi tùy trò. Ilya Veygman, một kỹ sư phần mềm ở California, và Jenn Tseng, vốn làm việc trong ngành điều hành khách sạn ở Las Vegas, đồng ý rằng bàn quay roulette là trò có tỷ lệ thắng ít nhất trong các trò chơi trên bàn được ưa thích.
Trò chơi có tỷ lệ thắng cao nhất, theo Don Dawson, một cư dân Las Vegas, là bài xì tố. “Trò nào cũng có lợi cho chủ sòng. Chỉ có bài xì tố là sòng không lấy tiền trực tiếp của người chơi,” ông nói, “Bạn muốn ăn hay thua bao nhiêu là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn và tài chơi bài của bạn.”
Phải đặt tiền tối đa khi chơi máy đánh bạc (slots) để thắng lớn
“Nếu bạn chơi trò slots, không có lý do gì đặt tiền thấp nhất,” Tseng nói. “Đặt tiền nhiều nhất thì mới ăn nhiều nhất.” Số tiền đặt tối đa thường là gấp hai hay ba lần giá đưa ra, ví dụ, số tiền đặt cược tối đa đối với máy 25 cent thường là 50 hay 75 cent.
Các sòng bạc được thiết kế để làm bạn mất phương hướng
Tìm đường đi ra khỏi sòng bạc không phải là điều dễ dàng một khi bạn đã bước vào. “Các sòng bạc đều được thiết kế theo kiểu mê cung,” Veygman nói, “Bạn sẽ lạc vì người ta muốn bạn như thế. Sau đó bạn chụp lấy một chiếc ghế tại một máy đánh bạc hay một sòng xì dzách và rồi xong. Bạn sẽ mất một số tiền vì đánh bạc.
Cũng chính vì lý do đó, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy chiếc đồng hồ nào ở trong các sòng bạc. “Họ không muốn bạn nói rằng: ‘Muộn rồi. Đến lúc về rồi.’,” Garrick Saito, một người sống ở Los Angeles, nói. “Bạn chơi lâu chừng nào thì bạn càng có khả năng thua nhiều chừng đó.”
Thắng rồi đi ngay
Theo tất cả các ý kiến thì cách thực tế duy nhất có thể ăn được tiền tươi từ các sòng bài ở Vegas là biết dừng lại khi bạn đang thắng. “Bạn chỉ có thể thắng được một hai lần trong suốt thời gian chơi,” Mixon nói, “Và khi bạn thắng thì hãy đứng dậy và đi về. Nếu bạn không về thì bạn sẽ thua hết số tiền đã thắng và còn thua nhiều hơn số đó.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.



Hỏi đáp Y học: Viêm mũi dị ứng-Bs Hồ Văn Hiền



Hỏi đáp Y học: Viêm mũi dị ứng-Bs Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Tin liên hệ
20.02.2015
Thính giả Nguyễn Anh Đức ở Việt Nam hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,
Tôi có câu hỏi về sức khoẻ xin Bác sĩ tư vấn giúp.
Ở Việt Nam hiện nay người mắc bệnh viêm mũi rất nhiều, trong đó có tôi. Tôi điều trị khá lâu nhưng không giảm và ngày càng cảm thấy nặng hơn. Bác sĩ ở đây chuẩn đoán viêm mũi dị ứng. Triệu chứng sáng thức dậy nhảy mũi (hắt xì), chảy nước mũi rất nhiều, nghẹt mũi rất khó chịu nhất là vào những ngày trời lạnh.
Toa thuốc tôi đang sử dụng:
  1. Haginat 500 (Cefuroxim), ngày uống 02 lần, mỗi lần 1 viên;
  2. Telfor 180 (Fexofenadin), ngày uống 02 lần, mỗi lần 1 viên;
  3. Prednisolon 5mg (Prednisolone acetate), ngày uống 02 lần, mỗi lần 1 viên.
Xin Bác sĩ tư vấn về bệnh và thuốc uống.
Cảm ơn Bác sĩ nhiều!”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis)
Allergy được dịch là dị ứng. (Al (Hy lạp:allos) có nghĩa là khác, lạ, erg (ergon) là hoạt động). Người bị dị ứng phản ứng một cách khác thường với một chất antigen (kháng nguyên) nào đó, và chất này gọi là allergen, có nghĩa nó gây ra những phản ứng quá mẫn (hypersensitivity reactions) ở người dị ứng.
Những kháng nguyên (antigen) gây ra phản ứng có thể là phấn bông, mốc meo (mold spores), chất bài tiết của các con rận li ti ( các con dust mites trong mền chiếu mà ta chỉ có thể thấy bằng kính hiển vi, chất bài tiết của chúng gây allergy), các vảy li ti của da, lông, và chất bài tiết (animal danders) các thú nuôi trong nhà và luôn cả từ con người cũng là những nguồn bụi protein trong môi trường; mặt khác các protein này là nguồn dinh dưỡng cho các con "mites".
Allergen tiếp xúc với niêm mạc mũi của những người nhạy cảm (atopic individual), làm cơ thể sản xuất các IgE là những kháng thể phụ trách dị ứng, huy động các tế bào đến mũi, tiết ra chất histamine, làm mũi sản xuất ra chất nhớt (mucus), (chảy mũi), sưng (làm nghẹt mũi và ngứa). Nên để ý đến chất histamine này vì những thuốc chống dị ứng sẽ bàn sau có tác dụng chống histamine.
Những phản ứng này có thể làm tắc nghẽn các đường thoát chất nhớt của các xoang mũi làm người bệnh dễ bị viêm xoang mũi (sinusitis). Trong tai của chúng ta có một khoảng trống gọi là tai giữa (middle ear) nằm giữa màng nhĩ (tympanic membrane) và tai trong (inner ear). Có một cái ống nối miệng với hai tai giữa, đem không khí vào tai giữa, giữ cho thoáng (ventilation). Người bị dị ứng mũi, hai các ống này có thể bị nghẹt lại. Áp suất trong tai giữa giảm xuống làm người bệnh thấy lùng bùng tai. Hoặc trẻ con có thể dễ bị nhiễm trùng tai giữa (middle ear infection) vì dị ứng mũi cộng thêm các chứng đi kèm như adenoid (phía sau mũi) hoặc hạnh nhân (tonsils) quá lớn.
Định bệnh: nước mũi trong (không có mủ), niêm mạc trong mũi sưng và tái, mắt chảy nước, đỏ mắt (do dị ứng). Hội bác sĩ tai mũi họng Mỹ khuyên nên thử dị ứng (thử ngoài da hoăc đo mức kháng thể IgE trong máu), nên tránh chụp X quang nếu chỉ nghi mũi dị ứng.(1)
Những thuốc trị bệnh này:
  1. Hiện nay thuốc hiệu nghiệm nhất là các corticosteroid (corticoit) dưới dạng xịt mũi. Tên thương mại ở Mỹ là Nasonex, Flonase, Rhinocort, Nasacort. Thường lúc sơ khởi xịt một hoặc hai cái vào mỗi bên mũi, hai ba lần mỗi ngày. Ba bốn ngày sau, khi triệu chứng đã giảm, bớt lại liều thuốc còn xịt một cái mỗi bên, một lần mỗi ngày. Vì corticoit là một loại thuốc mạnh và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của các em bé, chúng ta nên tránh dùng ở trẻ em quá nhỏ, cẩn thận liều lượng và đừng dùng quá nhiều vì sốt ruột. Tuy nhiên theo kiến thức hiện nay, thuốc xịt vào mũi không hấp thụ vào máu ở mức đáng kể và có vẻ an toàn dưới sự giám sát của bác sĩ điều trị. Dùng thuốc lâu dài, quá liều quy định có khả năng thuốc ảnh hưởng đến mắt, gây cườm mắt (glaucoma, cataract) nhất là ở người già. (2)
Hiện nay thuốc corticoid xịt mũi duy nhất bán không cần toa là Nasacort. (Nasacort OTC)
  1. Những thuốc chống histamine (antihistaminic) như Benadryl (diphenhydramine). Benadryl tốt và an toàn cho trẻ con nhưng có thể gây buồn ngủ và phải uống nhiều lần trong ngày. Một số thuốc mới hơn nhưng đắt tiền hơn (second generation H1 histamine antagonist), không làm buồn ngủ: Claritin (loratadine), Allegra (fexofenadine), Zyrtec (cetirizine, hơi buồn ngủ) có thể chỉ cần uống một hai lần mỗi ngày, và trẻ con dùng được. Loratadine ở dạng xy rô, viên tan trên lưỡI, viên tác dụng 24 giờ, bán tự do ở Mỹ. Tôi đoán là các thuốc này lại càng dễ mua hơn nữa tại Việt Nam, tuy nhiên tên thương mại có thể khác. Một số thuốc giúp bớt nghẹt mũi (decongestant) như pseudoephedrine và phenylpropanolamine có thể được dùng thêm lúc cần thiết để cho bệnh nhân bớt khó chịu và dễ thở hơn. Có thể dùng riêng như syrup hoặc viên nhai Sudafed, hoặc kết hợp với các chất kháng histamine như trong Dimetapp, Claritine D, Allegra D (D là viết tắt của decongestant).
Một số thuốc nhỏ mũi để bớt nghẹt nhanh chóng như Neosynephrine, Afrin chỉ nên dùng ngắn hạn vì dùng lâu dài sẽ làm mũi nghẹt nặng hơn nữa vì các mạch máu nở lớn thêm (rebound vasodilation).
  1. Thuốc kháng histamine xịt mũi (như Astelin [azelastine], Patanase [olopatadine]), không hữu hiệu bằng các corticoid xịt mũi, có thể đắt tiền hơn.
  1. Một loại thuốc nhỏ mũi an toàn là Cromolyn nasal solution (4%) có thể dùng để ngăn ngừa các triệu chứng, xịt mỗi bên mũi một, hai cái, 3-6 lần một ngày, nhiều lần nên cũng khá bất tiện.
  1. Thuốc chống leukotriene như montelukast (Singulair) đắt tiền, có thể giúp ích trong trường hợp khó trị.
  1. Ngoài ra bs có thể thử phản ứng ngoài da (skin tests), đo mức kháng thể IgE tương ứng với những chất nghi là kháng nguyên (như phấn bông, con gián, chó, mèo, v..v) và nếu thấy cần thiết chích vào da những liều lượng rất nhỏ các kháng sinh (antigen, như phấn bông, bụi..) qua nhiều tháng, năm để cơ thể người bệnh làm quen với các chất đó và giảm khả năng dị ứng với chúng.
Những ý niệm trên hy vọng có thể giúp thính giả hiểu những nguyên tắc chung mà BS dùng lúc chữa bệnh dị ứng mũi bằng thuốc men, và do đó có thể hỏi BS về những điều mình muốn biết.
Bệnh này thường mạn tính, kéo dài. Bệnh có thể chỉ là một phiền toái nhỏ, nếu tránh các chất gây dị ứng (allergen), các nơi nhiều kháng nguyên (antigens) thì các triệu chứng giảm đi nhiều. Nếu không tránh được, những thuốc chống dị ứng phổ biến như loratadine (Claritin), cetirizine (Zyrtec)) rẻ tiền và dễ mua tự do, ít phản ứng phụ. Tuy nhiên, những trường hợp nặng, có biến chứng như viêm xoang, chảy máu mũi liên tục, tái hồi, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự ăn, bú (của các em bé), cần được bác sĩ chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng.Chữa trị có kết quả tốt có thể giúp phẩm chất đời sống thoải mái hơn (không ngứa ngáy, dụi mũi, hít hà liên miên, không há miệng thở lúc ngủ làm ngủ không ngon, thở bằng miệng (mouth breathing) có thể làm hô răng (malocclusion), và không phải đợi lúc biến chứng như viêm xoang mũi, viêm tai giữa, mất thính giác mới cho uống thuốc.
  1. Ngoài ra cũng nên để ý tới môi trường sống và tránh những yếu tố gây dị ứng mũi hay làm mũi khó chịu (irritant) như:
  • vệ sinh nơi nhà ở, phòng ngủ.
  • thú nuôi trong nhà: chó, mèo, chim (pets),
  • giường chiếu bụi bặm,
  • cây kiểng,
  • chỗ ẩm thấp có thể dễ mốc meo
  • các chất hóa học, phân bón, xăng nhớt, đồ xịt chùi bàn ghế, thuốc sát trùng
  • nấu nướng nhiều trong nhà gây khói, các hơi từ chất đốt,
  • người lớn hút thuốc lá,
  • garage, xe gắn máy nổ thong với nhà chính.
Những yếu tố môi trường này rất quan trọng trong việc gây ra bệnh hoặc làm bệnh nặng hơn, từ dị ứng mũi cho đến những bệnh đi kèm như hen suyễn (asthma), viêm phế quản, sưng tai giữa (otitis media).
  1. Cefuroxime là thuốc kháng sinh được dùng nếu bác sĩ nghĩ rằng có nhiễm trùng; Prednisone là thuốc corticoid, làm giảm viêm nhưng cũng có thể gây lở loét bao tử hay ruột, dùng lâu làm giảm sức đề kháng của cơ thể, làm cơ thể giữ nước nhiều hơn, lên cân. Do đó hiện nay, người ta ưa chọn những corticoid xịt vào mũi, vì loại này không có, hoặc có ít tác dụng trên toàn thân (systemic effect).
Chúc quý vị thính giả may mắn.

Thursday, February 19, 2015

Hỏi đáp Y học: Đau liệt nửa người-Bs Hồ Văn Hiền



Hỏi đáp Y học: Đau liệt nửa người-Bs Hồ Văn Hiền
14.02.2015


Thính giả Minh Nguyễn ở Âu châu hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,

Xin Bác sĩ vui lòng chuẩn đoán và tư vấn chữa trị bệnh đau liệt nửa người.

Tôi là bệnh nhân nam 35 tuổi sống ở châu Âu, cao 1mét 62, nặng 82kg, mập, làm việc tiếp xúc máy tính nhiều, không bị áp lực. Huyết áp tay phải: 148/96/79, tay trái: 136/86/78, đường là 5.0

Cách đây 7 tháng, trong lúc đang khiêng vật nặng tôi nghe tiếng “phặc phặc” ở cổ trái. Sau đó gây ra các biến chứng sau, tê nhức như thiêu đốt ở cổ trái, lan xuống cẳng tay trái, bàn tay trái, 2 ngón tay trái, rồi đau lan dần xuống cột sống lưng trái, chân trái, lòng bàn chân trái, rồi tiếp tới đau lên đỉnh đầu trái. Sau đó mi mắt trái bị giựt, thị lực yếu hẳn đi, đi đứng mất thăng bằng, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại xoay cổ rất khó khăn, khớp vai tay trái rất đau, có triệu chứng như đau tim.

Rồi sau đó, đi khám bệnh bị chuẩn đoán cao huyết áp, mà huyết áp 2 tay không đều nhau, huyết áp tay phải luôn cao hơn tay trái. Uống thuốc trợ huyết áp thì bị đau đầu chóng mặt, nhói tim nên phải ngừng.

Khi đi chụp X-ray, và MRI cổ, chẩn đoán bình thường, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.

Tôi đã cố đi fysio, massage, châm cứu, uống thuốc đông y mà không đỡ.
Các bác sĩ tây bên này đều không tìm ra nguyên nhân, làm tôi tinh thần vô cùng suy sụp, đau nhức mà không ngủ được, mà tại sao chỉ bị đau nửa người bên trái.

Xin Bác sĩ chẩn đoán tôi đang bị triệu chứng gì, có phải trật đĩa đệm cột sống cổ gây chèn dây thần kinh không, hay bị đứt dây chằng cột sống cổ không. Bác sỹ có thể tư vấn các biện pháp để điều trị.

Chân thành cám ơn Bác sĩ và mong nhận tin của Bác sĩ.

Minh Nguyễn
Từ châu Âu.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời về chứng đau nửa người, mờ mắt bên trái, và sai biệt giữa áp huyết phải và trái.
Tôi xin bàn về câu hỏi của ông Minh Nguyễn với sự dè dặt thường lệ. Xin nhấn mạnh là chúng ta không định bệnh trong diễn đàn này và mọi ý kiến đều có tính cách thông tin, hầu giúp chúng ta cùng học hỏi thêm về cơ thể và bảo vệ sức khoẻ nói chung. Nền y tế hiện nay rất phức tạp, mục đích của chúng ta là giúp bệnh nhân "xoay trở" ("navigate") trong “mê hồn trận” các ngành, chuyên khoa của y học. Xin nói rõ là những nhận xét này không áp dụng cho một trường hợp cá biệt nào cả.
1.    Câu trả lời ngắn về chứng đau nửa người và mờ mắt bên trái: trong những trường hợp có triệu chứng thần kinh phức tạp, bệnh nhân nên đem toàn bộ hồ sơ và thuốc men của mình đến gặp bác sĩ gia đình hay nội thương có thì giờ để xét lại toàn bộ hoàn cảnh bệnh lý của mình. Theo hướng dẫn của của bác sĩ gia đình, tìm đến:
•    Bác sĩ chỉnh hình (orthopedist); ví dụ xem xương sống có đối xứng hay không, hai hạ chi có bằng nhau không vì chân dài chân ngắn có thể là bệnh nhân ở tư thế bất quân bình và đau một nửa người. Người ngồi làm việc máy tính nhiều ở thế không thích hợp có thể gây ra đau lưng, nhức đầu, nhức tay một bên.
•    Bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist) giỏi, ở một trung tâm lớn với cơ hội hội chẩn, đặc biệt là với các bác sĩ chuyên về thần kinh mắt (neuro-ophthalmology ) và những người chuyên về khoa hình ảnh (imaging). [ "Bác sĩ quang tuyến"= radiologist]. Ngành quang tuyến có ngành chuyên sâu về thần kinh- neuroradiology; diễn giải kết quả MRI não bộ rất tuỳ thuộc vào khả năng người đọc.
2.    Về câu hỏi về sai biệt giữa kết quả đo áp huyết máu giữa hai cánh tay, trong một khảo cứu do Đại học Havard, 3.400 người nam và nữ trên 40 tuổi không có bệnh tim, trung bình khác biệt là 5 đơn vị (mmHg). Chừng 10% người tham dự có khác biệt trên 10 đơn vị, và đáng chú ý là những người này có cơ nguy bị bệnh tim mạch (đau tim, đột truỵ) hơn những người kia (risk tăng 38%). Người ta nghĩ rằng sự sai biệt quá lớn (trên 10%) chứng tỏ một bên có động mạch bị các mảng xơ vữa làm nghẽn và cứng hơn bên kia, chứng tỏ có xơ vữa ở động mạch chạy lên đầu và động mạch nuôi tim.
•    Nếu áp huyết cao, nên căn cứ trên số bên cánh tay có áp huyết cao hơn để điều trị và theo dõi.
•    Nên ăn uống cẩn thận, tập thể dục, tránh thuốc lá để giảm hơn nữa cơ nguy bệnh tim mạch, dù là hiện tại không có bệnh về tim mạch.
Sau đây chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về chứng đau nửa người và mờ mắt bên trái.
Trước hết chúng ta sẽ bàn sơ qua về cách tổ chức hệ thần kinh phụ trách về cảm nhận đau. Trong da chúng ta có những bộ phận cảm biến (sensors). Lúc bị đâm, cắt, đè, nóng những bộ phận này gởi về óc (não bộ) những tín hiệu điện được truyền dẫn qua các dây thần kinh (nerves, nerfs) đi từ da vào tuỷ sống (spinal cord; moelle epiniere), đi ngược lên óc, tập trung vào một bộ phận nằm dưới võ não tên là thalamus, sau đó tín hiệu chạy tiếp lên vỏ não (cortex) là nơi phụ trách phần cảm giác ý thức của chúng ta. Điều quan trọng, các dây từ bên nửa thân mình trái đi qua phía bên phải của não (right brain) và dây từ thân bên phải đi quá phía bên trái (left brain) của não.
Ví dụ người bệnh thấy đau ở bàn chân trái lúc đạp cái đinh, tín hiệu sẽ đi theo sợi thần kinh S1 (S= sacrum, xương thiêng), vào tuỷ sống, đi băng qua bên phải tuỷ sống, chạy ngược lên cuống não phải, đi vào thalamus phải. Nếu người đó bị tổn thương ở bàn tay trái, các rễ thần kinh C7-C8 cũng đi dọc theo cánh tay, vào tuỷ sống ở mức xương sống C7-C8, băng qua phía bên phải và chạy dọc theo cuống não, vào thalamus bên phải. Do đó, giải thích hợp lý tất cả các triệu chứng để chúng ăn khớp với nhau rất khó; để giải thích triệu chứng đau của thính giả (chỉ đau bên trái thân thể), bác sĩ phải nghĩ đến một cơ chế (bệnh) gì đó:
1.    Có khả năng làm hư hại, làm khó chịu hay ảnh hưởng đến các rễ thần kinh từ cổ từ trên (C2, làm cho đau đỉnh đầu bên trái) tuốt xuống S2 (phụ trách bàn chân).
2.    Mà thêm nữa bệnh đó chỉ có một bên nửa người thôi. Ví dụ, nếu các rễ thần kinh cổ (cervical ) là thủ phạm, thì chúng không thể gây đau ở chân được.
3.    Thêm nữa, MRI và quang tuyến xương sống cổ lại bình thường. Ngoài ra còn có những triệu chứng thần kinh khác như ông nói:”.Sau đó mi mắt trái bị giựt, thị lực yếu hẳn đi, đi đứng mất thăng bằng, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng”.
Nếu muốn giải thích tất cả các triệu chứng này, chỉ có thể tìm một nguyên nhân đâu đó ở vùng thalamus trở lên, hoặc một nguyên nhân ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh. Do đó bác sĩ chuyên khoa mà ông cần gặp là bác sĩ thần kinh (neurologist) và có lẽ bs thần kinh sẽ ra lệnh phương tiện định bệnh có ích nhất là MRI của não bộ. Bác sĩ có thể sẽ bàn với ông về những khả năng của các bệnh sau đây:
1.    Bệnh multiple sclerosis (MS), có thể gây những triệu chứng thần kinh rất khó chẩn đoán cũng như triệu chứng ở mắt.
Mắt bị mờ (blurred vision) có thể do viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis); có thể là triệu chứng đầu tiên của một bệnh của hệ thần kinh (nervous system), bao gồm bộ óc và tuỷ sống. Trong bệnh multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), các tế bào phòng thủ hệ miễn dịch (immune system) có thể tấn công luôn chất myelin trong não bộ và tuỷ xương sống, tạo nhiều hư hại, trong vùng chất trắng (white matter) cũng như chất xám (grey matter) của bộ não và gây những triệu chứng thần kinh như mất khả năng trí tuệ (loss of cognitive abilities), mệt mỏi (fatigue), chóng mặt, trầm cảm (depression), liệt các cơ của cơ thể (paralysis).
Bệnh này gọi là multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), nhưng xin chú ý đây không nói về xơ cứng xương khớp, mà từ "xơ cứng" (sclerosis) được các bs giải phẫu học thế kỷ thứ 19 dùng để mô tả những mảng (plaque) mô sờ cưng cứng như mô thẹo, rải rác trong não bộ và tuỷ sống bệnh nhân lúc giải phẫu tử thi (multiple =đa; sclerosis, từ latinh có nghĩa là thẹo [scar].)
Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng (MS) dựa trên các tiêu chuẩn:
-    Bằng chứng khách quan chứng minh có 2, hoặc nhiều hơn, dấu hiệu tổn thương ở não bộ hoặc tuỷ sống
-    Các dấu hiệu này trải dài trong thời gian và không gian: có nghĩa là các tổn thương xảy ra trên hai vùng khác nhau của hệ thần kinh trung ương, và cách nhau trên 3 tháng.
Trong 10 năm qua, chữa trị bệnh MS đã cải thiện hơn nhiều, nhờ những thuốc mới được dùng ngay sau khi bệnh nhân được xác nhận là mắc bệnh đa xơ cứng (MS), và các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh (imaging) bằng MRI, tuy chúng ta vẫn cần những liệu pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn. Hiện nay, FDA công nhận 5 thứ thuốc gọi là immunomodulators (thuốc điều hoà hệ miễn nhiễm) được dùng cho MS: gồm những thuốc interferon beta 1-a, và 2 thuốc glatiramer và mitoxantrone. Đều là thuốc chích, từ mỗi ngày cho đến mỗi tháng. Giá thuốc từ 1.000 đến 1.500 đô la Mỹ mỗi tháng.
2.    Bệnh đau lan toả một bên liên hệ với nhiễm siêu vi Herpes simplex (Widespread Unilateral Pain Associated with Herpes Simplex Infection). Những bệnh nhân này đau một bên người, gây ra do dây thần kinh bị bệnh, tái hồi, cứ mỗi lần nhiễm herpes ở miệng hay bộ phận sinh dục, hoặc ở thần kinh trung ương. MRI và não điện đồ vẫn bình thường(1)
3.    Những bệnh gây đau mãn tính nhưng y giới chưa hiểu rõ; như Fibromyalgia (Đau mô sợi và cơ), tuy nhiên bệnh này thường đau đối xứng hai bên; bệnh đau mãn tính do vi khuẩn bệnh Lyme gây ra.
Nếu muốn định bệnh chính xác, có thể cần ý kiến của các bác sĩ chuyên về mắt (neuro-ophthalmology), quang tuyến thần kinh (neuroradiology), bác sĩ chuyên về phong thấp (rheumatologist), chỉnh hình, bác sĩ chuyên về miễn nhiễm học (immunology). Nếu vẫn không tìm ra nguyên nhân, hay nguyên nhân không chữa được và cơn đau kéo dài, bác sĩ thần kinh có thể cần cộng tác với các chuyên viên về "quản lý đau" (pain management), chuyên viên dinh dưỡng (có thể cần vitamin B,vitamin D) và có thể cần đến bác sĩ tâm thần, tâm lý gia để giải quyết khía cạnh tâm thần của các trường hợp khó (như khía cạnh trầm cảm).
Chúc bệnh nhân may mắn.
References:
1.    Kallio-Laine K.
Widespread Unilateral Pain Associated With Herpes Simplex Virus Infections
http://www.jpain.org/article/S1526-5900%2808%2900419-7/abstract
2.    http://www.health.harvard.edu/blog/big-arm-arm-difference-blood-pressure-linked-higher-heart-attack-risk-201403057064
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.
Tin liên hệ