Thursday, February 19, 2015

Hỏi đáp Y học: Đau liệt nửa người-Bs Hồ Văn Hiền



Hỏi đáp Y học: Đau liệt nửa người-Bs Hồ Văn Hiền
14.02.2015


Thính giả Minh Nguyễn ở Âu châu hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,

Xin Bác sĩ vui lòng chuẩn đoán và tư vấn chữa trị bệnh đau liệt nửa người.

Tôi là bệnh nhân nam 35 tuổi sống ở châu Âu, cao 1mét 62, nặng 82kg, mập, làm việc tiếp xúc máy tính nhiều, không bị áp lực. Huyết áp tay phải: 148/96/79, tay trái: 136/86/78, đường là 5.0

Cách đây 7 tháng, trong lúc đang khiêng vật nặng tôi nghe tiếng “phặc phặc” ở cổ trái. Sau đó gây ra các biến chứng sau, tê nhức như thiêu đốt ở cổ trái, lan xuống cẳng tay trái, bàn tay trái, 2 ngón tay trái, rồi đau lan dần xuống cột sống lưng trái, chân trái, lòng bàn chân trái, rồi tiếp tới đau lên đỉnh đầu trái. Sau đó mi mắt trái bị giựt, thị lực yếu hẳn đi, đi đứng mất thăng bằng, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại xoay cổ rất khó khăn, khớp vai tay trái rất đau, có triệu chứng như đau tim.

Rồi sau đó, đi khám bệnh bị chuẩn đoán cao huyết áp, mà huyết áp 2 tay không đều nhau, huyết áp tay phải luôn cao hơn tay trái. Uống thuốc trợ huyết áp thì bị đau đầu chóng mặt, nhói tim nên phải ngừng.

Khi đi chụp X-ray, và MRI cổ, chẩn đoán bình thường, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân.

Tôi đã cố đi fysio, massage, châm cứu, uống thuốc đông y mà không đỡ.
Các bác sĩ tây bên này đều không tìm ra nguyên nhân, làm tôi tinh thần vô cùng suy sụp, đau nhức mà không ngủ được, mà tại sao chỉ bị đau nửa người bên trái.

Xin Bác sĩ chẩn đoán tôi đang bị triệu chứng gì, có phải trật đĩa đệm cột sống cổ gây chèn dây thần kinh không, hay bị đứt dây chằng cột sống cổ không. Bác sỹ có thể tư vấn các biện pháp để điều trị.

Chân thành cám ơn Bác sĩ và mong nhận tin của Bác sĩ.

Minh Nguyễn
Từ châu Âu.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời về chứng đau nửa người, mờ mắt bên trái, và sai biệt giữa áp huyết phải và trái.
Tôi xin bàn về câu hỏi của ông Minh Nguyễn với sự dè dặt thường lệ. Xin nhấn mạnh là chúng ta không định bệnh trong diễn đàn này và mọi ý kiến đều có tính cách thông tin, hầu giúp chúng ta cùng học hỏi thêm về cơ thể và bảo vệ sức khoẻ nói chung. Nền y tế hiện nay rất phức tạp, mục đích của chúng ta là giúp bệnh nhân "xoay trở" ("navigate") trong “mê hồn trận” các ngành, chuyên khoa của y học. Xin nói rõ là những nhận xét này không áp dụng cho một trường hợp cá biệt nào cả.
1.    Câu trả lời ngắn về chứng đau nửa người và mờ mắt bên trái: trong những trường hợp có triệu chứng thần kinh phức tạp, bệnh nhân nên đem toàn bộ hồ sơ và thuốc men của mình đến gặp bác sĩ gia đình hay nội thương có thì giờ để xét lại toàn bộ hoàn cảnh bệnh lý của mình. Theo hướng dẫn của của bác sĩ gia đình, tìm đến:
•    Bác sĩ chỉnh hình (orthopedist); ví dụ xem xương sống có đối xứng hay không, hai hạ chi có bằng nhau không vì chân dài chân ngắn có thể là bệnh nhân ở tư thế bất quân bình và đau một nửa người. Người ngồi làm việc máy tính nhiều ở thế không thích hợp có thể gây ra đau lưng, nhức đầu, nhức tay một bên.
•    Bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist) giỏi, ở một trung tâm lớn với cơ hội hội chẩn, đặc biệt là với các bác sĩ chuyên về thần kinh mắt (neuro-ophthalmology ) và những người chuyên về khoa hình ảnh (imaging). [ "Bác sĩ quang tuyến"= radiologist]. Ngành quang tuyến có ngành chuyên sâu về thần kinh- neuroradiology; diễn giải kết quả MRI não bộ rất tuỳ thuộc vào khả năng người đọc.
2.    Về câu hỏi về sai biệt giữa kết quả đo áp huyết máu giữa hai cánh tay, trong một khảo cứu do Đại học Havard, 3.400 người nam và nữ trên 40 tuổi không có bệnh tim, trung bình khác biệt là 5 đơn vị (mmHg). Chừng 10% người tham dự có khác biệt trên 10 đơn vị, và đáng chú ý là những người này có cơ nguy bị bệnh tim mạch (đau tim, đột truỵ) hơn những người kia (risk tăng 38%). Người ta nghĩ rằng sự sai biệt quá lớn (trên 10%) chứng tỏ một bên có động mạch bị các mảng xơ vữa làm nghẽn và cứng hơn bên kia, chứng tỏ có xơ vữa ở động mạch chạy lên đầu và động mạch nuôi tim.
•    Nếu áp huyết cao, nên căn cứ trên số bên cánh tay có áp huyết cao hơn để điều trị và theo dõi.
•    Nên ăn uống cẩn thận, tập thể dục, tránh thuốc lá để giảm hơn nữa cơ nguy bệnh tim mạch, dù là hiện tại không có bệnh về tim mạch.
Sau đây chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về chứng đau nửa người và mờ mắt bên trái.
Trước hết chúng ta sẽ bàn sơ qua về cách tổ chức hệ thần kinh phụ trách về cảm nhận đau. Trong da chúng ta có những bộ phận cảm biến (sensors). Lúc bị đâm, cắt, đè, nóng những bộ phận này gởi về óc (não bộ) những tín hiệu điện được truyền dẫn qua các dây thần kinh (nerves, nerfs) đi từ da vào tuỷ sống (spinal cord; moelle epiniere), đi ngược lên óc, tập trung vào một bộ phận nằm dưới võ não tên là thalamus, sau đó tín hiệu chạy tiếp lên vỏ não (cortex) là nơi phụ trách phần cảm giác ý thức của chúng ta. Điều quan trọng, các dây từ bên nửa thân mình trái đi qua phía bên phải của não (right brain) và dây từ thân bên phải đi quá phía bên trái (left brain) của não.
Ví dụ người bệnh thấy đau ở bàn chân trái lúc đạp cái đinh, tín hiệu sẽ đi theo sợi thần kinh S1 (S= sacrum, xương thiêng), vào tuỷ sống, đi băng qua bên phải tuỷ sống, chạy ngược lên cuống não phải, đi vào thalamus phải. Nếu người đó bị tổn thương ở bàn tay trái, các rễ thần kinh C7-C8 cũng đi dọc theo cánh tay, vào tuỷ sống ở mức xương sống C7-C8, băng qua phía bên phải và chạy dọc theo cuống não, vào thalamus bên phải. Do đó, giải thích hợp lý tất cả các triệu chứng để chúng ăn khớp với nhau rất khó; để giải thích triệu chứng đau của thính giả (chỉ đau bên trái thân thể), bác sĩ phải nghĩ đến một cơ chế (bệnh) gì đó:
1.    Có khả năng làm hư hại, làm khó chịu hay ảnh hưởng đến các rễ thần kinh từ cổ từ trên (C2, làm cho đau đỉnh đầu bên trái) tuốt xuống S2 (phụ trách bàn chân).
2.    Mà thêm nữa bệnh đó chỉ có một bên nửa người thôi. Ví dụ, nếu các rễ thần kinh cổ (cervical ) là thủ phạm, thì chúng không thể gây đau ở chân được.
3.    Thêm nữa, MRI và quang tuyến xương sống cổ lại bình thường. Ngoài ra còn có những triệu chứng thần kinh khác như ông nói:”.Sau đó mi mắt trái bị giựt, thị lực yếu hẳn đi, đi đứng mất thăng bằng, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng”.
Nếu muốn giải thích tất cả các triệu chứng này, chỉ có thể tìm một nguyên nhân đâu đó ở vùng thalamus trở lên, hoặc một nguyên nhân ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh. Do đó bác sĩ chuyên khoa mà ông cần gặp là bác sĩ thần kinh (neurologist) và có lẽ bs thần kinh sẽ ra lệnh phương tiện định bệnh có ích nhất là MRI của não bộ. Bác sĩ có thể sẽ bàn với ông về những khả năng của các bệnh sau đây:
1.    Bệnh multiple sclerosis (MS), có thể gây những triệu chứng thần kinh rất khó chẩn đoán cũng như triệu chứng ở mắt.
Mắt bị mờ (blurred vision) có thể do viêm dây thần kinh thị giác (optic neuritis); có thể là triệu chứng đầu tiên của một bệnh của hệ thần kinh (nervous system), bao gồm bộ óc và tuỷ sống. Trong bệnh multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), các tế bào phòng thủ hệ miễn dịch (immune system) có thể tấn công luôn chất myelin trong não bộ và tuỷ xương sống, tạo nhiều hư hại, trong vùng chất trắng (white matter) cũng như chất xám (grey matter) của bộ não và gây những triệu chứng thần kinh như mất khả năng trí tuệ (loss of cognitive abilities), mệt mỏi (fatigue), chóng mặt, trầm cảm (depression), liệt các cơ của cơ thể (paralysis).
Bệnh này gọi là multiple sclerosis ( MS) (đa xơ cứng), nhưng xin chú ý đây không nói về xơ cứng xương khớp, mà từ "xơ cứng" (sclerosis) được các bs giải phẫu học thế kỷ thứ 19 dùng để mô tả những mảng (plaque) mô sờ cưng cứng như mô thẹo, rải rác trong não bộ và tuỷ sống bệnh nhân lúc giải phẫu tử thi (multiple =đa; sclerosis, từ latinh có nghĩa là thẹo [scar].)
Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng (MS) dựa trên các tiêu chuẩn:
-    Bằng chứng khách quan chứng minh có 2, hoặc nhiều hơn, dấu hiệu tổn thương ở não bộ hoặc tuỷ sống
-    Các dấu hiệu này trải dài trong thời gian và không gian: có nghĩa là các tổn thương xảy ra trên hai vùng khác nhau của hệ thần kinh trung ương, và cách nhau trên 3 tháng.
Trong 10 năm qua, chữa trị bệnh MS đã cải thiện hơn nhiều, nhờ những thuốc mới được dùng ngay sau khi bệnh nhân được xác nhận là mắc bệnh đa xơ cứng (MS), và các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh (imaging) bằng MRI, tuy chúng ta vẫn cần những liệu pháp tốt hơn, hữu hiệu hơn. Hiện nay, FDA công nhận 5 thứ thuốc gọi là immunomodulators (thuốc điều hoà hệ miễn nhiễm) được dùng cho MS: gồm những thuốc interferon beta 1-a, và 2 thuốc glatiramer và mitoxantrone. Đều là thuốc chích, từ mỗi ngày cho đến mỗi tháng. Giá thuốc từ 1.000 đến 1.500 đô la Mỹ mỗi tháng.
2.    Bệnh đau lan toả một bên liên hệ với nhiễm siêu vi Herpes simplex (Widespread Unilateral Pain Associated with Herpes Simplex Infection). Những bệnh nhân này đau một bên người, gây ra do dây thần kinh bị bệnh, tái hồi, cứ mỗi lần nhiễm herpes ở miệng hay bộ phận sinh dục, hoặc ở thần kinh trung ương. MRI và não điện đồ vẫn bình thường(1)
3.    Những bệnh gây đau mãn tính nhưng y giới chưa hiểu rõ; như Fibromyalgia (Đau mô sợi và cơ), tuy nhiên bệnh này thường đau đối xứng hai bên; bệnh đau mãn tính do vi khuẩn bệnh Lyme gây ra.
Nếu muốn định bệnh chính xác, có thể cần ý kiến của các bác sĩ chuyên về mắt (neuro-ophthalmology), quang tuyến thần kinh (neuroradiology), bác sĩ chuyên về phong thấp (rheumatologist), chỉnh hình, bác sĩ chuyên về miễn nhiễm học (immunology). Nếu vẫn không tìm ra nguyên nhân, hay nguyên nhân không chữa được và cơn đau kéo dài, bác sĩ thần kinh có thể cần cộng tác với các chuyên viên về "quản lý đau" (pain management), chuyên viên dinh dưỡng (có thể cần vitamin B,vitamin D) và có thể cần đến bác sĩ tâm thần, tâm lý gia để giải quyết khía cạnh tâm thần của các trường hợp khó (như khía cạnh trầm cảm).
Chúc bệnh nhân may mắn.
References:
1.    Kallio-Laine K.
Widespread Unilateral Pain Associated With Herpes Simplex Virus Infections
http://www.jpain.org/article/S1526-5900%2808%2900419-7/abstract
2.    http://www.health.harvard.edu/blog/big-arm-arm-difference-blood-pressure-linked-higher-heart-attack-risk-201403057064
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.
Tin liên hệ


No comments:

Post a Comment