Posted on November 16, 2007
Hoanghaithuy
Thời ấy – những năm đầu thập niên 80 Thành Hồ có mấy câu Phóng
Dao tả cảnh những anh Con Bà Cả Đọi đi lãnh đồ:
Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay anh vín đôi cành
Quả chín anh hái quả xanh anh vồ
Năm sáu năm nay anh ăn ở Thành Hồ
Anh ra Bưu điện lãnh đồ em cho
Đồ em vừa nặng vừa to
Anh đã con mắt, anh no cái mồm…
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay anh vín đôi cành
Quả chín anh hái quả xanh anh vồ
Năm sáu năm nay anh ăn ở Thành Hồ
Anh ra Bưu điện lãnh đồ em cho
Đồ em vừa nặng vừa to
Anh đã con mắt, anh no cái mồm…
Thấy mấy cái hộp đồ Poste Pháp tốt quá Trí Văn giữ lại làm kỷ
niệm. Anh đâu biết mấy cái hộp giấy vô thưởng vô phạt đó sẽ bị công an VC coi
là những bằng chứng về tội anh liên lạc với người nước ngoài. Tôi không gặp Trí
Văn lần nào, nhưng tôi biết chắc mà không cần hỏi là khi bắt Trí Văn, bọn công
an CS tịch thâu mấy cái hộp đựng quà, ghi vào biên bản bắt, coi đó là “tang
vật”.
Vợ chồng Anh Con Trai Bà Cả Đọi trong mấy mùa thu lá rụng ở
Thành Hồ – từ 1980 đến 1984 – có may mắn được hai vị sống ở Pháp gửi thuốc tây
cứu trợ nhiều nhất. Hai ân nhân của anh chị là:
– Dượng Ba Trần Tam Tiệp, Tổng Thư Ký Hội Văn Bút Việt Nam Hải
Ngoại.
– Cô Phương Hương Cao Ngọc Phượng, tu sĩ Phật giáo. Từ năm 1992,
cô đã xuống tóc quy y, pháp danh Thích Chân Không.
Trong mấy mùa lá đa rụng ấy Alice làm hoa vải tại gia. Nàng giữ
lại những hộp giấy đựng đồ làm hoa. Trong căn nhà nhỏ ở Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông
Tạ của vợ chồng anh chị có đến mấy chục cái hộp giấy của Poste Pháp.
Trong đêm công an Việt cộng đem chiếc xe bông thứ hai đến Cư Xá
Tự Do đón anh chồng đi lần thứ hai – đúng là tội nghiệp anh Con Trai Bà Cả Đọi.
Anh chỉ can tội dính líu tí ti vào bộ phim Hai Chuyến Xe Bông dưới bóng cô đào
Thanh Nga thôi. Dzậy mà đời anh cũng tả tơi hoa lá vì hai chuyến xe bông thực
sự. Trong vòng mười niên mà hai lần đi xe bông công an Việt cộng thì đúng là
đời anh đen hơn mõm chó mực – Trong đêm anh bị bắt lần thứ nhì, công an xếp một
đống hộp đựng đồ từ Pháp gửi về ở giữa nhà, bắt vợ chồng anh đứng “chụp ảnh với
tang vật”.
Trong đống “tang vật” có hai hộp cạc tông không phải hộp đựng
quà trả công cho gián điệp. Anh Con Trai đứng rũ liệt chân tay, chị Con Dâu vẫn
còn cố tranh đấu đến cái gọi là hộp giấy cuối cùng:
– Mấy cái hộp đó không phải là hộp đựng đồ ngoại quốc gửi về.
Tôi yêu cầu mấy anh bỏ ra…
Anh Con Trai nói với vợ:
– Thôi em ơi. Nếu không có tội thì dù ta có cả ngàn cái hộp như
thế này ta cũng không có tội. Còn có tội thì chỉ cần một cái hộp cũng đủ rồi…
Như vậy là trong đêm Công an Thành Hồ đến bắt tôi lần thứ hai –
hai giờ đêm ngày 2 tháng 5 năm 1984 – Alice có vài bức ảnh chụp chung với anh
chồng vất vả trước đống tang vật. Những tấm ảnh này hiện nằm trong Kho Hồ sơ
Nhân dân Tù tại Sở Công an thành phố HCM.
Hơn mười mùa mít chín trôi qua, hôm nay ngồi bình an viết những
dòng này ở Rừng Phong Arlington, bang Virginia của những người Còn Trinh và Yêu
Nhau, hồi tưởng lại giây phút vợ chồng sánh vai nhau đứng trước ống kính máy ảnh
của bọn công an Việt cộng nửa đêm trong căn nhà nhỏ tôi có một nỗi bực mình nho
nhỏ.
Tôi bực mình vì chính tôi. Đêm ấy khi bọn đầu trâu, mặt ngựa ùn
ùn kéo vào căn nhà nhỏ của tôi rồi tôi vẫn còn mong đợi một cách ngu si, đần
độn quá mức là chúng chỉ vào “xét sổ hộ khẩu” sơ sơ rồi đi. Bởi nghĩ như vậy và
muốn chúng ra mau mau đi ra khỏi nhà để mình tiếp tục ngủ lại, tôi đã không sửa
sang cho người ngợm tôi đừng tả tơi quá.
Nửa đêm về sáng, đang ngủ mệt, bị công an đập cửa dựng dậy, hào
hoa phong nhã đến như các ông Phan An, Tống Ngọc, Tư Mã Tương Như cũng… nát như
tương. Lúc ấy tôi đầu bù, tóc rối, mắt có ghèn, miệng hôi, áo quần xộc xệch.
Phải chi tôi cứ mặc cho chúng ngồi đợi – khi chưa đọc lệnh bắt giam, chúng chưa
sẵng giọng với mình – tôi đàng hoàng đi làm vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, chải
đầu, bận sơ mi, quần tây săng pờli đàng hoàng rồi mới ra tiếp chúng. Thì đã
sao? Đầu tóc tả tơi, quần áo xộc xệch, mặt mũi nhơm nhếch thì chúng cũng bắt,
cũng tù. Trang phục chỉnh tề, bộ dạng hào hoa phong nhã thì cũng chỉ đến đi tù
thôi. Đằng nào cũng tù nhưng tù đường hoàng, tại sao mình lại tù rúm ró thiểu
não?
Than ôi… Khi tôi có được cái kinh nghiệm ấy thì đã muộn màng.
Tôi không còn có dịp dùng đến kinh nghiệm ấy… Qua hai lần bị Việt cộng bắt, bị
Việt cộng thẩm vấn, tôi có cảm tưởng như tôi là một em trinh nữ lần đầu tiên bị
đàn ông hiếp dâm – trinh nữ bị hiếp dâm lần đầu, tôi không nói đến những trinh
nữ bị hiếp dâm năm bẩy chục lần dài dài và đều đều – Em trinh nữ bị hiếp dâm
lần đầu thường mềm nhũn chân tay, không chống cự mà cũng chẳng phản ứng, thuận
ứng gì cả – Với bọn Việt cộng bắt tôi, hỏi cung tôi, đe dọa tôi, tôi cũng mềm
như bún. Nhiều đêm nằm vắt chân lên trán trong biệt giam nhớ lại buổi hỏi cung
trong ngày tôi vẫn bực bội với chính tôi:
– Sao mình lại có thể ngu đần quá đến như dzậy? Sao lúc nó hỏi
câu ấy mình lại không trả lời như vầy… như vầy… Trả lời như thế thì tội mình
đâu có nặng hơn? Tại sao mình lại trả lời một câu ngu đến như thế chứ?
Tôi giống như các em trinh nữ bị hiếp dâm lần đầu nhưng tôi cũng
có một điểm khác các em. Đó là điểm có một số các em dường như cũng mong, cũng
thích bị hiếp dâm còn tôi, tôi không thích công an Việt cộng hiếp dâm tôi một
ly ông cụ nào.
*****
Khi viết về những người bị các anh gọi văn huê là “Những tên
biệt kích cầm bút”, những người bị các anh bắt giam mút mùa trinh nữ và khép
vào tội nặng “Gián Điệp Tử Hình” v.v… hai anh cớm Minh Kiên – Nam Thi đã cố
tình không viết một chi tiết quan trọng. Hai anh đánh bài vờ như chuyện đó
không có. Họ chỉ nhắc qua đến chuyện đó trong có một dòng.
Đó là sự kiện trong số 8 Biệt Kích Dzăng Bút bị bắt ở Thành Hồ
Tháng 5 năm 1984, có đến 6 mạng đã bị bắt đi cải tạo, đi tù từ hai đến năm, sáu
mùa lá rụng. Kể tên:
1. Gián điệp đầu sỏ Doãn Quốc Sĩ: Đã tù năm niên, năm 1981 từ
trại Gia Trung – Gia Lai trở về đường An Dương Vương, Sàigon.
2. Khuất Duy Trác: Năm niên, năm 1981 từ miền Bắc Xã hội Chủ
nghĩa trở về đường Lý Thái Tổ, Sàigon.
3. Trần Ngọc Tự: Năm niên, từ Phú Quốc, Hoàng Liên Sơn trở về
khu bên trong Cổng Xe lửa số 6, Sàigòn.
4. Dương Hùng Cường: Ba niên, từ đâu đó hổng nhớ trở về căn nhà
ở gần cái gọi là “Trung tâm Nữ Quân Nhân” đường Lý Thường Kiệt. Ngày xửa, ngày
xưa trên mục “Cà Kê Dê Ngỗng”, báo Con Ong, chủ nhiệm Minh Vồ, Dê Húc Càn, bút
hiệu của Dương hùng Cuờng, từng viết một bài về cái gọi là “Trung Tâm Nữ Quân
Nhân”. Anh théc méc không hiểu cái Trung tâm ấy nó mô tả ký gì.
5. Lý Thụy Ý, nữ biệt kích, từng có thời giữ Trang Kaki Tuần báo
Văn Nghệ Tiền Phong, tù hai mùa mít chín.
6. Hoàng Hải Thủy: tù nhẹ nhất, 23 tháng ngồi rù trong trại giam
số 4 Phan Đăng Lưu, cuối 1979 trở về khu Hồ tắm Cộng Hòa Ngã Ba Ông Tạ nổi
tiếng về bộ môn Cầy Tơ dân tộc.
7 và 8: Khứa lão Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và Em Ghế Tơ Nguyễn Thị
Nhạn là hai người mới nếm mùi tù cộng sản lần thứ nhất.
Minh Kiên – Nam Thi bị bắt buộc giả vờ không biết bọn văn nghệ
sĩ Sàigòn bị bắt lại đã chịu một lần tù tội – ngôn ngữ Việt cộng học mót Trung
cộng là “cải tạo” – bởi vì nếu họ viết ra chi tiết này thì kỳ quá. Té ra mấy
tên Sè Goòng bại trận này chúng nó gan cóc tía hay sao? Đã một lần tù rồi chúng
vẫn không tởn? Chúng vẫn coi như “nơ pa”? Dzậy là sao? Nếu không phải bọn chúng
gan lì thì chế độ “giáo dục cải tạo bằng lao động” do đảng ta học mót và áp
dụng chẳng có qua một tí ti giá trị thực tiễn gì cả sao?? Mà nào có phải là bọn
chúng bị đi tù năm bẩy tháng gì cho cam? Tên nhẹ nhất cũng hai mùa lá rụng, tên
nặng là năm, sáu năm.
Khi phịa ra cảnh Hoàng Hải thả lời ong bướm kiểu cải lương miệt
vườn với bà chủ Vi-la Kiều Trang, Nam Thi – Minh Kiên gài cho Hoàng Hải nói:
– Tôi gác bút rồi. Viết ký gì bi giờ???
Sai. Dziệc cộng dzô Sè Goòng, Hoàng Hải – cũng như những Anh Con
Trai Bà Cả Đọi khác – bị bắt buộc phải gác rất nhiều thứ nhưng bút thì anh
không bao giờ “gác” cả. Bằng chứng: Tạp chí Thời Tập, do Viên Linh chủ trương,
ấn hành số 1 tháng Tư năm 1979 ở Hoa Kỳ đã đăng bài viết gửi đi từ Thành Hồ của
Hoàng hải Thủy, có cả ảnh đương sự ở trần, rầu rĩ triển lãm bộ xương bọc da
trước lá cờ đỏ sao vàng ở giữa lòng Thành Hồ.
Tôi đăng lại một số bài tôi viết trước 1977 và trước 1984, được
đăng ở hải ngoại trước nhất là để khoe, thứ hai là để làm bằng chứng hai anh
Nam Thi – Minh Kiên bảo tôi “gác bút” là viết không đúng.
Ngay từ đầu năm 1976 tôi đã lai rai viết ra ngoại quốc với mục
đích diễn tả thực trạng đời sống của nhân dân Sàigòn. Tôi diễn tả những nỗi
buồn sầu tuyệt vọng nhiều hơn là chửi bới Việt cộng, những bài tôi viết không
hô hào người khác cầm súng bắn Việt cộng. Nhưng dầu sao thì bọn văn nghệ sĩ
Sàigòn không nhanh chân bỏ của chạy lấy người kịp chúng tôi cũng đã tìm cách
viết ra nước ngoài rất sớm – sớm đến cái độ có thể gọi là “Sớm nhất thế giới”.
Chỉ xỉu xỉu sáu tháng sau ngày nón cối, dép râu, răng cải mả, tóc bím, đít bự
như cái thúng, ngơ ngáo kéo vào Sàigòn chúng tôi đã có thư, tin, bài, thơ linh
tinh đủ thứ gửi ra nước ngoài. Chẳng phải là vì chúng tôi can đảm hay giỏi
giang gì hơn người, phần lớn tại vì đến năm 1975 tình hình chính trị thế giới
đã bắt đầu có những chuyển biến bất lợi cho bọn cộng sản. Sự liên lạc bằng thư
giữa những nước tư bản Âu Mỹ với thành phố Sàigòn bị cưỡng hiếp đổi tên được
tái lập ngay sau ngày 30 Tháng Tư 75; thư từ Xê Kỳ, Pháp gửi về Sàigòn tới tấp,
thư con cá Sàigòn vượt đại dương đi các nước tự do, tư bổn cũng nườm nượp. Nhờ
vậy bọn chúng tôi mới lén gửi được những bức thư tả oán ra khỏi nước. Xin so
sánh với tình trạng các nước đàn anh Xã hội Chủ nghĩa: Khi bức màn sắt rơi
xuống nước Nga, hai mươi mùa trứng caviar đóng hộp sau vẫn chưa có một văn nghệ
sĩ Nga nào sống trong nước gửi được những tác phẩm chống chế độ bạo tàn ra nước
ngoài. Khi bức màn tre chụp xuống Trung Quốc, sau hai mươi mùa lệ chi được gửi
Express đến Đảo Bồng Lai cho nàng Dương Thái Chân thưởng thức, mới có lẻ tẻ vài
ông chính khứa Tầu cộng bỏ đảng dzọt được sang các nước Pháp, Anh lai rai viết
tố cáo những tội ác ghê rợn của chế độ Trung Cộng.
*****
Le Parisien: Hoang Hai Thuy a refusé de se taire
Dưới đây là bản dịch bài báo viết về “Kiệt kích dzăng bút Hoàng
Hải Thủy” đăng trên nhật báo Le Parisien, Tháng Tư năm 1988. Người viết là Nữ
ký giả Catherine Monfazon:
Đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới –
L’Association Reporters sans frontières – 38 cơ sở truyền thông Pháp quốc đã
nhận bảo lãnh mỗi cơ sở một ký giả bị tù vì làm tròn công việc của mình. “Le
Parisien” tự chọn tranh đấu cho sự tự do của Hoàng Hải Thủy, ký giả Việt Nam,
hiện đang bị bỏ quên trong một trại lao động cải tạo.
Chúng tôi yêu cầu chính phủ Pháp quốc không những chỉ vận động
để đưa ông Thủy ra khỏi nhà tù mà còn, theo sự đòi hỏi của gia đình ông ta, đưa
ông ta ra khỏi quốc gia của ông ta…
Hoàng Hải Thủy không chịu câm miệng
Đừng nói đến cái tên Hoàng Hải Thủy ở Việt Nam, nói đến cái tên
đó trong điện thoại, đường dây sẽ bị cắt, trong đường phố những đôi mắt sẽ nhìn
xuống đất. Được nhờ đến Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, được coi như là
một động lực của công cuộc đổi mới của Việt Nam, sẽ bực bội gạt bạn sang Bộ Tư
pháp, một cách từ chối, không tiếp khéo léo.
Hoàng Hải Thủy năm mươi chín tuổi, đêm đêm nằm ngủ trên tấm ván
rộng năm mươi phân giữa ba ngươi người bạn tù chung phòng giam trong trại cải
tạo Xuân Lộc, một nơi cách thành phố HCM (Sàigòn) một trăm hai mươi cây số.
Những lời buộc tội thật mơ hồ “Lên tiếng chống chủ nghĩa cộng sản” Người ta
trách ông ta đã gửi ra nước ngoài những bài thơ, bài viết không sao có thể đăng
được trong những tờ báo Việt Nam bị rọ mõm.
Hoàng Hải Thủy biết rất rõ những người cộng sản. Bên cạnh họ ông
đã tham gia kháng chiến năm 1945. Nhưng kề từ đó ông chỉ đi theo một con đường:
nhân bản. Thi sĩ, văn sĩ, ký giả, dịch giả: ông được nhiều người biết vì tính
tình hay nói thẳng, vì niềm hăng say tố cáo những sự bất công. Ông tự ý làm
những việc ấy. Trước năm 1975 ông công khai chỉ trích chế độ cũ trên những tờ
báo châm biếm như tờ Con Ong (nghĩa đen là con ong chuyên châm chích). Ông cũng
là viên chức của Trung tâm Thông Tin Hoa Kỳ, USIS.
Năm 1974, ông dịch “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez.
Bản dịch truyện này bị cấm xuất bản. Bản dịch “Quần đảo ngục tù” (Archipel
du Goulag) cũng bị cấm. Lần này là đảng cấm. Sau năm 1975 Hoàng Hải Thủy
phải sống nhịn nhục. Nhưng ông từ chối không chịu im tiếng. “Ông ấy không thể
im lặng trước những đau khổ của đồng bào ông. Ông ấy tức giận khi thấy bọn cán
bộ kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính chúng lại sống như vương giả”. Đấy là
lời một người bạn của Hoàng Hải Thủy nói về ông.
Năm 1977 ông ta đã bị bắt lần thứ nhất, bị giam hai mươi ba
tháng trong nhà tù Chí Hòa. Vừa ra khỏi tù, ông lại cầm bút. Ông bị bắt lần thứ
hai năm 1984. Năm 1988, ông bị xử ở tòa án. Người bạn của ông nói tiếp về ông:
“Trong phiên xử, ông ấy có nói ông không viết vì thù hận chính quyền mà viết để
chống lại tất cả những kẻ dối trá từ trong trái tim…”
Bị tuyên án sáu năm tù Hoàng Hải Thủy chỉ được trả tự do vào
tháng Năm năm 1990. Ông còn phải chịu đựng nhiều tháng sống trong trại cải tạo
vì thái độ tự do tư tưởng của ông, một thái độ mà cái chính phủ vẫn tự nhận là
đã mở nắp nồi và đổi mới vẫn không thể chấp nhận được.
Nữ ký giả Catherine Monfazon
Nhật báo Parisien
Nhật báo Parisien