Posted on November 16, 2007
Hoanghaithuy
Ngày 2 tháng 5 năm 1984, tám anh em chúng tôi bị bắt cùng trong
một đêm. Trong số có hai người lần đầu nếm mùi tù ngục Xã hội Chủ nghĩa: Anh
Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và cô Nguyễn Thị Nhạn. Sáu anh em chúng tôi đều đã qua
một lần tù tội. Tôi gọi việc tôi trở vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu là “tái đáo
Thiên Thai.” Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngày xưa trở lại Thiên Thai buồn như thế
nào lòng tôi cũng não nùng như thế. Năm 1977 tôi đã bị còng tay đưa vào đứng
ngơ ngáo trong những hành lang nhà tù này. Năm 1980 tôi xách cái túi du hành
rách từ đấy đi trở ra. Bốn năm sau tôi trở vào. Nhà tù nghèo nàn, u ám hơn,
những đoạn đường xi măng sụp, rạn nứt, những vách tường dơ bẩn.
Công An Thành Hồ không loan tin chúng tôi bị bắt trên báo, nhưng
chỉ một năm sau – năm 1985 – bọn văn công Việt cộng đã viết về cái gọi là “cuộc
đời ái tình và sự nghiệp” của anh em chúng tôi để đăng linh tinh, lang tang
trên nhiều báo tháng, báo tuần ở Hà Nội, Thành Hồ. Tuần báo Công an Thành phố
Hồ Chí Minh là tờ viết về đời tư chúng tôi hung hãn nhất. Bọn Cớm Cộng thành Hồ
có hồ sơ tài liệu về chúng tôi, chúng khám xét nhà chúng tôi, chúng được bọn
“ăng ten” cung cấp nhiều sự kiện về chúng tôi nên chúng có tài liệu để viết về
chúng tôi nhiều hơn cả.
Năm 1988, “Quái Phẩm” NTBKCB được xuất bản thành sách. Ở Nhà Tù
Chí Hòa chúng tôi được đọc một số trang NTBKCB đăng trên các báo, một số trang
khác được người nhà chúng tôi lén gửi vào tù cho chúng tôi. Trí Siêu Lê Mạnh
Thát cùng sống với tôi trong phòng 10, lầu Ba, Khu ED Chí Hòa, sau khi đọc một
số trang BKCB, nói với tôi:
– Sao chúng nó thù các bác quá?
Tôi không coi việc Công An VC kết tội chúng tôi trong một quyển
sách là một vinh hạnh. Tôi chỉ ghi nhận một sự kiện: cùng thời gian chúng tôi
bị tù có rất nhiều nhóm hoạt động chính trị bị Việt Cộng đàn áp tàn bạo hơn bọn
văn nghệ sĩ chúng tôi rất nhiều. Tôi chỉ kể hai vụ tôi biết rõ, những người
trong hai vụ này cùng tù với tôi, nhiều người nằm chung phòng với tôi: Vụ Luật
sư Phạm Quang Cảnh bị VC xử tử hình, hai người cùng nhóm với ông là Giáo sư
Nguyễn Quốc Sủng, Kỹ sư Lê Công Minh chung thân, nhiều người tù 18, 15 năm. Vụ
thứ hai là Vụ Già Lam: Tuệ Sĩ Phạm văn Thương, Trí Siêu Lê mạnh Thát mỗi người
tù 20 năm, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận tù 10 năm. Nhưng các ông không bị CAVC
viết truyện vu cáo, mạ lỵ, mạt sát, chửi rủa, bôi bẩn, bới móc đời tư đến cả
đời ông, đời cha như chúng tôi.
Tôi gọi NTBKCB là “Quái phẩm” vì không thể xếp nó vào loại
“dzăng phẩm” nào cả. Hai anh Nam Thi – Minh Kiên gọi nó là “truyện”. Tôi thấy
nó không phải là “truyện” vì nhân vật trong nó là người thật, đang ở tù thật.
Những sự kiện trong nó phần lớn do người viết bịa đặt, tưởng tượng – ngôn từ VC
học mót Tàu Cộng, gọi việc tưởng tượng bịa đặt này là “hư cấu”. Nó không phải
là phóng sự điều tra vì những sự kiện trong nó không có thật, không có những
thông số, thống kê, không có bằng chứng độc lập. Nó lại càng không thể là phóng
sự tiểu thuyết vì người ta không thể tiểu thuyết hóa cuộc sống, chuyện đời của
những nhân vật có thật đang bị tù tội đến chết – và nhiều người đã chết – trong
ngục thất.
Việc viết, ấn hành những “Quái phẩm” như NTBKCB không phải là
việc làm mới mẻ do bọn CAVC nghĩ ra. Bọn Nga Cộng đã làm chuyện ruồi bâu, kiến
đậu này từ những năm 1922.
NTBKCB do hai anh Nam Thi – Minh Kiên, Tổng và Phó Tổng Biên Tập
báo Công An Thành Hồ viết, được xuất bản thành sách, chỉ là một trong số năm
bẩy loạt bài viết về nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi. Cái gọi là “truyện” đã được in
thành sách một lần vào năm 1987. Những trang in tôi trích đăng ở đây lấy ở bản
in năm 1994 do nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố HCM tái bản. Ấn bản NTBKCB năm
1994, ngắn hơn, chỉ còn 200 trang. Có nhiều đoạn bịa đặt, dựng đứng trắng trợn,
làm chính những người cộng sản cũng cảm thấy lố bịch, ruồi bâu, kiến đậu, có
tác dụng phản tuyên truyền trong ấn bản 1987 được bỏ đi trong ấn bản 1994.
Chẳng hạn như đoạn tả ông Biệt Kích Doãn Quốc “thả lời ong bướm” với em Lý Thụy
Ý, đoạn bịa chuyện anh bạn Không quân Trần Ngọc chở em Nguyễn Thị Nhạn đi chơi
quán Cây Dừa Xa lộ làm bà xã anh bạn chúng tôi có cái gọi là “cơ sở” để nghi
ngờ và mất cảm tình với anh em chúng tôi. Như đoạn viết về ông Ngoại tôi với
câu kết mà bất cứ người viết nào có chút thông minh nhỏ bằng đầu que tăm xỉa
răng cũng không hạ bút. Đó là câu: “…Ngày xưa… tri phủ, tri huyện nào mà không
nghiện thuốc phiện…”
Người viết cộng sản phấn khởi, hồ hởi vu cáo mạ lỵ, bịa đặt
những chuyện xấu gán cho đời ông, đời cha những người bị chúng bắt giam. Đó
không phải là chuyện mới lạ. Bọn Nga Xô đã làm cái việc tệ mạt ấy từ năm 1922,
tiếp đó là bọn Đức Cộng, bọn văn nô các nước chư hầu Đông Âu, rồi Tầu Cộng. Bọn
Việt Cộng chỉ làm cái việc học mót đàn anh.
Trước khi nổ ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm đòi văn nghệ phải được tự
do năm 1956-1957 ở Hà Nội, Phùng Quán, với bài thơ Lời Mẹ Dặn, được
coi là thi sĩ cách mạng vô sản điển hình, là hình ảnh người đảng viên cộng sản
kiên cường, bất khuất. Phùng Quán có viết trong tập hồi ký Vượt Đảo.
Chế Lan Viên ca tụng Phùng Quán trong bài tựa quyển này là: “… người đảng viên
trung kiên, đứa con ưu tú của tổ quốc…” Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm những bài
viết chửi bới tàn tệ Phùng Quán có chi tiết “Ông bố hắn làm Mật thám cho Pháp.
Bố như thế thì con không thể khá được v.v…”
Sau Tháng Tư 1975, người Việt Nam đói sách báo, không có sách
báo để đọc “từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mâu” như lời những ông rao bán thuốc
ho bà Lang Trọc trong những tác phẩm của ông Vũ Trọng Phụng. Tiểu thuyết hoàn
toàn không có mặt trong xã hội gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa”. Cái gọi là “truyện”
được ấn hành ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là những bản ca tụng Đảng, ca tụng
Bác Hồ và bọn đảng viên, diễn tả những cuộc sống giả tạo, những tâm trạng và
những mẫu người không có trong đời sống thật. Anh Công An Huỳnh Bá Thành tung
ra quyển “Vụ án Hồ Con Rùa”. Vì nhu cầu đọc của nhân dân quyển sách này bán khá
chạy. Từ đó một lô những “Vụ Án…” đủ thứ được in ra. “Bọn xấu” trong những vụ
án này là nhân dân. “Bọn tốt” là những chiến sĩ công an phẩm chất đạo đức sáng
như gương Tầu, trình độ nghiệp vụ đạt đến đỉnh cao của loài người tiến bộ, tác
phong mẫu mực, trong sạch, chí công, vô tư, xả thân vì nước, vì nhân dân, hành
động không chỗ nào chê. “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút”, do Nam Thi – Minh Kiên
viết, nằm trong loại sách “Vụ Án” này.
Nhưng không mấy lâu, dù cần đọc, nhân dân cũng rất mau chán ngấy
loại sách “Vụ Án”. Vậy thì đã xuất bản năm 1987, nếu không có người mua, tại
sao năm 1994 quyển NTBKCB lại được tái bản? Nguyên nhân vì Công An Việt Cộng là
lực lượng mạnh nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Hàng năm họ có khoản tiền
lớn chi vào việc cung cấp tài liệu, văn hóa phẩm bồi dưỡng chính trị cho cán bộ
Công an. Hai anh Đại tá Nam Thi – Minh Kiên đã về hưu. Quỹ công an mua sách của
hai anh để hai anh có khoản tiền.
Tôi trích đăng vài trang hai anh Nam Thi – Minh Kiên viết về
chúng tôi để bạn đọc thấy họ đã vu cáo, đã chửi rủa chúng tôi như thế nào. Bị
CAVC “chửi rủa” không phải là chuyện nhục nhã mà cũng chẳng phải là một vinh
hạnh. Tôi chẳng cần “trả lời” họ. Tôi đăng vài trang họ viết để quý bạn thấy
việc làm đê tiện của bọn họ và để tôi viết lên, ghi lại những cảm nghĩ của tôi
về những năm tháng u ám tôi sống ở Thành Hồ Ngục Tù.
Khi viết bài này, tôi không hỏi ý kiến các bạn tôi, những người
có tên trong quyển “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút.” Chúng tôi tám người bị bắt
năm 1984 – hai anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt và Dương Hùng Cường đã chết trong tù
ngục cộng sản – năm 1996 chúng tôi còn sống sáu người. Hai người hiện ở Thành
Hồ. Cô Nguyễn thị Nhạn hiện ở đâu tôi không được biết. Ba người: anh Doãn Quốc
Sĩ, Khuất Duy Trác và tôi ở Hoa Kỳ. Tôi một mình chịu trách nhiệm về những
chuyện tôi viết ở đây.
Mời bạn đọc Lời Giới Thiệu truyện “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút”
do Cán Cộng Phan Hiền viết.
Lời Giới Thiệu
Trong cuộc chiến tranh trường kỳ bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh hoạt
động quân sự mà mọi người đều biết, có những chiến công thầm lặng của các chiến
sĩ an ninh, trên một mặt trận không có tiếng súng nhưng rất gay go quyết liệt.
Đặc biệt từ khi cuộc kháng chiến cứu nước giành được thắng lợi
hoàn toàn, một cuộc đấu tranh mới lại tiếp diễn vì các lực lượng thù địch vẫn
mưu toan phá hoại nền độc lập, xóa bỏ thành quả cách mạng của nhân dân ta trong
một cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến tranh trên mặt trận văn hóa – tư tưởng lúc
đầu được kẻ thù hoạch định trong “kế hoạch hậu chiến”, sau trở thành một
chiến lược diễn biến hòa bình.
Nhận biết rõ bộ mặt thật của các thế lực thù địch, trong khi
nhân dân ta tập trung sức xây dựng lại đất nước và mở rộng các mối quan hệ quốc
tế, nhân dân Việt Nam không lúc nào xao lãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững
thành quả mà ông bà ta và các thế hệ tiếp nối đã xây đắp nên bằng bao nhiêu máu
xương, mồ hôi, nước mắt suốt mấy ngàn năm lịch sử oai hùng.
Cùng với các lực lượng yêu nước trên mọi lĩnh vực xây dựng và
bảo vể Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa, các chiến sĩ an ninh nhân dân lại bước vào
cuộc chiến đấu mới đầy cạm bẫy và đòi hỏi nhiều trí thông minh, tinh thần sáng
tạo trên mặt trận chính trị, văn hóa và tư tưởng. Những chiến công thầm lặng
trên mặt trận này cần được phản ảnh, ghi lại một cách đầy đủ với nội dung phong
phú, hình thức đa dạng để nêu cao những tấm gương cao đẹp của chiến sĩ và nhân
dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” của Minh Kiên – Nam Thi là
một trong những tác phẩm văn học góp phần làm phong phú thêm truyền thống đấu
tranh bất khuất và ý chí quyết thắng của dân tộc, bảo vệ và phát huy hồn thiêng
sông núi Việt Nam.
Phan Hiền
No comments:
Post a Comment