Wednesday, May 9, 2018

Những Tên Biệt Kích Cầm Bút (phần 4)


Posted on November 16, 2007 
 Hoanghaithuy

Hai trang 5,6 NTBKCB, người viết Phan Hiền. Có thể đây là anh Phan Hiền, nhân viên Bộ Ngoại Giao VC. Lời lẽ chung chung, bài tựa này có thể dùng để làm tựa cho tất cả những “quái phẩm Cộng sản” mạ lỵ nhân dân ta trên cõi đời này. Phan Hiền nhắc lại những lời cũ rích từ khươm mươi niên. Theo đúng thông lệ anh ca tụng bọn công an Việt cộng – những kẻ bị nhân dân căm thù nhất – là những “chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc” hy sinh, mẫu mực, đấu tranh gian khổ trường kỳ.
Bài học đầu tiên trong những khóa dậy nghề Công an Việt cộng có câu: “Quân đội bảo vệ Tổ quốc, Công an bảo vệ Đảng…” Bẩy mươi mùa đói rét trôi qua trên đất nước Liên Xô vĩ đại, Thành trì của Chủ Nghĩa Xã Hội Thế Giới, đến những năm 1988. 1989 bức tượng tên tội đồ Dherzinsky, tên lập ra cơ quan KGB ác ôn nhất lịch sử nhân loại – Tượng đá Vĩ Nhân Dherzinsky oai dũng đứng trước trụ sở KGB – bị nhân dân Nga tròng xích sắt vào cổ, kéo xuống cho ra nằm ở bãi rác. Bọn nhân viên Công an Nga, Tiệp, Đức, Hung trở thành những tên “mặt người dạ thú”. Tờ báo Tuổi Trẻ Thành Hồ năm 1992 đăng một bài dịch từ một tạp chí Tiệp Khắc. Anh công an Tiệp được phỏng vấn trong bài báo này than:
– Đảng đã làm chúng tôi trở thành những kẻ thù của nhân dân.
Quyền lợi của Đảng Cộng sản và quyền lợi của nhân dân chưa bao giờ và không bao giờ đi đôi với nhau. Chuyện ấy, trẻ con lên ba, cụ già chín bó đều biết. Với những người cộng sản, việc “bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân” có nghĩa là bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của bọn đảng viên cộng sản, giữ vững mãi cái chế độ trong đó “người đối xử với người tàn tệ hơn là lang sói”, để yên cho bọn cộng sản mặc tình ăn trộm, ăn cướp, ăn hại, đái nát, hủy hoại đất nước, đầy đọa nhân dân, làm những thế hệ con em sống dở, chết dở trong ngu dốt, nghèo đói.
“Trí thông minh, tinh thần sáng tạo…” của công an cộng sản được biểu hiện bằng việc phóng tay “bắt hết, nhốt hết, cho đi tù chết bỏ”. Kể từ ngày Lenin “vĩ đại” gọi những người chống đảng cộng sản là “bọn sâu bọ”, Công an cộng sản tất cả các nước chẳng may bị bọn cộng sản cướp chính quyền, thẳng tay đàn áp, giết tróc những người không may cùng một dân tộc với chúng.
Tôi sống ở K3 – Trại Cải Tạo Z30A trọn năm 1989, cùng sống với tôi trong trại cải tạo này năm ấy có Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Linh Mục Trần Đình Thủ, Dòng Đồng Công Thủ Đức, Linh Mục Nguyễn Công Đoan, Trưởng Dòng Tên Việt Nam, Tu Sĩ Phật Giáo Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, anh Doãn Quốc Sĩ, Tiến sĩ Sử học Mã Thành Công, Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, Kỹ sư Lê Công Minh cùng khoảng năm trăm người tù chính trị từ khắp lãnh thổ Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1994 khi tôi đi khỏi thành phố HCM, Trí Siêu Lê Mạnh Thát còn ở Z30A, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận mãn án đã trở về mái chùa xưa, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương năm 1990 bị điều ra Trại cải tạo Phú Khánh. Trại này nằm trong rừng giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nên được gọi là Phú Khánh.
Năm 1989 là năm cộng sản không rẫy chết mà chết ngắc ở Đông Đức. Trong Z 30A chúng tôi phấn khởi truyền nhau những tin tức như tin Bức Tường Ô Nhục Bá Linh bị phá đổ, “Đồng chí Eric Honecker vĩ đại” – danh hiệu Việt Cộng tôn xưng “Đồng chí Eric Honecker, Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức”, Honecker có sang thăm Thành phố HCM năm 1976 – phải bỏ Đảng chạy ra nước ngoài. Chúng tôi phấn khởi nghe tin nhân dân các nước Đông Âu, theo gương nhân dân Ba Lan, tự phá gông xiềng Búa Liềm, tin vợ chồng Sô-xét-cu, Chủ Tịt Đảng Cộng Lỗ Ma Ni, bị nhân dân lôi cổ ra dí súng vào đầu, bắn bỏ. Những chuyện chúng tôi không thể ngờ có thể xẩy ra trong đời mình.
Tháng Hai năm 1990, mãn án tù lần thứ hai sáu mùa cóc chín, tôi trở về Ngã Ba Ông Tạ. Mang giấy ra trại đến phường công an khai báo để ghi tên trở vào sổ Hộ Khẩu – vừa bị bắt là tên bị xóa ngay trong sổ – anh công an khu vực, nay đổi tên là công an đường phố, bảo tôi:
– Chú viết bản tự kiểm…
Bị coi là có tội, bị bắt, bị ra tòa, bị kết án, mãn án tù, về nhà, còn tự kiểm, tự cáo gì nữa? Tôi nghĩ. Tôi hỏi:
– Tôi tự kiểm về chuyện gì?
– Về những việc chú đã làm – Anh công an Ông Tạ trả lời tôi, anh giải thích – Chú đã làm gì để bị bắt? Chú làm những gì trong thời gian cải tạo. Chú có suy nghĩ gì? Và bây giờ về chú dự định sẽ làm gì?
Tôi nghĩ thầm: “Anh mới là người phải viết tờ tự kiểm những tội lỗi của anh và của bọn anh với nhân dân chứ? Tại sao đến bây giờ tôi vẫn còn phải viết tờ tự kiểm với anh…?” Cộng sản nó sụp ở những đâu đâu, ở quê hương tôi nó còn vững lắm. Tôi bùi ngùi cầm bút viết trang tự kiểm cho xong. Tôi vụng dại đủ mọi thứ, làm việc gì cũng bê bối không giống ai, được cái viết vớ vẩn vô thưởng vô phạt thì tôi mần khá dễ dàng.
Bọn công an cộng sản Nga, Đức, Tiệp, Hung, Ba Lan, Lỗ đã phải “trả lời những tội trạng của chúng trước nhân dân”, đã “phải cúi đầu nhận tội”, đã nhục nhã vì bị nhân dân chửi rủa, khinh bỉ, vợ con tủi hổ, xa lánh.
Sẽ có ngày đẹp trời bọn cộng sản Việt Nam cũng phải chịu chung số phận với bọn đàn anh của chúng. Ngày đẹp trời ấy bao giờ đến? Tháng mấy? Năm hai ngàn mấy? Tôi có được thấy ngày đẹp trời ấy chăng? Thôi thì đành tự an ủi bằng ý nghĩ: “Mình đã thấy cộng sản sụp ở gốc rễ của nó rồi. Trước sau gì mấy cành cây mục cũng chết theo thôi. Đừng có nóng…”
Nhưng tại sao tôi lại bi quan nhỉ? Đời tôi còn những hai bó nữa kia mà? Hai bó nhiều lắm, lâu lắm chứ. Hai bó là hai mươi quyển lịch Tam Tông Miếu. Chịu khó bóc vài ba tập lịch nữa thôi, ngày đẹp trời sẽ đến. Có thể lắm chứ. Biết đâu đấy.
*****
Trích NTBKCB, trang 7, 8, 9.
Hơn một tuần nay, Nguyễn Trí Văn được nhận vào làm lái xe cho một Công ty Xuất khẩu hải sản. Nhờ người anh họ từ miền Bắc vào công tác ở thành phố quen với Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công ty giới thiệu nên Văn được nhận dễ dàng, vả lại anh không có quan hệ chính trị gì phức tạp. Tuy là Thượng sĩ trong quân đội Saigon cũ, nhưng anh ta chỉ biết cầm súng khi còn ở quân trường, sau đó được tuyển vào đội bóng đá của Sư Đoàn 3 Không Quân. Từ giã vị trí trung phong trên sân cỏ đã mấy năm rồi nhưng phản xạ của cơ bắp vẫn còn tốt cho nghề lái xe. Anh ta cảm thấy xin được việc làm ở một cơ quan Nhà Nước là điều may mắn đối với mình.
Cũng trong thời gian này, điều may mắn thứ hai lại đến. Anh vừa nhận được món hàng nhỏ từ Paris gửi về. Thật là của từ trên trời rơi xuống, giữa lúc gia đình anh gặp khó khăn túng thiếu. Gói hàng có kèm theo lá thư với mấy dòng vắn tắt:
Paris ngày…
Văn thân mến,
Xin gửi cho em món quà nhỏ. Gọi là của ít lòng nhiều. Mong rằng em vẫn còn ở chỗ cũ và nhận được thư này. Hãy viết thư ngay cho anh sau khi nhận được thư.
Thân ái,
Trần Tam Tiệp
Thật là một niềm vui bất ngờ đối với Nguyễn Trí Văn.
Khi nhận quà về, Văn đã khoe với vợ con, bạn bè rằng Tiệp là anh em “kết nghĩa”, mặc dầu ông ta vốn là Trung tá, “Mạnh thường quân” của đội bóng ngày xưa của anh. Và đây là lần đầu tiên anh được tin tức của cấp chỉ huy cũ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
Lúc này, nhiều sĩ quan cũ mà anh biết đi học tập chưa về, môt số người được về lại đã dông ra nước ngoài. Trước đó, Văn cho rằng có liên lạc với các ông “xếp” ấy cũng chả cần thiết. Thật tình anh không còn nghĩ đến ai. Cái quá khứ ấy cũng nên quên đi, trừ những lần đi xem những trận bóng ở sân Thống Nhất, anh vẫn nhớ lại quãng đời cầu thủ ngắn ngủi của mình. Nay được thư kèm theo quà, anh thấy cũng hay. Quá khứ lại sống dậy trong anh. Hơn một tháng sau khi trả lời thư của Trần Tam Tiệp, anh lại nhận được lá thư thứ hai của ông ta. Gói quà lần này sộp hơn lần trước nhiều, đem ra chợ trời bán gần được 4000 đồng, đủ trang trải mấy món nợ, còn dư may sắm cho vợ con. Trong thư Trần Tam Tiệp nhờ tìm gặp Trung úy Không quân Trần Ngọc Thự và một số người khác để lấy địa chỉ gửi qua cho Tiệp. Ông ta bảo những người đó là bạn thân, ông ta cần biết địa chỉ để gửi quà về giúp. Văn thấy không thấy gì trở ngại, vả lại đây là chuyện”tình nghĩa” không có lý do từ chối. Chỉ trong hai Chủ nhật, Văn đã tìm gặp được mấy người bạn cũ, và từ người này hỏi thăm người nọ, cuối cùng anh đã gặp hầu hết những người Tiệp cần biết tin tức.
Sau lần ấy, Văn còn nhận thêm vài món quà nữa, rồi Tiệp viết thư báo sắp bận đi làm ăn xa. Từ đó bặt tin luôn. Văn thấy như vậy cũng đủ rồi. Làm một cái gạch nối cho viên chỉ huy cũ liên lạc với anh em bạn bè, anh đã hoàn thành và cũng đã được trả công. Anh trở về với nếp sống cũ và hầu như quên đi chuyện ấy, chỉ còn giữ lại mấy cái hộp giấy đựng quà làm kỷ niệm
Nhân vật Nguyễn Trí Văn có thật. Là một cầu thủ khá nổi trong đội banh Không quân, Nguyễn Văn Trí được anh em không quân biết tên, biết mặt. Nghe nói anh vẫn được gọi bằng cái tên thân thương Trí Lùn.
Những Tên BKCB mở đầu bằng 3 trang nói đến Nguyễn Trí Văn tức Nguyễn Văn Trí. Và từ Trí Lùn “giới thiệu” đến Trung tá Không quân VNCH Trần Tam Tiệp, ông “Dượng Ba” thương mến của anh em chúng tôi..
Công an Thành Hồ cay cú Dượng Ba của chúng tôi nhất. Mấy ảnh kết tội Trần Tam Tiệp là người chủ động trong những việc:
1. Tranh đấu trong những tổ chức văn học – chính trị quốc tế để bảo vệ những văn nghệ sĩ Saigon bị cộng sản đàn áp.
2. Tố cáo trước dư luận thế giới những hành động bạo tàn của VC ở Việt Nam.
3. Làm nhịp cầu liên lạc giữa những văn nghệ sĩ Saigon sống dưới ách đàn áp thô bạo của cộng sản với những tổ chức văn học-nhân quyền quốc tế như PEN International, Amnesty International: Hội Văn Bút Quốc Tế, Hội Ân Xá Quốc Tế.
4. Cung cấp sự giúp đỡ về tinh thần và tiền bạc cho những văn nghệ sĩ kẹt giỏ ở Thành Hồ đỡ tả tơi, cuộc sống bớt chút màu sắc đen hơn mõm chó mực.
Công an Thành Hồ gán cho Trần Tam Tiệp cái tội “thúc đẩy chúng tôi viết và gửi tác phẩm ra nước ngoài…”
Và Công an Thành Hồ cay cú nhất vì mấy ảnh cóc đụng được vào cái lông chân nào của Trần Tam Tiệp. Dượng Ba của chúng tôi sống ở Paris. Các anh Công an VC hung hăng con bọ xít bắt, bỏ tù mút chỉ cà tha mấy tên dzăng nghệ sỡi kẹt giỏ bị mấy anh gọi là Biệt Kích Cầm Bút – mấy ảnh là công an VC cầm súng –
nhưng mấy ảnh hận mà hổng có làm gì được Dượng Ba Trần Tam Tiệp của chúng tôi. Vì vậy mấy ảnh cay cú dữ dội.
Trong thời gian tôi bị thẩm vấn ở Nhà Giam Số 4 Phan Đăng Lưu – những tháng 5,6,7 năm 1984 – Sáu Khôi, một nhân viên cấp trung của sở Công an thành phố HCM, đến nhà giam chỉ huy bọn thẩm vấn chúng tôi. Sáu Khôi không đích thân thẩm vấn chúng tôi. Y chỉ ghé vào các phòng đang thẩm vấn, ngồi nghe, góp vài ý kiến. Tôi thấy rõ Sáu Khôi căm thù Trần Tam Tiệp. Mỗi lần nói đến Dượng Ba của chúng tôi, Sáu Khôi đều gằn giọng: “… Thằng Tiệp… Thằng Tiệp…”
Đọc mấy trang NTBKCB trên đây, ta thấy hai anh Nam Thi – Minh Kiên viết về Trí Văn nhẹ hều. Đi tìm những ông không quân vất vưởng ở Thành Hồ để những ông này liên lạc với Trung tá Trần Tam Tiệp ở Paris, nhận được vài thùng quà. Rồi thôi. Chẳng có tội gì cả. Nhưng… “Dziệc cộng dziếc dzậy mà hổng phải dzậy…” Dziệc cộng công an nói và dziếc lại càng khác nhau. Sự thực não nùng bi đát đúng kiểu VC là chỉ vì cái tội đi tìm mấy ông bạn đồng ngũ không quân giúp Trung tá Trần Tam Tiệp, anh Nguyễn Trí Văn, tức Nguyễn Văn Trí, tức Trí Lùn Đội Bóng Không Quân Quân Lực VNCH, bị công an Thành Hồ cho xe bông đến tận nhà – nghe đâu Trí ở Gò Vấp – ưu ái đưa vào Số 4 Phan Đăng Lưu cho nằm ngâm thơ Gãi Háng – cơm tù bưng đến tận cửa xà lim, nước tù xịt xà lim cho tắm vì những ống nước nhà tù đặc cứng rỉ sét – Không hề bao giờ là Biệt Kích Cầm Bất Cứ cái gì, Nguyễn Trí Văn cũng nằm xà lim, ăn cơm nhạt xỉu xỉu mười tháng.
… Văn thấy không có gì trở ngại, vả lại đây cũng là chuyện tình nghĩa không có lý do gì từ chối…
Nguyễn Trí Văn không đến nỗi phải chết vì “tình nghĩa”. Anh chỉ vì “tình nghĩa” mà bị Công an Việt cộng cho đi tù gần một mùa lá rụng…
… Anh trở về với nếp sống cũ và hầu như quên đi câu chuyện ấy, chỉ còn giữ lại mấy cái hộp giấy đựng làm quà kỷ niệm…
Poste Phú Lang Sa văn minh hơn Post Mẽo ở những hộp các-tông đựng quà. Những hộp giấy vàng vuông vắn, gọn đẹp. Những năm đầu thập niên 80 một trong những lạc thú hào hứng nhất của những Anh Con Trai, những Chị Con Dâu Bà Cả Đọi ở Thành Hồ là đến Bưu Điện hay vào phi trường Tân Sơn Nhất lãnh đồ. Gần như cả nước sống nhờ đồ ngoại quốc gửi về. Có đồ là có tất cả. Có đồ là nỗi tuyệt vọng mênh mang trong lòng ta dịu bớt, vơi đi, ta được tiếp đôi chút hy vọng để có thể không chết. Nỗi sợ hãi công an trong ta cũng nhạt đi khi ta có đồ. Đồ càng lớn, càng nhiều, càng tốt. Tất nhiên. Nhưng đồ nhỏ cũng rất tốt. Chỉ một paquet một ký lô thuốc Tây từ Pháp quốc văn minh phồn hoa trữ tình lãng mạn sông Seine mờ sương trắng – là áo sương mù hay váy em. Ga Lyon đèn dzàng… Những anh Con Trai Bà Cả Đọi từ muôn kiếp trước đến muôn kiếp sau chưa từng một lần được đặt những bước loạng quạng đến Paris, chưa từng biết mùi Đầm là gì… vẫn xúc động khi nghe chuyện lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn thế… – những paquet quà thơm phức từ Pháp quốc gửi về Thành Hồ. Mỗi paquet – tuy không đủ lãng quên đời – cũng đủ cho hai vợ chồng và ba con nhỏ sống được một tháng.
Đấy là thời gian những anh Con Trai Bà Cả Đọi ở thành Hồ được gọi là những anh Tư Đê. Đúng ra mấy ảnh là mấy anh Năm Đê. Ngoài một tiếng Đê, ngôn ngữ thuần túy dân tộc, mấy ảnh luôn luôn sài bốn tiếng vần Đê:
– Đi, Đồ, Đói, Đợi
– Sao không đi? Còn ở đây?
– Đi không được. Sao lại không đi!
– Có tính đi không? Có đường đi không?
– Có đồ không?
– Đói thấy mồ…
– Đành đợi vậy…
Mấy ảnh nói mấy ảnh đợi, nhưng chính mấy ảnh cũng không biết mấy ảnh đợi ai, đợi cái gì, đợi đến bao giờ…


No comments:

Post a Comment