Saturday, March 16, 2019

THƯỢNG VIỆN BIỂU QUYẾT CHỐNG TT TRUMP - Vũ Linh (Tin Vắn Trong Tuần March16)


THƯỢNG VIỆN BIỂU QUYẾT CHỐNG TT TRUMP
Vũ Linh

Thượng Viện đã biểu quyết thu hồi sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn trương của TT Trump. Hạ Viện trước đây cũng đã biểu quyết như vậy. Thượng Viện biểu quyết với tỷ lệ 59-41, với 12 thượng nghị sĩ CH biểu quyết theo đa số DC, trong đó đáng kể là các TNS Mitt Romney của Utah và Marco Rubio của Florida. Tất cả đều giải thích đây không phải là lá phiếu chống TT Trump hay chống việc xây tường, mà chỉ là biểu quyết để bảo vệ quyền chi tiền hay không chi tiền của quốc hội.
Theo Hiến Pháp, tổng thống có quyền ra sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể chi tiền mà không cần quốc hội phê chuẩn, nhưng sắc lệnh này phải bị thu hồi nếu cả hai viện chống lại cho dù biểu quyết của Hạ viện và Thượng Viện đều là quyết nghị –resolution- chứ không phải luật.
TT Trump đã chính thức phủ quyết. Quốc hội muốn vượt qua phủ quyết của tổng thống, sẽ cần 2/3 Hạ Viện (290 phiếu) và 2/3 Thượng Viện (67 phiếu) biểu quyết. Trong lịch sử Mỹ gần như tổng thống nào cũng sử dụng quyền phủ quyết, tổng cộng cả ngàn lần (hai tổng thống tiền nhiệm Bush Con và Obama sử dụng 12 lần mỗi người), nhưng chỉ có một số rất nhỏ trường hợp quốc hội đủ túc số để vượt qua phủ quyết của tổng thống.
Nếu quốc hội không đủ túc số vượt qua được phủ quyết của TT Trump, thì ông có thể duy trì tình trạng khẩn trương và chi tiền xây tường theo ý của ông. Vấn đề chưa rõ ràng là trong trường hợp này, Hạ Viện hay Thượng Viện có quyền kiện TT Trump ra trước tòa để cản không. Nếu kiện được thì đây sẽ là một biến cố lớn mang nhiều ý nghiã vì sẽ là dịp Tối Cao Pháp Viện định nghiã lại cho rõ ràng thế nào là ‘tình trạng khẩn trương’.
Trong khi đó, bộ trưởng Tư Pháp của ba tiểu bang Texas, Indiana và Louisiana đã viết chung một bài xã luận nhận định việc TT Trump ban bố tình trạng khẩn trương hoàn toàn nằm trong quyền Hiến Định của tổng thống.

TIN BẦU CỬ TỔNG THỐNG NĂM 2020
Cho đến khi Bản Tin này được viết, vẫn chưa có tin cựu PTT Joe Biden sẽ ra tranh cử tổng thống hay không, mặc dù đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ ra.
Trong khi đó, ông Beto O’Rourke đã chính thức nhẩy vào cuộc. Ông cựu dân biểu DC của Texas, là một trong những ngôi sao sáng mới nổi của DC đã từng ra tranh cử thượng nghị sĩ Texas nhưng bị ông CH Ted Cruz hạ mặc dù đảng DC đã chi cả chục triệu để vận động cho ông. Ông O’Rourke được TTDC tung hô như một Robert Kennedy tái sanh, hay một Obama trắng.
Ông O’Rourke so với những nhân vật đã tuyên bố ra tranh cử, cũng được TTDC nhận định là có quan điểm ôn hòa, ít thiên tả cực đoan hơn. Thực tế là ông này cũng chủ trương gần như tất cả miễn phí hết cho cả nước bằng tiền trấn lột nhà giàu. Ông này cũng chủ trương mở toang cửa biên giới, giải tán cơ quan ICE, là cơ quan kiểm soát di trú. Ông cũng đã ủng hộ các dự án bạc chục ngàn tỷ của các bà Elizabeth Warren và Ocasio-Cortez. Ông ủng hộ tất cả những chính sách cấp tiến của đảng DC như đón nhận di dân Nam Mỹ, nới rộng Obamacare, ra thêm luật bảo vệ môi sinh và chống hâm nóng địa cầu,...
Ông O’Rourke trước đây làm dân biểu Texas ba nhiệm kỳ, tổng cộng 6 năm, tuyệt đối không ai nghe nói đến tên ông vì ông đã chẳng có bất cứ một thành tích nào, hay đưa ra bất cứ một dự luật nào. Trang mạng thiên tả Slate.com đã mau mắn đặt vấn đề chẳng ai hiểu ông O’Rourke ra tranh cử để làm gì, vì mục tiêu nào ngoại trừ vì tham vọng cá nhân.
Với kinh nghiệm mỏng hơn tờ giấy của anh này cũng như với cái gốc Texas, có nhiều triển vọng anh này đang ra tranh cử... phó tổng thống chứ không phải tổng thống. Sau lưng bà Kamala Harris hay Elizabeth Warren?
Dưới đây là bảng thăm dò hậu thuẫn mới nhất của Politico (danh sách này có cựu PTT Joe Biden mặc dù ông này chưa chính thức ra tranh cử):
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgvHiBzLP4iO4PILyUAxfhdxEXeiuSH5rUCCIAXsbwi34WKuXv0_j11OY0LgjjG6yQsyai3KPQZ1r_zxC6JCtQDcaWbU1jehNphleIYDdTR1vlHs5oEbRagLcAtiK9z3CcZlygkhbXHkD4/s320/Screen+Shot+2019-03-14+at+9.24.41+AM.png

Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC đã cho biết đảng sẽ tổ chức Đại Hội để tấn phong đại diện của đảng trong cuộc bầu tổng thống vào trung tuần tháng 7/2020 tại Milwaukee, thủ phủ của tiểu bang Wisconsin. Quyết định này cho thấy đảng DC đang cố gắng đi thu lại phiếu của dân lao động vùng Đại Hồ đã bị lọt vào tay ông Trump trong kỳ bầu năm 2016.
Trong khi đó, đảng CH đã cho biết họ sẽ tổ chức Đại Hội Đảng cuối tháng 8/2020 tại Charlotte, tiểu bang North Carolina.
Một tổ chức vận động tiền tranh cử tổng thống của đảng DC đã loại bỏ tiểu bang Ohio ra khỏi danh sách những tiểu bang ‘xôi đậu’ mà đảng DC cần tranh thắng. Quyết định được coi như đảng DC đã bỏ cuộc tại Ohio, coi như sẽ không thể thắng được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Tin này có vẻ rất tai hại cho đảng DC vì trong lịch sử cận đại Mỹ, chưa có một ứng cử viên tổng thống nào đắc cử mà không thắng tại Ohio hết.
 Báo The American Spectator đã viết một bài bình luận dài, tiên đoán đảng DC sẽ đại bại trong tất cả các cuộc bầu tổng thống và quốc hội trong năm 2020 vì một thiểu số dân biểu thiên tả cực đoan của đảng đã cưỡng chiếm đảng, đưa đảng xuống hố chủ nghiã. Thủ phạm được báo này nêu đích danh là những bà Ocasio-Cortez, Rashida Tlaib, Ilhan (ILHAN) Omar. Họ chỉ là một nhúm rất nhỏ, nhưng vì sự ồn ào, tuyên bố vung vít, họ đã có tiếng nói lấn át hết các tiếng nói quan trọng của đảng DC, kể cả tiếng nói của bà Pelosi, chủ tịch Hạ Viện. Từ đó, họ đã chùm cái áo thiên tả quá khích vào đảng DC, khiến dân Mỹ lo ngại.
Những chương trình tất cả miễn phí, tăng thuế tứ tung, quốc hữu hoá y tế, giáo dục, đóng cửa ICE để mở toang cửa biên giới, đàn hặc TT Trump,... tất cả đều bị đa số dân Mỹ coi như đi quá trớn.
Nhưng quý độc giả đừng lo. Anh nhà báo da đen Juan Williams đã khẳng định cho dù TT Trump thất cử năm 2020, ông sẽ không rời Tòa Bạch Ốc đâu!!! Đó là cách bình luận kiểu hù dọa thô bạo nhất của TTDC đấy. Ai tin anh này, xin nhớ cất kỹ bản tin này để đến khi đó mang ra kiểm chứng nhé.

TT OBAMA CẢN FBI
Bà Lisa Page, luật sư của FBI và của công tố Mueller, bị dính dáng như người tình của ông Peter Strzok trong xì-căng-đan FBI chống TT Trump, đã xác nhận trước Hạ Viện là FBI khi đang điều tra về vụ email của bà Hillary, đã nhận được lệnh của bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama, bà Loretta Lynch là không được truy tố bà Hillary.
Ai cũng biết sau đó, giám đốc FBI, ông James Comey, đã họp báo, tố cáo bà Hillary vi phạm đủ thứ tội liên quan đến việc sử dụng hệ thống email riêng, nhưng lại không truy tố bà Hillary gì hết.
Cũng trong câu chuyện mờ ám này, anh nhân tình của bà Page, Peter Strzock cũng khai là FBI khi đó được lệnh không đụng vào các emails của Quỹ Clinton Foundation, sau cuộc thương lượng giữa bộ Tư Pháp và các luật sư của bà Hillary. Anh không biết thương lượng đó tại sao lại có và trong đó những điều kiện nào đã được thỏa thuận. Đúng là chuyện quái lạ có một không hai: FBI ‘điều đình’ với luật sư để không đi tìm bằng chứng phạm pháp?
Những việc bà Page và ông Strzok xác nhận chứng tỏ rõ ràng đã có một sự thông đồng lộ liễu giữa bà Hillary với chính quyền Obama, ‘cản trở công lý’ để giúp bà trong cuộc bầu tổng thống trong khi những tố cáo ông Trump thông đồng với Nga cho đến nay, vẫn chưa ai đưa được bằng chứng cụ thể nào.

LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ CHỐNG ĐÀN HẶC
Bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã chính thức bác bỏ việc Hạ Viện đàn hặc TT Trump. Theo bà thì trừ phi có những dữ kiện mới, bằng chứng cụ thể TT Trump đã phạm tội tầy đình nào đó thì bà không có ý định đàn hặc TT Trump, vì ông ta “không đáng”.
Bỏ qua cái câu “không đáng” gọi là cãi chầy cãi cối cho có, quyết định của bà Pelosi cho thấy rõ ràng tất cả những công kích chống TT Trump của phe DC cho đến nay đều là chuyện phe đảng bá láp, chẳng có gì ghê gớm để có thể dùng làm lý cớ đàn hặc TT Trump. Quan trọng nhất là dù công tố Mueller chưa đệ nạp báo cáo cuối cùng, nhưng dường như sẽ chẳng có bất cứ bằng chứng nào xác nhận ông Trump đã ‘thông đồng’ với Nga để được đắc cử và những khua chiêng gõ trống từ hơn hai năm nay của DC  đã là chuyện công cốc.
Dĩ nhiên là đám cử tri cực đoan của DC muốn đánh Trump bằng mọi cách, nhưng còn cả cái khối cả trăm triệu dân Mỹ không phe phái, độc lập, đứng ngoài nhìn cuộc chiến của DC chống Trump. Đi quá lố, họ sẽ bực mình, ủng hộ Trump thì DC sẽ vỡ nợ.
Bà Pelosi cũng hiểu rõ đàn hặc TT Trump sẽ chẳng đi đến đâu vì sẽ không bao giờ có đủ phiếu tại Thượng Viện để truất phế TT Trump, ngoại trừ trường hợp công tố Mueller đưa ra bằng chứng không thể chối cãi được là thật sự đã có thông đồng.
Chưa kể việc đàn hặc TT Trump cận kề ngày bầu cử sẽ là viên thuốc thần dược kích động khối cử tri trung kiên của TT Trump hăng hái đi bầu cho ông, một viễn tượng DC rất lo sợ.
Sau khi bà Pelosi tuyên bố không có ý định đàn hặc, thì dân biểu Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban An Ninh của Hạ Viện, đã tuyên bố hưởng ứng quyết định của bà. Tuyên bố của ông Schiff mang rất nhiều ý nghiã. Ông này từ hơn hai năm qua đã hùng hục điều tra đủ mọi hóc cạnh của việc TT Trump thông đồng với Nga, đã từng nhiều lần công khai khẳng định chính mắt đã nhìn thấy hay đọc được những bằng chứng thông đồng tuyêt đối không thể chối cãi được. Bây giờ thì ông lại đổi giọng, nói là chưa đủ yếu tố cụ thể để kết tội. Hiển nhiên là ông đã nói láo từ trước đến nay, chứ nếu ông nói thật thì bây giờ là lúc ông toàn quyền trưng những bằng chứng ông đã thấy tận mắt ra để diệt Trump, tại sao lại không làm? Sao lại nói là chưa đủ bằng chứng?
Tin mới nhất, ông Andrew Weissmann, một luật sư cột trụ và hung hãn nhất trong cuộc điều tra của công tố Mueller, đã từ chức, trở về với văn phòng luật của ông. Tin này xác nhận cuộc điều tra có lẽ đã xong rồi, bây giờ chỉ còn lo viết báo cáo cuối cùng thôi. Dù vậy, vẫn chẳng ai thấy một bằng chứng hay dấu hiệu nào về việc thông đồng với Nga hay cản trở công lý hết.
Cho đến nay, người duy nhất bị án tù nghiêm trọng là ông Paul Manafort, có lúc đã làm giám đốc vận động tranh cử cho ông Trump. Ông Manafort bị hai quan tòa kết án về nhiều tội khác nhau, tổng cộng 90 tháng tù (trừ 9 tháng ông đã bị nhốt rồi). Toàn là những tội lem nhem tiền bạc như rửa tiền, hối lộ, nhận tiền của Ukraine không khai báo, trốn thuế,… Những tội vi phạm cách đây một hai chục năm, không có tý gì liên quan đến TT Trump hết.

CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU
Đúng như dự đoán, hai tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Hạ Viện do DC kiểm soát, đã chính thức bắt đầu cuộc ‘đảo chánh’ không đổ máu, nhắm lật đổ ông Trump, một tổng thống đã được bầu một cách hợp pháp và hợp Hiến.
Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, dân biểu DC Jerrold Nadler của New York, đã ra lệnh truy đòi cả vạn trang tài liệu từ 81 tổ chức, quan chức chính quyền Trump, phụ tá và cố vấn của ông, gia đình ông, và các doanh gia có quan hệ với ông. Theo dân biểu Nadler, những tài liệu này liên quan đến “việc TT Trump đã âm mưu cản trở công lý khi cách chức giám đốc FBI, James Comey, và những tội khác của TT Trump”.
Chuyện khôi hài là điều tra việc TT Trump ‘âm mưu cản trở công lý’ mà lại đòi cả vạn tài liệu từ 81 nguồn khác nhau, làm như thể “âm mưu” của TT Trump cách chức Comey để cản không cho ông ta điều tra Trump thông đồng với Nga, đã được thông báo hay ghi chú trên cả vạn tranh tài liệu cho cả trăm người biết, trong khi công tố Mueller điều tra cả hai năm nay mà chưa thấy truy tố ai hết.
Chuyện đáng nói là ý định truy tố “những tội khác của TT Trump”. Chẳng ai biết tội gì, lại chỉ là chuyện đi mò cua vô giới hạn khác, hy vọng tìm ra được bất cứ tội gì.
Đây mới chỉ là trận đánh đầu tiên. Tiếp theo sẽ là những trận đánh của Ủy Ban An Ninh về thông đồng với Nga cho dù công tố Mueller có bạch hóa hoàn toàn TT Trump, của Ủy Ban Đạo Đức gì đó về kinh doanh mờ ám, về lem nhem tình dục, và ai biết được chuyện gì khác mà khối DC có thể phịa ra.
Ít ai nghĩ những cuộc điều tra này sẽ lật đổ được TT Trump, cùng lắm sẽ được dùng làm lý cớ để đàn hặc nhưng rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu, chỉ nhắm bôi bác, lôi TT Trump xuống bùn. Trong hai năm tới, TT Trump sẽ hoàn toàn bị tê liệt bởi những cuộc truy lùng không ngừng nghỉ này. Dân Mỹ sẽ tốn bộn bạc tiền thuế cho những cuộc điều tra phe phái vớ vẩn này. Hàng trăm đại luật sư của cả hai bên sẽ làm giàu mệt nghỉ.
Chỉ vì đó là cách duy nhất đảng DC có một chút hy vọng hạ TT Trump năm 2020, chứ theo tình hình kinh tế hiện nay thì hoàn toàn vô vọng.
Trong tình trạng này, cậu Ấm Ủn hay Tập Cận Bình, hay Putin, hay ngay cả những tay tép riu như Maduro, Castro, NPTrọng, các giáo sĩ Iran,... tất cả sẽ tìm cách nắn gân TT Trump để xem mình yêu sách được gì. Quyền lợi quốc gia của Mỹ đị đe dọa, nhưng đó là chuyện khối DC chẳng một chút lưu tâm, chỉ lo đánh TT Trump thôi.
Báo phe ta New York Times dĩ nhiên bênh vực việc làm của khối DC, như là việc xác nhận sự hữu hiệu của thể chế tam quyền phân lập. Theo kẻ này, đây chẳng có gì là tam quyền phân lập mà đúng là nhánh Lập Pháp cố tình diệt nhánh Hành Pháp.

HẠ VIỆN BIỂU QUYẾT ĐÒI HÀNH PHÁP CÔNG BỐ BÁO CÁO MUELLER
Hạ Viện đã biểu quyết hoàn toàn ‘nhất trí’ yêu cầu chính quyền Trump công bố báo cáo của công tố Mueller khi báo cáo này được nộp cho bộ Tư Pháp.
Biểu quyết này chỉ mang tính tượng trưng, vì trên nguyên tắc không phải là luật mà chỉ là một yêu cầu mà chính quyền Trump có toàn quyền bác bỏ.
Như  DĐTC đã bàn nhiều lần, việc công bố hay không hoàn toàn nằm trong quyền hạn của Hành Pháp vì đây là một cuộc điều tra nội bộ của Bộ Tư Pháp, không giống như cuộc điều tra TT Clinton trước đây, là một cuộc điều tra do quốc hội chỉ định.
Dù vậy, vì áp lực chính trị từ dư luận quần chúng đến TTDC, chính quyền Trump sẽ khó có thể không công bố. Nhưng dù sao thì báo cáo cũng sẽ không thể nào được công bố trọn vẹn, nguyên văn, mà sẽ bị ‘đục bỏ’ những đoạn liên quan đến các bí mật an ninh quốc gia, hay những tên tuổi những người bị thẩm vấn nhưng không có tội, không bị truy tố gì hết.

ANH HỌC SINH COVINGTON KIỆN CNN
Anh Nick Sandmann, học sinh trường trung học Covington Catholic High School, đội mũ đỏ đứng mỉm cười trước ông da dỏ hát vào mặt anh ta, đã đâm đơn thưa kiện CNN cùng một tội với Washington Post, và cũng cùng một số tiền là 250 triệu đô về tội mạ lỵ, xúc phạm danh dự của anh qua những bản tin và bình luận hoàn toàn sai sự thật, trong mục đích đánh TT Trump, dùng anh ta làm công cụ chính trị, trong khi anh này chẳng có quan hệ gì với TT Trump
Luật sư của anh Sandmann cho biết đây là vụ thưa kiện thứ nhì và sẽ còn nhiều vụ thưa kiện khác nữa. Có tin các cơ quan lớn của TTDC như Associated Press, đài NBC, ABC cũng sẽ bị kiện về tội mạ lỵ.


HUYỀN THOẠI CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ - Vũ Linh


HUYỀN THOẠI CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ

Vũ Linh

Trong tuần qua, một độc giả của DĐTC gửi một loạt ’góp ý’ có tính mạt sát đảng CH và TT Trump để đề cao đảng DC và các tổng thống DC, nhất là Đấng Tiên Tri Obama. Loại góp ý này đi ngược hướng với DĐTC nhưng cũng hữu ích nên DĐTC đã đăng vì giúp cho thiên hạ có dịp thấy lại những lập luận ‘lừa gạt đường mòn’ mà đảng DC và TTDC cấp tiến đã nhai đi nhai lại như cục kẹo cao su hết chất ngọt từ nửa thế kỷ rồi, mà vẫn chưa thay cục kẹo khác.
Những lập luận này đã được chứng minh sai lầm cả vạn lần mà vẫn có người còn tin là... “sự thật”! Những cục sạn trong đầu thật khó mà lọc ra được là vậy.
       Một lần nữa, ta coi lại vài huyền thoại dai hơn đỉa này. 
(Xin quý độc giả tha lỗi bài hơi dài vì nhiều vấn đề quan trọng)
Phải nói ngay, ông độc giả này dùng toàn danh từ dao to búa lớn, biểu diễn sự thông thái bằng cách trích dẫn triết gia của mấy thế kỷ trước (kể cả Hegel là ông tổ của chủ nghiã cộng sản), nhưng tựu trung lập luận và bằng chứng của ông chỉ là phiên dịch từ CNN hay vài trang mạng lá cải cực tả. Là những chuyện cả nước đã biết từ khuya  qua TTDC và TT tỵ nạn, nhưng ông này mới khám phá ra tuần rồi. Cũng là những dối trá mà DĐTC này muốn vạch mặt.
Cái lạ là ông này viết câu trên chửi CS, câu dưới cổ võ cho cái mà chúng gọi là XHCN: Nhà Nước vú em, trợ cấp tối đa, miễn phí đủ thứ, đấu tranh giai cấp nghèo giàu,... Chửi CS thật hay chỉ là chửi để che đậy quan điểm thầm kín vậy?
Dù vậy, DĐTC này đã đăng một số ‘góp ý’ của ông ta, để có dịp làm sáng tỏ vài vấn đề mà rất nhiều người vẫn còn thắc mắc đâu là ‘sự thật’. Một số ‘góp ý’ khác, nhằm mục đích bôi bác, sỉ vả cá nhân TT Trump không đáng để đăng lại vì DĐTC này không phải là cái loa của CNN.

CHUYỆN GIÀU NGHÈO VÀ TRỢ CẤP
Cái lập luận xưa hơn trái đất là đảng DC lo giúp cho người nghèo trong khi đảng CH là đảng của tài phiệt chỉ lo trấn lột người nghèo. Đây là loại lập luận mỵ dân vô địch, hoàn toàn là lừa gạt, dựa trên sự thiếu hiểu biết của ‘dân nghèo’. Một loại lập luận copy nguyên văn sách lược kích động đấu tranh tranh giai cấp giàu-nghèo của CS, nhưng ‘nhẹ tay’ hơn, giống như uống bia Miller nhưng mà là Miller Lite!
Sự thật là ở Mỹ, chẳng có chuyện một đảng lo cho dân nghèo chống sự bóc lột của tài phiệt và một đảng diệt dân nghèo để bảo vệ nhà giàu. Một cái nhìn thô thiển kiểu quản giáo VC dạy tù cải tạo.
Trong lịch sử cận đại của Mỹ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, đã có 7 tổng thống CH trị vì tổng cộng 38 năm, và 5 tổng thống DC trị vì 28 năm. Nếu đảng CH là đảng của tài phiệt lo trấn lột dân nghèo thì chẳng lẽ dân Mỹ lại thích bị tài phiệt trấn lột dữ vậy sao? Ba tổng thống với tỷ lệ đắc cử cao nhất đều là CH hết: Eisenhower, Nixon và Reagan. Ông DC Clinton đắc cử với tỷ lệ thấp nhất, 43%.

Tổng Thống
Đảng
Thời gian
Số năm CH
Số năm DC
Eisenhower
CH
1952-60
8
Kennedy
DC
1961-63
3
Johnson
DC
1963-68
5
Nixon
CH
1969-74
6
Ford
CH
1974-76
2
Carter
DC
1977-80
4
Reagan
CH
1981-88
8
Bush Cha
CH
1989-92
4
Clinton
DC
1993-2000
8
Bush Con
CH
2001-08
8
Obama
DC
2009-16
8
Trump
CH
2017-now
2
Tổng cộng
38
28

Trong xã hội Mỹ, dân nghèo hay dân giàu đều cần nhau, và mọi người đều có đủ trình độ dân trí để ý thức nhu cầu phải có một sự công bằng tương đối nào đó, giúp đỡ lẫn nhau thì xã hội mới yên ổn không có chiến tranh liên miên bất tận như thời trung cổ.
Cử tri DC tung hô những chương trình xã hội lớn như Medicare, là hình thức cung cấp dịch vụ y tế cho người cao niên, được ban hành dưới thời TT Johnson, nhưng rõ ràng là họ mù tịt về tiến trình đi tới Medicare.
Đây là sự thật: ý kiến cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho dân xuất phát từ TT Teddy Roosevelt của CH, năm 1912. Ý kiến còn đang được nghiên cứu thì bị gián đoạn bởi hai cuộc thế chiến. Đến năm 1956, TT Eisenhower của CH ra luật Dependents' Medical Care Act, thành lập quy chế bảo hiểm sức khỏe cho gia đình các quân nhân, từ đó sanh ra cái tên “Medicare”. Qua năm 1961, TT Eisenhower tổ chức Hội Thảo Về Tình Trạng Người Già -White House Conference on Aging-, tìm cách mở rộng Medicare ra cho dân thường, nhất là những người cao niên. Mở đầu cho một tiến trình đưa đến dự thảo luật Medicare cho người cao niên được trình lên cho TT Johnson của DC năm 1965. Medicare được thông qua bởi Thượng Viện và Hạ Viện giữa năm 1965, với hậu thuẫn của cả hai chính đảng, chứ không phải chỉ có đảng DC ủng hộ và CH chống.
 Nhìn cho kỹ, nói Medicare là sản phẩm của đảng DC chỉ phô trương ra một sự thiếu hiểu biết về dữ kiện lịch sử. 
Có người nói “chống XHCN sao lại nhận Medicare”? Làm như thể Medicare là sản phẩm của Xã Hội Chủ Nghĩa mà Mỹ bắt chước. Những người này mù tịt về Medicare và lịch sử. TT Teddy Roosevelt đã có ý kiến này 5 năm trước khi xẩy ra cuộc Cách Mạng Cộng sản tại Nga, một thế hệ trước khi các xứ Âu Châu ôm chủ nghiã xã hội, và hơn 50 năm trước khi TT Johnson ký Medicare.
Sau khi Medicare ra đời thì không còn thay đổi gì cho tới thời TT Bush Con của CH, là người đã bổ túc, thêm Medicare Part D năm 2003, Nhà Nước trả tiền thuốc trong Medicare luôn. Các tổng thống DC Carter và Clinton trong khoảng thời gian trước Bush Con đã chẳng làm gì hết.
TT Obama tích cực hơn, tung ra cái gọi là Obamacare. Obamacare tốt hay xấu?
“Obamacare là chuyện điên rồ nhất thế giới. Người ta thấy một chuyện điên rồ là bất ngờ có thêm 25 triệu người có bảo hiểm y tế, rồi những người đi làm cật lực 60 tiếng đồng hồ một tuần tự nhiên phải trả bảo phí gấp đôi trong khi quyền lợi bảo hiểm bị cắt một nửa”. Đây không phải là nhận định của một tay ‘CH cuồng Trump’ nào đâu, mà đó là của cựu TT Bill Clinton đấy. Có cần bàn thêm không?
Đám ‘cuồng Obama’ đặt câu hỏi “những tay cuồng Cộng Hòa vì thù ghét đảng Dân Chủ có nhận và dùng Obamacare không…?” Thưa quý vị, dĩ nhiên là có. Đó là hệ thống y tế được Nhà Nước ra luật áp đặt, không sử dụng thì chẳng lẽ mua bảo hiểm y tế của Mexico? Không có nghiã là tốt. VC áp đặt chế độ CS lên cả nước, có phải CS là tốt không? Hơn nữa, không dùng Obamacare thì bị phạt tiền. Nếu quá tốt, sao lại phải có luật bắt thiên hạ phải mua, nếu không mua sẽ bị phạt? Có khác gì với chuyện ai ở VN mà không “nhận” chế độ CS sẽ bị trừng phạt không? Dù vậy, người ta ước tính có gần hai chục triệu người vẫn bác bỏ Obamacare, chấp nhận đóng phạt đấy.
Ít ai chối cãi đảng DC tương đối ‘rộng rãi’ hơn đảng CH trong vấn đề trợ cấp. Nhưng cũng không ai có thể nói đó là vì CH bất cần biết dân nghèo sống chết ra sao. Vấn đề ở đây là nền tảng nhân sinh quan hay ý thức hệ. DC thiên tả cho rằng Nhà Nước cần tập trung quyền lực và tiền bạc vào tay Nhà Nước, để Nhà Nước đùm bọc dân cả nước, chỉ thua chủ nghiã CS có một bước ngắn thôi. Trong khi CH chỉ cần một cái lưới an toàn tối thiểu –minimum safety net- để khuyến khích người dân tự lực cánh sinh, tin tưởng vào sáng kiến cá nhân của cả trăm triệu dân chứ không nghĩ là chỉ một nhúm công chức sáng xách ô đi, chiều vác cặp về có thể ngồi phòng máy lạnh nghĩ dùm và làm dùm mọi việc cho cả mấy trăm triệu người.
Trợ cấp tốt xấu ra sao?
Hiển nhiên trong xã hội, luôn luôn có những người thiếu may mắn, cần giúp đỡ. Trên căn bản đó, không ai có thể nói trợ cấp là chuyện xấu xa. Vấn đề là trợ cấp đến mức nào là đủ? Giống như câu chuyện nuôi con cái, đến tuổi nào thì chúng nên tự lập? Hay là cứ phải bám vào bố mẹ cho đến lúc chết?
Cái ‘rộng rãi’ của chủ thuyết ‘trợ cấp vú em’ có nhiều cái hại lớn.
Quan trọng nhất là biến người dân thành những người nhu nhược chỉ biết ngửa tay nhận trợ cấp được ban cho. Ban ít thì chửi, ban nhiều đòi thêm nữa. Tai hại hơn nữa là vì chỉ sống bằng cái trợ cấp tối thiểu đó, nên không bao giờ họ có cơ hội thoát ra khỏi cái bọc trợ cấp đó, không bao giờ có cơ hội thành ‘nhà giàu’. Trợ cấp là phương cách hữu hiệu nhất để giam hãm dân trong cái vòng nghèo túng với cái chi phiếu trợ cấp tối thiểu mãn đời.
Trên phương diện kinh tế, trợ cấp sẽ diệt tăng trưởng kinh tế, chẳng ai lo sản xuất gì nữa. Làm ít thì Nhà Nước nuôi, làm nhiều thì Nhà Nước đánh thuế cao, lấy hết tiền. Thế thì ai ngu đi làm cho mệt xác nữa? Nhìn vào tăng trưởng xấp xỉ 2% trong suốt 8 năm Obama thì thấy. Thất bại của tất cả các chế độ CS cho dù được áp đặt bằng súng đạn và tù đầy là một bằng chứng rõ ràng hơn nữa.
TT Obama chủ trì một nền kinh tế bết bát nhất lịch sử cận đại Mỹ, ngang ngửa với thành quả của TT Carter, cũng là DC. Dĩ nhiên, ông đã lãnh đủ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chánh vĩ đại, nhưng dĩ nhiên không kém, ông đã không triệt để tìm cách phục hồi, phát triển kinh tế lại. Cuộc phục hồi kinh tế của ông được chính CNN xác nhận là cuộc phục hồi yếu và chậm nhất lịch sử các cuộc phục hồi kinh tế. TT Obama dốt sao? Không phải vậy. Cho dù TT Obama không biết gì về kinh tế thì chung quanh ông cũng có cả trăm đại chuyên gia kinh tế.
Vấn đề là TT Obama thực tâm không muốn phục hồi quá nhanh. Tỷ lệ thất nghiệp lảng vảng ở mức 9%-10% từ ngày ông vừa ra luật gọi là kích cầu năm 2009 cho đến sau khi ông tái đắc cử năm 2012 mới bắt đầu hạ. Tại sao thất nghiệp quá cao và quá lâu như vậy? Tại vì thất nghiệp cao thì số dân lãnh trợ cấp đủ loại cũng cao, và càng cao thì càng nhiều người lệ thuộc vào trợ cấp mà họ nghĩ chỉ có đảng DC và Obama mới cung cấp. Có thể nói TT Obama cố kìm hãm phục hồi kinh tế để bảo đảm việc ông tái đắc cử hơn là lo kiếm việc cho dân.
Sách lược ngắn hạn có lợi cho Obama nhưng thật tai hại cho bà Hillary khi bà này phải trả cái giá là dân lao động mất job vùng Đại Hồ chạy ào ào qua bên ông Trump, tặng Tòa Bạch Ốc cho ông này để hy vọng có job lại. Và họ đã có job lại thật, đúng như mong đợi!
Mấy ông cử tri DC chất vấn đảng Cộng Hòa đã tạo ra được bao nhiêu chương trình ăn sinh xã hội để giúp dân?
Công bằng mà nói CH thua xa DC trên phương diện này. TT Obama là người đã đoạt giải vô địch về số người trở thành nô lệ vào trợ cấp, nhận lãnh food stamp, trợ cấp đông con, trợ cấp thất nghiệp, vô địch về số người nằm nhà không đi làm,… Không sai! Nếu đó là những tiêu chuẩn để đánh giá một tổng thống thì Obama quả là tổng thống ‘giỏi’ nhất, khiến cho dân càng ngày càng nghèo mạt, càng bị nhốt vào trong cái cũi trợ cấp của Nhà Nước.
Nhưng nếu đánh giá một tổng thống giỏi hay dở qua tăng trưởng kinh tế, qua số lượng người tham gia vào thị trường lao động, tức là số người đi làm, qua việc giảm số người lệ thuộc trợ cấp, lãnh food stamps, thì cứ nhìn vào các thống kê của hai năm dưới TT Trump. Những con số đó nói lên ‘sự thật’, phải không?
Trong vấn đề giàu nghèo, bỏ phiếu cho DC hay CH, thì sự lựa chọn khá rõ nét và dễ dàng. Ai muốn nằm ngửa đợi Nhà Nước thả sung vào miệng, cứ bầu cho DC, ai muốn có dịp tiến thân, thoát vòng nghèo túng, khỏi lệ thuộc trợ cấp, thì bầu cho CH. Dĩ nhiên, đây là nói về những người đầy đủ khả năng tự lực cánh sinh, chứ những người cao niên, hay có vấn đề sức khỏe, thì Nhà Nước sẽ phải lo, bất kể Nhà Nước DC hay Nhà Nước CH cũng không khác.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TTDC và đám DC, kể cả cựu TT Obama, thường đấm ngực cho những thành quả kinh tế là hậu quả muộn của chính sách của Obama, kể cả việc thị trường chứng khoán tăng ào ào.
Ta nhìn vào Dow Jones thử. Ngày Obama được bầu làm tổng thống, Dow Jones ở mức 9.000 điểm; ngày Trump được bầu, Dow Jones lên tới 18.000; tức là trong 8 năm Obama, Dow Jones đã tăng 9.000 điểm, hay trung bình 1.100 điểm một năm. Trong 2 năm hai tháng sau khi ông Trump đắc cử, Dow Jones tăng từ 18.000 điểm lên tới gần 26.000 tuần này, tăng 8.000 điểm hay trung bình gần 4.000 điểm một năm. Tăng vọt lên gấp bốn lần gia tăng dưới thời Obama, sao gọi đó là tiếp nối được? ‘Hậu quả muộn’ sao lại đúng ngay lúc ông Trump được bầu mà không xẩy ra trong 8 năm trước đó?

CHUYỆN ĐÓNG THUẾ
Tiện ích công cộng, quốc phòng, an ninh, hệ thống hành chánh Nhà Nước, ngay cả trợ cấp an sinh,... hiển nhiên là phải đóng thuế để Nhà Nước có tiền lo. Vấn đề là thu tới bao nhiêu là đủ, đến giới hạn nào thì là vừa phải?
TT xã nghĩa của Pháp Francois Mitterand, tăng thuế lợi tức ‘nhà giàu’, từ 45% lên tới 75%. Chỉ hai năm sau, ông phải thu hồi lại luật này vì các ‘nhà giàu’ đóng cửa hãng xưởng, bỏ nước ra đi, kinh tế cả nước trên bờ phá sản.
Có người đặt câu hỏi “TT Trump giảm thuế, vậy chứ mấy cụ cao niên không đi làm thì có đem về được một xu thuế nào không?”. Một câu hỏi ngớ ngẩn đến tiếu lâm. Không đi làm, được hưởng tiền già, được Medicare hay Medicaid miễn phí, được xử dụng tiện ích công cộng như đường xá, cầu cống, được quân đội và cảnh sát bảo vệ, tất cả miễn phí. Vậy mà vẫn khiếu nại không nhận được tiền thuế hoàn trả dù không đóng một xu thuế nào sao? Cụ tỵ nạn nào đồng ý với đòi hỏi này, xin đi khám bác sĩ tâm thần ngay.
Trong kinh tế thị trường khi mà Nhà Nước không có quyền ra chỉ tiêu kiểu như phải sản xuất bao nhiêu tấn khoai mì, hay giá một lít sữa phải là bao nhiêu, thì Nhà Nước chỉ có một cách điều khiển kinh tế hữu hiệu nhất là gián tiếp qua các luật thuế.
Giảm thuế khuyến khích các đại gia và công ty đầu tư thêm để kiếm thêm lời, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm, giảm thất nghiệp. Giảm thuế cũng giúp người dân tiêu thụ có thêm ít tiền đi mua sắm, giúp nhiều hàng hóa được tiêu thụ hơn. Giúp kinh tế tăng trưởng, cả nước giàu.
TT Trump giảm thuế để kích động tăng trưởng kinh tế quá èo uột của Obama, chứ không phải để chia tiền cho các cụ nằm nhà ăn trợ cấp. (Xin đọc lại bài Luật Thuế Mới trên DĐTC này – Tháng Chạp 2017)
Trong con mắt của khối thiên tả, thuế phải là cách chia lại tiền lấy của người khác.
Trước khi các cụ bị bịnh DƯT chửi TT Trump của CH giảm thuế để “giúp nhà giàu có thêm tiền”, thì các cụ nên nhớ lại trong lịch sử cận đại của Mỹ, tổng thống đầu tiên giảm thuế mạnh là John Kennedy, và TT Obama cũng là người gia hạn giảm thuế của TT Bush con. Cả hai ông Kennedy và Obama đều là ‘thần tượng’ của DC đấy. Sao họ lại muốn tài phiệt “có thêm tiền”?
Một tờ báo Việt ngữ bị bịnh DƯT loan tin “TT Trump cắt chương trình phúc lợi xã hội cho người nghèo. Chỉ cần đọc tới chữ “cắt” là đã mừng rỡ nhẩy tưng tưng vì tìm ra được cách mới đánh Trump, không rảnh tìm hiểu thêm, hay không có khả năng để hiểu xa hơn.
Sự thật là TT Trump đề nghị cắt 1.500 tỷ Medicaid là chương trình y tế cho dân lợi tức thấp, và cắt 800 tỷ Medicare là chương trình y tế cho dân cao niên.
Việc cắt giảm này không có nghiã là những người bị bệnh đang được chữa bịnh miễn phí, bây giờ Trump không cho chữa bịnh nữa. Cắt giảm này dựa trên 2 yếu tố:
1)    Medicaid là chương trình dành cho những người trong mức lợi tức thấp. Trong chính sách kinh tế của TT Trump, kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh, hàng chục triệu người sẽ có việc làm hoặc sẽ có lợi tức cao hơn, vượt qua mức cùng đinh của Medicaid, do đó họ không cần Medicaid nữa vì sẽ có bảo hiểm của sở làm, hay đã có đủ tiền để tự mua bảo hiểm, giảm gánh nặng của Nhà Nước. Cụ thể: trong năm 2018, 4 triệu người đã không còn nhận được food stamp nữa, không phải vì TT Trump cắt, mà vị họ không cần nữa.
2)    Trong cả hai chương trình Medicaid và Medicare, Nhà Nước sẽ xiết chặt hay cắt giảm tiền bồi hoàn các bác sĩ, nhà thương và tiền thuốc để không cho họ chém Nhà Nước quá tay. Như một bác sĩ mổ ruột gửi biên lai 20.000 đô một lần mổ cho Nhà Nước qua Medicare, bây giờ Nhà Nước sẽ cứu xét, chỉ trả 12.000 đô thôi (chỉ là ví dụ, không chính xác).
Trước khi các cụ cuồng chống Trump nhẩy dựng lên, thì xin tin cho các cụ biết cắt giảm ngân sách Medicaid và Medicare kiểu này không phải là ‘sáng kiến’ của tay ‘khốn nạn Trump’ (danh từ của một tay cuồng Obama đấy), mà là ý kiến trong Obamacare mà các cụ ca tụng đấy. Năm 2012, trong cuộc tranh luận trên TV, ứng cử viên PTT của CH, ông Paul Ryan, chất vấn ứng cử viên của DC, ông Joe Biden, và ông Biden đã xác nhận Obamacare sẽ cắt giảm 700 tỷ Medicare để đắp vào Obamacare. Việc này chưa được thực hiện vì vẫn chỉ là một trong không biết bao nhiêu bánh vẽ mà TT Obama đã tặng dân. Bây giờ TT Trump ghi vào ngân sách để thực hiện. Obamacare cắt giảm ít hơn TT Trump vì thứ nhất Obamacare không dự trù việc kinh tế tăng trưởng mạnh, tạo công ăn việc làm cho cả triệu người để họ thoát ra khỏi mức cùng đinh của Medicaid, và thứ nhì Obamacare dự trù cấp Medicaid và Medicare cho cả chục triệu di dân lậu, là chuyện không có trong ngân sách của TT Trump.
Nói tóm lại, chẳng có cụ nào bị mất Medicaid hay Medicare đâu, tỉnh táo đừng nghe những xuyên tạc của những tay lừa đảo chuyên nghiệp hay hù dọa thiếu lương thiện.

CHUYỆN CÔNG NỢ
Vài cụ tỵ nạn bị bịnh DƯT nặng này coi CNN thấy đả kích TT Trump tăng công nợ từ 20.000 tỷ lên tới 22.000 tỷ thì hô hoán ầm ỹ, đả kích túi bụi, mặc dù khi TT Obama tăng công nợ gấp đôi, từ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ thì lại ô-kê, im re.
TT Obama khi rời nhiệm sở, để lại món nợ 20.000 tỷ, món nợ đó là công khố phiếu của Nhà Nước Mỹ, phải trả tiền lãi. Lãi suất trên công khố phiếu Mỹ trong năm 2018 là 3%. Tức là tiền lãi trên 20.000 tỷ là 600 tỷ x 2 năm = 1.200 tỷ. Chỉ vì tiền lãi không mà công nợ của TT Trump trong hai năm đã tăng lên tới 21.200 tỷ rồi.
Công nợ ngày Obama nhậm chức là khoảng 10.000 tỷ, lãi suất công khố phiếu Mỹ tháng Giêng năm 2009 là 2,2% và tháng 10, 2016  1,7%. Cứ tính đổ đồng lãi suất là 2% một năm trong 8 năm Obama. Tức là tiền lãi là 10.000 x 2% x 8 1.600 tỷ trong 8 năm Obama. Như vậy, nếu kể tiền lãi không thì công nợ của Obama cuối hai nhiệm kỳ phải là 10.000 + 1.600 = 11.600 điểm. Đằng này, nó lên tới 20.000 tỷ.
Những năm Obama cũng là những năm mà cuộc chiến Iraq và Afghanistan giảm cường độ mạnh, chi tiêu chiến tranh giảm gần hết. Tức là phần lớn số tiền 8.400 tỷ TT Obama vay mượn thêm đều được dùng làm quà trợ cấp cho ‘dân nghèo’ để mua phiếu bầu cử cho ông ta và đảng DC.
Cho đến nay TT Trump vẫn chưa cắt trợ cấp của ai hết, vẫn phải è cổ trả trợ cấp Obama đã ban phát, gia tăng mỗi năm theo lạm phát. TT Trump chưa có ngân sách chi tiền gì hết. Chỉ mới xin hơn 5 tỷ để xây tường là đã bị chống phá đến đóng cửa Nhà Nước rồi, làm sao có chuyện TT Trump đi vay thêm 2.000 tỷ để... xài chơi? Mà xài vào chuyện gì, có cụ nào thấy không?
Cái giả dối của những người hô hoán về 2.000 nợ của TT Trump trong khi nín khe về 10.000 tỷ nợ mới của TT Obama nói lên đầy đủ tính phe đảng lố bịch của họ hay sự thiếu hiểu biết hay thiếu lương thiện của họ, không hơn không kém.

Ghi chúTrong trang Báo Mỹ tuần này, có đăng lại một số bài viết cũ của kẻ này về thành quả của TT Obama. Kính mời quý độc giả đọc lại nếu muốn biết thêm chi tiết về cái tài của Đấng Tiên Tri.