Monday, March 11, 2019

Tiết lộ ‘hiểm nghèo’ – nhìn lại Đại Hội 12 của đảng CSVN - (Phạm Chí Dũng)


Tiết lộ ‘hiểm nghèo’
– nhìn lại Đại Hội 12 của đảng CSVN
March 10, 2019
Phạm Chí Dũng
Một bí mật được chôn giấu
Ba năm sau khi Đại Hội 12 của đảng CSVN với một tiêu chí ngầm “bất kỳ ai, trừ Dũng” kết thúc vào mùa xuân năm 2016, đến tận đầu mùa Xuân năm 2019 mới có một cựu quan chức cấp cao hé lộ một bí mật chôn giấu nơi cung đình: “Chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hiểm nghèo và trả giá đắt…”
Quan chức tiết lộ trên là Phan Diễn, cựu thường trực Ban Bí Thư, một người được xem là “phe đảng” và gần gũi với Nguyễn Phú Trọng từ thời tiền Đại Hội 12 khi ông Trọng còn chưa giành được cái ghế tái đắc cử tổng bí thư và còn xa cách vời vợi cái ghế chủ tịch nước.
“… Vào thời điểm trước Đại Hội 12, chúng ta đã lâm vào hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo” – ông Phan Diễn trả lời phỏng vấn của VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) vào Tháng Hai, 2019 – “Bây giờ nhớ lại chúng ta không khỏi rùng mình vì đất nước lúc đó đã đứng trước tình hình như vậy. Cũng vì thế mà những chuyển biến mà Đảng ta đã làm được từ đầu khóa 12 đến giờ thật là điều may mắn đáng mừng. Mừng vì đảng đã nhìn thẳng vào sự thật để từ đó quyết tâm hành động, xoay chuyển được tình hình, cứu được những thành quả của cách mạng, cứu được chế độ. Đó là ý nghĩa rất lớn của cuộc đấu tranh này.”
Nhưng vì sao “hiểm nghèo?”
Theo Phan Diễn, “Hầu hết các vụ việc đưa ra xét xử từ sau Đại Hội 12 đều đã xảy ra trong những năm 2006-2015.”
Khoảng thời gian 9 năm trên không phải là “9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp,” mà lại ứng vào “ngôi sao tham nhũng” Nguyễn Tấn Dũng – người đã ghi dấu ấn có lẽ độc nhất vô nhị trong lịch sử tồn tại của đảng CSVN như “một thủ tướng phá chưa từng có.”
Tiết lộ về tính từ “hiểm nghèo” của ông Phan Diễn đã xác nhận nhiều hoặc rất nhiều tu từ của dư luận và đồn đoán trước Đại Hội 12 về tâm thế “khủng hoảng” của Nguyễn Phú Trọng và những người thuộc “cánh Trọng.”
“Hiểm nghèo”
Sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào cuối năm 2012 mà không thể kỷ luật được “đồng chí X” và phải nhòa lệ kính lão trong diễn văn bế mạc hội nghị này, Nguyễn Phú Trọng và người đồng đảng đồng trục của ông ta là Trương Tấn Sang đã trở nên thất thế nghiêm trọng trước một Thủ Tướng Dũng chuyên quyền và lũng đoạn chính trường ngày càng ghê gớm.
Tại Hội Nghị Trung Ương 7 vào giữa năm 2013, thậm chí hai nhân vật mà Nguyễn Phú Trọng định “đẩy” vào Bộ Chính Trị là Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh đã bị “đá văng” ra ngoài, thay vào đó là hai quan chức được xem là trung dung không phe phái là Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân – những người “vô thưởng vô phạt” đến độ dù có thể hiện bản lĩnh hết cỡ thì “cũng chẳng chết ai.”
Và thậm chí, “gà” của Nguyễn Phú Trọng là Nguyễn Bá Thanh đã lâm vào một trận ung thư với nguồn cơn vô cùng khó lường và khó đoán, để chỉ một năm rưỡi sau đó – mùa Xuân năm 2015, ông ta phải ngậm ngùi về với cõi âm.
Mùa xuân năm 2015 lại là Hội Nghị Trung Ương 10 – với một chiến thắng lịch sử của Nguyễn Tấn Dũng: theo rất nhiều thông tin dư luận không chính thức nhưng cho tới nay chưa hề bị phản bác hay bác bỏ bởi bất kỳ cơ quan nào của đảng hoặc chính phủ, không phải Tổng Bí Thư Trọng mà chính là Thủ Tướng Dũng mới về đầu bảng trong cuộc chạy đua lấy phiếu tín nhiệm cho ứng cử viên tại Đại Hội 12. Trong khi đó, nghe nói ông Trọng chỉ “lót chót thứ 8.”
Nguyễn Tấn Dũng đã “vươn lên một tầm cao mới” – theo đúng cách dùng từ ưa thích và khoe mẽ của nhân vật này – khi chỉ còn chẵn một năm là đến Đại Hội 12, sự kiện mà bộ tham mưu của Nguyễn Phú Trọng đã phải tất bật và xáo động đến thế nào, trong bầu không khí căng thẳng và hồi hộp bởi tính chất “được ăn cả ngã về không,” còn nhiều dư luận thì cho rằng đó là một cuộc song đấu sống mái giữa phe bảo thủ và phe lợi ích.
Vào giữa năm 2015 còn nổ ra vụ “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh mà đã bị đồn đoán về một “âm mưu đảo chính”nào đó. Dù chưa biết lời đồn đoán này có xác thực hoặc có cơ sở nào hay không, chỉ biết rằng cung mệnh tướng Thanh trong nửa cuối năm 2015 đã chìm hẳn, để rồi ông ta thực sự biến mất khỏi chính trường sau Đại Hội 12.
Đó cũng là bối cảnh mà không ít cận thần cách mạng lão thành của Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vừa ngấm ngầm vừa công khai trên mặt báo chí về “nguy cơ” đối với đảng, trong đó nhấn mạnh nguy cơ tham nhũng và và nguy cơ cát cứ quyền lực.
Đó cũng là khoảng thời gian mà phe Nguyễn Tấn Dũng chưa bao giờ ngông nghênh lộ liễu đến thế. Nghe đâu một buổi tiệc rất lớn đã được phe cánh này chuẩn bị trước, chỉ chờ “Anh Ba” chính thức trở thành tổng bí thư là sẽ khui rượu mừng. Trần Bắc Hà – nhân vật được xem là “lưu manh ngân hàng” và cũng là một tay hoạt đầu chính trị mà đến năm 2018 đã bị Nguyễn Phú Trọng tóm cổ hạ ngục – là một trong những kẻ lăng xăng nốc rượu như thế.
Và đó cũng là hoàn cảnh đã xuất hiện tiêu chí “bất cứ ai, trừ Dũng” liên quan các phương án nhân sự tứ trụ và cả nhân sự Bộ Chính Trị – của Tổng Bí Thư Trọng, của Bộ Chính Trị và của Ban Chấp Hành Trung Ương. Tâm trạng hoảng hốt lo sợ “mất đảng mất nước” bao phủ các cơ quan khối văn phòng trung ương đảng.
Ngay cả những cận thần trung thành và lạc quan nhất của ông Trọng vào thời điểm đó cũng có vẻ kém lạc quan về chiến thắng của Trọng. Từ “hiểm nghèo” mà Phan Diễn nói ra hẳn phản ánh tâm trạng đó. Tấn bi kịch “75% ủy viên trung ương bỏ phiếu ủng hộ không kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng” tại Hội nghị trung ương 6 lăm le tái diễn. Trong khi đó, giới quan lại cấp dưới và các địa phương chỉ biết hấp hé mắt trong thân phận “hàng thần lơ láo” hoặc “gió chiều nào theo chiều ấy.”
Nói cách khác, phe Nguyễn Phú Trọng đã rơi vào tình cảnh “hiểm nghèo” khi Đại Hội 12 không còn bao lâu nữa sẽ diễn ra.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Tô Huy Rứa – ủy viên Bộ Chính Trị Kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương và là một cận thần của Nguyễn Phú Trọng – không ranh mãnh và sâu hiểm tiến hành một chiến dịch “luân chuyển cán bộ lãnh đạo” – bao gồm nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh thành và lãnh đạo đầu ngành, bao gồm ba giai đoạn vào năm 2015, mà bằng thủ thuật chính trị ấy đã tước đoạt ít nhất tám chục ủy viên trung ương được xem là thuộc “phe Dũng?”
Cuối cùng, có lẽ chỉ bởi tính thiên phú quá đỗi chủ quan và kiêu ngạo đắc thắng của Nguyễn Tấn Dũng mới khiến cho ông ta “từ trên trời rơi xuống” trước cú ra đòn thầm lặng và đột biến của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương về tài sản cá nhân và “vấn đề lịch sử chính trị,” cùng một quy định của đảng do Tổng Bí Thư Trọng ký mà hẳn Thủ Tướng Dũng chẳng bao giờ thèm ghé mắt: “đảng viên không được tự ra ứng cử nếu không được tổ chức đảng giới thiệu.”
Rốt cuộc, Bộ Chính Trị đã không giới thiệu Nguyễn Tấn Dũng ra ứng cử chức vụ tổng bí thư tại Đại Hội 12. Rốt cuộc, phe Trọng đã thở phào và… hú vía.
Còn cụm từ “trả giá đắt” cũng của tác giả Phan Diễn thì sao?
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại
Có lẽ ông ta muốn hàm ý về một cuộc “chỉnh đảng” mà đã khiến Tổng Bí Thư Trọng hao tâm tổn trí đến mức tại Đại Hội 12, Trọng phải thốt lên “Tôi bất ngờ!” một cách rất thành thật sau khi ông ta nhận được 100% phiếu thuận cho ứng cứ viên duy nhất của chức tổng bí thư – chính là Nguyễn Phú Trọng.
Tuy thế, hãy đừng nghĩ rằng từ ngữ “hiểm nghèo” có liên quan gì đến sinh mệnh của dân tộc và nhân dân, bởi đại đa số người dân từ lâu nay đã không còn quan tâm đến một đời sống chính trị của nạn nhung nhúc tham nhũng và thói đấu đá tàn mạt lẫn nhau của giới quan chức.
Chỉ có “trả giá đắt” là đúng, ứng với đất nước và người dân – đối tượng phải nhận lãnh hậu quả theo đúng quy trình trong câu “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại” của nhà thơ Nguyễn Duy. 
(Phạm Chí Dũng)


No comments:

Post a Comment