Monday, March 11, 2019

Nạn Nhân & Thủ Phạm - Tưởng Năng Tiến


Nạn Nhân & Thủ Phạm
Tưởng Năng Tiến
Tác giả gửi tới Dân Luận
Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm Thanh Hoá và ân cần căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu.” Hôm ấy chắc Bác không được khoẻ, nói năng nhỏ nhẹ (và yếu xìu) nên chả ai nghe gì ráo trọi.
Bởi vậy, sáu mươi lăm năm sau – năm 2012 – Chủ Tịch Trương Tấn Sang lại phải “ân cần” nhắc lại: “Phấn đấu... xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước.”
Bác đã đi xa. “mong ước” của Người (xem ra) cũng còn xa lơ, xa lắc – theo như thông tin của báo chí nước nhà:
“Vụ ‘hot girl’ xứ Thanh” vừa nguội, và cũng mới bớt buồn (chút xíu) thì báo Tuổi Trẻ lại ái ngại cho hay một tin buồn khác: “Năm đinh tặc sa lưới.” Tuy sự việc xẩy ra ở Bình Dương nhưng cả năm “đối tượng” bị bắt giữ đều là dân Thanh Hoá. Mẩu tin này được hằng triệu người quan tâm, cùng với hàng ngàn lời bình luận rất khắt khe và nặng vẻ kỳ thị (hay phân biệt) vùng miền:
Phạm Xuân Quang Con mẹ nó, cho chém hết tụi này đi.
Thuy Do chặt tay lũ này được rồi, đồ khốn xem thường mạng sống của người dân
Pham Kieu Theo em lột trần bọn này, đứng xếp hàng, rải đinh của bọn nó ra, từng đứa một vào bò, lăn lộn trên số đinh đấy
Trần Thanh Lại là người Thanh Hóa...
Thành Tiến Đm lại là dân Thanh Hoá...
Quỳnh Như Hỏi sao người ta ác cảm với Thanh Hoá
Két Sắt An Toàn Thanh Hoá nhiều người xa quê không chịu làm ăn lương thiện cuối cùng được ngồi nhà đá ăn cơm cả xô.
Tôi cũng xa quê, xa lắm, và xa gần trọn cả đời. Trên bước đường lưu lạc, thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp những đồng hương Thanh Hóa. Chưa ai gây cho tôi một ấn tượng xấu xa nào cả, nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại.
Có lần, tại Vang Vieng – một thị trấn giữa đèo, ở Bắc Lào – cô thợ hớt tóc nhất định trả lại tiền công chỉ vì tôi nhỏ nhẹ “cảm ơn” trước khi từ biệt. Cô gái nói nghe như hát: “Ui chao ơi, con nỏ biết chú là người Việt mô. Người mình chi mà cao rứa hè?”
Sau đó, cháu còn gọi điện thoại cho chồng – một chàng trai cùng quê, làm nghề xây dựng, hay nói chính xác hơn là phụ hồ, và đang thất nghiệp – nhắn phải chạy ngay ra tiệm để “gặp ông chú ni lạ lắm.” Đây là lần đầu tiên họ gặp mặt một “Việt Kiều” và cũng là lần đầu tiên tôi có dịp nói chuyện với hai người bạn, từ Thanh Hoá.
Ở Thái Lan thì phần lớn di dân Việt Nam – bất kể Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Thanh Hoá – không đi phụ hồ, cũng không hớt tóc. Họ thường giúp việc ở tiệm ăn, nếu chưa có đủ vốn để “làm chủ” một cái xe bán trái cây hoặc nước dừa.
Cứ mỗi lần nhìn thấy đồng bào mình tất bật trong mấy hàng quán chật chội, nhễ nhại mồ hôi nơi các công trường, hay lầm lũi đẩy những xe bán hàng rong (loanh quanh khắp phố phường Bangkok) tôi đều muốn ứa nước mắt. Ở tuổi đôi mươi – lẽ ra – họ phải được ngồi ở giảng đường đại học, thay vì suốt ngày đầu tắt mặt tối nơi đất lạ xứ người.
Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm.
Tôi chưa bao giờ có dịp bước chân ra đến miền Trung nên không thể hiểu được tại sao đa phần những người trẻ tuổi nơi đây lại phải tha phương (hay đi rải đinh những nẻo đường quê hương) để mưu sinh? Bản tin “năm đối tượng quê Thanh Hoá” vừa bắt bị bắt không làm suy giảm mối hảo cảm của tôi với người dân ở vùng đất này mà chỉ khiến nhớ đến một bài báo khác (“Ai Rải Đinh Trên Con Đường Giáo Dục”) của tác giả Trương Khắc Trà. Ông đặt vấn đề:
Giáo viên bị bắt quỳ gối ở Long An, học sinh bóp cổ giáo viên ở Bến Tre, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ở Đắc Lắc…tất cả những điều đó buộc xã hội phải nhìn nhận lại nghề giáo.”
Tôi thì trộm nghĩ thêm rằng mọi ngành nghề hiện nay đều có vấn đề, chứ chả riêng chi nghề giáo:
- Ai rải đinh vào ngành giao thông mà Tổng Kiểm Toán Hồ Đức Phước cho hay là mới kiểm toán 49 dự án BOT và đã giảm được 173 năm thu phí, và đây mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.
- Ai rải đinh vào ngành nông nghiệp để nông dân phải đổ rau củ thối, trong khi nhà nước vẫn chi ra hằng 100 triệu Mỹ Kim cho hàng nhập khẩu?
- Ai rải đinh trên vào ngành công nghiệp để đến thế kỷ 21 mà Việt Nam vẫn chưa làm được con đinh vít, và mỗi năm vẫn phải nhập cảng hằng chục ngàn tấn tăm tre và đũa tre từ Trung Quốc?
- Ai rải đinh vào ngành lâm nghiệp khiến “dân chở hai cái thớt gỗ thì bị bắt vì tội phá rừng, quan chở nguyên dàn cây cổ thụ đi hàng nghìn km thì không ai phát hiện ra?”
- Ai rải đinh vào ngành ngoại giao khiến nạn lạm thu xẩy ra “ở khắp địa cầu,” và nạn nhân phẫn uất đến độ có người tự đâm dao vào ngực, tử vong ngay trước Toà Đại Sứ VN ở Malaysia?
- Ai rải đinh vào hệ thống ngân hàng khiến cho đại diện Ngân Hàng Nhà Nước khuyến nghị thân chủ phải thường xuyên kiểm tra tiền gửi để tránh mất cắp? Ai cắp?
- Ai rải đinh vào ngành lập pháp mà ghế đại biểu quốc hội có thể chạy được bằng tiền và dân biểu quốc hội lại “âm thầm” nhập quốc tịch nước ngoài?
- Ai rải đinh vào ngành tư pháp mà toà xử dân ăn cắp hai con vịt bị lãnh án 13 năm tù, còn cán bộ đi xe bảng số giả, tông chết người thì chỉ bị xử phạt hành chính?
- Ai rải đinh vào ngành xây dựng mà đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ hai mươi mốt?
- Ai rải đinh vào hàng ngũ quân đội để cho lực lượng này bạc nhược đến độ không “giải phóng” nổi “một cái sân chơi gôn bé tí” – theo như lời than phiền của một nhà thơ: Một sân gôn bé tí/ Thế mà quân đội ta/ Mãi không giải phóng được/ Còn nói gì Hoàng Sa.
- Ai rải đinh vào ngành y tế để bệnh nhân phải nằm chồng chất lên nhau, và dùng thuốc ung thư giả được coi là chuyện bình thường!
Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách của đất nước đều bị bọn quốc tặc rải đinh (mười phân) ráo trọi thì xá chi mấy mảnh thép lụn vụn, trên vài con hương lộ ở Bình Dương. Cứ chăm chăm ném đá tới tấp vào vài tên đinh tặc lắt nhắt (những kẻ chỉ vì bần cùng sinh đạo tặc) thì sợ rằng chúng ta đã nhầm lẫn – tai hại – giữa nạn nhân và thủ phạm!


No comments:

Post a Comment