Saturday, December 23, 2017

Tịnh Tâm Kinh- Khổng Thị Thanh Hương

Tịnh Tâm Kinh
Khổng Thị Thanh Hương

Câu hỏi “Thứ tha có dễ?” lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều ngày sau khi trải lòng trên giấy trắng mực đen sự thương cảm của tôi đối với một số người nữ quê tôi chịu bao thảm kịch đắng cay vì sự tàn bạo của một lũ đàn ông thua xa súc vật.  Ngày hôm qua tôi đã tìm được câu trả lời. 
Như thường lệ, chúng tôi tình nguyện cùng với trên dưới mười người để “làm đẹp” sân cỏ của một ngôi trường tiểu học đã bỏ hoang hơn sáu năm nay.  Bên phía Đông của Đảo Lớn này, lượng mưa khoảng từ 7.850 đến 10. 271 phân mỗi năm cho nên cây cỏ mọc liên tục, không ngừng không nghỉ, không lấy giờ giải lao.  Do đó, sáu năm không có người lai vãng, cỏ cao hơn đầu người, choán hết đường đi.  Những cây cổ thụ không ai tỉa nên thi nhau mọc, che khuất toà nhà hai tầng, chưa kể những cây mới được trồng bởi chim trời.  Khi lái xe qua khu vực này, du khách không hề hay biết sự hiện diện của Hilo Elementary School.
Như những tháng gần đây, công việc của tôi tháng này vẫn là … nhổ cỏ.  Tuy nhiên, lần này bà trưởng nhóm Akiko nhờ tôi cố gắng dọn sạch họ hàng nhà mắc cở đầy gai đang làm mưa làm gió, bóp nghẹt sự sống của những khóm Hawaiian fern nằm dưới chân những bụi chuối.  Tay thì giựt từng cụm mắc cở đầy gai, mà lòng thì suy nghĩ lung lắm.  Tôi phân vân không biết sẽ phải đối xử thế nào với những người đàn bà người Thái đồng hương với những kẻ hành động như những con thú đội lốp người mấy chục năm về trước, thì bỗng dưng tôi nghe tiếng ai gọi tên cúng cơm của mình.  Ngẩng lên, tôi thấy Luckana đang đi ngang qua, vẫy tay chào với nụ cười thật tươi.  Tôi cũng nhoẻn miệng cười chào lại.  Sau khi hỏi thăm nhau qua loa, tôi chỉ cho bà ta hai nơi khác nhau để bỏ cỏ dại.  Loại cỏ “chạy”, một loại cỏ có rễ lan man cả nhiều thước thì bỏ vài bao rác màu đen, vì bà Akiko không muốn nó bén rễ mọc lại.  Tất cả các loại cỏ dại khác hay lá khô thì thẩy vô miếng bạt trải dưới đất.  Luckana hiểu ý, bắt tay vào việc ngay.  Bà ta dùng một cái cuốc, bổ mạnh xuống đất chi chít cỏ chạy, rồi nậy chúng lên.  Sau đó, Luckana dùng một cái chổi sắt cào chúng vào một đống, chuẩn bị đem vứt.  Thấy Luckana đánh vật với miệng bao nhất định khép, không chịu mở, tôi ngừng tay để phụ.  Tôi giữ miệng bao cho Luckana dồn cỏ dại vào.  Hai người đàn bà luôn tay làm việc, nhìn nhau với đôi mắt thông cảm biết ơn, đôi khi trao đổi vài câu vô thưởng vô phạt.  Sự điềm đạm, nhẫn nại của Luckana tuy kín đáo nhưng đã khiến tôi mềm lòng.  Tâm hồn tôi bỗng thấy dịu mát.  Ngắm người đàn bà tuổi đã ngoài lục tuần, nhưng đôi mắt vẫn còn trong, thêm nụ cười hiền hậu, tôi nghĩ tại sao tôi có thể giận oan được người này?  Tại sao tôi không thể kết thân được với bà?
Sau một hồi diệt cả trăm cây mắc cở lưng tôi mỏi, hai đầu gối tôi ê, tôi phải tạm ngừng.  Nhìn sang bên vườn sả sáng nay có một thanh niên tỉa ngọn trước đó, tôi thấy Im, một cô gái người Thái khác đang dùng xuổng đánh bật rễ nhưng bụi sả lên rồi chất đống vào một bên.  Tôi không hiểu tại sao lại bới những bụi sả này lên, khi sả đang tràn đầy sức sống.  Tôi tiến tới hỏi lý do.  Im nói là vì mưa nhiều, một số rễ đã ủng nước.  Nếu không nhổ đi trồng lại thì nguyên cái vườn sả sẽ hư hết.
Cái Im này là người để quên mũ hai tháng trước.  Hôm đó tôi thấy Im cắt cỏ dưới trời nắng cháy mà không có mũ, nên đã tháo mũ mình cho Im mượn, vì tôi nhặt cỏ dưới lùm cây có bóng mát.  Cũng cái Im này hôm nay đứng lựa những nhánh sả còn chắc tốt để trồng lại và quăng những nhánh sả hơi ẻo lả xuống đất, nói là sẽ đem bán tại một tiệm chạp phô dưới phố.  Không muốn Im phải nhặt những tép sả dưới đất lên, sau khi lựa xong, tôi đi lấy cái bao rác mầu đen lúc nãy dùng để vứt cỏ chạy, để Im bỏ những nhánh sả vào.  Rồi tôi hỏi có cần giúp.  Im nói cám ơn, không cần.  Tuy nhiên, tôi vẫn ngỏ ý muốn phụ, vì sau gần hai tiếng cúi mình nhặt cỏ, cái lưng của tôi bắt đầu lên tiếng than phiền, tôi không thể tiếp tục với tư thế khom lưng nhặt cỏ được nữa!  Thế là hai người đàn bà, một trẻ, một già im ru đứng lựa sả.  Chỉ có tiếng những nhánh sả rơi sột soạt vào bao, vì Im ít nói.   
Những người đàn bà Thái này không vứt đi điều gì.  Những lá sả được Luckana nhặt lên và cột lại thành từng búi nhỏ.  Tôi hỏi chuyện “bà dùng để nấu trà sả?”  Luckana gật đầu rồi khoe là bao nhiêu năm nay đã uống trả sả mỗi ngày, nhờ đó mà ít bệnh.  Dù có được biết về trà sả, tôi muốn biết cách pha trà sả của bà này nên hỏi thăm.  Người đàn bà Thái từ tốn chỉ cách.  “Bà nấu nước sôi rồi bỏ nguyên bó sả vô nấu trong vòng ba phút, sau đó bấc xuống, uống cả ngày.”  Tôi cho Luckana biết là ở bên Do Thái có một vùng có đất rất tốt cho sả.  Sả trồng ở vùng này đã được dùng làm trà cho những bệnh nhân ung thư uống khi làm hóa trị.  Nhờ đó họ dễ chịu, bớt ói mửa và tăng sức đề kháng.
Ba tiếng làm việc qua nhanh.  Kẻ cắt cỏ, người dùng xe ủi đất ủi những đống cây khô vào một phía, người lấy máy tỉa, tỉa những bụi cỏ dại nằm trong những nơi hiểm hóc, máy không vào được, người bê từng khúc cây hay những cành cây đã được cưa ra từ trước, đem vứt vào một góc của sân trường.  Mọi người nghỉ tay để ăn trưa.
Người phụ trách phần ẩm thực vẫn là Đào, cũng là người Thái Lan.  Tôi cho Đào biết bên VN, Đào là tên một loài hoa.  Đào nói bên Thái Lan, “đào” có nghĩa là một vì sao sáng, vì khi ra đời đôi mắt Đào rất sáng nên cha mẹ đặt tên “sao”.  Hôm đó Đào đãi món bún cá thát lát vo viên nấu với sườn heo và củ cải trắng.  Thêm vào tô bún là thịt xá xiú, đậu hũ chiên cùng với rau muống, cải bắp thảo, rau thơm, bên cạnh tiêu, ớt hộp xay nhuyễn, tóp mỡ chiên và ớt tươi thái mỏng.  Ngoài ra còn có chai nước mắm để sẵn cho ai thích ăn mặn.  Ngoài ra, Đào không quên những vị nào không ăn thịt cá.  Đậu xào với đậu hũ, nấm rơm, cà rốt và bắp hộp ăn với cơm trắng là món dành cho những ai ăn chay trường.  Bữa trưa hôm đó, món tráng miệng gồm có chè đậu xanh và nhãn lồng.
Nhận tô bún từ tay Đào, tôi cảm động.  Một lần nữa, cử chỉ ân cần săn sóc của Đào khi hỏi tôi thích món này, bỏ món kia cho tôi tô bún của tôi khiến tâm hồn nắng hạ của tôi như được một cơn mưa rơi xuống, gột sạch những bụi bặm, đất cát bám cứng đã nhiều hôm.  Tôi dứt khoát nhủ lòng:  Các bạn mình khuyên thật là chí lý.  Những người này không có lỗi gì, không dính dáng gì tới những hành động tàn ác của người cùng quê quán với họ, mấy chục năm về trước. 
Sau mấy tiếng tình nguyện đổ mồ hôi trán và nhức mình nhức mẩy, tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Thứ tha có dễ?”  Thứ tha có dễ, khi có dịp chia sẻ với nhau.  Chia sẻ những ánh mắt thân thiện, những lời hỏi han ân cần đầy tình người, những chăm sóc chân tình.  Tôi cảm thấy gần gũi hơn, thông cảm hơn với những người đàn bà Thái bên phía Đông của Đảo Lớn này.  Tôi xin phép dùng những dòng chữ chí tình của những người bạn gửi cho, như những lời kinh để xin Chúa cho tôi một tâm hồn bằng an, không ghen ghét, hận thù. 
Lạy Chúa của con, sự buồn phiền, khó chịu của con không biết có làm những kẻ dữ nhảy mũi hay không, nhưng cái hỏa trong lòng con cứ nung nấu làm con bị gầy đi.  Mà con cũng đã gầy lắm rồi.  Chúa biết, ở đâu cũng có người xấu, người tốt.  Những người đang làm việc tình nguyện với con không biết đã làm hay chưa làm gì xấu, nhưng trước mắt thì họ đang làm việc từ thiện.  Xin cho con chấp nhận, vui vẻ với họ trong công việc tốt lành hiện tại để cùng vui với nhau.  Xin Chúa cho con hiểu được đất nước nào cũng có người xấu, người tốt.  Nếu chỉ căn cứ vào hành động của những người xấu để có thái độ với dân cả nước của người đó thì thật là quá đáng, dù khi nghĩ tới những thảm cảnh kinh hoàng mà bọn hải tặc Thái Lan gây nên cho những người vượt biển, lòng con không khỏi xốn xang.  Xin giúp con tha thứ, quên đi hận thù và cho con xem họ như những người bình thường đã đến từ một quốc gia nào khác, không dính dáng gì đến bọn qủy đó. 

Tôi lập đi lập lại Tịnh Tâm Kinh này, cầu mong sự bình an trong tâm hồn sẽ ngự trị thường trực trong tôi, chứ không chỉ tạm thời giây lát, như cơn gió Bắc bất ngờ ghé qua mấy hôm nay, hay như một ánh sao rơi trên nền trời trăng vắng.

Nguồn: Tác giả gửi.

Thứ Tha Có Dễ?- Khổng Thị Thanh Hương

Thứ Tha Có Dễ?
Khổng Thị Thanh Hương

Hai ngàn năm trước, Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu tha lỗi cho người bẩy lần là tối đa?  Chúa trả lời là phải tha 77 lần.  Đối với Thiên Chúa, tha thứ không có giới hạn, nếu người ta thống hối.  Tôi cố gắng theo lời Người dạy.  Những lần bị oan ức không giải tỏa được hay những lần trái tim rướm máu vì bị phản bội, tôi đều tha thứ.  Nhưng hiện tại có một điều qúa khó với tôi.
Mấy ngày nay, sau khi đọc bài “Nước Mắt Nước Biển và Thuyền Nhân Việt" của Trần Mộng Tú, tâm hồn tôi dậy sóng.  Tôi chẩy nước mắt, xót thương cho những người đàn ông đã chết bất ngờ trong đau đớn tủi hận vì không bảo vệ được người thân yêu của mình.  Lòng tôi quặn đau thương cảm cho những người đàn bà con gái bị những tên ngư phủ Thái Lan, vì thú tính đã biến thành những tên thảo khấu bất lương trên biển cả.  Tôi hình dung sự lo sợ kinh hoàng của những thân gái đối diện với sự hung bạo của qủy đội lớp người.  Rồi tôi trách mình ghê gớm.
Tôi trách mình đã để con tim ngủ yên trong những năm tháng vừa qua.  Tôi trách lòng mình đã qúa hải hà, quên đi rằng trong những năm cuối của thế kỷ trước, tôi không hề mua những chai nước mắm, hũ tương, gói bún, từ cái xứ đã không xử theo đúng luật những tên ngư phủ biến thành hải tặc, giết đàn ông, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ của quê tôi đem đi bán tại những nhà chứa.  Tôi trách mình đã không nhớ là mình đã không hề đặt chân vào nhà hàng chuyên nấu món Thái hay dính dáng đến bất cứ điều gì liên quan đến quốc gia có tiếng là từ bi nhân ái này.
Rồi thời gian trôi qua, có thể vì bản tính mau quên hay vì cố gắng theo lời dạy dỗ của Thầy Chí Thánh, tôi cùng với bao ngàn, vạn người Việt Nam khác lại mua những sản phẩm đông lạnh, những hũ tương, hũ chao, những gói bún, những gói bánh tráng khô từ xứ Xiêm La Chùa Tháp, lại bắt đầu rủ nhau đi ăn “đồ Thái”.  Du lịch Thái Lan là chuyện bình thường.
Gần đây nhất, từ ngày tình nguyện nhổ cỏ, làm vườn cho một ngôi trường bỏ hoang tôi có dịp bầu bạn với một nhóm phụ nữ người Thái.  Nhóm này khoảng sáu, bẩy người, tuổi từ trên dưới 20 tới 60, phần đông đã có gia đình, chí thú làm ăn.  Một điều lạ là không ai có chồng người Thái mà họ toàn lập gia đình với đàn ông Mỹ da trắng.
Chúng tôi trở thành bạn, dù không thân.  Mỗi tháng gặp nhau nơi sân trường này, chúng tôi vừa nhổ cỏ vừa trao đổi chuyện nấu nướng, chuyện làm ăn, chuyện con cái.  Tuyệt nhiên, không ai đả động đến chính trị hay tôn giáo.  Những ai không nhổ cỏ, khiêng cây hay chạy máy tỉa hay cắt cỏ thì phụ trách phần ẩm thực.  Những bữa ăn trưa họ mang tới, đã nấu sẵn từ nhà như bún thịt, bún cá, mì hay cơm xào với rau và đậu hũ rất ngon miệng.  Bên cạnh một nồi nước dùng nghi ngút khói là một khay rau muống kèm với giá sống, rau thơm.  Ngoài ra, bao giờ mọi người cũng được mời một ly trà Thái giải khát sau ba, bốn tiếng làm việc ngoài trời.
Bài tạp ghi của Trần Mộng Tú ghi lại chuyến đi tìm kiếm những ngôi mộ của những thuyền nhân đã bỏ thây trên một đại dương mang tên Thái Bình đã khơi lại trong tôi những ác cảm đã nằm sâu trong tiềm thức mấy chục năm qua.  Chỉ trong vòng đôi ngày, những gì tôi đã quên về một loài qủy đội lốt người, chỉ sống cách quê hương tôi 809 cây số theo đường chim bay, đã sống dậy mãnh liệt.  Những tên qủy giết người không gớm tay này không thua gì nhóm qủy đỏ cầm quyền nơi quê hương đã mất.  Những tên qủy này, trước khi ra khơi, chúng cư xử mẫu mực như những người cha, người ông, người chú hay người bác đáng kính, như bất cứ các gia đình bình thường nào khác.  Những xác người hồn qủy này ác độc hơn dã thú, vì hùm beo lang sói chỉ cấu xé ăn thịt lẫn nhau hay ăn thịt người vì nhu cầu thể chất.  Lũ qủy đội lốt người này giết người vì lòng tham, vì sự dâm dục của loài thú hai chân.  Lũ qủy đội lốt người này không từ nan một hàng động nào khi thú tính, qủy tính đã làm mờ mắt, trở thành sắt đá trước những lời van xin, những giọt nước mắt, những tiếng kêu thất thanh ai oán vang lên tới trời cao từ những người nữ, có em mới 11.
Khi tìm đường trốn thoát khỏi đám qủy đỏ thứ thiệt tại quê nhà, hàng ngàn người dân tôi đã bị đám người chài lưới đội lốp cướp biển đập bằng búa, đâm bằng mác, bằng dao, liệng xuống biển khi vẫn còn đang thoi thóp, trong khi những người vợ, người chị, người em của họ hãm, bị hiếp tập thể nhiều lần.  Những người dân tôi không biết là trên đường hải hành trốn qủy đỏ, họ sẽ chạm mặt với loài qủy đội lớp người!
Từ khi đọc được bài tạp ghi về chuyến đi trở về trại Tỵ Nạn Songkla, bãi Tha Sala, đảo Koh Kra, Bidong của Trần Mộng Tú, lòng tôi mất bình an.  Tôi tự hỏi phải đối xử với những người đàn bà Thái tôi quen gần hai năm nay ra sao.  Tôi có hai lựa chọn:  một là từ chối không đến tình nguyện tại ngôi trường này nữa, để không nhìn họ rồi nhớ lại những tội ác tầy trời cha ông họ đã làm.  Hai là tiếp tục tình nguyện và coi như quên những gì đã xẩy ra trong qúa khứ, coi như một chương sách đã sang trang, phải bắt chước Chúa của tôi, tha thứ cho người vì Chúa tôi đã tha thứ cho tôi bao nhiêu vạn lần. 
Nghĩ thế nhưng có làm được?  Chủ nhật tuần sau là chủ nhật thứ hai của mỗi tháng.  Tôi có nên trả lời là vì bận để không đến đó nhìn mặt những người đàn bà Thái.  Tôi sẽ phản ứng ra sao khi nhìn thấy họ, trong lòng lại dấy lên những tư tưởng chua cay không gột được?  Tôi có nên hỏi họ, “Các bà có cha, có bác, có chú làm nghề đánh cá trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước?”  Nếu họ trả lời “Có” thì tôi phải đối xử thế nào?  Nếu họ trả lời “Không” thì tôi có chấp nhận và tin họ nói thật hay không?
Hai ngàn năm sau tôi hỏi Chúa, “Chúa ơi, con phải làm gì với đối với những tên ngư phủ đóng vai hải tặc trên biển Thái Bình 30 năm về trước?  Con phải làm gì đối với những hậu duệ của chúng, giờ đây con đang quen?  Con phải làm gì khi Chúa dậy con bác ái, vị tha?”

Nếu Chúa bảo tôi phải tha cho họ.  Tôi có nghe lời hay lại nại cớ sẽ tha nếu những kẻ làm lỗi đền tội trước công lý?  Tôi có mong một điều vô tưởng không khi ao ước một ngày kia sẽ có một tòa án lập ra để lùng bắt những tên ngư phủ đội lốp hải tặc?  Tôi có mơ mộng hão huyền khi mong mọi người, trong và ngoài nước tôi tẩy chay hàng hóa Thái Lan, tẩy chay nhà hàng Thái, tẩy chay du lịch Thái?

Nguồn: Tác giả gửi

Cách Dùng Tablets hay Cell phones như một GPS độc lập không cần lệ thuộc vào Internet-Huỳnh Chiếu Đảng


Install  App "Here Wego." Trước khi đi du lịch download bản đồ nơi sắp đến vào máy (internal memory) hay SD card (external memory) để sử dụng như một GPS bình thường mà không cần lệ thuộc vào internet. 

Friday, December 22, 2017

Nhật Ký Anne Frank, Nhật Ký Ngọc Ánh (Những Nỗi Buồn Nhân Thế)




Nhật Ký Anne Frank, Nhật Ký Ngọc Ánh

(Những Nỗi Buồn Nhân Thế)

Trần Mộng Lâm


Cuốn nhật ký “Ngày Tháng Buồn Hiu” đến với tôi rất tình cờ. Một buổi sáng tôi đến chơi nhà người bạn, thấy cuốn sách mầu tím mới tinh nằm trên bàn, tôi lật cuốn sách ra coi trong khi chờ bạn sửa soạn ly cà phê buổi sáng. Đọc qua vài trang, tôi bị cuốn nhật ký thu hút đến nỗi nhất định phải mượn về nhà tuy người bạn cũng chưa có dịp đọc. Và tôi đã tìm được những gì mà tôi tìm kiếm mấy chục năm nay, sau cuộc chiến.
Cái mà tôi muốn tìm, là một cuốn nhật ký tương tự như nhật ký của Anne Frank. Sau Thế Chiến Thứ Hai, và khi những tội ác của Đức Quốc Xã đối với dân Do Thái đã được nhân loại phanh phui, thì cuốn nhật ký của một cô gái người Do Thái tên Anne Frank được người ta tìm thấy và phổ biến trên toàn thể Thế Giới. Cuốn nhật ký của Anne Frank được nhân loại tìm xem và là một trong những cuốn sách được in ra nhiều nhất, số bản in có lẽ chỉ thua kinh thánh, mà thôi.
Cuộc chiến Việt Nam được chấm dứt tháng tư năm 1975 sau 20 năm người Việt tàn sát lẫn nhau. Kể từ tháng tư năm đó, người dân Miền Nam đã bị đầy đọa, cầm tù hàng triệu người, kỳ thị và ngược đãi đến nỗi họ phải liều chết ra đi để rồi hàng triệu người bỏ mạng tại Biển Đông, gia đình ly tán, và khổ nạn đó kéo dài đến ngày hôm nay, khác với Dân Do Thái chỉ bị nạn Quốc Xã có 6 năm, từ 1939 đến 1945. Tôi vẫn tự hỏi có ngày nào được đọc những trang nhật ký của một người thiếu nữ Miền Nam, nạn nhân vô tội của chiến tranh, , trong trắng, vô tư và trạc tuổi của Anne Frank, khi bạo lực đã không cho họ có được một cuộc đời an lành như họ ước mơ. Sở dĩ tôi mong mỏi như thế, vì tôi đã sống trong trại cải tạo, đã đọc những hồi ký viết về thời gian đó, nhưng chúng tôi là những người lính, đã tham dự chiến tranh, đã trưởng thành khi Sài Gòn thất thủ. Đối với tôi, mọi sự rất giản dị, thua trận thì bị cầm tù và hành hạ, dẫu sự thua trận đó có nhiều lý do chứ không vì thiếu can trường. Cái mà tôi thắc mắc là những thanh thiếu niên Miền Nam, chưa tới tuổi 20, họ tiếp nhận sư thua trận của chúng tôi ra sao ??
Cuốn nhật ký của Ngọc Ánh, đã giải tỏa cho tôi phần nào những thắc mắc đó, nhưng lời giải đáp không vui chút nào, đúng như tôi suy nghĩ, vì tựa đề của cuốn nhật ký là Ngày Tháng Buồn Hiu.

Vài Hàng Về Tác Giả.
Ngọc Ánh là con của một người Cộng Sản, đã tham gia cả trong cái mà họ gọi là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả gia đình của Ngọc Ánh đều là ViCi, trừ tác giả.Lý do là từ khi còn nhỏ, ba má ruột của cô (người thứ năm trong gia đình), đem cho người em gái của cha cô nuôi. Bởi lý do ấy nên cô gọi cha mẹ nuôi là Ba Má Sáu, trong khi cha mẹ ruột cô gọi là Ba MáNăm. Ba Sáu và Má Sáu nuôi cô rất tận tình . Cô viết :
- Cái tình nghĩa hai mươi năm dưỡng dục, ta nhớ như in con đường đất trơn trợt trong hẻm mà hai ông bà đã thay nhau cõng ta đến trường đầu tiên, rồi những lần ta ốm đau quặt quẹo thuốc Bắc thuốc Nam, mái tóc ta chỉ có mỗi Ba Sáu cắt, áo quần ta mặc chỉ có mỗi Má Sáu may. Ba Sáu hớt tóc, Má Sáu bán hàng rong, chắt chịu nuôi ta khôn lớn, cơm rau hiu hẩm cả nhà cùng chia sẻ ngọt bùi bấy nhiêu năm.
Cái éo le của số mệnh là ông bà Sáu có một người con là sỹ quan VNCH. Sau khi Miền Nam thua trận, cha ruột tác giả là ông Năm tìm đến nhà người em gái của mình đòi con lại :
-Nhà cô dượng bây giờ là sỹ quan ngụy. Con Ánh không thể có tương lai được. Bây giờ tôi bắt nó về Sài Gòn cho nó tiến thân trong xã hội mới, nhưng nói trước để cô dượng đừng có thơ từ kêu réo nó trở lại đây nhe, bây giờ nó là con tôi, tôi sẽ làm khai sanh nó lại họ của tôi.
Dĩ nhiên ở tuổi 20, tác giả không còn nhỏ nữa. Cô đã biết suy nghĩ. Suy nghĩ để đi tới một kết luận. Kết luận là : Bài học đầu tiên mà người cha cách mạng dạy cho cô là bài học phản bội.
Đem con về, người cán bộ CS đó cương quyết nhuộm đỏ tuổi trẻ của cô khi bắt cô phải tham gia cách mạng trước và gát lại chuyện học hành, nhưng cô phản kháng để quyết thi vào đại học, cần có bản Sơ Yếu Lý Lịch nhờ cha chứng, ông chỉ chịu ký với điều kiện ghi sơ sơ vài hàng thành thậtcó thằng anh sỹ quan ngụy (Con ba má Sáu), lý do thay tên đổi họ. Những hàng thành thực ông Năm ghi thêm vào là :
-Vì hoàn cảnh đau khổ của chiến tranh, cha con ly tán. Tôi là nạn nhân của thời cuộc do Mỹ Ngụy gây ra. Nay nhờ cách mạng cứu sống lại đời tôi nói riêng, thế hệ nói chung. Nay tôi nguyện trọn đời hy sinh cho cách mạng….
Về người sỹ quan ngụy, Trần Văn Tùng,con trai duy nhất của má Sáu, người em ruột của ông, người CS chơn chính là ông Năm không muốn bị liên lụy, có hại cho tiền đồ của ông, ông đã viết thêm :
Tên Tùng quá nguy hiểm cho cách mạng. Khi tôi thấy không thể tuyên truyền được nó, tôi có đề nghị với các đồng chí cho ban công tác thành bắn nó, nhưng các đồng chí vẫn còn do dự. Tôi nghĩ rằng nó là một thằng nguy hiểm, việc nó làm có phương hại đến cách mạng không nhỏ. Cần phải dứt khoát hạ nó….
Đứng trước hoàn cảnh đó, người con gái Miền Nam không thể không bất mãn với người cha ruột CS của mình. Cô ghi lại trong nhật ký :
-Cộng sản là thế đó ư ? Cậu ruột có thể tìm mọi cách giết thằng con trai duy nhứt của em mình, cháu của mình ? Trời ơi, ta đau đớn có thể chết được.
Và cuối cùng, cô đã có một quyết định là xé bỏ tờ sơ yếu lý lịch và gọi cha ruột CS của mình là đồng chí Ba. thực quá đắng cay, thê thảm.

-Trời ạ ! Chèn ép nhân dân phải không, đã thế không thèm đề gì hết, cùng lắm bỏ thi, tội gì phải đặt sự tiến thân của mình vào dăm câu lếu láo nịnh bợ đó. Ta nguyện trọn đời dâng con tim chai đá không bao giờ biết đến nói dối cho bồ ta thôi, ta hổng hưỡn hy sinh phi lý vô lý cho cách mạng à nhe. Nản quá, rút sơ yếu lý lịch về để nghĩ lại xem, cái lối dồn người ta vào chân tường của đồng chí Ba này không khá, hổng lẽ đời ta từ nay chỉ còn biết quỵ lụy và dựa hơi thôi sao???

Cảm Nghĩ người đọc Nhật Ký Ngày Tháng Buồn Hiu của Ngọc Ánh.
Những gì tôi viết trên đây chỉ là để mọi người biết qua về thân thế, tâm trạng của Ngọc Ánh, một thiếu nữ còn rất trẻ khi Cộng Sản xâm chiếm Miền Nam chỉ mới là một học sinh trung học.Khi Miền Nam sụp đổ, thì cô chưa vào đời, chưa có khuynh hướng chính trị, chưa phân biệt được thế nào là Cộng Sản, thế nào là Quốc Gia, là dân chủ, là độc tài Đảng trị. Chỉ những tháng năm sau đó, nhờ ở sự quan sát đời sống những người Miền Nam, bạn bè, thầy học cũ, tác giả mới cảm thấy cái sự giả dối và phi nhân của những người CS. Cô ngột ngạt trong không khí gia đình, với người cha và hai người chị đã bị nhuộm đỏ từ trái tim cho tới khối óc. Cô cũng nhận thức được là sự thống nhất Việt Nam chỉ là một ván bài tháu cáy với những người gọi là đại biểu dân tộc. Bà thắc mắc :

-Có thực là những đại biểu dân tộc đó có nhiệt tình yêu dân, yêu nước không ? Hay chỉ là cái cớ để xâm chiếm Miền Nam theo chính sách độc tài Đảng trị??
Với cái suy luận như vậy, với sự quan sát tinh tế của một người con gái Miền Nam thông minh, ta không lạ gì thấy tác giả của cuốn nhật ký trở thành người phản kháng cái chế độ phi nhân phi nghĩa mà người Miền Nam phải gánh chịu như một định mệnh tàn tệ. Trả giá cho sự cứng đầu đó là trên mười năm lăn lóc trong những nhà tù, với một đứa con tật nguyền, và một người chồng đã bị Cộng quân xử bắn vì chống lại chế độ.
Tập nhật ký mà tác giả còn gọi là “nhật ký mực tím” còn dài. Nếu phải trích đăng, có lẽ tôi không làm được vì trang nào cũng hay, cũng có giá trị, cũng khéo vẽ cảnh tượng xã hội Miền Nam trong thời kỳ đen tối đó, như một bức tranh rất thực, rất chân thành, làm người xem có thể khóc được vì nó tả chân quá, không lẽ chép luôn cuốn nhật ký vào đây, điều đáng tiếc là đến nay cuốn sách vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, chạm vào nổi đau đã qua có lẽ tác giả rất buồn .
Sau ba chìm bẩy nổi, Ngọc Ánh cuối cùng cũng đến được bến bờ Tự Do của nước Mỹ, nhờ người chồng sau, một cựu giáo sư Miền Nam mà cô rất biết ơn, vì ông đã mở rộng bàn tay để ôm cô vào lòng, như bản tính đôn hậu của người Nam Việt đã từng sống dưới sự giáo dục nhân bản của người Quốc Gia chúng ta. Tuy nhiên những kỷ niệm với người chồng đầu không bao giờ phai nhạt. Người chồng đầu tiên của Ngọc Ánh là anh Trần Thắng Tài. Năm 1979, anh Tài bị biệt giam trong ngục tù Cộng Sản, và anh bị xử Tử Hình vào ngày 14 tháng sáu năm 1982 tại Phan Thiết. Trong tù, anh viết bài thơ sau đây đề tặng vợ:

Ta nay thất thế bị giam cầm.
Nghiến răng ngậm miệng nuốt hờn căm.
Một lòng vì nước vì dân tộc.
Sá chi tù ngục chốn ta nằm.
Đêm nghe tiếng cuốc chiêu hồn nước.
Ngày thấy hoàng hôn phủ núi sông.
Miền Nam tan tác đau lòng khóc.
Án tử, chung thân, gió thoảng lòng.

Cái chết của anh Trần Thắng Tài sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng. Tập Nhựt Ký mực tím của người vợ anh đã làm anh trở thành bất tử, và Miền Nam tan tác sẽ có ngày trở thành Một Miền Nam tràn đầy nắng ấm, một khi nạn CS qua đi. Nó sẽ phải qua đi vì nó gây ra quá nhiều tội ác.
Tôi đã đọc xong cuốn Ngày Tháng Buồn Hiu của tác giả Ngọc Ánh, và tôi cũng đã xúc động chân thành như khi tôi đọc Nhật Ký Anne Frank. Xin được gọi Ngọc Ánh là một Anne Frank của Miền Nam, và mong cuốn nhật ký này sẽ được phổ biến sâu rộng . Trân trọng.
Trần Mộng Lâm

Mời xem "Ngày Tháng Buồn Hiu" Phần 1==>(Click) Tháng Buồn Hiu-Phần 1 (Ngọc Ánh)

Thursday, December 21, 2017

Bệnh tiểu đường và các loại thuốc chữa-Bs Hồ Ngọc Minh

Bệnh tiểu đường và các loại thuốc chữa
BS. Hồ Ngọc Minh August 02, 2017
Trong vòng 50 năm qua, có rất nhiều thuốc trị bệnh tiểu đường khác nhau đã được phát minh và cho phép sử dụng. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên Cứu Quốc Gia (National Institutes for Health) đài thọ cho thấy, tuy rằng các loại thuốc nầy có làm giảm lượng đường trong máu, nhưng lại không giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và giảm tỉ số tử vong.
Theo nghiên cứu của ACCORD (Action to Control Cardiac Risk in Diabetes), khi theo dõi trên 10,000 người bị bệnh tiểu đường có sử dụng thuốc, cho dù lượng đường trong máu có giảm đi, nhưng bệnh nhân thì không khoẻ mạnh hơn tí nào cả. Dù bệnh nhân có sử dụng thuốc hay không, nguy cơ bị bệnh suy thận, bệnh tim mạch, tai biến não vẫn không thay đổi.
Thế thì tại sao lại sử dụng thuốc? Không lý nào thuốc trị bệnh tiểu đường là vô giá…trị?
Để tìm hiểu tại sao, chúng ta cần hiểu về cội nguồn của bệnh tiểu đường.
Thử tưởng tượng, cơ thể của chúng ta là một thùng phi chứa đường, gồm có hai ngăn, một bên là máu và bên kia là tế bào, là bắp thịt, là nội tạng… Dĩ nhiên là sức chứa của thùng phi có giới hạn. Khi chúng ta ăn thức ăn có chứa đường và tinh bột, một số lượng đường sẽ được ngăn bên tế bào sử dụng, phần dư sẽ được chứa dưới dạng đa đường glycogen, đại khái giống như một loại mật có đường. Phần dư hơn nữa sẽ được chứa thành mỡ. Sự luân lưu của đường chịu sự ảnh hưởng của chất insulin, tiết ra từ tuyến tuỵ pancreas. Trong trường hợp lượng đường tăng cao và chất insulin không đủ hay không làm việc hữu hiệu, lượng đường dư sẽ tràn qua bên máu và thải ra ngoài nước tiểu, gọi là bệnh tiểu đường.
Như thế nhiệm vụ chính của insulin là chuyển đường từ máu vào trong tế bào, cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. Khi lượng đường trong máu tăng vọt mà lượng insulin vẫn bình thường hay cao hơn bình thường, tình trạng gọi là vô cảm hay lờn insulin, insulin resistance, đưa đến tiểu đường. Một số người sanh ra đã có khuynh hướng bị vô cảm với insulin như trong trường hợp bệnh nhân bị Hội Chứng Đa Nang Buồng Trứng (Polycystic Ovary Syndrome). Vòng lẩn quẩn ở đây là chứng vô cảm với insulin làm tích luỹ mỡ, và khi mỡ tăng thì trở lại làm cho sự vô cảm nặng thêm. Hơn nữa, khi tuổi tác càng lớn, sự vô cảm với insulin cũng tăng theo. Cuối cùng, sự viêm kinh niên (chronic inflammation) và stress cũng làm cho chứng vô cảm với insulin nặng thêm.
Thế thì, những thứ thuốc trị bệnh tiểu đường có thực sự làm cho lượng đường thặng dư biến mất đi hay không? Câu trả lời là không! Thật ra chúng chỉ có tác dụng “đẩy” đường từ máu vào trong tế bào, nhưng không giải quyết được nguồn cội của vấn đề. Nhhĩa là, nếu ăn nhiều đường quá thì đường cũng sẽ dư thừa đâu đó trong máu, trong cơ thể, dưới dạng mỡ.
Trong các loại thuốc chữa trị bệnh tiểu đường, insulin, sulphonylureas, metformin là ba loại xưa nhất.
Insulin gồm có một số thương hiệu cũ như Humulin, Iletin I NPH, Novolin, và một số thương hiệu mới như Lispro (Humalog), Aspart (Novolog), Glulisine (Apidra), Velosulin, Basaglar, Lantus, Toujeo, Levemir, Tresiba… nói chung để phụ thêm cho chất insulin tiết ra từ tuyến pancreas.
Thuốc sulphonylureas, có tác dụng kích thích tế bào của tuyến tuỵ pancreas sản xuất thêm insulin. Một số thương hiệu gồm có: Diabinese, Amaryl, Glucotrol, DiaBeta, GlipiZIDE XL, Micronase, Orinase…
Thuốc Metformin là loại thuốc xưa nhất và rẻ tiền nhất. Được sáng chế vào khoảng năm 1950 và cho sử dụng bên Anh, nhưng không được sử dụng bên Mỹ mãi cho đến khoảng năm 1996. Thuốc có tác dụng làm tăng độ nhạy với insulin. Gần đây, một số nghiên cứu sơ khởi cho rằng thuốc có triển vọng làm tăng tuổi thọ và chống lão hoá.
Trong các loại thuốc mới có các loại gọi là DPP 4 inhibitors, với các thương hiệu như Januvia (Sitagliptin), Galvus (Vildagliptin), Onglyza (Saxagliptin), Tradjenta (Linagliptin) làm tăng sự sản xuất của insulin và làm giảm đường trong máu.
Một loại thuốc mới khác, Victoza (liraglutide), cũng có tác dụng làm tăng lượng insulin sản xuất ra và ngăn chặn cho thức ăn chậm rời khỏi bao tử. Làm như thế để cho người sử dụng thuốc lâu đói và ăn ít lại. Nói chung là cố tình làm cho ăn không tiêu, vì thế có phản ứng phụ là ói mửa.
Còn một nhóm thuốc không mới lắm đã được sử dụng trên toàn thế giới, ngoại trừ ở Mỹ, có tên là Acarbose. Thuốc này có tác dụng làm cho các thức ăn có chứa tinh bột không tiêu hoá được, do đó, không biến ra thành đường khi ăn vào.
Cuối cùng một nhóm thuốc mới nhất có tên là SGLT2, đã được sử dụng bên Anh, gồm có các thương hiệu như Forxiga (Dapagliflozin), Invokana (Canagliflozin), và Jardiance (Empagliflozin). Trái với các loại thuốc trên đây làm giảm lượng đường trong máu, thuốc này lợi dụng phản ứng phụ của bệnh tiểu đường, nhấn mạnh chữ “Tiểu” trong “Tiểu Đường”, nghĩa là thúc trái thận tiểu ra đường càng nhiều càng tốt.
Động cơ chính của các loại thuốc, tựu trung, gồm có giảm lượng đường trong máu bằng cách bớt lượng đường sản xuất ra , giảm đường thấm qua ruột, “cất” đường vào cơ thể, hay tháo đường ra ngoài qua nước tiểu.
Các loại thuốc mới, theo nghiên cứu, có giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch chút ít nhưng đồng thời làm giảm cân đột ngột. Tuỳ theo sự suy nghĩ, đây là điểm lợi hay hại của thuốc, nếu sử dụng lâu dài để giảm cân, nếu không nói là đùa với lửa!
Đọc xong danh sách các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường trên đây , dù chưa uống thuốc cũng đủ thấy chóng mặt và ói mửa, là các phản ứng phụ chính khi sử dụng các loại thuốc này.
Nói chung, thuốc chỉ giúp ta giải quyết vấn đề tạm thời, nhưng không giải quyết được nguồn cội của vấn đề. Thí dụ như, khi quét rác, “cất” rác dưới gậm giường, hay cất đồ junk ra garage không làm sạch nhà cửa.
Vì thế, chỉ trong trường hợp cơ thể tuyệt đối không sản xuất được insulin, còn ngoài ra chỉ nên xem thuốc chữa bệnh tiểu đường là giải quyết ngắn hạn và giới hạn. Nếu nói rằng, nguyên nhân của bệnh tiểu đường là do sự vô cảm của insulin, và lượng đường ăn vào quá thặng dư, thì tại sao chúng ta không giải quyết vấn đề hữu hiệu hơn, đơn giản hơn bằng cách ăn ít lại và tăng cường vận động? Giảm cân, tập thể dục thể thao còn làm tăng độ nhạy của insulin và làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch một cách tích cực.


Các Phương Pháp Chụp Hình Để Định Bệnh-Bs Hồ Ngọc Minh

CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỤP HÌNH ĐỂ CHẨN BỆNH
BS. Hồ Ngọc Minh
1. X-rays (X-quang ) là gì?
Để hiểu X-quang là gì, trước hết hãy tìm hiểu khái niệm về “sóng điện từ trường” (electromagnetic wave, electromagnetic radiation).
Chung quanh chúng ta luôn luôn hiện hữu một không gian năng lượng dưới dạng điện từ trường, trong đó ánh sánh mặt trời, hay ánh sáng mà chúng ta thấy được cũng chỉ là một dạng sóng điện từ trường. Có nhiều loại sóng từ trường, từ yếu đến mạnh theo thứ tự, gồm có: sóng radio, sóng microwaves, sóng hồng ngoại (infared, IR, dùng trong các remote controls), ánh sáng thường, tia cực tím còn gọi là tia tử ngoại (ultraviolet light, UV), tia X-quang, và cuối cùng là gamma-rays. Như thế chỉ có 3 loại sóng mạnh hơn là ánh sáng thường. Sóng càng mạnh, độ “xuyên thủng” qua tế bào càng nhiều. Ba tia X-rays, UV, và Gamma đều được sử dụng trong y học để truy tầm hay chữa bệnh. Trong khi đó, ánh sáng thường trở xuống, khi đụng vật cản đa phần sẽ bị phản chiếu và ít ảnh hưởng đến cấu trúc hay làm hư hại vật thể bên trong. Mở ngoặc một tí cho vui, tôi nói “đa phần” ở đây vì sóng có thể tồn tại dưới dạng sóng (wave), năng lượng (energy), và vật chất (matter), vì thế năng lượng có khi một phần bị hấp thụ mà không phản chiếu ra. Có thể hiểu, cơ thể chúng ta, có lúc hiện hữu chỉ là một khối lượng sóng và năng lượng trong không gian điện từ trường!.
X-rays được khám phá năm 1895 bởi một giáo sư vật lý người Đức, Wilhelm Conrad Röentgen. Một công dụng thường dùng của X-rays là để “chụp hình quang tuyến”, tuy nhiên X-rays còn dùng để trị ung thư và để dò tìm các thiên thể trong ngành thiên văn (cosmos). X-rays còn được dùng để dò tìm hàng lậu, súng ống …
2. CT scan là gì?
CT scan còn gọi là CAT scan, viết tắt của hai chữ “computed tomography”, được phát minh năm 1967 bởi một kỹ sư người Anh tên là Godfrey Hounsfield. CT cho ta thấy hình chụp của cơ thể theo dạng mặt cắt, một khối 3 chiều, thể hiện trên những mặt phẳng hai chiều. Mỗi một hình ảnh là tập hợp bởi nhiều tia X-rays, bắn đi từ nhiều hướng khác nhau vòng quanh cơ thể. Khi chụp hình bằng X-ray thường, tia sáng bắn đi một chiều nên hình ảnh chồng lên nhau. Thí dụ chụp hình phổi, ta thấy cả tim phổi xương sườn chồng lên nhau làm cho khó thấy rõ chỗ bị bệnh. CT scan dùng computer để tổng hợp hình X-rays từ nhiều góc độ khác nhau, để có thể để tạo ra hình chụp rõ ràng, giống như cơ thể được cắt ngang từng lát mỏng như những lát chanh trong dĩa bò tái chanh!
3. MRI là gì?
Một hạn chế của X-rays là nó xuyên qua cơ thể và mang theo phóng xạ (radiation) vì thế ngày nay MRI có nhiều lợi thế hơn. MRI viết tắt của ba chữ, Magnetic Resonance Imaging. MRI được sáng chế bởi Paul C. Lauterbur vào năm 1971, nhưng kỹ thuật không được hoàn thiện mãi cho đến những năm 1990’s. Nguyên tắc của MRI là tạo ra một từ trường chung quanh phần cơ thể muốn chụp hình. Vì trong cơ thể chúng ta hầu hết là… nước, mà phân tử nước có chứa nguyên tử Hygrogen mang điện cực dương, còn gọi là proton. Khi bị kích động bởi từ trường, những hạt proton như bị “sắp hàng lại” và rung lên, phát ra sóng radio. Máy computer sẽ ghi nhận sóng radio nầy thành hình ảnh.
Như vậy, chung chung, MRI an toàn, và kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, độ chính xác nhiều hơn là CT.
4. PET scan là gì?
PET scan là chữ viết tắt của Positron Emission Tomography. PET scan là một thử nghiệm dùng chất phóng xạ để truy tầm những đấu hiệu bất bình thường trong cơ thể, hầu hết là truy tầm bệnh ung thư hay ung thư di căn. Tuỳ theo trường hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm, uống, hay hít thở hơi có chất phóng xạ, gọi là radiotracer. Nguyên tắc là, các tế bào bất thường, như ung thư chẳng hạn, thường tụ tập thành khối u, và sử dụng nhiều máu, nhiều oxigen, ăn nhiều đường, tiêu hoá và sanh sản nhanh hơn tế bào thường. Như thể nhờ vào chất phóng xạ, những chỗ bất thường nầy sẽ hiện lên hình bất thường ở những tụ điểm. PET scan thường kết hợp với CT hay MRI, vì hai thử nghiệm trên chỉ phát hiện hình ảnh, thí dụ khối u chẳng hạn, trong khi đó PET sẽ cho biết khối u đó là ung thư hay không.
5. Siêu âm, ultrasound là gì?
Ultrasound, còn gọi là sonogram, là thử nghiệm dùng sóng âm thanh, siêu âm để tạo ra hình ảnh. Tương tự như sóng radar mà các loài dơi dùng để định hướng, hay ứng dụng dò tìm tàu ngầm, tìm máy bay cho trạm không lưu, hay tìm… cá cho dân đi câu! Thiết bị phát âm thanh sẽ bắn ra sóng âm thanh, khi đụng vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại tạo ra hình ảnh. Trong nghề cấy thai nhân tạo của tôi, máy siêu âm là con mắt thứ ba của tôi mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân hỏi tôi có an toàn không. Xin trả lời là rất an toàn, vì nó chỉ là sóng âm thanh, không có phóng xạ gì cả. Chỉ là âm thanh mà chỉ có loài dơi hay những chú chó có thể nghe được mà thôi.
6. Mức độ an toàn của các thử nghiệm?
Như thế, MRI và sonogram có lẽ an toàn nhất vì chẳng dính dáng gì tới phóng xạ, radiation cả. Millisievert (mSv) là đơn vị để đo độ phóng xạ. Mỗi năm, trung bình mỗi người chúng ta chịu độ phóng xa là 3 mSv từ môi trường xung quanh. Trong một chuyến bay 5 tiếng từ Los Angeles qua New York, mỗi hành khách sẽ bị nhiễm phóng xa khoảng 0.03 mSv. Trung bình chụp hình X-rays, tuỳ theo bộ phận của cơ thể, độ nhiễm phóng xạ từ 0.001 mSv cho đến 1.5 mSv, thí dụ chụp hình ngực mammogram là 0.4 mSv và chụp hình phổi là 0.1 mSv, độ nhiễm ít hơn là một ngày phơi nắng ngoài biển! Trong khi đó, CT scan, độ nhiễm phóng xạ từ 2 dến 20 mSv. Còn, mỗi PET scan, sẽ gây ra phóng xạ khoảng 25 mSv.
So ra thì độ nhiễm phóng xạ của các phương pháp chụp hình cũng không đến nỗi nào, vì lâu lâu mới chụp một lần, và nếu cần là chuyện phải làm mà thôi. Nhờ vào những phát minh này mà y khoa có thể dò tìm và chữa trị bệnh mau chóng.


Wednesday, December 20, 2017

Nguyễn Tất Nhiên-Đinh Quang Anh Thái

NGUYỄN TẤT NHIÊN
Đinh Quang Anh Thái
2017-12-20
Chân dung nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Courtesy of kontumquetoi.com
(Cuối tháng 12, 2017)
---
Sài Gòn năm 1976, khu vực chung quanh bùng binh chợ Bến Thành là một trong những nơi tập trung đông đảo dân bán chợ trời.
Người ta bán không thiếu thứ gì: hàng quán thức ăn, thuốc Tây, quần áo cũ, cá thịt ướp sẵn từng nồi, sách báo “đồi trụy”, “nhạc vàng”…và cả súng.
Nguyễn Tất Nhiên thường leo xe lửa từ Biên Hòa và xuống ga Sài Gòn vào giờ trưa. Chúng tôi gặp nhau ở đó, bữa đói bữa no ở đó và nhận ra nhau rõ hơn cũng ở đó.
***
Chúng tôi quen nhau năm 1973, trong đêm sinh hoạt do Phong Trào Du Ca tổ chức tại hội trường quân đội trên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, để tưởng niệm Giang Châu, huynh trưởng của Phong Trào vừa qua đời vì bạo bệnh.
Buổi sinh hoạt sắp bắt đầu, tôi đang đứng xớ rớ thì Chủ Tịch Phong Trào, nhà báo Đỗ Ngọc Yến, giới thiệu tôi với một chàng cao lêu nghêu, “mặt vác lên trời”: Nguyễn Tất Nhiên.
“Nghe đại danh, hôm nay mới hân hạnh gặp mặt”, tôi nói thế. Nhiên nhếch mép, nụ cười “kẻ cả” lắm. Thấy cử chỉ đó của Nhiên, anh Yến chỉ nhỏ nhẹ, đêm nay Thái sẽ giới thiệu Nhiên lên đọc thơ nhé.
Hai đứa tôi quen nhau như thế đó.
***
Nhiên kiêu lắm.Nhiều khi đến “ngông cuồng”.
Nhiều đêm, Nhiên ngủ lại nhà tôi, chàng “ngôn” rằng, 20 tuổi sẽ đoạt giải Nobel Văn Chương.
Hiểu được.
Vì mới 16 tuổi, Nhiên đã lừng danh với những bài thơ do “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy phổ thành ca khúc. Điều đáng tiếc là Nhiên chưa hề đọc một tác phẩm nào đoạt giải Nobel. Tôi mua tặng bạn hai cuốn: Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hesse và Lời Dâng của Rabindranath Tagore.
Nhiên thông minh lắm. Chàng nhận ra ngay và buông một câu chen tiếng “Đan Mạch”: “Đ.M, họ viết hay thiệt”. Từ đó, không thấy Nhiên nhắc lại mộng Nobel Văn Chương nữa.
***
Nhiên hiền, ít nói, khi cười, mặt hếch cao, nhe hàm răng lởm chởm.
Không biết nói Nhiên mang “lời nguyền truyền kiếp” là mê con gái Bắc có đúng không? Vì trong thơ và trong đời thường, con gái Bắc làm khổ Nhiên lắm:
“Em nhớ giữ tánh tình con gái bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt.”
Trong đám bạn chung thời sau 1975, H. tóc dài, giọng Bắc nhẹ “như thơ”. H. đã có bạn trai, Nhiên biết, nhưng vẫn công khai nói, “tớ chết đi được mỗi khi nghe H. buột miệng hai tiếng ‘Trời ơi’”. Và Nhiên cứ lặng lẽ với chính cái bóng đối với cuộc tình “con gái Bắc” này.
Lần đầu Nhiên gặp H., nụ cười “chết khiếp” của Nhiên đã đẩy H. ra xa. Hôm đó, cả bọn rủ nhau đi ăn cơm thịt kho hột vịt. Đang ăn, Nhiên ngẩng mặt rú lên cười, hai hàm răng bệt lòng đỏ trứng. “Trời ạ”, có Thánh mới chịu nổi. Nhưng đó là Nhiên, cho tới tận ngày bỏ lại mọi muộn phiền sau lưng ra đi vĩnh viễn, vẫn nụ cười đó, vẫn hàm răng đó.
Thân nhau, tôi có cảm tưởng Nhiên không sống ở cõi này. Nhiều lần, đang nói chuyện, Nhiên chợt trôi vào im lặng. Và nhiều lần, Nhiên nói, chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi! Nghe lần đầu, còn lo lắng cho Nhiên, nhưng nghe mãi thì biết, bạn mình nói thế để xả một nỗi đau, mối sầu nào trong lòng mà thôi.
Nhiên nghèo, có sao sống vậy, quần ống thấp ống cao, đi chơi với nhau, bạn rủ gì ăn nấy, không đủ tiền thì nhịn.
Một buổi chiều đi ngang một quán cóc ở đường Lê Thánh Tôn, thấy Nhiên ngồi một mình, trước mặt là ly cà phê đã cạn đến giọt chót. Thấy tôi, Nhiên bảo, có tiền trả giùm ly cà phê; ngồi từ sáng đến giờ không đủ tiền trả, chủ quán nhắc khéo nhiều lần mà chịu, cứ phải ngồi lỳ thôi.
Thương Nhiên ở cái tính đó.
***
Tết 1976, cái đói hành hạ. Đói đến độ có lần đi ngang hàng phở, phải quay mặt đi, vậy mà nước bọt cứ tứa ra, đau quặn cả ruột. Đói, cả cái chuông cái mõ trên bàn thờ Phật, tôi cũng đem ra bán ở chợ trời.
Nhiên biết gia đình tôi đói; và Nhiên cũng đói.
Một hôm, đang đứng bán thuốc Tây ở sân ga Sài Gòn, thấy Nhiên dắt cái xe đạp cũ kỹ, tài sản duy nhất của chàng, lững thững đi tới. Yên ghế ngồi phía sau là một bọc ni lông. Nhiên bảo, ông già vừa mua cho cái quần, tui đưa ông bán nhé, bọn mình ăn bữa … thịt chó.
Nhìn thằng bạn chiếc quần cũ mèm ống bên trái “chửi bố” ống bên phải, thương bạn, xúc động vì tấm lòng của bạn, tôi không biết nên cười hay nên khóc.
Bữa thịt chó hôm đó, ăn xong vẫn còn thòm thèm. Cái quần mới của Nhiên quy thành tiền, nếu gọi thêm một xị đế và món rựa mận khoái khẩu thì không đủ trả.
Sau bữa thịt chó cuối năm đó, tôi bị bắt, không biết Nhiên ra sao.
***
Ra khỏi tù năm 84, nghe bạn bè nói Nhiên đi Pháp rồi.
Nhiên đi là phải. Chế độ đang cai trị đất nước này coi dân như kẻ thù, ai đi được cũng phải đi thôi. Nhớ có đêm lang thang với Nhiên trên đường Duy Tân, phố vắng dần, chỉ có từng toán công an võ trang đi tuần tra, Nhiên đọc cho nghe hai câu thơ:
“Chúa Phật còn lui chân trước gông cùm chế độ
Huống hồ chút thanh danh Nguyễn Tất Nhiên thống khổ.”
Đây không phải lần đầu Nhiên làm thơ với khẩu khí như thế. Trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận”, Nhiên viết:
“Em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
xin làm người tình thua
chuông nhà thờ đổ chậm
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
xuống trần gian trong mưa
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
là đàn ông... dại khờ)”
Nhiên bảo tôi, đúng ra Nhiên muốn viết “Chúa có gầy hơn ta chăng mà đòi khoe xương sườn trên Thánh Giá” nhưng lại thôi, vì ngại làm phật lòng người theo đạo.
***
Gặp lại nhau tại California năm 1985. Nhiên từ Pháp đã qua Mỹ vài năm trước đó, còn tôi vừa từ trại tỵ nạn chân ướt chân ráo đến sau.
Thăm Nhiên tại căn nhà trọ ở Quận Cam, bạn mình gầy hơn, nói chuyện có lúc như đang trôi vào cơn mê sảng. Nhiên nói đi nói lại nhiều lần, ông đuổi bà bán hàng rong giùm tôi, mới sáng bảnh mắt mà bả rao hàng ồn quá.
Tôi hoảng! Nhiên “hỏng” rồi.
Nhưng rồi Nhiên cũng trở lại Nhiên của khổ đau dai dẳng. Nhiên đọc tôi nghe đoạn thơ:
“đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân
anh đành xưng quỉ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!
qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan
Chúa cười rung thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng !”
***
Nhiên hiền, nhưng lúc sửng cồ, cũng ác miệng lắm.
Một hôm trong buổi họp mặt tại nhà Nhà văn Nhật Tiến ở đường King, thành phố Santa Ana, Nhiên kể tôi nghe vụ lời qua tiếng lại giữa Nhiên và nhà văn Mai Thảo liên quan đến thơ văn. Nhiên hỏi anh Mai Thảo, “nếu anh viết về thảm kịch của các cô gái vượt biên bị hải tặc hiếp, anh có đặt tựa bài là ‘Mười Đêm Ngà Ngọc Không?’”
Nhiên không nói, nhưng tôi đoán, anh Mai Thảo chắc không giận Nhiên.Vì anh luôn chủ trương chữ nghĩa không thể dùng để cãi cọ, chửi mắng nhau.
Một lần khác, khi Nhiên nói sẽ viết nhạc, nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang nói đùa, coi chừng cậu đi lộn giầy đó nhé. Nhiên sững cồ với anh Quang. Nhiên nói, size giầy của anh Quang nhỏ lắm, không đủ cho Nhiên xỏ chân vào.
***
Thơ Nhiên lúc nào cũng lấp ló đâu đó nỗi đau dai dẳng về một hình bóng, một cuộc tình tan vỡ.
Thân nhau, nhưng Nhiên ít cho biết đã thương bao nhiêu người con gái và có bao nhiêu bóng hình đã làm khổ đời Nhiên. Chỉ thấy trong thơ Nhiên tràn ngập những nhớ thương dai dẳng:
“…Em hết thương ta rồi phải không?
Thôi thế cho ta bớt não nùng
Thôi thế cho đời ta ngậm đắng
Còn nghe vị ngọt của tình nhân!...
….Giữ cho nhau một chút tình
Giữ cho nhau một ánh nhìn thiên thu
Giữ long lanh, giữ sa mù
Giữ phai nhạt, giữ đền bù nhạt phai…”
Phải chăng, buồn, cô quạnh, là định mệnh của người làm thơ như Nguyễn Tất Nhiên?
Còn nhớ, những năm Nhiên sống ở Quận Cam, một số bạn thân của Nhiên đêm đêm vẫn thường nghe tiếng gọi cửa xin ngủ nhờ. Và bạn bè hẳn vẫn còn nhớ hai câu Nhiên viết thời điểm đó:
“Buồn ơi hãy để ta buồn nữa
Trong tiếng làm thinh của ghế bàn”
Có lần Nhiên đến nửa đêm, phòng tôi trọ chỉ có tấm nệm trải dưới đất, Nhiên nhất định nằm trên miếng khăn trải giường. Tôi đọc Nhiên nghe hai câu thơ tương truyền của Phó Đức Chính:
“Cửu tuyền vô khách điếm
Kim dạ đáo thùy gia”
(Suối vàng không lữ quán
Đêm nay trọ nhà ai)
Nhiên cười, bảo không biết dưới đó có … “Motel 6” không?
***
Một chiều chớm Thu năm 1992, hai đứa ngồi bên lề đường trước trụ sở báo Người Việt trên đường Moran. Tôi rủ Nhiên vào tòa soạn kiếm chút gì ăn, Nhiên bảo “thằng sắp chết không ăn.” Biết Nhiên hay nói như thế từ thủa còn ở quê nhà, tôi không ngạc nhiên, chỉ bảo, “ừ, không ăn thì hút điếu thuốc.” Nhiên bảo, “thằng sắp chết không hút thuốc.”
Một tuần sau, Nhiên tự chọn cho mình cái chết. Năm ấy, Nhiên tròn 40 tuổi.
Anh Mai Văn Hiền báo cho tôi biết tin. Lúc đó, tôi đang chạy chiếc máy in Imperial của nhà in ABC vừa mua chưa được một tuần với giá hơn 20 ngàn. Nghe anh Hiền nói Nhiên chết trong một chiếc xe cũ, đậu ở sân một ngôi chùa. “Để không làm phiền đến ai.” Tôi lên cơn điên bất ngờ, cầm cây búa đập thủng một lỗ lớn ngay trục quay chiếc máy. Chắc lúc đó tôi khóc!
***
Hôm đi bên quan tài Nhiên ra huyệt mộ, nghe tiếng kèn trumpet của một người bạn chung thổi bài “Thà Như Giọt Mưa”, tôi ý thức rõ rằng, Nhiên “BIẾN” rồi. Biến như trong một bài thơ Nhiên đọc cho tôi nghe vào một lúc tôi đoán Nhiên sầu hận nhất (tôi đã cố tìm mà không còn ai nhớ nguyên văn cả bài):
“Tôi hô BIẾN cái tôi buồn,
Tôi hô BIẾN nỗi thuồng luồng đời tôi
Tôi hô BIẾN VỢ
Tôi hô BIẾN CON
Tôi HÔ BIẾN CÁI NÀO NÓ HIỆN RA CÁI NẤY”./. Có ai còn nhớ NGUYỄN TẤT NHIÊN?
Trân trọng giới thiệu một bài viết tự tâm của ĐINH QUANG ANH THÁI...
(Cuối tháng 12, 2017)