Tuesday, February 14, 2017

Thế giới và Việt Nam sau TPP

Thế giới và Việt Nam sau TPP
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-02-01

Sau khi nhậm chức hôm 20, trong ngày làm việc đầu tiên hôm 23 tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã thi hành quyết định mà ông chủ trương từ khi còn tranh cử, đó là đơn phương triệt thoái khỏi khuôn khổ đàm phán của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP và chỉ thị cho các cơ quan hữu trách tiến hành đàm phán với từng đối tác thương mại theo thể thức song phương.
Mỹ rút khỏi TPP
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế vào năm Đinh Dậu. Ngay sau khi nhậm chức thì Tổng thống Donald Trump quyết định ra khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đã ký kết với 11 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP. Quyết định ấy không gây ngạc nhiên cho các nước, nhưng thưa ông, hậu quả sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như mọi khi, tôi xin được trình bày về bối cảnh gần xa dẫn đến biến cố này trước khi chúng ta tìm hiểu về hậu quả cho các nước. Tổng thống Hoa Kỳ có quyền lấy những quyết định cho bộ máy hành pháp qua các sắc lệnh gọi là “executive orders”; song song ông cũng cho các cơ quan hữu trách biết chiều hướng thi hành chính sách qua các chỉ thị, gọi là “bị vong lục” hay memorandum, trong ý nghĩa là “cho khỏi quên”.
Trong ngày làm việc đầu tiên, hôm 23, Tổng thống Donald Trump ban hành chỉ thị về chính sách đàm phán thương mại của chính quyền mới, là thứ nhất, vì quyền lợi trên hết của người dân Mỹ, thứ hai là sẽ đàm phán với từng nước theo thể thức song phương. Từ nguyên lý ấy, ông ra lệnh cho Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ triệt thoái khỏi khuôn khổ thương nghị với các nước đã ký kết Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và bắt đầu dàn xếp đàm phán song phương với từng nước để phát huy công nghiệp, bảo vệ công nhân và gia tăng lương bổng cho dân Mỹ.
Thanh Trúc: Đấy là bối cảnh gần của việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP, nhưng qua những gì ông vừa trình bày thì dường như người ta còn thấy ra một điểm mới là việc đàm phán song phương, thưa ông có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì những lý do sau đây, tôi sợ nhiều người hiểu sai quyết định này mà nói là vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã “giết chết” một hiệp ước. Thứ nhất, TPP hoàn thành việc đàm phán sau bảy năm thương thuyết giữa 12 quốc gia vào ngày năm Tháng 10 năm 2015 rồi được đại diện các nước ký kết ngày bốn Tháng Hai năm 2016. Sau đó, theo quy định thì Quốc hội và các cơ quan hữu trách của từng nước phải nghiên cứu toàn bộ văn kiện phức tạp ấy để đề nghị thay đổi nếu thấy cần thiết, trước khi chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc áp dụng, và sau cùng mới phê chuẩn. Khi ngần ấy quốc gia đã thương nghị lại rồi phê chuẩn văn kiện có điều chỉnh thì TPP với thật sự thành hình.
Sau khi TPP được ký kết thì giới dân cử Hoa Kỳ trong Quốc hội khóa 114 mới thấy nội dung quá toàn diện và rắc rối của TPP nên đa số bên đảng Dân Chủ bác bỏ và không ít dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa cũng không đồng ý. Các ứng viên tranh cử Tổng thống là ông Donald Trump bên đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton cũng ông Bernie Sanders bên đảng Dân Chủ cũng chống, dù bà Clinton đã từng cổ võ Hiệp ước này khi làm Ngoại trưởng cho Tổng thống Barack Obama. Chính là vì thiếu hậu thuẫn nên Quốc hội Mỹ không nghiên cứu và phê chuẩn như Tổng thống Obama khẩn khoản yêu cầu, và với Hoa Kỳ thì Hiệp ước TPP coi như đã chết trong trứng nước. Tổng thống Trump chỉ làm đúng chủ trương khi tranh cử, nhưng xác nhận thêm giải pháp thay thế là việc đàm phán song phương.
Hậu quả ra sao?
Thanh Trúc: Nhờ ông nhắc lại bối cảnh, thính giả của chúng ta hiểu ra những rắc rối của chính trường Hoa Kỳ liên quan đến một Hiệp ước giữa 12 nước, trong khi đó người ta cũng chú ý đến việc Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn TPP mà phía Việt Nam thì vẫn chưa. Thưa ông Nghĩa, khi hiểu rõ sự thể, ta thấy được một yếu tố mới là chiều hướng đàm phán song phương của Chính quyền Trump như giải pháp thay thế. Từ đó, ta có thể kết luận thế nào về hậu quả?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu muốn nhìn ra hậu quả trong tương lai thì ta nên ngược về quá khứ và đây là bối cảnh xa mà chúng ta cần nhớ khi Tổng thống Hoa Kỳ nói đến ba mục tiêu của việc đàm phán thương mại theo khuôn khổ song phương là khuếch trương kỹ nghệ, bảo vệ công nhân và nâng cao lương bổng.
Nhìn trong bối cảnh xa thì người ta thấy được hai ba chuyện. Thứ nhất là sự thất bại của khuôn khổ hợp tác thương mại toàn cầu là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, khi vòng đàm phán Doha do Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đề nghị với WTO từ Tháng 10 năm 2001 mà vẫn bế tắc. Thứ hai là cùng với nỗ lực toàn cầu của một tổ chức có 164 hội viên là WTO thì các nước cũng tiến hành hợp tác cấp vùng, trong từng khu vực.
Thí dụ như Hiệp ước TPP Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP giữa Hoa Kỳ và 28 quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu châu hay Hiệp ước CETA giữa Liên Âu và Canada.
Các hiệp ước cấp vùng ấy cũng thất bại, người ta chỉ nói đến TPP và Mỹ mà quên rằng TTIP hay CETA đều lâm vào bế tắc, lần này do sự chống đối của nhiều nước Âu Châu. Điển hình còn rõ hơn là Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã được ba nước áp dụng từ năm 1994 mà nay đang lâm khủng hoảng.
Theo hướng đa phương đó, sáng kiến thành lập một khu vực tự do mậu dịch giữa 21 quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương gọi là FTAAP được Úc đề xướng từ năm 1989 nay vẫn chưa nhúc nhích. Thứ ba, ngoài nội dung trao đổi tự do về thương mại và đầu tư, ta còn thấy một tham vọng khác  đó là “hợp tác toàn diện”, với sự đồng thuận về tiêu chuẩn cao hơn trong các lĩnh vực môi sinh, xã hội, công đoàn, v.v….
Chính là yêu cầu toàn diện ấy mới khiến Hiệp ước TPP là văn kiện quá phức tạp với nhiều đòi hỏi thay đổi trong từng nước và vi phạm chủ quyền quốc gia nên mới gây phản ứng chống đối. Theo chiều hướng ấy, dự án hợp tác toàn diện do Trung Quốc cố thúc đẩy từ năm 2014 với 10 quốc gia của Hiệp hội ASEAN và năm nước Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand đã qua 15 vòng đàm phán mà chưa có kết quả. Nếu nhìn vào bối cảnh trường kỳ thì việc TPP thất bại không có nghĩa là Hiệp ước Toàn diện và Cấp vùng RCEP sẽ thành công, nhất là khi Bắc Kinh lại muốn đẩy Hoa Kỳ ra ngoài sáng kiến này.
Song phương hay đa phương?
Thanh Trúc: Thưa ông Nghĩa, khi nhìn sự kiện từ giác độ mở rộng như vậy, người ta thấy được vài yếu tố sau đây: từ khuôn khổ hợp tác toàn cầu như với tổ chức WTO, các nước cũng có nỗ lực hợp tác đa phương trong phạm vi địa dư của từng khu vực và từ quy chế tự do mậu dịch, các nước còn có tham vọng hợp tác toàn diện với những yêu cầu thay đổi lớn hơn. Nhưng nói chung thì dường như các nỗ lực ấy đều gặp trở ngại, thậm chí thất bại. Phải chăng vì vậy ta mới thấy một chiều hướng mới là tìm sự thỏa thuận song phương giữa hai nước với nhau?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là vậy. Vì dư luận quá chú ý tới Chính quyền Donald Trump, người ta cứ cho là tất cả đều do Hoa Kỳ mà ra nên chẳng thấy thất bại ở nhiều nơi khác như  tại Âu Châu và điển hình không kém là việc Vương Quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu nay đang chuẩn bị thương thuyết lại với Âu Châu và với Hoa Kỳ về khuôn khổ hợp tác kinh tế. Chúng ta chứng kiến một chuyển động lớn là trào lưu hợp tác toàn cầu đang bị đẩy lui và giải pháp tạm thay thế là các hiệp ước song phương.
Chuyện này xảy ra trong 80 năm liền, từ 1860 cho tới Thế chiến II. Sau Thế chiến II, ta mới có các định chế quốc tế trong một trật tự mới làm nền tảng của hợp tác kinh tế toàn cầu. Trật tự ấy đang rã và thế giới lui về giải pháp song phương mà Hiệp ước TPP và lập trường của Hoa Kỳ chỉ là hậu quả, không là nguyên nhân. Khi ấy, ta nên tự hỏi là các nước còn có lợi gì chăng, trong khuôn khổ song phương ấy?
Thanh Trúc: Đây mới là câu hỏi chính vì sẽ giúp chúng ta nhìn ra yếu tố quyền lợi sau thất bại của TPP. Thưa ông, tự do giao dịch buôn bán với nhau có lợi hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng câu trả lời thuộc phạm vi kinh tế chính trị lại là câu hỏi: “lợi cho ai”?
Thời hiện đại từ 500 năm trước, thế giới gọi là tiên tiến gồm các nước Âu Châu đều ra khỏi lý luận “trọng nông” của mấy ngàn năm mà theo trường phái kinh tế “trọng thương”.
Trọng thương là coi trọng thương mại và giao dịch để tranh thủ quyền lợi quốc gia, với hàm ý kinh tế bên dưới là bán thì lời hơn mua. Người ta lầm tưởng rằng trong mua bán thì người bán giữ ưu thế theo lối “hơn bù kém” và các nước Âu Châu chinh phục quyền lợi với chế độ thực dân để giành thêm đất đai hàng hóa từ các thuộc địa.
Triết lý trọng thương hay nôm na lý tài ấy lại dẫn tới chiến tranh giữa các nước nên từ giữa thế kỷ 19 thiên hạ mới tìm đến các thỏa ước hợp tác theo tinh thần nếu được quyền giao dịch tự do thì đôi bên đều có lợi, chứ chính sách ngăn sông cấm chợ để bảo vệ quyền lợi riêng chỉ dẫn tới thất bại.
Chiều hướng ấy phát triển mạnh sau Thế chiến II với hy vọng là khi tự do giao dịch về kinh tế thì mọi người đều giàu có và các nước sẽ ít gây chiến với nhau, kết quả tiêu biểu là tổ chức WTO và Liên Âu. Nhưng ngày nay, tham vọng ấy lại dẫn đến phản ứng dội ngược là điều chúng ta vửa phân tích vì trong trao đổi, một thiểu số lại làm giàu nhanh hơn đa số còn lại. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất càng khiến một số thành phần xã hội không theo kịp đà tiến hóa và thấy bị thiệt thòi, như thiếu tay nghề cho lọai công việc mới, bị mất việc hay đành nhận lương thấp.
Thanh Trúc: Chúng ta đi tới phần kết luận về hậu quả của TPP là Việt Nam nên làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất, TPP vắng mặt nền kinh tế có sức tiêu thụ và nhập khẩu cao nhất là Hoa Kỳ nhưng vẫn còn 11 thành viên kia, kể cả Nhật Bản hay Úc. Đấy vẫn là cơ hội cho Việt Nam cải cách và hội nhập vào một thị trường lớn hơn, có trình độ tổ chức cao hơn. Là một nước nghèo, Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn các nước kia trong sân chơi mới.
Thứ hai, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ năm 1995, có hiệp ước thương mại song phương từ năm 2000, được quy chế tối huệ quốc một cách thường trực từ 10 năm trước và vẫn có thể khai triển nền móng thảo luận song phương với Mỹ. Nếu xúc tiến cải cách theo yêu cầu của TPP với 11 nước kia thì càng có lợi hơn khi đàm phán với Mỹ.
Trong khi ấy, nếu ngả theo hiệp ước RCEP có nội dung lý tài của Bắc Kinh thì càng khó ra khỏi tình trạng lệ thuộc quá tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Và sau cùng, bài học từ Hoa Kỳ về hiện tượng Donald Trump là điều rất đáng cho Hà Nội và Bắc Kinh suy ngẫm: đó là sự nổi dậy của quần chúng lao động lầm than chống lại những kẻ có quyền và có tiền. Nên nghĩ đến sự lầm than còn khốc liệt hơn của đa số người dân Việt Nam trước những chuyển động khá mạnh của thế giới chung quanh.
Thanh Trúc: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tách này.


Tin ở tương lai

Tin ở tương lai
Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-02-13

Lịch sử và lòng tin hiện tại
Theo ghi nhận của blogger Tuấn Khanh, mùng 7 Tết âm lịch hàng năm được nhiều gia đình người dân thành phố Huế dùng làm ngày giỗ cho những người thân của mình bị thảm sát trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân đội cộng sản vào thành phố này. Đa số họ là dân thường.
Cuộc thảm sát dân thường này chưa bao giờ được nhà cầm quyền hiện nay công nhận. Tuấn Khanh, một người lớn lên tại miền Nam Việt Nam, viết rằng từ khi anh biết rằng trong lịch sử dân tộc có một cuộc thảm sát như vậy, mà lại là bởi những người cùng tiếng nói với nhau, những mùa xuân xứ Huế đối với anh luôn là những mùa xuân buồn:
Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.
Có những câu chuyện lịch sử khác được chính quyền ghi nhận. Nhưng sự ghi nhận này đi song hành với một khái niệm bạo lực cách mạng, vốn là xương sống của chủ thuyết cộng sản. Và người ta nói rằng chính cái nhìn bạo lực như một điều hiển nhiên của những người đang lãnh đạo xã hội đã dẫn tới một thực trạng bạo lực hiện nay của đất nước.
Blogger Điền Phương Thảo nhìn thấy quan hệ nhân quả đó trong những vụ chen lấn, cướp giật ở những nơi đáng lẽ là tôn nghiêm trong những ngày xuân vừa qua. Tác giả cho rằng những hành động đó là những hành động của một xã hội mất lòng tin, và so sánh những hành động cướp giật ngày nay với những từ cướp trong sách giáo khoa lịch sử:
Có thể nói cụm từ “khủng hoảng niềm tin” đã trở thành từ khóa quen thuộc trên các trang mạng xã hội. “Có vẻ như người Việt Nam không còn tin vào ai nữa”. Không tin vào nơi được xem như những “ngôi đền thiêng” của xã hội bởi chức năng cao quý của nó như trường học, bệnh viện. Không tin vào nhà nước, vào nhà cầm quyền. Không tin vào những nơi thực thi công lý và cũng không tin vào những việc thiện. Bởi lẽ ở sự dối trá có mặt ở khắp nơi. Do vậy, CƯỚP và giành giật là phương thế hữu hiệu được nhiều người lựa chọn nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ trước đến nay, khi nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 trên sách báo cũng như một số kênh thông tin đại chúng, trên các văn kiện chính trị *…thường dùng cụm từ “tham gia cướp chính quyền.“Cướp chính quyền từ tay Nhật; “Việt Minh phát động công nhân, nông dân cướp chính quyền trên toàn quốc”; “cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim; “ Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. …”
Phải chăng vì thế mà trong lịch sử phát triển của dân tộc, chưa có giai đoạn nào người dân Việt thích CƯỚP hơn bây giờ ?
Một điều nghịch lý là trong sự khủng hoảng mất lòng tin đó, một số người trẻ tuổi Việt Nam lại rất sùng bái thần tượng. Và thế là cảnh chen lấn cướp giật lại xảy ra khi họ muốn chiêm ngưỡng thần tượng, có thể là một ngôi sao ca nhạc ngoại quốc, hay là một bức tượng thờ để cầu may. Bảo Uyên viết trên trang blog của tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn:
Thêm một bước đến gần với thần tượng cũng là khi người trẻ thêm một bước rời xa khỏi những giá trị chung đã được thừa nhận; trong khi người lớn vẫn lao vào cơn mê mưu cầu tài lộc. Giữa một rừng mơ ước về những thứ vô hình, có thể nhìn thấy rõ sự thiếu vắng niềm tin vào sự tử tế hữu hình ở đời thực. Sau tất cả, thứ niềm tin duy nhất còn sót lại chỉ là niềm tin vào quyền lợi bản thân mình.
Mất lòng tin và sùng bái thần tượng không phải là mâu thuẫn duy nhất trong xã hội Việt Nam hiện đại, một tương lai mờ mịt làm cho những người dân bình thường vùi đầu vào những cuộc vui hủy hoại thân mình, những báo cáo đầy màu hồng của nhà nước trái ngược với thực tế màu xám. Hãy nghe Bùi Văn Thuấn tả cảnh làng ông trong những ngày Tết:
Những người “đi làm ăn xa” của quê tôi khi về là cùng với những người ở nhà lao đầu vào hơi men, ca hát như một định mệnh. Những gương mặt đỏ gay hoặc tái dại đó đều tưởng mình là hạnh phúc, sung sướng lắm. Cả đất nước của tôi có lẽ cũng vậy, phần lớn những người “đi xa” khi về là lại cùng cả nước lao đầu vào hơi men, lao đầu vào ca hát nhảy múa, lễ hội. Tết về nhà nhà người người cả làng tôi và nước tôi đều chúc nhau “năm mới tiến tới, làm ăn phát đạt” nhưng ai cũng biết đó là những lời sáo rỗng như bao năm nay lãnh đạo chúc tết trên các phương tiện truyền thông của đảng.
Cả làng tôi và nước tôi cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó mà không biết ngày mai tương lai của bản thân của gia đình và con cháu mình sẽ sống ra sao? Hầu như rất ít người làng quê tôi hoạch định được tương lai cho con cháu, tất cả như muốn phó mặc cho số phận. Đất nước này cũng vậy, những người “đi làm xa” và cả những người ở lại phần lớn cũng không hoạch định gì hoặc nghĩ gì cho tương lai. Tất cả chỉ biết ngày hôm nay phải vui cái đã.
Chuyện làng không phải chuyện nước nhưng có điểm tương đồng đến kỳ lạ. Trên đất nước này có bao nhiêu làng như làng tôi? Có bao nhiêu xã như xã tôi? Bao nhiêu người dù tương lai mù mịt, nguy cơ bệnh tật, nguy cơ bị cướp đất trắng tay và hàng tá nguy cơ, thảm họa nhân tai rình rập bản thân và con cháu nhưng vẫn tưởng mình hạnh phúc như làng tôi?
Tin ở tương lai
Đứng trước cảnh hỗn độn của một ngôi chùa trong ngày Tết, blogger Viết từ Sài Gòn trấn an lòng tin của mọi người về những điều tốt đẹp của một tôn giáo thật sự vẫn còn hiện hữu:
Và bạn đừng buồn, bởi Đức Phật của bạn vẫn ở trong tâm hồn, trong trái tim và trong tâm linh của bạn đó, ngài vẫn ngự trị với tất cả sự tôn kính và niềm tin của bạn. Ở đó không có sự lợi dụng hay mạo phạm, bởi tất cả những ý đồ mạo phạm và hành vi lợi dung đều không phải là ý niệm hay niềm tin tôn giáo. Và người ta đã ngang nhiên lợi dụng, mạo phạm tôn giáo để thực hiện mưu đồ xây dựng đảng và bảo vệ đảng. Những thứ đó không phải là tôn giáo.
Những phản ứng tích cực của xã hội cũng đã bắt đầu để khôi phục những giá trị đã mất, khôi phục lại niềm tin. Người dân Việt Nam đã cất tiếng từ nhiều năm nay phản kháng bất công, đòi quyền dân sự của mình. Những cuộc biểu tình từ vài mươi người, cho đến hàng ngàn người cho thấy rằng ở Việt Nam đã có mầm mống của một phong trào dân sự đòi cải cách, đòi dân chủ.

Tuy vậy blogger Kami nhận định rằng Việt Nam vẫn chưa có một phong trào đối lập thật sự để đòi hỏi thể chế toàn trị hiện nay cải cách xã hội mạnh mẽ hơn nữa. Tác giả cho rằng những người dấn thân cho dân chủ nên thay đổi não trạng, phải hình thành một lực lượng đối lập xã hội, chứ không nên đơn thuần là những hoạt động chống đối ồn ào. Kami nêu ra trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà đối lập có viễn kiến và tinh thần tổ chức chính trị, chính vì thế mà ông bị nhà cầm quyền kết án rất nặng nề. Tác giả viết tiếp rằng dù để thực hiện những hoạt động đối lập như vậy ở Việt Nam là khó những vẫn có thể thực hiện được:
Cần phải hiểu, đối lập có ba đặc điểm đó là: có sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận. Trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay, để có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, song không có nghĩa là không thể. Chính vì thế nó phải được coi trọng và là vấn đề mấu chốt, phải trở thành mục tiêu trước mắt, đồng thời bằng mọi cách phải đạt được.
Một khi khi chính quyền đã chấp nhận các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập như thế, cũng có nghĩa là một cách họ đã gián tiếp thừa nhận các tổ chức hội, nhóm dù trong điều kiện chưa có Luật về Hội. Và tiếp tục như thế, về lâu dài là họ đã thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự do chính trị.
Cũng trong niềm tin ở tương lai và một sự lạc quan như vậy, blogger Lang Anh viết một loạt bài rất công phu về chuyển biến xã hội tại Việt Nam, và kết luận rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm nhận ra khuynh hướng độc tài của đảng cầm quyền mà từ bỏ nó:
Chiều hướng mà người Việt Nam từ bỏ việc công nhận tính chính danh của nền cai tri độc tài và hướng về các khao khát tự do là một chiều hướng không có sự đảo ngược. Đó là những tiến bộ xã hội bền vững. Tôi tin rằng khi số người Việt thức tỉnh đủ lớn và sẵn sàng xuống đường tuần hành đòi quyền tự do bầu cử, đó sẽ là lúc bình minh lên ở đất nước này.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh quan sát hàng ngàn sinh viên Mỹ xuống đường chống những sắc lệnh của vị Tổng thống mới đắc cử mà họ cho là vi phạm nhân quyền, anh nhớ lại chỉ cách đây hai năm các sinh viên Hà Nội cũng đã từng xuống đường, ký kiến nghị đòi cải cách gửi tới đảng cầm quyền
Ở đâu đó trên thế giới, có người trẻ tuổi dám công khai viết lên trán, từ chối quyền lãnh đạo của một tân tổng thống, thì ở đất Việt Nam nhỏ bé, cũng có những sinh viên đứng lên từ chối cách hành động vô pháp ở tòa án, và đòi xác lập những nguyên tắc đã được hiến pháp quy định.
Tuổi trẻ không có sự khác biệt về màu da và tổ quốc trong hành động yêu nước, yêu con người. Chỉ khác là ở các bản tin thời sự, người ta hay tấm tắc khen những người trẻ ở rất xa, và lãng quên những người trẻ ở ngay quê hương mình. Có thể vì thờ ơ, cũng có thể vì hèn.
Nhưng dù được nhớ hay không, được vinh danh hay bị lãng quên… tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự thật, chờ một ngày tỏa sáng – tôi tin như vậy.
Anh tin rằng Việt Nam cũng phải có một thế hệ tuổi trẻ không ươn hèn.


Ảnh hưởng của Trump đến kinh tế thế giới

Ảnh hưởng của Trump đến kinh tế thế giới
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-01-25
Thứ sáu tuần qua Tổng thống Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức và gây một ngạc nhiên khác là giữ nguyên chủ trương kinh tế đã trình bày khi tranh cử. Như vậy, hậu quả của chính sách kinh tế Hoa Kỳ sẽ là gì trong hai lĩnh vực ngoại thương và ngoại hối?
Hiệu ứng Donald Trump
Kính Hòa: Thưa ông, Tổng thống Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ sáu 20 vừa qua và đọc bài diễn văn về chủ trương đường lối của ông. Trước đây, người ta tưởng rằng ông nêu ra một số lý luận có thể là cực đoan khi tranh cử để thuyết phục cử tri, chứ khi đã đắc cử thì ông sẽ áp dụng một đường lối ôn hòa hơn. Nhưng ông Trump lại gây ngạc nhiên nữa khi tái khẳng định những chủ trương quyết liệt của ông, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Theo dõi lý luận và thái độ của ông Trump từ khi tranh cử tới ngày đắc cử và nhậm chức, ông nghĩ sao và liệu chúng ta đã có thể kết luận được gì về hiệu ứng Donald Trump cho nước khác chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ ngắn gọn nói về bối cảnh, sau đó mới tìm hiểu về những chuyện có thể xảy ra sau này.
Là người chưa từng sinh hoạt chính trị, ông Donald Trump có chiến lược tranh cử bất thường là giành lấy quyền diễn giải về các nguyên nhân thất thế của người dân Mỹ từ nhiều thập niên qua và hứa hẹn một chương trình rộng lớn để khôi phục sức mạnh của nước Mỹ. Có thể là ông thấy nhiều điều mà giới chính trị gia chuyên nghiệp của hai đảng lớn và các phần tử ưu tú Hoa Kỳ, kể cả truyền thông, lại không thấy, nên ông tranh cử được hậu thuẫn của đông đảo cử tri, đặc biệt là tại các tiểu bang bị thất thế nhất, và sau cùng đắc cử một cách bất ngờ.
Thứ hai, sau khi đắc cử, ông chọn vào nội các và ban tham mưu loại người có thành tích trên doanh trường, chiến trường và cả chính trường để thi hành những gì đã chủ trương mà ông vẫn giữ thái độ coi thường báo chí và các chính khách chuyên nghiệp. Chi tiết tôi chú ý nhất là mặc dù thủ tục phê chuẩn nội các chưa hoàn tất tại Thượng viện, ban tham mưu phụ trách công tác chuyển quyền gồm gần 600 người đã ráo riết làm việc để vạch ra từng việc cụ thể mà các phủ bộ của guồng máy công quyền mới sẽ thực hiện trong những tuần, những tháng và các năm tới. Điều ấy cho thấy là dường như ông Trump và các cộng sự viên đã chuẩn bị một chương trình cải cách rộng lớn từ nhiều năm nay chứ không phải trong 18 tháng tranh cử vừa qua.
Vì vậy, và thứ ba, bản thân tôi không mấy ngạc nhiên khi ông Trump đọc bài diễn văn nhậm chức ngắn gọn mà vẫn đầy tính chất quyết liệt như khi ông tranh cử và diễn giải về vấn đề của Hoa Kỳ. Có lẽ ta sẽ còn ngạc nhiên nữa về những tham vọng cải cách của vị Tổng thống mới.
Mỹ rút khỏi TPP
Kính Hòa: Đấy là về bối cảnh hay khung cảnh lãnh đạo của vị Tổng thống thứ 45. Về nội dung của chương trình hành động kinh tế, ông thấy là có những gì mà các thị trường nên chú ý theo dõi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là Hoa Kỳ, và nhiều nước khác nữa, có những vấn đề tích lũy từ lâu nên việc chuyển hướng hay cải cách sẽ mất nhiều năm chứ không ít. Chính quyền Trump cũng tin là sẽ còn phải hành động một cách sâu rộng và trong nhiều năm, từ giáo dục, xã hội, kinh tế đến an ninh hay đối ngoại, v.v… nên ta cần thời gian tiệm tiến để hiểu ra toàn cảnh và đánh giá được hậu quả trong nhiều lĩnh vực. Ngay trước mắt thì tôi chú ý đến ngoại thương và một hậu quả cấp thời là ngoại hối. Về ngoại thương, Hoa Kỳ sẽ giới hạn nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu để tìm lực tăng trưởng và việc làm cho dân Mỹ. Có nền kinh tế với sản lượng gần bằng 25% của toàn cầu và thị trường tiêu thụ rất lớn, nếu Mỹ áp dụng chính sách người ta gọi là bảo hộ mậu dịch và chống tự do ngoại thương thì hậu quả có thể gây chấn động toàn cầu và nhất thời làm đồng Mỹ kim sụt giá, có lẽ ta nên nhìn vào chuyện đó.
Kính Hòa: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà tuần qua, ông Trump nói rằng việc đồng đô la Mỹ định giá quá cao là điều thất lợi khi cạnh tranh với kinh tế Trung Quốc? Nhiều hệ thống thông tin chuyên đề về kinh tế cho rằng Tổng thống Donald Trump từ bỏ chủ trương duy trì sức mạnh của đồng Mỹ kim mà nhiều vị tiền nhiệm đã áp dụng, thưa ông, điều ấy có đúng không và nếu như vậy, các nước đang giữ tài sản dưới dạng Mỹ kim sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là loại báo chuyên đề ấy quá hấp tấp, cũng hấp tấp như khi loan tin là ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để ra khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, ông ta mới chỉ ký việc đó vào trưa Thứ Hai thôi. Có chi tiết ít ai lưu ý là khi ông Trump mời hai kinh tế gia nổi tiếng là Stephen Moore và Larry Kudlow vào ban tham mưu tranh cử thì họ ngạc nhiên hỏi lại, rằng họ tin vào giá trị của tự do thương mại chứ không chủ trương bảo hộ mậu dịch. Ông Trump trả lời rằng ngoài lĩnh vực mậu dịch thì họ đồng ý với nhau về mọi chuyện khác nên hãy cứ để ngoại thương ở ngoài. Là người thực dụng, Tổng thống Trump muốn thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA với Canada rồi Mexico, chứ không đòi xé bỏ hiệp ước mà ba nước đã thi hành từ 1994.
Trường hợp TPP cũng thế, ông muốn Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước chung với 11 nước thành viên để sẽ đàm phán với từng nước theo khuôn khổ tay đôi. Cũng vậy, cuối tuần này ông sẽ gặp Thủ tướng Anh để nói về hợp tác kinh tế sau khi Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Nước Mỹ của Donald Trump không tự cô lập như người ta nói mà chỉ muốn vẽ lại luật chơi trong quan hệ với các nước khác chử không duy trì khuôn khổ cũ.
Trở lại vị trí của đồng Mỹ kim, tuần qua khi trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, ông Trump nói là đồng đô la quá mạnh làm doanh nghiệp Mỹ thất thế trong cạnh tranh vì hàng Mỹ quá đắt, và ngược lại Trung Quốc có lợi vì định giá đồng bạc quá thấp để bán hàng rẻ. Từ đó, người ta vội kết luận rằng ông Trump chủ trương duy trì một đồng đô la yếu và phát biểu của ông lập tức làm Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại tệ khác. Sự thật nó rắc rối hơn vậy.
Kính Hòa: Thưa ông, sự thật nó rắc rối như thế nào, khán thính giả của chúng ta cũng cần biết.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh, từ sáu chục năm nay,là đồng bạc Hoa Kỳ thực tế là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất của thế giới và Mỹ thường xuyên bị thiếu hụt chi phó, hay khiếm hụt cán cân vãng lai, vì nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất khẩu. Các nước bán hàng cho Mỹ thu về đô la thì dùng đồng bạc ấy làm cơ sở ký thác để bơm thêm tiền vào nền kinh tế của họ và đạt thêm một sự thịnh vượng khác. Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn tiếp tục bị nhập siêu như trước nên có biện pháp đánh thuế trên hàng nhập nội đồng thời trợ cấp dưới dạng thuế vụ các mặt hàng xuất khẩu. Nếu Mỹ áp dụng chính sách đó thì điều gì xảy ra? Nhiều phần thì các nước thu được ít đô la hơn, bị khan hiếm Mỹ kim và hệ thống tín dụng dựa trên đồng Mỹ kim có thể sút giảm, hoặc sụp đổ. Mối nguy nó nằm ở đó, chứ không ở tỷ giá cao thấp của đồng bạc xanh của Mỹ. Như vậy, ta có hai chuyện rắc rối cần theo dõi.
Đồng đô la sẽ lên giá hay xuống giá?
Kính Hòa: Cám ơn ông ở phần giải thích đó, bây giờ hai chuyện rắc rối ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất là biện pháp điều chỉnh xuất nhập khẩu, hay “điều chỉnh mậu biên” là mậu dịch khi xuất nhập biên giới. Thứ hai mới là vai trò của đồng đô la trong hệ thống tiền tệ của các nước. Về “điều chỉnh mậu biên” hay “border adjustment” thì từ Tháng Sáu vừa rồi, các Dân biểu Cộng Hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ đã có một dự luật cải cách thuế vụ quy mô, bên trong có những quy định đánh thuế trên hàng nhập nội và giảm thuế trên hàng xuất khẩu. Khi ấy, Hành pháp vẫn do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo và người ta còn tưởng rằng bà Hillary Clinton sẽ đắc cử nên dự luật ấy khó được áp dụng.
Bây giờ, với ông Trump cầm đầu Hành pháp và đảng Cộng Hòa có đa số cao hơn ở cả hai viện lẫn các quốc hội tiểu bang, thì kế hoạch cải tổ thuế khóa lớn lao này sẽ thành hình để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng ông Trump vẫn cho rằng phần điều chỉnh mậu biên đó của đảng Cộng Hòa là không đơn giản, quá rắc rối. Ông có thể đưa ra đề nghị khác, thí dụ như tăng thuế nhập nội, nếu không 20% thì cũng 15% để giảm lượng hàng nhập khẩu và đồng thời trả lại thuế cho nhà xuất khẩu để kích thích sản xuất nội địa.
Tôi không đi vào các chi tiết thuế khóa ấy, sẽ là thuế tiêu thụ hay thuế lợi tức cho doanh nghiệp, nhưng khi tăng thuế thì hàng nhập khẩu đắt hơn sẽ gây thiệt hại cho các nước bán hàng vào thị trường Hoa Kỳ. Hậu quả là khối lượng ngoại thương của thế giới có thể giảm và hàng tiêu thụ tại Mỹ lại đắt hơn. Chúng ta nên theo dõi hiệu ứng này.
Kính Hòa: Bây giờ, chúng ta sẽ từ ngoại thương bước qua ngoại hối, là hiệu ứng của đồng Mỹ kim cho các nước khác. Thưa ông, hậu quả sẽ là gì? Mỹ kim sẽ lên giá hay xuống giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang chứng kiến một sự thể khá đặc biệt là kế hoạch cải tổ thuế khóa tại Mỹ không chỉ chi phối doanh lợi của công ty Hoa Kỳ và lượng tiêu thụ hàng nhập khẩu của nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng đến các nước khác, nhất là các nước cần buôn bán với Mỹ như Trung Quốc, Đức hay Mexico. Khi nhập siêu của Mỹ giảm thì các nước này sẽ bị thất thế dù đồng Mỹ kim chẳng lên hay xuống giá như người ta đã sớm lo. Vì vậy, tỷ giá đồng Mỹ kim so với đồng Nguyên của Tầu, đồng Pesos của Mễ, đồng Euro Âu Châu hay thậm chí đồng bạc Việt Nam không quan trọng bằng lượng hàng mà họ có thể bán vào thị trường Mỹ.
Nhìn trong trường kỳ thì khi nhập siêu của Hoa Kỳ sút giảm như Chính quyền Trump chủ trương, khối tiền tệ của các nước dựa trên đồng đô la họ thu vào cũng sẽ giảm và đấy mới là kịch bản đáng sợ. Chúng ta sẽ còn phải theo dõi và phân tích chiều hướng này.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối, thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết là khi Hoa Kỳ áp dụng chính sách kinh tế mới, với trọng tâm là chấm dứt lợi thế giao thương từ đã lâu của Trung Quốc thì lãnh đạo Bắc Kinh có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Và các nước khác, thí dụ như Âu Châu, sẽ xử lý thế nào trước quan hệ kinh tế căng thẳng đó giữa Bắc Kinh và Washington?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bắc Kinh có chừng năm sáu cách chống đỡ khác nhau và lâm thế kẹt chứ không dễ, nhất là cuối năm nay họ lại có Đại hội đảng cho Khóa 19. Vì quá lệ thuộc vào xuất khẩu, lại chẳng dễ phá giá đồng bạc và gây thêm nạn tẩu tán tư bản vì tài sản mất giá, Bắc Kinh có thể kín đáo trợ cấp xuất khẩu bằng tín dụng rẻ và thuế suất thấp thì càng mắc nợ cao. Về phần các nước khác trong trận đấu lực Mỹ-Hoa thì cũng còn tùy. Liên Âu thiếu thống nhất và bên trong có nhiều nước cần Mỹ hơn Tầu vì lý do an ninh nên thiên về Washington hơn là Bắc Kinh và không chấp hành chủ trương kinh tế của thủ đô Bruxelles. Cũng vì vậy mà ta nên thận trọng khi thấy truyền thông Tây Âu ráo riết đả kích Chính quyền mới của Hoa Kỳ! Họ không theo kịp những thay đổi lớn khi trật tự cũ đã lỗi thời và đang tan rã.
Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn tuần này.


Những ký ức không bao giờ cũ


Những ký ức không bao giờ cũ
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2017-02-03
Đó là một ngày mùa xuân lạnh lẽo bất thường ở Huế. Mùa xuân 1968. Một người cảnh sát tên Dũng bất ngờ khi thấy những người lính đối phương cầm AK tràn khắp thành phố Huế. Cuộc tiến chiếm và bắt giữ rất nhiều thường dân và viên chức chính quyền thành phố đã người diễn ra nhanh chóng trong vài ngày Tết, mà nhiều tài liệu sau này ghi lại, cho biết các thành phần Việt Cộng nằm vùng đã âm thầm lên danh sách theo từng tổ, từng tuyến và từng khu vực. Tính bất ngờ khiến cho những người lính phía Bắc Việt nắm ưu thế ngay lập tức. Nhưng Dũng là một người khá may mắn trong phút đầu, vì ông được người nhà nhanh chóng đưa ra sau vườn, đào một cái hố nhỏ và núp ở dưới trong nhiều ngày.
Vào đêm 30 Tết, tức ngày 29/1/1968, khi mọi người dân tin vào lệnh hưu chiến được quân đội Bắc Việt ký kết với phía miền Nam Việt Nam và bắt đầu nghỉ ngơi, đốt pháo ăn Tết, thì rạng sáng mùng 1 tết, những tiếng súng đầu tiên hòa lẫn với tiếng pháo đã khởi đầu cho một sự kiện đẫm máu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Mỗi bên đều có ngôn ngữ riêng để nhắc lại giờ phút quan trọng này. Chính quyền Sài Gòn thì diễn đạt rằng Việt Cộng đã “phản bội lại hiệp ước đình chiến” 3 ngày Tết đã ký. Còn phía Hà Nội thì diễn giải rằng hành động đó, là “cướp thời cơ”.
Không chỉ có Huế. Tết Mậu Thân 1968 ghi dấu một cuộc tấn công bất ngờ và đồng loạt của quân đội Bắc Việt vào 25/44 tỉnh lỵ và thị trấn của phía miền Nam Việt Nam lúc đó. Vào sáng ngày mùng 1 Tết (30/1/1968),trên đài phát thanh quốc gia Saigon, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố phía miền Bắc đã vi phạm việc ký kết hưu chiến trong dịp Tết, và ngay sau đó tuyên bố hủy bỏ lệnh ngưng bắn của phía Việt Nam Cộng Hòa để chính thức mở các cuộc phản công.
Cuộc chiến này, do sự hỗn loạn về truyền thông mà nhiều năm sau, người ta mới có được những số liệu tương đối chính xác. Vào khoảng 3 giờ 40 sáng ngày 30/1, những tiếng súng pháo cối từ phía núi nã vào thành phố Huế, chính là hiệu lệnh cho khoảng 80.000 binh lính chính quy Bắc Việt và quân nằm vùng đã tràn vào kinh đô cổ kính của Việt Nam, nơi có khoảng 140.000 dân sinh sống ở đó.
Lực lượng tương quan được xem là bất cân xứng, vì thuận theo hiệp ước đình chiến ngày Tết, Huế lúc đó - được sách The Tet Offensive: A Concise History and Abandoning Vietnam ghi lại – chỉ có khoảng 200 lính Mỹ và các nhân viên người Úc thuộc sư đoàn 1 đồn trú ở đó, cùng một số cảnh sát và binh lính địa phương không đáng kể.
Suốt trong nhiều ngày, người nhà của ông Dũng đã kinh hoàng chứng kiến các vụ xử bắn ngay trước hiên nhà mình, được gọi là “trừng trị bọn phản cách mạng”, mà trong đó có cả những thường dân không hề biết sử dụng vũ khí. Hàng loạt các vụ bắt và đem đi mà người ta không biết là về đâu. Mùng 7, là ngày diễn ra rất nhiều các vụ bắt bớ mang đi mất tích. Khiến rất nhiều gia đình ở Huế, cho đến tận hôm nay vẫn chọn ngày mùng 7 Tết để làm giỗ chung cho người thân cho mình.
Phía trước nhà ông Dũng là một khoảng ruộng. Tiếng súng nổ giật bắn thỉnh thoảng từ đó vang lên, như báo hiệu cho những người sống quanh đó rằng đã có ai đó bị hành hình, chôn vội… mà không có tòa án hay một tội danh đúng.
Khắp nơi trong thành phố như vậy. Sau 25 ngày Huế bị tạm chiếm bởi quân đội Bắc Việt, người ta tìm thấy nhiều hố chôn người tập thể, nhiều nơi xác người chôn sống. Các con số tổng kết tại Huế cho thấy các nạn nhân bị thảm sát được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada, Bãi dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thuỷ Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thương Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 22 địa điểm, tìm thấy được tổng cộng 2326 sọ người trong số 6.000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích...
Không chỉ có người Việt Nam giết người Việt Nam. Trong quyển Tet, của nhà báo Don Oberdorfer, xuất bản năm 1971, cho biết có những người như Stephen Miller (28 tuổi) nhân viên Sở ngoại vụ và thông tin Hoa Kỳ bị trói mang ra sau một chủng viện Công giáo để hành hình. Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster, và Horst-Günther Krainick cùng vợ của ông với công việc là giảng dạy về y tế cũng bị dẫn đi. Sau khi quân đội miền Nam Việt Nam tái chiếm Huế, người ta tìm thấy xác những người này bị chôn ở một khu ruộng gần đó. Một tài liệu tiết lộ vào năm 2011, còn cho biết rằng người ta tìm thấy các móng tay của người vợ ông Krainick bị gãy và đầy đất cát, có nghĩa bà đã bị chôn sống và tuyệt vọng tìm cách thoát ra. Hai linh mục người Pháp là Urban và Guy cũng không tránh khỏi thảm nạn: ông Urban thì bị trói và chôn sống. Còn ông Guy thì may mắn hơn với một viên đạn vào sau gáy.
Khi ông Dũng đang trốn trong cái hố của mình, được phủ đầy lá cây lên trên, vô tình ông nghe được người nhà nói với nhau rằng vợ của ông đang vào bệnh viện do đau đẻ sớm. Sốt ruột, ông Dũng tìm cách lẻn đến bệnh viện để nhìn vợ và con, nhưng khi vừa ra khỏi cổng bệnh viện, ông đã bị một nhóm người ập đến giải đi.
Mùng 13, khi có ai đó nói rằng ông Dũng đã bị bắn, xác chôn ở một khu ruộng gần nhà, mẹ ông Dũng cùng gia đình chạy đến để đào, tìm xác. Nhưng đó là một khu ruộng lớn, chỉ nhìn thôi cũng có cảm giác kiệt sức. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mọi người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ của ông Dũng đã tung đồng xu lên, cầu nguyện rằng nếu ông chết và bị vùi thây nơi đây, hãy để đồng xu rơi xuống nơi đó. Khi mọi người đến nơi đồng xu rơi, đào lên, thì thấy ông nằm dưới xác một người đồng sự của ông. Cả hai đã chết, không biết là bị bắn hay bị chôn sống. Và cũng vì vậy, đám giỗ của ông Dũng hàng năm được tổ chức vào mùng 13 Tết, một ngày vu vơ tạm bợ nào đó, nhưng hàng ngàn gia đình ở Huế đã cắn răng chọn cho người thân của mình, sau vụ thảm sát.
Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông Dũng, từ một người thân của ông. Đó là một người đàn ông năm nay đã gần 70 tuổi. Giọng kể chậm rãi, trầm trầm, giống như câu chuyện đọc trước giờ đi ngủ cho trẻ con. Chỉ khác rằng nó sẽ khiến bạn đi vào những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt, vì đó là sự man rợ mà những người Việt đã hành động trên quê hương mình, nhân danh những nấc thang lên thiên đường từ Nga Sô hay Trung Cộng.
Mỗi năm, Tết về, tôi vẫn có thói quen hay tìm hỏi những người đã sống, đã biết, đã chứng kiến thảm sát Mậu Thân, như một cách mặc niệm cho số phận người Việt Nam bị chà đạp bởi hận thù và những lý tưởng xa vời với tình yêu quê hương và dân tộc. Tôi để avatar của mình trên Facebook không màu, như một cách để tang cho những con người đã vô vọng trước họng súng và sự điên cuồng của đồng loại cùng màu da, tiếng nói. Đơn giản vì tôi thương dân tộc mình, và tôi yêu sự thật.
Trịnh Công Sơn đã viết trong tạp Ca khúc Da vàng “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co”.  Không có gì mô tả chân thực như bài hát đó.  Lịch sử Việt Nam hôm nay cũng bị bẻ quanh co, quanh những xác người vô tội như vậy, bởi những người cầm quyền. Suốt nhiều năm, những người cộng sản miền Bắc vẫn vỗ tay và gọi đó là một chiến thắng oanh liệt, còn một trong những trí thức nổi tiếng đi trong vũng máu thảm sát 1968 đó, thì nói một cách kiêu hãnh trên loạt phim tài liệu Vietnam: A History của Stanley Karnow rằng “cần thì cũng phải giết, vì đó là những con rắn độc”. Nhưng không có đạo lý nào công nhận loại chiến thắng chấp nhận dẫm đạp lên sinh mạng của nhân dân mình. Đó chỉ là một tên gọi khác của thứ tội ác ghê tởm.
Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.
Tuấn Khanh, Sài Gòn Xuân Đinh Dậu 2017