Tin
ở tương lai
Kính Hòa, phóng viên
RFA
2017-02-13
2017-02-13
Lịch sử và lòng tin
hiện tại
Theo ghi nhận của
blogger Tuấn Khanh, mùng 7 Tết âm lịch hàng năm được nhiều gia đình người dân
thành phố Huế dùng làm ngày giỗ cho những người thân của mình bị thảm sát trong
cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân đội cộng sản vào thành phố này. Đa số họ
là dân thường.
Cuộc thảm sát dân
thường này chưa bao giờ được nhà cầm quyền hiện nay công nhận. Tuấn Khanh, một
người lớn lên tại miền Nam Việt Nam, viết rằng từ khi anh biết rằng trong lịch
sử dân tộc có một cuộc thảm sát như vậy, mà lại là bởi những người cùng tiếng
nói với nhau, những mùa xuân xứ Huế đối với anh luôn là những mùa xuân buồn:
Những mùa xuân thật
buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội
cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người
cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau
nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng
tất cả lòng khinh khi và oán hận.
Có những câu chuyện
lịch sử khác được chính quyền ghi nhận. Nhưng sự ghi nhận này đi song hành với
một khái niệm bạo lực cách mạng, vốn là xương sống của chủ thuyết cộng sản. Và
người ta nói rằng chính cái nhìn bạo lực như một điều hiển nhiên của những
người đang lãnh đạo xã hội đã dẫn tới một thực trạng bạo lực hiện nay của đất
nước.
Blogger Điền Phương
Thảo nhìn thấy quan hệ nhân quả đó trong những vụ chen lấn, cướp giật ở những
nơi đáng lẽ là tôn nghiêm trong những ngày xuân vừa qua. Tác giả cho rằng những
hành động đó là những hành động của một xã hội mất lòng tin, và so sánh những
hành động cướp giật ngày nay với những từ cướp trong sách giáo khoa lịch sử:
Có thể nói cụm từ
“khủng hoảng niềm tin” đã trở thành từ khóa quen thuộc trên các trang mạng xã
hội. “Có vẻ như người Việt Nam không còn tin vào ai nữa”. Không tin vào nơi
được xem như những “ngôi đền thiêng” của xã hội bởi chức năng cao quý của nó
như trường học, bệnh viện. Không tin vào nhà nước, vào nhà cầm quyền. Không tin
vào những nơi thực thi công lý và cũng không tin vào những việc thiện. Bởi lẽ ở
sự dối trá có mặt ở khắp nơi. Do vậy, CƯỚP và giành giật là phương thế hữu hiệu
được nhiều người lựa chọn nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ trước đến nay, khi
nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 trên sách báo cũng như một
số kênh thông tin đại chúng, trên các văn kiện chính trị *…thường dùng cụm từ
“tham gia cướp chính quyền.“Cướp chính quyền từ tay Nhật; “Việt Minh phát động
công nhân, nông dân cướp chính quyền trên toàn quốc”; “cướp chính quyền từ tay
chính phủ Trần Trọng Kim; “ Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. …”
Phải chăng vì thế mà
trong lịch sử phát triển của dân tộc, chưa có giai đoạn nào người dân Việt
thích CƯỚP hơn bây giờ ?
Một điều nghịch lý là
trong sự khủng hoảng mất lòng tin đó, một số người trẻ tuổi Việt Nam lại rất
sùng bái thần tượng. Và thế là cảnh chen lấn cướp giật lại xảy ra khi họ muốn
chiêm ngưỡng thần tượng, có thể là một ngôi sao ca nhạc ngoại quốc, hay là một
bức tượng thờ để cầu may. Bảo Uyên viết trên trang blog của tờ Thời báo kinh tế
Sài Gòn:
Thêm một bước đến gần
với thần tượng cũng là khi người trẻ thêm một bước rời xa khỏi những giá trị
chung đã được thừa nhận; trong khi người lớn vẫn lao vào cơn mê mưu cầu tài
lộc. Giữa một rừng mơ ước về những thứ vô hình, có thể nhìn thấy rõ sự thiếu
vắng niềm tin vào sự tử tế hữu hình ở đời thực. Sau tất cả, thứ niềm tin duy
nhất còn sót lại chỉ là niềm tin vào quyền lợi bản thân mình.
Mất lòng tin và sùng
bái thần tượng không phải là mâu thuẫn duy nhất trong xã hội Việt Nam hiện đại,
một tương lai mờ mịt làm cho những người dân bình thường vùi đầu vào những cuộc
vui hủy hoại thân mình, những báo cáo đầy màu hồng của nhà nước trái ngược với
thực tế màu xám. Hãy nghe Bùi Văn Thuấn tả cảnh làng ông trong những ngày Tết:
Những người “đi làm ăn
xa” của quê tôi khi về là cùng với những người ở nhà lao đầu vào hơi men, ca
hát như một định mệnh. Những gương mặt đỏ gay hoặc tái dại đó đều tưởng mình là
hạnh phúc, sung sướng lắm. Cả đất nước của tôi có lẽ cũng vậy, phần lớn những
người “đi xa” khi về là lại cùng cả nước lao đầu vào hơi men, lao đầu vào ca
hát nhảy múa, lễ hội. Tết về nhà nhà người người cả làng tôi và nước tôi đều chúc
nhau “năm mới tiến tới, làm ăn phát đạt” nhưng ai cũng biết đó là những lời sáo
rỗng như bao năm nay lãnh đạo chúc tết trên các phương tiện truyền thông của
đảng.
Cả làng tôi và nước
tôi cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó mà không biết ngày mai tương lai của bản
thân của gia đình và con cháu mình sẽ sống ra sao? Hầu như rất ít người làng
quê tôi hoạch định được tương lai cho con cháu, tất cả như muốn phó mặc cho số
phận. Đất nước này cũng vậy, những người “đi làm xa” và cả những người ở lại
phần lớn cũng không hoạch định gì hoặc nghĩ gì cho tương lai. Tất cả chỉ biết
ngày hôm nay phải vui cái đã.
Chuyện làng không phải
chuyện nước nhưng có điểm tương đồng đến kỳ lạ. Trên đất nước này có bao nhiêu
làng như làng tôi? Có bao nhiêu xã như xã tôi? Bao nhiêu người dù tương lai mù
mịt, nguy cơ bệnh tật, nguy cơ bị cướp đất trắng tay và hàng tá nguy cơ, thảm
họa nhân tai rình rập bản thân và con cháu nhưng vẫn tưởng mình hạnh phúc như
làng tôi?
Tin ở tương lai
Đứng trước cảnh hỗn
độn của một ngôi chùa trong ngày Tết, blogger Viết từ Sài Gòn trấn an lòng tin
của mọi người về những điều tốt đẹp của một tôn giáo thật sự vẫn còn hiện hữu:
Và bạn đừng buồn, bởi
Đức Phật của bạn vẫn ở trong tâm hồn, trong trái tim và trong tâm linh của bạn
đó, ngài vẫn ngự trị với tất cả sự tôn kính và niềm tin của bạn. Ở đó không có
sự lợi dụng hay mạo phạm, bởi tất cả những ý đồ mạo phạm và hành vi lợi dung
đều không phải là ý niệm hay niềm tin tôn giáo. Và người ta đã ngang nhiên lợi
dụng, mạo phạm tôn giáo để thực hiện mưu đồ xây dựng đảng và bảo vệ đảng. Những
thứ đó không phải là tôn giáo.
Những phản ứng tích
cực của xã hội cũng đã bắt đầu để khôi phục những giá trị đã mất, khôi phục lại
niềm tin. Người dân Việt Nam đã cất tiếng từ nhiều năm nay phản kháng bất công,
đòi quyền dân sự của mình. Những cuộc biểu tình từ vài mươi người, cho đến hàng
ngàn người cho thấy rằng ở Việt Nam đã có mầm mống của một phong trào dân sự
đòi cải cách, đòi dân chủ.
Tuy vậy blogger Kami
nhận định rằng Việt Nam vẫn chưa có một phong trào đối lập thật sự để đòi hỏi
thể chế toàn trị hiện nay cải cách xã hội mạnh mẽ hơn nữa. Tác giả cho rằng
những người dấn thân cho dân chủ nên thay đổi não trạng, phải hình thành một
lực lượng đối lập xã hội, chứ không nên đơn thuần là những hoạt động chống đối
ồn ào. Kami nêu ra trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà đối lập có viễn
kiến và tinh thần tổ chức chính trị, chính vì thế mà ông bị nhà cầm quyền kết
án rất nặng nề. Tác giả viết tiếp rằng dù để thực hiện những hoạt động đối lập
như vậy ở Việt Nam là khó những vẫn có thể thực hiện được:
Cần phải hiểu, đối lập
có ba đặc điểm đó là: có sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính
cách hợp pháp được pháp luật công nhận. Trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay, để
có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, song không
có nghĩa là không thể. Chính vì thế nó phải được coi trọng và là vấn đề mấu
chốt, phải trở thành mục tiêu trước mắt, đồng thời bằng mọi cách phải đạt được.
Một khi khi chính quyền
đã chấp nhận các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập như thế, cũng có nghĩa là một
cách họ đã gián tiếp thừa nhận các tổ chức hội, nhóm dù trong điều kiện chưa có
Luật về Hội. Và tiếp tục như thế, về lâu dài là họ đã thừa nhận đối lập tức là
thừa nhận tự do chính trị.
Cũng trong niềm tin ở
tương lai và một sự lạc quan như vậy, blogger Lang Anh viết một loạt bài rất
công phu về chuyển biến xã hội tại Việt Nam, và kết luận rằng xã hội Việt Nam
sẽ sớm nhận ra khuynh hướng độc tài của đảng cầm quyền mà từ bỏ nó:
Chiều hướng mà người
Việt Nam từ bỏ việc công nhận tính chính danh của nền cai tri độc tài và hướng
về các khao khát tự do là một chiều hướng không có sự đảo ngược. Đó là những
tiến bộ xã hội bền vững. Tôi tin rằng khi số người Việt thức tỉnh đủ lớn và sẵn
sàng xuống đường tuần hành đòi quyền tự do bầu cử, đó sẽ là lúc bình minh lên ở
đất nước này.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
quan sát hàng ngàn sinh viên Mỹ xuống đường chống những sắc lệnh của vị Tổng
thống mới đắc cử mà họ cho là vi phạm nhân quyền, anh nhớ lại chỉ cách đây hai
năm các sinh viên Hà Nội cũng đã từng xuống đường, ký kiến nghị đòi cải cách
gửi tới đảng cầm quyền
Ở đâu đó trên thế
giới, có người trẻ tuổi dám công khai viết lên trán, từ chối quyền lãnh đạo của
một tân tổng thống, thì ở đất Việt Nam nhỏ bé, cũng có những sinh viên đứng lên
từ chối cách hành động vô pháp ở tòa án, và đòi xác lập những nguyên tắc đã
được hiến pháp quy định.
Tuổi trẻ không có sự
khác biệt về màu da và tổ quốc trong hành động yêu nước, yêu con người. Chỉ
khác là ở các bản tin thời sự, người ta hay tấm tắc khen những người trẻ ở rất
xa, và lãng quên những người trẻ ở ngay quê hương mình. Có thể vì thờ ơ, cũng
có thể vì hèn.
Nhưng dù được nhớ hay
không, được vinh danh hay bị lãng quên… tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông,
Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự
thật, chờ một ngày tỏa sáng – tôi tin như vậy.
Anh tin rằng Việt Nam
cũng phải có một thế hệ tuổi trẻ không ươn hèn.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/believe-in-the-future-kh-02132017100801.html
No comments:
Post a Comment