Friday, March 6, 2015

Tuyệt chiêu làm thịt bò khô



  Tuyệt chiêu làm thịt bò khô 

Nguyên liệu:
- Thịt bò thăn: 500gr
- Sả: 4 củ
- Tỏi: 1 củ
- Đường: 2 thìa ăn cơm
- Bột ngũ vị hương: 1 túi (khoảng 6-7gr)
- Ớt bột hoặc ớt tươi (tùy sở thích, nếu các bạn thích ăn cay thì nên dùng khoảng 5 quả ớt/ 500gr)
- Dầu hào: 3 thìa ăn cơm
- Muối : 1 thìa
Giá tiền: 150.000 đồng
Cách làm:
Bước 1: Thái thịt bò thành miếng mỏng khoảng 3-4mm, dọc thớ, bản to.
Bước 2: Băm nhỏ sả, tỏi, ớt.
Bước 3: Cho thịt bò vào ướp cùng tất cả các gia vị, sau đó để ngăn mát khoảng 8 tiếng.
Bước 4: Cho tất cả thịt cùng nước ướp tiết ra từ thịt vào nồi đun nhỏ lửa, đậy kín vung. Thỉnh thoảng các bạn nhớ lật các mặt thịt đều. Đun đến khi nước cạn thì tắt bếp (khoảng 20 phút). Ở bước này bạn có thể nếm thử thịt đã đủ gia vị hay chưa? Nếu thiếu đường hay muối các bạn nên bổ sung thêm ngay.
Bước 5: Cho thịt ra khỏi nồi, để nguội bớt rồi dùng chày hoặc sống dao dần cho mềm, sau đó xé sợi hoặc để nguyên miếng tùy vào sở thích.
Bước 6: Cho thịt lên khay nướng, sấy ở nhiệt độ 110 độ C, cứ 10 phút bạn lại đảo đều một lần đến khi nào đạt được độ khô như ý muốn ( mình sấy khoảng 30 phút). 
Nếu nhà bạn không có lò nướng, bạn có thể cho thịt vào chảo, đảo trên lửa nhỏ đến khi thịt khô.
Thịt bò khô đã thành phẩm.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món thịt bò khô!
-

Xi rô bắp Fructose (HFCS) rất có hại cho sức khoẻ - Dr. Phạm Hiếu Liêm



XI RÔ BẮP FRUCTOSE (HFCS) RẤT CÓ HẠI CHO SỨC KHỎE
Dr. Phạm Hiếu Liêm

Từ thập niên 1980 đến nay, Hoa Kỳ đã và đang phải đương đầu với vấn đề y tế trầm trọng của cơn dịch mập phì cùng Tiểu Đường loại 2 và các biến chứng. Phải mất tới hơn hai mươi năm sau, Y học mới khẳng định được là người Mỹ đã lên ký do chủ thuyết ăn bớt mỡ và vì thế họ đã phải ăn thêm đường để có năng lượng (calories). Bài giảng của GS Robert Lustig về “Sự thật đắng nghét về Đường” (Sugar: The Bitter Truth) chiếu trên mạng YouTube từ năm 2009 đến nay đã thu hút gần năm triệu rưỡi lượt người xem tính đến tháng Ba năm 2015 (https://www.youtube.com/watch?v=dBnniua6-oM).

Trong bài giảng này và một bài báo kế tiếp của ký giả Gary Taubes với nhan đề “Đường có độc chăng?” (Is Sugar Toxic?) đăng trên nhật báo New York Times ngày 17 tháng Tư năm 2011 (http://www.nytimes.com/2011/04/17/magazine/mag-17Sugar-t.html?pagewanted=all&_r=0), cho thấy là nhiều người Mỹ đã biết được sự nguy hại của đường fructose trên cơ thể khi dùng quá lạm mỗi ngày.

Fructose là gì:

Fructose là đường thiên nhiên cho vị ngọt của trái cây chín nằm trong nhóm đường đơn-saccharide (monosaccharide) sẵn sàng được hấp thụ qua đường tiêu hoá vào máu. Các đường đơn khác như glucose đến từ sự tiêu hoá của đường sucrose hay tinh bột, và galactose đến từ sự tiêu hoá của đường sữa lactose. Trong các loại đường thì fructose có vị ngọt nhất, kế đó là glucose. Đường ngọt chúng ta dùng mỗi ngày là đường sucrose, một loại đường kép-saccharide (disaccharide) sẽ sản xuất 1 phân tử fructose và 1 phân tử glucose sau khi tiêu hoá. Tinh bột từ cơm, bánh mì, v.v., là đường đa-saccharide (polysaccharide), sau chuỗi tiêu hoá sẽ thành đường kép-glucose (với hai phân tử glucose) rồi thành đường đơn-glucose.

Glucose là nhiên liệu chính cho cơ thể, trong khi fructose tạo ra mỡ Triglyceride và VLDL sau khi tiêu hoá từ gan (Hình 1):

 http://svqy.org/2015/3-2015/xiro/frame/xiro1.png


Vì vậy, tiêu thụ hơn 25 grams fructose mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị chứng nhiễm mỡ trong các cơ quan như gan, bắp thịt, dẫn đến viêm và kháng insulin, rồi Tiểu Đường loại 2.

Trong suốt cả trăm ngàn năm trước khi có canh nông (canh nông ra đời cách nay hơn mười ngàn năm), fructose là đường ngọt duy nhất mà con người được thưởng thức khi ăn trái cây, và trong vài dịp hiếm có: mật ong. Sau canh nông, con người làm được sucrose từ mía và củ cải đỏ (red beets) cung ứng 50% fructose và 50% glucose sau khi tiêu hoá như đã nói ở trên.

Từ thập niên 1980 đến nay, một loại đường ngọt chế tạo từ bắp trong dạng xi rô với nồng độ fructose là 55%, cao hơn sucrose, ngọt hơn mà giá lại rẻ hơn, gọi là High Fructose Corn Syrup (HFCS) đã được dùng cật lực trong kỹ nghệ chế biến thực phẩm tại Hoa Kỳ. GS Lustig chỉ chú trọng vào sự độc hại của fructose nên cho rằng sucrose (50% fructose) và HFCS (55% fructose) đều có hại cho sức khoẻ ngang nhau. Người viết bài này không đồng ý.

HFCS là gì?

Bột bắp theo biến dưỡng tiêu hoá thiên nhiên chỉ tạo ra đường glucose, nhưng vào cuối thập niên 1960, các kỹ sư hoá học về thực phẩm ở Nhật đã dùng một diếu tố nhân tạo để biến xi rô bắp glucose thành một loại xi rô bắp có 45% fructose. Sau đó, họ còn nghĩ ra cách tinh lọc thành xi rô bắp với 90% fructose. Vì xi rô 90% fructose quá ngọt và nguy hại cho người tiêu thụ nên họ pha xi rô này với xi rô 45% để có nồng độ fructose ở 55%, gọi là Xi Rô Bắp với Fructose cao (High Fructose Corn Syrup- HFCS), ngọt hơn và rẻ tiền hơn đường sucrose từ mía. Vào đầu thập niên 1980, giá đường mía sucrose ở Mỹ nhảy vọt khiến các hãng chế tạo nước ngọt bắt đầu dùng HFCS để tăng lợi nhuận, kế đó chính phủ Mỹ đã sai lầm khuyến cáo dân chúng nên ăn bớt chất béo để ngừa bệnh tim mạch, nên các hãng chế tạo thực phẩm dùng đường ngọt HFCS để thay khẩu vị cho chất béo. Khác với sucrose là đường kép thiên nhiên cần sự tiêu hoá để hấp thụ, HFCS là chất ngọt nhân tạo từ bắp trong đó phân tử fructose đơn-saccharide sẽ được hấp thụ trực tiếp từ đường tiêu hoá đến gan rất mau, và vì vậy có thể gây ra nhiều phản ứng biến dưỡng xấu còn hơn cả đường sucrose mà GS Lustig đã đề cập đến trong bài giảng của ông. Ngoài sản xuất mỡ, fructose còn chặn sự bài tiết cuả Leptin (trong khi glucose tăng lượng Leptin trong máu) khiến người ăn không biết no và vì vậy gây ra mập phì vì ăn quá nhiều. Hãy nhìn hình 2 từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control - CDC) cho thấy tỷ lệ mập phì gia tăng cùng với lượng HFCS trong thực phẩm ở Mỹ từ thập niên 1980:


http://svqy.org/2015/3-2015/xiro/frame/xiro2.png.jpg 


Các hãng sản xuất HFCS và cơ xưởng chế tạo thực phẩm tại Mỹ phản đối quyết liệt CDC về tấm hình kể trên vì họ quả quyết rằng HFCS không có ảnh hưởng xấu trên sức khoẻ hơn là đường sucrose vì đường là … đường, không khác gì nhau. Nhưng một thí nghiệm ở Đại học Princeton cho thấy chuột uống đường HFCS so sánh với chuột uống đường sucrose cùng liều lượng về calorie đã trở thành mập phì vì ăn nhiều thức ăn hơn. Hấp thụ fructose rất nhanh không cần tiêu hoá từ HFCS chính là sự khác biệt giữa hai nhóm chuột. Kết quả tương tự như ăn fructose từ trái cây không mấy độc vì lượng nhỏ, có chất xơ, chất kháng oxy và sinh tố, trong khi uống nước trái cây ép (juice) chỉ toàn fructose với lượng lớn nên trở thành độc hại.

Vì chính sách khuyến khích ăn ít chất béo, người Mỹ đã ăn quá nhiều đường kể cả sucrose và HFCS; họ đứng đầu thế giới, tiêu thụ trung bình 126 grams mỗi ngày cho mỗi đầu người. Trong khi đó, họ chỉ đứng hạng 16 về tiêu thụ chất béo, mỡ, như hình 3 dưới đây:

http://svqy.org/2015/3-2015/xiro/frame/xiro3.png.jpg

Các người Đức, Hoà Lan và Bỉ ăn nhiều chất béo hơn người Mỹ, và cũng ăn nhiều đường gần bằng Mỹ, nhưng tỷ lệ béo phì và Tiểu Đường loại 2 ít hơn người Mỹ vì kỹ nghệ thực phẩm Âu châu không dùng HFCS một cách cẩu thả như ở Mỹ.

Tóm lại, đường ngọt fructose có hại cho sức khoẻ. Đường sucrose có 50% fructose nên chúng ta cần hạn chế chỉ dùng 50 grams mỗi ngày (25 grams fructose). Nguồn fructose duy nhất chúng ta nên dùng là ăn trái cây, không nên uống nước ép trái cây vì thiếu chất xơ, có khi thiếu cả chất kháng oxy hoá từ vỏ trái cây nên không tốt cho người tiêu thụ. Tuyệt đối tránh xa thức ăn và nước giải khát có HFCS vì các lý do đã nói trong bài này.

Một điều đáng chú ý là trong hậu bán thế kỷ thứ 20, kỹ nghệ thực phẩm Hoa Kỳ đã đưa ra hai sản phẩm nhân tạo, không có trong thiên nhiên, là Trans Fat Margarine để thay bơ và HFCS để thay đường. Cả hai chất nói trên đã làm hại sức khoẻ của người tiêu thụ ở Mỹ.

Phạm Hiếu Liêm, MD
Former Jackson T. Stephens Professor and Vice-Chairman of the Donald W. Reynolds Department of Geriatrics, UAMS

Tuesday, March 3, 2015

Hỏi đáp Y học: Tê ngón tay



Hỏi đáp Y học: Tê ngón tay

27.02.2015
Thính giả Nguyễn Thị Hà hỏi như sau:
“Kinh gửi Bác sĩ
 Cho em hỏi. Em bị tê tay 2 tháng rồi. Buổi sáng ngủ dậy, nắm bàn tay lại, các đầu ngón và khớp giữa ngón tay tê là bị làm sao? Xin Bác sĩ tư vấn giúp?
Cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hội chứng đường hầm cổ tay
Chỉ căn cứ trên một triệu chứng là ngón tay tê buổi sáng thôi chúng ta không thể bàn chuyện gì cụ thể được. Ví dụ người đàn ông hay phụ nữ, tuỳ tuổi, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai hay không, có những triệu chứng khác như lo âu, mệt mỏi, nóng sốt hay không, đau tay bên nào, có phải là bên dùng nhiều trong một loại động tác (như dùng phím máy vi tính liên tục, làm thợ nấu ăn dùng các ngón tay để nhồi bột, đàn piano, violin, làm bàn tay chịu stress lập đi lập lại (repetitive stress). Có những việc nặng nhọc hơn như dùng máy khoan, máy đào đường. Trong trường hợp stress dai dẳng trên bàn tay ngón tay, chúng ta có thể nghĩ đến hội chứng đường hầm cổ tay. Người đặt câu hỏi dùng facebook, qua mạng internet, nên tôi nghĩ sau đây chúng ta có thể bàn nhiều hơn về tổn thương do dùng quá nhiều các ngón tay ở giới trẻ, đặc biệt là do dùng phím máy tính (keyboard overuse injury).
Các ngón và bàn tay phần lớn được điều khiển bởi những cơ bắp có thân cơ nằm trong cánh tay (forearm, avant bras), tức là phần giữa cổ tay và khuỷu tay. Những sợi gân từ từ các cơ ở trên chui qua một đường hầm gọi là đường hầm cổ tay (carpal tunnel), rồi mới nối với các ngón tay. Lúc các cơ này co lại, thì các ngón tay cũng co theo (flexion of the fingers). Cùng trong hầm này, có một sợi dây thần kinh lớn (median nerve), điều khiển một số cơ bên phía ngón cái của bàn tay và phụ trách cảm giác 2/3 bàn tay bên phía đó. Nếu người bệnh dùng các cơ bàn tay nhiều (như đàn piano, đánh máy liên tục ngày này qua ngày khác), khuỷu tay cử động nhiều, các gân có thể viêm (tendinitis), vùng hang cổ tay trở nên quá chật hẹp và median nerve bị đè lên (nerve compression) làm cho bàn tay bị đau, cũng như những cơ ở mu bàn tay bên phía ngón cái bị teo lại trong trường hợp nặng.Trường hợp này gọi là hội chứng đường hầm cổ tay (carpal tunnel syndrome). Viêm gân (tendinitis) và hội chứng hầm cổ tay là những thành phần trong hội chứng còn được gọi là 'tổn thương do dùng cổ tay và bàn tay quá nhiều" (overuse injuries of hand and wrist)
Tuy nhiên, cũng như mọi khi, bệnh nhân cần được bác sĩ khám và định bệnh chính xác. Một số điều kiện khác có thể giải thích ngón tay bị yếu, không viết lâu được mà chỉ có bác sĩ của bệnh nhân mới giải quyết tường tận được.
Sau đây, tôi xin nói về "overuse injuries" của bàn tay và cổ tay.
Chữa trị:
1)    Bảo thủ
•    Wrist brace: Bó (không bó chặt) cổ tay lại để giảm thiểu cử động lập đi lập lại nơi cổ tay.
Vận động viên Kei Nishikori của Nhật Bản chườm túi đá lên mặt trong trận đấu tennis đơn nam với vận động viên Dusan Lajovic của Serbia thuộc giải mở rộng Australia 2014 ở Melbourne 16/1/2014.

•    Đắp nước đá (icing, ice treatment) cho sưng đau cấp tính: dùng nước đá trong bao plastic, hoặc túi đậu xanh petit-pois đặt trong tủ đá (freezer) cho lạnh. Không đắp quá 30 phút. Chỉ đắp sau khi hoạt động gây tổn thương xảy ra (vd lực sĩ sau khi tập luyện, sau chấn thương); không đắp nước đá trước khi vận động.
•    Đắp nóng (heat treatment); dùng cho trường hợp mãn tính, trước khi hoạt động, làm cho các mô giãn ra, máu lưu thông nhiều hơn.
- Tránh dùng đắp nóng sau khi hoạt động, vào chỗ đang sưng, vì máu có thể dồn đến nhiều hơn và làm sưng thêm.
- Có thể dùng heating pad (túi sưởi plastic, hâm nóng vài phút trong lò vi sóng), hoặc dùng khăn nước nóng.
- Không dùng hơi nóng hoặc đắp đá trên da bị thương tích, nếu vùng đó mất cảm giác, máu không lưu thông bình thường, nếu mắc bệnh tiểu đường (diabetes).
•    Uống thuốc giảm đau, giảm viêm (NSAIDS) như Ibuprofen, Tylenol, Naprosyn
•    Bác sĩ chích corticoid vào cổ tay.
2)    Phẫu thuật cho những trường hợp nặng cần "giải phóng" các sợi gân và dây thần kinh bị gò bó, chèn ép trong cổ tay.
Phòng ngừa
Máy tính có thể làm hư bàn tay và ngón tay và đau vai, lưng. Cổ tay đau vì bàn phím (keyboard) quá cao, và lưng vai đau vì monitor quá thấp.
Có thể tránh bằng cách:
•    Dùng màn hình monitor riêng rẽ, dễ đọc hơn và ngang tầm mắt, cho phép ngổi thẳng lưng.
•    Dùng bàn phím riêng, để thấp dưới bàn để khi đánh máy, có thể giữ khuỷu tay ở góc 90 độ.
•    Dùng ghế ngồi chắc, điểu chỉnh đúng tầm mình, ergonomic, nghĩa là thích hợp cho những cử động tự nhiên của người dùng.
•    Nếu mỏi, tê nhức, phải ngưng, nghỉ ngơi, không nên cố gắng quá sức với mục đích "tập cho quen."
Tránh để laptop trên đùi lúc mình dùng máy lâu. Thế ngồi cúi đầu làm mỏi mệt, nhức lưng, cổ, mỏi mắt. Sức nóng phát ra có thể gây phỏng da đùi (laptop burn, erythema ab igne).
Chúc bệnh nhân và phụ huynh may mắn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/hoi-dap-y-hoc-te-ngon-tay/2660739.html