Saturday, February 28, 2015

Quốc Phụ và Quốc Sư



Quốc Phụ và Quốc Sư
Huy Đức
  • 25 tháng 2 2015
Tuy thất vọng trước chương trình Táo quân Giao thừa 2015, nhưng ngay sáng mùng Một Tết, công chúng đã được đền bù khi nhìn thấy những tấm hình chụp "thâm cung" nhà Cựu TBT Nông Đức Mạnh.
Trận cười chưa dứt thì hôm qua, mùng 6 Tết, dân chúng lại mục kích loạt ảnh GS Vũ Khiêu hôn má và cho chữ hoa hậu Kỳ Duyên. Nhưng đừng tưởng truyền thông nhà nước chỉ đóng vai trò mua vui. Các nhà báo lề phải thâm thúy hơn những gì vài facebookers đang chế nhạo.
Lâu nay, giới học thật - căn cứ vào những "tác phẩm" từng xuất bản khi ông còn trẻ - không lạ gì vốn chữ nghĩa của học giả Vũ Khiêu.
Nhưng với công chúng số đông, nếu truyền thông nhà nước không cho chúng ta đọc câu đối mà Vũ Khiêu tặng Kỳ Duyên - “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc - Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” - làm sao biết, GS Vũ Khiêu không những không biết "niêm luật" tối thiểu khi viết câu đối mà còn, phần văn vẻ nhất, lại đạo thơ Lý Bạch (chưa kể về ý, vế đầu tự viết thì tối nghĩa, vế sau của Lý Bạch thì dung tục khi dùng cho tình huống một ông già trăm tuổi tặng cô gái 19 tuổi - Vũ Khiêu cũng đã từng đạo lời Quản Trọng nói về Thúc Nha, thời Đông Chu, khi "khóc" Tướng Giáp).
Một người đã ngồi ở vị trí tột đỉnh quyền lực suốt gần hai thập niên, về mức độ trọc phú, lẽ ra phải khá hơn các đại gia buôn đất
Nhiều người sững sờ khi nhìn thấy Nông Đức Mạnh ngồi trên chiếc ghế tay rồng, trước một hương án "thếp vàng". Không nói về sự xa hoa. Dân chúng không còn kỳ vọng vào sự thanh liêm của những người như ông.
Nhưng dân chúng, theo lẽ tư duy thông thường, nghĩ, một người đã ngồi ở vị trí tột đỉnh quyền lực suốt gần hai thập niên, về mức độ trọc phú, lẽ ra phải khá hơn các đại gia buôn đất.
Ngoài khía cạnh văn hóa, việc tổng bí thư của một đảng cộng sản khi về hưu tự thửa cho mình một chiếc ghế mô phỏng ngai vàng còn cho thấy, tuy kêu gọi dân chúng làm cách mạng, quét sạch tàn dư phong kiến nhưng trong thẳm sâu, không ai thèm khát tàn dư phong kiến bằng họ - những nông dân có quyền vua chúa.
Có lẽ những chức tước đã kinh qua và những danh hiệu "cao quý nhất" mà Chế độ đã gắn cho GS Vũ Khiêu không những làm công chúng mà chính ông cũng choáng ngợp và tưởng thật.
Khi ngồi trên cái ngai vàng hàng nhái đó để tiếp khách chính thức, có chụp ảnh (có thể còn quay phim), chắc chắn ông Mạnh không nhận ra thân phận của một "hoàng đế cởi truồng". Nhưng vàng, thau thì không bao giờ lẫn lộn. Khi xuất hiện trước công chúng, những công dân trưởng thành đã chỉ ra sự tồng ngồng của họ.
Sau thất bại của "Táo quân" tưởng không có gì vui. Sau những cuộc cười đau bụng tưởng đã có gì vui. Nhưng đời chẳng có gì vui.
Văn chương như Vũ Khiêu mà biết bao năm qua vẫn được không ít người tôn là "quốc sư", vẫn được không ít người trông coi đình đền miếu mão mời viết văn bia; Văn hóa như Nông Đức Mạnh mà vẫn có thể làm Chủ tịch Quốc hội tới 9 năm, vẫn làm Tổng bí thư tới 10 năm... thì, đất nước không như thế này mới lạ.
Bài đã được đăng trên Facebook của nhà báo Huy Đức từ Sài Gòn.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/02/150225_quoc_phu_va_quoc_su


Friday, February 27, 2015

11 cách sử dụng Internet an toàn-VOA



11 cách sử dụng Internet an toàn-VOA
Doug Bernard
26.02.2015
WASHINGTON—
Đọc các hàng tin hàng đầu hiện nay có cảm tưởng rằng Internet đã trở thành phương tiện đáng sợ.
Các hoạt động gián điệp mạng và đánh cắp thông tin cá nhân dẫy đầy trong khi các tội phạm có tổ chức và gián điệp quốc gia rình rập.
Mấy ngày gần đây, công ty cung cấp phần mềm bảo mật quốc tế Kaspersky loan báo một vụ đánh cắp số tiền chưa từng có từ trước đến nay: 1 tỷ đôla hay còn hơn nữa từ hàng trăm ngân hàng Âu châu,  và một phần mềm độc hại  giống như vi rút Stuxnet đã tự cài đặt luôn và bí mật trong hàng triệu ổ đĩa cứng của máy tính trên khắp các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và các nơi khác.
Như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định tại hội nghị an ninh mạng ở California mới đây, an ninh mạng là vấn đề vô cùng quan trọng và là vấn đề mà mọi người từ các chính phủ đến các công ty tư cho đến các cá nhân đều cần giải quyết.

Nhưng làm thế nào một người có thể chống lại kỹ năng của các tội phạm trên mạng hết sức tinh vi hay các nguồn lực của các nhà nước?
Thật sự là không thể. Nếu một chính phủ hay một tội phạm rất muốn xâm nhập vào máy tính của quý vị thì họ sẽ làm được việc đó.
Tuy nhiên các cá nhân, có thể gây khó khăn hơn cho các tay tin tặc, và thậm chí những người không chuyên môn sử dụng Internet cũng có thể ngăn chận nhiều vụ tấn công mạng với tập quán đơn giản mà ông Vinton Cerf, một nhà tiên phong phát minh Internet gọi là “Làm sạch web hiệu quả.”
Sau đây là một vài thói quen các bạn có thể thực hành ngay:
Hãy tạo mật khẩu hóc búa khó đoán:  Hãy bỏ chút thì giờ cố đoán xem mật khẩu phổ biến nhất đang được sử dụng hiện nay là gì. Nếu bạn đoán đó là cụm từ “mật khẩu” thì không xa lắm đâu. Trong danh sách hàng năm của công ty SplashData các mật khẩu thông dụng nhất là “123456” đứng đầu bảng và đứng hàng nhì là “mật khẩu.” Đó không phải là những mật khẩu mà là tấm giấy bồi ướt.
Nếu bạn không muốn ai đó xâm nhập vào dữ liệu của mình thì phải gắn một ổ khóa thật chặt trên cửa. Các mật khẩu khó đoán bao gồm hàng ký tự với chữ thường xen lẫn chữ hoa, chữ số và các ký tự đặc biệt. Mật khẩu nên có ít nhất 8 ký tự và dứt khoát không nên có thể tạo thành những từ như tên con thú cưng hay biểu tượng của trường trung học của bạn. Nếu bạn không làm gì khác được đề nghị ở đây thì hãy tạo mật khẩu khó đoán.
Đổi mật khẩu: Một sai lầm thứ nhì rất phổ biến là người sử dụng máy tính tạo một mật khẩu hóc búa, rồi sau đó không bao giờ thay đổi hoặc dùng nó cho những tài khoản khác nhau.

Chắc chắn, quản lý một danh sách mật khẩu phức tạp luôn thay đổi rất mất công. Nhưng cuối cùng không có mật khẩu nào không thể phá được, và dùng chúng cho các tài khoản khác nhau là một cách mời gọi tin tặc. Nếu bạn thấy khó theo dõi tất cả các mật khẩu khó nhớ đó (đừng ghi xuống giấy) có nhiều dịch vụ quản lý mật khẩu và những ý kiến bên ngoài đó tương đối dễ và bảo đảm.
Xóa bộ nhớ cache: Xóa cache trong tất cả các thiết bị bạn sử dụng trong một ngày như computer ở nhà, computer ở sở, iPad của bạn bè v ..v.. Mỗi lần bạn sử dụng trình duyệt như Firefox hay Chrome, nó đều giữ lại thông tin bạn đã truy cập vào đâu và làm gì. Thường thì đây là yếu tố được mặc định, mỗi một trang web mà bạn truy cập và tất cả các những gì bạn tải lên mạng hay tải xuống đều lưu lại trên máy trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.

Bất kỳ người nào khác muốn xem cache đó và đánh cắp các chi tiết hoạt động trực tuyến của bạn sẽ rất dễ.
Đừng dùng mạng Wi-Fi miễn phí: Nói về Wi-Fi thì câu châm ngôn “Không có buổi ăn trưa nào miễn phí” hay “Có làm mới có ăn”, không còn áp dụng trong trường hợp nào đúng hơn trường hợp này. Con số ngày càng tăng các quán cà phê, quán rượu, cửa hàng hay các nơi công cộng khác đang cung cấp  cho những người sử dụng điện thoại di động đang rất cần dữ liệu có thể truy cập Internet bằng hệ thống mạng không dây Wi-Fi, thường thì thậm chí không cần mật khẩu. Các dịch vụ này có thể thuận tiện, những chúng cũng mở cửa mọi thứ trên thiết bị của bạn. Trừ phi thực sự cần, bằng không thì đừng sử dụng nó.  
Hãy sử dụng HTTPS: viết tắt của cụm từ ‘hyper-text transfer protocol secure’ hay giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật. HTTPS là một biến thể của giao thức HTTP được thêm vào lớp bảo mật và mã hóa trong khi người sử dụng đang truy cập mạng. Liên lạc giữa người sử dụng và trang web HTTPS được mã hóa và cũng chứng minh sự xác thực, có nghĩa là HTTPS có thể được sử dụng để phát hiện các trang web giả thường được dùng trong kỹ thuật tấn công trung gian “man in the middle”.
Hãy cẩn thận với ổ cứng di động USB: Đây là ổ đĩa cứng nhỏ dễ sử dụng trên các nền tảng máy tính và có thể lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu. Đó là lý do vì sao USB trở nên rất thông dụng để trao đổi và lưu trữ dữ liệu. Nhưng chúng cũng có thể là nguồn lây lan virus và phần mềm độc hại từ người sử dụng này sang người sử dụng khác không ai ngờ. Trước khi cắm ổ USB vào computer của mình hãy suy nghĩ một chút xem những người sử dụng trước mình là ai.
Cẩn thận trước khi nhấp chuột: Đây là một trong những lời khuyên hầu như ai cũng biết, nhưng nhiều người vẫn mắc phải sai lầm. Một trong những cách phổ biến nhất và vẫn thành công mà các kẻ xấu làm cho computer của bạn bị virus, hoặc thậm chí cả toàn bộ mạng bị virus, qua kỹ thuật lừa đảo gọi là “phishing”. Mặc dù có nhiều biến thức, một vụ tấn công lừa đảo bắt đầu khi một người nào đó mở một tập tin đính kèm trong email, trông có vẻ hợp pháp, nhưng kỳ thực ngay tức khắc làm cho computer của người sử dụng bị nhiễm virus.
Nếu có ai gửi cho bạn một tập tin hay một địa chỉ trang web mà bạn không yêu cầu, cho dù họ có hứa hẹn gì đi nữa như nếu mở ra “Bạn sẽ rất thích!”, đừng nhấp vào đó.

Cố gắng đừng sử dụng computer công cộng: Còn tùy theo hoàn cảnh của bạn, việc này có thể khó khăn. Đối với những ai không có computer hay không có phương tiện truy cập web, thì cà phê Internet vẫn rất thông dụng. Tuy nhiên, một computer càng được được nhiều người khác nhau sử dụng thì lại càng có cơ nhiễm virus hay chứa phần mềm gián điệp có thể lưu giữ các thao tác trên bàn phím của người sử dụng máy, tài khoản email và các trang web truy cập.
Một số người tránh né bằng cách mang theo phần mềm vô hiệu hóa sự theo dõi trên USB của họ - như Tor hay Psiphon có thể giúp tránh né  tường lửa và bạn ẩn danh. Tuy nhiên chúng chúng vẫn còn hơi phức tạp và không phải là phần mềm bảo vệ cấp thấp
Sử dụng các phần mềm chống virus: Trong nỗ lực nhằm giữ cho Internet càng “sạch” càng tốt, bạn có một bộ phận điều chỉnh. Hàng chục dịch vụ chống virus mà bạn có thể sử dụng từ Kaspersky, đã được nói đến phần trước, cho đến Norton, TrendMicro và nhiều chương trình khác. Một số miễn phí, một số phải mua, và họ cung cấp nhiều mức độ bảo vệ. Tuy nhiên, cuối cùng chống virus là cách tuyệt hay để có được giới chuyên môn giúp đi một bước trước các tin tặc.
Đứng cho rằng bạn biết người bạn đang trò chuyện: Điều tự nhiên bạn cho rằng mình biết khi bạn nhận được email từ một người bạn hay vào một trang web mà bạn đã từng truy cập nhiều lần trước đây, điều bạn đang thấy hay người bạn tin. Tuy nhiên ngày càng có nhiều tin tặc học cách bắt chước bạn bè hay những người bạn tiếp xúc hoặc tạo ra những trang web giả trông giống như trang web đáng tin cậy nhưng thật ra chỉ để thu thập thông tin và dữ liệu về người sử dụng.
Lời khuyên tốt nhất là nếu có một điều gì đó về email của một người bạn dường như – nói về một đề tài không ngờ tới hoặc sử dụng ngôn từ kỳ hoặc – hay cân nhắc việc gửi cho họ một thư trả lời hay tốt hơn liên lạc với họ qua một cách khác để hỏi về nội dung email của họ.
Tránh bị theo dõi : Không phải là điều ngẫu nhiên mà các trang web tin tức bạn luôn truy cập, biết tên bạn hay các nhà bán lẽ mà bạn thích nhất, bằng cách nào đó dường như biết chính xác bạn đang tìm gì. Các trang web mọi loại thường theo dõi chúng ta qua các “cookies.” Hay các tập tin nhỏ trong các trình duyệt rồi thích ứng các chi tiết để cho kết quả.
Mỗi trình duyệt có một cách lựa chọn trong việc  cài đặt chương trình bảo mật riêng tư cho phép người sử dụng xóa cookie hay cho phép từ chối nhận chúng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng các trang web thường hạn chế các dịch vụ đối với những người không chấp nhận cookie.
Nếu bạn không muốn công cụ tìm kiếm lớn như Google biết mọi thứ bạn đang tìm kiếm, hay xét đến việc dùng một trong những công cụ tìm kiếm “không theo dõi” chẳng hạn như DucDuckGo.com, không có cookie cũng không có chế độ theo dõi.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về làm thế nào để giữ an toàn trực tuyến, và các công cụ nào bạn có thể sử dụng để bảo vệ sự riêng tư của mình và tránh kiểm duyệt của chính phủ, hãy truy cập sổ tay “Vô hiệu hóa kiểm duyệt” trên mạng của chúng tôi.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/muoi-mot-cach-su-dung-internet-an-toan/2657881.html

Hố chôn người ám ảnh



Hố chôn người ám ảnh
Trần Đức Thạch
2015-02-24
                                               

Bộ đội Trần Đức Thạch, ảnh chụp khoảng năm 1975-1976

Nghe: http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/obsessed-mass-grave-02242015135427.html/ho-chon-nguoi.mp3

Đọc:

Tháng 04/1975, đơn vị chúng tôi (Sư đoàn 341 thường gọi là đoàn Sông Lam A) phối hợp với Sư đoàn khác đánh vào căn cứ phòng ngự Xuân Lộc. Trận chiến quyết liệt kéo dài 12 ngày đêm. Tiểu đoàn 8 chúng tôi do hành quân bị lạc nên được giao nhiệm vụ chốt chặn. Nhằm không cho các đơn vị quân lực Việt Nam cộng hoà tiếp viện cũng như rút lui. Phải công nhận là Sư đoàn 18 của phía đối phương họ đánh trả rất ngoan cường. Tôi tận mắt chứng kiến  hai người lính Sư đoàn 18 đã trả lời gọi đầu hàng của chúng tôi bằng những loạt súng AR15. Sau đó họ ôm nhau tự sát bằng một quả lựu đạn đặt kẹp giữa hai người. Một tiếng nổ nhoáng lửa, xác họ tung toé giữa vườn cam sau ấp Bàu Cá. Hình ảnh bi hùng ấy đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tinh thần của người lính đích thực là vậy. Vị tướng nào có những người lính như thế, dù bại trận cũng có quyền tự hào về họ. Họ đã thể hiện khí phách của người trai  nơi chiến trận. Giả thiết nếu phía bên kia chiến thắng chắc chắn họ sẽ được truy tôn là những người anh hùng lưu danh muôn thủa. Nhưng vận nước đã đi theo một hướng khác. Họ đành phải chấp nhận tan vào cõi hư vô như hơn 50 thuỷ binh quân lực Việt Nam Cộng Hoà bỏ mình ngoài biển để bảo vệ Hoàng Sa.

... Nghe tiếng súng nổ ran, tôi cắt rừng chạy đến nơi có tiếng súng. Đấy là ấp Tân Lập thuộc huyện Cao Su tỉnh Đồng Nai bây giờ. ấp nằm giữa cánh rừng cao su cổ thụ. Đạn súng đại liên của các anh bộ đội cụ Hồ vãi ra như mưa. Là phân đội trưởng trinh sát, tôi dễ dàng  nhận ra tiếng nổ từng loại vũ khí bằng kỹ năng nghiệp vụ. Chuyện gì thế này? Tôi căng mắt quan sát. Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy nh
Dân Xuân Lộc kéo nhau chạy trốn bộ đội Cộng Sản, được trực thăng VNCH đưa di tản tránh chiến sự 1975

Những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả rạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri. Lợi dụng vật che đỡ, tôi ngược làn đạn tiến gần tới ổ súng đang khạc lửa.
- Đừng bắn nữa! Tôi đây! Thạch trinh sát tiểu đoàn 8 đây!
Nghe tiếng tôi, họng súng khạc thêm mấy viên đạn nữa mới chịu ngừng.
Tôi quát:
- Địch đâu mà các ông bắn dữ thế? Tý nữa thì thịt cả mình.
Mâý ông lính trẻ tròn mắt nhìn tôi ngơ ngác. Họ trả lời tôi:
- Anh ơi! đây là lệnh...
- Lệnh gì mà lệnh, các ông mù à? Toàn dân lành đang chết chất đống kia kìa!
- Anh không biết đấy thôi. Cấp trên lệnh cho bọn em “giết lầm hơn bỏ sót”. Bọn em được phổ biến là dân ở đây ác ôn lắm!
- Tôi mới từ đằng kia lại, không có địch đâu. Các ông không được bắn nữa để tôi kiểm tra tình hình thế nào. Có gì tôi chịu trách nhiệm!
Thấy tôi cương quyết, đám lính trẻ nghe theo. Tôi quay lại phía hàng trăm người bị giết và bị thương. Họ chồng đống lên nhau máu me đầm đìa, máu chảy thành suối. Một cụ già bị bắn nát bàn tay đang vật vã kêu lên đau đớn. Tôi vực cụ vào bóng mát rồi dật cuốn băng cá nhân duy nhất bên mình băng tạm cho cụ. Lát sau tôi quay lại thì cụ đã tắt thở vì máu ra quá nhiều. Một chỗ thấy năm người con gái và năm người con trai bị bắn chết châu đầu vào nhau. Tôi hỏi người lính trẻ đi theo bên cạnh:
- Ai bắn đấy?
- Đại đội phó Hường đấy anh ạ!
Lại nữa, tôi ngó vào cửa một gia đình, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu  đạn, cả nhà chết rã rượi trong cảnh cơm lộn máu. Tôi bị sốc thực sự. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ “Đi dân nhớ ở dân thương” mà thế này ư? Cứ bảo là Mỹ Nguỵ ác ôn chứ hành động dã man này của chúng ta nên gọi là gì? Tâm trạng tôi lúc đó như có  bão xoáy. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra ngay những việc cần làm. Tôi tập trung những người sống sót lại. Bảo chị em Phụ nữ và trẻ con ra rừng tổ chức ăn uống nghỉ tạm. Cốt là không cho mọi người chứng kiến lâu cảnh rùng rợn này. Đàn ông từ 18 đến 45 tuổi có nhiệm vụ ra sau ấp đào cho tôi một cái hố. Trong ấp ai có xe ô tô, xe lam, máy cày phải huy động hết để chở người bị thương đi viện. Mọi người đồng thanh:
QĐVNCH giúp dân Xuân Lộc lên trực thăng tránh chiến sự, 1975

- Xe thì có nhưng dọc đường sợ bị bộ đội giải phóng bắn lắm!
- Không lo, có tôi đi cùng!
Tôi giao cho Nghê, một du kích dẫn đường vừa có bố bị bộ đội cụ Hồ sát hại:
- Việc lỡ như thế rồi, chú nén đau thương lại giúp anh. Thu hồi căn cước  tư trang của những người đã chết sau này còn có việc cần đến.
Thế là suốt chiều hôm đó, tôi lấy một miếng vải đỏ cột lên cánh tay trái. Lăm lăm khẩu AK ngồi trên chiếc xe dẫn đầu đoàn lần lượt chở hết người bị thương ra bệnh viện Suối Tre. Tối hôm ấy, tôi cho chuyển hết xác người bị chết ra cái hố đã đào. Không còn cách nào khác là phải chôn chung. Trưa ngày hôm sau người ta mới dám lấp. Đây là ngôi mộ tập thể mà trong hoàn cảnh ấy tôi buộc lòng phải xử lý như vậy. Trời nắng gắt, để bà con phơi thây mãi không được. Một nấm mồ chung hàng trăm người lẫn lộn, không hương khói, không gì hết. Tôi cho dọn vệ sinh sạch sẽ những chỗ mọi người bị tàn sát. Xong, mới dám cho đám phụ nữ và trẻ con ở ngoài rừng về. Tôi vượt mặt cả cấp
Bộ đội CSBV trong một thành phố VNCH sau 30 tháng 4, 1975

trên để làm việc theo tiếng gọi lương tâm của mình bằng mọi nỗ lực có thể để cứu giúp đồng bào. Tưởng thế là tốt, sau này nghĩ lại mới thầy hành động của mình giống như sự phi tang tội ác cho những anh bộ đội cụ Hồ. Thú thật lúc ấy tôi vẫn còn một phần ngu tín. Cũng muốn bảo vệ danh dự cho đội quân lính cụ Hồ luôn luôn được ca ngợi là tốt đẹp. Tuy vậy tôi bắt đầu nghi ngờ “Tại sao người ta giết người la liệt rồi bỏ mặc. Chẳng lẽ họ mất hết nhân tính rồi sao?”
Công việc xong tôi gặp Nghê để chia buồn. Tôi không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nghê đã đưa xác bố về chôn tạm ở nhà bếp. Tội nghiệp Nghê quá. Lặn lội đi theo cách mạng, ngày Nghê dẫn bộ đội về giải phóng ấp lại là ngày bộ đội cụ Hồ giết chết bố Nghê. Nghê “mừng chưa kịp no” đã phải chịu thảm cảnh trớ trêu đau đớn. Nghê buốn rầu nói với tôi:
- Hôm qua nghe lời anh. Em thu được hai nón đồng hồ, tư trang và căn cước của những người bị giết. Sau đó có một anh bộ đội bảo đưa cho anh ấy quản lý. Em giao lại hết cho anh ấy để lo việc chôn ba.
- Em bị thằng cha nào đó lừa  rồi. Thôi quên chuyện đó đi em ạ. Anh thành thật chia buồn với em. Chiến tranh thường mang đến những điều không may tột cùng đau đớn mà chúng ta không thể lường trước được. Anh cũng đang cảm thấy có lỗi trong chuyện này.

* * *
.... Đã mấy chục năm qua, khi hàng năm, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm chiến thắng 30/4 thì tôi lại bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở ấp Tân Lập. Cái hố chôn người bây giờ ra sao? Người ta sẽ xử lý nó như thế nào hay để nguyên vậy? Tô i muốn được quay lại đó để thắp nén hương nói lời tạ tội.
Nhà văn-Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch bị tuyên án 3 năm tù, ngày 10 tháng 8 năm 2009

Vô hình dung việc làm tốt đẹp của tôi đã giúp cho người ta bưng bít tội ác. Không! Người dân ấp Tân Lập sẽ khắc vào xương tuỷ câu chuyện này. Nỗi đau đớn oan khiên lúc đấy chưa thể phải nhoà được. Còn những người tham gia cuộc tàn sát ấy nữa, có lẽ họ cũng vô cùng dằn vặt khi nhận những tấm huân chương do Đảng và Nhà nước trao tặng sau ngày chiến thắng. Ý nghĩ ấy giúp tôi dũng cảm kể lại câu chuyện bi thương này.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/04/1975 tôi có chụp một kiểu ảnh đang cởi áo, lột sao dang dở. Tôi đem tặng cho một thằng bạn đồng hương chí cốt. Hắn run người, mặt tái mét:
- Tao không dám nhận đâu, họ phát hiện ra tấm ảnh này quy cho phản động là chết cả lũ!.  
Bạn tôi sợ là đúng. Vì cậu ta là Đảng viên. Nhưng điều bạn ấy không hiểu là tôi làm vậy vì cảm thấy hổ thẹn và nhục nhã cho anh bộ đội cụ hồ khi nghĩ tới vụ thảm sát ở ấp Tân Lập...
...
Thời gian trôi., Tôi, từ một chàng lính trẻ măng ngày nào bây giờ đã là một ông già với mái đầu hoa râm đốm bạc. Vậy mà tôi chưa nói được câu chuyện lẽ ra phải nói . Đôi lúc tôi âm thầm kể lại cho một số bạn bè tin cậy. Nghe xong ai cũng khuyên “Nói ra làm gì, nguy hiểm lắm đấy”. Và quả thật, sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa quái đản này, người ta quen thói bưng bít sự thật. Sự thật không có lợi cho Đảng, cho Nhà nước chớ dại mà nói ra, bị thủ tiêu hoặc vào tù là điều chắc.
Trần Đức Thạch
Cựu phân đội trưởng trinh sát
Tiểu đoàn 8  - Trung đoàn 266
Sư đoàn 341 - Quân đoàn 4
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/obsessed-mass-grave-02242015135427.html



Hành trình HO-RFA



Hành trình HO-RFA
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-02-25

Bà Khúc Minh Thơ.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 hàng triệu binh sĩ chế độ VNCH buông súng để sau đó hơn 200 ngàn sĩ quan và viên chức vào hơn 80 trại cải tạo trong nhà tù của chế độ mới.
Những tù nhân ấy sau khi ra trại lại có một chuyến hành trình nữa mà nhà nước gọi là HO để đến Mỹ bắt đầu vào năm 1990.
Sau ngày 30 tháng 4, hai danh từ mới xuất hiện trong từ điển Việt Nam là thuyền nhân và HO. Thuyền nhân là những người không chịu sống trong chế độ mới, vượt biển đông bất chấp sóng gió, cướp biển cùng những nguy hiểm khác để tìm tự do. HO là những sĩ quan, viên chức bị cải tạo ba năm trở lên trong các nhà tù sau khi trình diện Ủy ban Quân quản tại khắp miền Nam để lên đường vào trại cải tạo gọi là học tập. Những sĩ quan viên chức này trở thành HO khi qua cuộc phỏng vấn của phái đoàn Mỹ tại tp HCM và chính thức có danh sách sang Mỹ bắt đầu bằng hai chữ HO.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bên cạnh sĩ quan các cấp, những chính trị gia, nhà báo, dân biểu, lãnh đạo tôn giáo cũng cùng số phận với những người cầm súng. Tất cả đều được gọi là tù nhân cải tạo, tất cả đều bị đối xử như nhau và tất cả đều không có án.
Cuộc sống của những tù nhân này được nuôi dưỡng bằng mồ hôi nước mắt của người thân, cha mẹ vợ con thậm chí là bạn bè, hàng xóm. Cũng có những trường hợp vợ con của họ vượt biên và nơi xa xôi tưởng chừng như mù mịt ấy những món quà nhỏ bé chắt chiu gửi về thăm nuôi họ. Sợi giây ràng buộc mong manh ấy đã ngày một bện chặt hơn khi số thuyền nhân ngày càng nhiều và ý tưởng cứu những người tù cải tạo ra khỏi đất nước một cách hợp pháp đã nảy sinh trong lòng những người vợ của họ đang sống tại Mỹ.
Một trong những người như thế là bà Khúc Minh Thơ, chồng bà là một sĩ quan đã chết trước khi trở thành một HO và bà có rất nhiều bạn bè của chồng vẫn nằm trong trại cải tạo. Bà Khúc Minh Thơ sang Mỹ năm 1977 và ý tưởng vận động cho tù nhân cải tạo vẫn thôi thúc trong lòng bà. Ông Shef Lawman, một chuyên viên của Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc tại Việt Nam cho tới phút cuối. Do có vợ Việt ông Lawman hiểu rất rõ tình hình chính trị, văn hóa và xã hội Việt Nam và là người đầu tiên bà Khúc Minh Thơ gặp và trao đổi với ông ý tưởng của mình. Từ sự gợi ý của ông Lawman, một hội mang tên Gia đình Tù nhân Chính trị Việt Nam thành hình tập hợp vợ con của những người tù cải tạo để có tiếng nói chung.
Bà Khúc Minh Thơ kể lại giai đoạn đầu khi bà nghĩ tới bắt tay vào việc vận động này:
Khi mà tôi qua tới đây giống như trong một con đường tăm tối mà tôi phải đi tại vì không làm cách gì ngoài tình thương của gia đình, tình thương của bạn bè mà tôi cùng với anh chị em trong hội Gia đình Tù nhân Chính trị để mà làm. Có hy vọng nhưng không bao giờ nghĩ tới mình sẽ thành công nhưng vì không thể  nào không nghĩ tới những người thân yêu ruột thịt của mình chết trong tù mà mình không làm gì được.
Khi nghe bà Khúc Minh Thơ vận động một việc làm không khác gì mò kim đáy biển như thế rất nhiều người e ngại cho sự thành công là quá ít và kéo dài vô tận vì nước Mỹ vừa mới thất bại trên chiến trường, tiếng nói không còn mạnh như xưa đối với Việt Nam và nhất là dân chúng Mỹ chưa chắc chấp thuận một gánh nặng cho hàng trăm ngàn người Việt như thế. Tuy nhiên nhạc sĩ Nam Lộc lúc đó đang làm việc cho cơ quan thiện nguyện USCC chuyên giúp đỡ người tị nạn tại Mỹ lại không bi quan như vậy căn cứ vào kinh nghiệm của ông:
Việc tranh đấu cho những người tù nhân chính trị bị cộng sản giam giữ mà họ gọi là cải tạo rất nhiều người nghĩ rằng là một nỗ lực không tưởng, khó để thành công. Nhưng cá nhân tôi thì tôi rất tin tưởng. Cũng những suy nghĩ tiêu cực như vậy đã xảy ra trước đó cả chục năm khi cơ quan thiện nguyện USCC cùng một số cơ quan định cư khác nỗ lực thành lập chương trình ODP thành ra chúng tôi nghĩ nếu ODP thành công thì việc tranh đấu cho các tù nhân chính trị này cũng không phải là điều không tưởng.
Một người Mỹ khác có công rất nhiều trong việc vận động cho chương trình này là ông Robert Funseth, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Chương trình Tỵ nạn. Ông là một nhà ngoại giao dành hầu như toàn bộ cuộc đời ngoại giao của ông tại Việt Nam từ khi bước chân sang cho tới khi miền Nam sụp đổ. Ông chứng kiến nhiều cảnh chiến đấu của người lính VNCH và rất hăng hái trong việc vận động tổng thống Reagan và Quốc Hội Hoa Kỳ cũng như đứng ra thương thuyết thẳng với Việt Nam về vấn đề trao đổi đối với những người tù chính trị. Bà Khúc Minh Thơ cho biết thêm về ông và những người như ông trong tiến trình giúp bà vận động:
Người thúc đẩy cho tôi nhiều nhất là ông Robert Funseth, ông ấy đặc trách chương trình tỵ nạn của Bộ ngoại giao, hai nữa người mà theo dõi diễn tiến của tụi tôi nhiều nhất là ông Shef Lowman, ông ấy là nhân viên của Bộ ngoại giao, hiểu nhiều nhất chương trình tù nhân chính trị, cũng như những người bị bắt ở tù thành ra rất là ủng hộ tôi về vấn đề này. Ngoài ra bên lập pháp còn có Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Robert Kennedy và hầu hết phần đông những thượng nghĩ sĩ, dân biểu mà hồi xưa là cựu chiến binh Hoa Kỳ họ hiểu hoàn cảnh của anh em họ rất là ủng hộ.
Đoạn đường vận động phía Hoa Kỳ chấp nhận thương thuyết đã gian nan, nhưng về phía Việt Nam, nơi nắm giữ vận mạng của hàng trăm ngàn tù nhân chính trị cũng không phải là dễ thuyết phục khi bản thân chính quyền đang say sưa trên chiến thắng, bà Khúc Minh Thơ kể:
Mình vận động rất là lâu tới chừng cuối cùng tôi lên gặp tòa đại sứ của Việt Nam cộng sản ở New York. Tôi nhớ là ngày 30 tháng 4, tôi luôn luôn lấy ngày 30 tháng 4 như một điểm quan trọng, tôi được Bộ Ngoại giao và Quốc hội sắp xếp cho tôi gặp ở trên đó để đòi cho được họ thả tù nhân chính trị và định cư ở Mỹ. Ba tháng sau cái ngày cuối cùng đó thì họ chấp thuận ký cái thỏa hiệp, agreement để cho tù nhân chính trị ra đi là ngày 30 tháng 7 năm 1989.
Ngày mà ông Funseth và phái đoàn đi qua để thương thuyết cái thỏa hiệp này tôi vô tới Bộ Ngoại giao cầu chúc ông ấy thành công thì ông ấy cho tôi một lịch trình làm việc của ông ấy, tôi để cái lịch trình ấy trước mặt để mà cầu nguyện.
Khi ông Funseth tới phi trường Bangkok thì ông gọi cho vợ là bà Funseth để bà này báo tin cho tôi biết là đã ký xong. Lúc đó không thể tưởng tượng, không thể nói được lời nào vì mình đâu có nghĩ kết quả lại trọn vẹn như vậy.
Ngày 5 tháng 1 năm 1990 có lẽ là ngày lịch sử đối với hàng trăm ngàn người trong đại gia đình tù nhân chính trị Việt Nam. Chuyến bay chở nhóm HO đầu tiên ghé Bangkok làm thủ tục trung chuyển sang Mỹ đã làm cộng đồng người Việt tại Mỹ theo dõi từng giây phút. Sau bao nhiêu năm chờ đợi trong một đống tin tức lệch lạc thậm chí sai sự thật thì những tù nhân ấy đã chính thức bước chân xuống Mỹ. Nhạc sĩ Nam Lộc kể lại ngày vui mừng ấy khi ông ra phi trường đón những người tù nhân này trong nhóm người ra đi đầu tiên dưới cái tên HO 1
Khi những người trong đợt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ thì đó là một ngày chúng tôi chờ mong, một ngày giấc mơ đã thành sự thật. Tôi đã ra phi trường đón tiếp những người đầu tiên trong số đó có anh Nguyễn Tiến Chỉnh một người bạn thân của chúng tôi từ khi còn rất trẻ. Anh là một trung úy không quân, một thành viên của ban nhạc Spot Light và là một trong những người thuộc nhóm đầu tiên đến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sau khi 5 năm trôi qua chương trình HO phải ngưng lại vì Quốc hội chỉ cho phép với giới hạn 5 năm. Sự ngưng lại ấy lại làm cho những người vận động cho chương trình một lần nữa phải tìm cách đối phó, bà Khúc Minh Thơ kể:
Ở trong Quốc hội Bộ Ngoại giao họ nói với tôi nếu tôi xin nhiều thì Quốc hội sẽ không chấp thuận thành ra khi đầu tiên bắt đầu xin cho chương trình đó vào năm 1990 là tới 1996 là 5 năm cho chương trình HO. Sau đó ông Funseth các người bên văn phòng của McCain, Kennedy nói rằng sau đó thì sẽ xin lại thêm chứ bây giờ mà xin 10 năm, 20 năm thì họ đâu có chịu! nhưng tù nhân mà xin 5 năm thì làm sao cho đủ? Vì vậy tới năm 1996 nó ngưng thì tôi lại phải vận động để 10 năm sau, năm 2005 tôi mới có được cái thỏa hiệp thứ hai để cho chương trình HO tiếp tục, tuy nhiên những người nào đã được chấp thuận (approve) rồi thì tiếp tục ra đi cho tới khi nào tới Mỹ.
Cho tới nay hai chữ HO vẫn là cái tên chính thức cho chương trình ra đi này. Nhiều người tra tìm chữ viết tắt của HO đã không hài lòng về kết quả của nó. Một lần nữa bà Khúc Minh Thơ cho biết nguồn gốc của hai từ này, nó không phải của Mỹ mà là từ Việt Nam:
Cái chữ HO hồi đó có nhiều người hỏi tôi cho nên tôi hỏi lại những người làm việc tại Bộ Ngoại giao phòng đặc trách về người tỵ nạn thì họ nói hai chữ HO của bên Việt Nam chứ không phải của Bộ Ngoại giao hay chính phủ Hoa Kỳ. Đầu tiên HO 1 mới kêu là HO cho tới khi HO10 thì không còn là HO nữa mà là H10. Bộ Ngoại giao họ thì thường trong ba tháng họ gửi cho chúng tôi để biết cái chương trình tỵ nạn đã có bao nhiêu người qua thì họ gọi là Political Prisoners Sub-Committee chứ họ không gọi là HO.
Theo nhạc sĩ Nam Lộc cũng là giám đốc USCC tại miền Nam California cho biết có khoảng trên dưới 200 ngàn tù nhân chính trị và gia đình đã sang Mỹ theo diện HO kéo dài cho tới năm 2008 thì mới chính thức chấm dứt.
Đó là sự chờ đợi của tất cả những người Việt ờ hải ngoại cũng như thân nhân những người tù nhân chính trị họ vui mừng không còn chỗ nào vui hơn sau năm 1075. Đó là niềm vui cho tất cả mọi người Việt Nam.
Sự ra đi chính thức của hàng trăm ngàn tù nhân chính trị và thân nhân có thể được xem là một phép lạ của thượng đế bù đắp những khốn khổ, chết chóc mà dân tộc này phải chịu. Các thế hệ nối tiếp đã có những thành tựu trong nhiều lĩnh vực tại Hoa kỳ do con em HO thực hiện. Thành quả ấy không phải do một mình bà Khúc Minh Thơ, tổng thống Reagan, ông Funseth hay John McCain, hoặc Robert Kennedy mà là kết hợp của tất cả trong niềm tin: đây là một đất nước hình thành từ di dân, do đó mọi ý tưởng cứu người bị ngược đãi, đàn áp là phương châm đầu tiên của cả dân tộc này để rồi những người di dân sau tiếp tục phát triển, bồi đắp triết lý nhân văn ấy.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/the-journey-of-political-prisoners-ml-02252015144551.html