Friday, December 30, 2016

Bài tập hạ cao huyết áp cấp tốc





 
Bài tập hạ cao huyết áp cấp tốc:


Tin vui cho ai bị cao huyết áp

May mắn thay, một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học McMaster ở Otario Canada đưa ra bằng chứng rằng, những bị cao huyết áp có thể cải thiện tình trạng của mình mà không cần ăn kiêng hay luyện tập thể dục thể thao gì chỉ với bài tập đơn giản dưới đây.

Cuộc nghiên cứu đã yêu cầu người mắc chứng cao huyết áp thực hiện bài tập nắm tay chỉ mất 4 phút một lần.
Các nhóm tham gia được yêu cầu làm 4 lần, mỗi lần thực hiện trong các thời điểm khác nhau trong ngày.
Kết quả cho thấy rằng huyết áp tâm thu giảm đáng kể. 

Đây là phương pháp rất dễ thực hiện, áp dụng ở bất kỳ đâu ở bất kỳ trường hợp nào.

Đây là kết quả nghiên cứu của trường đại học McMaster.

Thực hiện bài tập :

Bước 1: 
Thả lỏng toàn bộ cơ thể, tay phải xòe tự nhiên để trên bàn hoặc buông thỏng.

Bước 2: 
Nắm chặt tay lại, giữ trong vòng 5 giây rồi thả ra, nếu được, bạn có thể nắm trong tay 1 trái banh da nhỏ.

Bước 3: 
Thực hiện lặp lại nhiều lần như trên trong 2 phút, sau đó, nghỉ ngơi 2 phút.

Bước 4: 
Tương tự, đổi sang tay trái và thực hiện như trên trong vòng 2 phút, nghỉ 2 phút.

Bước 5: 
Tiếp tục đổi bên thực hiện mỗi tay thêm 1 lần. Như vậy, tổng cộng bạn sẽ mất 16 phút cho bài tập này, mỗi tay 8 phút tương đương 2 lần tập.

Hy vọng bài tập này sẽ hiệu quả với bất kỳ đang mang trong mình căn bệnh cao huyết áp,
vì sức khỏe hãy thực hiện ngay hôm nay nhé !

Bài tập nắm tay hạ cao huyết áp cấp tốc.


                                                                                                                                                                                 Vạn Phúc (Theo Healthy and Natural Life)

Mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Hoa



Mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Hoa
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-12-21
NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/sino-us-economic-balance-nxn-12212016105832.html/mau-thuan-kinh-te-my-hoa
Cách nay đúng 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau khi Chính quyền Hoa Kỳ đặc cách thỏa thuận một điều kiện đặc miễn là nền kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn gọi là thị trường. Ngày nay, điều kiện ấy đang là đầu mối tranh cãi giữa Trung Quốc với nhiều nước khác.
Trung Quốc trục lợi bất chính
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi được Hoa Kỳ mở cửa đón nhận, cách nay 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngày nay, xứ này trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới sau nước Mỹ, có khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới trị giá hơn 3.000 tỷ đô la và lại đang thách đố quyền lực của Hoa Kỳ trên vùng biển Đông Nam Á khiến Tổng thống Tân cử của Mỹ là ông Donald Trump có phán ứng gay gắy và cứng rắn. Vì vậy, trong chương trình cuối năm, xin đề nghị ông phân tích lại bối cảnh của sự kiện và phác họa mâu thuẫn kinh tế giữa hai quốc gia trong năm tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ có một chữ cho tình huống họ gọi là "buyer's remorse", là sự ân hận của kẻ mua hớ! Nhiều người Mỹ đang nghĩ tới điều ấy khi xét lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà tôi xin gọi là “quan hệ Mỹ-Hoa” chứ không gọi là “Mỹ-Trung” vì không hề coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới. Ta vẫn thường gọi là “Hoa kiều” chứ không gọi là “Trung kiều” và nói về Tân Hoa Xã chứ có nói Tân Trung Xã bao giờ đâu?
Về kinh tế thì sự thật có nhiều khúc mắc mà chúng ta cũng nên hiểu ra. Cách nay năm năm rồi, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO, hai cơ quan hữu trách của Mỹ đã phổ biến hai phúc trình liên hệ đến Trung Quốc. Thứ nhất là báo cáo của Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh công bố hôm 16 Tháng 12 năm 2011. Thứ hai là báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại của Tống thống công bố hôm 12 Tháng 12 năm đó về việc Bắc Kinh chấp hành các quy định của WTO. Thời ấy rồi, cả hai báo cáo đều phê phán là Trung Quốc không tuân thủ những cam kết và đã trục lợi bất chính nên phương hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Ngày nay, người ta đã quên mà tưởng rằng vị Tổng thống Tân cử Doinald Trump đang bất ngờ gây khó cho Bắc Kinh.
Sự thật thì trong 15 năm đàm phán của Trung Quốc để xin gia nhập Tổ chức WTO, Hoa Kỳ theo dõi sát trước khi chấp thuận quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc - mà họ gọi là quy chế "mậu dịch bình thường và thường trực" - thay vì phải xin Quốc hội tái tục hàng năm. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton chỉ nhận quy chế đó mấy tuần sau khi Bắc Kinh chính thức gia nhập WTO vào cuối năm 2001 và quyết định ấy đã gặp nhiều rào cản từ phía Quốc hội Mỹ.
Nguyên Lam: Nghĩa là từ nhiều năm trước, Hoa Kỳ đã phàn nàn việc Trung Quốc trục lợi nhờ biện pháp đặc biệt của Chính quyền Bill Clinton, nhưng thưa ông khi đó Quốc hội Hoa Kỳ đã lập rào cản ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên nhớ lại rằng Hoa Kỳ mở cửa kết giao với Trung Quốc từ năm 1972, bang giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và thực tế là cho phép Trung Quốc kế thừa vị trí của Đài Loan trên các diễn đàn quốc tế là chuyện đang trở thành thời sự khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Rồi việc Trung Quốc xin gia nhập và bắt đầu đàm phán với từng thành viên của WTO lại xảy ra sau vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989 khi Bắc Kinh e sợ biến động chính trị vì lạm phát và tham nhũng và bị nhiều quốc gia trừng phạt kinh tế vì tội chà đạp nhân quyền. Khi ấy Quốc hội Mỹ mới nêu ra cho Hành pháp nhiều điều kiện trong từng bước thương thảo với Bắc Kinh, trong đó có loại điều kiện ngoài kinh tế mà cũng có điều kiện trực tiếp liên hệ đến giao dịch buôn bán với Trung Quốc.
Phần mình, Bắc Kinh dùng thủ thuật đàm phán là tự cào mặt viện dẫn hoàn cảnh "đang phát triển" của xứ sở để xin một số đặc miễn mà họ hứa là sẽ giải tỏa sau 5 năm, 12 hay 15 năm. Then chốt nhất là họ xin được 15 năm ân hạn khi cơ chế kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn là “kinh tế thị trường”. Việt Nam cũng học theo đó mà xin thời gian ân hạn là 18 năm, là hứa sẽ cải cách trong 18 năm để có kinh tế thị trường đích thực mà thật ra vẫn trì hoãn việc cải cách này.
Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn quyết định rằng vì Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường đích thực cho nên nếu muốn được hưởng quy chế tối huệ quốc thì phải có một số điều kiện mà Hành pháp Mỹ sẽ chấp hành. Tức là nội bộ Hoa Kỳ đã có nhiều tranh luận gay go về hồ sơ gia nhập của Bắc Kinh trước khi cho Chính quyền Bill Clinton chấp nhận quy chế đó.
Nguyên Lam: Thưa ông, khi ấy Hoa Kỳ đòi hỏi những gì trước khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoài loại điều kiện “phi kinh tế”, như Bắc Kinh phải chấp nhận cho Đài Loan gia nhập tổ chức WTO hoặc phải tôn trọng nhân quyền và hạn chế phổ biến võ khí, v.v... Quốc hội Mỹ nương vào hoàn cảnh Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường mà đòi quyền áp dụng một số biện pháp kinh tế đặc biệt. Một trong các biện pháp đó là áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại năm 1974, theo đó nếu doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì xuất khẩu quá mạnh của Trung Quốc thì họ được khiếu nại và yêu cầu chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Điều kiện ấy mới giải thích vì sao phía Mỹ nộp rất nhiều hồ sơ khiếu nại với WTO và liên tục tranh cãi với Bắc Kinh. Song song, Quốc hội Mỹ cũng lập ra Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh là cơ chế giám sát để định kỳ báo cáo và khuyến nghị Chính quyền ban hành biện pháp đối phó.
Nôm na là khi Hành pháp chủ trương giao kết về kinh tế để hy vọng chuyển hoá Trung Quốc về chính trị hầu xứ này trở thành đối tác biết điều và có trách nhiệm thì Lập pháp Mỹ vẫn thủ kín, nhất là về thương mại, để thường xuyên gây áp lực. Vì vậy phải nói là phía Mỹ không ngạc nhiên về sự lật lọng của Trung Quốc. Các hồ sơ gọi là "lũng đoạn ngoại hối" khi Bắc Kinh định giá đồng bạc quá thấp, hoặc tội Trung Quốc "trợ giá xuất khẩu" và "biện pháp trả đũa" của Mỹ chỉ là những mặt nổi của một trận đấu liên tục đã dự kiến từ 15 năm trước.
Mỹ không ngạc nhiên
Nguyên Lam: Thưa ông, ông vừa nói là năm năm trước thì nhiều cơ quan Hoa Kỳ đã phê phán rằng Trung Quốc trục lợi bất chính nhờ được thời gian đặc miễn trong 15 năm chưa có kinh tế thị trường. Ngày nay, thời hạn đó đã hết thì liệu rằng điều kiện mà Quốc hội Mỹ nêu ra có còn hiệu lực hay chăng khi mà không chỉ có nước Mỹ mà Liên hiệp Âu châu cũng đang than phiền việc Bắc Kinh bán phá giá nhiều sản phẩm và gây thiệt hại cho kinh tế Âu Châu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra trong năm năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO thì Trung Quốc có giải tỏa một số quy định về luật lệ, giá cả và thuế biểu hải quan theo sự cam kết với WTO. Nhưng sau đó, và đây là điều Hoa Kỳ nhấn mạnh và chúng ta cũng đừng quên, Trung Quốc lại tự đặt ra luật mới và thi hành chiến lược có định hướng theo "chính sách công nghiệp". Đây là mật mã của việc họ chủ động can thiệp để bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu thông tin minh bạch cho tư doanh nội địa và ngoại quốc khi tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Thủ thuật đó của Bắc Kinh còn tinh vi hơn nữa vì tạo ưu thế cho doanh nghiệp nhà nước thụ đắc loại công nghệ cao cấp để có bước nhảy vọt về kỹ thuật. Mặt ngoài thì người ta cứ nói đến việc Trung Quốc không thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đã cam kết với WTO nên vẫn còn nạn sao chép hoặc ăn cắp tác quyền của thiên hạ làm doanh nghiệp Mỹ bị lỗ. Nằm sâu bên dưới còn có kế hoạch gọi là cưỡng bách chuyển giao công nghệ để cuối cùng xứ này trở thành một thế lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp có trình độ kỹ thuật cao và trực tiếp cạnh tranh với Mỹ với loại sản phẩm cứ tưởng là sở trường của Hoa Kỳ, Nhật Bản Nam Hàn hay Đài Loan.
Từ năm năm trước, Quốc hội Mỹ kết luận rằng Trung Quốc hết là xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế. Vì vậy, năm 2012, phía Mỹ suy diễn thêm chi tiết áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 để các doanh nghiệp Mỹ vẫn rộng quyền yêu cầu Chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Cái khác với trước đấy là cơ sở so sánh phí tổn và giá cả để chứng minh là có cạnh tranh bất chính, chứ về cơ bản thì Hoa Kỳ vẫn thừa điều kiện khiếu nại. Bây giờ, vị Tổng thống Tân cử của Mỹ đang thành lập ban tham mưu về thương mại và đối ngoại đầy kinh nghiệm luật pháp về bảo vệ ngành thép của họ để sẽ dàn trận với Bắc Kinh nhằm bảo vệ quyền lợi của Mỹ.
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì tình trạng cạnh tranh bất chính và mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước đã có từ lâu, trong tương lai thì quan hệ thương mại giữa đôi bên sẽ đi về đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm tới, Hoa Kỳ có Chính quyền mới và Trung Quốc có Đại hội đảng khóa 19 và cả hai đều gặp khó khăn bên trong nên rất khó nhượng bộ và mâu thuẫn đôi bên sẽ chỉ gia tăng. Tuy nhiên, và năm tới chúng ta sẽ trở lại chi tiết cụ thể của chuyện này, thuần về kinh tế thì Trung Quốc cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Trung Quốc vì kinh tế của Tầu quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Thứ hai, nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra thì cả hai đều gặp bất lợi, nhưng Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề hơn Mỹ khi nội tình Trung Quốc lại có nhiều thách đố xã hội và chính trị hơn. Thứ ba, chính là ý thức được mối nguy đó, Bắc Kinh mới dựng ra mâu thuẫn giả và khiến dư luận thiếu am hiểu kết án vì ông Trump cực đoan quá khích nên đang gây khó cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Kết luận của tôi là dù đầy mưu lược, Bắc Kinh có thấy ra sự bất toàn của chiến lược phát triển là thiếu cân đối, bất công, khó ổn định và không bền vững nên đã quyết định là phải cải cách, cụ thể là cho dân hưởng nhiều hơn và nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa để tránh động loạn xã hội. Nhưng bốn năm qua, họ chưa tiến hành được việc chuyển hướng đó vì sự cưỡng chống của các đảng viên ở bên trong, cho nên năm tới chế độ sẽ còn gia tăng đàn áp.
Nhìn về lâu dài, Trung Quốc có lợi lớn sau khi gia nhập Tổ chức WTO, với sản lượng kinh tế tăng gấp 10 trong 15 năm, từ 2001 tới 2015, nhưng vì bản chất của chế độ kinh tế chính trị, mối lợi đó không tồn tại mãi và đà tăng trưởng cứ suy yếu dần trong khi lại tích lũy nhiều khó khăn. Chính quyền Donald Trump có thấy ra điều này nên sẽ càng gây áp lực mạnh hơn để xứ này phải cải cách thật, nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng.


Hỏi đáp Y học: Autism - Bệnh tự kỷ



Hỏi đáp Y học: Autism - Bệnh tự kỷ, Chứng cô độc hay Tự bế?
26.12.2016


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Huỳnh Tường Minh hỏi:
“Kính thưa quý đài,
Trong các từ điển Anh-Việt thông dụng thì autism được dịch là hội chứng tự kỷ, trong khi tự điển Anh-Hoa thì dịch là tự bế chứng.
Ta gọi thế nào cho đúng, và bệnh nầy là bệnh gì?

Xin cảm ơn”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Autism: Bệnh tự kỷ, Chứng cô độc hay Tự bế?
Về gốc từ autism: Năm 1912, nhà tâm lý người Thụy Sĩ Paul Bleuler đặt ra từ mới autisme (autos= gốc Hy Lạp, có nghĩa tự mình, 'self"; -ismus= chỉ một tình trạng [bệnh lý]) để mô tả tình trạng tâm lý gọi là "morbid self absorption", có nghĩa chìm đắm trong thế giới, không gian riêng của mình một cách bệnh hoạn, là một triệu chứng của bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia).
Mãi đến thập niên 1940, bác sĩ Leo Kanner (gốc Áo) ở Đại Học Johns Hopkins, Mỹ nghiên cứu về những trẻ con có triệu chứng tâm lý chính là co rút vào trong thế giới riêng tư của mình, không cảm thông và giao thiệp được với người khác, và ông dùng từ ngữ "autism" để mô tả các em này (1943). Đồng thời, bác sĩ người Áo tên Hans Asperger cũng mô tả những người có những khiếm khuyết tương tự như các bệnh nhân của Kanner, cùng chung một nét chính là sự cô lập xã hội (social isolation), nhưng hoạt động ở gần mức bình thường hơn. mà ông gọi là autistic psychopathy (bệnh tâm thần tự kỷ). Chính bản thân Asperger cũng có những dấu hiệu của bệnh ông mô tả. Do thế chiến thứ 2, hai nhà khảo cứu không có cơ hội liên lạc với nhau. Khoảng chừng 1970, qua bản dịch tiếng Anh của khảo cứu về bệnh tự kỷ của bác sĩ người Đức Gerhard Bosch, từ Hội chứng Asperger (Asperger syndrome) mới xuất hiện lần đầu trong y văn tiếng Anh. Đến năm 1981, Lorna Wing, một bác sĩ tâm thần người Anh, lại dùng tên "Hội chứng Asperger" này và làm nó phổ biến trong y văn tiếng Anh cũng như thế giới.
Tuy nhiên, cho đến thập kỷ 1960 (thời chiến tranh Việt Nam), y giới vẫn chưa phân biệt giữa bệnh autism (là một bệnh về phát triển của trẻ nhỏ) và "bệnh điên" (thần kinh phân liệt), và cho đến thập niên 1970, vẫn chữa hai bệnh này bằng những phương tiện tương tự, ví dụ như thuốc men (như LSD), electric shock (chạy điện), và những biện pháp trừng phạt, gây đau đớn để sửa đổi hành vi (behavior).
Năm 1988, phim Rain Man (do đọc trại tên Raymond) do Dustin Hoffman đóng đưọc giải Oscar. Phim này đưa bệnh autism lên hàng đầu dư luận truyền thông báo chí, làm cho người trung bình lẫn y giới hiểu và ý thức thêm về căn bệnh lạ lùng, khó chữa trị và từ trước đến nay thường được coi như những người bệnh tâm trí hoặc quái dị (“freak"). Chỉ từ khoảng thập niên 1980, chừng trong vòng ba mươi năm nay, người ta mới chú ý nhiều đến bệnh autism như là một lĩnh vực quan trọng trong bệnh tâm lý và tâm thần của Nhi khoa. Và biện pháp trị liệu chú trọng nhất vào hai lĩnh vực ; dạy về ngôn ngữ, nói và hiểu (language therapy), và tác dụng, kiểm soát môi trường học tập của các em cho thích hợp để tác dụng lên trên hành vi (behavioral therapy) của các em, hầu giúp cho các em thích ứng được với những đòi hỏi của cuộc sống độc lập cành nhiều càng tốt.
Bệnh tự kỷ là một bệnh bao gồm những triệu chứng chính sau đây, thường biểu lộ, xuất hiện trong ba năm đầu đời và sẽ tồn tại suốt đời. Hiện nay, những mức dộ khác nhau của chứng tự kỷ được gộp vào bệnh "autism spectrum disorder", hay "rối loạn quang phổ tự kỷ", đi từ bệnh nhân có những sắc thái nhẹ, phảng phất những nét của bệnh tự kỷ,những người trước đây được xếp vào hội chứng Asperger, đến những bệnh nhân có triệu chứng điển hình hay nặng hơn.
1. Rối loạn về ngôn ngữ cũng như cách phát biểu bằng nét mặt, cử chỉ, điệu bộ.
Ví dụ:
- Trẻ biết nói chậm, hoặc không nói, hoặc trước đây biết nói từ nào đó, nói từng câu, nhưng sau đó không còn khả năng đó nữa.
- Không biết gợi chuyện, bắt đầu một cuộc đối thoại, trao đổi qua lại với người nói chuyện với mình,
- Hoặc chỉ nói để xin, đòi một cái gì, hay gọi tên một cái gì đó
- Nhịp điệu câu nói không bình thường: nói như hát, hay nói đều đều không biểu lộ cảm xúc, nói như cái máy (robot-like speech).
- Nghe từ ngữ, câu nói của người khác thì có thể lập lại nguyên văn, nhưng không hiểu, vận dụng để dùng cho hoàn cảnh mới; không hiểu những câu hỏi giản dị, hoặc những hướng dẫn giản dị (theo WebMD)
2. Rối loạn về giao tiếp xã hội, về cách tương tác với người khác, những rối loạn này ảnh hưởng đến việc học tập.
Ví dụ:
- Em bé không thích được ẳm, ôm vào lòng (cuddling).
- Thích chơi một mình, làm như muốn ở riêng trong thế giới của mình.
- Không nhìn vào mắt người khác’
- Nét mặt không biểu lộ cảm xúc.
- Có vẻ như không hiểu cảm xúc của người khác, không biết người ta vui thú, hay khó chịu, hay bực mình, buồn. Theory of mind hay "thuyết tâm tư" là khả năng hiểu rằng người khác, cũng giống như chính mình, có khả năng suy nghĩ, cảm xúc, và ước muốn của riêng họ; và cách suy nghĩ, cảm xúc của họ có thể khác suy nghĩ, cảm xúc của chính mình. Người ta cho rằng những bệnh nhân tự kỷ nặng không có "theory of mind" nên họ không đồng cảm (empathy) được với người khác. Tuy nhiên việc này rất tuỳ theo mức độ, người bệnh vẫn có khả năng tình cảm, nhưng giới hạn ở một mức độ nào đó
3. Những hoạt động hoặc động tác lập đi lập lại (repetitive activities and stereotypic movements)
Ví dụ:
- Ngồi lắc người trước sau (rocking), xoay vòng vòng (spinning), có khi có hại như đập đầu liên tục xuống sàn nhà, vào tường (head banging);
- Bệnh nhân có những tập quán (routine), lễ nghi (ritual), nếu không thay thực hiện được sẽ rất bực bội, khó chịu.
4. Khó khăn trong sự thích ứng với tình huống mới, không chịu thay đổi, dù là chi tiết nhỏ nhặt.
5. Phản ứng một cách khác thường đối với những kích thích như âm thanh, mùi vị. Không thích chỗ sáng quá, hay tiếng động lớn quá, mặc dù đối với trẻ khác tiếng động chỉ bình thường, trong lúc có vẻ chịu đau đớn rất giỏi (ví dụ té, bị chích thuốc mà không khóc).
6. Khả năng suy nghĩ bị thiếu sót nhất là về khả năng nhìn khía cạnh bao quát của một vấn đề, quá chú trọng về nghĩa đen của các từ, thiếu khả năng nhận ra ý nghĩa tượng trưng của một câu chuyện, thiếu óc tưởng tượng.
Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh tự kỷ (kể cả hội chứng Asperger) có những nguyên nhân do di truyền, đồng thời sự biểu hiện cũng tuỳ thuộc vào những yếu tố môi trường, đôi khi các yếu tố này gắn liền với nhau. Ví dụ, người ta thấy rằng mức testosterone mà thai nhi tiếp xúc trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh tự kỷ trên đứa trẻ sau này. Sự việc này có thể liên quan đến các cơ chế "trên di thể" (epigenetics), một yếu tố môi trường ảnh hưởng đến các biểu hiện của di thể (gene expression). Các yếu tố trên di thể "bật nút" cho phép di thể (gen) làm việc hoặc nghỉ việc, giống như nút điện (on-off switch) kiểm soát cho đèn bật cháy hoặc đèn tắt.
Nói về chọn lựa từ ngữ tiếng Việt nên dịch như thế nào, tôi nghĩ có lẽ dịch "chứng tự kỷ" đi sát với từ quốc tế autism hay tương tự được dùng trong hầu hết y văn tây phương (Pháp, Đức, Spanish...).
Từ ngữ "tự kỷ" gồm hai từ Hán Việt, "tự" là tự mình,"kỷ" cũng có nghĩa là tự mình như trong "tự ái", "tự xưng", tự tử, tự chủ. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ( hoàn tất năm 1932) giải thích "tự kỷ' là tự mình. Ví dụ: tự kỷ ám thị là dùng ý chí của mình mà tự ám thị lấy mình (autosuggestion), tự kỷ thôi miên là tự thôi miên lấy mình,"tự kỷ thực hiện: làm phát đạt những tính năng của mình đã có cho đến trình độ hoàn toàn (self-expression)". Cuốn Tự điển của Lê Ngọc Trụ (trước 1975) cũng như Đại Từ Điển Tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội cũng giải thích theo hướng này, và không nói đến thuật ngữ y khoa theo nghĩa autism.
Chữ 'tự' và 'kỷ" đều tương đương với chữ 'autos' trong gốc Hy Lạp. Tôi không biết ai là người Việt đầu tiên chọn "tự kỷ". Có lẽ các học giả Việt Nam dịch theo Đào Duy Anh thời thập niên 1930 dùng tự kỷ để dịch từ autism theo nghĩa ban đầu của Bleuler (“morbid self-absorption”) vào đầu thế kỷ 20.
Trung quốc mới bàn về bệnh autism từ năm 1982, theo sau y khoa Mỹ. Đối với nghĩa hiện đại của từ autism như chúng ta mô tả ở trên, theo Meghan Hussey, hiện nay tại Trung quốc lục địa, người ta dùng từ "cô độc chứng" (gūdúzhèng), "bệnh cô độc", không hay lắm, vì đứa trẻ autistic không phải cô độc mà hầu như lúc nào cũng có người chung quanh, và nó cũng chẳng thấy cô đơn. Cho nên nếu nói đến trẻ em bị chứng cô độc, người nghe sẽ khó mà hiểu được, tự hỏi ai cũng có lúc cô độc, tại sao lại là môt bệnh có thể nặng như thế và cần phải chữa trị.
Nói tóm lại, y văn về tự kỷ chì phát triển nhiều trong khoảng chừng 30 năm nay, lúc mà y văn Việt nam không trông cậy vào y văn Hoa ngữ hay Nhật ngữ, mà dịch trực tiếp từ Anh ngữ. Trên 10 năm nay, trong nhiều bài viết về bệnh này, tôi vẫn dùng từ "tự kỷ" và có độc giả gợi ý nên dùng từ "tự bế" thì có thể đúng hơn vì người Trung quốc gọi bệnh này như vậy (zìbìzhèng). Thì ra Nhật cũng gọi là chứng tự bế. Một học giả, tâm lý gia, linh mục Nguyễn Văn Thành, tại Thuỵ sĩ cũng dùng từ "bệnh tự bế".
Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “bế” là “đóng lại, lấp tất lại” ( như bế quan toả cảng, bế tắc), đặt tên tự bế cho người đọc hiểu được tình trạng khép kín của tâm tư đứa trẻ, khó mà người khác đi vào liên lạc với nó được. Tuy nhiên, không hẳn là đứa trẻ cố tình “đóng lại” không liên lạc được với người khác. Sở dĩ nó không nói được, đồng cảm được với người khác là do một bên là chúng ta chưa hiểu hết được tâm tư của nó, bên kia là nội tâm nó có thể có những hoạt động và mục đích riêng của nó (có nhiều đứa có những tài riêng, khả năng riêng). Nói cách khác, đứa trẻ không tự nó từ chối chúng ta, mà chỉ là nó có một cuộc sống của riêng nó, tự tại của nó.
Chúng ta cố gắng tiếp cận với người tự kỷ hơn là cần phải cạy cánh cửa đang đóng, và mở cửa ra để chúng ta vào. Theo ý nghĩa đó, thiển ý của tôi cho rằng từ "tự kỷ" của Việt nam đã dùng lâu năm nay có vẻ hay hơn và ít gây thành kiến hơn đối với người bệnh. Hơn nữa, chúng ta không dùng nhiều y văn của Tàu hay Nhật, cho nên gọi tên cho giống họ cũng không có ích gì trên thực tế.
Xin cảm ơn thính giả đặt câu hỏi rấy hay và thú vị.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.