Wednesday, July 27, 2016

Mùa thu của Đặng Thế Phong qua lời của danh ca Tâm Vấn



Mùa thu của Đặng Thế Phong qua lời của danh ca Tâm Vấn
Cát Linh, phóng viên RFA
2016-07-24
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong và sáng tác Con thuyền không bến.


Có những người nhạc sĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của mình chỉ để lại cho thế nhân số ca khúc đếm không hết một bàn tay.
Đó là cố nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong cùng ba ca khúc bất hủ với những lời nhắc nhớ về ông của một nữ danh ca đã hát nhạc của ông cách đây 71 năm, nữ danh ca Tâm Vấn.
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” (Giọt mưa thu)
“Thời đó ai cũng nghêu ngao ở miệng hết… Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… Tuỳ tình cảm của mỗi người mà cho những dấu hỏi, huyền, ngã nó rõ ràng hơn. Có người thì cho nó nhẹ, có người cho nó rõ.”
Giọt mưa thu, hay còn gọi là Vạn cổ sầu, là tên đầu tiên cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong đặt cho ca khúc được ông viết vào đầu năm 1941, cũng là bài hát cuối cùng trong cuộc đời tài hoa nhưng bạc mệnh của ông.
Thời đó ba bài của ông Đặng Thế Phong thì lẫy lừng ở Hà Nội, gần như là ai cũng biết, từ người mù chữ cho đến người nghe nhạc đều mê.
- Nữ danh ca Tâm Vấn
Đặng Thế Phong là một trường hợp, một nhạc sĩ rất đặc biệt của âm nhạc Việt Nam. Cho đến nay, khi nhắc đến Đặng Thế Phong, người ta sẽ chỉ nghĩ và nghĩ ngay đến ba ca khúc bất hủ, Đêm thu, Con thuyền không bến và sáng tác cuối cùng của ông, Giọt mưa thu.
“Ba bài hát đó là từ năm 1945, có thể trước nữa nhưng tôi đánh mốc là cái thời nổi nhất của ông ấy là người ta hát 3 bài hát đó. Ngay cả người không biết chữ mà cũng biết hát ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Hát theo kiểu bình dân cũng có, hát theo kiểu sang sang cũng có. Ngay bản thân tôi cũng từng hát ba bài hát này vào năm 1945, ở Hà Nội.”
Tài hoa, bạc mệnh
Theo một số tài liệu không rõ nguồn, được lan truyền trên những trang văn nghệ thì ghi lại rằng Đặng Thế Phong là một chàng trai tài hoa, đàn hay hát giỏi, lại mang vẻ đẹp mong manh của cô thiếu nữ với môi đỏ như son. Ông cũng từng theo học dự thính trường Đại học mỹ thuật Đông Dương. Cũng từ đây mà có một giai thoại được lưu truyền rằng Đặng Thế Phong từng vẽ một nhánh cây rất đẹp không có ngọn. Thầy dạy của ông đã khen ngợi bức tranh ấy nhưng cũng tỏ ý lo ngại cho một vận mệnh ngắn ngủi của Đặng Thế Phong.
Không ngờ sự tiên đoán ấy đã trở thành sự thật khi Đặng Thế Phong giã biệt cuộc đời vào năm 24 tuổi.
24 năm trên cõi đời, sáng tác đầu tay là một đêm thu, năm 1940, với khu vườn đầy ánh trăng lan dịu và một tâm hồn say khướt theo màu trăng.
“Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng im như mắc buồn
Lòng ta xao xuyến
Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say
Gió lay…” (Đêm thu)
Nữ danh ca Tâm Vấn cho biết Đêm thu là ca khúc bà yêu nhất trong ba nhạc phẩm của Đặng Thế Phong, và là ca khúc mà bà đã hát cách đây 71 năm.
“Cái thời 1945 họ đã dựng múa bài Đêm thu rồi. Tôi đã được xem ở Nhà hát lớn Hà Nội 1945. Sau này tôi hát ở Đài phát thanh Hà Nội thì tôi rất mê bài đó. Tôi mê nhất bài Đêm thu, nó lả lướt, nó ướt át, nó mơ màng, lãng mạn. Chứ còn Giọt mưa thu nó thê thảm quá, tôi không hát nhiều. Những bài kia thì hay thật, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu thì tuyệt vời thật. Thời đó ba bài của ông Đặng Thế Phong thì lẫy lừng ở Hà Nội, gần như là ai cũng biết, từ người mù chữ cho đến người nghe nhạc đều mê.”
Thu định mệnh
Như một định mệnh, cả ba ca khúc nổi tiếng trong cuộc đời sáng tác của Đặng Thế Phong đều nói về mùa thu.
Ngoại trừ Đêm thu là ca khúc đầu tay, thì Con thuyền không bến và Giọt mưa thu được kể lại rằng do Đặng Thế Phong sáng tác trong nỗi nhớ quay quắt về người con gái có tên gọi là Tuyết.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong, sinh ngày 5 tháng Tư năm Mậu Ngọ (tức năm 1918) ở phố Hàng Đồng, xứ Nam Định. Courtesy of hoinhacsi.org
“Đêm nay thu sang cùng heo mây
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng…” (Con thuyền không bến)
Mùa thu vốn dĩ đẹp, nhưng buồn. Đã thế, lại còn đêm thu, tất cả cảnh vật, cuộc sống hiện hữu trong ca khúc của Đặng Thế Phong đều là những hoạt động diễn ra trong trời đêm mùa thu. Con thuyền thì không bến; thu sang cùng với heo mây; giọt mưa thu rơi hoà cùng tiếng khóc than hờ…
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” (Giọt mưa thu)
Nhất cử nhất động trong tâm hồn và âm nhạc của Đặng Thế Phong chỉ có thể gói gọn trong một chữ “buồn”.
Và ai yêu nhạc của ông đều biết rằng ngay từ ca khúc thứ hai, là Con thuyền không bến, nhạc sĩ đã nhuốm bệnh lao. Điều này được danh ca Tâm Vấn xác nhận chính là nỗi niềm ông đặt vào sáng tác của mình.
“Tâm sự của ông ấy, thời đó là thời khó khăn. Ông ấy lại bị bệnh lao nữa. Lao thời đó đâu có thuốc thang chữa nổi.”
Con thuyền không bến tuy vẫn là giai điệu nhẹ nhàng, còn vương chút âm hưởng Tây phương của Đêm thu nhưng đã bắt đầu chất chứa những hình ảnh chênh vênh và âm thanh của lòng trắc ẩn.
“Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong…”
Rồi khi đến Giọt mưa thu, thì hoàn toàn là một bức tranh thu u ám. Cái nghèo, cái buồn, cái cô độc bao trùm lên khắp nhạc điệu, len lỏi trong từng ca từ của nhạc khúc. Đặng Thế Phong hoàn thành sáng tác này ngay trên giường bệnh.
Đông Tây giao hoà
Tài hoa của Đặng Thế Phong được giới nghiên cứu âm nhạc và nghệ thuật chỉ ra rằng chính do ông đã kết hợp hài hòa giữa nhạc Tây phương và giai điệu ngũ cung. Nói một cách khác là “Đông Tây giao hoà”. Tất cả ba ca khúc của ông được xem là những ca khúc tiên phong của tân nhạc Việt Nam.
Nhạc cổ ngày xưa của mình chỉ có hát trống quân, ả đào. Các ông ấy học hành Tây phương rồi thì các ông ấy ảnh hưởng của nhạc Tây phương.
- Nữ danh ca Tâm Vấn
“Nhạc thời đó là ảnh hưởng của nhạc Tây phương truyền qua. Hồi đó gọi là viết nhạc thôi chứ cũng chưa gọi là âm nhạc cải cách theo miền Bắc hay nhạc mới theo miền Nam. Miền Bắc thì gọi là âm nhạc cải cách để so sánh với nhạc cổ. Nhạc cổ ngày xưa của mình chỉ có hát trống quân, ả đào. Các ông ấy học hành Tây phương rồi thì các ông ấy ảnh hưởng của nhạc Tây phương. Ví dụ như ‘Vườn khuya trăng chiếu hoa đứng im như mắt buồn. Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa. Cánh hoa vươn buồn trong gió…’”
Theo lời của nữ danh ca Tâm Vấn, Đặng Thế Phong và những nhạc sĩ cùng thời với ông là những người được hưởng nền giáo dục phương Tây, nhất là Pháp. Do đó, từ giai điệu cho đến lời ca của họ bàng bạc phong thái trữ tình, nhẹ nhàng của điệu valse lãng mạn.
“Thời ấy là thời Johann Strauss, có các bài như One day when we were young, Ngày ấy khi xuân ra đời, Một trời bình minh… Những bài Valse…”
24 năm đối với chiều dài của một cuộc đời thì quả là ngắn ngủi. Nhưng sự nghiệp âm nhạc của Đặng Thế Phong để lại thì kéo dài qua nhiều thế hệ. Mùa thu của Đặng Thế Phong qua bao nhiêu năm tháng vẫn mãi mãi là mùa thu của tình yêu vô vọng, mùa thu của phận đời, phận người nghiệt ngã, mùa thu của tài hoa nhưng bạc mệnh, mùa thu của Đặng Thế Phong.

Bà Clinton: Phụ nữ đầu tiên được đề cử tranh chức Tổng thống Mỹ



Bà Clinton: Phụ nữ đầu tiên được đề cử tranh chức Tổng thống Mỹ
27.07.2016
  • Cindy Saine
Bà Hillary Clinton đã làm nên lịch sử, sau khi đã vượt thắng những trở ngại trong cuộc sống riêng tư và trong sự nghiệp chính trị để trở thành người phụ nữ đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng này. Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, bà sẽ hoàn tất cuộc hành trình, bắt đầu từ một “Đệ nhất Phu nhân”, thành Thượng nghị sĩ đại diện bang New York, để rồi sau đó trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Hoa Kỳ và cuối cùng là “Bà Tổng thống.” Các cuộc thăm dò công luận cho thấy bà Clinton là một người vừa được yêu vừa bị ghét bỏ. Bà là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới, tuy vậy một số người quen biết cá nhân bà nói bà vô cùng thận trọng, không muốn tiết lộ cá tính của mình quá mức ở nơi công chúng. Thông tín viên của VOA tại Tòa Bạch Ốc đi tìm chân dung một phụ nữ mà cả giới ủng hộ, lẫn những người chỉ trích, đều đồng ý là một người có ý chí phấn đấu đáng nể phục.
Bà Hillary Clinton đã tiến rất gần tới chỗ được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng vào năm 2008, để sau cùng, bị đánh bại bởi một Thượng nghị sĩ chỉ mới phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên, ông Barack Obama.
Khi đọc bài diễn văn thừa nhận thất cử, bà đơn cử cuộc phấn đấu suốt đời của mình để vượt qua những rào cản đối với phụ nữ, đôi khi được miêu tả trong tiếng Anh là “trần nhà bằng kiếng”, và nhắc đến 18 triệu phiếu mà bà đã đoạt được trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Bà Clinton phát biểu:
“Mặc dù chúng ta chưa thể đập tan được tấm kiếng cao nhất, khó phá vỡ nhất trong lần này, nhờ quý vị, chúng ta đã đập vào nó, gây ra 18 triệu vết rạn nứt… và ánh sáng vẫn rọi chiếu, sáng hơn bao giờ hết, làm chúng ta tràn đầy hy vọng và tự tin trong sự hiểu biết rằng con đường dẫn tới thành công lần sau sẽ dễ dàng hơn.”
Tám năm sau, bà Clinton đoạt được sự đề cử và hy vọng sẽ đập tan được trần nhà bằng kiếng cuối cùng để trở thành Tổng thống Mỹ.
Theo trang mạng của Hillary Clinton, Hillary là một cô bé hạnh phúc xuất thân từ một gia đình trung lưu ở một khu ngoại ô Chicago, con gái của một thành viên kiên cường của Đảng Cộng hoà. Bà nói bà tham gia chính trường là vì ảnh hưởng của người mẹ, một người theo Đảng Dân chủ. Bà Dorothy Rodham có một thời ấu thơ khác hẳn.
Vẫn theo trang mạng Hillary Clinton, bà nói về mẹ bà như sau:
“Bà bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa lên 8, bà bị đưa từ Chicago sang Los Angeles để sống chung với ông bà trong khi ông bà tôi không muốn phải vác thêm một gánh nặng. Nhưng nhiều người khác đã tỏ ra tốt bụng, và cho bà một cơ hội. Như một nhà giáo biết mẹ tôi không có tiền mua thức ăn và bắt đầu mang thêm thức ăn cho bà từ nhà, rồi nói nhỏ bên tai mẹ tôi ‘Này Dorothy, tôi mang theo nhiều thức ăn quá!’”
Thông tin trích ra từ hồ sơ của Trường Cao đẳng Wellesley thì Hillary vào lúc ban đầu thời còn trong tuổi teen là một người theo Đảng Cộng hoà. Bà theo học tại trường nữ Wellesley và hoạt động chính trị nhiều hơn, và là sinh viên được đề cử đọc bài diễn văn trong ngày lễ tốt nghiệp vào năm 1969.
Sau đó bà theo ngành Luật ở trường đại học Yale, nơi bà trở thành một người cấp tiến theo Đảng Dân chủ, và gặp người chồng tương lai, Bill Clinton, trong thư viện. Hillary và Bill lập gia đình vào năm 1975, và bà theo ông về tiểu bang nhà của ông là Arkansas, nơi ông được bầu vào chức Thống đốc năm 1978.
Con gái của ông bà, Chelsea ra đời tại Arkansas. Đây cũng là nơi mà nhà báo Ron Fournier lần đầu tiên tường trình về vợ chồng Clinton. Ông được tự do tiếp xúc với cả hai ở Little Rock, và sau đó tại Tòa Bạch Ốc. Nhà báo Fournier nói với VOA rằng ông tin là bà Hillary còn thông minh hơn, và có tài hài hước hơn cả Bill Clinton. Ông nói:
“Bill rất giỏi khi thuật lại một chuyện cười, hay kể một chuyện hài, nhưng chính Hillary mới thực sự là người làm người khác cười trong lúc đó. Bà có một óc hài hước tự chế giễu mình, và có những tràng cười làm người khác phát điên. Cá nhân tôi thích bởi vì nó rất là thành thực, không kiểu cách. Khi chứng kiến tận mắt, người nghe không thể không cười theo. ”
Cựu phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton nói với VOA rằng bà Hillary Clinton rất thông minh, có thể hiểu thấu một vấn đề và đề ra một giải pháp hay hơn Bill Clinton hay Tổng thống Barack Obama, tuy nhiên bà không có một đức tính mà hai ông có.
Ông Bob Weiner giải thích:
“Bà biết rằng bà không có hấp lực, bà không thu hút được người khác, nhưng bà có bộ óc thông minh và khả năng cai trị rất lớn.”
Ông Bill Clinton được bầu làm tổng thống vào năm 1992, lúc đó ông đùa rằng bầu cho ông “là được hai tổng thống với giá trả cho 1 tổng thống”. Đi ngược lại truyền thống, Hillary Clinton vẫn hoạt động chính trị trong cương vị Đệ nhất Phu nhân, bà phấn đấu mạnh mẽ, nhưng thất bại, không thành công với nỗ lực thay đổi chính sách chăm sóc sức khoẻ cho tất cả mọi người.
Trong Tòa Bạch Ốc, các câu chuyện kéo dài về những vụ ngoại tình của Bill Clinton rốt cuộc đổ vỡ với vụ tai tiếng về tình dục với cô Monica Lewinsky, dẫn tới chỗ ông bị Hạ viện Mỹ tìm cách truất phế ông.
Thời gian nhiều tháng bị bẽ mặt trước công chúng đã tác động tới cá nhân bà Hillary Clinton, theo nhà báo Ron Fournier:
“Bà ấy đã thay đổi bởi vì nhiều điều đã xảy ra cho bà. Bà đã chồng chất nhiều vết sẹo vì những thương tổn do những vụ tấn công xảy đến trong cuộc sống của bà. Một số các cuộc tấn công ấy hoàn toàn bất công.”
Những tháng tiếp theo sau vụ tai tiếng là một thời gian thương đau đối với Hillary, theo phụ tá Weiner trong câu chuyện với VOA, nhưng hôn nhân của ông bà Clinton vẫn trải qua được giai đoạn khó khăn này.
“Hai ông bà tìm cách giải quyết những sự thất bại trong cuộc hôn nhân trong vòng riêng tư, nhưng cuối cùng họ đã giải quyết được những vấn đề đó. Tôi đã từng có mặt tại đó, tôi đã thấy họ, và họ yêu thương nhau.”
Bây giờ bà Hillary đang phấn đấu để quay trở lại, và vạch ra sự nghiệp chính trị riêng của mình. Bà thắng cử ở New York để vào Thượng viện Mỹ vào năm 2000, và được bầu lại vào năm 2006. Năm 2008, Tổng thống Obama bổ nhiệm bà nắm chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Bà đã từng đến thăm 112 quốc gia, và dùng chức vụ của mình để nêu bật các quyền phụ nữ, và sức mạnh của ngoại giao, còn gọi là “quyền lực mềm”.
Trong bài diễn văn đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Dân chủ tuần này, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama ca ngợi cá tính và quá trình hoạt động của bà Clinton như sau:
“Quý vị biết đấy, có rất nhiều thời điểm khi mà Hillary có thể quyết định là công việc này quá khó, cái giá phải trả để phục vụ công chúng quá cao, rằng bà đã mệt mỏi vì bị chê trách đủ kiểu về ngoại hình của mình, về cách bà nói, và ngay cả cách bà cười. Nhưng điều cốt lõi là đây. Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất nơi Hillary là bà không bao giờ khuất phục trước áp lục. Bà không bao giờ tìm một lối thoát dễ dàng. Hillary không bao giờ buông tay bỏ dở bất cứ việc gì trong cuộc đời mình.”
Giờ đây, bà Hillary Clinton lại đang phấn đấu trong cuộc chiến chính trị quan trọng nhất đời bà, cạnh tranh với doanh nhân nổi tiếng Donald Trump, một nhân vật, cũng như bà Clinton, nổi danh thế giới, nhưng gây chia rẽ cùng cực.
Các cuộc thăm dò cho thấy hai nhân vật này đang trong một cuộc đua rất sát sao. Câu chuyện về cuộc đời của Hillary Clinton cho thấy bà sẽ chiến đấu hết sức mình cho tới tận ngày bầu cử 8 tháng 11 năm nay.

Là ngoại tệ dự trữ thì được gì?



Là ngoại tệ dự trữ thì được gì?
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-07-27


Đầu Tháng Chín này, Trung Quốc sẽ chủ trì hội nghị cấp lãnh đạo của nhóm G-20 tổ chức tại thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là lúc giới lãnh đạo Bắc Kinh ngợi ca việc đồng Nguyên của họ được đưa vào giỏ ngoại tệ dự trữ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt SDR kể từ mùng một Tháng 10. Nhưng mặt trái của vị trí tôn quý ấy là gì?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, theo quyết định năm ngoái của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, với sự đồng ý của các nước thành viên, kể cả Hoa Kỳ và Tây phương, thì vào Tháng 10 tới đây, đồng bạc Trung Quốc được đưa vào giỏ ngoại tệ của bốn loại tiền thông dụng nhất thế giới là đồng Mỹ Kim, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật. Chắc là tại thượng đỉnh của nhóm G-20 gồm hai chục nền kinh tế dẫn đầu thế giới, năm nay được tổ chức tại Hàng Châu vào đầu Tháng Chín, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ chào đón biến cố ấy và nói đến sự đóng góp của Trung Quốc cho thịnh vượng và ổn định tài chính của thế giới. Nhưng sự thật của biến cố này là gì và phải chăng điều ấy báo hiệu việc đồng Nhân Dân Tệ hay đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ thay vị trí đồng đô la Mỹ như Bắc Kinh mong muốn từ lâu?
Nếu họ muốn đồng bạc tổng hợp, rồi đồng Nguyên sẽ thay đô la Mỹ thì họ lầm to vì kinh tế Trung Quốc không chịu đựng nổi trách nhiệm nặng nề ấy của một ngoại tệ phổ biến nhất.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong vụ này, chúng ta có hai ba vấn đề cần phân tích vì lý do khá chuyên môn khó hiểu. Một ngoại tệ dự trữ, trước tiên phải là một đồng bạc được các nước sử dụng làm phương tiện thanh toán việc mua bán một cách phổ biến nhất; sau đó phải là loại tài sản đáng tin cậy để các nước lưu giữ trong khối dự trữ ngoại tệ của mình. Vì vậy, ngoại tệ ấy được dùng làm cơ sở so sánh trị giá của các đồng bạc khác, gọi là tỷ giá hay hối suất. Trong ý đó, sau Thế chiến II, Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất từ 70 năm về trước, và ngày nay vẫn duy trì vị trí đó khi chiếm 64% khối dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới, trước đồng Euro của Âu Châu, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật.
Thứ hai là sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ năm 2008, các nước như Pháp, Đức, Nga, Tầu, hay cả Ấn Độ và Brazil tại Nam Mỹ, đều yêu cầu tăng cường vai trò của một ngoại tệ dự trữ khác để thay đồng Mỹ kim. Đó là một giỏ có nhiều ngoại tệ do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF quy định, gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, hay Quyền Đặc Trích, dịch từ Special Drawing Rights, viết tắt là SDR. Thứ ba, do sức mua bán phổ biến của nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới, Trung Quốc muốn đưa đồng Nguyên của họ vào giỏ ngoại tệ đặc biệt ấy và đã được IMF đồng ý từ năm ngoái. Nhưng nếu họ muốn đồng bạc tổng hợp này rồi đồng Nguyên sẽ thay đô la Mỹ thì họ lầm to vì kinh tế Trung Quốc không chịu đựng nổi trách nhiệm nặng nề ấy của một ngoại tệ phổ biến nhất. Nhìn từ giác độ Việt Nam, tôi còn mong rằng họ sẽ đi tới đó và sớm gặp khủng hoảng của một con ếch mà muốn to bằng con bò!
Nguyên Lam: Thưa ông, ông vừa nói đến một khái niệm khá bất ngờ là “trách nhiệm nặng nề của một ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất”. Điều ấy bất ngờ vì xưa nay người ta vẫn cho là nhờ vị trí ngoại tệ dự trữ phổ biến mà Hoa Kỳ chiếm ưu thế và gần như trục lợi trên lưng các nước khác. Rồi, với đà phát triển của mình, Trung Quốc cũng mong có ngày tiến lên vị trí ấy để có ưu thế như Hoa Kỳ. Bây giờ, ông lại nói là mong Trung Quốc lên tới đó và sớm gặp khủng hoảng! Ông giải thích thế nào về nghịch lý này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là một trong nhiều hiểu lầm phổ biến nhất của thiên hạ, kể cả các chuyên gia kinh tế ít quan tâm đến kế toán quốc gia. Người ta cứ cho rằng Mỹ chiếm lợi thế, thậm chí lợi thế bất chính, là nhờ vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim, nhưng chẳng biết là ưu thế ấy đem lại những trách nhiệm mà chỉ nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ mới chịu nổi.
Quả thật là từ mấy chục năm nay rồi, nhiều quốc gia ghen tức với thế lực Hoa Kỳ và nhiều nhà bình luận kinh tế cứ nói là nhờ vai trò dự trữ của Mỹ kim, nước Mỹ có thể tiêu thụ và vay mượn thả giàn vì các nước đều mua tiền Mỹ dưới dạng Công khố phiếu. Thứ hai, nhờ các nước mua công khố phiếu, hay phiếu quốc trái, hay trái phiếu của quốc gia, nên phân lời trái phiếu hạ làm lãi suất tại Mỹ giảm và điều ấy có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Sự thật nó lại rắc rối gấp bội.
Thứ nhất, do vị trí ưu đãi của đồng Mỹ kim, dân Mỹ phải tiêu nhiều hơn chứ chưa hẳn là được tiêu xài nhiều hơn như thiên hạ vẫn lầm tưởng; thứ hai, vì các nước phải mua Công khố phiếu Mỹ nên lãi suất mới giảm tại Hoa Kỳ một cách giả tạo. Nếu nhớ tới hai vế cung cầu về tư bản trong kế toán quốc gia thì ta biết là khi thiên hạ ào ạt mua Mỹ kim thì hối suất đô la sẽ tăng làm giới sản xuất bị bất lợi và thất nghiệp có thể tăng. Khi ấy, Mỹ phải ứng phó bằng cách tăng mức tín dụng tiêu thụ hay nâng số vay nợ của nhà nước, tức là chính sách kinh tế tài chính của quốc dân Hoa Kỳ bị xứ khác chi phối. Tôi gọi đó là gánh nặng.
Gánh nặng và trách nhiệm của đồng Mỹ kim
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể khó hiểu yếu tố chuyên môn phức tạp này, vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm cho rõ. Có phải là việc Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất khiến ngân hàng trung ương và giới hữu trách về kinh tế tài chính Hoa Kỳ phải đối phó với quyết định mua bán hay lưu giữ đồng đô la Mỹ của các nước khác chăng? Và nếu Trung Quốc tiến tới vị trí đó thì họ không thể xoay trở nổi với cái mặt trái của ưu thế tượng trưng này, thưa ông, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước khi nói tới Trung Quốc thì hãy nghĩ đến hoàn cảnh Nhật Bản khi đồng Yen vọt lên giá vì biến động sau vụ Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Âu vừa qua. Biến cố ấy gây bất lợi cho kinh tế Nhật chứ không làm dân Nhật vênh mặt như dân Tầu vì đồng tiền của họ được chiếu cố như một ngoại tệ mạnh. Sự thật thì vị trí ngoại tệ dự trữ trên trường quốc tế có mặt trái là khiến các nước khác chi phối số cầu nội địa và gây khó cho chính sách kinh tế bên trong. Thí dụ khác là năm 2011, Bắc Kinh ào ạt mua đồng Yen, và mặc nhiên hạ thấp vị trí của ngoại tệ phổ biến là Mỹ kim, thì Nhật phản đối dữ dội và ráo riết mua đô la để trung hòa sự chiếu cố của Tầu, tức là nhường lại cho Mỹ cái ưu thế bất chính mà Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn đả kích! Lý do chuyên môn rất khó hiểu ở đây là kế toán quốc gia.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp nhận tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào hay rút ra, tức là chịu nổi gánh nặng hay trách nhiệm của đồng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc thì còn lâu!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Theo định nghĩa kế toán thì cán cân vãng lai hoặc cán cân chi phó là kết số chi thu ngoại tệ, nó cũng là sai biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Nếu tiết kiệm nhiều hơn đầu tư thì cán cân vãng lai được thặng dư. Khi Tầu mua tiền Nhật và trả bằng đồng Nguyên thì điều ấy có nghĩa là tư bản Tầu trút vào Nhật. Nếu Nhật Bản tiết kiệm ít và thiếu tiền đầu tư ở bên trong thì sẽ hoan hỉ đón nguồn tư bản ngoại nhập ấy, nhưng họ không cần và nếu Tầu ào ạt mua tiền Nhật thì tất nhiên tiết kiệm của Nhật phải giảm cùng mức độ của thặng dư vãng lai. Khi đó tiêu thụ của Nhật sẽ tăng cùng mức độ với số nợ ngoại quốc, là điều Nhật Bản không thể chịu nổi. Và khi đó thất nghiệp tại Nhật sẽ tăng là điều còn khó chịu đựng hơn nữa. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp nhận tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào hay rút ra, tức là chịu nổi gánh nặng hay trách nhiệm của đồng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc thì còn lâu!
Nguyên Lam: Cho tới nay, hầu hết mọi người đều nói là nhờ vị trí của Mỹ kim mà dân Mỹ mặc sức tiêu thụ với lãi suất hạ và điều ấy khiến nước Mỹ mắc nợ nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn và bị nhập siêu quá nặng, tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Đã vậy, Hoa Kỳ còn chiếm ngôi bá chủ kinh tế nhờ ưu thế của đồng bạc do họ tự nhiên phát hành trong khi các nước có thể bị điêu đứng vì dòng tư bản chảy vào hay rút ra trong các giai đoạn bất ổn. Thưa ông, sự thật lại không phải như vậy hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ đến thành ngữ Trung Hoa là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”! Trung Quốc chưa đi tới chỗ ấy nên mới mơ chuyện hão…
Người ta lầm tưởng là các nền kinh tế đều cần đầu tư nước ngoài vì tư bản đưa vào sẽ tài trợ yêu cầu phát triển của mình. Thật ra, đầu tư nước ngoài chỉ có lợi cho quốc gia tiếp nhận nếu là kỹ thuật hay kiến năng mới về tổ chức và kinh doanh và nếu kinh tế không tiết kiệm đủ cho nhu cầu về đầu tư. Sự thật thì Hoa Kỳ là xứ tiên tiến về công nghệ và nếu tiết kiệm giảm thì tại vì đầu tư ngoại nhập khi thiên hạ mua tiền của Mỹ về làm ngoại tệ dự trữ. Người ta ít hiểu ra nghịch lý ấy vì thuần về kế toán hay tính toán sổ sách, nếu đầu tư quốc ngoại chảy vào Mỹ, cũng tựa như các nước xuất khẩu tư bản vào thị trường Hoa Kỳ, sai số hay thặng dư về đầu tư so với tiết kiệm tại Mỹ tất nhiên bằng với số thặng dư về tiết kiệm trên đầu tư của xứ khác. Vì chuyện này khó hiểu, người ta mới oán nước Mỹ là trục lợi bất chính. Trong khi đó, chính là tư bản ngoại quốc chảy vào Mỹ góp phần thổi lên sự phồn vinh trong các năm 2002-2007 khi giá cổ phiếu và nhà cửa tăng vọt. Khi ấy ai cũng ca tụng khả năng tiêu thụ và công ăn việc làm được tạo ra trong mấy năm thịnh đạt. Thế rồi khi bùng nổ vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, sức tiêu thụ sa sút và thất nghiệp tăng đã dẫn tới nạn Tổng suy trầm. So với ngần ấy quốc gia bị lao đao từ 2010 đến nay thì Hoa Kỳ vẫn phục hồi mau nhất và nếu muốn tránh sự dao động ghê gớm ấy thì nước Mỹ nên áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, là từ bỏ vị trí ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Hoa Kỳ không làm như vậy và vẫn cáng đáng vai trò này trong khi Trung Quốc thì chưa thể đảm nhận nổi và sẽ loạn to nếu cũng xả cảng cho tư bản tự do chảy ngược xuôi.
Nguyên Lam: Như vậy, một cách cụ thể, thì sau khi đồng Nguyên được nhận vào rổ Đặc Trích SDR từ đầu Tháng 10, thưa ông, những gì có thể xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là chẳng có gì cả ngoài cái danh hão mà lãnh đạo Bắc Kinh mua về cho thần dân u mê của họ! Đồng ngoại tệ tổng hợp SDR có năm ngoại tệ, theo tỷ trọng do IMF quy định từ Tháng 10 này là 41,37% cho Mỹ kim, 30,93% cho Euro, 10,92% cho đồng Nguyên, 8,33% cho đồng Yen Nhật, và 8,09% cho đồng Anh kim. Nếu ngân hàng trung ương nào mua trái phiếu yết giá bằng đồng SDR giả tạo đó thì Quỹ IMF có thể đóng chốt bằng cách mua vào năm ngoại tế ấy với cùng tỷ lệ thì sự thể chẳng có gì khác. Nếu Bắc Kinh muốn đồng Nguyên có thế giá hơn thì có thể mua đồng bạc này, hoặc nếu họ muốn đánh hạ vai trò của đô la như họ vẫn nói thì mua các ngoại tệ kia nhiều hơn tỷ trọng ấy. Điều này chẳng bao giờ xảy ra và cho tới nay, chính Bắc Kinh cứ mua tiền Mỹ và củng cố vai trò của đô la vì nếu không xuất khẩu tư bản vào Mỹ thì sẽ bị thất nghiệp và bị còn nặng hơn nếu đồng Nguyên được chiếu cố! Vì vậy, những ai ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc, kể cả giới tuyên truyền của Bắc Kinh, cứ chỉ nói cho vui, chứ ngày nào mà Trung Quốc mon men đưa đồng bạc vào cấp quý tộc thì ngày đó họ bị thất nghiệp cao và gặp động loạn kinh tế tài chính lẫn chính trị!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.