Monday, July 4, 2016

Vì sao Anh Quốc ra đi?



Vì sao Anh Quốc ra đi?
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-06-29

Quyết định ra khỏi Liên hiệp Âu châu của Vương Quốc Anh Thống Nhất đã gây chấn động cho các thị trường trên thế giới trong mấy ngày liền. Vì sao nên nỗi và tình hình rồi đây sẽ ra sao là những câu hỏi được Diễn đàn Kinh tế nêu ra trong chương trình đặc biệt này…
Từ Great Britain đến England?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc Vương Quốc Anh Thống Nhất, hay United Kingdom, rút khỏi Liên hiệp Âu châu sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 Tháng Sáu là biến cố được so sánh với một vụ động đất và làm các thị trường tài chính trên thế giới tuột giá mạnh trong mấy ngày liền mà chưa ai đoán ra hậu quả sẽ là gì cho Âu Châu và cho thế giới. Vì vậy, kỳ này, mục Diễn đàn Kinh tế có một chương trình đặc biệt là phân tích biến cố quá bất ngờ và hy hữu đó. Nguyên Lam xin nêu câu hỏi là tại sao và rồi đây hậu quả sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là hồ sơ này cực kỳ rắc rối, nhưng việc người ta ngạc nhiên mới là điều ngạc nhiên. Còn hậu quả sẽ là một chuỗi thay đổi dài khiến Liên hiệp Âu châu không thể còn như xưa.
Sở dĩ tôi cần xác định tập thể này vì nay mai mình có khi nghe thấy việc xứ Scotland ly khai khỏi Liên hiệp Anh để rồi Great Britain có thể chỉ còn là England với lá cờ trắng và chữ thập đỏ!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tôi xin bắt đầu bằng bối cảnh, để nói về “Vương quốc Thống nhất của Liên hiệp Anh và Bắc Ireland” chúng ta đã cứ nói cho gọn mà sai là Anh Quốc và duy trì mãi sự sai lầm ấy do cách dịch sai của Hoa ngữ. Đấy là một khu vực quần đảo phía Bắc Âu Châu dối diện với lục địa Âu Châu và quy tụ bốn nước là 1/ Anh hay England, 2/ Wales, 3/ Scotland và thứ tư là Bắc Ireland. Ba nước đầu tiếp giáp với nhau trên một hòn đảo lớn được gọi là Great Britan hay Liên hiệp Anh. Còn xứ Bắc Ireland hay Bắc Ái Nhĩ Lan nằm ở mạn Bắc của hòn đảo kế cận, giáp ranh với Cộng hòa Ireland. Trong các giải thể thao quốc tế, chúng ta có cơ hội thấy bốn đội dưới bốn lá cờ khác nhau cho nên nếu chú ý thì hiểu ra sự khác biệt của bốn nước này. Sở dĩ tôi cần xác định tập thể này vì nay mai mình có khi nghe thấy việc xứ Scotland ly khai khỏi Liên hiệp Anh để rồi Great Britain có thể chỉ còn là England với lá cờ trắng và chữ thập đỏ!
Nguyên Lam: Chúng ta sẽ khởi đầu từ nguyên nhân. Thưa ông, vì sao ông nói việc thiên hạ ngạc nhiên mới đáng ngạc nhiên? Phải chăng, người ta hiểu lầm các nguyên nhân sâu xa mà đánh giá sai tình hình và nay mới bị bất ngờ khi người dân xứ này bỏ phiếu đòi ly khai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e là truyền thông chúng ta cũng có phần trách nhiệm khi làm cho nhiều người không hiểu sự thể mà cứ tưởng dân Anh ly khai là vì lý do kinh tế. Sai lầm ấy bắt nguồn từ truyền thông Anh và lan ra khối Tây phương rồi cứ được thiên hạ phiên dịch lại. Dân Anh đòi ly khai vì động lực chính trị chứ không vì lý do kinh tế. Sở dĩ như vậy vì tám năm nay, kinh tế Liên Âu của 28 nước thành viên chưa ra khỏi khó khăn kéo dài, khởi đi từ năm 2008, rồi thêm vụ khủng hoảng trong khối Euro gồm có 18 nước kể từ năm 2010 và bị khủng hoảng di dân từ năm 2014. Các nước miền Nam của Liên Âu, kể từ Pháp trở xuống trôi vào chế độ bao cấp, mắc nợ nhiều, bị thất nghiệp cao mà cơ chế lãnh đạo chẳng cải sửa được thì vấn đề nằm trong cơ chế chính trị Âu Châu chứ không tại kinh té Anh Quốc.
Lý do chính trị là tinh thần duy ý chí của lãnh đạo Liên Âu, khi dự án thống nhất Âu Châu bắt đầu từ Thỏa ước Roma năm 1958 và Hiệp ước Maastrich năm 1993 hợp nhất thành bản Hiến pháp cho cả khối Âu Châu lại bị dân Pháp rồi Hòa Lan bác bỏ trong hai cuộc trưng cầu dân ý năm 2005. Khi ấy, lãnh đạo Liên Âu mới bày ra giải pháp thay thế là Hiệp định Lisbon năm 2007 để quy định thẩm quyền của cơ chế siêu quốc gia đối chiếu với thẩm quyền của từng quốc gia thành viên. Người dân của nhiều nước không mấy hài lòng với việc chia quyền ấy nhưng mà dư luận nói chung lại không hiểu.
Nguyên Lam: Một cách đơn giản cho thính giả của chúng ta hiểu ra sự tình quá phức tạp này thì phải chăng các quốc gia thành viên trong tập thể Liên Âu ủy nhiệm cho một cơ chế siêu quốc gia cái quyền quyết định về một số vấn đề? Nếu cơ chế đó không giải quyết việc chung một cách thỏa đáng về kinh tế, xã hội hay cả an ninh như chuyện di dân, thì các thành viên có thể đòi xét lại và thậm chí rút khỏi tập thể sau khi trưng cầu ý kiến của người dân. Thưa ông, có phải vì vậy mà những người đòi ly khai đã nói đến việc thể hiện quyền dân chủ của họ? Nhưng tại sao người ta lại bị bất ngờ khi gần 52% dân Anh đòi ra khỏi Liên Âu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta bị bất ngờ vì thăm dò sai tâm lý người dân và đoán trật, lại còn khinh thường ý kiến của thành phần đối lập và quá tin vào cách giải trình của thành phần ưu tú trong xã hội là giới có tiền đầu tư, có quyền lãnh đạo chính trị và có sự hiểu biết để hướng dẫn dư luận. Thành phần đối lập bị họ coi thường như một thiểu số cổ hủ già nua, ít học, có tinh thần dân tộc hẹp hòi, thậm chí có tư tưởng phát xít, mà không hiểu lợi thế của hội nhập hay toàn cầu hóa, trong khi đó chính họ lại không thấy ra tư tưởng phát xít của lãnh đạo Bắc Kinh chỉ vì muốn làm ăn với Trung Quốc.
Thành phần ưu tú quá tin vào lối diễn giải sự việc của họ mà không thấy rằng các đảng phái chính trị truyền thống ở nhiều nước bị mất niềm tin của quần chúng – là điều diễn đàn này đã nhiều lần trình bày. Họ không thấy giới lãnh đạo cơ chế Liên Âu ở thủ đô Bruxelles ít quan tâm đến thực tế của quần chúng bình dân ở bên trong từng nước hội viên. Còn giới có tiền lại ít chung đụng với đời sống thật vì sinh hoạt trong môi trường thượng lưu ở trên cùng và giao tiếp với những người thuộc cùng thành phần ở các xứ khác. Một thí dụ là hồ sơ di dân.
Về dân số học, vì thuộc loại có mức sinh đẻ cao nhất Âu Châu, nước Anh không cần đón nhận di dân như nhiều xứ ở bên trong lục địa bị thiếu lực lượng lao động. Sống trên một hải đảo cách biệt, họ cũng không đồng ý với quyền tự do lưu thông và di trú của Hiệp ước Schengen. Khi Liên Âu chủ trương tiếp nhận di dân, có vẻ phải đạo về luân lý mà thực ra là do động lực kinh tế, lại còn đòi phân phối hạn ngạch cho xứ khác thì dân Anh lo sợ mất bản sắc và cho là Liên Âu xâm phạm chủ quyền của họ. Giới thượng lưu ở trên ít khi tiếp xúc với lớp người di dân từ xứ khác vào sống trên lãnh thổ nên chẳng hiểu ra sự ngại ngần của người dân. Họ hiểu lầm xã hội thâm sâu ở dưới nên mới bị bất ngờ và nay gây ra khủng hoảng cho cả hệ thống.
Mỹ vẫn là hậu phương của Anh?
Nguyên Lam: Bước qua phần hai, thưa ông hậu quả sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ gặp nhiều năm bất định cùng đà tan rã của hệ thống Âu Châu thành hình từ 70 năm qua. Trước hết, áp dụng Điều 50 của Hiệp định Lisbon về việc ly khai, chuyện đàm phán lại quan hệ giữa Anh và Liên Âu sẽ kéo dài nhiều năm và Anh Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chính kinh tế Liên Âu mới bị khốn đốn và rơi vào suy thoái.
Khối Liên Âu cần đầu tư và xuất khẩu, với nền kinh tế chỉ thua nước Đức, Anh Quốc là cửa ngõ đầu tư quốc tế vào Âu Châu đang có quá nhiều tai ách không giải quyết nổi, kể cả vụ khủng hoảng ngân hàng sắp tới tại Ý sau nạn khủng hoảng tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong giai đoạn khó khăn ấy, nhiều nước khác cũng có thể thấy sự bất lực của cơ chế Liên Âu mà đòi ly khai khiến lãnh đạo Âu Châu lâm thế kẹt. Làm khó Anh Quốc thì bị thiệt về đầu tư mà nhượng bộ thì lại làm các nước khác cũng có đòi hỏi tương tự.
Anh Quốc hết quy chế đầu tư tự do vào Liên Âu thì trung tâm tài chính City của họ tại London có thể mất ảnh hưởng, nhưng chưa chắc trung tâm Frankfurt của Đức, hay Paris, sẽ thay thế được vị trí này mà có khi giải pháp sẽ là New York.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Một yếu tố đáng kể khác là Anh Quốc đầu tư nhiều nhất là vào thị trường Mỹ mà cũng nhận đầu tư nước ngoài nhiều nhất là từ Hoa Kỳ nên chính họ là đầu cầu của tư bản và kỹ thuật của Mỹ trút vào lục địa Âu Châu. Sau khi ly khai, Anh Quốc hết quy chế đầu tư tự do vào Liên Âu thì trung tâm tài chính City của họ tại London có thể mất ảnh hưởng, nhưng chưa chắc trung tâm Frankfurt của Đức, hay Paris, sẽ thay thế được vị trí này mà có khi giải pháp sẽ là New York. Và sau cùng, phần thất lợi sẽ nghiêng về Liên Âu vì Anh Quốc vẫn còn hậu phương là Mỹ.
Nguyên Lam: Nhìn rộng ra khung cảnh toàn cầu, thưa ông tình hình sẽ ra sao trong thời gian tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sự thể còn quá mới để ta có thể đoán trước được mọi sự, nhưng kinh tế toàn cầu có ba vùng đất trũng là Nhật Bản, Trung Quốc và Liên Âu, đều là đầu máy kinh tế cho thế giới mà chìm trong nợ. Việc Anh Quốc ly khai có thể khiến kinh tế Anh, khối Euro rồi toàn cõi Liên Âu bị suy trầm kinh tế từ cuối năm nay. Khi đó, sinh hoạt kinh tế trì trệ của thế giới sẽ bị Tổng suy trầm, tương tự như vào năm 2008-2009. Dù tương đối khá nhất, kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nên có thể cũng bị suy trầm. Nếu bốn đầu máy có sản lượng cao nhất là Liên Âu, Mỹ, Tầu và Nhật đều bị suy sụp thì các nền kinh tế đang lên sẽ sa sút, thị trường xuất khẩu bị co cụm, trong số này có cả Việt Nam. Đấy là chuyển động mạnh và sẽ là trào lưu đáng ngại trong nhiều năm.
Trước mắt thì khủng hoảng chính trị trong quan hệ giữa Anh Quốc với Liên Âu và trong nội bộ từng quốc gia Âu Châu, trước tiên là trong chính trường Anh, sẽ còn gây biến động tài chính cho các thị trường, với hậu quả là Mỹ kim và vàng lên giá vì là nơi tồn trữ tài sản an toàn hơn cả. Việc Bắc Kinh vừa hạ giá đồng bạc có thể là chỉ dấu tiên báo những khó khăn dồn dập đó. Từ năm ngoái, lãnh đạo Bắc Kinh tưởng là sẽ dùng Anh Quốc làm bàn đạp để bành trướng ảnh hưởng của đồng Nguyên vào luồng giao dịch Âu Châu trong ước mơ đưa đồng bạc vào vị trí ngoại tệ có thế lực, bây giờ họ mới giật mình và thất vọng. Vì vậy, vụ Anh Quốc ly khai không là vấn đề riêng của Anh Quốc hay của Âu Châu bên trời Tây!
Nguyên Lam: Có lẽ từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ theo dõi thêm tình hình, nhưng xin ông tạm đưa ra một tổng kết về biến cố lạ lùng và quá phức tạp này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin có bốn ý kiến thô thiển sau đây.
Thứ nhất, sau nhiều thế kỷ xung đột và ba cuộc chiến giữa hai cường quốc Pháp-Đức vào các năm 1870, 1914 và 1939 làm thế giới gặp hai trận Thế chiến tàn khốc của Thế kỷ 20 nên các nước Âu Châu cố xây dựng cơ chế hợp tác hòa bình cho sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, họ chỉ hợp tác được về kinh tế mà chưa tiến tới thể chế liên bang Âu Châu nên chẳng thống nhất về chính trị. Sự bất lực quá lâu về kinh tế của cơ chế chung khiến yếu tố chính trị gây ra phân rã và trật tự Âu châu thiết lập từ sau Thế chiến II đang chấm dứt, sau đó là gì thì chưa ai biết.
Thứ hai, người ta quá lạc quan về hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa mà ít thấy trong tiến trình ấy có nhiều thành phần bị thiệt thòi và có cảm tưởng như bị bỏ rơi ở đằng sau. Đợi mãi mà chưa thấy số phận được cải tiến, thành phần này bắt đầu có phản ứng chống hội nhập.
Thứ ba, họ thể hiện phản ứng một cách chính đáng, là đòi lại quyền quyết định cho quốc gia theo nguyên tắc dân chủ, chứ không ủy quyền cho cơ chế nào khác. Vì vậy, chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang tái xuất hiện dưới lá cờ dân chủ mà giới lãnh đạo ở trên, tại Anh Quốc và nhiều nơi khác, lại không thấy ra. Chính là sự khác biệt về nhận thức đó mới là hiện tượng đáng ngại.
Cuối cùng, sau khi tiến trước để có 500 năm thống trị thế giới từ 1492 đến 1991, Âu Châu đang đi vào thời lụn bại. Nhưng nguy hại nhất là lụn bại bên cạnh cuộc khủng hoảng của nền văn minh Hồi giáo với hiện tượng khủng bố của trào lưu Hồi giáo cực đoan. Sự tan rã của trật tự Âu Châu là một cám dỗ lớn cho phong trào khủng bố.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xim cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này


Những tình khúc dành cho biển



Những tình khúc dành cho biển
Cát Linh, phóng viên RFA
2016-07-03

Trong suốt mấy tháng qua, chúng ta nghe/đọc/nói rất nhiều về một từ, đó là “Biển”. Một từ rất đơn giản, quen thuộc với tất cả mọi người từ lúc mới bắt đầu “học ăn, học nói” và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, nhưng lại có thật nhiều ý nghĩa. Biển mang một ý nghĩa và màu sắc riêng đối với từng giai đoạn, và từng hoàn cảnh.
Mời quí vị cùng Cát Linh điểm những bản tình ca tiêu biểu dành riêng cho biển, được sáng tác trong những giai đoạn khác nhau trong gần 40 năm qua.
Trong bài viết, xin trích dẫn những bài thơ về biển như Biển Cạn của Nguyễn Trung Nghĩa, Biển Bờ của Đinh Thu Hiền và Sóng của Xuân Quỳnh, qua sự thể hiện của Chân Như và Hoà Ái đài Á Châu Tự do.
“Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ…” (Biển nhớ)
Từ muôn đời nay, chỉ một từ đơn giản thôi, “biển”, nhưng đã và sẽ là đề tài muôn thưở cho biết bao thi nhân văn nghệ sĩ. Tiếng gọi nhẹ nhàng, trầm thấp, và chắc chắn không ai có thể cao giọng khi muốn gọi “biển” làm cho người ta luôn thấy lòng mình lắng đọng hẳn.
Biển là bạn, là người tình
Để rồi người ta phải luôn muốn tìm đến với biển như tìm đến một người bạn tri âm tri kỷ. Biển vui khi người vui. Biển buồn khi người buồn. Biển hiểu thấu tâm tư của con người như máu chảy trong tim.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng tìm đến với biển trong những phút giây mà tâm tư của ông chất đầy nỗi nhớ. Và biển, cũng đã mang nỗi nhớ cùng với ông.
Hơn nửa thế kỷ qua, Biển nhớ, ra đời năm 1962 vẫn là một bản tình ca đầy hoài niệm cho tất cả những tâm hồn yêu biển và những ai đang yêu nhau.
Câu chuyện lưu truyền rằng Trịnh Công Sơn viết ca khúc trữ tình này sau nhiều đêm ngồi trên bãi biển Quy Nhơn để nhớ đến một người con gái tên gọi Bích Khê, người mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ông đưa cả tên mình và tên của người con gái ấy vào trong ca khúc, nói rằng chính trời xanh kia đã “níu bước Sơn Khê”.
Nếu biển của Trịnh Công Sơn sẽ dậy sóng, sẽ phủ rêu phong trên những tảng đá, sẽ bâng khuâng gọi thầm nếu ngày mai người con gái ấy ra đi, thì biển của Phú Quang sẽ dài rộng hơn nữa nếu “em xa anh”
Em xa anh, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ
Biển vẫn thấy mình dài rông thế
Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn
Gió âm thầm không nói
Mà sao núi phải mòn…” (Biển, nỗi nhớ và em)
Người nhớ biển. Biển nhớ thuyền. Thuyền nhớ sóng. Thật tự nhiên như tạo hoá đã định. Con sóng nhớ bờ nên ngày đêm sóng vỗ. Dẫu xa tít ngoài đại dương, sóng vẫn vượt bao cách trở để tìm đến bờ.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa (Sóng – Xuân Quỳnh)

“Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu ?
Giấc ngủ nào giường chiếu quạnh hiu
Trăng mờ quê cũ
Người đứng chờ gió đồng vi vu
Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu
Nhớ ngàn năm trôi qua
Biển sóng biển sóng đừng trôi xa
Bao năm chờ đợi sóng gần ta
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù
Biển sóng … biển sóng … đừng xô nhau” (Sóng về đâu)

Thế nhưng…
Nào phải lúc nào biển cũng nhẹ nhàng dịu êm với mây trời lãng đãng. Biển về đêm huyền bí. Biển mạnh mẽ trong những ngày giông tố.
Với rất nhiều người, biển là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc.
Với rất nhiều người, biển mãi mãi là nhân chứng của một ký ức chứa đầy hy vọng lẫn sợ hãi, của những tháng ngày đầy hiểm nguy và trắc trở.

“Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non…” (Đêm chôn dầu vượt biển)
Khi vượt qua tất cả, nơi đầu tiên họ tìm về, chính là biển. Đứng trước trời đất và biển rộng bao la, cảm nhận cái vị mằn mặn muôn đời của biển, để thấy rằng mình và biển thân thiết biết bao nhiêu.
Có một lần tôi lại về nơi ấy
Nơi có biển và nơi có tình em
Một mình tôi giữa hoang lạnh biểm đêm
Mới nhận thấy cuộc đời này trống vắng

Chuyện ngày xưa giờ đã thành giọt đắng
Khiển biển đời đã ngăn cách đôi ta
Khi song gào cuốn tôi xa mãi xa
Những dĩ vãng yêu thương xưa cũ (Biển cạn – Nguyễn Trung Nghĩa)
“Cao ngất trường Sơn, ôm ắp tình thương nước ra sông nguồn, tìm về biển Đông, tình yêu thành sông Thái Bình Dương...”  (Biển mặn)
Ngày nay, Biển mặn của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh vẫn được người ta thầm hát với nỗi tiếc nhớ về một vùng biển nào đó, giờ đã xa.
“Không có nghĩa mỗi lần sóng vỗ
Là nồng nàn hôn cát đâu anh!
Vâng em hiểu ngoài khơi vừa ngập gió
Đưa sóng vào rồi đẩy sóng xa thêm…
Không có nghĩa những con tàu đêm đêm
Chưa ngủ bởi hải đăng còn thao thức
Thăm thẳm giữa đại dương màu mực
Biết về đâu nếu chỉ một thân tàu?” (Biển bờ - Đinh Thu Hiền)
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu …” (Thuyền và biển)
Biển với con người là tri âm tri kỷ đâu phải chỉ vì biển bao dung và hiểu thấu tình của con người, mà biển còn là cuộc đời, là nguồn sống của nhân loại và là một phần của vũ trụ.
Những con thuyền lớn, bé có thể tồn tại và hãnh diện vì sự hữu ích của mình chính là những tháng ngày thuyền lênh đênh trên biển khơi. Ngày xưa, thuyền và biển mang con người đến bến bờ tự do. Ngày nay, biển đã cùng với thuyền làm nên sự sống cho loài người từ những nguồn tài nguyên vô tận trong lòng đại dương xanh thẳm.
Nếu một ngày thuyền không còn được nhìn thấy biển xanh đầy hy vọng và khát khao của một ngày mới, thì ngày ấy, như mối tình của đôi trai gái, ngày quay về người xưa đã không còn..
Tôi giờ như đá núi buồn ủ rủ
Mong em quay về trên đôi cánh hải âu
Để đá núi - tôi - khỏi nhìn biển phai mau
Chợt hoảng sợ khi nhận ra biển cạn
Tôi men theo chút lẻ loi ánh sang
Cố tìm ra những dấu vết ngày xưa
Cố mang về hang triệu triệu cơn mưa
Cố đong đầy biển tình em đã hết  (Biển Cạn – Nguyễn Trung Nghĩa)
“Có người từ lâu nhớ thương biển
Ngày xưa biển xanh không như bây giờ biển là hoang vắng
Cùng tôi biển chết
Cùng em biển tan…” (Biển Cạn)
Cứ như thế cuộc đời ngàn năm sóng vỗ. Cũng như biển muôn đời là bạn tâm giao của con người. Biển là tình yêu. Biển là sự sống. Tất cả quay đều và hiện hữu trong vũ trụ này, tự nhiên và thơ mộng. Như Xuân Quỳnh ngày xưa đã thốt lên rằng
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng dẫu đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.