Những tình khúc dành cho biển
Cát Linh, phóng viên RFA
2016-07-03
2016-07-03
Trong suốt mấy tháng qua, chúng ta
nghe/đọc/nói rất nhiều về một từ, đó là “Biển”. Một từ rất đơn giản, quen thuộc
với tất cả mọi người từ lúc mới bắt đầu “học ăn, học nói” và cũng là nguồn cảm
hứng vô tận cho thi ca, nhưng lại có thật nhiều ý nghĩa. Biển mang một ý nghĩa
và màu sắc riêng đối với từng giai đoạn, và từng hoàn cảnh.
Mời quí vị cùng Cát Linh điểm những
bản tình ca tiêu biểu dành riêng cho biển, được sáng tác trong những giai đoạn
khác nhau trong gần 40 năm qua.
Trong bài viết, xin trích dẫn những
bài thơ về biển như Biển Cạn của Nguyễn Trung Nghĩa, Biển Bờ của Đinh Thu Hiền
và Sóng của Xuân Quỳnh, qua sự thể hiện của Chân Như và Hoà Ái đài Á Châu Tự
do.
“Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ…” (Biển
nhớ)
Từ muôn đời nay, chỉ một từ đơn giản
thôi, “biển”, nhưng đã và sẽ là đề tài muôn thưở cho biết bao thi nhân văn nghệ
sĩ. Tiếng gọi nhẹ nhàng, trầm thấp, và chắc chắn không ai có thể cao giọng khi
muốn gọi “biển” làm cho người ta luôn thấy lòng mình lắng đọng hẳn.
Biển
là bạn, là người tình
Để rồi người ta phải luôn muốn tìm
đến với biển như tìm đến một người bạn tri âm tri kỷ. Biển vui khi người vui.
Biển buồn khi người buồn. Biển hiểu thấu tâm tư của con người như máu chảy
trong tim.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã
từng tìm đến với biển trong những phút giây mà tâm tư của ông chất đầy nỗi nhớ.
Và biển, cũng đã mang nỗi nhớ cùng với ông.
Hơn nửa thế kỷ qua, Biển nhớ, ra đời
năm 1962 vẫn là một bản tình ca đầy hoài niệm cho tất cả những tâm hồn yêu biển
và những ai đang yêu nhau.
Câu chuyện lưu truyền rằng Trịnh
Công Sơn viết ca khúc trữ tình này sau nhiều đêm ngồi trên bãi biển Quy Nhơn để
nhớ đến một người con gái tên gọi Bích Khê, người mà ông thầm yêu trộm nhớ. Ông
đưa cả tên mình và tên của người con gái ấy vào trong ca khúc, nói rằng chính
trời xanh kia đã “níu bước Sơn Khê”.
Nếu biển của Trịnh Công Sơn sẽ dậy
sóng, sẽ phủ rêu phong trên những tảng đá, sẽ bâng khuâng gọi thầm nếu ngày mai
người con gái ấy ra đi, thì biển của Phú Quang sẽ dài rộng hơn nữa nếu “em xa
anh”
“Em xa anh, trăng cũng chợt lẻ
loi thẫn thờ
Biển vẫn thấy mình dài rông thế
Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn
Gió âm thầm không nói
Mà sao núi phải mòn…” (Biển, nỗi nhớ
và em)
Người nhớ biển. Biển nhớ thuyền.
Thuyền nhớ sóng. Thật tự nhiên như tạo hoá đã định. Con sóng nhớ bờ nên ngày
đêm sóng vỗ. Dẫu xa tít ngoài đại dương, sóng vẫn vượt bao cách trở để tìm đến
bờ.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa (Sóng – Xuân
Quỳnh)
“Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu ?
Giấc ngủ nào giường chiếu quạnh hiu
Trăng mờ quê cũ
Người đứng chờ gió đồng vi vu
Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu
Nhớ ngàn năm trôi qua
Biển sóng biển sóng đừng trôi xa
Bao năm chờ đợi sóng gần ta
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù
Biển sóng … biển sóng … đừng xô
nhau” (Sóng về đâu)
Thế
nhưng…
Nào phải lúc nào biển cũng nhẹ nhàng
dịu êm với mây trời lãng đãng. Biển về đêm huyền bí. Biển mạnh mẽ trong những
ngày giông tố.
Với rất nhiều người, biển là nơi bắt
đầu và cũng là nơi kết thúc.
Với rất nhiều người, biển mãi mãi là
nhân chứng của một ký ức chứa đầy hy vọng lẫn sợ hãi, của những tháng ngày đầy
hiểm nguy và trắc trở.
“Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh
chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của
yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê
hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non…”
(Đêm chôn dầu vượt biển)
Khi vượt qua tất cả, nơi đầu tiên họ
tìm về, chính là biển. Đứng trước trời đất và biển rộng bao la, cảm nhận cái vị
mằn mặn muôn đời của biển, để thấy rằng mình và biển thân thiết biết bao nhiêu.
Có một lần tôi lại về nơi ấy
Nơi có biển và nơi có tình em
Một mình tôi giữa hoang lạnh biểm
đêm
Mới nhận thấy cuộc đời này trống
vắng
Chuyện ngày xưa giờ đã thành giọt
đắng
Khiển biển đời đã ngăn cách đôi ta
Khi song gào cuốn tôi xa mãi xa
Những dĩ vãng yêu thương xưa cũ
(Biển cạn – Nguyễn Trung Nghĩa)
“Cao ngất trường Sơn, ôm ắp tình
thương nước ra sông nguồn, tìm về biển Đông, tình yêu thành sông Thái Bình
Dương...” (Biển mặn)
Ngày nay, Biển mặn của Nhật Trường –
Trần Thiện Thanh vẫn được người ta thầm hát với nỗi tiếc nhớ về một vùng biển
nào đó, giờ đã xa.
“Không có nghĩa mỗi lần sóng vỗ
Là nồng nàn hôn cát đâu anh!
Vâng em hiểu ngoài khơi vừa ngập gió
Đưa sóng vào rồi đẩy sóng xa thêm…
Không có nghĩa những con tàu đêm đêm
Chưa ngủ bởi hải đăng còn thao thức
Thăm thẳm giữa đại dương màu mực
Biết về đâu nếu chỉ một thân tàu?”
(Biển bờ - Đinh Thu Hiền)
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu …” (Thuyền và
biển)
Biển với con người là tri âm tri kỷ
đâu phải chỉ vì biển bao dung và hiểu thấu tình của con người, mà biển còn là
cuộc đời, là nguồn sống của nhân loại và là một phần của vũ trụ.
Những con thuyền lớn, bé có thể tồn
tại và hãnh diện vì sự hữu ích của mình chính là những tháng ngày thuyền lênh
đênh trên biển khơi. Ngày xưa, thuyền và biển mang con người đến bến bờ tự do.
Ngày nay, biển đã cùng với thuyền làm nên sự sống cho loài người từ những nguồn
tài nguyên vô tận trong lòng đại dương xanh thẳm.
Nếu một ngày thuyền không còn được
nhìn thấy biển xanh đầy hy vọng và khát khao của một ngày mới, thì ngày ấy, như
mối tình của đôi trai gái, ngày quay về người xưa đã không còn..
Tôi giờ như đá núi buồn ủ rủ
Mong em quay về trên đôi cánh hải âu
Để đá núi - tôi - khỏi nhìn biển
phai mau
Chợt hoảng sợ khi nhận ra biển cạn
Tôi men theo chút lẻ loi ánh sang
Cố tìm ra những dấu vết ngày xưa
Cố mang về hang triệu triệu cơn mưa
Cố đong đầy biển tình em đã hết
(Biển Cạn – Nguyễn Trung Nghĩa)
“Có người từ lâu nhớ thương biển
Ngày xưa biển xanh không như bây giờ
biển là hoang vắng
Cùng tôi biển chết
Cùng em biển tan…” (Biển Cạn)
Cứ như thế cuộc đời ngàn năm sóng
vỗ. Cũng như biển muôn đời là bạn tâm giao của con người. Biển là tình yêu.
Biển là sự sống. Tất cả quay đều và hiện hữu trong vũ trụ này, tự nhiên và thơ
mộng. Như Xuân Quỳnh ngày xưa đã thốt lên rằng
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng dẫu đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
No comments:
Post a Comment