Saturday, January 6, 2018

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần Cuối-Đỗ Văn Minh

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ
(Phần cuối)
Trong những năm 1948-1954, đài phát thanh Hà Nội đã tổ chức hai lần thi hát, chỉ có 2 lần thôi, và phần lớn các người dự thi là nam nữ học sinh. Gọi là thi hát chứ không phải là tuyển lựa ca sĩ cho đài. Kỳ thứ nhất vào dịp đầu hè năm 1953 và kỳ thứ hai vào khoảng trước hay sau Giáng Sinh cuối 1953 đầu 1954. Các kỳ thi đều tổ chức tại đài. Mỗi kỳ có đến cả trăm người ghi tên tranh tài. Và chúng tôi đã theo dõi các kỳ thi hát này một cách thích thú.
Cũng vì thế, cách nay khoảng gần 10 năm, tôi rất ngạc nhiên khi xem chương trình Thúy Nga Paris by Night số 64 với chủ đề “Đêm Nhạc Thính Phòng’’ vinh danh 3 nhạc sĩ nổi tiếng từ những năm 1975 về trước. Trong phần giới thiệu và trình bày nhạc phẩm của người nhạc sĩ thứ nhất, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã kể một giai thoại vui  về vị nhạc sĩ này.  Chuyện kể như sau:
Năm 1953, đài phát thanh Hà Nội tổ chức một buổi tuyển lựa ca sĩ. Vị nhạc sĩ này lúc đó 20 tuổi đã ghi tên dự thi. Tên ông là Trần Trọng Ngọc nhưng ghi dự thi lại lấy tên là Trần Ngọc, bỏ đi chữ đệm, ông mưu trí tính rằng  nếu chẳng may không trúng tuyển thì sẽ không bị xấu hổ vì không ai biết đến cái tên Trần Ngọc là người nào. Sau khi dự thi hát xong, hôm sau ông đến đài xem kết qủa. Ông sửng sốt nhìn bảng kết quả từ trên xuống dưới không thấy tên mình. Bảng có ghi tên Trần Ngọc đậu số một, nhưng ông cứ tìm cái tên cúng cơm là Trần Trọng Ngọc. Đã về nhà ông lại trở ra đài phát thanh để coi lại, mang theo tờ giấy báo danh dự thi, và lúc đó ông mới biết ông mang tên dự thi là Trần Ngọc, ông đã đậu Thủ khoa mà không biết vì lần coi trước ông đã quên không nghĩ ra. Nghe Nguyễn Ngọc Ngạn kể đến đây, tôi thấy nhiều khán giả đã thích thú cười bò. Ông nhạc sĩ đã đạt được kết quả mong muốn: tạo được nụ cười của khán giả và ngầm khoe khi còn nhỏ ông đã là ca sĩ có hạng, đã từng đoạt chức Thủ khoa trong kỳ thi tuyển lựa của đài phát thanh.
Thế nhưng nếu khán giả biết được sự thực thì không hiểu họ sẽ còn cười được nữa không? Sự thực như thế nào? Sự thực là không có cái tên Trần Ngọc nào đã đậu Thủ khoa cả trong 2 lần thi hát cuả đài phát thanh Hà Nội dịp đầu hè 1953 và dịp cuối 1953, đầu 1954. Cả đến đậu Á khoa tức hạng nhì cũng không có nữa. Tôi nhớ rõ, lần thi đầu, Thủ khoa là anh Thanh Hiếu, người đậu thứ nhì là cô Thanh Hằng và lần thi thứ nhì, Thủ khoa là anh Duy Trác, người thứ nhì là cô Kim Tước. Tôi còn nhớ cô Thanh Hằng đậu Á khoa khi hát bài Đêm Xuân của Phạm Duy, đây là lần đầu tôi được nghe bài hát này. Thanh Hiếu tên thực là Thẩm Thành Hiếu, có người anh ruôt là Thẩm Thành Nghĩa lớn hơn 1 tuổi. Niên khóa 1950-1951, cả hai anh em học cùng lớp ở trường trung học Phan Đình Phùng phố Hàng Đẫy. Duy Trác và Kim Tước di cư vào Nam khi có vụ chia đôi đất nước và ở miền Nam, chuyện Duy Trác đậu Thủ khoa kỳ thi hát không ai có thể nhận xằng được. Thanh Hiếu và Thanh Hằng ở lại Hà Nội, và tên tuổi không mấy người còn nhớ tới nữa cho nên đem cái tên Trần Ngọc thay thế cho cái tên Thanh Hiếu ở chức Thủ khoa hẳn phải là ăn chắc.
Vị nhạc sĩ này đã sáng tác một số bản nhạc tình cảm khá làm rung động lòng người, đã được ưa chuộng và được ca ngợi . Đã tạo nên tiếng tăm hẳn hoi như thế, tôi thực không sao hiểu nổi ông còn phải cố tình tiếm danh vị như thế để làm gi? Có làm ông tăng giá trị thêm được chút nào không? Có lẽ vì trong lòng không yên tâm, và cảm thấy ngượng miệng nên ông đã lẩn tránh để cho MC Nguyễn Ngọc Ngạn đứng cạnh MC Kỳ Duyên kể lại hộ giai thoại này, trong khi đó thì chính ông đã đứng bên MC Nguyễn Ngọc Ngạn để tự miệng kể ra những kỷ niệm khác, những giai thoại khác trong cuộc đời làm nhạc của ông. Thêm nữa, 2 lần thi do đài phát thanh Hà Nội tổ chức đều gọi là các cuộc thi hát chứ không phải là để tuyển lựa ca sĩ cho đài phát thanh như ông đã cho biết một cách lầm lẫn, tuy sau đó các ca sĩ trúng giải cũng thỉnh thoảng được đài mời tới hát thêm để góp phần cho đài với các giọng hát mới.
Cũng năm 1953, vào dịp hè, ban hợp ca Thăng Long từ Sài Gòn lần đầu ra Bắc trình diễn. Có lẽ mục đích là để thăm dò phản ứng cùng mức độ thưởng ngoạn của người dân xứ Bắc cho nên họ đã chọn rạp chiếu bóng Bắc Đô ở phố Hàng Giấy, gần chợ Đồng Xuân làm nơi trình diễn, một rạp vào loại nhỏ, có tính cách bình dân. Ban hợp ca có 4 anh em: Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh. Thêm vào đó, có Phạm Duy, đóng vai người lãnh đạo giới thiệu chương trình. Có các màn đơn ca, song ca, hợp ca và nhạc cảnh, các nhạc cảnh ‘Tình hoài hương’ và ‘Tiếng dân chài’. Khán giả đã hết sức thích thú qua màn hợp ca bản “Ngựa phi đường xa” với Hoài Trung vươn cổ lên bắt chước tiếng ngựa hí sao mà giống thế.. Chương trình dài chừng một giờ và sau khi chương trình chấm dứt thì tiếp theo ngay là màn phim chiếu bóng. Phản ứng của công chúng thật hết sức thuận lợi. Vé tất cả các xuất đều bán hết ngay. Lần đầu tiên khán giả Hà Nội được xem 1 chương trình ca nhạc đặc sắc và mới lạ, đặc sắc về cách thức trình diễn, mới lạ về các màn hợp ca và nhạc cảnh. Chúng tôi coi xong còn cố ở lại xem nốt phim chiếu bóng cho đáng đồng tiền, nhưng có nhiều người, khi chương trình chấm dứt, là bỏ về ngay, không cần coi phim. Họ cho rằng xem phim ngay sau đó sẽ làm giảm đi hương vị, làm loãng đi dư âm của các màn ca hát đặc sắc này.
Sau kinh nghiêm ra Bắc rất thành công vào mùa hè 1953, dịp Tết Giáp Ngọ đầu năm 1954, ban hợp ca Thăng Long trở lại đất Bắc, trình diễn tại Nhà Hát Lớn, sân khấu lớn nhất miền Bắc. Lần này ban Thăng Long có 5 người, thêm nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của Hoài Bắc và ban Thăng Long là một thành phần của đoàn ca vũ nhạc Gió Nam. Trước khi tới Hà Nội, Gió Nam đã ghé lại Huế để trình diễn mấy buổi rồi theo chương trình, sau Hà Nội, Gió Nam lại xuống Hải Phòng diễn tại Nhà Hát Lớn để dân chúng Cảng được thưởng thức tài nghệ. Đoàn Gió Nam chủ yếu là ban hợp ca Thăng Long, có thêm nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ban vũ Lưu Bình, Lưu Hồng, Mỹ An, và nhạc sĩ dương cầm Võ Đức Thu. Họ mời thêm danh thủ vĩ cầm số một Hà Nội là Nguyễn Văn Diệp của Âm Nhạc Học Xá cộng tác để có các màn độc tấu vĩ cầm, độc tấu dương cầm và hợp tấu vĩ cầm dương cầm.
Ban vũ của ba anh em họ Lưu với Mỹ An trẻ, đẹp đã nhảy các bản vũ điệu tây phương, dồn dập như Flamenco của Tây Ban Nha, lả lướt như Tango Argentina, và trang trọng như các màn valse của thành Vienne. Quái kiệt Trần Văn Trạch làm khán giả ngạc nhiên thích thú với các bản hài hước như ‘Chuyến xe lửa Mùng Năm’. Không chỉ có tài với các bản hài hước, nghệ sĩ Trần Văn Trạch còn có giọng hát trầm ấm, hết sức truyền cảm trong các nhạc khúc như Sérénade của Schubert lời Việt là ‘Dạ Khúc’, một bài ‘Dạ Khúc’ khác của Nguyễn Mỹ Ca, bài ‘Đêm khuya trên đường Catinat” của chính Trần Văn Trạch sáng tác. Như thường lệ, ban Thăng Long cống hiến các bài đơn ca, song ca, hợp ca, và các màn nhạc cảnh. Ngoài các nhạc cảnh “Tình Hoài Hương’, ‘Tiếng Dân Chài’ còn có các màn nhạc cảnh mới như “Đi Chơi Chùa Huơng’, ‘Mùa Thi’, … Họ có lối trình diễn mới lạ, linh động, với những cử chỉ duyên dáng, nhịp nhàng chứ không như phần đông các ca sĩ đương thời khác, đứng hát cứng nhắc trước cái micro.
Phạm Duy vẫn là người giới thiệu chương trình, lúc đó mới 33, 34 tuổi, đang ở thời kỳ phong độ nhất. Phong cách của Phạm Duy, với lời giới thiệu thiết tha, duyên dáng, giọng nói lôi cuốn, truyền cảm, đã làm say mê công chúng Hà Thành, đã hoàn toàn chinh phục các thanh niên, học sinh chúng tôi. Trong chuyến Bắc Du này, Phạm Duy đã cho ra mắt bản ‘Tình Ca’ do Thái Thanh lần đầu hát trên sân khấu và đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhạc sĩ Tạ Tấn đã nói với các học trò của ông là “nghe Thái Thanh hát ‘Tình Ca’, hát ‘Về Miền Trung’ rồi thì không muốn nghe ai khác hát các bài ấy nữa”. Ấn bản của bài ‘Tình Ca’ cũng được phát hành kịp thời, với bìa ngoài màu tím có hình Phạm Duy. Hơn 10 buổi trình diễn mà không buổi nào còn một chỗ trống.
Có một lần, trong một buổi trình diễn đặc biệt vào sáng chủ nhật với giá vé đồng hạng, không hiểu ban kiểm soát làm ăn ra sao mà khán giả đã ngồi kín chỗ rồi mà còn nhiều người đứng tràn đầy ra cả các lối đi. Đã quá nửa giờ mà chưa thấy vén màn sân khấu. Khán giả, phần đông là thanh niên, học sinh, đã bắt đầu náo loạn. Lúc đó mới có đại diện ban tổ chức ra tuyên bố vì số người quá đông, gây trở ngại và làm mất an toàn trong rạp hát cho nên buổi trình diễn phải hủy bỏ. Khán giả không chiụ ra về và còn làm ầm ỹ hơn nữa. Hai, ba người khác lên nói tiếp nhưng đều vô ích. Cuối cùng ban tổ chức phải mời Phạm Duy ra sân khấu trình bày rằng anh chị em nghệ sĩ sẵn sàng chờ để trình diễn đến lúc nào cũng được, nhưng vì hoàn cảnh thiếu an toàn cho chính các khán giả nên xin mọi người vui lòng ra về và nhớ giữ vé để coi bù vào 1 buôỉ trình diễn sau sẽ được thông báo trên đài phát thanh và báo chí. Lúc đó mọi người mới chịu ra về trong trật tự. Tôi còn nhớ một buổi khác, trong lúc nhạc kịch ‘Đi Chơi Chùa Hương’ do ban Thăng Long đang trình diễn thì đột nhiên cậu bé Duy Quang, lúc đó mới chừng hơn  3 tuổi, từ hậu trường lăng xăng chạy ra ngoài sân khấu, hẳn là để đuổi theo mẹ là ca sĩ Thái Hằng đang đóng vai khách đi lễ chùa, khiến cho ai nấy đều sửng sốt, kể cả các diễn viên lẫn khán giả. Rất may Hoài Bắc, cũng đang là một diễn viên, đã nhanh trí hỏi cậu bé này là con cái nhà ai, có phải đi lạc đường không, rồi dắt cậu bé Duy Quang nhập theo đoàn cùng đi lễ chùa, đóng vai cậu diễn viên tí hon một cách bất đắc dĩ.
Trong thời gian ở Hà Nội, đoàn Gió Nam đã cư ngụ tại một biệt thự đường Hai Bà Trưng. Nơi đây,  khán giả ái mộ, nhất là các nam nữ học sinh chúng tôi, thường tới đê có dịp gặp mặt và được nói chuyện, chụp hình với các nghệ sĩ mà mình ưa thích. Báo chí còn ‘trách yêu’ ban hợp ca Thăng Long là ‘những đứa con hư của đất Bắc’, ý nói rằng những đúa con sinh trưởng, lớn lên từ đất Bắc lại đã bỏ nhà lưu lạc ra đi mãi đến nay mới trở về thăm viếng. Rồi cuối cùng thì đoàn Gió Nam cũng rời Hà Nội, rời vĩnh viễn, không còn có dịp nào trở lại vì chỉ nửa năm sau thì hiệp định Genève chia đôi đất nước ra đời.
Hà Nội tháng 7, 1954. Thành phố như lên cơn sốt. Quân đội Pháp đã rút khỏi Thái Bình, Nam Định lui dần lên phía nam Hà Nội. Lúc này người dân đã hiểu cộng sản qua các đợt cải cách, đấu tố và họ đã đổ xô về Hà Nội chờ đợi di cư vào Nam. Suốt từ chợ Đồng Xuân qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào tới hồ Hoàn Kiếm, người đi kẻ lại tấp nập, đông hơn xa cả những chiều cuối tuần khi trước. Khu phố Gia Long, Bà Triệu, chợ trời mọc lên nhan nhản. Những người quyết định ở lại đua nhau mua sắm đồ đạc của những người sắp sửa di cư sẵn sàng bán tống bán tháo những thứ mà họ biết chắc không thể mang theo.
Gia đình tôi cũng sẽ vào Nam. Bạn bè tôi, những đứa thân nhất, vài đứa sẽ di cư, dăm đứa sẽ ở lại. Chúng tôi hầu hết không có ý kiến riêng, ý thích riêng và phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự định đoạt của gia đình về đi hay ở. Với những đứa sẽ di cư, tôi hứa hẹn sẽ tìm gặp lại nhau tại Sài Gòn. Với mấy đứa ở lại, chúng tôi làm một cuộc tiễn đưa trọn một ngày bằng cách cùng nhau đi thăm, với tôi là lần cuối, vài nơi từng mang dấu vết của những kỷ niệm chung. Chúng tôi lên đường Cổ Ngư ghé qua chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. Hồ bơi bên đường đi vào chùa hoang vắng, không một bóng người. Chúng tôi vào vườn Bách Thảo, lên Núi Nùng, đâu đâu cũng ‘vắng như chùa Bà Đanh’. Rồi vui chân, chúng tôi đạp xe ghé qua Núi Bò lên đến tận Đền Voi Phục, tại đây có một con voi, con voi thật, ở đâu mang tới và không biết để làm gì. Anh chàng chăn voi cho chúng tôi lần lượt thay nhau cuỡi voi đi lại vài vòng, dĩ nhiên là phải trả tiền thuê mướn. Ngay ở Đền Voi Phục, lần đầu tôi cưỡi voi, trong những ngày cuối còn lại ở Hà Nội.
Đầu hạ tuần tháng 7, 1954, tôi lên xe xuống Hải Phòng chờ tàu di cư vào Nam. Rời Hà Nội, còn văng vẳng nghe tiếng ca của bài ‘Hướng về Hà Nội’:
Hà Nội ơi,
Dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về
……..
Hà Nội ơi,
Những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi
Biết bao là nhớ tơi bời.
Đó là nỗi niềm, là tâm sự chung của những người phải rời xa Hà Nội, nhớ Hà Nội, tự hỏi không biết có ngày nào trở về Hà Nội được không. Nỗi lòng ấy đã được Hoàng Dương bày tỏ trong ca khúc ‘Hướng về Hà Nội’, lúc này đang được thịnh hành do ca sĩ đài phát thanh Hà Nội hát đi hát lại.
Trong những năm 1948-1954, có 2 bài hát mang tên ‘Hà Nội’, xuất hiện trong hai hoàn cảnh trái ngược. Đầu năm 1949, thời gian người dân Hà Nội tới tấp bỏ vùng hậu phương hồi cư về thành, có một nhạc sĩ người Sài Gòn ra làm việc tại Hà Nội và ông đã sáng tác bản nhạc ‘Hà Nội 49’. Trong bài hát với nhịp điệu tango nhịp nhàng qua phần điệp khúc dồn dập, tác giả Trần Văn Nhơn đã tỏ tấm lòng yêu mến Hà Nội với lối diễn tả thật là thiết tha. Gần giữa năm 1954, trước khi Hà Nội đổi chủ, trong lúc nhiều người Hà Nội đang chờ phương tiện để di cư thì có một người Hà Nội trước đó vì hoàn cảnh đã phải vào Sài Gòn và từ đây ông đã làm ra bài hát ‘Hướng về Hà Nội’, diễn tả nỗi nhớ thương về thành phố cũ, và mong có ngày trở về. Ca khúc với nhịp điệu chậm rãi, uyển chuyển này đã nói lên nỗi buồn ray rứt nhưng với một niềm tin sẽ có một ngày lên đường hồi hương. Cả hai bài, có thể nhiều người cho là rất bình thường, nhưng với tôi thì mỗi khi nghe hát, tôi lại thấy lòng sao xuyến và tự nhiên có một cảm giác buồn man mác, nhẹ nhàng, vì đó là nhũng bài hát mang dấu ấn kỷ niệm cũa từng chặng đường đời.
Cuối cùng, trưa ngày 4 tháng 8, 1954, tôi bước chân xuống tàu Ville de Saigon lên đường vào Nam. Lúc này lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì thế là phải rời xa đất Bắc biết đến bao giờ mới có ngày trở lại. Vui là vì lòng tôi vẫn nao nức sẽ được đặt chân đến thành phố Sài Gòn, “… là viên ngọc trân châu của Á Đông”, ‘   là nơi người viễn khách thường lui tới” như tôi hằng mơ tưởng khi nghe bài “Sài Gòn Xa Hoa” của Trần Văn Nhơn 4 năm về trước.
* * * * *
Tôi viết về Hà Nội đã dài. Viết về thành phố, nơi tôi đã qua hầu hết tuổi hoa niên trong suốt 6 năm đầu trung học, thì hẳn có biết bao nhiêu điều dể nói, muốn nói. Những kỷ niệm tràn tới liên miên, nhiều lúc tôi không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt nơi đâu, tiếp nối ra sao, thành ra tránh sao khỏi có sự lôi thôi, dài dòng mà tôi hy vọng đó chỉ là sự diễn tả thành thực của một tâm hồn. Hơn nữa, viết về những chuyện, những việc ở thời gian trên dưới 60 năm về trước, lại dựa nhiều vào ký ức của một người tuổi đã quá giữa thất tuần cho nên chắc chắn đã có nhiều sai lầm, thiếu sót về người, về vật, về việc, về ngày giờ, năm tháng, và đôi chỗ có đưa ra ý kiến thì cũng tránh sao khỏi có phần chủ quan. Tôi chỉ biết cố gắng sao cho trung thực, có sao nói vậy, nhớ sao viết vậy, dựa theo khả năng của trí nhớ, để ghi lại tất cả những gì tôi còn biết, còn nhớ về Hà Nội của một thời xa xưa, của hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 2002, tôi về thăm Viêt Nam lần đầu và đã ra Bắc 2 tuần, ở lại Hà Nội 4 ngày. Sau 48 năm xa cách, tôi cảm thấy Hà Nội vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Quen thuộc vì cảnh cũ vẫn còn đây: Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn, đường Cổ Ngư với Đền Quan Thánh và Chùa Trấn Quốc, vườn Bách Thảo với Núi Nùng và gần đó là Chùa Một Cột, rồi Văn Miếu, … Xa lạ trước tiên là các tên đường phố. Con đường Cổ Ngư, cái tên cổ kính đã có từ bao năm qua, nay được đổi tên thành đường Thanh Niên, một cái tên không nói lên được điều gì có ý nghĩa. Đường Hàng Lọng biến thành đường Lê Duẩn, thế là tự nhiên mất đi một cái tên trong băm sáu phố phường. Và còn nhiều nữa… Xa lạ hơn là vì cảnh đó mà sao khác xưa nhiều quá. Đâu đâu cũng người thì đông mà không khí thì náo nhiệt. Tại vườn Bách Thảo, không xa núi Nùng, đã mọc lên 2 trong 4 ‘cái’ của Bác: Nhà Sàn Bác và Ao Cá Bác. (Hai ‘cái’ kia là Lăng Bác và Bảo Tàng Bác). Ao Cá thì chính là cái hồ nước cũ, cái hồ có tường cao ngang ngực bao quanh, nay được chọn đóng nhiệm vụ Ao Bác. Hai ‘cái’ của Bác này lúc nào cũng có người được lôi kéo đến coi xếp hàng dài dằng dặc, chuyện trò ồn ào. Tại hồ Hoàn Kiếm, muốn qua cầu Thê Húc vào thăm Đền Ngọc Sơn phải trả tiền mua vé, mỗi người 1500 đồng, tương đương với 10 cents. Ngay những đại lộ như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, xưa kia đi cả mấy quãng đường mới gặp một người, nhà toàn là biêt thự thì nay xe cộ nườm nượp, hàng dãy cửa hàng buôn bán. Hà Nội lúc này có cả những khu ăn uống ngoài trời về buổi tối với nhiều loại hàng ăn khác nhau như khu gần phố Hàng Buồm, khu sau chợ Đồng Xuân, … khác hẳn với cái lề lối trước kia của người Hà Nội là chỉ ăn trong cửa hiệu, hoặc tại các gánh phở, các hàng xực tắc lẻ loi nơi đầu đường cuối phố hay các hàng quà rong đi bán rao mà thôi.
Suốt thời gian 6 năm, 1948-1954, chỉ có 2 bài hát mang tên Hà Nội: “Hà Nội 49” của Trần Văn Nhơn và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương. Năm 1997, tôi được một anh bạn tặng  băng nhạc chủ đề “Nhớ về Hà Nội” do Diễm Xưa thực hiện. Ngoài bài “Hướng về Hà Nội” quen thuộc, tôi thấy có đến 8 bài khác cùng mang tên Hà Nội. Có 2 bài của người nhạc sỹ ‘phản chiến’ thời VNCH (Nhớ mùa thu Hà Nội và Đoản khúc mùa thu Hà Nội), ông Song Ngọc, một nhạc sĩ loại ‘tàng tàng’ cũng có được 2 bài (Nhớ em Hà Nộivà Hà Nội ngày tháng cũ), còn 4 bài nữa là của các nhạc sĩ Trần Quang Lộc với Có phải em mùa thu Hà Nội, Trương Qúy Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hữu Xuân với Hà Nội mùa lá bay, và Trọng Đại với Hà Nội đêm trở gió. Tôi đã nghe đủ cả 8 bài và cảm thấy vô cùng chán ngán. Đúng là hiện tượng lạm phát bài hát mang tên Hà Nội. Tôi không có được một xúc cảm nào, lòng tôi không rung đông chút nào khi nghe những bài hát này, ngay cả bài của người nhạc sĩ tài hoa trước kia. Dường như nói về Hà Nội, viết về Hà Nội sau khi văn nghệ được Nguyễn Văn Linh cho ‘cởi trói’ là một cái ‘mốt’, và nhiều ông nhạc sĩ cố gắng sáng tác ‘theo thời trang’ để đua nhau làm ra những bản nhạc nghe tên thì lãng mạn lắm nhưng thiếu vắng hẳn nhạc điệu, do những cảm hứng giả tạo và gượng ép.
Tôi không tìm lại được một người bạn cũ nào hết. Một người ở phố Hà Trung thì tôi không nhớ số nhà. Một người ở phố Kim Mã thì tôi không thấy dấu vết ngôi nhà xưa đâu nữa. Có nhà của mấy người tôi tìm thấy thì trước kia đó là nơi họ ở thuê, mà có ai thuê nhà ở suốt gân 5 chục năm liền. Trước khi về nước, tôi nghĩ rằng cứ tìm ra một người thì sẽ gặp đủ các người khác, nhưng cái hy vọng ấy nay đã tan biến hẳn. Đã có quá nhiều thay đổi. Ngôi nhà phố Nam Ngư tôi từng ở hơn 3 năm, nay đã từ 1 tầng xây lên 3 tầng; ngôi nhà phố Hàng Giấy tôi ở trước khi vào Nam mặt tiền không còn dấu vết cũ nào nữa; ngôi nhà đầu Phố Mới ngay trước Ô Quan Chưởng nay đã trở thành một cửa hàng, khách ăn ra vào tấp nập.
Hà Nội không nơi nào còn cái không khí êm đềm, cái khung cảnh vắng lặng nữa. Đâu đâu cũng người đông, nhà cao, xe cộ nhộn nhịp. Hà Nội đã thay đổi, và thay đổi tất nhiên là cần thiết cho sự tiến bộ chung, do đó phải chấp nhận cả những điều hay lẫn những điều dở. Nhưng riêng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thậy ngậm ngùi. Hà Nội, với tôi, mãi mãi vẫn là một khung trời kỷ niệm, là hình bóng của một ‘mối tình đầu’ kéo dài cho đến nay trong những ngày mãn chiều xế bóng.
20-7-2011
© Đỗ Văn Minh


Mời click các links dưới đây để xem toàn bộ "Hà Nội: 1948-1954 Những Năm Thánh Cũ"

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 4-Đỗ Văn Minh

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ (4)
Nhà Hát Lớn Hà Nội
Một người nữa từng là văn sĩ, thi sĩ thời tiền chiến là Hồ Dzếnh, tác giả tập truyện ngắn tình cảm “Chân Trời Cũ”, có nhiều truyện thật cảm động, và 2 tập thơ “Quê Mẹ” và “Hoa Xuân Đất Việt” trong đó ông ca tụng người mẹ Việt Nam với nhiều hình ảnh chứa chan tình tự. Hồ Dzếnh là người Minh Hương tức Tàu lai, bố Tàu mẹ Việt. Về Hà Nội, Hồ Dzếnh mở hiệu sách Trung Phương ở đầu phố Huế nối tiếp với phố Hàng Bài, nhưng sống âm thầm và không thấy có hoạt động văn nghệ nào.
Nói đến thi sĩ Hồ Dzếnh thì không thể không nhắc đến một thi sĩ khác, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tác giả các tập Thơ Say, Mây, những vở kịch thơ Vân Muội, Trương Chi của những năm trước 1945. Về thành, Vũ Hoàng Chương dạy Việt Văn ở trường Văn Lang của giáo sư Ngô Duy Cầu, trong khi vẫn tiếp tục làm thơ và viết kịch thơ, vở kịch thơ “Tâm sự kẻ sang Tần” với quan niệm ‘bất quan thành bại luận anh hùng’ để đánh giá hành động mưu sát Tần Thủy Hoàng của Kinh Kha thời Chiến Quốc. Tôi cũng còn nhớ sau Tết Nhâm Thìn đầu năm 1952, thầy Vũ Hoàng Chương đã ngâm trong lớp đệ tứ B3 cho học trò nghe bài thơ (tôi không nhớ tên) ông mới làm để ca tụng chiến thắng trận Đống Đa của vua Quang Trung nhân ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Rồi ông cho xuất bản tập thơ Rừng Phong vào cuối năm 1953. Tôi còn nghe nói thời gian khi mới từ ngoài khu về Hà Nội, vì sinh kế, Vũ Hoàng Chương đã phải viết cả đến loại tiểu thuyết võ hiệp, quyển Mai Hoa Kiếm Khách, cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh để lấy tiền sinh sống. Tất nhiên ông chỉ dùng một bút hiệu nào đó chứ không dùng tên thật cho loại sách rẻ tiền này.
Vũ Hoàng Chương viết kịch, nhưng tất cả đều là kịch thơ, vì bản chất Vũ Hoàng Chương chỉ là một thi sĩ. Nói đến kịch, kịch văn xuôi thì không thể quên được kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, tác giả những tập kịch ngắn như ‘Nhũng bức thư tình’, ‘Mơ hoa’, vở kịch dài ‘Ngã ba’ thời tiền chiến. Đoàn Phú Tứ bỏ kháng chiến về Hà Nội muộn vào tháng 7 năm 1951 và cũng như Vũ Hoàng Chương, dạy Việt Văn tại trường Văn Lang. Cùng dạy một lớp, ông phụ trách phần giảng văn trong khi thi sĩ họ Vũ phụ trách phần luận văn. Ông còn giảng Kiều ở Đại Học Văn Khoa nữa. Tuy không chính thức ở trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhưng ông có nhiều giao tình thân thiết với nhóm này cho nên khi giảng kim văn, ông thường kể cho học sinh nghe một số giai thoại về văn đoàn này. Ông cho biết trường hợp nào Thế Lữ đã sáng tác bài “Cây đàn muôn điệu”, tại sao thi sĩ Xuân Diệu lại được gọi là Xuân ‘Rượu’,…  Nhưng khác với Vũ Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ khi về thành, trong thời gian 3 năm (1951-1954) đã không soạn một vở kịch nào, làm một bài thơ nào, và không có một bài viết nào ngoài lãnh vực văn nghệ thuần túy. Năm 1952, ông lập gia đình và làm cho không những các học trò của ông mà cả giới văn nghệ Hà Nội phải hết sức ngạc nhiên, xôn xao, bàn đi tán lại. Người ông muốn cưới là cô nữ sinh nhan sắc, con nhà gia giáo cổ truyền, nhưng kém ông tới 21 tuổi, người đã say mê những bài giảng của ông, đã phục ông là một người tài hoa, uyên bác, ăn nói có duyên, do đó đã cương quyết cùng ông lập gia đình trong khi toàn thể cha mẹ anh chị em họ hàng cực lực phản đối. Biết tính nết uơng ngạnh, cá tính mạnh mẽ của cô con gái, rút cục gia đình cũng phải chấp nhận để hai bên có một lễ cưới theo nghi thức hẳn hoi.
Những văn nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội thời ấy sáng tác nhiều hơn các nhà văn thơ tiền chiến. Người ta thấy xuất hiện những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Hoàng Công Khanh, Hoàng Phụng Tỵ, Vĩnh Lộc, …
Về tiểu thuyết, Nguyễn Minh Lang và Thanh Nam là hai cái tên đi sóng đôi với nhau nhưng Thanh Nam còn làm thơ mà Nguyễn Minh Lang thì không. Cả hai đều sáng tác nhiều tiểu thuyết, vừa truyện dài lẫn truyện ngắn. Nhưng rồi Thanh Nam bỏ Hà Nội vào Sài Gòn khá lâu trước khi có cuộc di cư năm 1954. Nguyễn Minh Lang là một tác giả thuộc loại ‘ăn khách’, nhất là với giới phụ nữ. Năm 1950, ông cho ra mắt truyện ngắn ‘Trăng Đồng Nội’ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. Câu chuyện tản cư đượm màu sắc lãng mạn trong không khí thơ mộng của những ngày đầu kháng chiến đã chinh phục ngay được nhiều độc giả. Những tiểu thuyết ‘Hoàng tử của lòng em’, ‘Cánh hoa trước gió’.., ông đã viết với lối văn bay bướm, tình tứ rất thích hợp với những chuyện tình ướt át.. Trong cuộc sống riêng tư, Nguyễn Minh Lang đã có mốí tình với nữ ca sĩ Tâm Vấn của đài phát thanh Hà Nội, nhưng khi đất nước chia đôi thì Nguyễn Minh Lang ở lại còn người ca sĩ kia thì dứt khoát lên đường vào Nam. Đặc biệt là ngoài nghiệp văn chương, Nguyễn Minh Lang còn hành nghề may âu phục, âu cũng là điều lạ với một người chuyên viết những tiểu thuyết thuộc loại diễm tình.
Một nhà thơ trẻ đang lên là Hoàng Phụng Tỵ với thi phẩm được nhiều người biết đến là tập “Hương Thơ Mùa Loạn”. Năm 1951, ông bị động viên vào khóa 1 trường sỹ quan trừ bị Nam Định và sau đó năm 1953, ông được cử làm huấn luyện viên cho các lớp Cao Đẳng Quân Sự  (PMS – Préparation Militaire Supérieure) tại các trường trung học ở Hà Nội. Trong các buổi học về quân sự học đường này, ông thường hoà mình với các học sinh, chuyện trò thân mật, và sẵn sàng trả lời, không phải các câu hỏi liên quan đến nhà binh mà là các câu hỏi có tính cách tò mò về các chuyện văn nghệ mà ông biết rõ. Chẳng hạn chuyện tình giữa văn sĩ Nguyễn Minh Lang và ca sĩ Tâm Vấn, hoặc có phải nữ danh ca Minh Đỗ có chồng là người nhạc sĩ chơi đại hồ cầm trong ban nhạc đài phát thanh Hà Nội, có phải nhà văn Bùi Xuân Uyên là con nữ sĩ Tương Phố, tác giả thiên ‘Giọt Lệ Thu’ của thời Nam Phong Tạp Chí xa xưa?
Nhưng viết kịch mà được nhiều người biết đến hơn cả có lẽ là Hoàng Công Khanh với vở kịch thơ “Bến Nước Ngũ Bồ” đã được diễn nhiều lần trên sân khấu Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội. Hoàng Công Khanh còn viết nhiều tiểu thuyết như “Trại Tân Bồi”, “Yêu chỉ một lần”, “Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu”, “Mối tình đầu”, …phần nhiều mang hơi hướm lãng mạn và đầy mùi vị tiểu tư sản, rất được độc giả ưa thích. Thế nhưng vào những ngày đất nước sắp chia đôi, những ngày Hà Nội chờ đón “quân ta” trở về thì Hoàng Công Khanh cho ra mắt tác phẩm viết vội mang tên là “Quan điểm văn nghệ nhân dân”. Thái độ trở cờ của Hoàng Công Khanh đã bị công kích kịch liệt vì đầu năm 1954, tác phẩm “Mối Tình Đầu” của ông, được quảng cáo là món quà cưới cho những cặp tình nhân, còn chưa ráo mực thì giữa năm 1954, ông đã vội ‘đón gió’ ca tụng văn nghê “nhân dân” hòng lập công với những chúa trùm văn nghệ mới ở ngoài khu sắp sửa vào thành.
Có một nghệ sĩ đặc biệt, không thuộc thành phần trẻ nhưng cũng không hẳn thuộc lớp tiền chiến, đó là Tạ Tỵ. Gọi là nghệ sĩ vì Tạ Tỵ là một người làm văn nghệ toàn diện. Ông viết văn, làm thơ và còn là một hoạ sĩ, một họa sĩ nổi tiếng về những bức tranh lập thể. Ông là người đi tiên phong ở Hà Nội trong truờng phái họa này của Picasso, đã trưng bày các họa phẩm ở Nhà Hát Lớn và Nhà Khai Trí Tiến Đức bên Hồ Hoàn Kiếm. Tạ Tỵ viết nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí, rồi gom góp lại thành tác phẩm xuất bản có tên là “Những Viên Sỏi”.
Còn nhiều người nữa, nhiều văn nghệ sĩ khác đã góp phần vào thị trường chữ nghĩa của Hà Nội thời bấy giờ như Vĩnh Lộc với tiểu thuyết “Bừng Sáng”, Triều Đẩu với thiên phóng sự “Trên vỉa hè Hà Nội”, Trúc Sĩ với “Kẽm Trống”, …
Và về bộ môn kịch thì không thể quên được Vũ Khắc Khoan với kịch bản “Thằng Cuội”. Ông là giáo sư Việt Văn các lớp Đệ Tam và Đệ  Nhất trường Trung Học Nguyễn Trãi, tại đây ông lập ra sân khấu Côn Sơn để các học sinh diễn kịch trong các buổi văn nghệ tất niên của trường mà một diễn viên học sinh ông đặc biệt qúy mến về tài năng là Long Cương, niên khóa 1953-1954 học lờp đệ tam ban C. Vũ Khắc Khoan cũng đã cùng với Phan Tại lập ra Hoa Quỳnh Kịch Xã, có sự đóng góp của thi sĩ Vũ Hoàng Chưong.
Ở Hà Nội thời đó, ngoài Hoa Quỳnh Kịch Xã còn có Sông Hồng Kịch Xã với những chiều kịch mùa hè, những đêm kịch mùa thu, tất cả đều diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Các đoàn kịch này đã trình diễn các vở “Lên Đường”, “Cô Gái Nước Tần”, “Kiều Loan” của Hoàng Cầm, “Vân Muội”, “Tâm Sự Kẻ Sang Tần” của Vũ Hoàng Chương”, “Bến Nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh, “Thằng Cuội” của Vũ Khắc Khoan, … Có lần trường kịch nổi tiếng của Tàu là  “Lôi Vũ” của Tào Ngu đã được công diễn mấy buổi liên tiếp. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Những đoàn kịch như Sông Hồng hay Hoa Quỳnh đều không phải là những đoàn nhà nghề trình diễn thường trực, những diễn viên đều là tài tử cho nên tên tuổi không mấy ai nhớ được.
Khán giả kịch có tính chất chọn lọc, không như khán giả bình dân của cải lương, chẳng hạn đoàn Kim Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô ở rạp Tố Như phố Hàng Bạc, có khi một vở tuống diễn cả mấy tuần liền mà người coi vẫn đông đảo. Người xem thuộc lòng tên những diễn viên đoàn Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long như Kim Chung, Kim Xuân, Ngọc Toàn, Ba Hội, hay của các đoàn khác như Ái Liên, Bích Hợp, và Huỳnh Thái “Cây Sái cuả Bắc Việt”. Năm 1952, đoàn kịch Quốc Gia danh tiếng của Pháp từ Paris qua diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội mấy vở kịch cổ điển như Les Misanthropes của Molière, Homère của Corneille, và Iphigénie của Racine nhưng chỉ được mấy buổi rồi cũng không còn khán giả nữa. Trái lại, năm 1953, đoàn cải lương Phụng Hảo từ Sài Gòn ra Hà Nội với các danh tài như Phùng Há, Bích Thuận, Thanh Loan, Ba Vân, … trong các vở tuồng mà nổi tiếng nhất là Phụng Nghi Đình. Sau khi trình diễn ở Nhà Hát Lớn 2 tuần liền, đoàn chuyển về rạp Porte d’Or ở phố Hàng Buồm mà vẫn đông khách cho nên còn diễn thêm hơn một tuần nữa mới trở vào Nam.
Một chiều kịch vào đầu hè năm 1950, trong lúc chờ đợi đổi màn, có các ca sĩ ra hát phụ diễn. Tôi nhớ khi đó nam ca sĩ Kim Tiêu ra hát bài Tiếng Hát Sông Lô do Phạm Duy sáng tác để ca tụng chiến thắng quân Pháp trên sông Lô năm 1947. Phạm Duy lúc ấy còn ở ngoài kháng chiến, và bài hát này của ông đã được truyền về Hà Nôi, nhưng chưa hề được trình diễn chính thức vì có những lời ca chửi rủa quân Pháp nặng nề. Vậy mà giữa Nhà Hát Lớn trong lòng Hà Nội, Kim Tiêu đã hát theo nguyên bản lời ca với những câu:
Trên nước sông Lô, giặc lên ăn cướp dân ta
Quân cướp tham ô ngày nao đã chết không ngờ
….
Hai ngàn quân cướp vùi thân
Trên dòng sông Lô Giang
Súng thần công vang vang 
Khán giả đã nhiệt liệt vỗ tay hoan hô và Kim Tiêu đã phải hát lại bài này một lần nữa. Đây là một hiện tượng biểu hiện tâm lý chung của nhiều người dân Hà Nội trong những năm 1950 đến 1953. Đã bỏ vùng hậu phương về thành để chấp nhận sống dưới quyền kiểm soát của quân Pháp, thế nhưng người ta vẫn có cái khuynh hướng có thể gọi là “vọng kháng chiến”, ghét Pháp và miệt thị chính quyền quốc gia do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo. Một lần khác, cuối năm 1951, trong giờ Sử ở lớp đệ tứ trường Văn Lang, giáo sư Trương Hoàng Minh sau khi giảng bài xong đã kể cho học sinh nghe chuyện đại hội hòa bình tổ chức tại Đông Đức vừa mới chấm dứt. Ông cho biết trong đại hội này, phái đoàn nước VNDCCH khi tiến vào hội trường đã được hoan hô nhiệt liệt, được đoàn viên nam nữ các nước anh em ôm hôn thắm thiết vì đang nêu gương tranh đấu giành độc lập chống thực dân Pháp. Học sinh đã rú lên, suýt xoa tỏ lòng sung sướng và hoan nghênh giáo sư đã không sợ bị bắt bớ nguy hiểm đến bản thân. Vào thời gian đó, nhiều tờ báo ở Hà Nội đã không dấu diếm thái độ thân kháng chiến, họ cho như thế mới đúng là trí thức tiến bộ. Các vở kịch thơ của Hoàng Cầm như ‘Lên Đường’, ‘Cô gái nước Tần’ có nội dung đề cao lòng yêu nước đã được đăng trên báo, được diễn trên sân khấu. Ngay kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, trước khi hồi cư về thành, cũng đã nói: “Vào sống ở Hà Nội nhưng sẽ không làm gì phương hại đến kháng chiến”.
Thực ra, thái độ này cũng không phải là hoàn toàn nghịch lý. Tôi xin kể một chuyện mà tôi đã tận mắt chứng kiến.
“Vào một trưa hè năm 1951, tôi và vài người bạn lên tắm ở hồ bơi bên chùa Trấn Quốc, lúc đó có tất cả khoảng hai, ba chục người vừa nam vừa nữ. Mọi người đang vui vẻ đùa nghịch, bơi lội thì thình lình có 4 tên lính Pháp lưng đeo súng trường, dắt 2 con chó săn to lớn từ ngoài đường Cổ Ngư đi vào. Thấy chúng tôi đang tắm, chúng liền suỵt cho 2 con chó nhẩy xuống hồ tắm hùng hục bơi qua bơi lại. Chúng tôi, nhất là mấy chị phụ nữ, vội vã lên bờ hoặc lên ngồi trên cầu nhảy. Một thanh niên lớn tuổi tự động đến nói phải quấy với mấy tên Pháp, yêu cầu chúng gọi hai con chó lên vì đây là hồ cho người bơi lội chứ không phải để cho loài chó tắm. Lập tức 4 tên lính Pháp vây quanh anh thanh niên này, sừng sộ to tiếng nói mày là Việt Minh hả, có muốn tao bắt vào cho an ninh, phòng nhì tra xét không. Anh thanh niên sợ hãi lí nhí nói mấy câu dường như là xin lỗi, còn chúng tôi cũng sợ không dám có thái độ gì để bênh vực, riêng mấy chị phụ nữ vội rút vào trong phòng thay đồ.  Doạ dẫm một hồi, chán rồi 4 tên lính cũng gọi 2 con chó lên và nghênh ngang ra đi. Chúng tôi cảm thấy vô cùng tủi nhục trước thái độ hèn hạ của chính mình, nhưng không ai dám có hành động gì e mang vạ vào thân”.
Bằng những hành động thất nhân tâm như thế, thêm vào là những cơ quan như cảnh sát, công an, phòng nhì, an ninh quân đội, nơi nào cũng ỷ thế có quyền bắt giữ, tra hỏi, thành ra làm sao người dân có cảm tình với đội quân chiếm đóng được. Hơn thế nữa, vào thời gian này, cộng sản chưa lộ rõ bộ mặt thật. Chưa có đấu tố, chưa có cải cách ruộng đất, cái hào quang kháng chiến vẫn còn rực rỡ, đó là điều giải thích cho cái thái độ có phần nghịch lý của người dân trong thành: theo Pháp, sống với Pháp mà vẫn ghét Pháp, vẫn chống Pháp.
Sau văn, thơ, và kịch thì đến phần nhạc. Nhạc ở Hà Nội trong những năm 1948-1954.
Cuối năm 1948 khi hồi cư về Hà Nội, tôi đã hết sức xúc động mỗi khi nghe bài Ngày Về của Hoàng Giác do Ngọc Bảo ca. Những câu
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
đã thực sự thấm vào tâm hồn vì sao nó hợp với hoàn cảnh lúc ấy đến thế!
Nói về nhạc thì phải nói ngay đến đài phát thanh Hà Nội, nơi có chương trình ca nhạc hàng ngày. Hà Nội thời đó làm gì có các đại nhạc hội mà chỉ thỉnh thoảng có phụ diễn ca nhạc tại các rạp chiếu bóng trước khi chiếu phim với một ban nhạc tài tử dăm bẩy người kể cả ca sĩ. Cho nên chúng tôi ngóng chờ mỗi buổi tối để đón nghe chương trình “Ban Đàn Việt Nhạc” của đài phát thanh từ 7 giờ tới 7 giờ 30 phút, thời gian chỉ vỏn vẹn có nủa giờ. Ca sĩ ở Hà Nội hiếm hoi lắm! Tôi nhớ hát thường trực tại đài lúc đầu chỉ có nữ ca sĩ Minh Đỗ và nam ca sỉ Ngọc Bảo, sau có thêm các ca sĩ Tâm Vấn và Quách Đàm (Khuất Duy Đàm, chú ruột của ca sĩ Khuất Duy Trác). Thỉnh thoảng có ca sĩ ngoài vào hát thêm vài bài chẳng hạn như nhạc sĩ Hoàng Giác. Ban nhạc, khi giới thiệu ca sĩ, thì gọi là Cô Minh Đỗ, là Tài Tử Ngọc Bảo: “ … xin giới thiệu bài ‘Tiếng Thời Gian’ của Lâm Tuyền do Cô Minh Đỗ ca -  bài ‘Tôi bán đường tơ’ của Thẩm Oánh do Tài Tử Ngọc Bảo ca”. Minh Đỗ là ca sĩ có giọng hát điêu luyện, nổi tiếng với những bản nhạc bán cổ điển hay có hơi hướm bán cổ điển. Cô có chồng là Thái Ban, người nhạc sĩ chơi đại hồ cầm trong Ban Đàn Việt Nhạc. Còn Ngọc Bảo là người ca sĩ có giọng hát thiên phú, hơi dài, mạnh mà êm. Hè năm 1953, Ngọc Bảo được hãng đĩa mời sang Pháp để thu đĩa một số bài hát cùng với ban nhạc người Pháp. Cũng năm 1953, vợ chồng Ngọc Bảo có mở một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Hàng Gai khúc gần hồ Hoàn Kiếm và dần dần Ngọc Bảo không còn xuất hiện đều đặn trên đài phát thanh nữa.  Điều đáng ghi nhận là  trong khi  đài phát thanh Hà Nội  có cặp Ngọc Bảo – Minh Đỗ thì đài phát thanh Huế có cặp Châu Kỳ – Mộc Lan và đài phát thanh Sài Gòn có cặp Mạnh Phát – Minh Diệu, tất cả đều cùng nổi tiếng một thời.
Các ca sĩ thời gian này hầu hết đều đơn ca, hiếm thấy có song ca. Chưa từng thấy song ca nam nữ Ngọc Bảo-Minh Đỗ hay song ca đôi nữ Minh Đỗ-Tâm Vấn, … Chỉ một lần vào dịp đầu thu năm 1952, tại Nhà Hát Lớn trong một buổi văn nghệ nào đó, có cặp ca sĩ Tâm Vấn và nhạc sĩ Canh Thân dắt tay nhau ra nhún nhẩy song ca mấy bài hát thể điệu swing nhộn nhịp của Canh Thân như ‘Túi Đàn’, ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’. Lối trình diễn sống động mà ngổ ngáo của cặp Tâm Vấn – Canh Thân vào lúc đó thật lạ, mới thấy lần đầu. Mãi đến những năm 1953, 1954, Hà Nội mới có ban hợp ca Hạc Thành của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, ban tứ ca đầu tiên ở Hà Nội với 4 anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo, và tất nhiên là có song ca của hai chị em Thể Tần – Hồng Hảo và của hai anh em Nhật Bằng – Nhật Phượng. Ban Hạc Thành có thể coi như rập khuôn theo ban hợp ca Thăng Long của 4 anh em Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh, là một ban Mini Thăng Long.
Đài phát thanh Hà Nội trong các năm 1948-1950 có một chuyên viên kỹ thuật người Sài Gòn, nhưng đồng thời cũng là một nhạc sĩ sáng tác. Đó là Trần Văn Nhơn tức APNC. Không thấy có ai, kể cả tác giả nữa, cắt nghĩa APNC là viết tắt của những chữ gì, hay có ý nghĩa gì, như thời tiền chiến đã có văn thi sĩ Đái Đức Tuấn mang biệt hiệu là TCHYA, có nghĩa là ‘Tôi CHẵng Yêu Ai’, rồi lại có ông văn sĩ Trần Quang Trân lấy tên là NGYM tức ‘NGười Yêu Mợ’. Các ông văn nghệ sĩ thật là rắc rối! Trần Văn Nhơn hẳn phải nặng lòng yêu mến Hà Nội nên năm 1949 ông đã sáng tác bài ‘Ảo Ảnh Chiều Thu” với câu mở đầu “Kinh thành Thăng Long trong bóng sương chiều”, rồi đến bài ‘Hà Nội 49” với câu “Bước men quanh hồ Hoàn Kiếm gió thu, chiều úa”. Sang năm 1950, ông cho ra mắt bài Sài Gòn Xa Hoa. Trong khi 2 bài về Hà Nội có tiết điệu êm đềm, lả lướt thì bài về Sài Gòn đã thật nhộn nhịp tưng bừng như nhịp sống quay cuồng của cái thành phố mà Trần Văn Nhơn đã diễn tả trong điệp khúc:
Sài Gòn là viên ngọc trân châu của Á Đông
Sài Gòn là nơi người viễn khách thường lui tới
Tửu điếm, Trà đình, Đại Thế Giới
Kim Chung, nơi vùi chôn xác con người đảo điên.
Nhưng sau đó thì không thấy Trần Văn Nhơn sáng tác thêm bài nào nữa, và rồi không nghe nói tới ông, không biết tung tích của ông, ngay cả ở Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954.
Thủa ấy, nhà xuất bản lớn nhất, ấn hành hầu hết các bản nhạc từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế. Tại Hà Nội có nhà xuất bản Thế Giới ở phố Huế củng in và phát hành một số ít các bản nhạc nhưng trình bày không đẹp và không được phổ biến rộng rãi bằng nhà Tinh Hoa. Các nhạc bản của Tinh Hoa bìa trước thường có hình ảnh phong cảnh thích hợp với nhạc phẩm, 2 trang giữa in bản nhạc và trang bìa sau có hình tác giả bài hát hoặc hình ca sĩ hoặc in danh sách các bản nhạc của nhà xuất bản theo số thư tự. Giá 1 bản nhạc là 5 đồng, bằng giá tiền một bát phở.
Khoảng năm 1950, khi xem bản nhạc Bến Xuân của Văn Cao do Tinh Hoa ấn hành với những câu mở đầu
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khp bến xuân
thì lần đầu tôi được biết đây mới chính là tên và lời của bản nhạc mà trước kia tôi cứ tưởng đó là bài Đàn Chim Việt. Thời gian sau Cách Mạng Mùa Thu Tháng Tám năm 1945, cùng với các bản nhạc cách mạng như Tiến Quân Ca, Diệt Phát Xít, Nhớ Chiến Khu.., tôi, lúc đó còn là cậu bé trên 10 tuổi, đã say mê hát bài Đàn Chim Việt mà lời ca khác hẳn với lời của bản Bến Xuân này mà tôi mới được biết.
Tôi còn nhớ vào năm 1946, có đoàn văn nghệ từ Hà Nội lên Sơn Tây ra mắt khán giả ở rạp hát duy nhất của thành Sơn tại phố Cửa Tiền và toán nhi đồng mười mấy đứa chúng tôi đã được anh cán bộ phụ trách dẫn vào coi. Đoàn văn nghệ thủ đô này có các nghệ sĩ tên tuổi đương thời như ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Duy, các ca sĩ Thương Huyền, Mai Khanh, …Trong các tiết mục trình diễn. tôi nhớ nhất là hình ảnh trong màn ca vũ bài Đàn Chim Việt do 3 chị em Mai Sinh, Mai Dậu, Mai Ngân trình diễn. Mai Sinh và Mai Dậu lúc đó chừng 18 đến 20 tuổi, còn Mai Ngân nhỏ hơn hẳn, khoảng 14, 15 tuổi. Cả 3 chị em đều mặc áo dài đỏ, trên vai khoác một tấm lụa trắng mỏng. Khi màn sân khấu từ từ vén lên, Mai Sinh tiến ra sân khấu, vừa đi vừa vung vẩy hai tay ngang vai như đôi cánh chim, vừa ngâm
Chiều nay run rẩy tha đôi cánh
Một bóng sơn ca đến lạc loài
Về đâu …….Về đâu……
Ngay lập tức, từ hậu trường hai chị em Mai Dậu và Mai Ngân bước ra nhập với Mai Sinh, cả ba cùng nhịp nhàng vừa múa với giải lụa trắng vừa hát tiếp
Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
Bao cánh đang cùng rập rờn trên khắp cố đô
Thì ra khi cách mạng Mùa Thu tới thì Bến Xuân phải biến thành Đàn Chim Việt để phục vụ cho cách mạng, vì thế mới có Đàn Chim Việt nhớ chiến khu với cái cảnh “hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành”, cái thủa “trời Bắc Sơn kia thời vung cánh”, rồi “nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế”, và hình ảnh “chim đang bay qua Bắc sang Trung”…
Văn Cao theo kháng chiến cho đến sau tháng 10-1954 mới trở về Hà Nội, nhưng ông đã không còn sáng tác nữa sau bài Trường Ca Sông Lô năm 1947. Phạm Duy đến tháng 5-1951 mới hồi cư, nhưng ông và gia đình Thăng Long cũng chỉ ở Hà Nội một thời gian ngắn rồi vào Sài Gòn lập nghiệp. Các nhạc sĩ kỳ cựu nhất ở Hà Nội có lẽ là Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Nhưng rồi nhạc sĩ họ Dương cũng vào Nam lấy nữ ca sĩ Minh Trang để lại gia đình ở Hà Nội có cô con gái học trường Trưng Vương. Ông có căn nhà nhỏ một tầng kiểu biệt thự quét vôi trắng xóa ớ con phố nhỏ không có lề đường, gần phố Huế, quãng có hiệu sách của thi sĩ Hồ Dzếnh đi vào. Đêm giao thừa Tân Mão đầu năm 1951, chúng tôi đã thức nghe chương trình tân nhạc đặc biệt đón xuân của đài phát thanh Hà Nội và đã nghe lần đầu bài ‘Hồn Xuân’ của Thẩm Oánh
Hồn Xuân, bát ngát hương xuân
Ngập trời, óng chuốt thanh tân
và bài ‘Xuân Tươi’ của Dương Thiệu Tước
Gió xuân đến mơn man trên cánh hồng tươi thắm
Bấy oanh yến tưng bừng vui đón chào mừng xuân
Nhạc sĩ Canh Thân về thành trong khoảng năm 1951. Ông là tác giả bài hát nổi tiếng ‘Cô Hàng Cà Phê’ rất được giới trẻ ưa thích, cùng các bản nhạc vui tượi, nhộn nhip như ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’, ‘Túi Đàn’, ‘Khúc Ca Mùa Hè”,…Canh Thân còn là một ca sĩ, là cậu của nghệ sĩ cải lương Ái Liên, từng hát tân nhạc phụ diễn trong gánh cải lương Ái Liên với cái tên Tony Thân. Đầu năm 1954, ông sáng tác một bài nhạc thật đặc biệt, có những câu hát như lời nói thường. Tôi không nhớ tên bài này, tả cảnh con chó của nhà giàu, mở đầu bằng
Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia
Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm
…..
Anh bồi lại lấy trứng gà đập vào
Bốn chiếc trứng xinh đẹp sao
Mà chó thì liếm một loáng là hết ngay
rồi ông kết luận
Rằng nó sướng thế,
Rằng nó sướng hơn thằng tôi nhiều.
Có lẽ Canh Thân là người đầu tiên và cũng là cuối cùng làm loại nhạc với đề tài như vậy.
Vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ ở Hà Nội còn có Hoàng Giác.
Trong những năm 1948-1954, Hoàng Giác nhà ở phố Cầu Gỗ, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm 1 khúc đường ngắn. Phố Cầu Gỗ, nằm thẳng góc với phố Hàng Đào, một đầu trông ngay ra Hồ Gươm, có nhiều nhà hàng quen thuộc với giới thanh niên học sinh Hà Nội như Cà Phê Tùng, Cà Phê Giảng, Phở Đông Mỹ, … Nhạc sĩ Hoàng Giác còn là một ca sĩ nổi tiếng với giọng hát trầm ấm, nổi tiếng cả về ngâm thơ nữa. Tuy không phải là ca sĩ thường trực nhưng ông cũng thỉnh thoảng hát trong ban đàn Việt Nhạc của Đài Phát Thanh Hà Nội và trong những buổi văn nghệ tại Nhà Hát Lớn, và đôi khi trong các buổi phụ diễn tân nhạc.
Vào những năm khoảng 1952-1954, Hoàng Giác nhập ngũ với cấp bậc hạ sĩ quan, phục vụ tại Phòng Năm, Tâm Lý Chiến thuộc Đệ Tam Quân Khu tại Hà Nội. Trong thời gian này, dường như vào năm 1953-1954, ông sáng tác bản nhạc “Chú Cai”, nhịp điệu vui nhộn, với những câu mở đầu
Từ ngày tôi lên Cai
Việc làm rất nhiều
Tinh sương cho đến tối
Lắm cái lôi thôi ….
Từ ngày tôi lên Cai
Việc làm rất nhiều
Binh ngoan cho nốt tốt
Lười, cho coóc-vê (corvée)
Sau năm 1954, Hoàng Giác ở lại Hà Nội, và trong nhiều năm, các sáng tác của ông đã không còn được hát nữa. Tuy nhiên những bài như Ngày Về, Mơ HoaQuê Hương đến nay vẫn còn truyền tụng, riêng bản ‘Chú Cai’ vì mới sáng tác chưa được bao lâu nên đã sớm bị rơi vào quên lãng, và chắc lúc này không mấy người còn nhớ đến bài hát vui này nữa.
Hà Nội còn nhiều nhạc sĩ khác, như Nguyễn Văn Khánh với các ca khúc thích hợp cho đàn lục huyền cầm Hạ Uy Di như ‘Thu’, ‘Chiều Vàng’, ‘Nỗi Lòng’,… như Hoàng Trọng nổi tiếng là ‘vua’ Tango với các sáng tác ‘Phút Chia Ly’, ‘Đường Về’, ‘Ngàn Thu Áo Tím’, … , Nguyễn Túc, Nguyễn Thiện Tơ, … nhưng các nhạc sĩ này thường kín tiếng, không thường xuất hiện nên ít được nói tới.
Thời ấy, muốn học nhạc lý, hòa âm, âm điệu, giai điệu hay học piano ở Hà Nội thì phài đến Âm Nhạc Học Xá của cụ Giám Đốc Duyệt ở gần hồ Thuyền Cuông. Tại đây còn có nhạc sư Nguyễn Văn Diệp dạy violon, cây violon số một của Hà Thành.
Học Accordéon thì đã có lớp Huyền Trân ở đường Hàm Long, gần phố Huế. Cô Thúy Nga xuất thân từ trường này, sau 1954 vào Sài Gòn đã tạo được tiếng tăm là cô ca sĩ đeo accordéon lên sân khấu biểu diễn vừa kéo đàn vừa cất giọng ca. Thế rồi cô trở thành Bà Hoàng Thi Thơ.
Ở Hà Nội, những năm 1950-1953 có phong trào học và chơi Lục huyền cầm Hạ Uy Di. Chiều tối, đi ngang mấy đường phố vắng thường văng vẳng từ trong nhà có tiếng đàn Hạ Uy Di lả lướt. Có nhiều lớp dạy đàn, nhưng không lớp nào đông người học bằng lớp của William Chấn, thày dạy Hạ Uy Cầm số một của Hà Nội. Những nhạc khúc nổi tiếng của đảo Hawaii đã thường được nhắc nhở tới như Aloha Oe, Just Say Aloha, Hilo March, Malihini Mele, Olabapa Dja, On the beach at Waikiki, cũng như những bản nhạc Việt có âm điệu thích hợp với Hạ Uy Cấm đã tự nhiên được nhiều người biết đến như ‘Chiều Vàng’, ‘Thu’ của Nguyễn văn Khánh, ‘Suối Mơ’, ‘Bến Xuân’ của Văn Cao, ‘Trở Về Bến Mơ’ của Ngọc Bích, ‘Tình Nghệ Sĩ ‘, ‘Lá Thư ‘ của Đoàn Chuẩn, ‘Du Âm’ của Nguyễn Văn Tý, …
Học Tây Ban Cầm có nhiều nơi dạy, nhưng Tạ Tấn, người chơi Tây Ban Cầm hay nhất Hà Nội, có đông học trò nhất. Nhiều khi phải chờ hàng tháng mới có chỗ học. Ông cũng dạy Hạ Uy Cầm nhưng chỉ là phụ, Tây Ban Cầm mới là chính. Tạ Tấn, từ thời tiền chiến,  là tác giả của mấy nhạc khúc ‘Hương Thanh Bình’, ‘Bên Sông Vắng’, … không nhiều, nhưng bài nào cũng có hồn. Ông có cửa hàng bán sách nhạc và nhạc khí tại số nhà 14 phố Bảo Khánh, con đường từ phố Hàng Trống đâm thẳng xuống Hồ Gươm gần Đền Vua Lê, cách trường trung học Trương Hán Siêu không xa. Ông dạy theo phương pháp và sách của Carulli, bộ gồm 2 cuốn, nhưng ít người học đến hết cuốn thứ hai. Ông dạy từng người, mỗi lần nửa giờ, 1 tuần 2 lần, nhiều nhất là 2 người, mỗi lần 1 giờ. Có một điều ít người biết, Tạ Tấn còn là một danh thủ về bơi lội của những năm 1945 về trước, từng ở trong phái đoàn đại diện Bắc Kỳ vào Sài Gòn tranh giải vô địch bơi lội Đông Dương. Gần giữa năm 1954, Tạ Tấn sáng tác bản nhạc ‘Khi ánh chiều rơi’ và bài hát đã được trình bày trên đài phát thanh Hà Nội. Bản nhạc theo thể điệu Rumba thật êm dịu, lả lơi và thơ mộng:
Chiều dần buông, gieo u sầu về khắp trần gian
Buồn vương vấn, áng mây chiều lờ lững dần tan
Nhìn bầy chim bay về ngơ ngác tìm đàn
Kìa hoàng hôn đem màn đêm …
Sương khắp nơi non ngàn.
Tạ Tấn sáng tác ‘Khi Ánh Chiều Rơi’ được nửa năm thì quân kháng chiến vào tiếp thu Hà Nội, và rồi số phận của bản nhạc lãng mạn này hẳn cũng giống ‘Chú Cai’ của Hoàng Giác, cũng không còn được phép trình bày trước khán giả, trên đài phát thanh, và vì bản nhạc mới ra đời, chưa được phổ biến rộng rãi cho nên chắc nó đã rơi vào quên lãng và ngày nay hẳn không mấy người còn biết đên nữa.
Ngoài Ban Đàn Việt Nhạc chinh thức của đài phát thanh Hà Nội, còn có mấy ban nhạc tài tử được biết đến nhiều là ban nhạc Đỗ Liên và ban nhạc Văn An Hoàng Nhân. Hai ban nhạc này thỉnh thoảng cũng chơi trên đài phát thanh và trình bày trong các buổi chiếu bóng đặc biệt như các màn phụ diễn. Ban Đỗ Liên là ban đàn chuyên chơi nhạc Hạ Uy Di, và Đỗ Liên là người đứng đầu ban nhạc. Trên sân khấu, ban nhạc gồm có Đỗ Liên xử dụng cây đàn Hạ Uy Di điện, tiếng đàn chinh, 2 người chơi Ukilili, và 2 người chơi Tây Ban Cầm nhạc đệm. Có 2 hay 3 ca sĩ riêng của ban nhạc, đôi khi có ca sĩ bên ngoài vào hát thêm. Ban Văn An Hoàng Nhân có 2 người đứng đầu là Văn An và Hoàng Nhân, cả 2 đều chơi Tây Ban Cầm. Ngoài ra còn có 3, 4 nhạc công khác và vài ca sĩ trong đó có 1 nữ ca sĩ hát rất hay mà tôi không nhớ tên. Văn An là học sinh trường Nguyễn Trãi, niên khóa 1953-1954 học lớp đệ nhị A, ban Khoa Học Thực Nghiệm. Nhưng tôi không hề thấy anh chơi cho ban nhạc nhà trường vào những dịp tất niên hay cuối niên học.
(còn tiếp)
© Đỗ Văn Minh


Mời click các links dưới đây để xem toàn bộ "Hà Nội: 1948-1954 Những Năm Thánh Cũ"

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 3-Đỗ Văn Minh

Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ (3)
Trường trung học phổ thông Chu Văn An, trước kia là trường Bưởi
Nói qua những biến thiên về thời tiết, nay xin trở lại với Hà Nội của những năm 1948-1949 khi dân chúng bắt đầu tấp nập hồi cư về. Và là một học sinh của thời gian đó, tôi biết nói gì hơn là khởi đầu với những câu chuyện học đường.
Từ 1945 về trước, Hà Nội có 2 trường trung học công lập: trường Bưởi hay trường Bảo Hộ bên bờ hồ Tây cho nam sinh và trường Đồng Khánh trông ra phố Hàng Bài gần hồ Hoàn Kiếm cho nữ sinh. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, trường Bảo Hộ được đổi tên thành trường Chu Văn An và trường Đồng Khánh, thành trường Trưng Vương. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đã khởi đầu vào ngày 19 tháng 12 năm 1946. Sau khi kiểm soát được thành phố Hà Nội, quân đội Pháp đã dùng nhiều trường học làm nơi trú quân. Cho nên, khi trường Chu Văn An mở lại vào niên khóa 1948-1949, trường đã phải tạm dùng trường tiểu học Thanh Quan ở phố Hàng Cót làm nơi dạy học. Sang niên khóa 1949-1950, quân đội Pháp rút ra khỏi trường nữ trung học Trưng Vương ở phố Hàng Bài thì trường Chu Văn An dọn về đây. Còn trường Trưng Vương thì có trường sở mới ở phố Hai Bà Trưng kế góc đường Lê Thánh Tông, gần viện Đại Học Hà Nội. Ngay niên khóa sau, 1950-1951, quân đội Pháp lại trả thêm trường Cao Đẳng Sư Phạm trên con đường từ góc phố Cửa Bắc chạy ngang sang góc phố Quan Thánh. Nha Học Chánh Bắc Việt lại chuyển trường Chu Văn An từ phố Hàng Bài lên đây và mở một trường nam trung học mới là trường Nguyễn Trãi tại trường sở ở phố Hàng Bài, đồng thời chỉ định những học sinh nào nhà ở bắc Hồ Hoàn Kiếm thì học tại Chu Văn An, ở nam Hồ Hoàn Kiếm thì học tại Nguyễn Trãi. Hiệu trưởng Chu Văn An thời đó là thầy Vũ Ngô Xán và hiệu trưởng Nguyễn Trãi là thầy Đào Văn Trinh.
Ngoài ra, ở Hà Nội còn có trường trung học Pháp là trường Albert Sarreau, nam nữ học chung ở khu phía bắc gần hồ Tây và 2 trường đạo là trường nam Puginier ở phố Trần Hưng Đạo (Gambetta) và trường nữ Sainte Marie ở phố Lý Thường Kiệt (Carreau),. Dĩ nhiên là quân đội Pháp, khi tìm địa điểm đồn trú quân, đã không bao giờ đụng đến các ngôi trường này. Xin nói thêm là chỉ ở Hà Nội mới có các lớp trung học đệ nhị cấp học thi tú tài, từ lớp đệ tam trở lên. Vì thế, học sinh các trường trung học công lập Ngô Quyền ở Hải Phòng và Nguyễn Khuyến ở Nam Định, sau khi hết lớp đệ tứ, nếu muốn học tiếp, thì phải lên Hà Nội vào các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, hoặc Trưng Vương. Và cho đến năm 1954, Trưng Vương vẫn chưa có lớp đệ nhất thi tú tài 2, cho nên thi đậu tú tài 1 xong, các nữ sinh Trưng Vương phải chuyển sang học tại Chu Văn An hay Nguyễn Trãi.
Học sinh về thành càng đông thì càng có nhiều trung học tư thục được mở thêm vì trường công chỉ có khả năng thu nhận rất hạn chế. Hai trường mở sớm nhất là trường Dũng Lạc và trường Văn Lang.
Toạ lạc bên hông trái Nhà Thờ Lớn đứng từ ngoài nhìn vào, trường Dũng Lạc do cha Phạm Huy Mai làm hiệu trưởng và cha Nam làm giám học. Trường có cơ sở khang trang nhất với hai tầng: các lớp học rộng rãi, thoáng đãng, hai mặt nhìn ra một sân chơi có chỗ tập bóng chuyền, bóng rổ, phía bên kia là nhà chơi (préau) bên trong có bàn ping pong (bóng bàn). Trong mấy năm liên tiếp, học sinh Dũng Lạc đã đoạt chức vô địch bóng bàn đơn, anh Phạm Ngọc Hải, và vô địch đánh đôi, hai anh Phan Hữu Chương và Trần Đình Đại. Tre chưa già mà măng đã mọc, hai anh Chương và Đại tài nghệ còn đang lên thì đã có 2 mầm non sẵn sàng thay thế: hai anh Phan Hữu Cảnh, em anh Chương, và Trần Đình Thu, em anh Đại. Trường Dũng Lạc còn mở lớp nhất và lớp nhì bậc tiểu học. Ngoài các môn học chính, trường còn dạy nhạc phụ trách bởi các nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả các bài Khoẻ Vì Nước, VN Minh Châu Trời Đông, Hè Về … và nhạc sĩ Chung Quân, tác bài Làng Tôi.
Trường Văn Lang ở khúc cong trên đường Phạm Phú Thứ gần góc phố Hồng Bàng, đầu kia trông thẳng vào chợ Hàng Da. Đây là trường sở chính, còn một trường sở phụ nữa trên phố Hồng Bàng. Trường sở chính này chỉ có 4 phòng học lớn và dài bên cạnh một sân nhỏ xíu, giờ ra chơi học trò tràn ra đứng tận ngoài đường phố, nhưng phố Phạm Phú Thứ này lúc nào cũng vắng vẻ nên không hề có trở ngại lưu thông. Giáo sư Ngô Duy Cầu là hiệu trưởng Văn Lang, chuyên dạy môn toán, Trường chú trọng đặc biệt đến các lớp đệ tứ thi Trung học phổ thông và đệ nhị thi tú tài 1. Học sinh các lớp này rất đông, có lớp tới 100 người, ít thì cũng phải 7, 8 chục, có lẽ vì trường nổi tiếng là dạy các lớp đi thi hay “trúng tủ” do đó thi đậu nhiều nên học sinh tin tưởng đua nhau tới học. Dạy môn toán lớp đệ tứ, thầy Ngô Duy Cầu dùng bộ sách 2 cuốn đại số và hình học của Marijon, và khuyên học trò mua để làm thêm ở nhà những bài tập trong sách, mỗi cuốn cả mấy trăm bài. Không rõ hai chữ “trúng tủ” thực sự được hiểu như thế nào, nhưng tôi nhớ rõ là kỳ thi trung học phổ thông khóa 2 năm 1952, bài toán hình học không gian đã được lấy nguyên văn dịch từ bài tập cuối cùng của sách Marijon, bài số ba trăm mấy chực gì đó tôi không nhớ rõ.
Trường Phan Đình Phùng bắt đầu khai giảng vào niên khóa 1950-1951 tại phố Hàng Đẫy (đại lộ Nguyễn Thái Học) do giáo sư Bùi Quang Tời làm hiệu trưởng. Trường sở là một dãy nhà 2 tầng , mỗi tầng nhiều phòng nhìn thẳng ra phố, có sân rộng phía trước, có tường với chấn song sắt chạy dài phía ngoài cùng. Có lẽ Phan Đình Phùng là trường trung học tư thục duy nhất ở Hà Nội thời đó có ký túc xá cho học sinh trọ học ăn ở ngay trong trường. Nhà văn KQ Thế Phong Đỗ Mạnh Tường, trong cuốn “Nửa đường nhìn xuống” đã kể về những ngày ông học tại Phan Đình Phùng cùng những kỷ niệm về thời gian ăn ở trong ký túc xá trường này.
Rải rác quanh phố phường Hà Nội còn nhiều trường khác như trường Nguyễn Huệ ở phố Hàng Bè của anh em giáo sư Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột, trường Văn Hóa ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm của giáo sư Nguyễn Khắc Kham, trường Hàn Thuyên trên đường Hai Bà Trưng gần góc đường Hàng Bài nơi có rạp chiếu bóng Ciros, trường Phan Chu Trinh ở khu phố gần hồ Halais (hồ Thuyền Cuông), phố Halais tức phố Nguyễn Du, nơi có những biệt thự kiến trúc đẹp nhất Hà Nội, và trường Trương Hán Siêu trên đường Bảo Khánh từ góc phố Hàng Trống chạy thẳng xuống hồ Gươm. Các trường trung học tư thục ở Hà Nội, phần lớn vì trường sở chật hẹp, nên học sinh học một buổi để một phòng học có thể dùng cho 2 lớp, một lớp buổi sáng, một lớp  buổi chiều.
Một trường tư được mở sau cùng trước khi có cuộc di cư vào Nam là trường Minh Tân, khai giảng đầu tiên vào niên khóa 1952-1953 trên một phố rộng, tôi không nhớ tên, cắt ngang phố Huế phía gần hồ Gươm. Minh Tân là một trường lớn, được quảng cáo rộng rãi, nhiều thầy danh tiếng như các giáo sư Nguyễn Dương Đôn (Toán), Nguyễn Uyển Diễm (Việt), Nguyễn Khắc Kham (Pháp), và đặc biệt có gíáo sư Nghiêm Xuân Thiện, cựu Tổng trấn Bắc Phần trong những năm 1948-1949. Sau khi thôi làm Tổng trấn, ông sang du học bên Anh, đậu bằng Kỹ Sư và mới trở về nước. Trường đã thu hút được nhiều học sinh, nhưng chỉ được hai năm thì trường không còn nữa do cuộc phân chia đất nước.
Kể chuyện học ở Hà Nội thời đó thì không thể không nói đến các lớp hơc tư, thường được gọi là các “cua pạc” (cours particuliers), chuyên dạy về một môn nào đó, nhiều nhất là các lớp Pháp văn và Anh văn.
Sách Pháp Văn thông dụng là cuốn Morceaux Choisis des Auteurs Francais của Des Granges cho các lớp từ đệ tứ đến đệ nhị. Giáo sư Bùi Hữu Sủng có các lớp tư Pháp Văn ngay tại trường trung học Nguyễn Huệ của ông. Giáo sư Nguyễn Văn Mẫn mở lớp riêng tại nhà ở trong khu phố ngay phía bắc hồ Thuyền Cuông. Mấy tháng hè năm 1952, giáo sư Mẫn mở một lớp dạy Triết, môn Siêu Hình Học và giới hạn cho những học sinh đã học hết lớp đệ tứ trở lên. Số học sinh ghi tên cũng đến 4, 5 chục người, phần đông có lẽ vì lòng tò mò hơn là có nhu cầu học vấn.
Có một giáo sư Pháp văn thật là đặc biệt nhưng chắc ít người biết đến và nay không mấy ai nhớ tới: giáo sư Pétrus Lê Công Đắc. Ông là người đã sớm làm cuốn tự điển Pháp Việt loại nhỏ, trước những tự điển lớn của Đào Duy Anh, Đào Văn Tập sau này. Ông dạy tiếng Pháp và cả tiếng La Tinh (Latin) nữa. Người ta kể rằng luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người đã đậu 2 bằng tiến sĩ Văn Chương và Luật Khoa năm mới có 22 tuổi, đã chấm thi tú tài Pháp ở Hà Nội, có bài viết đã bị ông Lê Công Đắc vạch ra những chỗ chê là không hay trên báo, và luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã phải công nhận là phê bình đúng. Giáo sư Lê Công Đắc bị thiên hạ coi là một ông “gàn bát sách” và từng là đầu đề chế giễu trên báo Phong Hóa của Tự Lực Văn Đòàn. Ông mở lớp Pháp Văn nhiều trình độ cao thấp tại tư gia giữa phố Gia Long, từ góc tây nam hồ Gươm nơi có Sở Cẩm Hàng Trống đi xuống, song song và gần với phố Hàng Bài. Lóp học của ông không có bàn ghế kiểu bàn ghế nhà trường. Có 1 bàn tròn thật lớn, học sinh ngồi chung quanh, và nếu không đủ chỗ thì có thêm 1 bàn vuông bên cạnh. Giáo sư ngồi giảng bài, chấm bài ở 1 bàn nhỏ phía trước. Ông cho bài tập thật nhiều, bài dịch Pháp Việt, Việt Pháp, viết chinh tả, làm luận văn. Ông vừa giảng bài, vừa trả lời câu hỏi, vừa lia lịa chấm bài không ngùng trong suốt giờ học. Có một chuyện thật lạ, không thấy ở bất cứ một “cua Pạc” nào khác: Học sinh sau khi thôi học, ít ngày sau, đều được giáo sư Lê Công Đắc đến tận nhà trả lại những bài ông chưa chấm xong hoặc đã chấm xong nhưng chua kịp trả lại trước khi học sinh đó rời lớp học. Có lẽ vì những chuyện như thế mà người ta cho ông là gàn dở.
Thủa ấy, học Anh Văn không ai không biết đến bộ Anglais Vivant của Carpentier & Fialip. Đây là bộ sách của người Pháp soạn cho học sinh Pháp học tiếng Anh. Bộ này gồm 6 cuốn, từ sixième tới première tương ứng với các lớp từ đệ thất tới đệ nhị, đệ nhất và 2 loại dựa theo màu: bleu (xanh) và beige (nâu pha vàng nhạt), chẳng hạn sixième bleu, cinquième beige, … Loại beige nhiều bài hơn loại bleu. Thí dụ quyển sixième hoặc cinquième loại bleu có 54 bài thì loại beige có 72 bài. Tuy nhiên, loại bleu chỉ thấy dùng 2 quyển sixième và cinquième thôi cho các lớp thất lục, các quyển từ quatrième trở lên thì toàn dùng loại beige. Một bộ sách nữa, ít thông dụng hơn, chỉ gồm có 2 quyển với bía sách màu nâu đỏ đậm: Quyển England and the English và quyển The British Empire, trình độ cho các lớp đệ từ và đệ tam. Còn để tập nói và luyện giọng thì có bộ điã Assimil với cuốn Anglais sans peine, phương pháp nghe đĩa để học nói cho đúng giọng. Điều bất tiện là muốn học thì phải có máy hát. Vì thế hiếm có ai dùng.
Trường tư chuyên dạy Anh Văn đầu tiên và quy mô nhất ở Hà Nội là trường Ziên Hồng của hai anh em giáo sư Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh. Trường mở dường như ngay từ cuối năm 1948 ở góc một phố (Ngô Thời Nhiệm?) không xa phố Huế lắm. Trường chuyên trị dạy 2 cuốn 6ème bleu và 5ème beige, lên cao hơn là đến lớp đệ tứ, nghĩa là trình độ các lớp phổ thông. Có thể so sánh Ziên Hồng với trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh ở Sài Gòn sau này, có khác là chương trình sau này không dùng bộ Anglais Vivant nữa và phần thực hành được chú trọng tới nhiều hơn.
Học Anh Văn cấp phổ thông thì có Ziên Hồng, nhưng đến các lớp Anh Văn chuyên khoa thi tú tài 1 và tú tài 2 thì đã có giáo sư Bùi Ý. Nhiều học sinh các lớp đệ nhị và đệ nhất ban văn chương C các trường công và tư ở Hà Nội những năm 1952-1954 hẳn còn nhớ căn nhà 3 tầng ở phố Vũ Lợi, khu gần hồ Halais, nơi giáo sư Bùi Ý mở các lớp Anh Văn tư ở phòng học trên tầng giữa. Giáo sư Bùi Ý hồi cư về Hà Nội vào gần giữa năm 1950, thoạt tiên dạy tại trường Nguyễn Huệ và trường Phan Đình Phùng đồng thời mở mấy lớp Anh Văn tư trình độ đệ tứ. Dần dần ông được học sinh biết tiếng là một giáo sư giỏi, dạy hay, tận tâm, có kiến thức cao. Bắt đầu từ hè năm 1952, các lớp tư của ông chuyển về phố Vũ Lợi và ông chỉ còn mở các lớp từ đệ tam trở lên mà thôi. Lớp nào của ông cũng không còn chỗ trống, mỗi lớp có khoảng 40 học sinh. Suốt thời gian này, dạy tư Anh Văn lớp đệ nhị cấp để luyện thi tú tài 1 và tú tài 2, theo tôi nhớ, chỉ có giáo sư Bùi Ý. Cũng có nhiều giáo sư khác như các giáo sư Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Xuân Kỳ trường Nguyễn Trãi, giáo sư Nguyễn Văn Nguyên, giáo sư Thiều (tôi không nhớ họ) trường Chu Văn An, … nhưng các vị này không mở lớp dạy tư. Một điểm đặc biệt khác nữa là giáo sư Bùi Ý tự học, tự luyện về môn Anh Văn. Năm 1946, ông đã được học bổng du học ở Luân Đôn bên Anh và đã có thông hành nhưng chiến tranh xảy ra nên chuyến đi đành hủy bỏ.
Hà Nội thời ấy không có nhiều cửa hàng bán sách báo. Tôi nhớ có hiệu sách Nam Hoa phố Đinh Tiên Hoàng trông sang trạm xe điện chinh trước Hồ Gươm, 1 hiệu sách nữa cũng ở bờ hồ gần Phòng Thông Tin nhìn ra Đền Bà Kiệu. Phố Hàng Bông có nhà sách và nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh và phố Huế có nhà sách và nhà xuất bản Thế Giới, hay in các bản nhạc. Riêng người Pháp có cửa hàng bán sách báo tiếng Pháp và tiếng ngoại quốc khác như tiếng Anh ở ngay tầng dưới cùng của nhà xuất bản IDEO, tức Kim Lai Ấn Quán phố Trường Tiền. Nhà sách này kể như là lớn nhất Hà Nội, cũng tương tự như nhà sách Albert Portail ở đường Tự Do Sài Gòn những năm giữa thập niên 1950, sau đổi tên thành nhà sách Xuân Thu.
Có học thì có thi, nhưng thi rồi có đậu hay không nhiều khi chỉ còn biết lấy câu “học tài thi phận” để tự an ủi. Thi cử đối với lũ học sinh chúng tôi lúc nào cũng như một cơn ác mộng. Bởi vì số người dự thi thì nhiều nhưng số thi đậu thì lại quá khó. Kỳ thi trung học phổ thông khóa 1 năm 1952, cả hội đồng Hà Nội có trên 2000 thí sinh mà chỉ có từ 400 tới 500 người đậu. Còn may là không cần đậu cấp bằng này vẫn lên được lớp đệ tam. Kỳ thi tú tài 1 khóa 1 năm 1954, cả hội đồng thi ở Hà Nội cho toàn cõi Bắc Phần có gần 2000 thí sinh mà chỉ có chưa tới 500 học sinh trúng tuyển. Mà không trúng tuyển tú tài 1 thì không được lên lớp đệ nhất thi tú tài 2. Vì vậy, vào mùa thi, chúng tôi phải học ngày học đêm, tới mức gọi là học “gạo”. Tôi nhớ lúc đó có phong trào học sinh đua nhau mua thuốc Maxiton uống để có thể thức khuya học bài, làm bài. Không hiểu hồi đó có ai dùng nhiều thuốc quá đến nỗi bị ảnh hưởng đến tâm thần không, riêng tôi chưa từng nghe nói tới.
Học thì vất vả như thế đấy, nhưng có học thì phải có chơi  Những năm 1948-1954, Hà Nội ở trong tình trạng chiến tranh cho nên phần đông đi chơi thì chỉ quanh quẩn trong thành phố hoặc ra vùng ngoại ô gần như hồ Tây, Voi Phục, Chùa Láng … Tất nhiên là phải đi bằng xe đạp. Nếu rộng thời giờ thì có thể đi xa hơn nữa, 12 cây số vào Hà Đông rồi từ đây đi thêm khoảng đường dài như vậy là tới Chùa Trầm. Chùa Trầm là một ngôi chùa xây từ đầu thế kỷ thứ 16 trên lưng chừng một quả núi nhỏ, Trầm Tử Sơn. Dưới chân núi có 1 hang miệng rộng nhưng không sâu lắm có tên là động Long Tiên. Có một đường mòn đi lên đỉnh núi, một khoảng bằng phẳng rộng chừng 2, 3 chiếc chiếu. Xa hơn chừng qúa một cây số nữa là đến Chùa Trăm Gian, còn gọi là Chùa So. Chùa cất trên một quả đồi cao chừng 50 thước, còn cổ hơn chùa Trầm, xây vào khoảng đầu thế kỷ thứ 12. Từ ngoài đi vào, lên mấy chục bậc là tới sân chùa. Gọi là Chùa Trăm Gian vì hai bên hành lang có 100 gian, cứ 4 cột thì coi là một gian. Có lẽ đây là địa điểm đi chơi xa nhất mà chúng tôi có thể tới được.
Môn thể thao mà thanh niên học sinh Hà Nội ưa thích nhất là bơi lội. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có một hồ bơi (piscine) dành riêng cho nguòi Pháp bên trong sân vận động cũng của người Pháp, sân Mangin ở Cửa Bắc, xế bên vườn hoa Canh Nông. Chúng tôi chỉ đi tắm, đi bơi ở sông, ở hồ. Sông đây là nhánh nhỏ của sông Hồng, phía Ô Quan Chưởng đi thẳng ra, có bãi cát và bờ bên kia nhánh sông là hòn đảo dài với những đá tảng lớn, khoảng cách chừng vài trăm thước. Chúng tôi thường bơi qua, leo lên ngồi chơi trên những tảng đá này. Còn hồ thì là hồ Tây, phía Yên Phụ đi thẳng lên, với các điạ danh như Nghi Tàm, Quảng Bá, nơi ven hồ có những bãi cát nhỏ, đủ để từ đó chúng tôi đua nhau bơi ra ngoài hồ phía xa rồi trở vào. Có một địa điểm nữa mà đôi khi chúng tôi cũng đến như là để thay đổi không khí. Đó là Rặng Ổi. Đây là 1 khúc sông nhỏ từ sông Cái tách vào, chiều ngang chừng hơn 50 thước, trên bờ là một vườn ổi xanh tươi. Chỉ những ai biết bơi mới tắm ở đây được vì không có bãi cát, từ bờ nhảy xuống là nước sâu tới ngực, tới cổ ngay.
Mùa hè năm 1950, thanh niên học sinh Hà Nội đã đến Sở Thanh Niên Thành Phố để ký tên vào danh sách trưng cầu ý kiến về vụ xây một hồ bơi tại hồ Tây trên đường Cổ Ngư. Sau đó ít tháng, hồ bơi đã được thực hiện xong , ngay cạnh con đường đất đi vào chuà Trấn Quốc. Từ trong bờ đi ra, mực nước dần dần từ nông tới sâu, đáy hồ được vét bùn, đổ đá sởi, ngoài cùng có đường dây ngăn ranh giới hồ tắm. Có cầu nhẩy ở nhiều mức khác nhau từ thấp tới cao, có phòng thay quần áo, nam nữ riêng biệt. Từ đó, học sinh Hà Nội có nơi tắm chinh thức, đông đảo người lui tới, nhất là cuối tuần, chiều thứ bẩy tới trọn ngày Chủ Nhật. Chỉ có một điều bất tiện là sát ngay bên ngoài chùa, nơi tu hành thanh tịnh mà hàng ngày lại ồn ào tiếng người nói cười đùa nghịch, rồi trên con đường đất chật hẹp ra vào chùa lại có những thanh niên thiếu nữ mặc đồ tắm lượn lờ qua lại, thì những vị sư trong chùa hay khách thập phương viếng chùa hẳn không khỏi cảm  thấy khó chịu trong lòng.
Ngoài bơi lội, nhiều học sinh cũng ham chơi thể dục thể thao. Hà Nội có 2 sân vận động có tường bao bọc chung quanh, nghĩa là có thể bán vé vào cửa trong những buổi tranh tài thể thao, phần nhiều là bóng tròn: sân Mangin của người Pháp và sân Septo của người Việt trên phố Hàng Đẫy. Sân Mangin có khán đài chính với mái che và khán giả ngồi xem trên ghế dài dọc theo từng bậc, khu danh dự có ghế với tựa lưng riêng cho quan khách. Đối diện với khán đài chính phía bên kia sân là khán đài phụ, không mái và không ghế ngồi. Sân Septo chỉ có khán đài chính có mái che nhưng không có ghế, khán giả ngồi bệt trên bậc xi măng.
Đương nhiên là học sinh chúng tôi tập các môn chạy nhẩy ở sân Septo, thường thường vào chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật. Một số các anh ham luyện tập cho có thân hình lực sĩ thì sáng đến trường, chiều ghé sân vận động tập tạ và có ít anh tập cả môn quyền Anh, nôm na là đánh “bốc” (boxe) trong ‘lò’ quyền Anh của võ sĩ Vĩnh Tiên. Võ sĩ Vĩnh Tiên là vô địch quyền anh hạng Gà, đã từng đại diện Việt Nam trong thế vận hội năm 1952 tại Helsinki, Phần Lan. Chúng tôi thỉnh thoảng tập xong lại ghé phòng dạy võ của võ sĩ Vĩnh Tiên nghe ông kể về chuyến đi tranh tài ở xứ Bắc Âu của ông. Thế vận năm 1952 tại Phần Lan là kỳ thế vận đầu tiên Việt Nam cử lực sĩ đến tham dự.
Ngoài võ sĩ Vĩnh Tiên môn quyền Anh hạng Gà (Coq), còn có Võ sĩ Nguyễn Văn Dậu môn quyền Anh hạng Ruồi (Mouche), tay đua xe đạp Lưu Quần, và lực sĩ điền kinh môn chạy bộ đường dài là Trần Văn Lý. Lần dầu dự thi cho nên cũng chỉ là cho có mặt chứ phái đoàn Việt Nam không trông mong tranh ngôi đoạt giải gì. Võ sĩ Vĩnh Tiên thua ngay ở vòng đầu. Võ sĩ Nguyễn Văn Dậu, vì nhà dìu dắt coi nhầm giờ đấu trên lịch trình tranh đua, khi đến nơi thì đã quá giờ và ban tổ chức coi là bỏ cuộc, nên đã không có dịp tranh tài. Trong cuộc đua đường trường, cua-rơ Lưu Quần Việt Nam về hạng thứ 37, nhưng vẫn đứng đầu các tay đua Á Châu. Riêng lực sĩ Trần Văn Lý thi môn chạy 10 cây số. Khi lực sĩ Emile Zatopek của Tiệp Khắc với danh hiệu “cái đầu máy xe lửa” về nhất, rồi tất cả các lực sĩ khác cũng đã chạy xong thì lực sĩ Trần Văn Lý của Việt Nam vẫn còn phải chạy trọn một vòng nữa mới tới đích. Nhưng anh vẫn kiên nhẫn không chịu bỏ cuộc, chạy cho hết vòng, và vòng chạy cuối cùng này Trần Văn Lý đã được khán giả Phần Lan nhiệt liệt hoan hô, hoan hô cái tinh thần tranh đua cho đến cùng chứ không phải hoan hô về tài nghệ.
Lò Quyền Anh Vĩnh Tiên đã đào luyện được một số võ sĩ trong đó có các võ sĩ Nguyễn Bằng, Nguyễn Dậu ở phố Nam Ngư, một đầu nối với phố Hàng Lọng, đầu kia nối với đường Phan Bội Châu. Hai anh Bằng, Dậu là dân càn, bạt hùng cứ ở khu Chợ Cửa Nam. Nói đến các tay càn, bạt ở Hà Nội thời đó thì nổi tiếng nhất phải là Ngọc Toét hay Ngọc Chả Cá vì nhà có cửa hàng bán Chả Cá ở phố Lã Vọng. Kế đó là Bằng Xoăn, Phúc Xế, Ngọc Lò Sũ, các võ sĩ Bằng, Dậu, … Phúc Xế là học sinh Nguyễn Trãi, niên khóa 1952-1953 học lớp đệ nhị C, nhưng rồi bị động viên và vì không có bằng trung học phổ thông cho nên đã phải vào học lớp hạ sĩ quan ở Quảng Yên.
Sân vận động Mangin nhờ có sức chứa nhiều khán giả và có nhiều tiện nghi hơn nên luôn luôn là nơi tổ chức những trận đấu quan trọng như giữa các hội tuyển Bắc, Trung và Nam trong giải Thống Nhất, các trận giao hữu với các hội ở Sài Gòn ra như Ngôi Sao Gia Định, Cảnh Sát Sài Gòn, AJS, và các trận giao hữu quốc tế, nhất là với các hội ở Hồng Kông qua như Nam Hoa, Kiệt Trí, các hội Âu Châu như Hội tuyển Quân Đội Pháp (hè 1952), Hội Djurgarden Thụy Điển (1953), Hội Kodge BoldClub, Đan Mạch (1953). Giá vé các trận quốc tế thời đó là 20 đồng cho hạng bình dân. Các hội Hà Nội được cử ra nghênh tiếp các đội bóng từ xa đến là hội Cảnh Sát Công An (Police-Sureté) với các danh thủ trung ứng Trần Văn Ứng, hữu biên Đoàn Khê Vinh tức Khê với tước hiệu Thăng Long Xích Thố, thủ môn Thọ Ve, trung phong Hùng Mậu Hối, .., hội Tổng Hành Dinh (A S Services) của quân đội Pháp với trung ứng Camille và tiền đạo Privet, Hội Tuyển Quân Đội, và Hội Tuyển Bắc Phần.
Môn giải trí khác mà hầu hết các học sinh nam nữ ưa thích là coi chiếu bóng đến nỗi đã có hẳn một tờ báo (tuần hay tháng tôi không nhớ rõ) chuyên về chiếu bóng. Trước hết, xin điểm qua các rạp chiếu bóng ở Hà Nội thời bấy giờ. Phố Trường Tiền có rạp Eden, phố Hàng Bài có rạp Majestic và một rạp nhỏ ngay bên cạnh có tên là Studio Majestic, phố Đinh Tiên Hoàng gần Đền Bà Kiệu có rạp Philharmonique. Đây là những rạp từ thời tiền chiến và người Pháp thường lui tới. Cũng ở góc phố Hàng Bài và phố Hai Bà Trưng gần trường trung học Hàn Thuyên có rạp Ciros. Trước chợ Hàng Da có rạp Olympia. Rạp này cũng có từ trước năm 1945. Các rạp mở sau năm 1947 có Đại Nam, một rạp lớn ở phố Huế gần dưới Chợ Hôm, rạp Kinh Đô ở vườn hoa Cửa Nam gần nhà thuốc tây Thẩm Hoàng Tín, rạp Bắc Đô ở phố Hàng Giấy và rạp Long Biên ở phố Hàng Chiếu, hai rạp sau này ở khu lân cận chợ Đồng Xuân. Còn có một rạp ở phố Hàng Buồm, khu phố Tàu, có tên là Porte d’Or (Kim Môn hay Cửa Vàng), nhưng không chiếu phim Tàu mà chiếu phim Mỹ hay Pháp.
Hà Nội chưa từng có rạp chiếu bóng thường trực (permanent) như ở Sài Gòn mà chiếu từng xuất. Có nhiều giá vé. Thấp nhất là hạng Orchestre, những hàng ghế ngồi sát gần màn ảnh. Orchestre nghĩa là ban nhạc, trong rạp hát ban nhạc thường ở vị trí ngay bên dưới sân khấu, Vé hạng Orchestre là vé ngồi kế cận vị trí của ban nhạc. Nếu đi coi ca kịch vũ nhạc hay cải lương mà ngồi chỗ Orchestre gần với sân khấu để coi rõ mặt các tài tử thì là nhất rồi, nhưng ngồi coi chiếu bóng ở đây gần màn ảnh thì đúng là hạng bét.  Vé hạng kế trên là Parterre, những hàng ghế ở khoảng giữa rạp. Cao nhất ở tầng dưới là Fauteuil, hạng gọi là ghế bành nhưng thực ra cũng chỉ là ghế thường, ở xa màn ảnh nhất. Vé giá đắt nhất là hạng Balcon, cho những rạp có tầng gác ở trên. Giá vé thông thường cho các hạng là 10, 15, 20, 25 đồng. Có một số rạp bán giá vé đồng hạng 10 đồng cho xuất 10 giờ sáng Chủ nhật và học sinh chúng tôi đua nhau tới sớm để có cơ hội được ngồi ghế các hạng Fauteuil và Balcon.
Có những phim chúng tôi mong ngóng từng ngày từ khi biết qua quảng cáo, những phim loại ca vũ nhạc như La fille de Neptune, Match d’Amour, Un Americain à Paris, Les chaussons rouges, Escale à Holywood, những phim lịch sử như Les trois mousquetaire, Ivanhoe, những phim vĩ đại như Samson et Dalida, Quo Vadis những phim tình cảm như La valse dans l’ombre, và đặc biệt là Autant en emporte le vent lần đầu tiên có một phim dài tới 4 tiếng , và còn nhiều loại khác nữa. Hầu hết là phim Mỹ nhưng nói tiếng Pháp và phim cũng có tên bằng tiếng Pháp. Chúng tôi cũng thuộc nằm lòng tên và tiểu sử của những minh tinh tên tuổi thời đó như các nam tài tử Clark Gable, Robert Taylor, Gene Kelly, John Wayne, … các nữ tài tử như Ava Gardner, Lana Turner, Liz Taylor, Esther Williams, … Năm 1951 hay 1952, tạp chí chiếu bóng ở Hà Nội đã trưng cầu ý kiến và 2 tài tử Gene Kelly và Esther Williams đã được chọn là cặp tài tử được ái mộ nhất.
Cũng có 2 cuốn phim Việt Nam đã được thực hiện trong thời gian này. Phim Kiếp Hoa tại Hà Nội, 1 phim đen trắng do các tài tử trong đoàn cải lương Kim Chung đóng vai chính như Kim Chung, Kim Xuân, Ngọc Toàn. Phim Bến Cũ tại Sài Gòn, một phim mầu do Hoàng Vĩnh Lộc và  Bích Ngà thủ vai chính. Là những phim Việt Nam đầu tiên cho nên khán giả đua nhau đi coi, được khích động vì lòng tò mò hơn là tin tưởng ở giá trị nghệ thuật của cuốn phim cũng như tài nghệ diễn xuất của tài tử. Thời ấy cũng có mấy phim Tàu do nữ tài tử nổi tiếng là Lý Lệ Hoa đóng, nhưng phim không hề được chiếu ở rạp Porte d’Or của Tàu phố Hàng Buồm, mà chiếu ở các rạp có đông thanh niên học sinh hay lui tới.
Các phim Kiếp Hoa, Bến Cũ dầu sao cũng chỉ ở trình độ phôi thai trong ngành điện ảnh và về văn nghệ đích thực thì phải nói đến tiểu thuyết và thi ca. Ngay từ cuối năm 1948 khi mới hồi cư về Hà Nội, tôi đã thấy có tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy của ông Vũ Đình Long, tuần báo nổi tiếng thời tiền chiến mà tôi đã một thời ham thích khi mới có 9,10 tuổi. Tuần báo lúc này có khổ nhỏ hơn trước, lớn hơn tạp chí Reader Digest một chút, mỗi số chỉ có mấy chục trang. Lần đầu tiên tôi biết đến Hoàng Cầm qua các kịch thơ Lên Đường và Cô Gái Nước Tần. Báo cũng đăng truyện dài Tam Quốc Chí. Qua đến năm 1950, Tiểu Thuyết Thứ Bảy chuyển sang khổ lớn hơn, bìa chỉ in thay đổi màu sắc chứ không có hình ảnh như báo thời tiền chiến và đã thấy xuất hiện một số bài có khuynh hướng thân kháng chiến. Cũng khoảng thời gian này, ông Vũ Đình Long cho ra mắt lại Phổ Thông Bán Nguyệt San, mỗi số một truyện dài. Tuy gọi là Bán Nguyệt San, nhưng thời kỳ này tạp chí không ra mắt đều đặn nửa tháng 1 truyện được. Tôi nhớ có số đăng trọn 1 vở kịch dài của Tiền Phong, hình như có tên là Bông Hồng Dại. Tạp chí này chỉ ra được 5 số thì ngưng hẳn; số cuối cùng đăng một truyện dài của Vĩnh Lộc. Tiếp theo không lâu, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy cũng âm thầm đóng cửa, vào khoảng năm 1952, có lẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu bài vở và không phát hành rộng rãi được.
Các văn thi sĩ tiền chiến phần lớn còn đi theo kháng chiến. Hồi cư về Hà Nội, tôi được biết, chỉ có mấy người trong số có nhà văn Ngọc Giao, nhà có cửa hàng ở phía đầu phố Hàng Chiếu, gần chợ Đồng Xuân. Ông cho tái bản những tiểu thuyết viết thời tiền chiến và sáng tác mấy truyện dài tình cảm như Quán Gió, Cầu Sương kể những chuyện tản cư, hồi cư của các nhân vật tiểu tư sản mang dấu vết thời đại. Ngọc Giao vào các năm 1949-1950 có viết một tiểu thuyết đăng hàng ngày trên nhật báo thật là đặc biệt có tên là “Đất”, cũng là chuyện tản cư về miền quê với nhân vật “Xã Bèo”, trong đó ông châm biếm, chế nhạo một cách thật lý thú những con người mới do thời cuộc tạo nên vào những ngày đầu kháng chiến. Khoảng năm 1950, ông cho xuất bản tờ tuần báo cho thiếu nhi có tên là ‘Cậu Ấm Cô Chiêu’, báo quán đặt ở nhà in Văn Hồng Thịnh phố Hàng Bông, nhưng tờ báo chỉ sống được một thời gian ngắn ngủi.
Cùng với Ngọc Giao còn có Vũ Bằng, cả 2 ông đều từng cộng tác mật thiết với Tiểu thuyết Thứ Bảy của Vũ Đình Long thời tiền chiền. Hồi cư về Hà Nội, Vũ Bằng tiếp tục là cây viết chủ lực cho Tiểu Thuyết Thứ Bẩy với các truyện dài như “Chớp bể mưa nguồn”, “Khúc Ngâm trong Đất Hà”, “Tân Liêu Trai”, và các truyện ngắn mà cốt chuyện thật là  giản dị thuộc loại mà ông đặt tên là “truyện không có truyện”. Nhưng loại ‘truyện không có truyện’ này không được độc giả thưởng thức cho nên đã sớm chìm vào dĩ vang, không một tiếng vang. Loạt bài “Miếng Ngon Hà Nội” sau được xuất bản thành sách tại Sài Gòn đã được Vũ Bằng khởi sự viết từ thời kỳ này.
(còn tiếp)
© Đỗ Văn Minh


Mời click các links dưới đây để xem toàn bộ "Hà Nội: 1948-1954 Những Năm Thánh Cũ"