Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ
(2)
Phố buôn bán chính của
người Pháp tại Hà Nội là đường Trường Tiền (Paul Bert) theo hướng đông tây và
bắt đầu từ Nhà Hát Lớn Thành Phố, toạ lạc trên một khu đất trông xuống một công
trường rộng lớn. Nếu từ sau Nhà Hát Lớn đi ngược về hướng đông mấy trăm thước
sẽ đến viện Bảo Tàng Louis Finot ngay gần đê sông Hồng. Thẳng trước mặt về hướng tây là phố Trường Tiền
hai bên có nhiều tòa nhà 3, 4 tầng mà cao nhất của Hà Nội thời đó là Viễn Đông
Ấn Quán (IDEO – Imprimerie d’Extrême Orient), cũng chỉ tới 5 tầng. Có rạp chiếu
bóng Éden, cửa hàng bán thực phẩm Chaffanson, Nhà Thông Tin Pháp, cửa hàng bách
hóa Gô-Đa (Grand Magasin Goddard) ở góc trông ra hồ Gươm. Đối diện với cửa hàng
này phía bên kia đường là khách sạn Quán Hoàng Gia (Taverne Royale).
Nối tiếp với phố Trường
Tiền là phố Hàng Khay chỉ có 1 đoạn ngắn dọc mặt nam hồ Gươm rồi đến phố Trường
Thi (Borgnin Desbordes) chạy dài tới vườn hoa Cửa Nam và dọc theo phố này có
Thư Viện Trung Ương (Pierre Pasquier), thư viện lớn nhất toàn cõi Đông Dương
thời đó, và Nhà Thương Phủ Doãn. Có tên gọi là phố Trường Thi vì xưa kia đây là
phiá bắc của trường thi Hà Nội, thi Hương ba năm một kỳ, và Thư Viện Trung Ương
bây giờ chính là địa điểm của Nhà Thập Đạo, nơi các sĩ tử trong các kỳ thi đến
xin dấu nhật trung và nộp quyển. Tính khởi đầu từ Nhà Hát Lớn đầu đường Trường
Tiền, qua Hàng Khay đến Trường Thi, nếu tiếp nối thẳng tới hết phố Hàng Đẫy
(Duvillier) thì đây là đoạn đường thẳng như sợi chỉ căng dài nhất Hà Nội, trên
3 cây số.
Song song với đoạn đường
Trường Tiền, Trường Thi lui về phía nam, khu phố Tây này có 3 đại lộ, lần lượt là
đường Hai Bà Trưng (Rolland), đường Lý Thường Kiệt (Carreaux), và đường Trần
Hưng Đạo (Gambetta). Trên các đại lộ này phần lớn là các biệt thự, hoặc công
thự, không có các cửa hàng buôn bán. Đầu phía tây của đường Hai Bà Trưng
là chợ Cửa Nam, và của đường Trần Hưng Đạo là nhà ga xe lửa, ga Hàng Cỏ, chợ và
ga đều nằm trên đường Hàng Lọng. Đầu phía đông của đường Lý Thường Kiệt là Viện
Đại Học Hà Nội, và của đường Trần Hưng Đạo là khu nhà thương Đồn Thủy (bệnh
viện Tây Lanessan). Trên đường Trần Hưng Đạo có khu Đấu Xảo, tương tự như khu
Triển lãm ngày nay, gần phía ga Hàng Cỏ.
Toà án Hà Nội nằm trên
quãng giữa đường Lý Thường Kiệt, nơi đây có phố Hỏa Lò chạy ngang đến
đường Hai Bà Trưng và cắt chéo bởi phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Khu tam giác bao
quanh các đường Hai Bà Trưng, Hỏa Lò và Hàng Bông Thợ Nhuộm chính là Nhà Tù
Trung Ương (Prison Centrale) hay Đề Lao Trung Ưong mà người dân thường nôm na
gọi là Săng-Tan, là Nhà Pha. Người Pháp đã thật là thực tế khi cho xây Tòa án ở
ngay góc đường trông sang Đề Lao để xử án xong, là có ngay chỗ thật gần để đem
nhốt phạm nhân, vì vậy nhân gian mới có câu
Ai
đưa tôi đến chốn này
Bên
kia tòa án bên này đề lao.
Trong những năm của các
thập niên giữa 1960 tới đầu 1970, Nhà Tù Hỏa Lò này từng nổi tiếng với cái tên
Hanoi Hilton, nơi giam giữ các phi công Hoa Kỳ bị bắn hạ trong các cuộc oanh
tạc Bắc Việt.
Lộ trình xe điện thứ nhì
từ hồ Gươm đi chếch về hướng tây vào phố Hàng Gai, qua Hàng Bông đến vườn hoa
Cửa Nam thì chuyển sang phố Hàng Đẫy, sau đổi tên thành Nguyễn Thái Học. Qua
khỏi mặt sau Văn Miếu thì đường xe điện chia thành hai nhánh.
Từ đây, nhánh thứ nhất
rẽ trái đi dọc theo hông phía tây của Văn Miếu, thẳng hướng tây nam qua Ô Chợ
Dừa, Thái Hà Ấp gần đó là Gò Đống Đa với Đền Trung Liệt, tới Ngã Tư Sở, tiếp
tục đoạn đường 10 cây số nữa thì đến thị xã tỉnh Hà Đông.
Nhánh thứ hai trên phố
Hàng Đẫy đi thẳng qua khỏi phố Kim Mã là ra ngoại ô phía tây Hà Nội, theo đường
Cầu Giấy chừng hơn 2 cây số là đến Ô Cầu Giấy, nơi vào cuối thế kỷ thứ 19, các
đại úy Francis Garnier và đại tá Henri Rivière đã bị quân Cờ Đen phục kích sát
hại.
Cầu
Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ
nhung biết mấy cho vừa.
(thơ
Tạ Tỵ)
Lộ trình thứ ba từ hồ
Gươm thẳng lên phía bắc từ Hàng Đào qua Hàng Ngang, sang Hàng Đường rồi tới chợ
Đồng Xuân. Đây có thể coi như trung tâm khu phố cổ của Hà Nội, cắt ngang đường
xe điện này là các phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Thuốc Bắc, Hàng
Buồm (khu phố Tàu của Hà Nội), Hàng Mã, Hàng Chiếu, … Phố Hàng Chiếu còn có tên
là Phố Mới, ở đầu đường hướng về phía sông Hồng có một di tích lịch sử, đó là Ô
Quan Chưởng. Hà Nội có 5 cửa ô, nhưng chỉ Ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn, các
cửa ô kia đều có tên nhưng không còn dấu tích gì.
Tôi
đứng bên này vĩ tuyến
Thương
về năm cửa ô xưa
Quan
Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê
cao hun hút Chợ Dừa
(thơ
Tạ Tỵ)
Cửa ô này có tên là Quan
Chưởng vì trong năm đại úy Francis Garnier đánh thành Hà Nội, có một quan
Chưởng Cơ đã cùng trên 100 binh sĩ chiến đấu chống quân Pháp, hy sinh cho đến
người cuối cùng. Tôi đã từng ở khoảng 1 năm rưỡi tại căn nhà số 1 phố Mới trên
tầng 2 và bàn học của tôi ở cửa sổ trông thẳng ra Ô Quan Chưởng ngay trước mặt.
Nhìn hàng ngày cái di tích lịch sử này nên lúc đó tôi thấy bình thường, không
coi là đặc biệt, âu cũng là lẽ thường!
Qua khỏi chợ Đồng Xuân
là đến phố Hàng Giấy, tới đầu phố Hàng Than (nổi tiếng với các cửa hàng bán
bánh cốm, bánh xu-xê) thì rẽ trái về hướng tây vào đường Quan Thánh. Hết phố
Quan Thánh là đến đường Cổ Ngư một thắng cảnh với hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Xe
điện đi tiếp dọc bờ nam hồ Tây qua trường Bưởi tức trường trung học Chu Văn An,
qua Quần Ngựa tức trường đua ngựa, theo đường Thụy Khuê tới tận vùng Nghĩa Đô,
quê hương của nhà văn Tô Hoài.
Ba
xu cũng đáng đồng tiền
Một
thôi về Bưởi bằng tiên non bồng
Năm
xu ngôì ghế đệm bông …
Cái giá 3 xu, 5 xu đi xe
điện là của những năm cuối thập niên 1920, đầu 1930. Lúc này, vé xe điện là 1
đồng, còn muốn ngồi ghế đệm bông thì xin trả 2 đồng.
Khu thắng cảnh thứ hai
với những di tích lịch sử của Hà Nội là Đường Cổ Ngư, vườn Bách Thảo và
chùa Một Cột. Muốn đi thăm thì đã có đường xe điện từ hồ Gươm theo lộ trình thứ
ba như vừa kể bên trên.
Từ góc đường Quan Thánh
đi vào đường Cổ Ngư là gặp ngay đền Quan Thánh, còn gọi là đền Trấn Vũ, ở ngay
bên phải. Ở ngoài cùng trước đền có 4 trụ cao rồi đến tam quan với tháp chuông
có qủa chuông cao 1 thước rưỡi. Qua 1 sân rộng chung quanh cây cổ thụ um tùm có
hòn non bộ là tới ngôi đền. Trong đền có pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đúc vào
năm 1667 bằng đồng đen cao gần 4 thước nặng 6 tấn tay trái bắt quyết, tay phải
chống gươm. Tục truyền đây là vị thần trấn cửa Bắc của thành Thăng Long.
Từ đền Quan Thánh vào
đường Cổ Ngư đi lên phía bắc, bên phải là hồ Trúc Bạch, bên trái là hồ Tây. Hồ
Tây rộng mênh mông, chu vi quanh hồ ước chừng phải trên 10 cây số. Đi khoảng
gần 2 phần ba thì con đường Cổ Ngư hơi chếch về bên phải và có một khoảnh đất
nở rộng ra. Đây là nơi vào cuối tuần có các quán hàng bán đồ giải khát và các
gánh hàng bán bánh tôm cho khách đi ngoạn cảnh.
Đi tiếp một khúc ngắn
nữa là đến chùa Trấn Quốc trên hồ Tây phía bên trái. Cũng như chùa Ngọc Sơn ở
hồ Hoàn Kiếm, chùa Trấn Quốc ở hồ Tây cũng nằm trên một hòn đảo nhỏ nhưng không
có cầu mà có một con đường đất nhỏ rộng trên 2 thước từ bờ hồ dẫn vào chùa.
Chùa được xây trên hòn đảo có tên là Kim Ngư lối vào qua một cổng không kiến
trúc theo kiểu tam quan. Điện thờ chính có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn,
hai bên là Nhà Tổ và Nhà Bia trong đó có bia của tiến sĩ Phạm Qúy Thích khắc
năm 1815 ghi lại việc tu sửa chùa, phía sau chùa có gác chuông và mấy ngôi tháp
cổ. Thời vua Lê, chúa Trịnh, đây là nơi vua chúa thường đến ngắm cảnh; chúa
Trịnh còn thiết lập hành cung mỗi tháng ra chơi vài ba lần, ngự thuyền rồng dạo
chơi trên hồ, nhã nhạc tưng bừng cho đến canh khuya.
Mấy
tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm
thức mây phong nếp áo chầu
(thơ
Bà Huyện Thanh Quan)
Nhưng vào những năm đầu
thập niên 1950 này, chùa Trấn Quốc trông tiêu điều vắng vẻ, khách hành hương
thưa thớt, cho nên sở Thanh Niên thành phố mới có ý định lập một hồ bơi công
cộng bên con đường đất dẫn vào chùa.
Quá chùa Trấn Quốc là
tới một loạt những nhà cho thuê thuyền đi chơi hồ Tây, trong số có Tiểu Đồ Sơn
là lớn nhất. Vào buổi chiều hay vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, các học
sinh, thanh niên, thiếu nữ Hà Thành thường tới đây thuê canoé, périssoire,
pédalo, hay cả thuyền buồm nhỏ đi dạo trên hồ. Cuối đường Cổ Ngư là tới dốc
chân đê Nhị Hà, Ô Yên Phụ ở trên cao, nhìn xuống một bên là sông Nhị như giải
lụa uốn khúc, bên kia là hồ Tây như tấm gương soi.
Yên
Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị
Hà lấp lánh sao thưa
(Thơ
Tạ Tỵ)
Từ dốc Ô Yên Phụ này
phía bên trái là làng Yên Phụ, một làng trồng hoa, cũng như Ngọc Hà nhưng thơ
mộng hơn vì nằm ngay cạnh hồ. Làng Yên Phụ cũng là nơi có nhà của thi sĩ Đinh
Hùng, tác giả Mê Hồn Ca, ở ngoài lộ, và nhà của Thạch Lam, văn sĩ trong Tự Lực
Văn Đoàn, tác giả Hà Nôi băm sáu phố phường, ở ngay khúc đầu làng soi bóng
xuống mặt hồ.
Tây
Hồ có danh sĩ
Nhà
thì ở nhà tranh
Cửa
trúc cài phên gió
Trước
thềm bóng liễu xanh
(thơ
Huyền Kiêu)
Tiếp theo Yên Phụ đi dọc
mặt đông của hồ lên hướng tây bắc là tới Nghi Tàm, xa hơn nữa là Quảng Bá, rồi
đến Nhật Tân là đỉnh của Hồ Tây, tại đây đi xuôi xuống bên kia dọc mặt phía tây
hồ là con đường dẫn về Nghĩa Đô, Thụy Khuê, Quần Ngựa, trường Bưởi và Đền Quan
Thánh, và như thế là đã đi suốt một vòng quanh hồ. Quanh hồ Tây, dọc Nghi Tàm,
Quảng Bá phía đông cũng như dọc Thụy Khuê, Bưởi phía tây, du khách nếu có thời
giờ, có thể ghé thăm hàng chục ngôi chùa chiền, đền miếu, đình đài, xây cất từ
nhiều trăm năm trước.
Tại góc đường Cổ Ngư và
Quan Thánh bên trái có một công viên và đi xuyên qua công viên này là vào khu
vườn Bách Thảo. Thời 1945 về trước, đây là vườn Bách Thú vì có nhiều chuồng
nuôi các thú vật từ hổ, báo, gấu, voi cho tới hươu nai, khỉ vượn, cùng nhiều
loài chim. Chiến tranh xảy ra, thú vật chim chóc chết và mất hết cả, không được
thay thế cho nên bây giờ chỉ còn là vườn Bách Thảo. Trong vườn Bách Thảo này có
mấy hồ nhỏ với những cây đa gốc rễ xù xì cành lá toả xuống mặt hồ. Có một hồ
tường cao ngang ngực xây bao quanh, gần mấy tòa nhà của những người trông nom
vườn Bách Thảo này. Nhưng điạ điểm được biết nhiều nhất có tên là Núi Nùng, nổi
tiếng qua câu “Núi Nùng, Sông Nhị”. Núi với Sông, tên gọi song đôi với nhau,
nhưng phải nói là song đôi giữa lớn và nhỏ thì mới đúng. Sông Nhị là con sông
lớn nhất miền Bắc còn Núi Nùng thì gọi là núi, nhưng thực sự đây chỉ là một gò
đất cao chưa tới mười thước, chu vi dưới chân không quá 100 thước. Núi không có
đỉnh mà bên trên là 1 khoảnh đất bằng phẳng với dấu tích còn lại chỉ là một
mảnh tường kiểu cổ cao ngang bụng. Dường như thủa xưa nơi đây có một tòa miếu,
đền chi đó nhưng đã bị tàn phá chỉ một mảnh tường sót lại. Còn do đâu mà có tên
là núi Nùng thì tôi không biết. Những trưa hè oi bức cuối tuần, chúng tôi vài
đứa hay kéo nhau đi xe đạp tới đây lên nằm trên thảm cỏ hoặc dựa lưng vào bức
tường đọc sách, xem truyện, tán dóc với nhau hàng tiếng đồng hồ.
Sau vườn Bách Thảo tới
làng Ngọc Hà, cùng với làng Yên Phụ, là những nơi chuyên cung cấp hoa cho
thành phố Hà Nội. Chính làng Ngọc Hà này đã tạo thành bối cảnh cho tiểu thuyết
Gánh Hàng Hoa của Khái Hưng và Nhất Linh nổi tiếng thời tiền chiến. Từ Bách
Thảo đi lui về phía nam một đoạn đường ngắn là tới Chùa Một Cột. Chùa Một Cột,
hay là Chùa Nhất Trụ, còn có tên Hán nữa là Chùa Diên Hựu, được xây từ năm 1049
dưới triều Lý Thái Tông trong một hồ nhỏ là hồ Linh Chiểu, bao quanh bởi một
bức tường thấp bằng gạch sành tráng men xanh. Chùa có kiến trúc thật độc đáo,
bên trên chỉ có một gian hình vuông, mỗi cạnh dài 3 thước, nằm trên một cột đá
cao 4 thước, không kể phần chìm dưới nước, đường kính rộng hơn 1 thước. Cột này
gồm 2 khúc chồng lên nhau thành một khối, khúc trên có một hệ thống những đòn
gỗ giữ cho ngôi điện thờ ở trên. Bên trong chùa có thờ tượng Phật Bà Quan Âm.
Mái chùa có 4 góc uốn cong với hình cá chép và trên nóc mái có hình lưỡng long
chầu nguyệt. Có một đường xây xi măng từ bờ hồ lên điện thờ, chiều rộng hơn 1
thước với chừng 10 bậc, hai bên có lan can cũng xây xi măng.
Khu thắng cảnh từ đường
Cổ Ngư với đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc, hồ Tây qua vuờn Bách Thảo với núi
Nùng, tới Chùa Một Cột, tuy có nhiều cảnh trí đẹp và nhiều di tích lịch sử cổ
kính, nhưng ít người qua lại thăm viếng, có lẽ vì địa điểm xa xôi không thuận
đường đi lại, nhất là khu này quá rộng, coi cho hết mất rất nhiều thời giờ. Vào
dịp Tết Tân Mão đầu năm 1951, ngày mùng 4, tôi đưa mấy người họ hàng thân thích
từ Hải Phòng lên chơi Hà Nội, đi đến đây thăm viếng và chụp hình. Đường Cổ Ngư
còn thấp thoáng có người qua lại; vườn Bách Thảo số du khách đếm được trên đầu
ngón tay; sang tới Chùa Một Cột thì đúng là ‘vắng như chùa Bà Đanh’, ngoài mấy
người chúng tôi, không có một ai khác hết. Phải chăng vì đang có chợ phiên ở hồ
Hoàn Kiếm nên thiên hạ kéo nhau đi coi hết ở đó chăng?
Di tích lịch sử thứ ba ở
Hà Nội là Văn Miếu, còn gọi là Quốc Tử Giám.
Văn Miếu mặt tiền trông
ra con đường văn học Quốc Tử Giám, mặt sau trên phố Hàng Đẫy tức là đại lộ
Nguyễn Thái Học, con đường thẳng băng nối dài từ Nhà Hát Lớn qua phố Trường
Thiền, Trường Thi đi tuốt ra Kim Mã tới Ô Cầu Giấy trên quốc lộ lên Sơn Tây.
Một bên hông Văn Miếu phía đường Sinh Từ là phố Văn Miếu, mặt hông bên kia có
đường xe điện chạy ngang. Trước cổng chính vào Văn Miếu bên kia đường Quốc Tử
Giám có một cái hồ, tục gọi là hồ Giám. Giữa hồ có 1 đảo nhỏ và trên bãi cỏ
xanh có một ngôi miếu nhỏ. Đây là nơi con yêu hồ Giám thường ẩn hiện, một trong
4 con yêu thành Thăng Long thời cuối nhà Hậu Lê.
Long
Thành có bốn yêu tinh
Yêu
trước Hồ Giám, yêu Đình Đồng Xuân
Tục truyền con yêu Hồ
Giám là con yêu lành, chưa từng hại một người, chỉ hay đón bọn học trò ghẹo
chơi nếu là người không đứng đắn. Nó cũng chỉ quanh quẩn bên ngoài chứ chưa bao
giờ dám bước vào bên trong Văn Miếu.
Kỷ niệm Văn Miếu với tôi
chỉ là vào những ngày hè oi bức, chúng tôi thường đến nhà một anh bạn ở cuối
đường Sinh Từ, để xe đạp ở đó, rồi kéo nhau đi bộ sang đường Văn Miếu kế bên.
Chúng tôi lần lượt leo tường vào bên trong, lang thang khắp nơi, tận hưởng cái
thú trong sự yên lặng tịch mịch dưới bóng mát của những tàn cây đại thụ. Nghỉ
mệt, chúng tôi nằm lên lưng các con rùa đá hoặc dựa lưng vào các tấm bia ghi
tên các vị đậu đại khoa, nghĩa là đậu tiến sĩ của một thời khoa bảng xa
xưa Những tấm bia dựng trên lưng rùa này nằm rải rác trên sân cỏ, tất cà
cũng phải đến gần 100 tấm.
Văn Miếu được xây vào
năm 1070 đưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Đức Khổng Thử, vị Vạn Thế Sư Biểu
cùng thất thập nhị hiền, 72 môn đệ hiền đức nhất của ngài. Đến đời Lý Nhân
Tông, Quốc Tử Gíám được xây cũng tại nơi đây để làm nơi cho con cháu hoàng đế
và các quan đến học, sau mở rộng cho cả thứ dân, cho nên Quốc Tử Giám được coi
như là Viện Đại Học đầu tiên của Việt Nam.
Văn Miếu là một công
trình xây cất qui mô, có lớp lang, thứ tự rõ ràng. Ngoài cùng có một tam quan
gọi là Đại Trung Môn, tức là Cửa Lớn ở Giữa, hai bên có hai cổng nhỏ với hai
lối đi nhỏ. Qua khỏi Đại Trung Môn là Khuê Văn Các, một tòa gác cao, tượng
trưng cho sao Khuê, ngôi sao sáng rực rỡ trên nền trời. Đây là nơi giảng sách
thánh hiền. Tiếp theo là một sân rộng, nơi các sĩ tử ngồi nghe giảng Đạo Thánh.
Kế đó là một hồ vuông có tên là Thiên Quang Tĩnh, cái giếng phản chiếu tinh tú
trên bầu trời, hai bên có các dãy bia ghi danh các vị đã đỗ tiến sĩ. Bia đá
khắc tên tiến sĩ khởi đầu vào năm 1442, đời vua Lê Thái Tông. Sau đó là một sân
nữa rộng mênh mông gọi là sân Đại Bái nơi xuân thu nhị kỳ có các cuộc hành lễ
và cuối cùng đến Điện Khải Thánh bên trong có tượng Đức Khổng Tử uy nghi ngồi
giữa mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, hai tay chồng lên nhau trước ngực. Chức quan trông
coi Văn Miếu Quốc Tử Giám gọi là Tế Tửu, có thể coi như chức Viện Trưởng Đại
Học bây giờ. Vị Tế Tử đầu tiên là Chu Văn An dưới trào vua Trần Dụ Tông cuối
đời nhà Trần, và tượng thờ vị danh nho khí phách cũng được dựng lên ở một bên
trong Điện Khải Thánh này.
Cả ba khu thắng cảnh với
những di tích lịch sử trên đều ở trong vùng phía bắc hay cũng gần phía bắc Hà
Nội. Từ Văn Miếu theo đường xe điện lui về hướng nam là tới Đống Đa nơi có đền
Trung Liệt với ba chữ Trung Liệt Miếu ở cửa đền. Gò Đống Đa này là nơi vua
Quang Trung năm 1789 đã đại phá quân Thanh khiến cho tướng Thanh là Sầm Nghi
Đống đã phải treo cổ tự tử, là nơi chôn xác hàng ngàn quân Thanh chồng chất lên
thành gò và hàng năm đến ngày mùng 5 tháng giêng là có hội lễ, dân chúng đua
nhau đi thăm viếng. Gần Đống Đa có Thái Hà Ấp, đất phong của gia đình cha con
Phó Vương Hoàng Cao Khải và Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, cũng là nơi cư ngụ của
nhà phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan với bộ Nhà Văn Hiện Đại.
Đi ra vùng ngoại ô phía
tây Hà Nội có một khu thắng cảnh khác. Cũng từ mặt sau Văn Miếu, trên đường
Hàng Đẫy theo đường xe điện đi về hướng Tây qua khỏi Kim Mã là bắt đầu quốc lộ
Hà Nội Sơn Tây, hai bên đồng ruộng cây cỏ xanh rì. Song song với quốc lộ cách
chừng 100 thước bên tay phải là một con đường đất hẹp chạy dài chừng 3 cây số.
Khoảng giữa đoạn đường này, con đường nở rộng ra, mặt đất nổi lên từ 5 tới 10
thước thành một gò đất dài chừng 100 thước, có tên là Núi Bò. Nghĩ cũng lạ! Hà
Nội nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, địa thế bằng phẳng, làm sao có núi non
cho được. Vậy mà ngoài núi Bò này, trong vườn Bách Thảo còn có Núi Nùng. Núi
Nùng là một địa danh có tiếng, đi đôi với Sông Nhị, nhưng Núi Bò này thì không
mấy người biết và cũng không biết tại sao có tên gọi là Núi Bò. Nhóm học sinh
chúng tôi vào ngày nghỉ học thường lên đây tìm cảm hứng làm thơ, viết văn. Suốt
con đường đất này qua núi Bò cho tới tận đền Voi Phục, nhiều chỗ cây cối rập
rạp thành lùm thành bụi um tùm, là nơi các cặp nam thanh nữ tú thường đến hẹn
hò tình tự. Năm 2002, về Việt Nam, trong chuyến ra miền Bắc, trên đường lên
thăm Sơn Tây, nơi tôi sinh trưởng, khi qua khỏi Kim Mã, tôi không còn thấy dấu
vết gì của Núi Bò. Hai bên suốt đoạn đường trên 20 cây số cho tới Cầu Phùng bắc
qua sông Đáy, không thấy đâu là đồng ruộng vì nhà dân xây liên tiếp kín mít
không có chỗ hở. Ngay đền Voi Phục và Ô Cầu Giấy, nơi có ngôi mộ của Đại Tá
Henri Rivière bị quân Cờ Đen phục kích giết chết, từ ngoài đường nhìn vào cũng
không tìm đâu thấy.
Trên quốc lộ đi về hướng
tây, đền Voi Phục ở về bên tay phải, cách đường một quãng ngắn. Đây là một
trong 4 ngôi đền trấn giữ thành Thăng Long ở 4 mặt. Đền Voi Phục trấn giữ mặt
tây trong khi đền Quan Thánh trấn giữ mặt bắc. Đền Voi Phục thờ Lung Linh Đại
Vương, tục truyền về đời nhà Lý đã theo Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, nay
hàng năm có lễ hội với đám rước linh đình vào đầu tháng hai âm lịch. Từ ngoài
vào trong đền phải qua 1 tam quan với 4 cây cột cao, có đôi voi nằm chầu phục
xuống hai bên, vì vậy đền mới có tên là Voi Phục. Trước sân đền có mốt giếng
sâu và nhiều cây cổ thụ già hàng trăm năm và 12 bậc dẫn lên chính điện.
Cũng trên quốc lộ này,
khoảng ngang với đền Voi Phục ở bên tay phải, nếu đi vào phía bên tay trái một
quãng đường chừng 500 thước là tới chùa Láng trên một khu đất rộng cây cối um
tùm. Chùa Láng có tên Hán là Chiêu Thiên Tự, còn gọi là Chùa Cả, xây từ đời vua
Lý Anh Tông, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cũng có một tam quan với tứ trụ, 4 cột
vuông, 3 mái cong, mái giữa cao hơn hai mái hai bên. Qua khỏi tam quan tới một
sân rộng là đến chính điện trong có tượng thờ Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Láng hàng
năm nhằm vào ngày 7 tháng 3 âm lịch. Tại núi Sài Sơn, Sơn Tây có chùa Thầy,
cũng thờ Từ Đạo Hạnh. Cho nên mới có câu đồng dao:
Nhớ
ngày mùng bảy tháng ba
Trở
về hội Láng, trở ra hội Thầy
*
* * * *
Hà Nội khí hậu thay đổi
theo 4 mùa. Mỗi năm vào dịp đầu hè, khi ngồi trong lớp học, nhìn qua cửa sổ
nghe trong vòm lá cây rậm rạp tiếng ve sầu kêu như một cung đàn rời rạc trong
buổi trưa hè oi bức, thoáng tiếng giảng bài của giáo sư mơ hồ như từ một qúa
khứ xa xôi nào vọng lại, tôi chợt nghĩ tới những ngày hè sắp tới. “Hè đã về! Hè đã về với xác pháo thắm ai tinh nghịch gieo trên cành
soan biếc…”. Và tôi nghĩ đến hoa phượng vĩ, những đường hoa đỏ rưc
của Hà Nội: những hàng cây phương vĩ ven hồ Hoàn Kiếm, dọc hai bên đường Cổ
Ngư, bên đường Quần Ngựa, và làm sao không khỏi nhớ tới “Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ” của nhà thơ Tạ Tỵ. Thế
rối thu hết đông sang, Hà Nội trở thành thơ mộng khi gió heo may về, ánh nắng
vàng không còn rực rỡ, bên hồ Gươm các cô gái của thành phố đã khoác lên mình
những chiếc áo len, quàng lả lơi qua vai chiếc khăn san như đã sẵn sàng cho
những ngày đông giá lạnh
Heo
may lướt nhẹ trên hồ
Còn
như vương chút hương thu vừa tàn
Hà Nội ở đầu mùa đông,
có những ngày nắng hanh vàng, trờì trong xanh ngắt, lại có những ngày gió nồm
không khí nặng nề như chứa đầy hơi nước, trời không mưa mà mặt đường ướt át, dơ
bẩn vì cái cảnh đá đổ mồ hôi.
(còn tiếp)
© Đỗ Văn Minh
Mời click các links dưới đây để xem toàn bộ "Hà Nội: 1948-1954 Những Năm Thánh Cũ"
Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 1- Đỗ Văn Minh
Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 2- Đỗ Văn Minh
HàNội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần Cuối-Đỗ Văn Minh
No comments:
Post a Comment