Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ
(4)
Nhà Hát Lớn Hà Nội
Một người nữa từng là
văn sĩ, thi sĩ thời tiền chiến là Hồ Dzếnh, tác giả
tập truyện ngắn tình cảm “Chân Trời Cũ”, có nhiều truyện thật cảm động, và 2
tập thơ “Quê Mẹ” và “Hoa Xuân Đất Việt” trong đó ông ca tụng người mẹ Việt Nam
với nhiều hình ảnh chứa chan tình tự. Hồ Dzếnh là người Minh Hương tức Tàu lai,
bố Tàu mẹ Việt. Về Hà Nội, Hồ Dzếnh mở hiệu sách Trung Phương ở đầu phố Huế nối
tiếp với phố Hàng Bài, nhưng sống âm thầm và không thấy có hoạt động văn nghệ
nào.
Nói đến thi sĩ Hồ Dzếnh
thì không thể không nhắc đến một thi sĩ khác, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tác giả các tập Thơ Say, Mây, những vở
kịch thơ Vân Muội, Trương Chi của những năm trước 1945. Về thành, Vũ Hoàng
Chương dạy Việt Văn ở trường Văn Lang của giáo sư Ngô Duy Cầu, trong khi vẫn
tiếp tục làm thơ và viết kịch thơ, vở kịch thơ “Tâm sự kẻ sang Tần” với quan
niệm ‘bất quan thành bại luận anh hùng’ để đánh giá hành động mưu sát Tần Thủy
Hoàng của Kinh Kha thời Chiến Quốc. Tôi cũng còn nhớ sau Tết Nhâm Thìn đầu năm
1952, thầy Vũ Hoàng Chương đã ngâm trong lớp đệ tứ B3 cho học trò nghe bài thơ
(tôi không nhớ tên) ông mới làm để ca tụng chiến thắng trận Đống Đa của vua
Quang Trung nhân ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Rồi ông cho xuất bản tập thơ
Rừng Phong vào cuối năm 1953. Tôi còn nghe nói thời gian khi mới từ ngoài khu
về Hà Nội, vì sinh kế, Vũ Hoàng Chương đã phải viết cả đến loại tiểu thuyết võ
hiệp, quyển Mai Hoa Kiếm Khách, cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh để lấy tiền
sinh sống. Tất nhiên ông chỉ dùng một bút hiệu nào đó chứ không dùng tên thật
cho loại sách rẻ tiền này.
Vũ Hoàng Chương viết
kịch, nhưng tất cả đều là kịch thơ, vì bản chất Vũ Hoàng Chương chỉ là một thi
sĩ. Nói đến kịch, kịch văn xuôi thì không thể quên được kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, tác giả những tập kịch ngắn như ‘Nhũng bức
thư tình’, ‘Mơ hoa’, vở kịch dài ‘Ngã ba’ thời tiền chiến. Đoàn Phú Tứ bỏ kháng
chiến về Hà Nội muộn vào tháng 7 năm 1951 và cũng như Vũ Hoàng Chương, dạy Việt
Văn tại trường Văn Lang. Cùng dạy một lớp, ông phụ trách phần giảng văn trong
khi thi sĩ họ Vũ phụ trách phần luận văn. Ông còn giảng Kiều ở Đại Học Văn Khoa
nữa. Tuy không chính thức ở trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhưng ông có nhiều giao
tình thân thiết với nhóm này cho nên khi giảng kim văn, ông thường kể cho học
sinh nghe một số giai thoại về văn đoàn này. Ông cho biết trường hợp nào Thế Lữ
đã sáng tác bài “Cây đàn muôn điệu”, tại sao thi sĩ Xuân Diệu lại được gọi là
Xuân ‘Rượu’,… Nhưng khác với Vũ Hoàng Chương, Đoàn Phú Tứ khi về thành,
trong thời gian 3 năm (1951-1954) đã không soạn một vở kịch nào, làm một bài
thơ nào, và không có một bài viết nào ngoài lãnh vực văn nghệ thuần túy. Năm
1952, ông lập gia đình và làm cho không những các học trò của ông mà cả giới
văn nghệ Hà Nội phải hết sức ngạc nhiên, xôn xao, bàn đi tán lại. Người ông
muốn cưới là cô nữ sinh nhan sắc, con nhà gia giáo cổ truyền, nhưng kém ông tới
21 tuổi, người đã say mê những bài giảng của ông, đã phục ông là một người tài
hoa, uyên bác, ăn nói có duyên, do đó đã cương quyết cùng ông lập gia đình
trong khi toàn thể cha mẹ anh chị em họ hàng cực lực phản đối. Biết tính nết
uơng ngạnh, cá tính mạnh mẽ của cô con gái, rút cục gia đình cũng phải chấp
nhận để hai bên có một lễ cưới theo nghi thức hẳn hoi.
Những văn nghệ sĩ trẻ ở
Hà Nội thời ấy sáng tác nhiều hơn các nhà văn thơ tiền chiến. Người ta thấy
xuất hiện những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Hoàng Công
Khanh, Hoàng Phụng Tỵ, Vĩnh Lộc, …
Về tiểu thuyết, Nguyễn
Minh Lang và Thanh Nam là hai cái tên đi sóng đôi với nhau nhưng Thanh Nam còn
làm thơ mà Nguyễn Minh Lang thì không. Cả hai đều sáng tác nhiều tiểu thuyết,
vừa truyện dài lẫn truyện ngắn. Nhưng rồi Thanh Nam bỏ Hà Nội vào Sài Gòn khá
lâu trước khi có cuộc di cư năm 1954. Nguyễn Minh Lang là một tác giả thuộc
loại ‘ăn khách’, nhất là với giới phụ nữ. Năm 1950, ông cho ra mắt truyện ngắn
‘Trăng Đồng Nội’ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. Câu chuyện tản cư đượm màu sắc
lãng mạn trong không khí thơ mộng của những ngày đầu kháng chiến đã chinh phục
ngay được nhiều độc giả. Những tiểu thuyết ‘Hoàng tử của lòng em’, ‘Cánh hoa
trước gió’.., ông đã viết với lối văn bay bướm, tình tứ rất thích hợp với những
chuyện tình ướt át.. Trong cuộc sống riêng tư, Nguyễn Minh Lang đã có mốí tình
với nữ ca sĩ Tâm Vấn của đài phát thanh Hà Nội, nhưng khi đất nước chia đôi thì
Nguyễn Minh Lang ở lại còn người ca sĩ kia thì dứt khoát lên đường vào Nam. Đặc
biệt là ngoài nghiệp văn chương, Nguyễn Minh Lang còn hành nghề may âu phục, âu
cũng là điều lạ với một người chuyên viết những tiểu thuyết thuộc loại diễm
tình.
Một nhà thơ trẻ đang lên
là Hoàng Phụng Tỵ với thi phẩm được nhiều người biết đến là tập “Hương Thơ Mùa
Loạn”. Năm 1951, ông bị động viên vào khóa 1 trường sỹ quan trừ bị Nam Định và
sau đó năm 1953, ông được cử làm huấn luyện viên cho các lớp Cao Đẳng Quân
Sự (PMS – Préparation Militaire Supérieure) tại các trường trung học ở Hà
Nội. Trong các buổi học về quân sự học đường này, ông thường hoà mình với các
học sinh, chuyện trò thân mật, và sẵn sàng trả lời, không phải các câu hỏi liên
quan đến nhà binh mà là các câu hỏi có tính cách tò mò về các chuyện văn nghệ
mà ông biết rõ. Chẳng hạn chuyện tình giữa văn sĩ Nguyễn Minh Lang và ca sĩ Tâm
Vấn, hoặc có phải nữ danh ca Minh Đỗ có chồng là người nhạc sĩ chơi đại hồ cầm
trong ban nhạc đài phát thanh Hà Nội, có phải nhà văn Bùi Xuân Uyên là con nữ
sĩ Tương Phố, tác giả thiên ‘Giọt Lệ Thu’ của thời Nam Phong Tạp Chí xa xưa?
Nhưng viết kịch mà được
nhiều người biết đến hơn cả có lẽ là Hoàng Công Khanh với vở kịch thơ “Bến Nước
Ngũ Bồ” đã được diễn nhiều lần trên sân khấu Nhà Hát Lớn thành phố Hà Nội.
Hoàng Công Khanh còn viết nhiều tiểu thuyết như “Trại Tân Bồi”, “Yêu chỉ một
lần”, “Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu”, “Mối tình đầu”, …phần nhiều mang hơi
hướm lãng mạn và đầy mùi vị tiểu tư sản, rất được độc giả ưa thích. Thế nhưng
vào những ngày đất nước sắp chia đôi, những ngày Hà Nội chờ đón “quân ta” trở
về thì Hoàng Công Khanh cho ra mắt tác phẩm viết vội mang tên là “Quan điểm văn
nghệ nhân dân”. Thái độ trở cờ của Hoàng Công Khanh đã bị công kích kịch liệt
vì đầu năm 1954, tác phẩm “Mối Tình Đầu” của ông, được quảng cáo là món quà
cưới cho những cặp tình nhân, còn chưa ráo mực thì giữa năm 1954, ông đã vội
‘đón gió’ ca tụng văn nghê “nhân dân” hòng lập công với những chúa trùm văn
nghệ mới ở ngoài khu sắp sửa vào thành.
Có một nghệ sĩ đặc biệt,
không thuộc thành phần trẻ nhưng cũng không hẳn thuộc lớp tiền chiến, đó là Tạ
Tỵ. Gọi là nghệ sĩ vì Tạ Tỵ là một người làm văn nghệ toàn diện. Ông viết văn,
làm thơ và còn là một hoạ sĩ, một họa sĩ nổi tiếng về những bức tranh lập thể.
Ông là người đi tiên phong ở Hà Nội trong truờng phái họa này của Picasso, đã
trưng bày các họa phẩm ở Nhà Hát Lớn và Nhà Khai Trí Tiến Đức bên Hồ Hoàn Kiếm.
Tạ Tỵ viết nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí, rồi gom góp lại thành tác
phẩm xuất bản có tên là “Những Viên Sỏi”.
Còn nhiều người nữa,
nhiều văn nghệ sĩ khác đã góp phần vào thị trường chữ nghĩa của Hà Nội thời bấy
giờ như Vĩnh Lộc với tiểu thuyết “Bừng Sáng”, Triều Đẩu với thiên phóng sự
“Trên vỉa hè Hà Nội”, Trúc Sĩ với “Kẽm Trống”, …
Và về bộ môn kịch thì
không thể quên được Vũ Khắc Khoan với kịch bản “Thằng Cuội”. Ông là giáo sư
Việt Văn các lớp Đệ Tam và Đệ Nhất trường Trung Học Nguyễn Trãi, tại đây
ông lập ra sân khấu Côn Sơn để các học sinh diễn kịch trong các buổi văn nghệ
tất niên của trường mà một diễn viên học sinh ông đặc biệt qúy mến về tài năng
là Long Cương, niên khóa 1953-1954 học lờp đệ tam ban C. Vũ Khắc Khoan cũng đã
cùng với Phan Tại lập ra Hoa Quỳnh Kịch Xã, có sự đóng góp của thi sĩ Vũ Hoàng
Chưong.
Ở Hà Nội thời đó, ngoài
Hoa Quỳnh Kịch Xã còn có Sông Hồng Kịch Xã với những chiều kịch mùa hè, những
đêm kịch mùa thu, tất cả đều diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội. Các đoàn kịch này đã
trình diễn các vở “Lên Đường”, “Cô Gái Nước Tần”, “Kiều Loan” của Hoàng Cầm,
“Vân Muội”, “Tâm Sự Kẻ Sang Tần” của Vũ Hoàng Chương”, “Bến Nước Ngũ Bồ” của
Hoàng Công Khanh, “Thằng Cuội” của Vũ Khắc Khoan, … Có lần trường kịch nổi
tiếng của Tàu là “Lôi Vũ” của Tào Ngu đã được công diễn mấy buổi liên
tiếp. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Những đoàn kịch như Sông Hồng hay
Hoa Quỳnh đều không phải là những đoàn nhà nghề trình diễn thường trực, những
diễn viên đều là tài tử cho nên tên tuổi không mấy ai nhớ được.
Khán giả kịch có tính
chất chọn lọc, không như khán giả bình dân của cải lương, chẳng hạn đoàn Kim
Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô ở rạp Tố Như phố Hàng Bạc, có khi một vở tuống
diễn cả mấy tuần liền mà người coi vẫn đông đảo. Người xem thuộc lòng tên những
diễn viên đoàn Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long như Kim Chung, Kim Xuân,
Ngọc Toàn, Ba Hội, hay của các đoàn khác như Ái Liên, Bích Hợp, và Huỳnh Thái
“Cây Sái cuả Bắc Việt”. Năm 1952, đoàn kịch Quốc Gia danh tiếng của Pháp từ
Paris qua diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội mấy vở kịch cổ điển như Les Misanthropes
của Molière, Homère của Corneille, và Iphigénie của Racine nhưng chỉ được mấy
buổi rồi cũng không còn khán giả nữa. Trái lại, năm 1953, đoàn cải lương Phụng
Hảo từ Sài Gòn ra Hà Nội với các danh tài như Phùng Há, Bích Thuận, Thanh Loan,
Ba Vân, … trong các vở tuồng mà nổi tiếng nhất là Phụng Nghi Đình. Sau khi
trình diễn ở Nhà Hát Lớn 2 tuần liền, đoàn chuyển về rạp Porte d’Or ở phố Hàng
Buồm mà vẫn đông khách cho nên còn diễn thêm hơn một tuần nữa mới trở vào Nam.
Một chiều kịch vào đầu
hè năm 1950, trong lúc chờ đợi đổi màn, có các ca sĩ ra hát phụ diễn. Tôi nhớ
khi đó nam ca sĩ Kim Tiêu ra hát bài Tiếng Hát Sông Lô do Phạm Duy sáng tác để
ca tụng chiến thắng quân Pháp trên sông Lô năm 1947. Phạm Duy lúc ấy còn ở
ngoài kháng chiến, và bài hát này của ông đã được truyền về Hà Nôi, nhưng chưa
hề được trình diễn chính thức vì có những lời ca chửi rủa quân Pháp nặng nề. Vậy
mà giữa Nhà Hát Lớn trong lòng Hà Nội, Kim Tiêu đã hát theo nguyên bản lời ca
với những câu:
Trên
nước sông Lô, giặc lên ăn cướp dân ta
Quân
cướp tham ô ngày nao đã chết không ngờ
….
Hai
ngàn quân cướp vùi thân
Trên
dòng sông Lô Giang
Súng
thần công vang vang …
Khán giả đã nhiệt liệt
vỗ tay hoan hô và Kim Tiêu đã phải hát lại bài này một lần nữa. Đây là một hiện
tượng biểu hiện tâm lý chung của nhiều người dân Hà Nội trong những năm 1950
đến 1953. Đã bỏ vùng hậu phương về thành để chấp nhận sống dưới quyền kiểm soát
của quân Pháp, thế nhưng người ta vẫn có cái khuynh hướng có thể gọi là “vọng
kháng chiến”, ghét Pháp và miệt thị chính quyền quốc gia do quốc trưởng Bảo Đại
lãnh đạo. Một lần khác, cuối năm 1951, trong giờ Sử ở lớp đệ tứ trường Văn
Lang, giáo sư Trương Hoàng Minh sau khi giảng bài xong đã kể cho học sinh nghe
chuyện đại hội hòa bình tổ chức tại Đông Đức vừa mới chấm dứt. Ông cho biết
trong đại hội này, phái đoàn nước VNDCCH khi tiến vào hội trường đã được hoan
hô nhiệt liệt, được đoàn viên nam nữ các nước anh em ôm hôn thắm thiết vì đang
nêu gương tranh đấu giành độc lập chống thực dân Pháp. Học sinh đã rú lên, suýt
xoa tỏ lòng sung sướng và hoan nghênh giáo sư đã không sợ bị bắt bớ nguy hiểm
đến bản thân. Vào thời gian đó, nhiều tờ báo ở Hà Nội đã không dấu diếm thái độ
thân kháng chiến, họ cho như thế mới đúng là trí thức tiến bộ. Các vở kịch thơ
của Hoàng Cầm như ‘Lên Đường’, ‘Cô gái nước Tần’ có nội dung đề cao lòng yêu
nước đã được đăng trên báo, được diễn trên sân khấu. Ngay kịch tác gia Đoàn Phú
Tứ, trước khi hồi cư về thành, cũng đã nói: “Vào sống ở Hà Nội nhưng sẽ không
làm gì phương hại đến kháng chiến”.
Thực ra, thái độ này
cũng không phải là hoàn toàn nghịch lý. Tôi xin kể một chuyện mà tôi đã tận mắt
chứng kiến.
“Vào một trưa hè năm 1951,
tôi và vài người bạn lên tắm ở hồ bơi bên chùa Trấn Quốc, lúc đó có tất cả
khoảng hai, ba chục người vừa nam vừa nữ. Mọi người đang vui vẻ đùa nghịch, bơi
lội thì thình lình có 4 tên lính Pháp lưng đeo súng trường, dắt 2 con chó săn
to lớn từ ngoài đường Cổ Ngư đi vào. Thấy chúng tôi đang tắm, chúng liền suỵt
cho 2 con chó nhẩy xuống hồ tắm hùng hục bơi qua bơi lại. Chúng tôi, nhất là
mấy chị phụ nữ, vội vã lên bờ hoặc lên ngồi trên cầu nhảy. Một thanh niên lớn
tuổi tự động đến nói phải quấy với mấy tên Pháp, yêu cầu chúng gọi hai con chó
lên vì đây là hồ cho người bơi lội chứ không phải để cho loài chó tắm. Lập tức
4 tên lính Pháp vây quanh anh thanh niên này, sừng sộ to tiếng nói mày là Việt
Minh hả, có muốn tao bắt vào cho an ninh, phòng nhì tra xét không. Anh thanh
niên sợ hãi lí nhí nói mấy câu dường như là xin lỗi, còn chúng tôi cũng sợ
không dám có thái độ gì để bênh vực, riêng mấy chị phụ nữ vội rút vào trong
phòng thay đồ. Doạ dẫm một hồi, chán rồi 4 tên lính cũng gọi 2 con chó
lên và nghênh ngang ra đi. Chúng tôi cảm thấy vô cùng tủi nhục trước thái độ
hèn hạ của chính mình, nhưng không ai dám có hành động gì e mang vạ vào thân”.
Bằng những hành động
thất nhân tâm như thế, thêm vào là những cơ quan như cảnh sát, công an, phòng
nhì, an ninh quân đội, nơi nào cũng ỷ thế có quyền bắt giữ, tra hỏi, thành ra
làm sao người dân có cảm tình với đội quân chiếm đóng được. Hơn thế nữa, vào
thời gian này, cộng sản chưa lộ rõ bộ mặt thật. Chưa có đấu tố, chưa có cải
cách ruộng đất, cái hào quang kháng chiến vẫn còn rực rỡ, đó là điều giải thích
cho cái thái độ có phần nghịch lý của người dân trong thành: theo Pháp, sống
với Pháp mà vẫn ghét Pháp, vẫn chống Pháp.
Sau văn, thơ, và kịch
thì đến phần nhạc. Nhạc ở Hà Nội trong những năm 1948-1954.
Cuối năm 1948 khi hồi cư
về Hà Nội, tôi đã hết sức xúc động mỗi khi nghe bài Ngày Về của Hoàng Giác do
Ngọc Bảo ca. Những câu
Tung
cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi
sống bao ngày giờ đằm thắm
đã thực sự thấm vào tâm
hồn vì sao nó hợp với hoàn cảnh lúc ấy đến thế!
Nói về nhạc thì phải nói
ngay đến đài phát thanh Hà Nội, nơi có chương trình ca nhạc hàng ngày. Hà Nội
thời đó làm gì có các đại nhạc hội mà chỉ thỉnh thoảng có phụ diễn ca nhạc tại
các rạp chiếu bóng trước khi chiếu phim với một ban nhạc tài tử dăm bẩy người
kể cả ca sĩ. Cho nên chúng tôi ngóng chờ mỗi buổi tối để đón nghe chương trình
“Ban Đàn Việt Nhạc” của đài phát thanh từ 7 giờ tới 7 giờ 30 phút, thời gian
chỉ vỏn vẹn có nủa giờ. Ca sĩ ở Hà Nội hiếm hoi lắm! Tôi nhớ hát thường trực
tại đài lúc đầu chỉ có nữ ca sĩ Minh Đỗ và nam ca sỉ Ngọc Bảo, sau có thêm các
ca sĩ Tâm Vấn và Quách Đàm (Khuất Duy Đàm, chú ruột của ca sĩ Khuất Duy Trác).
Thỉnh thoảng có ca sĩ ngoài vào hát thêm vài bài chẳng hạn như nhạc sĩ Hoàng
Giác. Ban nhạc, khi giới thiệu ca sĩ, thì gọi là Cô Minh Đỗ, là Tài Tử Ngọc
Bảo: “ … xin giới thiệu bài ‘Tiếng Thời Gian’ của Lâm Tuyền do Cô Minh Đỗ ca -
bài ‘Tôi bán đường tơ’ của Thẩm Oánh do Tài Tử Ngọc Bảo ca”.
Minh Đỗ là ca sĩ có giọng hát điêu luyện, nổi tiếng với những bản nhạc bán cổ
điển hay có hơi hướm bán cổ điển. Cô có chồng là Thái Ban, người nhạc sĩ chơi
đại hồ cầm trong Ban Đàn Việt Nhạc. Còn Ngọc Bảo là người ca sĩ có giọng hát
thiên phú, hơi dài, mạnh mà êm. Hè năm 1953, Ngọc Bảo được hãng đĩa mời sang
Pháp để thu đĩa một số bài hát cùng với ban nhạc người Pháp. Cũng năm 1953, vợ
chồng Ngọc Bảo có mở một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Hàng Gai khúc gần hồ Hoàn
Kiếm và dần dần Ngọc Bảo không còn xuất hiện đều đặn trên đài phát thanh
nữa. Điều đáng ghi nhận là trong khi đài phát thanh Hà
Nội có cặp Ngọc Bảo – Minh Đỗ thì đài phát thanh Huế có cặp Châu Kỳ – Mộc
Lan và đài phát thanh Sài Gòn có cặp Mạnh Phát – Minh Diệu, tất cả đều cùng nổi
tiếng một thời.
Các ca sĩ thời gian này
hầu hết đều đơn ca, hiếm thấy có song ca. Chưa từng thấy song ca nam nữ Ngọc
Bảo-Minh Đỗ hay song ca đôi nữ Minh Đỗ-Tâm Vấn, … Chỉ một lần vào dịp đầu thu
năm 1952, tại Nhà Hát Lớn trong một buổi văn nghệ nào đó, có cặp ca sĩ Tâm Vấn
và nhạc sĩ Canh Thân dắt tay nhau ra nhún nhẩy song ca mấy bài hát thể điệu
swing nhộn nhịp của Canh Thân như ‘Túi Đàn’, ‘Đi với tôi đến chốn trời xa’. Lối
trình diễn sống động mà ngổ ngáo của cặp Tâm Vấn – Canh Thân vào lúc đó thật
lạ, mới thấy lần đầu. Mãi đến những năm 1953, 1954, Hà Nội mới có ban hợp ca
Hạc Thành của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, ban tứ ca đầu tiên ở Hà Nội với 4 anh em
Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo, và tất nhiên là có song ca của hai
chị em Thể Tần – Hồng Hảo và của hai anh em Nhật Bằng – Nhật Phượng. Ban Hạc
Thành có thể coi như rập khuôn theo ban hợp ca Thăng Long của 4 anh em Hoài
Trung, Hoài Bắc, Thái Hằng, Thái Thanh, là một ban Mini Thăng Long.
Đài phát thanh Hà Nội
trong các năm 1948-1950 có một chuyên viên kỹ thuật người Sài Gòn, nhưng đồng
thời cũng là một nhạc sĩ sáng tác. Đó là Trần Văn Nhơn tức APNC. Không thấy có
ai, kể cả tác giả nữa, cắt nghĩa APNC là viết
tắt của những chữ gì, hay có ý nghĩa gì, như thời tiền chiến đã có văn thi sĩ
Đái Đức Tuấn mang biệt hiệu là TCHYA, có nghĩa là ‘Tôi CHẵng Yêu Ai’, rồi lại có ông
văn sĩ Trần Quang Trân lấy tên là NGYM tức ‘NGười Yêu Mợ’. Các ông văn nghệ sĩ thật là rắc rối! Trần Văn Nhơn
hẳn phải nặng lòng yêu mến Hà Nội nên năm 1949 ông đã sáng tác bài ‘Ảo Ảnh
Chiều Thu” với câu mở đầu “Kinh thành Thăng Long trong
bóng sương chiều”, rồi đến bài ‘Hà Nội 49” với câu “Bước men quanh hồ Hoàn Kiếm gió thu, chiều úa”.
Sang năm 1950, ông cho ra mắt bài Sài Gòn Xa Hoa. Trong khi 2 bài về Hà Nội có
tiết điệu êm đềm, lả lướt thì bài về Sài Gòn đã thật nhộn nhịp tưng bừng như
nhịp sống quay cuồng của cái thành phố mà Trần Văn Nhơn đã diễn tả trong điệp
khúc:
Sài
Gòn là viên ngọc trân châu của Á Đông
Sài
Gòn là nơi người viễn khách thường lui tới
Tửu
điếm, Trà đình, Đại Thế Giới
Kim
Chung, nơi vùi chôn xác con người đảo điên.
Nhưng sau đó thì không
thấy Trần Văn Nhơn sáng tác thêm bài nào nữa, và rồi không nghe nói tới ông,
không biết tung tích của ông, ngay cả ở Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954.
Thủa ấy, nhà xuất bản
lớn nhất, ấn hành hầu hết các bản nhạc từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là nhà xuất
bản Tinh Hoa ở Huế. Tại Hà Nội có nhà xuất bản Thế Giới ở phố Huế củng in và
phát hành một số ít các bản nhạc nhưng trình bày không đẹp và không được phổ
biến rộng rãi bằng nhà Tinh Hoa. Các nhạc bản của Tinh Hoa bìa trước thường có
hình ảnh phong cảnh thích hợp với nhạc phẩm, 2 trang giữa in bản nhạc và trang
bìa sau có hình tác giả bài hát hoặc hình ca sĩ hoặc in danh sách các bản nhạc
của nhà xuất bản theo số thư tự. Giá 1 bản nhạc là 5 đồng, bằng giá tiền một
bát phở.
Khoảng năm 1950, khi xem
bản nhạc Bến Xuân của Văn Cao do Tinh Hoa ấn hành với những câu mở đầu
Nhà
tôi bên chiếc cầu soi nước
Em
đến tôi một lần
Bao
lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân
thì lần đầu tôi được
biết đây mới chính là tên và lời của bản nhạc mà trước kia tôi cứ tưởng đó là
bài Đàn Chim Việt. Thời gian sau Cách Mạng Mùa Thu Tháng Tám năm 1945, cùng với
các bản nhạc cách mạng như Tiến Quân Ca, Diệt Phát Xít, Nhớ Chiến Khu.., tôi,
lúc đó còn là cậu bé trên 10 tuổi, đã say mê hát bài Đàn Chim Việt mà lời ca khác
hẳn với lời của bản Bến Xuân này mà tôi mới được biết.
Tôi còn nhớ vào năm
1946, có đoàn văn nghệ từ Hà Nội lên Sơn Tây ra mắt khán giả ở rạp hát duy nhất
của thành Sơn tại phố Cửa Tiền và toán nhi đồng mười mấy đứa chúng tôi đã được
anh cán bộ phụ trách dẫn vào coi. Đoàn văn nghệ thủ đô này có các nghệ sĩ tên
tuổi đương thời như ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Duy, các ca sĩ Thương Huyền, Mai
Khanh, …Trong các tiết mục trình diễn. tôi nhớ nhất là hình ảnh trong màn ca vũ
bài Đàn Chim Việt do 3 chị em Mai Sinh, Mai Dậu, Mai Ngân trình diễn. Mai Sinh
và Mai Dậu lúc đó chừng 18 đến 20 tuổi, còn Mai Ngân nhỏ hơn hẳn, khoảng 14, 15
tuổi. Cả 3 chị em đều mặc áo dài đỏ, trên vai khoác một tấm lụa trắng mỏng. Khi
màn sân khấu từ từ vén lên, Mai Sinh tiến ra sân khấu, vừa đi vừa vung vẩy hai
tay ngang vai như đôi cánh chim, vừa ngâm
Chiều
nay run rẩy tha đôi cánh
Một
bóng sơn ca đến lạc loài
Về
đâu …….Về đâu……
Ngay lập tức, từ hậu
trường hai chị em Mai Dậu và Mai Ngân bước ra nhập với Mai Sinh, cả ba cùng
nhịp nhàng vừa múa với giải lụa trắng vừa hát tiếp
Về
đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi
lũ chim giang hồ
Bao
cánh đang cùng rập rờn trên khắp cố đô
Thì ra khi cách mạng Mùa
Thu tới thì Bến Xuân phải biến thành Đàn Chim Việt để phục vụ cho cách mạng, vì
thế mới có Đàn Chim Việt nhớ chiến khu với cái cảnh “hoàng hôn
Thái Nguyên tung hoành”, cái thủa “trời Bắc Sơn kia thời vung cánh”,
rồi “nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế”, và hình ảnh “chim đang bay qua Bắc sang Trung”…
Văn Cao theo kháng chiến
cho đến sau tháng 10-1954 mới trở về Hà Nội, nhưng ông đã không còn sáng tác
nữa sau bài Trường Ca Sông Lô năm 1947. Phạm Duy đến tháng 5-1951 mới hồi cư,
nhưng ông và gia đình Thăng Long cũng chỉ ở Hà Nội một thời gian ngắn rồi vào
Sài Gòn lập nghiệp. Các nhạc sĩ kỳ cựu nhất ở Hà Nội có lẽ là Thẩm Oánh và
Dương Thiệu Tước. Nhưng rồi nhạc sĩ họ Dương cũng vào Nam lấy nữ ca sĩ Minh
Trang để lại gia đình ở Hà Nội có cô con gái học trường Trưng Vương. Ông có căn
nhà nhỏ một tầng kiểu biệt thự quét vôi trắng xóa ớ con phố nhỏ không có lề
đường, gần phố Huế, quãng có hiệu sách của thi sĩ Hồ Dzếnh đi vào. Đêm giao
thừa Tân Mão đầu năm 1951, chúng tôi đã thức nghe chương trình tân nhạc đặc
biệt đón xuân của đài phát thanh Hà Nội và đã nghe lần đầu bài ‘Hồn Xuân’ của
Thẩm Oánh
Hồn
Xuân, bát ngát hương xuân
Ngập
trời, óng chuốt thanh tân
và bài ‘Xuân Tươi’ của
Dương Thiệu Tước
Gió
xuân đến mơn man trên cánh hồng tươi thắm
Bấy
oanh yến tưng bừng vui đón chào mừng xuân
Nhạc sĩ Canh Thân về
thành trong khoảng năm 1951. Ông là tác giả bài hát nổi tiếng ‘Cô Hàng Cà Phê’
rất được giới trẻ ưa thích, cùng các bản nhạc vui tượi, nhộn nhip như ‘Đi với
tôi đến chốn trời xa’, ‘Túi Đàn’, ‘Khúc Ca Mùa Hè”,…Canh Thân còn là một ca sĩ,
là cậu của nghệ sĩ cải lương Ái Liên, từng hát tân nhạc phụ diễn trong gánh cải
lương Ái Liên với cái tên Tony Thân. Đầu năm 1954, ông sáng tác một bài nhạc
thật đặc biệt, có những câu hát như lời nói thường. Tôi không nhớ tên bài này,
tả cảnh con chó của nhà giàu, mở đầu bằng
Hôm
qua tôi trông thấy một con chó nhà kia
Tôi
thấy nó ăn mà tôi thèm
…..
Anh
bồi lại lấy trứng gà đập vào
Bốn
chiếc trứng xinh đẹp sao
Mà
chó thì liếm một loáng là hết ngay
rồi ông kết luận
Rằng
nó sướng thế,
Rằng
nó sướng hơn thằng tôi nhiều.
Có lẽ Canh Thân là người
đầu tiên và cũng là cuối cùng làm loại nhạc với đề tài như vậy.
Vừa là nhạc sĩ vừa là ca
sĩ ở Hà Nội còn có Hoàng Giác.
Trong những năm
1948-1954, Hoàng Giác nhà ở phố Cầu Gỗ, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm 1 khúc đường
ngắn. Phố Cầu Gỗ, nằm thẳng góc với phố Hàng Đào, một đầu trông ngay ra Hồ
Gươm, có nhiều nhà hàng quen thuộc với giới thanh niên học sinh Hà Nội như Cà
Phê Tùng, Cà Phê Giảng, Phở Đông Mỹ, … Nhạc sĩ Hoàng Giác còn là một ca sĩ nổi
tiếng với giọng hát trầm ấm, nổi tiếng cả về ngâm thơ nữa. Tuy không phải là ca
sĩ thường trực nhưng ông cũng thỉnh thoảng hát trong ban đàn Việt Nhạc của Đài
Phát Thanh Hà Nội và trong những buổi văn nghệ tại Nhà Hát Lớn, và đôi khi
trong các buổi phụ diễn tân nhạc.
Vào những năm khoảng
1952-1954, Hoàng Giác nhập ngũ với cấp bậc hạ sĩ quan, phục vụ tại Phòng Năm,
Tâm Lý Chiến thuộc Đệ Tam Quân Khu tại Hà Nội. Trong thời gian này, dường như
vào năm 1953-1954, ông sáng tác bản nhạc “Chú Cai”, nhịp điệu
vui nhộn, với những câu mở đầu
Từ
ngày tôi lên Cai
Việc
làm rất nhiều
Tinh
sương cho đến tối
Lắm
cái lôi thôi ….
Từ
ngày tôi lên Cai
Việc
làm rất nhiều
Binh
ngoan cho nốt tốt
Lười,
cho coóc-vê (corvée)
Sau năm 1954, Hoàng Giác
ở lại Hà Nội, và trong nhiều năm, các sáng tác của ông đã không còn được hát
nữa. Tuy nhiên những bài như Ngày Về, Mơ Hoa. Quê Hương đến nay vẫn còn truyền tụng, riêng bản ‘Chú Cai’ vì mới sáng tác chưa được bao lâu nên đã sớm
bị rơi vào quên lãng, và chắc lúc này không mấy người còn nhớ đến bài hát vui
này nữa.
Hà Nội còn nhiều nhạc sĩ
khác, như Nguyễn Văn Khánh với các ca khúc thích hợp cho đàn lục huyền cầm Hạ
Uy Di như ‘Thu’, ‘Chiều Vàng’, ‘Nỗi Lòng’,… như Hoàng Trọng nổi tiếng là ‘vua’
Tango với các sáng tác ‘Phút Chia Ly’, ‘Đường Về’, ‘Ngàn Thu Áo Tím’, … ,
Nguyễn Túc, Nguyễn Thiện Tơ, … nhưng các nhạc sĩ này thường kín tiếng, không
thường xuất hiện nên ít được nói tới.
Thời ấy, muốn học nhạc
lý, hòa âm, âm điệu, giai điệu hay học piano ở Hà Nội thì phài đến Âm Nhạc Học
Xá của cụ Giám Đốc Duyệt ở gần hồ Thuyền Cuông. Tại đây còn có nhạc sư Nguyễn
Văn Diệp dạy violon, cây violon số một của Hà Thành.
Học Accordéon thì đã có
lớp Huyền Trân ở đường Hàm Long, gần phố Huế. Cô Thúy Nga xuất thân từ trường
này, sau 1954 vào Sài Gòn đã tạo được tiếng tăm là cô ca sĩ đeo accordéon lên
sân khấu biểu diễn vừa kéo đàn vừa cất giọng ca. Thế rồi cô trở thành Bà Hoàng
Thi Thơ.
Ở Hà Nội, những năm
1950-1953 có phong trào học và chơi Lục huyền cầm Hạ Uy Di. Chiều tối, đi ngang
mấy đường phố vắng thường văng vẳng từ trong nhà có tiếng đàn Hạ Uy Di lả lướt.
Có nhiều lớp dạy đàn, nhưng không lớp nào đông người học bằng lớp của William
Chấn, thày dạy Hạ Uy Cầm số một của Hà Nội. Những nhạc khúc nổi tiếng của đảo
Hawaii đã thường được nhắc nhở tới như Aloha Oe, Just Say Aloha, Hilo March,
Malihini Mele, Olabapa Dja, On the beach at Waikiki, cũng như những bản nhạc
Việt có âm điệu thích hợp với Hạ Uy Cấm đã tự nhiên được nhiều người biết đến
như ‘Chiều Vàng’, ‘Thu’ của Nguyễn văn Khánh, ‘Suối Mơ’, ‘Bến Xuân’ của Văn
Cao, ‘Trở Về Bến Mơ’ của Ngọc Bích, ‘Tình Nghệ Sĩ ‘, ‘Lá Thư ‘ của Đoàn Chuẩn,
‘Du Âm’ của Nguyễn Văn Tý, …
Học Tây Ban Cầm có nhiều
nơi dạy, nhưng Tạ Tấn, người chơi Tây Ban Cầm hay nhất Hà Nội, có đông học trò
nhất. Nhiều khi phải chờ hàng tháng mới có chỗ học. Ông cũng dạy Hạ Uy Cầm
nhưng chỉ là phụ, Tây Ban Cầm mới là chính. Tạ Tấn, từ thời tiền chiến,
là tác giả của mấy nhạc khúc ‘Hương Thanh Bình’, ‘Bên Sông Vắng’, … không
nhiều, nhưng bài nào cũng có hồn. Ông có cửa hàng bán sách nhạc và nhạc khí tại
số nhà 14 phố Bảo Khánh, con đường từ phố Hàng Trống đâm thẳng xuống Hồ Gươm
gần Đền Vua Lê, cách trường trung học Trương Hán Siêu không xa. Ông dạy theo
phương pháp và sách của Carulli, bộ gồm 2 cuốn, nhưng ít người học đến hết cuốn
thứ hai. Ông dạy từng người, mỗi lần nửa giờ, 1 tuần 2 lần, nhiều nhất là 2
người, mỗi lần 1 giờ. Có một điều ít người biết, Tạ Tấn còn là một danh thủ về
bơi lội của những năm 1945 về trước, từng ở trong phái đoàn đại diện Bắc Kỳ vào
Sài Gòn tranh giải vô địch bơi lội Đông Dương. Gần giữa năm 1954, Tạ Tấn sáng
tác bản nhạc ‘Khi ánh chiều rơi’ và bài hát đã được trình bày trên đài phát thanh
Hà Nội. Bản nhạc theo thể điệu Rumba thật êm dịu, lả lơi và thơ mộng:
Chiều
dần buông, gieo u sầu về khắp trần gian
Buồn
vương vấn, áng mây chiều lờ lững dần tan
Nhìn
bầy chim bay về ngơ ngác tìm đàn
Kìa
hoàng hôn đem màn đêm …
Sương
khắp nơi non ngàn.
Tạ Tấn sáng tác ‘Khi Ánh
Chiều Rơi’ được nửa năm thì quân kháng chiến vào tiếp thu Hà Nội, và rồi số
phận của bản nhạc lãng mạn này hẳn cũng giống ‘Chú Cai’ của Hoàng Giác, cũng
không còn được phép trình bày trước khán giả, trên đài phát thanh, và vì bản nhạc
mới ra đời, chưa được phổ biến rộng rãi cho nên chắc nó đã rơi vào quên lãng và
ngày nay hẳn không mấy người còn biết đên nữa.
Ngoài Ban Đàn Việt Nhạc
chinh thức của đài phát thanh Hà Nội, còn có mấy ban nhạc tài tử được biết đến
nhiều là ban nhạc Đỗ Liên và ban nhạc Văn An Hoàng Nhân. Hai ban nhạc này thỉnh
thoảng cũng chơi trên đài phát thanh và trình bày trong các buổi chiếu bóng đặc
biệt như các màn phụ diễn. Ban Đỗ Liên là ban đàn chuyên chơi nhạc Hạ Uy Di, và
Đỗ Liên là người đứng đầu ban nhạc. Trên sân khấu, ban nhạc gồm có Đỗ Liên xử
dụng cây đàn Hạ Uy Di điện, tiếng đàn chinh, 2 người chơi Ukilili, và 2 người
chơi Tây Ban Cầm nhạc đệm. Có 2 hay 3 ca sĩ riêng của ban nhạc, đôi khi có ca
sĩ bên ngoài vào hát thêm. Ban Văn An Hoàng Nhân có 2 người đứng đầu là Văn An
và Hoàng Nhân, cả 2 đều chơi Tây Ban Cầm. Ngoài ra còn có 3, 4 nhạc công khác
và vài ca sĩ trong đó có 1 nữ ca sĩ hát rất hay mà tôi không nhớ tên. Văn An là
học sinh trường Nguyễn Trãi, niên khóa 1953-1954 học lớp đệ nhị A, ban Khoa Học
Thực Nghiệm. Nhưng tôi không hề thấy anh chơi cho ban nhạc nhà trường vào những
dịp tất niên hay cuối niên học.
(còn tiếp)
© Đỗ Văn Minh
Mời click các links dưới đây để xem toàn bộ "Hà Nội: 1948-1954 Những Năm Thánh Cũ"
Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 1- Đỗ Văn Minh
Hà Nội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần 2- Đỗ Văn Minh
HàNội: 1948-1954, những năm tháng cũ-Phần Cuối-Đỗ Văn Minh
No comments:
Post a Comment