Thursday, February 4, 2016

Nữ hạm trưởng Mỹ đưa tàu chiến tới Hoàng Sa thách thức Trung Quốc

Nữ hạm trưởng Mỹ đưa tàu chiến tới Hoàng Sa thách thức Trung Quốc
Nữ hạm trưởng Amy Graham, chỉ huy tàu khu trục USS Curtis Wilbur.
Một nữ hạm trưởng Hoa Kỳ đã chỉ huy tàu khu trục USS Curtis Wilbur tới gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, khiến Trung Quốc giận dữ, trong khi Việt Nam ủng hộ.
Nữ sĩ quan hải quân Mỹ Amy Graham có hàng chục năm kinh nghiệm và mới chỉ nhận nhiệm vụ chỉ huy chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường hồi tháng Chín năm ngoái.
Bà được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa USS Curtis Wilbur trở lại khả năng hoạt động tác chiến ở mức tối đa sau thời kỳ bảo dưỡng kéo dài.
Chiến hạm của Mỹ này hôm 30/1 đã áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa trong một chuyến hải hành mà quan chức quốc phòng Mỹ nói là để “thách thức tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam mà theo họ là “giới hạn quyền tự do hàng hải” của Mỹ.
Washington cho biết đã không thông báo trước cho Bắc Kinh, Đài Bắc và Hà Nội về hoạt động của Curtis Wilbur ở biển Đông.
Cho dù quan chức Mỹ nói vậy, việc một nữ chỉ huy đưa tàu chiến Mỹ áp sát hòn đảo mà Trung Quốc được cho là chiếm từ tay Việt Nam đã khiến nhiều người Việt quan tâm.
Trên một diễn đàn, bạn đọc có tên tiếng Anh là Sarah viết rằng “dùng phụ nữ chỉ huy để thách thức một nước vốn trọng nam khinh nữ như Trung Quốc mới là đòn thâm sâu của Mỹ”.
Trong lễ bàn giao nhiệm vụ hôm 1/9 năm ngoái, người tiền nhiệm Hans De For bày tỏ sự tin tưởng rằng bà Graham “sẵn sàng đối phó với các thách thức phía trước” cũng như “khả năng ứng phó của thủy thủ đoàn” trên tàu trong tương lai.
Còn về phần nữ chỉ huy, bà cam kết sẽ duy trì Curtis Wilbur đi đúng hướng. Trong sự nghiệp hải quân kéo dài từ năm 1998 tới nay, bà Graham đã nhiều lần nhận được huy chương các loại của Hải quân Mỹ.
Sáu ngày trước khi Curtis Wilbur tới biển Đông, tàu khu trục hiện đại của Hoa Kỳ này đã cập bến ở Vịnh Manila, ghé thăm Philippines lần thứ ba.
Khu trục hạm trang bị phi đạn dẫn đường USS Curtis Wilbur (DDG 54).
Phản ứng ngay sau khi chiến hạm Curtis Wilbur băng qua bên trong phạm vi 12 hải lý của Đảo Tri Tôn, tại Bắc Kinh, ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng Mỹ đã “khiêu khích” và “phá hoại hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.
Còn hôm 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tiếp tục lên tiếng phản đối việc làm của Mỹ mà ông cho rằng đã “vi phạm luật lệ của Trung Quốc” vì Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Hoàng Sa và các vùng lãnh hải lân cận.
Ông Lục cũng nói rằng “đơn vị của Trung Quốc trên hòn đảo [Tri Tôn] cũng như các tàu bè của hải quân đã ngay lập tức đã hành động để xua đuổi tàu Mỹ”.
Phát ngôn viên này còn cho rằng Mỹ đã “giương oai diễu võ và gây căng thẳng ở biển Đông nhân danh tự do hàng hải”, và ông nói thêm rằng đây là “một trong các nguyên nhân gốc rễ quan trọng dẫn tới quân sự hóa ở biển Nam Trung Hoa [biển Đông]”.
Curtis Wilbur, một trong 7 khu trục hạm lớp Arleigh Burke trong Đội tàu khu trục 15, được giao nhiệm vụ duy trì an ninh biển và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi Bắc Kinh không hài lòng với Mỹ, dường như Việt Nam lại có thái độ ủng hộ chuyến hải hành qua biển Đông của Curtis Wilbur.
So với lần chiến hạm của Hoa Kỳ USS Lassen áp sát vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông hồi tháng Mười năm ngoái, lần này Hà Nội thể hiện quan điểm rõ ràng hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 31/1 ra tuyên bố nói rằng Việt Nam “tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17)”.
Còn Nhật Bản hôm 2/1 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của chiến hạm Mỹ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tái khẳng định quan điểm tích cực của Tokyo đối với những cuộc tuần tra trên biển của Washington xung quanh những hòn đảo có tranh chấp.
Ngay sau đó, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đăng một bài xã luận chỉ trích Tokyo, viết rằng “kể từ đầu năm nay, chính quyền Abe đã gia tăng nỗ lực can thiệp vào biển Nam Trung Hoa”.
Tờ báo có chủ trương cực đoan này cho rằng Nhật làm vậy “không những để đi cùng hướng với chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ mà còn giúp củng cố vị thế của Nhật Bản ở châu Á cũng như trên trường quốc tế”.
Dù vấp phải phản đối của Trung Quốc, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tiễu ở biển Đông, và không loại trừ khả năng sẽ tiến hành hoạt động này với Manila.


“Trưng mua, trưng dụng” một thông tư vi hiến

“Trưng mua, trưng dụng” một thông tư vi hiến
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-02-03


Thông tư 01 ban hành vào đầu năm 2016 đã dấy lên làn sóng phản đối rộng khắp của người dân. Theo thông tư này, người dân có thể bị trưng mua, trưng dụng tài sản, phương tiện di chuyển của họ bất cứ lúc nào khi Cảnh sát giao thông có yêu cầu. Mặc Lâm phỏng vấn Luật sư Lê Công Định để biết rõ vấn đề hơn.
Một thông tư dễ dãi
Trước tiên luật sư Định giải thích thế nào là một thông tư và sự khác nhau của thông tư đối với nghị định hay là luật như sau:
LS Lê Công Định: Thông tư là một văn bản quy phạm pháp luật nhưng ở cấp không cao tức là phạm vi áp dụng nó chỉ nhằm mục đích hướng dẫn nghị định hoặc là luật mà thôi cho nên thông tư không có quyền mở rộng phạm vi, quyền hạn ra khỏi những gì mà nghị định hay là luật cho phép.
Thông tư này gây tranh cãi là vì nó đã trao cho cảnh sát giao thông (CSGT) một cái quyền lớn hơn cả nghị định và luật. Chẳng hạn như liên quan đến vấn đề trưng mua trưng dụng thì đã có luật trưng mua, trưng dụng năm 2008. Luật đó chỉ trao quyền cho Bộ trưởng và Chủ tịch Tỉnh được quyền ra quyết định trưng dụng và trưng mua mà thôi. Tuy nhiên cái Thông tư 01 này lại mở rộng việc phân cấp quyền xuống tận đến CSGT do Bộ trưởng công an có cái quyền trao cho. Như vậy nó đã vô tình mở rộng phạm vi áp dụng của luật mà lẽ ra một Thông tư phải tuân thủ luật hoặc nó chỉ đặt ra những thủ tục để hướng dẫn thi hành luật mà thôi chứ không được quyền sửa đổi luật theo cách như vậy.
Mặc Lâm: Luật sư vừa nhắc tới luật trưng mua trưng thu đã có từ năm 2008 vậy thông tư này có chồng lấp và mở rộng thêm quyền cho CSGT hay không?
LS Lê Công Định: Chúng ta biết rằng luật trưng mua trưng dụng chỉ áp dụng trong một số tình huống đặc biệt chẳng hạn như vấn đề an ninh quốc phòng nhưng phải là cấp cao mới có quyền quyết định trưng mua trưng dụng được chứ không phải khi xảy ra một trường hợp cụ thể là ngay lập tức công chúng bình thường cũng có thể ra một quyết định trưng mua trưng dụng bằng miệng chẳng hạn. Bởi vì nếu mà trao cho CSGT như vậy thì anh ta chỉ có cái quyền duy nhất là ra lệnh miệng và yêu cầu người dân cung cấp ngay lập tức tài sản cho CSGT thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy cái lệnh miệng nó đã vượt quá xa so với luật trưng mua trưng dụng năm 2008, tức là phải có một quyết định mà bằng văn bản của Bộ trưởng hay Chủ tịch Tỉnh. Chúng ta thấy rằng ngay cả trường hợp áp dụng theo luật trưng mua trưng dụng năm 2008 đã bị mở rộng bởi Thông tư này và do đó nó tạo ra sự kiện  rất nguy hiểm rằng có sự lạm dụng của CSGT, hay nói thẳng ra là cái người công chức thi hành công vụ của mình. Thông tư 01 nó trở nên rất dễ dãi mà một người CSGT có quyền ra lệnh nói rằng tôi muốn trưng dụng tài sản của anh thì trưng dụng của người dân.
Có khả năng giải quyết bồi thường hay không?
Mặc Lâm: Trong thời gian gần đây rất nhiều video clip tung lên mạng tố cáo các hành vi sai phạm của CSGT và người dân cho rằng việc cho phép CSGT tịch thu điện thoại là cách ngăn chặn người dân chứng kiến những hành vi sai trái trong ngành công an?
LS Lê Công Định: Đó là một sự suy đoán của chúng ta đối với hành vi trưng dụng. Bởi vì tài sản bị trưng dụng có thể luôn cả điện thoại nên mọi người suy đoán là có khả năng do CSGT đang bị quay bởi điện thoại di động cho nên anh ta ra lệnh trưng dụng cái điện thoại đó.
Thật ra vì luật cũng mới cho nên chúng ta suy đoán về cái Thông tư 01 này như thế nào thì cũng hơi quá sớm để có thể kết luận như vậy. Tuy nhiên đặt ra  trường hợp ngoài những tài sản có giá trị lớn chẳng hạn xe hơi hay là xe gắn máy chẳng hạn chúng ta nên lưu ý chi tiết về điện thoại di động. Cái Smart phone hiện nay nó không còn ý nghĩa là một chiếc điện thoại bình thường nữa mà nó là công cụ dùng để chứa đựng rất nhiều thông tin hoàn toàn có tính cách cá nhân hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh của người sử dụng của chiếc điện thoại đó.
Đó là một sự suy đoán của chúng ta đối với hành vi trưng dụng. Bởi vì tài sản bị trưng dụng có thể luôn cả điện thoại nên mọi người suy đoán là có khả năng do CSGT đang bị quay bởi điện thoại di động cho nên anh ta ra lệnh trưng dụng cái điện thoại đó.
-LS Lê Công Định
Có thể là có những e-mail trong điện thoại hay thông tin về đời tư, hình ảnh có tính cách thuộc về cá nhân người sử dụng điện thoại. Vậy thì khi anh trưng dụng cái Smart phone thì nó không đơn thuần là cái điện thoại nữa mà nó còn bao gồm luôn cả toàn bộ những thông tin bí mật của một cá nhân thì ý nghĩa của việc trưng dụng tài sản nó lại bị vượt quá, vi phạm bí mật về đời tư hay bí mật kinh doanh của người công dân đó. Vậy thì nếu xảy ra trường hợp vi phạm thì chúng ta giải quyết như thế nào về việc bồi thường đây? Lúc đó người bị thiệt hại chẳng lẽ phải chứng minh rằng bị thiệt hại với giá trị tiền như thế nào.
Ở Việt Nam những bí mật kinh doanh hay đời tư những thì tòa án cũng không xác định mức giá trị. Một sự tổn thương về tinh thần rất lớn như vậy thì liệu Bộ công an có khả năng giải quyết bồi thường hay không. Đó là vấn đề rất là quan trọng. Đó là chưa nói khi anh xâm phạm vào bí mật đời tư, cái quyền về nhân thân, hình ảnh của người sử dụng thì như vậy anh đã vi phạm luôn quyền công dân được quy định bởi hiến pháp. Nói cách khác là anh vi phạm hiến pháp nữa.
Mặc Lâm: Thông tư số 1 của năm 2016 được cho là “nới” quyền hạn của CSGT, trong đó, ngoài quyền dừng, kiểm soát, giấy tờ của phương tiện đang tham gia giao thông thì CSGT còn có quyền “kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện” có nghĩa là ai đang ngồi trên phương tiện ấy đều có thể bị khám xét kiểm tra nếu CSGT thích. Luật sư thấy việc “nới quyền” này có ý nghĩa như thế nào?
LS Lê Công Định: Điều “nới quyền” mà anh vừa nói hoàn toàn có liên quan đến việc lạm dụng. Bởi vì CSGT có quyền kiểm tra giấy tờ xe hoặc xem có vi phạm luật giao thông hay không để ghi phạt trong khi người lưu thông di chuyển trên đường phố. Vậy thì anh lấy cái quyền gì để mà anh khám xét luôn cả tài sản của người lái xe và người ngồi chung trên xe? Khi trao cho CSGT cái quyền đó qua cách dùng từ “nới quyền” nó thể hiện một sự rất là dễ dãi trong việc ban hành thông tư. Nó vi phạm hiến pháp lẫn vi phạm quyền công dân của người dân bình thường
Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư.


Kinh tế Việt Nam sau Đại hội 12

Kinh tế Việt Nam sau Đại hội 12
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-02-03
Đại Hội Khóa XII của đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết thúc với một số thay đổi về nhân sự có gây chú ý trong dư luận, nhưng thực chất lại chẳng thay đổi về đường lối kinh tế. Khi ấy, hai chức năng cầm đầu bộ máy nhà nước là Hội đồng Chính phủ và Quốc hội sẽ xử trí ra sao với những cam kết quốc tế đã được đàm phán từ nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của đảng?
Chết kẹt trong mâu thuẫn
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Đại hội lần thứ XII đảng CSVN vừa chấm dứt tuần qua với nhiều thay đổi về thành phần nhân sự lãnh đạo nhưng, ngược với sự trông đợi của nhiều người, hình như chính sách kinh tế lại vẫn như cũ. Kỳ này, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ phân tích chuyện đó, và xin ông gợi ý cho cái hướng tìm hiểu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong thế giới mờ ám của quyền lực độc tôn trong tay một đảng thì ta chỉ có thể biết về những gì đảng muốn tiến hành qua các văn kiện của đảng. Trường hợp ở đây là Nghị quyết, với nhiều phạm trù hay khái niệm được nhắc đi nhắc lại như một câu thần chú.
Khi hiểu quy cách làm việc từ trong đảng tới các chức năng của bộ máy nhà nước là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ rồi hệ thống hành chính công quyền thì ta biết rằng đảng viên cán bộ đều phải học tập nghị quyết cho đến khi có lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ mới vào Tháng Năm này. Rồi từ đấy mới đem nghị quyết vào đời sống kinh tế - và chết kẹt trong mâu thuẫn.
Nguyên Lam: Thưa ông, mâu thuẫn ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mâu thuẫn ấy nằm trong bước đột phá thứ nhất do đảng đề ra, đó là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ta để ý đến từ hoàn thiệnvì nó hàm ý một cái gì đó đã hiện hữu mà người ta muốn làm cho tốt hơn. Quả thật, phạm trù hay ngôn ngữ thần chú gồm hai vế là “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã có khi người cộng sản nói tới đổi mới từ 30 năm trước và cứ năm năm lại nhắc đi nhắc lại, như lắc một cái chai rỗng. Ngoài thì dán nhãn bên trong chẳng biết là gì.
Cho tới nay, chưa ai định nghĩa được hai vế đó cho rõ để đảng viên cán bộ khả dĩ chấp hành mà điều hướng kinh tế. Hai chục năm trước, tôi từng được nghe người lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng rồi tới các chuyên gia có nhiệm vụ quản lý kinh tế nêu câu hỏi mà chẳng ai có giải đáp, thế nào là kinh tế thị trường, thế nào là xã hội chủ nghĩa?
Cùng lắm thì biết nhà nước có chức năng “quản lý” cái định hướng ấy. Tức là người ta đòi tài xế lái xe theo một tấm họa đồ trắng xóa và cứ vậy mà lao xe, rồi nói ta đi đúng hướng. Có cái gì rất siêu hiện thực trong trò chơi ngôn ngữ ấy và nó lại vừa được đưa vào một nghị quyết của thế kỷ 21.
Nguyên Lam: Hình như cách nay không lâu, đúng một tháng trước, ông nêu trước vấn đề là “chệch hướng hay tụt hậu?” Chẳng ai biết cái hướng ấy là gì thì làm sao biết được chệch hay không? Một cách cụ thể thì hình như xã hội chủ nghĩa ở vào thế đối lập mà có giá trị hơn kinh tế thị trường nên mới giữ vai trò định hướng. Thế thì tại sao phải đổi mới và áp dụng kinh tế thị trường?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có thể là người ta nuôi tham vọng dùng kinh tế thị trường để xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân tiện củng cố quyền lãnh đạo của một đảng tự xưng xã hội chủ nghĩa. Kết quả thì kinh tế không phát triển vì luẩn quẩn trong mâu thuẫn tôi gọi là hình tròn bốn góc, mà hậu quả là đảng viên cán bộ có cơ hội bòn rút tài nguyên quốc gia và thành đại gia trọc phú. Câu thần chú là cái gốc của tham nhũng nên một Thủ tướng có 10 năm theo kinh tế thị trường cũng thành người đem lại nhiều đặc lợi nhất cho tay chân. Bây giờ, khi bộ máy nhân sự mới phải khai triển cái nghị quyết này thì làm sao mà thực hiện yêu cầu trái khoáy là hoàn thiện kinh tế thị trường, mà quyền sở hữu nhà nước vẫn chèn ép quyền sở hữu tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo?
Nguyên Lam: Theo như chúng ta hiểu thì hai hệ thống kinh tế, theo thị trường và theo xã hội chủ nghĩa, có những khác biệt khó dung hòa, tựa như lề trái lề phải của một con đường. Nếu chính phủ như người tài xế lái xe theo cách so sánh của ông thì nhiều phần sẽ lạng qua bên trái rồi bên mặt thì làm sao mà tiến và trong bối cảnh đầy bất trắc như hiện nay, làm sao mà tránh tai nạn, tức là khủng hoảng về kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là chuyện chúng ta sẽ thấy sau khi cũng đảng và nhà nước ấy đã có những cam kết với các nước khác là hội nhập nền kinh tế Việt Nam vào thị trường quốc tế. Một cách cụ thể thì Việt Nam đã mất bảy tám năm thương thuyết để gia nhập Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, vừa hoàn thành hiệp ước Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu và gia nhập Khối Kinh tế chung của Hiệp hội ASEAN. Then chốt của những cam kết ấy là sự phát triển và sức cạnh tranh của hệ thống tư doanh, trong đó, tư nhân làm chủ các phương tiện sản xuất và quản lý kinh tế theo quy luật tự do của thị trường. Như vậy, làm sao Quốc hội và Hội đồng Chính phủ với nhân sự mới lại có thể đưa tư doanh vào thế cạnh tranh quốc tế mà vẫn đè nén tư doanh dưới chế độ công hữu dưới vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước?
Chúng ta cũng không quên là khi đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO mươi năm trước, giới chức Hà Nội tự cho là khôn vì yêu cầu quốc tế cho Việt Nam thời hạn khá dài, tới 15, 18 năm, để có kinh tế thị trường đích thực. Với Hiệp ước TPP cũng thế, Hà Nội xin triển hạn tùy ngành để trì hoãn cải cách mà không hiểu rằng cứ bơi trong vùng nước lợ thì làm sao ra tới đại dương? Đã vậy, nghị quyết đảng với hai vế mâu thuẫn sẽ tiếp tục kềm hãm việc cải cách đã cam kết cùng quốc tế, với hậu quả là kinh tế không phát triển, tư doanh không thể cạnh tranh thắng lợi mà hệ thống quản lý của nhà nước thì bất lực trước những xoay vần không thể tránh nổi của thị trường thế giới. Đáng lẽ kinh nghiệm quản lý tệ hại vừa qua của kinh tế Trung Quốc phải là bài học cảnh tỉnh cho mọi người.
Làm sao để tránh bất ổn và suy sụp kinh tế?
Nguyên Lam: Đã từng là chuyên gia tư vấn cho các nước đang phát triển, ông nghĩ sao về những việc mà Quốc hội và Chính phủ của Hà Nội nên làm ngay để tránh được những bất ổn và suy sụp kinh tế người ta đang thấy ra tại Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là ta nên bước qua bên cạnh để thấy vấn đề của Việt Nam và cả Trung Quốc không chỉ là kinh tế: chúng ta đang chứng kiến một vụ khủng hoảng lãnh đạo.
Lãnh đạo Bắc Kinh đang loay hoay giữa hai yêu cầu đóng mở, vừa củng cố quyền lực đảng tại trung ương vừa mở ra thế giới bên ngoài, với các bài toán kinh tế tài chính nan giải. Họ dự tính áp dụng biện pháp kinh tế gọi là “trọng cung”, suppy-side, của trường phái kinh tế tự do mà vẫn xiết chặt quản lý; họ muốn tránh nạn tẩu tán tư bản mà cũng muốn đồng bạc trở thành ngoại tệ dự trữ phổ biến trong rổ ngoại tệ “Đặc Trích” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Rốt cuộc thì sẽ áp dụng chế độ kiểm soát tư bản và từ bỏ giấc mơ Đặc Trích của đồng Nhân dân tệ! Khi các giấc mơ tan thành mây khói hay biến ra ác mộng thì lãnh đạo bị khủng hoảng. Nhưng đấy là cơ hội cho Việt Nam “thoát Tầu”, trước hết là về mặt tư duy, sau đó mới là chính sách.
Nguyên Lam: Xin đề nghị ông trình bày từng bước của việc “thoát Tầu” hay “thoát Trung” về tư duy và chính sách như ông vừa nói.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta biết là trước Đại hội đảng tại Hà Nội, Bắc Kinh đã đóng chốt rất chặt qua chuyến thăm viếng Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ ngày 24 đến 27 Tháng 12. Dịp này, Quốc hội hai nước đã có những ký kết chưa công khai hóa, nhưng đấy là một vòng kim cô khác để bóp chết khả năng xoay trở của Việt Nam, vốn dĩ còn kẹt trong mâu thuẫn chúng ta vừa nói là kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Kinh cũng còn lúng túng với nhiều ưu tiên khác và đây là cơ hội cho hệ thống nhân sự mới tại Việt Nam tách dần ra khỏi bóng rợp Trung Quốc. Nếu nhìn theo hướng tích cực và chiến lược thì khủng hoảng lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc và Việt Nam lại là một cơ hội Thoát Tầu. Người ta nên chủ động thay đổi tư duy từ trên đầu xuống để khai thác cơ hội này thay vì sụp đổ cùng cả hệ thống trong những biến động kinh tế sắp tới. Chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng đang suy nghĩ theo hướng đó để tránh khủng hoảng thì hà cớ chi ta cứ lao theo họ vào vực thẳm?
Nguyên Lam: Thưa ông, từng bước cụ thể thì những người sẽ lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ sắp tới có thể làm những gì và cần làm những gì để khai thác cơ hội ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi thiển nghĩ rằng vì tiền đồ của Việt Nam hơn là vì những cam kết với quốc tế, hãy nhìn thẳng vào vấn đề và nói ra yêu cầu tách đảng ra khỏi bộ máy nhà nước. Nhà nước, gồm có Quốc hội và Chính phủ, từ nay sẽ chịu trách nhiệm với quốc dân hơn là với đảng vì đảng hành xử như một chi bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thật ra, yêu cầu này đã được quốc tế nêu lên từ khi Việt Nam đổi mới rồi được viện trợ để xây dựng bộ máy hành chính công quyền độc lập và hữu hiệu, nhưng Ban Tổ chức Cán bộ Trung ương do đảng chỉ đạo ở phía sau vẫn không muốn thực thi yêu cầu đó. Những ai trong hệ thống nhân sự mới mà nói ra điều này thì mới là có ý thức thoát Tầu.
Thứ hai, do những cam kết có tính cách pháp chế với quốc tế, phải triệt để hoàn thiện không phải là thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như cái nghị quyết mê sảng kia đề ra mà hoàn thiện hạ tầng cơ sở luật pháp để phát huy quyền sở hữu tư nhân trên quyền công hữu của nhà nước. Đấy là điều kiện tất yếu để giải phóng nội lực và tăng cường sức cạnh tranh theo trào lưu chung của thế giới.
Trên nền tảng luật lệ ấy, phải ưu tiên cải cách và tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước để có thêm tài nguyên cho công quỹ đang cạn kiệt và vận động viện trợ để phát triển khu vực kinh doanh của tư nhân. Người ta nói nhiều về tư nhân hóa hay xã hội hóa trong yêu cầu cải cách doanh nghiệp nhà nước mà chẳng làm gì. Đây là lúc nên làm và tạo ra bước đột phá. Việc phát triển tư doanh và cải cách doanh nghiệp nhà nước phải được tiến hành song song.
Nguyên Lam: Ông có nghĩ rằng các quyết định đột phá như vậy là lý tưởng mà cũng nan giải hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dĩ nhiên là mọi người đều biết như vậy, nhưng tôi tin vào hai chuyện.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang mấp mé khủng hoảng, nếu chẳng làm gì thì sẽ khủng hoảng. Tình hình thật chẳng khác gì 30 năm trước, khi có Đại hội Khóa VI vào năm 1986. Ngày nay Việt Nam đã tham gia TPP mà vẫn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, bị nhập siêu hơn 32 tỷ đô la từ phương Bắc hung đồ, chưa kể khoản tiểu ngạch lên tới gần 20 tỷ. Ngân sách Việt Nam bị bội chi quá lớn nên chỉ đủ trả nợ đáo hạn cho nước ngoài mà công trái của Việt Nam đã lên tới gần trăm tỷ, bình quân thì một người dân nợ một ngàn dù chẳng được gì! Vì ngân sách cạn kiệt và viện trợ ưu đãi theo kiểu ODA không còn thì Việt Nam sẽ khủng hoảng nếu không đổi mới thể chế. Khi Việt Nam có thực tâm cải cách thì còn hy vọng được quốc tế tiếp sức, nếu không, thiên hạ sẽ nhìn qua hướng khác và đầu tư vào nước khác.
Chuyện thứ hai là Ban chấp hành Trung ương vừa có một lượng nhân sự đông đảo và khá trẻ, khá mới. Trong thành phần này cũng còn nhiều người dám nghĩ khác nếu có người dám chỉ ra. Nếu không thì cùng sụp đổ. Vì vậy, cách lượng định rủi ro và cân nhắc hơn thiệt đã có khác….
Nguyên Lam: Xin cảm ơn ông Nghĩa về bài phân tích này và mong rằng năm Thân sẽ mở ra một vận hội mới cho Việt Nam.


Tuesday, February 2, 2016

Trường thọ an khang


Trường thọ an khang

Chân dung của “dược vương” Tôn Tư Mạo.

    Tôn Tư Mạo (581–682) vốn là vị thầy thuốc trứ danh với y thuật cao thâm cùng những bí kíp sống trường thọ được lưu lại trong "Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương".

    Trong lịch sử, Tôn Tư Mạo là người sinh sống thời Tùy Đường, Kinh Triệu, Hoa Nguyên (nay là vùng đất Thiểm Tây, Điệu Huyện, Trung Quốc). Từ nhỏ, thể chất của ông đã yếu đuối. Nhưng khi lớn lên với ý chí học y cứu người, ông đã được người dân đương thời phong cho danh hiệu “dược vương”.
MOGO Khuyên; Trường thọ an khang nhờ 6 động tác đơn giản từ Dược Vương

Trường thọ an khang nhờ 6 động tác đơn giản từ Dược Vương
MOGO Khuyên; Trường thọ an khang nhờ 6 động tác đơn giản từ Dược Vương
    Tất cả kinh nghiệm quý báu của đời mình đều được ông tổng hợp lại trong "Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương" (gồm 30 quyển ghi lại các phương thuốc cứu nguy đáng giá đáng ngàn vàng) ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển của nền y học cổ truyền Trung Quốc. Cuốn sách cũng được đánh giá là bộ bách khoa toàn thư sớm nhất về y học lâm sàng.

    Sinh thời, ông không nhận chức phong trong triều đình mà hành y tế thế và ở ẩn tại Dược Vương Sơn. Ông đã vượt lên bệnh tật, cống hiến nhiều thành tựu cho nền y học và hưởng thọ đến gần 102 tuổi nên còn được gọi là “thần tiên”. Hiện nay, tượng và miếu thờ Tôn Tư Mạo vẫn còn tại Ngũ Đài Sơn.

Dưới đây là 6 động tác đơn giản từ Dược Vương khuyến nghị giúp bạn trường thọ an khang.

1/. Động tác 1:  Xoa bụng.
    Bạn chà xát hai bàn tay vào nhau cho đến khi nóng lên rồi đặt một tay vòng quanh rốn và xoa bụng thuận theo chiều kim đồng hồ, phạm vi xoa từ hẹp đến rộng.Thực hiện 1 lần/ ngày, mỗi lần liên tục 36 vòng.

Công dụng chữa bệnh:
     + Tăng lượng máu lưu thông ở vùng bụng.
    + Nâng cao khả năng co dãn của các cơ trong thành dạ dày và đường ruột.
     + Thúc đẩy chức năng của hệ thống limpha.
   + Cải thiện hệ tiêu hóa, giúp tăng sự hấp thụ thức ăn.
    + Ổn định sự hoạt động của hệ bài tiết, đào thải cặn bã.

Xoa bụng mỗi ngày sẽ cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa.

2/. Động tác 2: Luyện tập co cơ hậu môn.
    Khi hít sâu vào, bạn cũng đồng thời co cơ hậu môn lại và nín thở trong vài giây, sau đó vừa thở ra vừa thả lỏng cơ hậu môn. Thực hiện kiểu vận động dưỡng sinh này mỗi ngày 30 lần, liên tục vào buổi tối.

Công dụng chữa bệnh:
    + Nâng cao sinh lực.
    + Hỗ trợ hệ bài tiết.
    + Phòng ngừa nhiều bệnh và tốt cho sức khỏe.

Bài tập hít thở và co thắt hậu môn rất tốt cho sức khỏe.

3/. Động tác 3: Nghiêng đầu, xoay cổ.
    Bạn đứng thẳng lưng, hai tay chống hông, lần lượt cúi đầu lên xuống, nghiêng qua phải rồi quay về vị trí ban đầu. Thực hiện tương tự với bên trái, mỗi bên 6 lần.  Ngoài ra, có thể thực hiện động tác xoay cổ chậm rãi theo vòng tròn thuận chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ, mỗi chiều 6 lần.

Công dụng chữa bệnh:
    + Giữ đầu óc luôn linh hoạt.
    + Ngăn chặn các cơn đau nhức xương cổ.

Động tác giúp phòng ngừa các bệnh về khớp cổ.

4/. Động tác 4: Xoay hông và nhấn huyệt mệnh môn.
    Bạn đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai rồi xoay hông và hai tay cũng đưa theo thân người.  Khi xoay hông sang trái, tay phải của bạn đưa về phía trước và chạm nhẹ vào vùng bụng dưới, tay trái thì đưa ra phía sau chạm nhẹ vào huyệt mệnh môn. Luân phiên đổi bên và đổi tay. Thực hiện động tác liên tục 50 lần/ ngày.

Công dụng chữa bệnh:
    + Giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh.
    + Tàng giữ thận khí.
    + Ngừa đau dạ dày.
    + Chống đau thắt lưng.

Huyệt mệnh môn.

5/. Động tác 5: Xoay khớp gối.
    Bạn đứng chụm hai chân và sát hai đầu gối lại với nhau, hơi cúi người rồi đặt hai bàn tay lên trên hai đầu gối. Sau đó, xoay gối thuận theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ. Thực hiện mỗi chiều 20 lần/ ngày.
Công dụng chữa bệnh:
    + Giữ khớp gối khỏe mạnh và chống đau nhức xương khớp.

Đứng chụm xoay đầu gối.

6/. Động tác 6: Xoa bàn chân và nhấn huyệt dũng tuyền.
    Bạn dùng tay phải xoa bàn chân trái và tay trái xoa bàn chân phải, xoa từ gót chân lên đến đầu ngón chân rồi lại xoa ngược về phía gót chân. Mỗi lần thực hiện được tính là một lần, bạn phải thực hiện động tác 36 lần. Tiếp theo, dùng hai ngón tay cái day nhấn huyệt dũng tuyền ở mỗi bàn chân khoảng 50 lần.
Công dụng chữa bệnh:
    + Nâng cao tính phản xạ của các cơ quan trong cơ thể.
    + Giúp các cơ quan luôn khỏe mạnh.
    + Tăng cường sức khỏe.

Huyệt dũng tuyền.

    Tin chắc rằng bạn và gia đình sẽ luôn vui khỏe mỗi ngày nếu thường xuyên thực hiện 6 động tác giúp trường thọ trên.

 Nguồn: email



Về Tổng Thống Chế Tại Hoa Kỳ


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160201
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nhân vòng tranh cử sơ bộ mở màn tại Iowa

* Nghị sĩ Ted Cruz vượt Donald Trump tại Iowa - nhưng Marco Ruibo mới là thắng lớn * 


Hôm Thứ Hai mùng một Tháng Hai, cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ chính thức mở màn tại Iowa, một tiểu bang nhỏ, dân số hơn ba triệu với khoảng hai triệu cử tri. Mục tiêu chính là để tiếng nói của cử tri khỏi bị các tiểu bang đông dân lấn át.

Iowa cũng là nơi mà thể thức bầu cử làm nhiều ngưới điên đầu không hiểu vì cử tri của 1681 đơn vị bầu cử không trực tiếp bỏ phiếu cho các ứng cử viên mà, tùy đảng, tập trung vào các “đảng đoàn” hay “đoàn đại biểu” (caucuses) để bầu người đại diện sẽ dự Đại hội đảng vào mùa Thu và đề cử ứng viên chính thức của mình. Khoảng hai ngàn địa điểm của các đảng đoàn là nơi diễn ra hình thái dân chủ trực tiếp nhất khi các ứng cử viên gặp thẳng cử tri để xin phiếu. Năm nay, Iowa cũng lần đầu tiên áp dụng phương pháp đếm phiếu tân kỳ của Microsoft.

Nhưng bài này sẽ nói về chuyện khác, về Tổng Thống Chế của nước Mỹ.

Mọi cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ đều khởi sự khỏang bốn năm trước ngày bầu cử, hay khi Tổng thống tân cử vừa tuyên thệ nhậm chức - vào ngày 20 Tháng Giêng năm sau bầu cử. Nhìn từ bên ngoài, nền dân chủ Hoa Kỳ là nơi mà cử tri bầu ra các đại diện dân cử và vị đại diện cao cấp nhất là Tổng thống, duy nhất được mọi cử tri cùng bầu lên theo một thể thức vừa trực tiếp vừa gián tiếp, nhưng số phiếu gián tiếp của cử tri đoàn mới có giá trị chung quyết.

Một cuộc tranh cử kéo dài bốn năm qua nhiều thể thức rắc rối và dị biệt là một cơ hội bằng vàng cho truyền thông báo chí. Và cho ngành quảng cáo chính trị.

Nhưng việc tranh cử kéo dài, quá dài nếu nhìn từ Âu Châu hay các nước dân chủ khác, lại có sự hợp lý rất Mỹ.

Dân chủ là tiến trình thường trực và cử tri thường xuyên có tiếng nói sau khi cuộc bầu cử vừa kết thúc cho nhiệm kỳ trước. Cũng vì vậy mà vào một đêm giá lạnh tại một tiểu bang heo hút như Iowa, có khi vận mệnh quốc gia lại được quyết định qua sự tuyển chọn của các đảng đoàn. Các ứng cử viên lẫn tổ chức đảng phải mất nhiều năm tháng chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ ở nơi hẻo lánh ấy. Hình như bậc tổ phụ thời lập quốc, trước hết là James Madison, “Cha đẻ bản Hiến Pháp” đã tính như vậy. Để Chính phủ phải lắng nghe ý dân, bị tê liệt trong các quyết định, và… bớt phần cai trị cho dân nhờ!

Nền dân chủ này tuyệt vời vì nó hạn chế vai trò của Chính quyền, của Nhà nước, dù là một nhà nước do dân bầu lên: vừa được bầu lên, các đại diện dân cử đã lật đật nghĩ tới việc xin phiếu cho kỳ sau!

Nền dân chủ này còn báo hiệu hiện tượng thông tin tức thời ngày nay.

Khi phải tranh cử gần như thường trực và kéo dài liên tục như từng chuỗi tin chạy trên màn ảnh truyền hình, các chính trị gia phải tin rằng cử tri đang theo dõi từng hành động và lời nói của mình. Không có chuyện cử tri đã tạm quên để mình tự tung tự tác cho tới kỳ sau. Khi lại chọn ngày Thứ Ba (sau ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng 11) làm ngày bầu cử, người ta cố tình lôi kéo thành phần cử tri tích cực, đi bầu trong ngày làm việc chứ không phải một ngày Chủ Nhật cuối tuần ai cũng được nghỉ thì mới “lo việc nước”!

Người viết này tránh nói về chuyện bầu cử Tổng thống, cho đến tháng đầu của năm tranh cử.

Trước đó, chuyện bầu cử là cả chục dàn thanh la não bạt đầy nhiễu âm đinh tai nhức óc như một doanh nghiệp cỏn con thành hình trong nhà xe và lùng tùng xòe đi ra như một đội lân trong xóm. Rồi từ Tháng Giêng trở đi thì các dàn nhạc xuất sắc nhất mới vượt qua âm thanh bát nháo mà tấu lên giai điệu có giá trị cho thành phần cử tri gọi là “thẩm âm”. Thành phần này biết nghe nhạc, biết so sánh các chương trình hành động và cũng là thành phần chịu khó theo đuổi cuộc chơi cho tới phòng phiếu vào ngày tám Tháng 11.

Nhưng chẳng vì vậy mà những thử nghiệm om xòm vào buổi ban đầu lại là vô ích. Đấy là khi các chuẩn ứng cử viên chứng tỏ khả năng xuất chúng và vượt qua tầng đãi lọc đầu tiên để thành ứng cử viên, và cũng là lúc các ứng viên gạo cội ca bài lá rụng về cội. Bị loại bỏ không tiếng vang!

Bây giờ đến chuyện năm nay, của cuộc bầu cử kỳ này.

Lần này, chúng ta chứng kiến sự hốt hoảng của một thiểu số. Đó là những người ưu lo cho tiền đồ của nền Cộng hòa gọi là Hiệp chủng quốc. Họ xuất hiện với lời báo động về ngày tàn của nước Mỹ, và ra quân rất sớm để cứu lấy tổ quốc lâm nguy. Bên cạnh là những người cũng sớm ra tay để nhờ cuộc tranh cử mà cải thiện cuộc sống. Tranh cử là cần tiền và tạo ra cơ hội làm ăn mà là làm ăn trong khu vực tiếp cận với chính trị.

Đa số người Mỹ thì khác, họ không lý tới “đỉnh chung” là quyền lợi và bổng lộc chính trị, họ đi làm, họ kinh doanh và cải thiện cuộc sống qua ngả khác. Rất nhiều người trong số này có vẻ thờ ơ với những phát ngôn nảy lửa của các chuẩn ứng cử viên đã xuất hiện quá sớm. Vì vậy, trong năm qua, sân khấu chính trị Hoa Kỳ mới là nơi trình diễn của các chính khách bi quan với lời báo động nảy lửa và những thậm từ ném vào mặt các đối phương.

Về chuyện lăng mạ đối thủ thì họ chẳng phát minh điều gì mới lạ: khi tranh cử thì bậc quốc phụ năm xưa, từ Jefferson trở đi, đã từng có nhiều kiệt tác làm các chính khách Âu Châu phải ngạc nhiên và xấu hổ! Nhưng lời báo động, rằng nếu mà ta không lãnh đạo thì nước nhà sẽ tan nát vì di dân hay vì bất công xã hội, là điều gì đó rất khôi hài. Người yếu bóng vía có thể bủn rủn vì những lập luận ấy.

Nhưng biết đâu, đấy lại là một ưu thế khác của nền dân chủ Hoa Kỳ?

Nó cho phép những kẻ có tham vọng lên tiếng một cách cuồng nhiệt trong một trò vui rồi bươi móc để loại bỏ nhau trước sự chứng kiến và cổ võ của khán giả. Nhớ đến Đại hội đảng vừa qua ở Hà Nội thì ta thấy trò chơi dân chủ của Mỹ có “tính giải trí” rất cao, khác hẳn trò hề quanh khu Ba Đình! Vòng sơ bộ có vẻ nhiễu loạn ấy còn khiến Chính quyền Obama có vẻ như bị tê liệt, vì làm gì cũng sợ ảnh hưởng bất lợi cho phe ta. Nhờ vậy mà chúng ta ít bị sáng kiến rợn người của một Tổng thống khỏi cần tranh cử!

Chung cuộc thì Tổng thống Hoa Kỳ có rất nhiều quyền hạn mà không toàn quyền.

Lãnh đạo Hành pháp phải thỏa hiệp với hai viện trên dưới của Lập pháp, mỗi viện lại có cơ cấu chính trị và thủ tục vận hành nhiêu khê và khác biệt. Rồi tới Tối cao Pháp viện là cơ chế độc lập, cũng phân cực tùy hồ sơ phải thụ lý. Có khi quyết định về lẽ đúng sai của Hành pháp chỉ với một lá phiếu của một vị chánh án cao niên được bổ nhiệm từ xưa với sự phê chuẩn của một Thượng viện đối lập! Chung quanh Tổng thống còn có 50 Thống đốc Tiểu bang chỉ có trách nhiệm với cử tri của họ, chứ không tuyệt đối tuân thủ chính quyền liên bang về mọi chuyện. Sau cùng, Tổng thống cũng chẳng thể bốc điện thoại ra chỉ thị cho Thống đốc Ngân hàng về các biện pháp kinh tế có lợi cho Chính quyền.

Tổng thống Mỹ chỉ có quyền hạn mở rộng về đối ngoại, nếu được hai điều kiện: 1/ Người khác, kể cả chế độ hung đồ hay tổ chức khủng bố, chấp thuận và chấp hành, chao ôi là khó. Và 2/ nhất là nếu quần chúng ở nhà đồng ý. Nhưng ai là người nắm bắt được ý kiến hay tinh thần của quần chúng ở nhà? Đấy là các dân biểu của Hạ viện, họ gần dân và “thân dân” vì hai năm lại xin phiếu cử tri một lần và cũng ở vào tình trạng tái tranh cử thường trực! Họ đồng ý với Tổng thống hay không là do những tính toán cho cuộc tranh cử sắp tới của họ. Việc Tổng thống có mời họ đi đánh golf hay du ngoạn miễn phí trên Air Force One chỉ là màn phụ diễn - cho vui.

Nền dân chủ quái đản này mà không có nét tuyệt vời sao?