Vì Sao Liên Bang Nga Hốt Hoảng?
Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 160127
"Hồ Sơ Người-Việt"
Sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ…
* Trùm an ninh Nikolai Patrushev và Vladimir Putin - máu lạnh
đầu nóng *
Về bổi cảnh thì khi trả lời phỏng vấn của Moskovsky
Komsomoltes, hôm Thứ Ba 26, ông Nikolai Patrushev cho rằng “Hoa Kỳ đang có
ý đồ làm suy yếu Liên bang Nga để lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước
Nga”, và rằng “Hoa Kỳ không loại bỏ kich bản Liên bang Nga sẽ tan rã.”
Từ một bình luận gia hè phố thì nhận xét ấy quả là không đáng
kể. Nhưng Patrushev đang là Bí thư (Tổng thư ký) của Hội đồng An ninh, cố vấn
thân tín của Tổng thống Vladimir Putin sau khi cầm đầu hệ thống tình báo liên
bang Federal
Security Service(FSB) của
Nga! Quan điểm của một nhân vật có ảnh hưởng trong ban tham mưu của Putin có
trọng lượng khác hẳn và đáng để chúng ta theo dõi. Lãnh đạo Nga thực tin như
vậy, hay muốn quần chúng Nga tin như vậy? Mà tại sao?
Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu chuyện ấy mà liên tưởng đến… Trung
Quốc!
Sự Hợp Lý Của Nỗi Sợ Hãi
Nhìn vào quan điểm của một người có thế lực, chúng ta có thể -
và nên – nêu ra vài giả thuyết về nguyên nhân. Nhận xét này của ông Patrushev
là thực lòng? Hay chỉ là tìm cách giải thích những khó khăn hiện nay của nước
Nga cho quần chúng và gán tội cho Hoa Kỳ? Mà Hoa Kỳ có tính toán như vậy không?
Quả thật là kinh tế Liên bang Nga đang kiệt quệ, lương bổng và
lợi tức của người dân suy sụp cùng trị giá của đồng Rúp – tuột đến mức kỷ lục –
nên việc Moscow giải trình nguyên nhân là một ý đồ của Mỹ có sự hợp lý, ít ra
về chính trị. Mục tiêu không chỉ là đổ lỗi cho Hoa Kỳ, mà là trình bày sự thể
dưới một ánh sáng khác: Liên bang Nga đang là nạn nhân của một kế hoạch thâm
độc của ngoại bang và Chính quyền Putin hay Điện Kremlin là thế lực sau cùng
đang cố bảo vệ quyền lợi của nước Nga. Kết luận là mọi người Nga yêu nước phải
sát cánh đứng sau chế độ Putin.
Thủ đoạn chính trị này không là điều mới lạ. Nhưng sự thật có
khi còn trầm trọng hơn vậy. Chúng ta cần hiểu ra cái đầu hay tâm trí của lãnh
đạo Nga.
Mươi năm trước, Vladimir Putin nhận định rằng sự sụp đổ của Liên
bang Xô viết là một thảm họa của thế kỷ 20. Đấy là cách suy luận của ông ta, và
có lẽ của nhiều người Nga. Cũng Putin đã lên tiếng ca tụng Josef Stalin – không
vì những lý do như chúng ta có thể hiểu. Theo Putin, Stalin đã đánh giá sai dự
tính của Hitler khi ký hòa ước với Đức quốc xã vào năm 1939, rốt cuộc lại bị
Đức tấn công vào năm 1941. Nhưng sau khi đã lầm, Stalin khai thác vụ Đức tấn
công thành lợi thế chính trị để xây dựng sự đoàn kết của nhà nước Liên Xô với
quần chúng, dưới sự lãnh đạo của ông ta. Việc người dân có phê phán sai lầm
1939-1941 của Stalin hay không lại hết tầm quan trọng trước các sư đoàn Đức
quốc xã. Tổ quốc đang lâm nguy và Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của đồng
chí Stalin là hàng rào bảo vệ sau cùng.
Nghĩa là Putin chậm rãi khôi phục lại giá trị của Stalin. Ngày
nay, ban tham mưu của ông cùng dùng lý luận ấy khi chĩa mũi dùi vào Hoa Kỳ.
Nhưng chúng ta còn phải đi xa hơn vậy và đấy là một đặc tính của Hồ Sơ
Người-Việt.
Sự Thật Bên Trong Hậu Trường
Nếu suy ngẫm thêm, chúng ta nên thấy ra hai vấn đề khác biệt: 1/
Kinh tế Liên bang Nga đang trôi vào khủng hoảng; 2/ Điện Kremlin đang gỡ nguy
bằng những lập luận hơi lạ, phi lý mà cũng có vẻ hợp lý.
Nhưng thế nào là phi lý mà hợp lý?
Thứ nhất, nói về ý đồ của Hoa Kỳ nhằm thôn tính tài nguyên của
Liên bang Nga là phi lý. Nước Mỹ có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, và nếu
thiếu thì đã có thể tìm ra ngạy tại lục địa Nam-Bắc Mỹ (Tân Bán Cầu), thí dụ
như dầu khí của Canada và Mexico. Nước Mỹ còn có loại tài nguyên giá trị nhất
là khả năng sáng tạo rất linh động. Thí dụ như kỹ thuật khai thác đá phiến
thành dầu để mau chóng dẫn đầu thế giới về sản lượng.
Kịch bản “ý đồ thâm độc của Mỹ đế” là chuyện phi lý. Trong quá
khứ, quả tình là Đức hay Nhật đã từng mơ ước khai tác tài nguyên thiên nhiên
trong lãnh thổ của Nga, nhưng chưa tiến đến giai đoạn đau đầu là chiếm đoạt,
biến chế rồi chuyên chở lượng tài nguyên ấy về nước. Hoa Kỳ thì chưa khi nào
tính như vậy vì có giải pháp rẻ hơn ở nhà hay ở nơi khác.
Chuyện kia là Hoa Kỳ mong ước Liên bang Nga bị sụp đổ cũng vậy.
Khi Liên Xô tan rã rồi sụp đổ, Âu Châu đã hứng nhiều mảnh vụn và Liên bang Nga
kế thừa phần còn lại, trong một tình trạn tương đối ổn định và đấy là một ưu
điểm chiến lược của Chính quyền George W. H. Bush khi thảo luận và chuẩn bị với
Chủ tịch Mikhael Gorbachev. Ngày nay, nếu Liên bang Nga rã thành từng mảng thì
chuyện gì xảy ra, và những ai có lợi? Lãnh thổ Nga tiếp cận với các nước Bắc
Âu, Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, vài nước Trung Á và Trung Quốc. Ngoại trừ Trung Quốc
may ra có lợi khi nhận một mảnh vỡ của Nga, chứ các nước kia thì không.
Và chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ chẳng sơ múi gì, có khi còn phải đi
chữa lửa! Huống hồ, Liên bang Nga còn có một khi võ khí hạch tâm và cả vạn hỏa
tiễn dài ngắn lớn nhỏ. Với kịch bản là cố tình làm cho nước Nga tan rã thì Mỹ
sẽ gặp ác mộng khủng bố có võ khí chiến lược tung hoành từ Trung Á tới Âu Châu
và cả Hoa Kỳ!
Vấn đề thật ở đây – ngoài mọi tính toán của Hoa Kỳ - là Liên
bang Nga có thể tự tan rã. Và Puin cùng giới chức hữu trách về an ninh đều biết
như vậy!
Chúng ta đi xa hơn nữa khi nhìn vào bài toán kinh tế. Đã chứng
kiến sự sụp đổ của Liên Xô rồi sự suy yếu của Liên bang Nga dưới triều đại
Boris Yeltsin, khi lên lãnh đạo 15 năm về trước, Putin muốn cải thiện tình hình
và được lợi thế là dầu thô từ 26 đô la một thùng đã trong tám năm vọt gíá lên
quá 100 đô la. Nhờ vậy, Putin củng cố được nội bộ với ngân sách và dự trữ tương
đối sung túc hơn và còn có thể chinh phục lại những mảng đã mất của Liên Xô, là
Georgia 2008 và Ukraine 2014. Nhưng nỗi khó khăn của ông là không thể cải cách
và đa dạng hóa kinh tế, khiến cho kho lẫm đều tùy thuộc vào năng lượng, và vào
các trung tâm quyền lợi lẫn quyền lực là các tổng công ty quốc doanh.
Khi dầu thô sụt giá, kinh tế sa sút, các trung tâm này bị thiệt
hại trong khi ngân sách liên bang hết tiền mua chuộc sự trung thành của các địa
phương. Sự rạn nứt và tan rã xuất phát từ đó.
Chính quyền Putin đành bám vào những lập luận phi lý để biện
minh, giải thích. Nhưng nỗi sợ hãi ấy của họ mới là điều đáng sợ. Thế giới
không thể đoán trước được phản ứng của một kẻ cùng đường, có máu lạnh và có võ
khí tàn sát!
Vì vậy, lời phát biểu của ông Nikolai Patrushev mới có trọng
lượng ghê người!
Hoa Kỳ Sẽ Làm Gì?
Đã phải trình bày đến đây thì Hồ Sơ Người-Việt xin cố đi xa hơn
một chút – cho tới mé vực .
Hoa Kỳ không muốn mà dù có muốn thì cũng chẳng thể đưa quân vào
Liên bang Nga để bảo vệ trật tự, gìn giữ ổn định và nhất là kiểm soát được các
kho võ khí chiến lược khi Điện Kremlin nghiêng đổ. Các trung tâm nghiên cứu hay
Ngũ giác đài cùng hệ thống tình báo Mỹ có thể theo dõi, phân tách và dự đoán
kịch bản tan rã, nhưng không hề và cũng chẳng thể đề nghị giới lãnh đạo chuẩn
bị can thiệp, như Putin hay Patruschev đang ám chỉ.
Cùng lắm, và đây là giải pháp “khả thể”, Hoa Kỳ chỉ có khả năng
yểm trợ hoặc can thiệp vào các nước ở vòng ngoại vi của Liên bang Nga, như ba
nước Cộng hòa Baltic hay Belarus và nhất là Ukraine. Đấy là nhu cầu có mặt tại
vùng trái độn để chặn trước những miểng vụn có thể sẽ tung toé trong những năm
tới.
Mà càng chuẩn bị trước như vậy lại càng chứng minh rằng Putin có
lý! Đầu năm 2016, chúng ta đang gặp một kịch bản lạ thường và cực kỳ nguy hiểm.
---
Kết luận ở đây là gì?
Rất khó suy luận với những người mắc bệnh tự kỷ ám thị mà cầm
súng.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng suy nghĩ chẳng khác gì Kremlin.
Những chuyện rợn mình ấy chưa thấm vào cuộc tranh cử tổng thống
tại Hoa Kỳ!
No comments:
Post a Comment