Friday, February 26, 2016

Ảnh hưởng của “Bảy chị em” (Seven Sisters) tới VN

Ảnh hưởng của “Bảy chị em” (Seven Sisters) tới VN

I. “BẢY CHỊ EM”  (Seven Sisters) nghĩa là gì?
“BẢY CHỊ EM ” hay tiếng Anh còn gọi là “Seven Sisters ” là tiếng lóng để ám chỉ bảy công ty dầu hỏa lớn nhất thế giới , nắm khoảng 85%—95% trữ lượng dự trử dầu hỏa của thế giới. Khởi thủy ( lúc ban đầu) , “BẢY CHỊ EM” trong ngành dầu hỏa bao gồm các công ty sau đây:
•Exxon (xuất thân từ Standard Oil of New Jersey )
•Mobil (xuất thân từ Standard Oil of New York)
•Chevron (xuất thân từ Standard Oil of California)
•Texaco
•Gulf Oil
•Shell
•British Petroleum
Về sau này, Exxon xác nhập với Mobil vào năm 1998 để trở thành ExxonMobil , Chevron mua đứt Texaco vào năm 1984 và Britist Petroleum mua đứt Gulf Oil cho nên “BẢY CHỊ EM”  lần hồi không còn đúng nữa nhưng thành ngữ “BẢY CHỊ EM”  vẫn được sử dụng  để ám chỉ các công ty dầu hỏa hàng đầu của thế giới.
Hiện tại thì Chevron và Texaco,  hai thành viên quan trọng nhất của  giới “BẢY CHỊ EM” đang khai thác dầu hỏa tại Việt Nam. Riêng Chevron thì cho là đã có mặt tại Việt Nam ngay năm 1994 , tức là năm Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ mọi cấm vận đối với  Việt Nam .  Xin được ghi chú là thêm hai công ty Chevron và Texaco đã vào Việt Nam còn đội lốt dưới cái tên khác là CALTEX.
Như vậy “BẢY CHỊ EM ” thực sự có mặt tại Việt Nam từ lâu và những bí ẩn riêng tư bên trong của giới “BẢY CHỊ EM” ảnh huởng lên chính trị , lịch sử , và kinh tế  của Việt Nam là điều mà cần phải phân tích cặn kẽ tận tường khi bình luận hay khi đưa ra những đối sách chính trị ngoại giao cần thiết cho Việt Nam
II.  Ảnh hưởng của “BẢY CHỊ EM” lên nền chính trị Việt Nam hiện nay:
Cơ quan US Energy Information Administration gọi tắt là EIA của Hoa Kỳ loan  báo chính thức là trữ lượng dầu hỏa tại Biển Đông lên đến 11 tỷ thùng và 190 ngàn tỷ cubic ft khí đốt (một cubic foot tương đương với 0.28 mét khối )
EIA cũng đưa ra bản thống kê chính thức trữ lượng dầu hỏa và khí đốt của các nước trong vùng biển Đông  như sau:
Bảng thống kê 1 : Dự trữ dầu hỏa tại biển Đông
bang-1
Như vậy , trữ lượng dầu thô của Việt Nam ( 3 tỷ thùng ) không thôi đã chiếm gần 27.3 %  gần một phần ba trữ lượng của toàn vùng . Còn về lượng khí đốt thì Việt Nam đã đứng hang thứ ba trong vùng theo bảng tổng kết trình bày ở trên từ EIA.
Dữ liệu do chính EIA đưa ra cho thấy Việt Nam đã có thể cán đán sản xuất gần 300 ngàn thùng dầu thô mỗi năm , tức là tương đương với khoảng 13.5 tỷ Mỹ kim mỗi năm nếu giá dầu thô chỉ là 45 Mỹ kim một thùng.
Biểu đồ 1: Mức tăng trưởng sản xuất dầu hỏa của Việt Nam
bang-2
Dựa vào biểu đồ 1 , nếu lấy  năm 1994 làm cột mốc vì là năm Hoa Kỳ chính thực bãi bỏ cấm vận, thì sản lượng dầu thô của Việt Nam đã tăng từ 150 ngàn thùng một năm lên đến hơn 300 ngàn thùng một năm, gấp đôi tổng sản lương trong hai mươi năm.
Rõ ràng , với trình độ kỹ thuật và khả năng khai thác của Việt Nam không thể tạo ra sự nhẩy vọt về tổng sản lượng nếu như không có “BẢY CHỊ EM” ta đứng đằng sau trợ sức mọi mặt từ vốn đến kỹ thuật
Quan trọng hơn hết , toàn bộ miền duyên hải phía nam của Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa (Sparatly Islands) thuộc chủ quyền của Việt Nam  nằm hoàn toàn trên tuyến đường chuyên chở dầu hỏa khắp cả vùng châu Á Thái Bình Dương, theo sự xác nhận của EIA với tổng số lên đến  11 triệu thùng một ngày vào năm 2011 được phân bố ra các quốc gia như bản đồ dưới đây:
Họa hình 1:  Khối lượng vận chuyển dầu hỏa ngang qua biển Đông
hinh-1
Như vậy , nguồn lợi thu được từ thuế hàng hải khi vận chuyển dầu hỏa qua hải phận đối với các quốc gia trong vùng và nhất là đối với Việt Nam, hiện đang kiểm soát 29 đảo của quần đảo Trường Sa vô cùng to lớn.
Do đó , nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài lên đến cả trăm năm, “BẢY CHỊ EM” cần phải có những ảnh huởng chính trị cần thiết lên chính trường Việt Nam cũng như  cần chính phủ Hoa Kỳ can thiệp mạnh mẽ để sự đi lại hàng hải, chuyên chở dầu hỏa trên con đường này không bị Hải quân Trung Quốc bắt nạt và buộc phải đóng thêm thuế hàng hải cho Trung Quốc
Trung Quốc đã nhiều lần kiếm cách phá rối, hăm dọa cũng như áp lực lên giới “BẢY CHỊ EM ” bằng nhiều kiểu cách khác nhau nếu tiếp tục bắt tay với Việt Nam khai thác dầu hỏa, khí đốt trong vùng .
Việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu khổng lồ 981 vào lãnh hải Việt Nam vào ngày 2 tháng Năm năm 2014 với dàn hải quân hùng hậu hộ tống cũng chính là nhằm dằn mặt “BẢY CHỊ EM” ta đã phớt lờ Trung Quốc khi ký kết các hợp đồng khai thác tại vùng biển này và nhất là tại Cửu Long Basin , phía nam duyên hải Việt Nam mà Trung Quốc đã ngang ngược cương quyết đòi chủ quyền. Ngoài ra , Trung Quốc cũng muốn nhìn phản ứng của “BẢY CHỊ EM” ra sao trước tình huống này  (political benchmark testing).
“BẢY CHỊ EM” biết quá rõ về lâu về dài, khi Trung Quốc đã không chế được tình hình rồi thì Trung Quốc sẽ tự bỏ vốn khai thác , “BẢY CHỊ EM” vĩnh viễn không có phần và phải quy lụy Bắc Kinh tối đa để duy trì sự vận chuyển dầu hỏa lên Nhật Bản hoặc các nước khác trong vùng.
Điều đó càng cho thấy giới “BẢY CHỊ EM” ta không thể để các phần tử Đảng viên bảo thủ thân Trung Quốc ở trong Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục mạnh thế  khiến những toan tính cam kết đầu tư giữa Việt Nam và  giới “BẢY CHỊ EM” bị đe dọa, bất ổn.
Hơn nữa, để đảm bảo quyền lợi lâu dài, “BẢY CHỊ EM” sẽ tìm đủ cách tạo ra cho mình những ảnh huởng chính trị cần thiết trên chính trường Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Cho nên, để “BẢY CHỊ EM” có thể yên tâm dò tìm , đầu tư và khai thác dầu hỏa và khí đốt tại thềm lục địa Việt Nam,  Cộng Sản Việt Nam cần phải có chính sách chính trị đối ngoại hợp tác với Hoa Kỳ sâu rộng về quốc phòng.
Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam tỏ ra do dự hay sẵn sàng ngả về Trung Quốc thì giới “BẢY CHỊ EM” sẽ không gia tăng đầu tư vào Việt Nam vì rủi ro ( risk) quá lớn trước sự hăm dọa của Trung Quốc.
Từ đó, mối bang giao Việt- Mỹ  chịu ảnh hưởng âm thầm nhưng mạnh mẽ của giới “BẢY CHỊ EM”.
Đơn giản, đầu tư của “BẢY CHỊ EM” sẽ sút giãm nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại  nặng nề  về kinh tế cho Việt Nam nếu  Việt Nam không nằm trong đường lối hợp tác quốc phòng mà chính phủ Hoa Kỳ đề ra trong sách lược của mình tại Đông Nam Á.
Như vậy đường lối chính trị ngoại giao của Cộng Sản Việt Nam cũng đang lần hồi bị ảnh hưởng áp lực của  giới “BẢY CHỊ EM “.
Ngụy trang bằng lý do quốc phòng, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã từ từ xích gần lại Hoa Kỳ để tìm một sự bảo vệ  nhằm lợi nhuận từ dầu hỏa được ổn định và gia tăng.
Nếu  mất đi gần hoặc hơn 10 % tổng giá trị sản phẩm quốc dân – GDP ( Gross Domestic Product )  từ nguồn lợi tức dầu hỏa và cả khí đốt , chưa kể các quyền lợi về công ăn việc làm , cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội do các hoạt động đầu tư của “BẢY CHỊ EM” đem lại thì kinh tế Việt Nam và ngân sách quốc gia của Việt Nam sẽ suy sụp nhanh chóng .
Điều này sẽ đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tình thế lâm nguy về an toàn chính trị trước suy thoái kinh tế. Khi nguồn lợi tài chánh từ dầu hỏa mất đi , Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị tê liệt về ngân sách , dẫn đến sụp đổ nhanh chóng về chính trị.
Ba đời thủ tướng Cộng Sản Việt Nam, từ Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng điều là người miền Nam và có liên quan trực tiếp đến sự an toàn, tự do khai thác dầu hỏa cho “BẢY CHỊ EM” ngoài khơi lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Bộ luật đầu tư khai thác dầu hỏa được thông qua để  BẢY CHỊ EM tư do đấu thầu, khai thác dầu hỏa  ban hành  vào năm 1993 khi Võ Văn Kiệt là thủ tướng.
Chevron đã vào Việt Nam năm 1994 dưới sự bảo vệ về chính trị của Kiệt để đổi lại những khoảng tài chánh cứu trợ cần thiết cho Việt Nam và Đảng cầm quyền cũng như sự hậu thuẫn của Chevron cho Việt Nam trong chính trường Mỹ.
Sau đây là một đoạn từ lá  thơ của Lisa Barry , General Manager Government Affairs ( Tổng Giám Đốc Tư Pháp ) của Chevron chính thức gởi đến Hạ Viện Hoa Kỳ ( House of Representative- H. R. ) , áp lực Hạ Viện tiếp tục duy trì  quy chế tự do mậu dịch “Permanent Normal Trade Relations “ gọi tắt là PNTR với Việt Nam. PNTR cho phép tự do mậu dịch giữa hai quốc gia Việt- Mỹ được hợp pháp – nguyên văn bằng tiếng Anh :
“ Chevron is a long term  investor in Viet Nam . We re-entered the Vietnamese market as soon as it was legally permissible  following the end of US trade embargo in 1994 and have increased our present since then as opportunities have been available . We are please to support and urge favorable consideration of the last step in the trade normalization process: extending Pernament Normal Trade  Relations (PNTR) to Viet Nam as authorized by H.R 5602  “
(Xin tạm dịch : Chevron là một công ty đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi hiện diện tại Việt Nam ngay sau khi cấm vận được bãi bỏ vào năm 1994 và tiếp tục gia tăng sự hiện diện của mình khi có cơ hội đầu tư. Chúng tôi hết lòng vận động và ủng hộ bước tiến  cuối cùng của  quá trình bình thuờng hóa : tiếp tục duy trì  nghị quyết H.R 5602- Pernament Normal Trade  Relations (PNTR) , quy chế tự do mậu dịch với Việt Nam)
Đoạn trích trên từ lá thơ của công ty Chevron chính thức gởi đến Hạ Viện Hoa Kỳ là một bằng chứng đã cho thấy rõ ảnh huởng mạnh của giới “ BẢY CHỊ EM” lên mối quan bang giao Việt-Mỹ tác động đến nền chính trị và các quyết định chính trị sau này của Cộng Sản Hà Nội. Xin vào website để đọc hết toàn bộ nguyên văn bức thư bằng Anh ngữ .
Phan Văn Khải cũng là người miền Nam , tiếp nối Võ Văn Kiệt làm thủ tướng từ năm 1997 cho đến 2006 , trong thời gian này thì tổng sản lượng dầu hỏa của Việt Nam nhanh chóng nhãy vọt từ dưới 200 ngàn thùng dầu lên gần 400 ngàn thùng dầu mỗi ngày  do sự hiện diện mạnh mẽ của giới “BẢY CHỊ EM” dập dìu ngoài khơi Việt Nam  (biểu đồ 1 )
Trong giai đoạn  tăng vọt sản lượng dầu hỏa này, chỉ cần nhìn vào Chevron thì đã thấy cổ phần của Chevron tăng vọt tại các mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam:
+ Block 122 – Phu Khanh Basin : Chevron sở hữu 20%,
+ Block B&48/95 – Malay/Tho Chu Basin : Chevron sở hữu lên đến 42.38%
+ Block 52/97- Malay/Tho Chu Basin Chevron sở hữu lên đến 43.40%
Ông Khải cũng được cho là nhờ sự vận động ráo riết của BẢY CHỊ EM để ông trở thành Thủ Tướng Cộng Sản đầu tiên viếng thăm Hoa Kỳ , ký kết hàng loạt các hợp đồng kinh tế , trong đó là chuyến đi thăm ngoạn mục đến nơi sản xuất của một người bạn lâu đời thủy chung của giới “BẢY CHỊ EM “, đó là hãng Boeing.
Nguyễn Tấn Dũng tiếp nối ông Khải làm Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam cũng là người miền Nam, mở rộng cửa cho hàng loạt các tay chân của BẢY CHỊ EM vào Việt Nam, trong đó có các hãng lọc dầu của Pháp, Nam Hàn, Nhật Bản.
Thời của ông Dũng, Trung Quốc gia tăng sách nhiễu BẢY CHỊ EM ngoài khơi Việt Nam khiến quan hệ hai nước Việt – Mỹ xích gần nhau hơn về quốc phòng dẫn đến hàng loạt các chuyến ngoại giao con thoi Mỹ- Việt .  “BẢY CHỊ EM”  đang hậu thuẫn mạnh cho chính giới Hoa Kỳ gia tăng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Sự hậu thuẫn này khiến bộ quốc phòng Mỹ lần lượt có những đối sách gia tăng tuần tra hợp tác tại biển Đông để bảo vệ quyền lợi đầu tư của “BẢY CHỊ EM”  ngoài khơi Việt Nam.
“BẢY CHỊ EM “ đã âm mưu núp bóng , dựng ra nhiều tập đoàn dầu hỏa cho nhiều quốc gia khác , rồi lôi kéo các tập đoàn này vào Việt Nam , chịu dựng sự xách nhiễu và hăm dọa từ Trung Quốc buộc lòng chính phủ các quốc gia này lên tiếng phản đối áp lực Trung Quốc , tạo ra một thế cuộc quốc tế hóa vấn đề dầu hỏa tại Biển Đông có lợi cho toàn cầu và đương nhiên , chỉ có hại cho tham vọng riêng tư của Trung Quốc.
Hệ quả của âm mưu này là Việt Nam có thêm hàng loạt các tập đoàn dầu hỏa từ Thái Lan , Nhật , Úc , Canada , Nam Hàn , Quatar , Kuwait , India ….vân vân mà hầu hết điều là con đẻ của “BẢY CHỊ EM ” ồ ạt vào Việt Nam dưới sự hậu thuẫn của chính phủ các quốc gia này.
Như vậy, Trung quốc nếu muốn xách nhiễu hay áp lực cũng mệt mỏi vì có quá nhiều quốc gia liên can , nhiều tập đoàn khác nhau để liên hệ phản đối.
Các nhà phân tích , chiến lược gia đang chờ xem Trung Quốc sẽ đối phó với âm mưu này của BẢY CHỊ EM như thế nào.
Nền chính trị của Việt Nam độc tài Cộng Sản hôm nay và Tự Do Dân Chủ mai sau  luôn luôn sẽ phải chịu  những tác động và ảnh huởng mạnh từ “BẢY CHỊ EM”  Đây là một thực tế cần phải chấp nhận khi bàn thảo những đối sách chính trị cho Việt Nam
 
III. Ảnh hưởng của “BẢY CHỊ EM” trong lịch sử  của Việt Nam:
Ảnh hưởng của “BẢY CHỊ EM” lên lịch sử của Việt Nam là điều mà các sử gia vẫn chưa chịu thừa nhận vì ảnh hưởng này không ồn ào lộ ra ngoài cho mọi người nhìn thấy dù ảnh huởng này rất là quan trọng
Trong quá khứ, Nhật Bản buộc lòng phải tấn công Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) vào ngày 7 tháng 12 năm 1941  vì Hoa Kỳ  cấm vận mọi chuyên chở dầu hỏa từ con đường dầu hỏa (đề cập ở phần II bên trên)  lên Nhật Bản khiến Nhật Bản sẽ suy xụp tê liệt hoàn toàn về kinh tế  nếu không có  hành động để tìm một giải pháp.
Hoa Kỳ hành động cấm vận dầu hỏa quyết liệt như vậy đối với Nhật Bản là để trả đũa hành động Nhật Bản tấn công cảng Hải Phòng, lúc bấy giờ còn thuộc Đông Dương- L’indochine do Pháp kiễm soát vào ngày 26 tháng 9 năm 1940
Nhật Bản tấn công cảng Hải Phòng nhằm cắt đứt đường mua bán , trao đổi tiếp viện xăng dầu đạn dượt cho chính phủ của Tưởng Giới Thạch  từ Hoa Kỳ thông qua cảng Hải Phòng và đường rày nối liền Hài Phòng- Hà Nội- Lào Cai- Côn Minh và Vân Nam (Sino- Vietnamese railway)
Như vậy, cuộc đối đầu trực diện nảy lửa giữa Hoa Kỳ  với Nhật Bản  về ngoại giao  từ năm 1940 dẫn đến đối đầu quân sự trực diện ngay năm sau đó bằng trận tấn công Trân Châu Cảng kinh hoàng bởi Nhật Bản vào ngày 7 tháng 12 năm 1941  tạo ra đệ Nhị Thế Chiến tại Châu Á khởi nguồn từ sự xâm lược của Nhật Bản vào cảng Hải Phòng vào ngày 26 tháng 9 năm 1940
Trong khi đó, Trung Quốc đã bị Nhật Bản xâm lược trắng trợn từ năm 1935 nhưng Hoa Kỳ vẫn chỉ phản đối cho có lệ mà thôi, không hề có những hành động cấm vận cương quyết toàn diện đối với Nhật Bản như sau trận tấn công Hải Phòng của Nhật.
Đây là một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng mà các chiến lược gia của Hoa Kỳ cố gắng đánh lờ đi.
Việt Nam lao vào lốc xóay của Đệ Nhị Thế Chiến bởi những tranh chấp dầu hỏa giữa các siêu cường trong vùng.
Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ cấm vận Nhật Bản dẫn đến chiến tranh đương nhiên là có sự hậu thuẫn của “BẢY CHỊ EM”  vì các đại công ty dầu hỏa lúc bấy giờ không muốn bị Nhật Bản khống chế khi chuyên chở dầu hỏa trong vùng  cũng như cắt đứt một khách hàng tiêu thụ xăng dầu khổng lồ của “BẢY CHỊ EM” là Trung Hoa Quốc Dân.
Khi Đệ II thế chiến chấm dứt  năm 1945 , trợ tá đắc lực của tướng Douglas MacArthur, Thống Đốc Toàn Quyền Nhật Bản là phó thống đốc toàn quyền Laurence Rockefeller, cháu ruột của ông tổ ngành dầu hỏa Hoa Kỳ , John D.  Rockefeller, tìm đủ cách tăng viện cho Hồ Chí MInh ,  mượn tên này gây rối Đông Dương để Hoa Kỳ CÓ CƠ HỘI CAN THIỆP CHÍNH TRỊ VÀO ĐÔNG DƯƠNG mai sau, nhằm có điều kiện kiểm soát dò tìm trữ lượng dầu hỏa và khí đốt tại miền nam duyên hải Việt Nam và lập ra kế hoạch khai thác   lâu dài trên biển Đông  sau này.
Chín năm sau đó , tức là năm 1954-1955 , cũng Laurence Rockefeller , lúc bây giờ là trợ tá đắc lực cho tổng thống Eisenhower, đã cố vấn cho chính phủ Hoa Kỳ,  vận động hậu trường chính trị  ở Washington DC ủng hộ Diệm truất phế Quốc Trưởng  Bảo Đại nhằm chấm dứt vĩnh viễn ảnh huởng của người Pháp lên Đông Dương , mở rộng cửa cho Hoa Kỳ can dự vào chính trị tại Việt Nam , mở ra cơ hội cho Hoa Kỳ chuẩn bị thăm dò khẳng định trử lượng dầu hỏa của Việt Nam, ngoài khơi Cửu Long Basin và quần đảo Trường Sa.
Vào thập niên 1950 , kỹ thuật thăm dò dầu hỏa ngoài khơi của Hoa Kỳ  đã rất tiến bộ và chính xác , chỉ cần cho nổ bom hoặc mìn dười lòng biển sâu , rồi đo sự dội lại của âm thanh sẽ biết được chính xác vị trí của salt dome , tức là những bọng muối chứa dầu bên dưới.
Từ năm 1964 trở đi, “BẢY CHỊ EM” ta , nhờ các kế họach quân sự của Hoa Kỳ khi tham chiến tại Việt Nam làm bình phong che đậy, đã có thể âm thầm thực hiện kế hoạch thăm dò mười năm của mình trên toàn bộ vùng biển Đông , biết rõ chính xác và chi tiết  trữ lượng cũng như vị trí sự phân bố dầu hỏa trên vùng biển Đông này.
(Nếu không có sự thăm dò này , EIA của Hoa Kỳ làm sao có dữ liệu , data mà thông báo?)
Hiện tại, chưa có một sử gia nào bỏ công nghiên cứu ảnh huởng sâu rộng của “BẢY CHỊ EM ” lên lịch sử của Việt Nam.
Đơn giản là vì, giới “BẢY CHỊ EM ” ta không bao giờ lộ diện mà đứng đàng sau các nhân vật chính trị , hoặc vây cánh với các nhân vật chính trị  của Hoa Kỳ để ảnh huởng đến các quyết định chính trị sao cho có lợi cho mình và phù hợp với tình thế chính trị toàn cầu
Hoa Kỳ ảnh huởng sâu rộng đến lịch sử của Việt Nam từ năm 1945 đến nay từ việc đưa Hồ Chí Minh về đảo chánh chính phủ Trần Trọng Kim gây rối Đông Dương, cắt viện trợ chiến tranh cho nước Pháp tại Đông Dương khiến Pháp khốn đốn mà bỏ Đông Dương,  rồi đến tham chiến suốt 18 năm , sau lại  cấm vận Việt Nam 18 năm và giờ quay trở lại bảo vệ Việt Nam toàn diện từ kinh tế , quốc phòng đến môi trường thì rõ ràng , sự ảnh huởng của “BẢY CHỊ EM”, một thế lực mại bản hàng đầu của nước Mỹ,   lên các quyết định của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam , là điều tất nhiên xảy ra.
Chối bỏ vai trò & ảnh hưởng của “BẢY CHỊ EM” lên lịch sử của Việt Nam sẽ khiến cho mọi sự nghiên cứu sử học cận và hiện đại của Việt Nam bị khiếm khuyết và lệch lạc đi
IV. Ảnh hưởng của “BẢY CHỊ EM” lên kinh tế Việt Nam
Sự hiện diện đầy đủ của  “BẢY CHỊ EM”  ta tại Việt Nam về lâu về dài đương nhiên tạo ra sức mạnh tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Căn cứ  vào dữ kiện  của World Bank , thì thu nhập về dầu hỏa của Việt Nam đang từ con số không vào năm 1986 đã lên đến gần 7 % tổng giá trị sản lượng quốc dân GDP vào năm 2012.
Biểu đồ 2:Thu nhập từ dầu hỏa của Việt Nam (%GDP)
bieu-2
Ghi chú: Gạch đỏ ở trên là chỉ dấu mốc năm Hoa Kỳ bải bỏ cấm vận đối với Việt Nam
Trong điều kiện kinh tế lạm phát và tăng trưởng ở mọi quốc gia trên toàn cầu , nhu cầu về năng lượng chỉ gia tăng chứ không có giảm và dù nhiều kỹ thuật tân tiến được áp dung để tránh lệ thuộc vào dầu hỏa, thì dầu hỏa vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu của mọi nền kinh tế. Do đó , về lâu về dài,  giá dầu chỉ có xu huớng gia tăng chứ không có giảm.
Biểu đồ lên xuống giá cả của dầu hỏa trong suốt 40 năm tính từ năm 1973 đã cho thấy giá dầu đã tăng từ 16 Mỹ kim một thùng vào năm 1973 lên đến gần 50 Mỹ kim một thùng vào năm 2013.  Còn nếu lấy cột mốc là năm 1994 tức là năm khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận cho Việt Nam thì giá dầu đã tăng gần 20 Mỹ kim một thùng khiến lợi nhận dầu hỏa của Việt Nam chiếm từ 3% tổng giá trị sản lương quốc dân GDP vào năm 1994 lên gấp đôi trên 6% vào năm 2013
Biểu đồ 3 : Biến chuyển giá dầu 1973-2015 ( US dollars / barrel )
bieu-3
Ghi chú : Gạch đỏ ở trên là chỉ dấu mốc năm Hoa Kỳ bải bỏ cấm vận đối với Việt Nam
Tuy nhiên , nếu chỉ nhìn về trị giá dầu hỏa mà coi đây là nguồn lợi duy nhất mà “BẢY CHỊ EM” có thể đem lại cho nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn sai lầm.
Sự hiện diện của “BẢY CHỊ EM ” là cơ hội rất tốt để Việt Nam canh tân cơ sở hạ tầng kinh tế từ kho bãi , cảng , kỹ thuật  , nhà máy lọc dầu , các nhà máy sản xuất các hóa chất trọng yếu cho kinh tế quốc gia, kiến thức quản lý. Đó là chưa kể “BẢY CHỊ EM” là nguốn tài trợ vô cùng lớn cho Việt Nam gia tăng khả năng sản xuất điện với kỹ thuật tân tiến, một nhu cầu vô cùng quan trọng cho một xã hội đang phát triển.
Chỉ tính riêng công ty ExxonMobil mà thôi, một khối lượng vốn lên đến 20 tỷ Mỹ kim đã được công ty này loan báo đầu tư vào Việt Nam vào ngày 19 tháng Ba năm 2014 tại Hà Nội không phải để mua dầu mà là để xây nhà máy nhiệt điện sử dung khí đốt khái thác tại biển Đông. Chỉ với 20 tỷ Mỹ kim mà ExonMobil đã là công ty đứng hàng thứ bảy về số vốn đầu tư tại Việt Nam thì rõ ràng , nếu tính sự hiện diện đầy đủ của “BẢY CHỊ EM “,tức là sự hiện diện của mọi tập đoàn dầu hỏa được  chính phủ Hoa Kỳ  hậu thuẫn thì con số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho Việt Nam từ các công ty này sẽ vượt qua xa tất cả các công ty không thuộc giới ….”BẢY CHỊ EM “!
Ước đoán số vốn đầu tư của “BẢY CHỊ EM ” tại Việt Nam  như sau:
1. Chevron: 7 tỷ Mỹ kim cho hai nhà máy điện chạy bằng khí đốt khai thác từ BLOCK B từ Cửu Long Basin , trong đó có tính luôn cả chi phí các ông dẫn khí từ khơi vào đất liền có chiều dài lên đến 400 km. Chevron cũng được cho là sở hữu 42 % số dầu khai thác từ Cửu Long Basin theo các hợp đồng đã ký với Cộng Sản Hà Nội.
2. ExxonMobil : 20 tỷ Mỹ kim cho hai nhà máy nhiệt điện lớn từ khí đốt tại tỉnh Quãng Ngãi. Hợp đồng này khiến Việt Nam có cơ sở hạ tầng tân tiến , cải thiện sức mạnh kinh tế quốc dân.
3. British Petroleum(BP) ” được cho là bỏ ra 2 tỷ Mỹ kim để thăm dò Block 05-2 tai Nam Côn Sơn , có tin đồn là bỏ của tháo chạy vì bị Trung Quốc đe dọa và lấy cớ là cần tiền để bồi thuờng vụ rò rỉ ( leak) dầu tại  Gulf of Mexico  nên bán mọi asset  tại Việt Nam nhưng nay rõ ràng BP có cổ phần gần như mọi dự án lớn nhỏ về năng lượng của Việt Nam.  Hệ thống ống dẫn khí đốt đang hoạt động tại Việt Nam hầu hết là do BP thi công , trừ hệ thống ống dẫn của Chevron .
4. Shell : Được cho là bỏ ra gần 300 triệu để đầu tư sản xuất dầu cơ khí , hay còn gọi là dầu máy hoặc là nhớt máy. Tuy con số tiền đầu tư có vẻ ít nhưng Việt Nam chưa hề tự lực nổi về sản xuất dầu nhớt cơ khí và cần Shell hiện diện để canh tân kỹ thuật và cung ứng cho nhu cầu quan trọng này của xã hội
5. ConocoPhilipe : công ty dầu hỏa mới thành lập của Hoa Kỳ , được cho là lớn đứng hàng thứ ba trên thế giới trong giới “BẢY CHỊ EM ” ngày nay , nắm 23.25% cổ phần block 15-1 , 36%  cổ phần block 15-2; và 16.3 % hệ thống Nam Côn Sơn ống dẫn dầu và khí đốt ( Nam Con Son pipeline) .
ConocoPhilipecũng loan báo bán tháo bỏ chạy ra khỏi Việt Nam vì Trung Quốc đe dọa năm 2012 , nhưng nay cũng quay trở lại khi biết chính sách “nhìn về châu Á “ của Obama được thi hành. Tổng trị giá tài sản mà  ConocoPhillipe có ở Việt Nam có thể lên đến 5 tỷ Mỹ kim là ít nhất
6. Korea National Oil Corporation (KNOC) : dù mang tiếng là của Nam Hàn nhưng thực chất Chevron đứng đàng  sau, theo chân Hoa Kỳ vào Việt Nam , nhận điều hành Block 11-2, tin rằng số vốn cơ sở hạ tầng tại Việt Nam lên đến khoảng 2 tỷ Mỹ kim
7. Nippon Oil Exploration Limited and Teikoku Oil : xuất thân tự Nhật có  35% cổ phần cho block 05-1 b và 05-1c. Số vốn hạ tầng tại Việt Nam khoảng 4 tỷ Mỹ kim
Thu nhập ngoại tệ từ dầu hỏa , canh tân cơ sở hạ tầng năng lượng cho nền kinh tế quốc dân như hệ thống  ống dẫn dầu hay khí đốt , hệ thống nhà máy nhiệt điện , hệ thống nhà máy chưng cất dầu ( oil refinery ), nhà máy sản xuất ống dẫn dầu và các thiết bị liên quan , dàn khoan dầu , tàu chở dầu , phi trường  , công ăn việc làm  , kỹ thuật , vân vân là những quyền lợi kinh tế rất lớn  mà giới “BẢY CHỊ EM “sẽ mang đến cho Việt Nam về lâu về dài, chưa kể hậu thuẫn về an ninh quốc phòng cho Việt Nam trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
V. Kết Luận:
“BẢY CHỊ EM ” hay còn gọi là Seven Sisters là tiếng lóng để chỉ các tập đoàn dầu hỏa hàng đầu thế giới, hầu hết là được chính phủ Hoa hậu thuẫn đằng sau.
Các công ty dầu hỏa này đang ngày càng có một ảnh hưởng chính trị sâu rộng trong thuợng tầng , lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và sẽ còn tiếp tục ảnh huởng đến nền chính trị của quốc gia chúng ta trong tương lai sau khi cộng sản xụp đổ
Việt Nam bị lôi cuốn vào đệ nhị thế chiến cũng vì những căng thẳng về dầu hỏa xãy ra giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ do sự cấm vận từ Hoa Kỳ sao khi Nhật Bản tấn công  cảng Hải Phòng của Việt Nam thời Đông Dương thuộc Pháp . Hai cuộc chiến tại  Việt Nam sau 1945 điều có sự can dự âm thầm của giới “BẢY CHỊ EM ” và là cơ hội tốt để giới BẢY CHỊ EM tiến hành thăm dò trử lượng dầu hỏa và khí đốt tại biển Đông . Cho nên, lịch sử của Việt Nam thật sự đã bị ảnh hưởng bởi giới ” BẢY CHỊ EM” mà các sử gia cần thừa nhận và đào sâu thêm
Ảnh hưởng về kinh tế đối với Việt Nam từ giới “BẢY CHỊ EM ” rất lớn . Sự hiện diện của  “BẢY CHỊ EM” tại Việt Nam sẽ thúc đẩy Việt Nam canh tân cơ sở hạ tầng và đem đến một tương lai thịnh vượng hơn cho đất nước về đường dài.


Việt Nam tiến tới 2035

Việt Nam tiến tới 2035
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-02-24
Hôm 23/2/2016, Ngân hàng Thế giới vừa công bố bản phúc trình soạn thảo cùng Chính phủ Việt Nam về lộ trình cải cách để nâng Việt Nam lên tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình cao vào năm 2035.

Hôm Thứ Ba, Ngân hàng Thế giới vừa công bố  bản phúc trình soạn thảo cùng Chính phủ Việt Nam về lộ trình cải cách để nâng Việt Nam lên tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình cao vào năm 2035. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những khuyến nghị cải cách qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Phải tăng trưởng 7% một năm
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hôm Thứ Ba 23, Ngân hàng Thế giới vừa phổ biến một tập sách có tiêu đề là “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”. Đây là kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện từ giữa năm 2014 với sự tham gia của các chuyên viên quốc tế và Việt Nam nhằm đưa ra những khuyến cáo về đường hướng cải cách cho Việt Nam. Đã tham khảo báo cáo này cùng nhiều phúc trình trước đó của các định chế quốc té, ông nghĩ sao về những hướng cải cách đã được chính Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là ông Jim Yong Kim nhấn mạnh khi cho công bố tập sách này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là về bối cảnh thì Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận tiến hành dự án nghiên cứu hỗn hợp này từ Tháng Bảy năm 2014 do nguồn viện trợ của Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, với phần đóng góp kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế, cán bộ Việt Nam cùng nhiều nhà tư vấn độc lập. Mục tiêu của công trình nghiên cứu này là giúp Việt Nam thực hiện một lộ trình cải cách để trong 20 năm nữa sẽ đưa Việt Nam vào tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình.
Một cách ngắn gọn cho dễ nhớ thì nếu cải cách, từ lợi tức bình quân của một người dân hiện ở khoảng hai nghìn đô la một năm đến năm 2035 sẽ được bảy nghìn đồng. Nếu không thì chỉ được tối đa là bốn nghìn rưỡi. Một cách chuyên môn hơn thì trong 20 năm tới kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng 7% một năm với phẩm chất cao hơn hiện tại mặc dù đà tăng trưởng chỉ có thể ở khoảng 3,5% đến 4% một năm thôi nếu tính theo mức tăng của năng suất lao động và nếu căn cứ trên ước lượng năm ngoái của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư của Hà Nội, đà trưởng của Việt Nam chỉ được có 5,88% trong giai đoạn của kế hoạch năm năm 2011-2015. Vài con số đơn giản ấy cho thấy yêu cầu 7% có phẩm chất thật ra là khá cao, được các chuyên gia phân giải vào ba lĩnh vực gọi là trụ cột với 12 hướng cải cách cụ thể.
Nguyên Lam: Thưa ông, đã đọc các khuyến nghị về đường hướng cải cách thì ông thấy điểm nào là đáng chú ý nhất cho một lộ trình phải tiến hành trong vòng 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bản phúc trình khéo mở đầu với Điều 3 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện”.
Tức là cả trăm chuyên gia muốn giúp dân Việt thực hiện một khát vọng ghi trong Hiến pháp, mà muốn vậy thì trước tiên Việt Nam phải nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước, qua ba hướng là 1) phân định rõ vai trò và trách nhiệm trong hệ thống nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính có thực tài - mà tôi còn nghĩ là thực quyền; 2) phân biệt rõ ràng vai trò của khu vực công và khu vực tư trong nền kinh tế, và nhà nước phải đóng vai trò hoạch định và xây dựng khung chính sách chứ không tham gia sản xuất; và 3) tăng cường sự tham gia của người dân và sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nguyên Lam: Hiểu như vậy thì nếu muốn hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, là những khát vọng ghi trong Hiến pháp mà chưa có trong thực tế của kinh tế và đời sống, chính là nhà nước Việt Nam phải cải cách để nâng cao năng lực và nhất là nâng cao trách nhiệm giải trình của mình. Thưa ông, phải chăng bài toán kinh tế của Việt Nam để bước vào tầng lớp quốc gia có thu nhập trung bình lại nằm trong lĩnh vực chính trị?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các chuyên gia quốc tế và cả Việt Nam cũng đều biết kinh tế của các nước nghèo chỉ phát triển, chứ không chỉ gia tăng sản xuất là tăng trưởng, nếu vượt được nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất không thuộc về chuyên môn, kể cả trong các địa hạt xã hội như giáo dục, đào tạo và sáng tạo, mà nằm trong hệ thống chính trị.
Một vài quốc gia đã từ trình độ lợi tức thấp hay trung bình mà tiến vào tầng lớp giàu có thịnh vượng nhất chính là nhờ quyết tâm chính trị để có một bộ máy nhà nước tinh giản và hữu hiệu. Bộ máy ấy chỉ đạt tiêu chuẩn tiên tiến khi chịu trách nhiệm trước quốc dân, tức là phải tôn trọng quyền dân, phải giải trình công tác của mình và tôn trọng dân chủ.
Trong một tài liệu chuyên môn dù sao cũng mang đặc tính ngoại giao để khỏi làm quốc gia cầu viện phật ý, người ta chỉ nhắc khẽ là Việt Nam cần “tăng cường sự tham gia của người dân và sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Còn mọi người trong cuộc, kể cả trong đảng Cộng sản độc quyền, đều hiểu thực thi dân chủ là một điều kiện. Còn lại, các khuyến cáo chuyên môn hay kỹ thuật khác thì vẫn như thông lệ mà thôi.
Những thách thức
Nguyên Lam: Nhưng khi nêu ra khuyến cáo ấy thì công trình nghiên cứu hỗn hợp này cũng mặc nhiên cho thấy nhiều yếu kém hay bất cập của Việt Nam khiến xứ này khó tiến lên trình độ lợi tức trung bình nếu không chuyển đổi. Thưa ông, theo Ngân hàng Thế giới thì những yếu kém ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi ngợi ca thành tựu của “30 năm đổi mới”, phúc trình cho biết Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Việt Nam có thời cơ và thuận lợi rất lớn trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn, như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng thách thức và khó khăn cũng rất lớn.
Thách thức đầu tiên là Việt Nam ít kinh nghiệm quốc tế về cải thiện năng suất vì vấn đề lại tùy thuộc vào cải cách chính trị. Thứ hai, các chương trình cải cách quy mô cần phương tiện tài chính, mà ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên phải có sự tham gia đầu tư nhiều hơn của tư nhân, cùng các biện pháp chuyên môn để nâng cao hiệu quả đầu tư của công quyền và mở rộng việc huy động thị trường vốn ở trong và ngoài nước. Thứ ba, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với môi trường sinh sống lành mạnh và bền vững là điều Việt Nam chưa có mà lại bị ô nhiễm nặng và không thể ứng phó với nạn biến đổi khí hậu. Thứ tư, Việt Nam cũng chưa thể tìm ra thịnh vượng nhờ năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa thì nên trước tiên phát huy các thể chế thị trường thiết yếu, đặc biệt là quyền sở hữu tư nhân, và đẩy mạnh việc cải cách để tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Thứ năm, Việt Nam cần thúc đẩy công bằng và hội nhập các thành phần xã hội trong viễn ảnh lão hóa dân số, đô thị hóa hỗn độn và trong tình trạng bất công của các sắc tộc thiểu số và theo hướng này, Việt Nam còn phải cải thiện chế độ hộ khẩu cho khoảng năm triệu người hiện không có hộ khẩu ở nơi thường trú.
Sau cùng, quan trọng nhất vẫn là khả năng quá yếu mà quyền hạn quá cao của một nhà nước không có trách nhiệm giải trình. Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do sự lãnh đạo của một đảng độc quyền, các định chế công lập đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân nên dẫn tới nhiều tệ đoan như tham nhũng và sự hoành hành của các nhóm lợi ích.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi lượng định như vậy rồi thì bản báo cáo này khuyến nghị những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngân hàng Thế giới vạch ra ba cột trụ cần xây dựng cho Việt Nam trong 20 năm tới, từ nay đến 2035. Đó là 1) phải tìm sự thịnh vượng kinh tế trong môi trường bền vững; 2) thúc đẩy công bằng và kết hợp xã hội để không loại bỏ thành phần nào; 3) tăng cường khả năng của nhà nước, với ngụ ý là nâng pháp quyền nhà nước trước sức mạnh của đảng, và nâng trách nhiệm giải trình của nhà nước với quốc dân, tức là phải thực thi dân chủ.
Nhằm xây dựng ba cột trụ ấy, các chuyên gia nêu ra 12 hướng cải cách cụ thể như sau. Cho yêu cầu thịnh vượng kinh tế thì phải 1) tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam; 2) đẩy mạnh việc học hỏi và cải tiến sáng tạo để xã hội có nhiều sáng kiến; 3) cải tổ cơ chế và chính sách đô thị hóa để phát triển các thành phố năng động. Cho mục tiêu công bằng và hòa nhập xã hội thì phải 1) phá bỏ rào cản và gia tăng cơ hội hòa nhập đồng bào thiếu số; 2) tạo điều kiện cho người bị khuyết tật dễ dàng tham gia vào sinh hoạt của xã hội; 3) tháo gỡ những ràng buộc vì chế độ hộ khẩu để mở ra cho mọi người cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội; 4) giảm thiểu những phân biệt vẫn còn về giới tính nam nữ. Quan trọng nhất, cho mục tiêu cải tiến bộ máy nhà nước thì 1) phải phân định vai trò và trách nhiệm của viên chức nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính công quyền có thực tài; 2) phân biệt rõ ràng hai khu vực công và tư và nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo khung chính sách chứ không tham gia hoạt động sản xuất và tay chân nhà nước lấn lướt tư doanh; 3) tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân trong một hệ thống tam quyền phân lập là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Then chốt ở đây là cột trụ thứ ba nằm tạo ra một cấu trúc nhà nước mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp có thực tài. Và khỏi nhắc đến phạm trù “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì các chuyên gia nhấn mạnh rằng nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định hai lĩnh vực công cộng và tư nhân, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, đặc biệt là về đất đai, thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế.
Nguyên Lam: Là một chuyên gia đã từng giữ chức vụ Thứ trưởng Tài chính của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, lại cũng được Ngân hàng Thế giới huấn luyện cách nay hơn 40 năm, ông kết luận thế nào về bản phúc trình cho Việt Nam trong 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là do yếu tố lịch sử bi thảm, một định chế quốc tế đang phải khuyến cáo Việt Nam là nên hợp lý hóa sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế. Nghĩa là phải đi từ tắc nghẽn căn bản là minh định lại vai trò của nhà nước trước một đảng độc quyền. Sự mỉa mai ở đây là Việt Nam được ba nước Úc, Nhật và Nam Hàn viện trợ để thi hành điều mà các lân bang đã cố làm từ nhiều thập niên trước. Trong khi nhà nước đang xin viện trợ thì cán bộ của đảng là viên chức của nhà nước thì lại có cuộc sống xa hoa hoang phí trước sự bần cùng của đa số người dân. Mấy chục năm trước, tôi học được bài học cần kiệm và liêm chính của giới chức Nam Hàn và Đài Loan nên hiểu được vì sao hai nền kinh tế ấy trở thành loại giàu có tiên tiến trên một nền móng dân chủ và xã hội công bằng. Ngày nay, các chuyên gia Việt Nam cũng ý thức được điều ấy sau khi hợp tác nghiên cứu với quốc tế, nhưng lãnh đạo có thấy không và người dân có muốn thay đổi hay chăng thì chúng ta chưa biết được.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn này.


Wednesday, February 24, 2016

Ranh giới giữa quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia

Ranh giới giữa quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-02-23
NGHE:

Mới đây giám đốc điều hành của Apple là ông Tim Cook đã gửi một thư ngỏ đưa ra lý do từ chối quyết định của Tòa Liên bang yêu cầu Apple phải tạo ra một phiên bản hệ điều hành mới của iPhone có thể mở và giải mã được những dữ kiện mà khách hàng chứa trong chiếc iPhone của mình. Lý do mà ông Tim Cook đưa ra là chống lại sự xâm hại quyền riêng tư của công dân Mỹ cũng như bất cứ sắc dân nào trên thế giới  khi sử dụng iPhone.
Bên nào nặng hơn?
Mặc Lâm tìm hiểu thêm vấn đề qua cuộc phỏng vấn nguyên Thẩm phán Tòa Di trú thuộc tiểu bang San Francisco Phan Quang Tuệ để biết thêm vấn đề luật pháp của Hoa Kỳ trong trường hợp đang có nhiều tranh cãi này. Trước tiên nguyên Thẩm phán Phan Quang Tuệ cho biết:
Phan Quang Tuệ: Cái vụ mở khóa theo FBI yêu cầu và ông Thẩm phán Liên bang ra lệnh là Apple phải tuân theo. Ông Tim Cook, CEO giám đốc điều hành của Apple đã kháng cáo điều đó. Theo chỗ tôi theo dõi thì chưa có phán quyết, lúc đầu định là thứ Ba bây giờ dời lại tới thứ Sáu tuần này.
Vấn đề đặt ra nó như thế này: Nước Mỹ theo chế độ liên bang thì ai cũng biết nhưng điều quan trọng là bản Hiến pháp của Mỹ thì họ chủ trương tổ chức chính quyền giới hạn, chính phủ không phải là cha mẹ của dân mà là do dân và vì dân, nói theo tiếng Anh thì chính quyền là một Limited Government, caí gì mà luật pháp không cấm thì người dân có quyền làm. Cái quyền mình nói ở đây là quyền người Mỹ gọi là Privacy rights, tức là quyền bảo vệ đời sống riêng tư.
Tức là trong căn nhà của tôi nếu các cơ quan công lực đến khám xét thì phải có trát của tòa ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Ngoài ra vì tôi là chủ căn nhà, cái căn nhà này phải hiểu rộng ra bao gồm đời sống riêng tư của tôi, thư từ của tôi, những chuyện xảy ra trong gia đình tôi. Bây giờ bước thêm một bước nữa là trong đời sống tân tiến ngày hôm nay là cái iPhone, hay cell phone. Mỗi lần sử dụng cell phone thì có một cái code (password) và cái code đó chỉ mình mình biết thôi.
Vấn đề này đã được đặt ra không phải mới đây mà suốt cả năm rồi, đó là mỗi khi nhân viên công lực liên bang Mỹ họ cần mở khóa iPhone để kiểm tra cái gì đó thì họ liên lạc với Apple thì Apple đều tuân theo hết. Mỗi lần như vậy thì cơ quan công lực họ cầm cái cell phone đến thẳng head quarter tức là ngay cơ quan của Apple thì các kỹ sư của công ty mới giải mã, tôi tạm dùng chữ unlock.
Thế nhưng lần này Apple họ phản đối, họ kháng cáo lệnh của ông thẩm phán liên bang khi ông này ra lệnh cho Apple phải giải mã. Vấn đề đặt ra là mình đặt cái quyền riêng tư trong đời sống cá nhân của người dân quan trọng hơn an ninh của quốc gia hay ngược lại bên nào nặng hơn?
Theo tôi hiểu thì bên chính quyền liên bang khi họ làm vụ này họ chủ trương xem vấn đề an ninh quốc gia nặng hơn còn phía bên Apple theo chỗ tôi biết thì được các công ty khác trong Silicon Valey ủng hộ họ chủ trương bảo vệ quyền riêng tư. Vì họ nghĩ rằng nếu tuân theo như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ nó sẽ ảnh hưởng tới đời sống riêng tư. Quyền riêng tư của những người tiêu thụ mà trong trường hợp này nó có thể hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng nước Mỹ.

Mặc Lâm: Thưa Thẩm phán ông Tim Cook như Thẩm phán vừa kể đã hợp tác với FBI mỗi lần tòa yêu cầu giải mã những chiếc iPhone có liên quan đến an ninh quốc gia nhưng lần này ông ấy chống lại lệnh của tòa Liên Bang phải chăng tòa này đã ra phán quyết buộc Apple làm điều gì đó ngoài khả năng của Apple?
Phan Quang Tuệ: Đúng như ông đã đặt câu hỏi. Trước đây mỗi khi có lời yêu cầu của cơ quan công lực liên bang, tạm dịch từ Federal Law Enforcement Agency, thì bên Apple họ hợp tác hoàn toàn. Bây giờ họ lại muốn làm cái blanket tức là có thể giải mã hoàn toàn cho bất cứ chiếc iPhone nào để khi nào cần thì cơ quan công lực muốn thì họ sử dụng. Vì lý do đó bên Apple họ mới chống lại, nhân danh quyền lợi của người tiêu thụ và để bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu thụ.
Mặc Lâm: Nhiều tờ báo tại Mỹ cho là vụ án này khó chấm dứt trong một hay hai tháng vì Apple có thể kháng án lên tòa Tối cao pháp viện trong khi Tòa tối cao lại đang thiếu một thẩm phán vì một thành viên vừa mới qua đời, theo ông thì vụ án này sẽ kết thúc ra sao?
Phan Quang Tuệ: Vấn đề tranh tụng đang xảy ra tại tòa liên bang sau khi Apple kháng cáo thì tôi nghĩ câu chuyện này không có kết thúc vì đọc bức thư ngỏ của ông Tim Cook, rồi kế đó là sự ủng hộ của những công ty khác trong vùng thung lũng Silicon như là Facebook, như Google hay Twitter. Mình thấy câu chuyện đó nó không kết thúc và khả năng kéo dài khi đưa lên Tối coa pháp viện, đặt biệt trong thời gian ứng cử tổng thống này và hệ quả mình không biết được.
Anh Mặc Lâm và thính giả cũng biết là mới đây ông thẩm phán Tối cao pháp viện Antonin Scalia một thẩm phán rất xuất sắc có khuynh hướng bào thủ vừa mới qua đời. Hiện tại người ta đang tranh luận là theo điều khoản 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ, Article Two, Tồng thống Obama phải bổ nhiệm một Thẩm phán mới với sự chấp thuận của Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Hiện giờ Thượng viện Hoa Kỳ có đa số là Cộng hòa, họ nói “khoan, phải chờ cho tới khi có tổng thống mới”.
Sau khi thầm phán Antonin Scalia qua đời thì chỉ còn lại 8 thẩm phán tối cao mà thôi, mỗi phe gồm có 4 người tạm gọi một phe là tự do một phe là bảo thủ và mỗi bên 4 phiếu. Trong trường hợp bất phân thắng bại thì quyết định của tòa dưới sẽ được giữ nguyên. Vì lẽ đó mà phán quyết này rất quan trọng và nó sẽ kéo dài vì cuộc bầu cử còn xa dù cho Tổng thống Obama có đưa ra một ứng viên mới thì phải đưa ra Thượng Viện để có những hearing thì thời gian cũng kéo dài qua năm tới.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nguyên Thẩm phán Phan Quang Tuệ.

Thu sóng hấp dẫn – Thành công vang dội của ngành khoa học không gian

Thu sóng hấp dẫn – Thành công vang dội của ngành khoa học không gian
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-02-23
Ông David Reitze, giám đốc LIGO Laboratory ở Caltech phát biểu tại Washington DC về việc thu được sóng hấp dẫn. Ảnh chụp hôm 11/2/2016.
AFP

Tin về việc thu được sóng hấp dẫn đưa ra hôm thứ năm 18 tháng 2 được cho là một thành công vang dội của ngành khoa học không gian.
Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí vị theo dõi trình bày của khoa học gia Trịnh Xuân Thuận về hiện tượng này.
Sóng hấp dẫn là gì?
Gia Minh: Trước hết xin ông định nghĩa khái quá cho quí độc giả của Đài Á Châu Tự Do về sóng hấp dẫn hay sóng trọng là gì?
Trịnh Xuân Thuận: Sóng hấp dẫn là một sóng trong không gian mà ông Einstein lúc lập ra Thuyết Tương đối vào năm 1915 mà 101 năm về sau mới tìm được. Ông Einstein lúc viết Thuyết Tương đối thì ông cho rằng nếu có một khối lượng thay đổi tốc độ thì sẽ sẽ gây ra một sóng qua lực hấp dẫn trong không gian; giống như ta nén một cục gạch xuống ao thì tạo ra sóng từ cục gạch và tràn vào đến bờ.
Ông Einstein biết rất khó nhận biết được sóng hấp dẫn trong không gian vì nó rất yếu, khó nhận thấy. Đó là theo lý thuyết của ông ta đưa ra.
Theo tôi nếu 100 năm sau ông Eisntein còn sống thì ông ta sẽ rất ngạc nhiên vì những gì ông ta nghĩ ra trong vũ trụ đều đúng. Đúng là một thiên tài nghĩ ra được lý thuyết rất hay mà qua bao nhiêu năm đến nay người ta đều tìm ra được hết.
Gia Minh: Vì sao đến cả một thế kỷ sau đến nay người ta mới thu được sóng mà như ông nói là ‘yếu lắm’ như thế?
Trịnh Xuân Thuận: Sóng này khi đi qua không gian có thể làm cho không gian kéo giãn ra hay nén ép lại (với mức) nhỏ hơn một hạt nhân nguyên tử. Tức lấy hạt nhân chia cho 10 ngàn: rất rất nhỏ. Do vậy đo được sóng này rất khó khăn. Lý do vì một dụng cụ đo đặt trên mặt đất thì biết bao nhiêu tác động như chuyển động, gió… đều lớn hơn (sóng hấp dẫn) nên đo rất khó khăn.
Sau một thế kỷ (từ thời Einstein) nay có những kỹ thuật tân tiến mới đo được.
Gia Minh: Tin nói nhờ vào đài quan sát gọi là ‘advanced LIGO’ ở Mỹ. Nhờ ông trình bày về đài quan sát này.

Trịnh Xuân Thuận: Đài Quan sát đó gọi là giao thoa kế. Nó có hình chữ L, vuông góc 90 độ với nhau. Người ta đo bằng tia laser, một chiều ‘nén ép’ và một chiều ‘kéo dãn’. Nếu không có ‘sóng hấp dẫn’ đến thì tia laser ở hai chiều đo được bằng nhau, còn nếu có thì sẽ khác nhau.
Hiện tại Hoa Kỳ có hai ‘giao thoa kế’ như thế, một cái ở bang Washington, một cái ở bang Louisiana. Nếu có thêm một cái nữa thì có thể giúp biết được chính xác sóng đến từ hướng nào. Cho đến nay thì người ta biết được sóng hấp dẫn được gây ra từ hai ‘lỗ đen’ mà mỗi lỗ đen như thế có khối lượng bằng 30 lần khối lượng của Mặt Trời. Hai lỗ đen đó quay và tốc độ càng lúc càng tăng vì chúng ‘rơi’ vào nhau, hợp lại và tạo ra sóng hấp dẫn mà nay ở Trái Đất người ta thu được.
Trong những năm tới, sẽ có thêm một số nước tham gia vào chương trình như Ý, Nhật… thì sẽ giúp cho công nghệ có thể nhận biết được những sóng ‘yếu’ như thế. Nếu có thêm nhiều thiết bị ( như ở Mỹ hiện nay) tại các nước khác nhau thì người ta có thể xác định rõ ‘lỗ đen’.
Một cách khác để quan sát vũ trụ
Gia Minh: Ông nói quan trọng vậy nó có thể giúp phát hiện ra những gì; có làm thay đổi những khái niệm/quan điển/ lý thuyết gì đã có từ trước đến nay hay không?
Trịnh Xuân Thuận: Từ trước đến giờ mọi việc quan sát vũ trụ đều qua ánh sáng; còn sóng hấp dẫn không phải là ánh sáng. Nên đây là một cách khác nữa để quan sát, để tìm hiểu vũ trụ. Với ‘sóng hấp dẫn’ người ta có thể nhìn ‘lỗ đen’ gần hơn, còn với ánh sáng thì phải quan sát xa hơn. Đây là cách mới để quan sát vũ trụ và còn để thử nghiệm Lý thuyết Tương đối của Einstein.
Lúc sinh thời có lúc Einstein từng nghĩ không thể nhận thấy được sóng hấp dẫn vì nó quá yếu, thậm chí ông cũng từng có lúc cho rằng không hiện hữu các ‘lỗ đen’.
Hiện trong khoa học vật lý hiện nay có hai lý thuyết một là Thuyết Tương đối của Einstein và một là Cơ học Lượng tử. Hiện người ta đang muốn hợp hai lý thuyết này lại thành Grand Unity Theory để tìm hiểu về những vụ nổ Big Bang hình thành ra trong vũ trụ.
Người ta cho rằng ‘lỗ đen’ là do các ngôi sao chết đi ‘sụp’ xuống mà ra.
Gia Minh: Riêng ông khi nghe tin về việc thu được sóng hấp dẫn, ông có suy nghĩ gì?
Trịnh Xuân Thuận: Einstein thực sự là người đưa tôi vào khoa học: khi còn ở Việt Nam lúc 13-14 tuổi, tôi đọc những cuốn sách của ông viết không phải về khoa học mà về triết lý… và đã rất phục ông ta.
Mặc dù ông Einstein là cha đẻ của bom nguyên tử nhưng sau khi hai quả bom nguyên tử tàn phá hai tỉnh Hiroshima và Nagasaki của Nhật thì ông ta chống lại vũ khí nguyên tử.
Người ta có đề nghị ông ta làm tổng thống Israel nhưng ông từ chối và ông cho rằng phải có hai nước Israel và Palestine sống hòa hợp với nhau. Nhưng nay hai nước vẫn cứ đánh nhau không thể sống hòa hợp bên nhau được.
Một thế kỷ rồi mà nay không có một Einstein khác; nên khi công bố thu được sóng hấp dẫn tôi rất phục ông ta.
Gia Minh: Vừa là nhà khoa học, vừa là người viết sách Phật giáo, thì khi đi gặp những người trẻ ông thường truyền đạt cho họ điều gì trước nhất?
Trịnh Xuân Thuận: Tất cả chúng ta đều ‘liên quan’ đến nhau (inter-dependence), mình phải có tình thương đối với người khác. Và không chỉ (tình thương) đối với con người mà còn đối với loài vật và Trái Đất nữa. Hiện giờ chúng ta đang làm cho Trái Đất nóng lên khiến thời tiết thay đổi.
Hiện nay tôi đang dạy tại Đại học Virginia, tôi nói với các sinh viên trẻ phải biết giữ gìn Trái Đất cho những thế hệ tương lai. Bản thân tôi gần hết đời rồi.
Trong Hệ Mặt Trời chỉ có Trái Đất là có con người, còn những hành tinh khác không có ai sống được, cho nên mình phải giữ gìn Trái Đất cho các thế hệ sau.
Gia Minh: Cám ơn ông.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/gravitational-waves-einstein-foresaw-aredetected-gm-02222016211528.html