Việt
Nam tiến tới 2035
Nguyên Lam &
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-02-24
2016-02-24
Hôm 23/2/2016, Ngân hàng
Thế giới vừa công bố bản phúc trình soạn thảo cùng Chính phủ Việt Nam về lộ
trình cải cách để nâng Việt Nam lên tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình cao
vào năm 2035.
Hôm Thứ Ba, Ngân hàng
Thế giới vừa công bố bản phúc trình soạn thảo cùng Chính phủ Việt Nam về
lộ trình cải cách để nâng Việt Nam lên tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình
cao vào năm 2035. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những khuyến nghị cải cách qua
phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Phải tăng trưởng 7% một năm
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, hôm Thứ Ba 23, Ngân hàng Thế giới vừa phổ biến một tập sách có tiêu
đề là “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”.
Đây là kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới cùng Chính phủ Việt Nam thực
hiện từ giữa năm 2014 với sự tham gia của các chuyên viên quốc tế và Việt Nam
nhằm đưa ra những khuyến cáo về đường hướng cải cách cho Việt Nam. Đã tham khảo
báo cáo này cùng nhiều phúc trình trước đó của các định chế quốc té, ông nghĩ
sao về những hướng cải cách đã được chính Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là ông
Jim Yong Kim nhấn mạnh khi cho công bố tập sách này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là về bối cảnh thì Ngân hàng Thế
giới và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận tiến hành dự án nghiên cứu hỗn hợp này từ
Tháng Bảy năm 2014 do nguồn viện trợ của Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế
Hàn Quốc và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, với phần đóng góp kỹ thuật
của các chuyên gia quốc tế, cán bộ Việt Nam cùng nhiều nhà tư vấn độc lập. Mục
tiêu của công trình nghiên cứu này là giúp Việt Nam thực hiện một lộ trình cải
cách để trong 20 năm nữa sẽ đưa Việt Nam vào tầng lớp quốc gia có lợi tức trung
bình.
Một cách ngắn gọn cho
dễ nhớ thì nếu cải cách, từ lợi tức bình quân của một người dân hiện ở khoảng
hai nghìn đô la một năm đến năm 2035 sẽ được bảy nghìn đồng. Nếu không thì chỉ
được tối đa là bốn nghìn rưỡi. Một cách chuyên môn hơn thì trong 20 năm tới kinh
tế Việt Nam phải tăng trưởng 7% một năm với phẩm chất cao hơn hiện tại mặc dù
đà tăng trưởng chỉ có thể ở khoảng 3,5% đến 4% một năm thôi nếu tính theo mức
tăng của năng suất lao động và nếu căn cứ trên ước lượng năm ngoái của Bộ Kế
Hoạch và Đầu tư của Hà Nội, đà trưởng của Việt Nam chỉ được có 5,88% trong giai
đoạn của kế hoạch năm năm 2011-2015. Vài con số đơn giản ấy cho thấy yêu cầu 7%
có phẩm chất thật ra là khá cao, được các chuyên gia phân giải vào ba lĩnh vực
gọi là trụ cột với 12 hướng cải cách cụ thể.
Nguyên Lam: Thưa ông, đã đọc các khuyến nghị về
đường hướng cải cách thì ông thấy điểm nào là đáng chú ý nhất cho một lộ trình
phải tiến hành trong vòng 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bản phúc trình khéo mở đầu với Điều 3
của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Nhà
nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo
vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện”.
Tức là cả trăm chuyên
gia muốn giúp dân Việt thực hiện một khát vọng ghi trong Hiến pháp, mà muốn vậy
thì trước tiên Việt Nam phải nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của
nhà nước, qua ba hướng là 1) phân định rõ vai trò và trách nhiệm trong hệ thống
nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính có thực tài - mà tôi còn nghĩ là thực
quyền; 2) phân biệt rõ ràng vai trò của khu vực công và khu vực tư trong nền
kinh tế, và nhà nước phải đóng vai trò hoạch định và xây dựng khung chính sách
chứ không tham gia sản xuất; và 3) tăng cường sự tham gia của người dân và sự
kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nguyên Lam: Hiểu như vậy thì nếu muốn hướng tới
thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, là những khát vọng ghi trong Hiến
pháp mà chưa có trong thực tế của kinh tế và đời sống, chính là nhà nước Việt
Nam phải cải cách để nâng cao năng lực và nhất là nâng cao trách nhiệm giải
trình của mình. Thưa ông, phải chăng bài toán kinh tế của Việt Nam để bước
vào tầng lớp quốc gia có thu nhập trung bình lại nằm trong lĩnh vực chính trị?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các chuyên gia quốc tế và cả Việt Nam
cũng đều biết kinh tế của các nước nghèo chỉ phát triển, chứ không chỉ gia tăng
sản xuất là tăng trưởng, nếu vượt được nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất không
thuộc về chuyên môn, kể cả trong các địa hạt xã hội như giáo dục, đào tạo và
sáng tạo, mà nằm trong hệ thống chính trị.
Một vài quốc gia đã từ
trình độ lợi tức thấp hay trung bình mà tiến vào tầng lớp giàu có thịnh vượng
nhất chính là nhờ quyết tâm chính trị để có một bộ máy nhà nước tinh giản và
hữu hiệu. Bộ máy ấy chỉ đạt tiêu chuẩn tiên tiến khi chịu trách nhiệm trước
quốc dân, tức là phải tôn trọng quyền dân, phải giải trình công tác của mình và
tôn trọng dân chủ.
Trong một tài liệu
chuyên môn dù sao cũng mang đặc tính ngoại giao để khỏi làm quốc gia cầu viện
phật ý, người ta chỉ nhắc khẽ là Việt Nam cần “tăng cường sự tham gia của người
dân và sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Còn mọi người trong cuộc, kể cả trong đảng Cộng sản độc quyền, đều hiểu thực
thi dân chủ là một điều kiện. Còn lại, các khuyến cáo chuyên môn hay kỹ thuật
khác thì vẫn như thông lệ mà thôi.
Những thách thức
Nguyên Lam: Nhưng khi nêu ra khuyến cáo ấy thì
công trình nghiên cứu hỗn hợp này cũng mặc nhiên cho thấy nhiều yếu kém hay bất
cập của Việt Nam khiến xứ này khó tiến lên trình độ lợi tức trung bình nếu
không chuyển đổi. Thưa ông, theo Ngân hàng Thế giới thì những yếu kém ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi ngợi ca thành tựu của “30 năm
đổi mới”, phúc trình cho biết Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách
và phát triển. Việt Nam có thời cơ và thuận lợi rất lớn trong quá trình hội
nhập sâu rộng hơn, như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp ước Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng thách thức và khó khăn cũng rất lớn.
Thách thức đầu tiên là
Việt Nam ít kinh nghiệm quốc tế về cải thiện năng suất vì vấn đề lại tùy thuộc
vào cải cách chính trị. Thứ hai, các chương trình cải cách quy mô cần phương
tiện tài chính, mà ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên phải có sự tham gia đầu
tư nhiều hơn của tư nhân, cùng các biện pháp chuyên môn để nâng cao hiệu quả
đầu tư của công quyền và mở rộng việc huy động thị trường vốn ở trong và ngoài
nước. Thứ ba, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với môi trường sinh sống lành
mạnh và bền vững là điều Việt Nam chưa có mà lại bị ô nhiễm nặng và không thể
ứng phó với nạn biến đổi khí hậu. Thứ tư, Việt Nam cũng chưa thể tìm ra thịnh vượng
nhờ năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa thì nên trước
tiên phát huy các thể chế thị trường thiết yếu, đặc biệt là quyền sở hữu tư
nhân, và đẩy mạnh việc cải cách để tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, Việt Nam cần thúc đẩy công bằng và hội nhập các thành phần xã hội
trong viễn ảnh lão hóa dân số, đô thị hóa hỗn độn và trong tình trạng bất công
của các sắc tộc thiểu số và theo hướng này, Việt Nam còn phải cải thiện chế độ
hộ khẩu cho khoảng năm triệu người hiện không có hộ khẩu ở nơi thường trú.
Sau cùng, quan trọng
nhất vẫn là khả năng quá yếu mà quyền hạn quá cao của một nhà nước không có
trách nhiệm giải trình. Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho
phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do sự lãnh đạo
của một đảng độc quyền, các định chế công lập đã bị thương mại hóa, cát cứ,
manh mún và thiếu sự giám sát của người dân nên dẫn tới nhiều tệ đoan như tham
nhũng và sự hoành hành của các nhóm lợi ích.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi lượng định như vậy
rồi thì bản báo cáo này khuyến nghị những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngân hàng Thế giới vạch ra ba cột trụ
cần xây dựng cho Việt Nam trong 20 năm tới, từ nay đến 2035. Đó là 1) phải tìm
sự thịnh vượng kinh tế trong môi trường bền vững; 2) thúc đẩy công bằng và kết
hợp xã hội để không loại bỏ thành phần nào; 3) tăng cường khả năng của nhà
nước, với ngụ ý là nâng pháp quyền nhà nước trước sức mạnh của đảng, và nâng
trách nhiệm giải trình của nhà nước với quốc dân, tức là phải thực thi dân chủ.
Nhằm xây dựng ba cột
trụ ấy, các chuyên gia nêu ra 12 hướng cải cách cụ thể như sau. Cho yêu cầu
thịnh vượng kinh tế thì phải 1) tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh
nghiệp Việt Nam; 2) đẩy mạnh việc học hỏi và cải tiến sáng tạo để xã hội có
nhiều sáng kiến; 3) cải tổ cơ chế và chính sách đô thị hóa để phát triển các
thành phố năng động. Cho mục tiêu công bằng và hòa nhập xã hội thì phải 1) phá
bỏ rào cản và gia tăng cơ hội hòa nhập đồng bào thiếu số; 2) tạo điều kiện cho
người bị khuyết tật dễ dàng tham gia vào sinh hoạt của xã hội; 3) tháo gỡ những
ràng buộc vì chế độ hộ khẩu để mở ra cho mọi người cơ hội tiếp cận các dịch vụ
xã hội; 4) giảm thiểu những phân biệt vẫn còn về giới tính nam nữ. Quan trọng
nhất, cho mục tiêu cải tiến bộ máy nhà nước thì 1) phải phân định vai trò và
trách nhiệm của viên chức nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính công quyền có
thực tài; 2) phân biệt rõ ràng hai khu vực công và tư và nhà nước chỉ giữ vai
trò kiến tạo khung chính sách chứ không tham gia hoạt động sản xuất và tay chân
nhà nước lấn lướt tư doanh; 3) tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân
trong một hệ thống tam quyền phân lập là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Then chốt ở đây là cột
trụ thứ ba nằm tạo ra một cấu trúc nhà nước mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức
nghiệp có thực tài. Và khỏi nhắc đến phạm trù “kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa” thì các chuyên gia nhấn mạnh rằng nguyên tắc thị trường
cần được áp dụng đầy đủ hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở
phân định hai lĩnh vực công cộng và tư nhân, hạn chế xung đột lợi ích, tăng
cường bảo vệ quyền tài sản, đặc biệt là về đất đai, thực thi cạnh tranh thị
trường và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế.
Nguyên Lam: Là một chuyên gia đã từng giữ chức vụ
Thứ trưởng Tài chính của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, lại cũng được
Ngân hàng Thế giới huấn luyện cách nay hơn 40 năm, ông kết luận thế nào về bản
phúc trình cho Việt Nam trong 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là do yếu tố lịch sử bi thảm,
một định chế quốc tế đang phải khuyến cáo Việt Nam là nên hợp lý hóa sự tham
gia của nhà nước trong nền kinh tế. Nghĩa là phải đi từ tắc nghẽn căn bản là
minh định lại vai trò của nhà nước trước một đảng độc quyền. Sự mỉa mai ở đây
là Việt Nam được ba nước Úc, Nhật và Nam Hàn viện trợ để thi hành điều mà các
lân bang đã cố làm từ nhiều thập niên trước. Trong khi nhà nước đang xin viện
trợ thì cán bộ của đảng là viên chức của nhà nước thì lại có cuộc sống xa hoa
hoang phí trước sự bần cùng của đa số người dân. Mấy chục năm trước, tôi học
được bài học cần kiệm và liêm chính của giới chức Nam Hàn và Đài Loan nên hiểu
được vì sao hai nền kinh tế ấy trở thành loại giàu có tiên tiến trên một nền
móng dân chủ và xã hội công bằng. Ngày nay, các chuyên gia Việt Nam cũng ý thức
được điều ấy sau khi hợp tác nghiên cứu với quốc tế, nhưng lãnh đạo có thấy
không và người dân có muốn thay đổi hay chăng thì chúng ta chưa biết được.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm
tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment