Thursday, November 12, 2015

VN bác bỏ tuyên bố của Tập Cận Bình



VN bác bỏ tuyên bố của Tập Cận Bình
Bộ Ngoại giao Việt Nam có tuyên bố chính thức phản bác lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore liên quan chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 7/11, một ngày sau khi rời Việt Nam, phát biểu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại.
Ngày 12/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã có tuyên bố chính thức:
"Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và cơ sở về chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông; đồng thời đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế giới", ông Lê Hải Bình nói.
Nhiều tờ báo Việt Nam trước đó hôm 7/11 đã chỉ trích tuyên bố của ông Tập.
Báo PetroTimes viết: “Mặc dù dư luận không lấy làm lạ trước những lời lẽ xảo ngôn, đại bá trên của lãnh đạo Trung Quốc, bởi trước chuyến thăm Mỹ và Anh lần lượt vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua, ông Tập cũng đã thốt ra được chúng.”
“Chỉ có điều, phát ngôn của ông Tập tại Singapore lần này được chú ý hơn bởi ông mới vừa rời Việt Nam xong, vừa mới phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là “chữ tín là nền tảng để làm bạn” xong.”
Trang Giáo dục Việt Nam chạy tít “Thiện chí chót lưỡi đầu môi”:
“Trung Quốc vẫn cứ làm theo ý mình trong khi mong muốn và tìm cách ép các bên liên quan, bao gồm Việt Nam phải theo luật chơi của họ.”
“Nếu thực sự trân quý hòa bình, thượng tôn công lý và lẽ phải, Trung Quốc nên từ bỏ cách tiếp cận hung hăng, áp đặt và leo thang tranh chấp.”
Trong khi đó, trang tin Zing nhận định “ông Tập lại nói vô căn cứ về Biển Đông”.
Báo Pháp Luật TP. HCM nói ông Tập đã “ngang ngược” khi tuyên bố rằng các đảo trên biển Đông là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa.
Tại Singapore, ông Tập nói nhiệm vụ quan trọng nhất của các nước châu Á hiện nay là đảm bảo phát triển bền vững, vì thế cần môi trường hòa bình và ổn định.
Ông Tập đề xuất bốn điểm về phát triển quan hệ Trung Quốc với các nước xung quanh trong tình hình mới:
Cùng nhau giữ gìn hoà bình và an ninh.
Đi sâu kết nối chiến lược phát triển.
Tích cực triển khai hợp tác về an ninh.
Không ngừng củng cố quan hệ tương thân tương ái.

Việt Nam vào TPP-Nguyễn Xuân Nghĩa



Việt Nam vào TPP
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-11-11

 NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/tpp-perspective-for-vn-11112015062519.html/11112015-tpp-perspective-for-vn.mp3

Đúng một tháng sau khi 12 thành viên của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP hoàn tất việc đàm phán, hôm Thứ Năm mùng năm Tháng 11 vừa qua, Văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ công bố nội dung các cam kết giữa 12 nước có sản lượng bằng 40% sản lượng toàn cầu. Bên trong một hồ sơ dầy cộm đang được giới chức các nước nghiên cứu việc áp dụng, một số cam kết sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về những cam kết đó.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần qua, Hoa Kỳ đã công bố các cam kết giữa 12 quốc gia đối tác trong Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Đây là tài liệu gần sáu ngàn chữ, in ra thì cũng thành một pho sách dầy cả thước, bên trong đầy chi tiết phức tạp nên Nguyên Lam xin hỏi rằng ông có tìm thấy gì liên hệ đến kinh tế và xã hội Việt Nam không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chưa thể đọc hết một tài liệu quá dài, gồm 30 chương hơn hai nghìn chữ, bốn Phụ bản và mấy chục Tài liệu đính kèm, nếu in ra thì cũng thành một pho sách dầy đến chín chục phân, bên trong có nhiều chi tiết chuyên môn mà mình chưa thể hiểu hết được. Tôi chỉ mới tìm vào những gì liên quan đến Việt Nam để thấy ra vài điều mà thôi.
- Về thủ tục, trước hết, ngần ấy quốc gia đối tác đều phải công bố các cam kết cho dân chúng biết mà chuẩn bị. Cho đến nay, mới chỉ có bản Anh ngữ được phổ biến và cơ quan hữu trách của 12 nước sẽ còn nghiên cứu lợi hại để đề nghị cải sửa và trước khi Quốc hội từng nước phê chuẩn. Tại Hoa Kỳ, tôi cho là người ta còn mất cả năm trời cho việc đó vì đây là những thỏa thuận có thể thay đổi sinh hoạt kinh tế của gần 800 triệu người và mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Nguyên Lam: Xin ông nhắc lại rằng về thủ tục tại Hoa Kỳ thì các cơ quan hữu trách còn phải làm gì nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tuần qua là muốn Quốc hội thông qua Hiệp ước trong kỳ hạn 90 ngày thì các Ủy ban tư vấn của Văn phòng Đại sứ Thương mại cần thẩm định nội dung và đệ nạp Quốc hội cách đánh giá của mình. Chông gai ở đây là trong 90 ngày tham khảo và thẩm định ấy, Quốc hội Hoa Kỳ có thể châm chước hoặc nếu đòi điều chỉnh thì Hoa Kỳ phải thông báo cho 11 đối tác kia. Các nước này có thể thông cảm hay không với những điều chỉnh ấy vì bên trong họ cũng có thể gặp các vấn đề tương tự. Những phản ứng đầu tiên sau khi văn kiện này được công bố tại Hoa Kỳ đều xuất phát từ các phe chống đối Hiệp ước và khi họ càng hiểu ra nội dung chi tiết và hậu quả chuyên môn thì họ sẽ càng có phản ứng mạnh.
- Sau đó, căn cứ trên văn kiện mới, Hành pháp có 60 ngày để soạn thảo danh mục các dự luật cần ban hành và Hội đồng Thương mại Quốc tế, một cơ chế độc lập của Hoa Kỳ, có tối đa 105 ngày để phân tích hiệu ứng lợi và hại cho kinh tế Mỹ khi hội nhập vào hệ thống TPP. Còn các ủy ban chuyên môn của Quốc hội cũng phải trắc nghiệm ảnh hưởng và yêu cầu của việc áp dụng qua việc ban hành những luật lệ mới để tuân thủ các điều đã cam kết. Từ kết quả nghiên cứu bàn cãi đó, Hạ viện sẽ có 60 ngày và Thượng viện có 30 ngày để phê chuẩn văn kiện chính thức này. Vì vậy, tôi thiển nghĩ rằng sẽ phải ít ra là năm tháng nữa thì Quốc hội mới có thể phê chuẩn văn kiện.
- Nhưng khi ấy, Hoa Kỳ lại ở vào giai đoạn tranh cử để bầu lại các chức vụ Tổng thống, Phó Tổng thống, toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện và một phần ba Nghị sĩ Thượng viện cùng nhiều chức vụ Thống đốc Tiểu bang và vì nhu cầu tranh cử, ai cũng muốn châm thêm vài điều kiện áp dụng có lợi cho thành phần cử tri của họ nên có lẽ phải qua năm 2017 thì Quốc hội Khóa 115 mới có thể phê chuẩn để vị Tổng thống tân nhậm ban hành sau ngày 20 Tháng Giêng năm 2017.
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì có lẽ văn kiện này sẽ còn có nhiều thay đổi nữa, ít ra từ phía Mỹ, trước khi có giá trị cưỡng hành tức là chi phối các luật lệ kinh doanh hiện nay tại Hoa Kỳ. Phải chăng, các quốc gia kia cũng vậy, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là 11 nước kia cũng phải công bố nội dung của cả ngàn điều khoản chuyên môn và chi tiết mà đại diện của họ đã đàm phán và thỏa thuận với nhau sau mấy chục phiên họp từ sáu bảy năm nay. Rồi trong từng nước, người ta cần tìm hiểu, giải trình tường tận và thậm chí tranh luận về các điều kiện áp dụng Hiệp ước. Một thí dụ cho Việt Nam là từ nay, Việt Nam phải cải thiện điều kiện lao động, chấp nhận cho thành lập các công đoàn hay nghiệp đoàn độc lập và tự do của tư nhân chứ không thể chỉ có công đoàn của nhà nước như hiện nay. Thật ra, Việt Nam phải cải tổ toàn bộ các định chế của mình để có một hạ tầng cơ sở luật lệ khác thì mới trước hết phù hợp với điều cam kết và thứ hai có điều kiện khai thác lợi thế của TPP.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ông về chuyện công đoàn hay nghiệp đoàn ấy là thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Công đoàn hay nghiệp đoàn là các đoàn thể đại diện cho thành phần lao động thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và cả dịch vụ để tranh đấu với giới chủ nhân và với cả nhà nước cho quyền lợi của thành phần lao động. Quyền lợi ấy có thể là điều kiện lao động và môi sinh an toàn, là lương và bổng hay cụ thể nhất là quyền tranh đấu, quyền đình công, lãng công, v.v….
- Tại Việt Nam, người ta đặt ra một nguyên tắc dựa trên một huyền thoại - tức là không có thật mà cứ được loan truyền - rằng đảng Cộng sản là đại diện chân chính của quần chúng nhân dân lao động, vì vậy, công cụ của đảng là Nhà nước mới lập ra công đoàn đại diện cho công nhân mà thực chất là đại diện cho Nhà nước để cưỡng bách công nhân theo chỉ thị của đảng.
- Từ phía Hoa Kỳ, rất nhiều cơ quan và tổ chức đã nêu vấn đề về trường hợp Việt Nam vì cho là kinh tế Việt Nam sẽ có lợi nhất trong 12 nước đối tác của Hiệp ước TPP. Họ muốn Việt Nam phải cải tổ luật lệ để lợi ích đó tỏa rộng đến thành phần lao động, nếu không thì Việt Nam phạm lỗi cạnh tranh bất chính. Cụ thể là cho thành lập các công đoàn hay nghiệp đoàn độc lập, và các nghiệp đoàn này sẽ được quốc tế hỗ trợ để có khả năng bảo vệ quyền lợi của giới lao động. Người Việt Nam phải được biết về những cam kết và quy định ấy để sớm thành lập các nghiệp đoàn tự do.
Nguyên Lam: Thưa ông, một cách thiết thực thì Việt Nam phải làm những gì trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của giới lao động?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, Việt Nam được đánh giá là thành viên thuộc loại lạc hậu nhất trong 12 đối tác nên được thông cảm với mười mấy điều khoản về kỳ hạn tuân thủ, từ một hai năm đến 10, 15 và thậm chí 20 năm, thì mới được lợi thế về quan thuế và quyền tự do xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực lao động thì Việt Nam có một thỏa thuận biệt lập theo đó sẽ được Hoa Kỳ yểm trợ và theo dõi việc tuân thủ cam kết về lao động. Một cách thiết thực thì một ủy ban gồm ba chuyên gia về lao động của Việt Nam, Hoa Kỳ và của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO sẽ giám sát việc Việt Nam chấp hành trong vòng năm năm sau khi áp dụng Hiệp ước TPP. Sau năm năm ấy, phía Hoa Kỳ có thể chối từ những lợi thế mậu dịch cho Việt Nam nếu thấy rằng xứ này không tuân thủ điều cam kết về lao động.
- Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của quốc tế về tinh phần bội ước - là phản bội và không chấp hành các hiệp ước - của Chính quyền Việt Nam, các tổ chức về lao động và nhân quyền của quốc tế không tin vào những cam kết của Hà Nội và đang gây sức ép rất mạnh với Chính quyền Hoa Kỳ.
- Chi tiết ly kỳ và đáng chú ý là kinh tế Việt Nam có lợi nhất nhờ Hiệp ước TPP, nhưng Hiệp ước lại bị phản đối và có khi không được phê chuẩn chính là vì Việt Nam, khi quốc tế cho rằng Hà Nội sẽ không chấp hành những cam kết của mình. Nếu điều ấy xảy ra thì chính là người dân Việt Nam mới bị thiệt thòi nhất.
Nguyên Lam: Ông cho rằng Việt Nam nên làm gì để khỏi bị sự thiệt hại ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là về đại thể thì Việt Nam phải làm một cuộc cách mạng văn hóa để mọi người dân cùng biết và cùng đấu tranh cho quyền lợi thiết thực của mình, chứ không thể cứ xin đảng và nhà nước ban phát một cách tùy tiện, nay thì cho mai lại cấm và muốn bỏ tù ai cũng được. Về cụ thể thì có lẽ Việt Nam phải qua bảy bước chấp hành mọi cam kết.
- Trước hết, công bố càng sớm càng hay nội dung bản Hiệp ước và những cam kết khác bằng tiếng Việt để mọi người cùng biết. Thứ hai là cho giới tư vấn độc lập của Việt Nam và quốc tế công khai phân tích, giải trình và phổ biến tự do các điều mà Chính quyền đã cam kết với quốc tế. Thứ ba, ban hành luật pháp mới về quy chế lao động, trong đó có điều khoản thành lập các đoàn thể như công đoàn, nghiệp đoàn hay hiệp hội tương trợ thành phần lao động của mọi ngành nghề, có điều khoản về tố tụng để một tòa án lao động độc lập có thẩm quyền thụ lý các hồ sơ khiếu nại và thẩm xét để ra phán quyết mà mọi bên trong cuộc phải chấp hành. Thứ tư, ban hành và giải thích luật lệ về thẩm quyền của tòa án quốc tế khi có tranh chấp lao động liên hệ đến một doanh nghiệp hay pháp nhân của nước ngoài.
Thứ năm, đặt ra kỳ hạn chấm dứt sự hiện hữu và thẩm quyền của Công đoàn Nhà nước. Thứ sáu, yêu cầu giới luật gia và chuyên viên độc lập của Việt Nam và quốc tế sớm thành lập các trung tâm thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp và công nhân về quyền lợi của mình. Thứ bảy, yêu cầu các tổ chức quốc tế của Liên hiệp quốc, của Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á châu ADB, cấp bách viện trợ cho Việt Nam các ngân khoản cần thiết để hoàn thành việc chuẩn bị này, và lập thủ tục cho tư nhân xin được sử dụng các khoản viện trợ ấy. Nếu các hiệp hội tư nhân không có tiền và người thì dù có giải phóng điều kiện lao động trên lý thuyết, Việt Nam vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế.
Nguyên Lam: Ông cho là trong năm tới thì Việt Nam phải hoàn thành những bước chuẩn bị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Kỳ hạn năm năm là do phía Hoa Kỳ đặt ra để thẩm xét việc Việt Nam chấp hành các cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước TPP, chứ người dân và chính quyền Việt Nam phải khởi sự lập tức và hoàn thành sớm hơn. Cũng xin nói thêm rằng trong hoàn cảnh hiện tại thì các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ có lợi nhất nhờ quyền tự do mậu dịch của TPP, chứ các doanh nghiệp của tư nhân Việt Nam chưa thể khai thác lợi thế ấy. Vì vậy, khi nói đến việc thành lập nghiệp đoàn hay hiệp hội có tính chất hỗ tương, là tương trợ lẫn nhau, ta cần mở rộng tầm nhìn và phạm vi hoạt động của các đoàn thể tư nhân nhằm yểm trợ doanh nghiệp Việt Nam về cả lao động lẫn kỹ thuật kinh doanh thì mới nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nguyên Lam: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

TQ chặn thí sinh Hoa hậu Thế giới Anastasia Lin vào vòng chung kết?



TQ chặn thí sinh Hoa hậu Thế giới Anastasia Lin vào vòng chung kết?
12.11.2015
Anastasia Lin, thí sinh Canada dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới là người gốc Trung Quốc. Cô Lin nói hiện cô vẫn chưa nhận được giấy báo tham dự vòng thi chung kết vào tháng tới, sau khi cô lên tiếng về vấn đề nhân quyền.
Cô Annastasia Lin, 25 tuổi, là một diễn viên và nghệ sĩ dương cầm, tốt nghiệp đại học Toronto. Cô cáo buộc các giới chức Trung Quốc đang đàn áp cha cô và ngăn cô đến tham gia vòng chung kết của cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại nước này. Cô Lin cũng là người theo Pháp Luân Công, một giáo phái bị cấm và bị đối xử như tội phạm ở Trung Quốc. Cô Lin giành được vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào tháng 5.
Không giống như những thí sinh khác, cho tới nay cô Lin vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự vòng chung kết diễn ra ở khu du lịch Tam Á vào ngày 19/12 tới, nên cô không thể nộp đơn xin visa được.
“Những thí sinh khác, một số người nói với tôi họ nhận được từ ngày 30/10, tức 10 ngày trước, và bây giờ chỉ còn khoảng 10 ngày là đến hạn chót xin visa. Do đó nếu đến ngày 20/11 mà tôi không có visa thì tôi không thể đến dự chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới được. Tôi sẽ tự động tôi bị loại khỏi cuộc thi”.
Cô Lin cho rằng việc trì hoãn cơ hội nhận visa của cô có thể do những lần cô lên tiếng về những vi phạm  nhân quyền tại Trung Quốc trước đây.
Lần gần đây nhất là hồi tháng 7 khi cô ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc. Trong bài phát biểu đăng trên trang web của Ủy ban Hành pháp-Quốc hội về vấn đề Trung Quốc, cô Lin nói cô “muốn lên tiếng cho những người ở Trung Quốc đang bị đánh đập, bị thiêu và chích điện vì kiên quyết giữ niềm tin của họ”.
“Tôi quan tâm tới những vấn đề nhân quyền từ rất lâu trước khi tôi nghĩ tới chuyện thi sắc đẹp”, cô Lin nói với Reuters.
“Nếu họ có thể buộc tôi im lặng bây giờ, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội lên tiếng lần nữa bởi vì họ biết thủ đoạn này có hiệu quả với tôi và tôi sẽ tuân theo họ. Cho  nên khi càng có nhiều sự chú ý của quốc tế thì cha tôi càng được bảo vệ, tôi nghĩ thế”.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khi được hỏi về trường hợp của cô Lin, đã trả lời rằng ông “không biết về trường hợp này”.
Trong khi đó, các giới chức trong ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới chưa lên tiếng bình luận gì.
Một giới chức của Bộ Ngoại Giao Canada nói với Reuters rằng Ottawa biết trường hợp của cô Lin nhưng không thể bình luận về những quyết định về visa của Trung Quốc, nhưng việc cổ xúy nhân quyền vẫn là ưu tiên trong mối quan hệ của Canada với Trung Quốc.
Cô Lin đến Canada cùng với mẹ khi cô 13 tuổi. Cô nói các giới chức Trung Quốc đã liên lạc với cha cô sau khi cô giành chiến thắng trong cuộc thi ở Canada và khiến cho dư luận chú ý về chiến dịch chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Phật giáo Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công. Cô Lin cho biết:
“Vài ngày sau[khi thắng giải], ông ấy[cha cô Lin] gửi tin nhắn cho tôi nói ‘Con phải dừng những công việc về nhân quyền ngay lập tức, nếu không, gia đình ta sẽ bị tấn công’, giống như trong cuộc cách mạng văn hóa. Cha tôi cho biết nhân viên an ninh đã đến gặp ông ấy”.
Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 1999 sau khi hàng ngàn thành viên tập trung tại khu vực trung tâm Bắc Kinh để biểu tình phản đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhóm này cho biết hơn 3.300  học viên Pháp Luân Công đã bị chết trong tù hoặc bị tra tấn trong cuộc đàn áp kéo dài cả thập niên.
Nguồn: Reuters, The Global and Mail.

Giáo sư Chu Hảo chất vấn về đón ông Tập



Giáo sư Chu Hảo chất vấn về đón ông Tập
Trên mạng xuất hiện lá thư được cho là của một giáo sư ở Hà Nội với mục đích chất vấn các đại biểu Quốc hội Việt Nam về việc đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 10/11, website Xuân Diệp Hán Nôm và một số diễn đàn khác đăng tải lá thư của giáo sư Chu Hảo đề gửi đích danh các đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Lê Nam…
Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại phòng họp mang tên Diên Hồng-biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?
Trong thư, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường viết: “Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta?
"Nếu không ngăn chặn được như đã thấy thì vì sao quý vị không thể bày tỏ thái độ cần có của một đại biểu của nhân dân, tối thiểu bằng cách bỏ ra ngoài không tham dự, hoặc tham dự và chất vấn trực tiếp dù chủ tịch đoàn phiên họp cho phép hay không?”.
Tiếp đó, giáo sư đặt câu hỏi: “Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại phòng họp mang tên Diên Hồng-biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?”.
Hôm 12/11, trao đổi với BBC, tiến sỹ Nguyễn Quang A cho biết ông tán thành những điều giáo sư Chu Hảo viết trong thư, dù rằng những người được đề nhận có phản hồi hay không.
“Dù lá thư này không đem lại hiệu ứng nào thì giới trí thức vẫn phải lên tiếng. Với lá thư này, giáo sư Chu Hảo đã nói lên tiếng nói của mình và nói thay cho nhiều người dân, còn việc các đại biểu Quốc hội có nghe hay không, họ có thấm hay không là điều không quan trọng”, ông A nói.
Nhà hoạt động nói thêm rằng “nếu các đại biểu không nghe, không phản ứng thì chứng tỏ họ là người không chính đáng”.
Ông cũng dự báo rằng chính quyền sẽ không có phản hồi gì về việc đón ông Tập.
Giáo sư Chu Hảo đã nói lên tiếng nói của mình và nói thay cho nhiều người dân, còn việc các đại biểu Quốc hội có nghe hay không, họ có thấm hay không là điều không quan trọng
Cùng thời điểm xuất hiện lá thư được cho là của giáo sư Chu Hảo, trên Facebook và YouTube hiện đang lan truyền một clip ghi nhận lời nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về‘tình hữu nghị viễn vông’ và kèm theo hình ảnh ông ôm hôn ông Tập ba lần trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc vừa qua.
Trước đây, giáo sư Chu Hảo từng nhiều lần lên tiếng phê phán cách thức của chính quyền và đặc biệt là chính phủ đã ứng xử với các tiếng nói phản biện của trí thức, nhân sỹ trong nước.
Sau khi ông Tập phát biểu, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói với báo giới rằng Quốc hội sẽ cho đăng toàn bộ bài diễn văn của ông Tập.
Tuy nhiên đã một tuần trôi qua chưa thấy Quốc hội hay Chính phủ Việt Nam đăng toàn bộ nội dung bài phát biểu này.
Đài truyền hình Trung Quốc truyền trực tiếp bài phát biểu này và dịch ra tiếng Anh trong khi Đài truyền hình Việt Nam đã quyết định không truyền trực tiếp sự kiện nà