VN bác bỏ tuyên bố của Tập Cận Bình
Bộ Ngoại giao Việt Nam có tuyên bố
chính thức phản bác lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore
liên quan chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 7/11, một ngày sau khi rời Việt
Nam, phát biểu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình nhắc lại những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ
thời cổ đại.
Ngày 12/11, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Việt Nam Lê Hải Bình đã có tuyên bố chính thức:
"Một lần nữa, Việt Nam khẳng
định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và cơ sở về chủ quyền không tranh cãi của mình
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Chúng tôi yêu cầu các bên tôn
trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; không
có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông; đồng
thời đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và trên thế
giới", ông Lê Hải Bình nói.
Nhiều tờ báo Việt Nam trước đó hôm
7/11 đã chỉ trích tuyên bố của ông Tập.
Báo PetroTimes viết: “Mặc dù dư luận
không lấy làm lạ trước những lời lẽ xảo ngôn, đại bá trên của lãnh đạo Trung
Quốc, bởi trước chuyến thăm Mỹ và Anh lần lượt vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua,
ông Tập cũng đã thốt ra được chúng.”
“Chỉ có điều, phát ngôn của ông Tập
tại Singapore lần này được chú ý hơn bởi ông mới vừa rời Việt Nam xong, vừa mới
phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là “chữ tín là nền tảng để làm bạn” xong.”
Trang Giáo dục Việt Nam chạy tít
“Thiện chí chót lưỡi đầu môi”:
“Trung Quốc vẫn cứ làm theo ý mình
trong khi mong muốn và tìm cách ép các bên liên quan, bao gồm Việt Nam phải
theo luật chơi của họ.”
“Nếu thực sự trân quý hòa bình,
thượng tôn công lý và lẽ phải, Trung Quốc nên từ bỏ cách tiếp cận hung hăng, áp
đặt và leo thang tranh chấp.”
Trong khi đó, trang tin Zing nhận
định “ông Tập lại nói vô căn cứ về Biển Đông”.
Báo Pháp Luật TP. HCM nói ông Tập đã
“ngang ngược” khi tuyên bố rằng các đảo trên biển Đông là thuộc về lãnh thổ
Trung Quốc từ thời xa xưa.
Tại Singapore, ông Tập nói nhiệm vụ
quan trọng nhất của các nước châu Á hiện nay là đảm bảo phát triển bền vững, vì
thế cần môi trường hòa bình và ổn định.
Ông Tập đề xuất bốn điểm về phát
triển quan hệ Trung Quốc với các nước xung quanh trong tình hình mới:
Cùng nhau giữ gìn hoà bình và an
ninh.
Đi sâu kết nối chiến lược phát
triển.
Tích cực triển khai hợp tác về an
ninh.
Không ngừng củng cố quan hệ tương
thân tương ái.
No comments:
Post a Comment