Saturday, January 26, 2019

PHẢI CHĂNG CẦN SỰ ĐÁNH GIÁ TRUNG THỰC? Đại Dương


PHẢI CHĂNG CẦN SỰ ĐÁNH GIÁ TRUNG THỰC?
Đại Dương 

Khó khăn nhất trong cuộc sống của nhân loại là đánh giá mỗi con người bằng công tâm và lương tri.
Hiến pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ lập ra Đại Cử Tri Đoàn để khỏi bị các tiểu bang đông dân cư áp đặt sự thống trị.
Sau khi Doanh nhân Donald Trump đắc cử chức Tổng thống Hoa Kỳ thì liền bị Đảng Dân Chủ đòi kiểm phiếu tại ba địa điểm mà họ tin chắc sẽ thắng. Nhưng, mới chỗ thứ nhất đã thua đành bỏ cuộc.
Doanh nhân, chính trị gia, khoa học gia, kỹ thuật gia, sĩ quan … của Hoa Kỳ và thế giới nói chung đều phải học qua các nguyên tắc quản trị xí nghiệp, có thay đổi chút ít về ngành nghề. Thực tế, áp dụng có dẫn đến kết quả tốt đẹp hay không tuỳ thuộc khả năng mỗi người.
Ai dám nói, những kẻ bình dân như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, chưa từng tham chính mà thiếu tài kinh bang tế thế hơn những kẻ mới sinh ra đã được ngồi trên đầu thiên hạ?
Ứng viên Trump đã đường đường chính chính đánh bại hàng chục đối thủ Cộng Hoà và hạ gục ứng viên Đảng Dân Chủ Hillary Clinton (được cánh tả toàn thế giới tung hộ) chẳng lẽ thuộc loại bất tài, vô tướng? Nhiều tiền, được giới truyền thông cổ vũ khó đàn áp quyền dân tộc tự quyết của người Mỹ.
Trong môi trường tự do luyến ái như Hoa Kỳ thì chuyện bồ bịch, tình dục xảy ra như cơm bữa. Nhưng, Donald Trump đã mắc phải thời trai trẻ khi chưa tham chính chẳng là gì so với Bill Clinton đã làm lúc giữ chức Thống đốc Tiểu bang Arkansas và trong Toà Bạch Ốc.
Clinton đã chi $850,000 để dàn xếp vụ sách nhiễu tình dục với Paula Jones, nhân viên trong chính quyền Arkansas. Ngược lại, diễn viên phim khiêu dâm Stephanie Clifford bị bồi thường cho Tổng thống Trump $293,000 án phí cộng thêm $1,000 tiền phạt vì đệ đơn kiện làm triệt tiêu quyền tự do ngôn luận của ông Trump.
Khi lao vào kinh doanh thì chuyện thành công hoặc khai phá sản rất bình thường và hợp pháp. Kết quả cuối cùng, nhà kinh doanh bị thân tàn ma dại hoặc trở thành tỉ phú mới chứng tỏ khả năng thực sự.
Mỗi công dân Mỹ phải nợ khoảng $62,000 do sự vung tay quá trán của giới chính gia nên đã đến lúc người dân thường đòi Chính quyền phải ưu tiên lo cho đời sống của họ. Tại sao các dân tộc khác đòi người Mỹ phải đem tiền rải khắp thiên hạ cứ như cả Hoa Kỳ là một mỏ vàng vô tận?
Do đâu mà Việt Nam Cộng Hoà rơi vào tay cộng sản?
Tổng thống John Kennedy (Đảng Dân Chủ) ra lệnh đảo chánh Việt Nam Cộng Hoà (một nước tương đương đồng minh) như một món quà vô giá tặng cho Liên Xô và Trung Cộng và làm giảm chính nghĩa vệ quốc của 20 triệu người dân sống phía Nam vĩ tuyến 17.
Tổng thống Lyndon Johnson (Đảng Dân Chủ) ồ ạt xua quân vào Việt Nam Cộng Hoà thay vì trang bị chiến cụ, vũ khí tối tân, huấn luyện khả năng tác chiến cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đủ sức bảo vệ quê hương. Trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968, cán binh cộng sản được trang bị tiểu liên AK 47, hoả tiễn B40 tối tân của Liên Sô so với Garant M1 và tiểu liên Carbine của Mỹ thời đệ nhị thế chiến. Tuy vũ khí chênh lệch, nhưng, quân dân Việt Nam Cộng Hoà vẫn làm thất bại ba cuộc tấn công của cộng sản, giữ nguyên bờ cõi.
Phong trào phản chiến, đa số thuộc Đảng Dân Chủ hoặc có xu hướng xã hội chủ nghĩa, như các khuôn mặt quen thuộc Tom Hyden, Jane Fonda, John Kerry … đã góp phần làm nhục Hoa Kỳ.
Pháp công nhận Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam và giúp Hà Nội công cụ chính trị, ngoại giao cần thiết để Chủ nghĩa Cộng sản thống trị Việt Nam từ Bắc chí Nam.
Năm 1975, các chính trị gia Dân Chủ như Joe Biden tuyên bố “tôi không biểu quyết một xu cho việc di tản và tái định cư tại Mỹ bất cứ một người Việt nào”. Thống đốc California, Jerry Brown nói “đừng rải “rác” (thuyền nhân Việt Nam) vào tiểu bang xinh đẹp của tôi”.
Tổng thống Gerald Ford (đảng Cộng Hoà) đã áp dụng Đạo luật Di trú và Người Tị nạn Đông Dương (Indochina Migration and Refugee Act) trong năm 1975, cho phép 125,000 người Việt đợt đầu được nhập cư vào Hoa Kỳ bất chấp 64% người Mỹ chống.
Hoa Kỳ hay các nước khác không đáng tin cậy?
Hoa Kỳ từ một quốc gia giàu có trước Đệ nhị Thế chiến đã bị món nợ công $20,000 tỉ, tương đương với GDP, do bảo bọc cho nhiều quốc gia bị chiến tranh tàn phá mà kẻ gây chiến là Đức Quốc Xã và Đế quốc Nhật Bản, tiếp theo bảo đảm an ninh cho toàn cầu trong cuộc Chiến Tranh Lạnh (1947-1991).
Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có 29 quốc gia hội viên mà Hoa Kỳ gánh 75% chi phí suốt từ khi thành lập. Hoa Kỳ đòi họ tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP mà cho tới nay chỉ có 5 nước hoàn tất. Đức giàu nhất Châu Âu chỉ góp 1.2% GDP.
Liệu Châu Âu có thể bình yên làm giàu trước mối đe doạ trực tiếp từ Liên Sô và Khối Warsaw? Liệu các quốc gia Châu Âu phải dồn mọi phương tiện chế tạo chiến cụ, vũ khí đủ sức đương đầu với Đệ tam Quốc tế song song với phát triển kinh tế hay sao? Châu Âu dù có tăng chi phí 4% GDP cho NATO cũng không đáng kể với chi phí quốc phòng cần thiết để chống Nga. Dân Mỹ tiếp tục cho phép các đồng minh ma mãnh lợi dụng hay phải đòi lại sự công bằng?
Trung Cộng có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với dự trữ ngoại hối trên $3,000 tỉ và $1,100 tỉ công khố phiếu của Hoa Kỳ mà tự liệt kê vào nhóm “quốc gia đang phát triển” để hưởng mọi sự ưu đãi, đồng thời không tuân hành các quy định căn bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngang nhiên cưỡng đoạt biển đảo, kiểm soát quyền-chủ-quyền và quyền-tài phán của các quốc gia duyên hải láng giềng. Hoa Kỳ phải hành động hoặc để cho Trung Cộng thống trị thế giới?
Mặc dù Đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ Viện từ đầu năm 2019 đang quảng cáo kế hoạch truất phế Tổng thống Donald Trump. Nhưng, Thượng Viện mới có toàn quyền xem xét và luận tội.
Phe đang cầm quyền ở Mỹ thường bị thất thế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ do số cử tri của đảng cầm quyền ít tới thùng phiếu hơn cuộc bầu cử tổng thống.  Nhưng, Đảng Cộng Hoà thắng ở Thượng Viện có 53 Nghị sĩ so với 45 của Đảng Dân Chủ và 2 Độc Lập. Thượng Viện có quyền cứu xét sự bổ nhiệm các Thẩm phán Tối cao Pháp viện, Đại sứ, Thẩm phán Liên bang, viên chức dân và quân sự cao cấp. Và, phê chuẩn các Hiệp ước quốc tế. Mỗi tiểu bang chỉ được quyền có hai Thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm, được phổ thông đầu phiếu từ năm 1913 theo Tu chính án số 7. Thực tế, quyền hạn của Thượng viện cân bằng hơn và có tính quyết định.
Dân biểu được bầu theo số nhân khẩu với nhiệm kỳ 2 năm nên 6 tiểu bang chỉ có 6 Dân biểu so với 62 của tiểu bang California,  vì thế các tiểu bang nhỏ thường bị lép vế khi biểu quyết tại Hạ Viện.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có hai vị Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998 bị luận tội và được tha bổng. Tổng thống Lyndon Johnson không bị kết tội do thiếu một phiếu để đủ 2/3 đa số tại Thượng Viện.
Ứng viên Hillary Clinton chơi xấu đồng chí Bernie Sanders để giành tấm phiếu đại diện cho Đảng Dân Chủ tranh chức tổng thống với Donald Trump đã bị cử tri trừng phạt vì hành vi vô-đạo-đức, bất xứng. Nhưng, Đảng Dân Chủ và báo chí toàn cầu tin chắc bà Clinton trở thành “Madam President”.
Chỉ sau khi thất cử không ngờ, thì phe Dân Chủ mới thổi phồng nguyên nhân do Nga cung cấp chứng cớ gia lận của Ứng viên Clinton,  nên cử Robert Mueller làm Công tố viên Độc lập để điều tra vụ thông đồng giữa Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điều tra từ 17/05/2017 cho tới nay vẫn chưa đưa ra chứng cớ thông đồng mà chỉ theo kiểu bới bèo ra bọ.
Khi Tổng thống George W. Bush hết nhiệm kỳ thì ISIS chỉ còn 700 tay súng mà nhiệm kỳ 8 năm của Tổng thống Barack Obama làm cho tổ chức khủng bố này lập thành Nhà nước Hồi giáo có Thủ đô ở Syria với hơn 40,000 tay súng và đã đánh tan 4 sư đoàn tinh nhuệ của Iraq, chiếm các thành phố lớn là lãnh thổ rộng rãi tại Syria và Iraq. Obama thiếu thao lược nên lúng túng như gà nuốt dây thun tạo điều kiện cho Nga và Iran nhảy vào Syria phá tan chiến lược hoà bình bằng nước bọt của Đảng Dân Chủ. Chỉ một thời gian ngắn và số binh sĩ hạn chế, Tổng thống Donald Trump đã cùng với các đồng minh Hồi giáo đánh tan ISIS, chiếm Thủ đô Nhà nước Hồi giáo, tái chiếm các thành phố lớn ở Iraq.
Các vị tiền nhiệm Bush và Obama đã bị sa lầy ở Trung Đông mà không biết cách rút chân, nhưng, Trump đã tránh cho dân tộc rơi vào mê hồn trận về mối thù tôn giáo truyền kiếp nên quyết định rút quân. Hãy để cho người Hồi giáo quyết định lấy số phận. Người Mỹ không nên đứng giữa hai lằn đạn.
Bush đưa quân vào A Phú Hãn, Obama chê Iraq và tuyên bố A Phú Hãn là chiến trường đáng đánh nên cẩn thận tăng quân mà bất động làm cho kẹt cứng. Trump điều đình thẳng với Taliban và sẽ rút quân để dân Mỹ khỏi tốn xương máu và tiền bạc.
Trong các bài diễn văn tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc năm 2018 cũng như ở Quốc Hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phát biểu rõ ràng Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, dù lớn hay nhỏ, không chèn ép bất cứ quốc gia nào, làm đúng quy định của luật pháp quốc tế, công bằng, bình đẳng, có qua có lại.
Vì sao nước Mỹ chia rẽ trầm trọng?
Đảng Dân Chủ và phe mất miếng ăn béo bở khắp thế giới suốt hơn nửa thế kỷ lấy từ mồ hôi, nước mắt, xuơng máu của dân Mỹ nên bất chấp Hiến pháp Hoa Kỳ, không từ thủ đoạn nào để bêu xấu những người muốn nước Mỹ hùng cường, không bị nợ ngập đầu như Chúa Chổm.
Thiên tả như Ba Tây (Brazil) mà dân bầu cho Tổng thống Jair Bolsonaro theo xu hướng chính trị quốc gia dân tộc, công khai thán phục Tổng thống Donald Trump khi tranh cử cũng như áp dụng cách trị quốc thiên hữu lẫn cực hữu kể từ 01/01/2019.
Một số quốc gia Châu Âu, Châu Á cũng bầu cho các lãnh tụ vì dân
Phe áo vàng ở Pháp đã xuống đường hàng tuần liên tiếp 10 lần với số người hàng trăm ngàn nhằm phản đối tình trạng bất công, chỉ ưu ái quan chức, và sự thờ ơ của chính phủ bất chấp sự nhượng bộ của Tổng thống Emmanuel Macron về huỷ bỏ thuế nhiên liệu và thảo luận với các thị trưởng về giải pháp cải thiện. Họ muốn quyền quyết định của dân chứ không nằm trong tay đảng phái. Hai tổng thống tiền nhiệm thiên tả đang bị tù.
Thoả thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Bắc Kinh lót ổ để sản xuất hàng hoá cho Trung Cộng nhằm tránh thuế. Người Mỹ không muốn làm cổ cho ma xơi. Chương trình Hành động Chung (JCPA) chỉ làm trì hoãn tham vọng vũ khí nguyên tử của Iran trong 10 năm, thời gian cần cho Tehran chuẩn bị kỹ thuật nguyên tử. Thoả thuận Khí hậu Paris chẳng bị ràng buộc pháp lý nên vô phương thành công. Cả ba thoả ước đó chẳng được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn nên chưa phải “hiệp ước”. Trung Cộng chiếm 30% lượng khí thải toàn cầu, Ấn Độ 9%, Hoa Kỳ 15% mà người Mỹ không được sử dụng than đá trong khi Trung Cộng và Ấn Độ có quyền xài thả ga cho tới năm 2030 mà chẳng góp đồng nào vào Quỹ thực hiện $100 tỉ. Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã góp 1 trong $3 tỉ của dân Mỹ như của chùa. Chưa có triển vọng đóng góp từ các quốc gia ký kết, ngoại trừ hội họp và lời hứa. Nền kinh tế Trung Cộng lớn thứ hai trên thế giới với dự trữ ngoại hối trên $3,000 tỉ, giữ $1,100 tỉ công khố phiếu của Hoa Kỳ sao cứ bắt buộc dân Mỹ cung cấp tiền và kỹ thuật để làm sạch không khí ở Trung Cộng? Người Mỹ có nên làm những chuyện điên rồ đó hay không?
Sau Thế chiến Thứ hai, Hoa Kỳ đủ sức cùng một lúc tiến hành hai cuộc chiến tranh rưởi (2.5), hiện tình, ưu thế đó không còn. Ba thế lực quân sự có thể gây chiến tranh thế giới: Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga.  Cổ nhân đã dạy “hai đánh một không chột cũng què”. Tổng thống Richard Nixon (Đảng Cộng Hoà) đã hoà Trung Cộng tạo điều kiện xoá sổ Liên Sô và Đệ tam Quốc tế Cộng sản.  Ngày nay, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đang bắt tay chống Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn. Nga không ưa tham vọng bành trướng bá quyền cố hữu của Bắc Kinh nên sợ mất vùng Tây Bá Lợi Á và thủ đoạn đồng hoá nên dễ hợp lực với Mỹ chống Trung Cộng hơn.
Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã chồng món nợ công $10,000 tỉ, tương đương với số nợ mà các vị tiền nhiệm đã lưu lại từ thời lập quốc, mà tăng trưởng GDP chưa tới 2%. Kinh tế gia Paul Krugman, được giải Nobel Kinh tế năm 2008 và đã cộng tác với The New York Times từ lâu đưa ra tiên đoán sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 “không có cách nào mà Trump làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng 2% GDP!”. Thực tế đã bác bỏ sự suy diễn của Krugman!
Sưu cao, thuế nặng, luật lệ rườm rà, rắc rối chồng chéo thời Obama buộc dân Mỹ “giam tiền” hoặc“mang tiền và việc làm ra đầu tư ở nước ngoài” bất chấp mọi lời kêu gọi hồi hương. Vấn đề kinh tế phải được giải quyết bằng biện pháp kinh tế mà kiểu hô khẩu không bao giờ có hiệu quả.
Sau khi Tổng thống Trump áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ đã kéo các công ty đa quốc và công ty nước ngoài chuyển vốn và công việc về Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại đã thay thế Hiệp ước Mậu dịch Tư do Bắc Mỹ (NAFTA) thành Hiệp ước Gia Nã Đại – Mễ Tây Cơ – Hoa Kỳ (USMCA) từ ngày 30-11-2018.
Hoa Kỳ và Nam Hàn đã ký lại Hiệp ước Mậu dịch Tự do. Nhật Bản đồng ý đàm phán lại Hiệp ước Mậu dịch Tự do với Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump ra lệnh “trừng phạt những hành vi gian lận thương mại” của Trung Cộng được dư luận suy diễn thành “cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung”.
Hoạt động thương mại gian lận của Bắc Kinh đã làm hại lâu dài và khủng khiếp cho nhiều dân tộc chứ chẳng phải chỉ dành riêng cho Hoa Kỳ. Nhưng, trên thế giới chẳng nền kinh tế nào đủ sức đương đầu, vì thế, ngày càng có nhiều nguyên thủ quốc gia nhận thức được mối nguy cơ tiềm tàng cần giải quyết.
Cuộc chiến nào cũng khó tránh khỏi thiệt hại. Nếu nhân loại sợ thiệt hại thì Đức Quốc Xã và Đế quốc Nhật Bản và Chủ nghĩa Cộng sản đã thống trị thế giới rồi!
Đại-Dương, 1/21/2019


Đấu tố Facebook - bằng chứng thất bại của chính quyền VN - Phạm Chí Dũng


Đấu tố Facebook - bằng chứng thất bại của chính quyền VN
14/01/2019
·         Phạm Chí Dũng
Lần đầu tiên trong lịch sử du nhập vào Việt Nam, hãng Facebook bị chính thể độc đảng ở quốc gia này lên án và tổ chức đấu tố một cách quyết liệt và đầy cay cú vào đầu năm 2019.
Cả hệ thống chính trị cùng đấu tố
Nhiều tờ báo nhà nước, trong khi im thin thít về vụ chính quyền TP.HCM dùng ‘luật rừng’ cưỡng chế và phá sạch 200 ngôi nhà ở khu Vườn Rau Lộc Hưng, Tân Bình, thì đồng loạt nhảy xổ vào Facebook và gào thét về những ‘sai phạm’ của hãng này tại Việt Nam như không đóng các tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm, có bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước; cho phép các tài khoản hoạt động quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trốn thuế; không hợp tác với cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản mà Việt Nam cho là “lừa đảo, vi phạm pháp luật”…
Chắc chắn là những tờ báo trên đã được bật đèn xanh bởi hành động thông đồng của Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng và Bộ Thông tin và Truyền thông của tân bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Kể từ lúc hé miệng ‘sẽ tổ chức đối thoại với những cá nhân khác biệt quan điểm’ vào tháng 5 năm 2017, từ đó đến nay Võ Văn Thưởng hoàn toàn ngậm miệng về dân chủ, nhường chỗ cho những cuộc lên lớp về chủ nghĩa xã hội theo đúng bài bản của Nguyễn Phú Trọng. Một phần do đức tính cố hữu quá thận trọng và ‘dòm trước dòm sau’, trên thực tế Võ Văn Thưởng đã gần như ‘mất tích’ khỏi chính trường giới quan chức cao cấp Việt. Vinh lộ hay hoạn lộ của ông ta cho tới đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có đại hội này, cũng vì thế vẫn là một dấu hỏi to tướng.
Trong khi đó, tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng phụ trách Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) của Bộ Quốc phòng đã chính thức nhận được ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, thay cho Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trương Minh Tuấn - quan chức mà chỉ thiếu chút nữa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ăn cắp đến hơn 8.000 tỷ đồng trong phi vụ ‘MobiFone mua AVG’, nếu không bị dư luận phát hiện và yêu cầu Bộ Chính trị đảng cầm quyền phải ngăn chặn hành vi tồi tệ này.
Bản tin đấu tố Facebook được đăng tải trên nhiều tờ báo nhà nước lộ hẳn vẻ kẻ cả, trịch thượng và gia trưởng theo đúng khẩu khí và phong cách mà Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện khi tiếp Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Facebook Simon Milner vào tháng 9 năm 2018.
Ngay sau tháng Chín ấy, Facebook - một trong những doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất và được xem là uy tín nhất thế giới - đã phải mang một biệt hiệu chẳng hay ho chút nào: ‘Nàng dâu trưởng của nhà chồng Việt Nam’.
Vậy ‘nhà chồng’ muốn gì? Và áp đặt luật ‘làm dâu’ ra sao?
Thỏa hiệp
Những mục tiêu của ‘nhà chồng’ là rất rõ: ngăn chặn thông tin bất đồng chính trị đang từng ngày đe dọa sự tồn vong của chế độ cầm quyền, và bắt Facebook phải đóng thuế trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong thực tế, những cố gắng và cả những thủ đoạn không mệt mỏi của chính quyền Việt Nam nhằm gây áp lực lẫn ‘thuyết phục vận động’ Facebook đã phần nào đạt kết quả.
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn với người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert vào tháng Tư năm 2017, Facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền đã bị gỡ nội dung và bị khóa, và hiện tượng này đã trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như các vụ khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Khi đó, cao điểm là tháng Tư, 2018, nhiều dư luận đã đặt câu hỏi: Có phải Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook - ông Mark Zuckerberg - về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Có thể xem bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự gửi tới nhà sáng lập Facebook là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.
Nhưng Facebook còn phải đối mặt với các cuộc điều trần căng như dây đàn tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Tháng 9 năm 2018, hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một giám đốc phụ trách hoạt động (COO) và là nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook - bà Sheryl Sandberg - đã phải trả lời những câu hỏi truy xét gắt gao của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi ông hỏi về trường hợp khi các chính quyền độc tài yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.
Ai thất bại?
Đã rõ rằng Sheryl Sandberg đã phải có một cam kết trước Quốc hội Hoa Kỳ về các giá trị dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ‘không cung cấp thông tin’ để giải tỏa scandal trước đó về việc Facebook đã làm lộ thông tin của hàng triệu khách hàng trên thế giới.
Ít lâu sau đó, facebook của giới đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam có vẻ bớt bị chặn hơn. Đến tháng 12/2018, bất ngờ xuất hiện thông tin về bà Lê Diệp Kiều Trang - người phụ trách của Facebook tại Việt Nam - sẽ thôi việc vào ngày 1/1/2019. Khi đó, thông tin này đã gây sự chú ý và dấu hỏi từ dư luận. Người ta không biết rõ bà Trang tự nguyện nghỉ việc hay bị ban lãnh đạo của Facebook thúc ép phải nghỉ việc.
Nhưng vào những ngày đầu năm 2019 thì sự thể đã rõ hơn nhiều: cái cách phản ứng dữ dằn và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cho thấy trong những tháng qua doanh nghiệp mạng xã hội này đã không làm cho những kẻ muốn bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do Internet hài lòng.
Không loại trừ khả năng Facebook đã bị chính quyền Việt Nam đe dọa theo đúng cái cách của Trung Quốc độc trị đối với Google gần một chục năm về trước, để cuối cùng dàn lãnh đạo Facebook phải phản ứng lại.
Việc bà Lê Diệp Kiều Trang rời Facebook vào ngày 1/1/2019 - đúng vào ngày Luật An ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực - có thể là một phản ứng mang hàm ý phản ứng đối với Luật An ninh mạng mà đang tạo ra nguy cơ siết bóp đối với Facebook.
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó, đối chiếu các điều khoản và điều kiện cung cấp dịch vụ của chúng tôi với luật pháp địa phương” - Facebook viết trong một tuyên bố để phản ứng những cáo buộc của chính quyền Việt Nam về việc doanh nghiệp này vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức; cho phép quảng cáo bất hợp pháp; và trốn thuế.
Cuộc đấu tố hằn học và cay cú của chính quyền Việt Nam đối với Facebook đã cung cấp một bằng chứng trực tiếp về thất bại của chính quyền này trong việc cố gắng áp đặt Facebook phải tuân theo luật chơi độc trị và bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng xã hội.
Thất bại của chính quyền lại là một thắng lợi đầu tiên của Facebook ở Việt Nam trong việc duy trì tiêu chí của tổ chức này là bảo đảm các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời trở thành một tin vui nho nhỏ dành cho giới đấu tranh dân chủ nhân quyền và hàng chục triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào những ngày đầu năm mới 2019.


Thiên Hạ luận gì về Venezuela? - Thiên Hạ Luận


Thiên Hạ luận gì về Venezuela?
26/01/2019
·         Thiên Hạ Luận
Biểu tình bùng phát trên diện rộng với sự tham dự của hàng triệu người ở Venezuela đã trở thành một trong những chủ đề chính trên mạng xã hội Việt ngữ.
Không phải tự nhiên mà người Việt dành cho quốc gia ở cách mình nửa vòng trái đất sự quan tâm đặc biệt đến như vậy.
Cuối thập niên 1990, sau khi Hugo Chavez – người đặc biệt ái mộ Karl Marx, Vladimir Lenin và Mao Trạch Đông – trở thành tổng thống của Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này đột nhiên được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tán tụng hết lời. Lý do: Chavez tìm mọi cách để chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, biến Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”.
Chavez làm tổng thống của Venezuela cho đến khi tắt thở (1999 - 2013). Sau 14 năm vay mượn để đầu tư vào những dự án vô bổ, lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Chavez đã nhấn Venezuela chìm trong nợ nần, lạm phát phi mã, dân chúng chết dần, chết mòn vì thiếu đủ thứ. Nicolás Maduro – người được Chávez chỉ định kế nhiệm - tiếp tục phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” bằng đàn áp đối lập nhằm duy trì sự lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của mình.
Mâu thuẫn giữa dân chúng Venezuela với chính quyền do Maduro điều hành càng ngày càng trầm trọng. Sau tổng tuyển cử diễn ra hồi giữa năm ngoái, đột nhiên Maduro tuyên bố thắng cử, tiếp tục làm Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ hai. Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela của Chávez, nay là của Maduro tiếp tục là đảng cầm quyền. Tuy nhiên dân chúng Venezuela không chấp nhận kết quả bầu cử do chính quyền Venezuela công bố.
Các cuộc biểu tình càng lúc càng nhiều, số người tham dự càng lúc càng đông, đàn áp càng lúc càng khốc liệt nhưng mức độ phản kháng chỉ tăng chứ không giảm. Giữa tuần này, Juan Guaido – Chủ tịch Quốc hội Venezuela, một trong những thủ lĩnh đối lập – tuyên bố giải nhiệm Maduro vì Tổng thống đương nhiệm dùng bầu cử gian lận để tiếm quyền. Guaido tình nguyện đảm nhân vai trò Tổng thống lâm thời để thành lập một chính phủ chuyển tiếp nhằm đưa Venezuela thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện…
Nhiều triệu người Venezuela đổ ra đường ủng hộ Guaido. Không chỉ có Mỹ, hàng chục quốc gia khu vực Nam Mỹ đã công nhận vai trò Tổng thống lâm thời của Guaido. Mâu thuẫn giữa dân chúng Venezuela và Maduro giờ đã lên đến đỉnh. Cho dù máu đã đổ, hàng chục người đã mất mạng nhưng đàn áp không chặn được dân chúng Venezuela đổ ra đường đòi thay đổi thể chế chính trị, hệ thống công quyền ngay lập tức…
***
Hiếm có biến động chính trị của quốc gia nào trên thế giới lại được người Việt quan tâm đặc biệt như biến động chính trị đang xảy ra tại Venezuela. Hàng ngàn facebooker người Việt đã và đang liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh liên quan đến Venezuela, bày tỏ sự đồng cảm, tán thành, cũng như chúc mừng dân chúng Venezuela. Trong vòng nửa ngày, 1.300 facebooker tán thành nhận định của Nguyễn Đình Bổn: Biến động chính trị tại Venezuela là “tin vui chất ngất” (1)!
Vì sao người Việt quan tâm và thi nhau bày tỏ niềm vui, chúc mừng dân chúng Venezuela?
Rất nhiều facebooker người Việt, chẳng hạn như Luan Le Quang giải thích: Vì khâm phục tinh thần yêu nước, sự can đảm của Guaido và ý chí mạnh mẽ của dân chúng Venezuela. Luan Le Quang tin rằng, đó là cách duy nhất để chấm dứt một thể chế toàn trị chỉ tạo ra bất công, nghèo đói và đại nạn tham nhũng. Phương thức ấy phù hợp với quy luật tiến hoá của nhân loại nên được nhiều quốc gia ủng hộ (1).
Đã có rất nhiều facebooker so sánh Venezuela với Việt Nam. Kinh nghiệm là một trong những yếu tố tạo ra đồng cảm cao. Vuong Tran – một trong những thân hữu của Luan Le Quang – góp thêm: Chủ nghĩa cộng sản chẳng tạo ra được gì ngoài một lũ chuyên cướp tài sản của cả quốc gia lẫn dân chúng. Chất lượng cuộc sống thấp, an sinh xã hội tồi tệ, phân hóa giàu nghèo cực điểm đều là đặc trưng của các quốc gia mà chủ nghĩa cộng sản còn ngự trị.
Nếu Chavez, rồi Maduro với những tuyên bố và nỗ lực không ngưng nghỉ nhằm xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” ở Venezuela từng đem lại cảm hứng để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đó tán dương chủ nghĩa cộng sản thì nay, sự kiện dân chúng Venezuela lũ lượt tràn ra đường, đòi lại quyền được tự quyết về vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, quyền được ăn no, mặc ấm,… là hứng khởi của nhiều triệu người Việt.
Nguyễn Văn Chương Mt dùng hàng loạt thán từ “nhiệt liệt” – vốn chỉ nhằm bày tỏ sự hoan nghênh – để… “phản đối hàng trăm ngàn người dân Venezuela đi theo thế lực thù địch xúi giục, xuống đường biểu tình đòi tống cổ đồng chí Maduro vĩ đại”, hay… “phản đối nhiều quốc gia hè nhau tế sống đồng chí Maduro” (công nhận vai trò Tổng thống lâm thời của Guaido). Cũng theo kiểu nửa đùa, nửa thật như vậy, Nguyễn Hữu Hải Dân vừa cười, vừa nhận định: Venezuela phản động… toàn quốc (2)!
Tương tự, trên facebook của Nguyen Chi Tuyen – nơi giới thiệu hàng loạt thông tin, hình ảnh liên quan đến sự kiện nhiều triệu người Venezuela đổ ra đường, đòi Maduro và Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela rời khỏi chính trường, Dang Hung nhận định: Chế độ nào để dân đói khổ thì phải bị đào thải. Xã hội chủ nghĩa – khái niệm mỹ miều đã đánh cắp và tước đoạt không biết bao nhiêu xương máu và tương lai của con người. Những kẻ nhân danh nó là những kẻ tàn bạo và ngu dốt nhất (3)!
Nếu Cop Maxx – một trong những người bạn của Nguyen Chi Tuyen – chỉ nhận định chung chung: Biểu tình trên diện rộng với nhiều triệu người Venezuela tham gia làm thun d… các chính thể độc tài thì Nguyen Quang Tuy – một trong những người bạn của Luan Le Quang – khẳng định: Sắp đến lượt “ta” rồi! Cũng với suy nghĩ như vậy, Hồng Ghi - một trong những người bạn cua Tinh Vo – tin rằng: Venezuela và Việt Nam sẽ cùng nhau đi trên một con đường, chỉ là trước sau thôi (4)!
***
Song song với hứng khởi về những biến động chính trị tại Venezuela trên mạng xã hội Việt ngữ, một số trang facebook mà ai cũng biết là của ai như Quyết chiến – Quyết thắng đang cố gắng định hướng dư luận, bằng những nhận định, hàm ý cảnh cáo kiểu như: Sẽ có những cuộc trấn áp lập lại trật tự bạo loạn mạnh tay bởi đa số nhân dân Venezuela ủng hộ ông Maduro… Hy vọng nhân dân Venezuela, Tổng thống Maduro và quân đội sẽ nhanh chóng dập tắt bạo loạn, ổn định đất nước, để không biến mình thành Syria thứ hai (5).
Tuy nhiên cũng có không ít facebooker như Trần Đình Thu tường thuật rất cặn kẽ những diễn biến thực tế ở Venezuela trong vài tuần gần đây, Guaido kêu gọi quân đội đừng bắn vào dân chúng mà hãy cùng dân chúng bảo vệ quyền của mọi người Venezuela. Sau đó là đảo chính do một nhóm quân nhân thực hiện, những quân nhân này nhắn với dân chúng, họ đã châm ngòi nổ. Việc những quân nhân ấy bị bắt khiến biểu tình lan rộng, thúc nhiều triệu người đổ ra đường (6).
Chẳng riêng Trần Đình Thu, tương quan phức tạp giữa độc tài – quân đội – dân chúng cũng là lý do khá nhiều facebooker chia sẻ một video clip do An Nam Yakukohaiyo giới thiệu: Những người lính Venezuela được chính quyền điều động ngăn chặn biểu tình đã hạ súng và bỏ đi, nhường đường cho dân chúng tràn tới – kèm nhận định: Đó mới là Quân đội Nhân dân. Không kẻ độc tài tàn bạo nào có thể khiến những người lính đúng nghĩa thảm sát thường dân (7).
Trong một status phân tích sâu về biến động và tương lai của Venezuela, Thuan Van Bui gợi ý, tại sao giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam luôn đòi hỏi – quảng bá “quân đội trung với đảng, bảo vệ đảng”? Tại sao phong tướng tràn lan? Tại sao dung dưỡng cho quân đội làm kinh tế... Đó là âm mưu biến quân đội thành đội quân riêng của đảng, gắn lợi ích của đảng với lợi ích riêng của nhóm tướng lãnh chóp bu quân đội (8).
Chưa biết kết quả ra sao, chỉ có thể đoan chắc, Maduro và Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela sẽ tìm mọi cách để tiếp tục nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhưng có được hay không lại là chuyện khác. Giá mà dân chúng Venezuela phải trả cho tự do, dân chủ có thể rất cao nhưng vẫn có rất nhiều facebooker như Diệu Hằng cho rằng, nhìn biển người đông như kiến chống lại Maduro là biết Venezuela có thể sống lại rồi (9)!
Chú thích


Á châu giữa trận thương chiến - Nguyễn Xuân Nghĩa


Á châu giữa trận thương chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-01-23

Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thật ra chưa có chỉ dấu lắng đọng mà viễn ảnh kinh tế toàn cầu lại thiếu sáng sủa với các tin xấu dồn dập mỗi ngày. Khi ấy, các quốc gia đang phát triển tại Á Châu phải tính sao? Diễn đàn Kinh tế sẽ tỉm câu giải đáp...
Ách tắc chính trị và thương chiến
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ thủ đô Hoa Kỳ nhìn ra toàn cầu người ta thấy quá nhiều dấu hiệu đáng ngại cho năm 2019. Trước hết là ách tắc chính trị tại Mỹ khiến một phần bộ máy công quyền liên bang bị tê liệt cả tháng trời mà chưa có giải pháp ngân sách. Kế đó, kỳ hạn 90 ngày hưu chiến trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ còn 37 ngày mà chưa có kết quả khi triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới lại có thể sút giảm theo dự báo cập nhật vừa qua của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Giữa tin tức dồn dập như vậy, người ta còn được biết kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu sút giảm chưa từng thấy kể từ năm 1990 làm các thị trường tài chính thế giới bị chấn động. Trong cái rừng tin tức như vậy, đâu là yếu tố quyết định cho những người có trách nhiệm về kinh tế tài chính của quốc gia, thí dụ cụ thể là cho Việt Nam?
Mâu thuẫn đa diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ còn chi phối các nước trong nhiều năm. Vì vậy, rủi ro lẫn cơ hội sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta ở vào kỷ nguyên “thông tin tức thời”, với cả triệu dữ kiện hay số liệu tấp nập hàng giờ hàng phút có thể chi phối mọi người và ảnh hưởng toàn cầu trong một thế giới thu hẹp. Nói đến các thị trường tài chính chẳng hạn, ta còn phải thấy một yếu tố khác là đà tăng trưởng quá cao và quá lâu của thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ có lúc điều chỉnh, nôm na là sụt giá khi lãi suất cơ bản lại có thể tăng như trongg năm vừa qua. Khi điều ấy xảy ra, người ta dễ hoang mang chẳng hiểu cái gì là nguyên nhân, cái gì là hậu quả. Trong khi đó, và nhìn vào dài hạn, thì sự sa sút kinh tế của Trung Quốc không là bất ngờ vì được dự báo từ trước. Bây giờ, trong cái khối hỗn mang ấy, đâu là yếu tố có ảnh hưởng nhất mà ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế quốc dân? Bản thân tôi thì cho rằng mâu thuẫn đa diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ còn chi phối các nước trong nhiều năm. Vì vậy, rủi ro lẫn cơ hội sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Nguyên Lam: Như vậy, chúng ta sẽ nói về việc hưu chiến trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi đôi bên đang cố dàn xếp một thỏa thuận trước ngày mùng một Tháng Ba này. Ông thấy có triển vọng gì khả quan hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không lạc quan về triển vọng hòa giải. Chẳng hạn, Bắc Kinh bắn tin là mua thêm 1000 tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ trong sáu năm tới để đôi bên sẽ đạt quân bình mậu dịch vào năm 2024 này. Nhưng Bắc Kinh đã từng hứa hẹn như vậy trong quá khứ mà dù có muốn chưa chắc đã thực hiện nổi vì kinh tế sẽ lệ thuộc hơn vào các sản phẩm của Hoa Kỳ, từ phi cơ tới năng lượng và nông sản Mỹ. Vả lại, thỏa thuận giữa đôi bên có khi vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO là mọi thành viên phải chấp hành quy chế tự do thương mại hay “tối huệ quốc” với nhau, chứ không thể có đặc miễn song phương. Thí dụ như đậu nành của Brazil hay gạo của Việt Nam bán vào Trung Quốc thì sẽ thất thế so với với nông sản Mỹ hay sao?
Nguyên Lam: Nếu sự tình diễn tiến như ông vừa tóm lược thì mâu thuẫn giữa hai nước không thể dàn xếp trong một vài tháng, thưa ông có thể như vậy chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nhìn vào việc hai nước ở đôi bờ Thái Binh Dương đang trả giá như đấu võ, ta nên thẩm xét là phe nào ra đòn nặng nhất, phe nào có sức chịu đựng cao nhất, và quan trọng hơn cả, Hoa Kỳ hay Trung Quốc mới coi trận thương chiến này là sinh tử? Về đại thể thì kinh tế Mỹ ít lệ thuộc vào kinh tế Tầu hơn là ngược lại, vì vậy, Hoa Kỳ có thể đòi mạnh mà ít bị thiệt bằng Trung Quốc. Có bị thiệt hại nhưng không bị nặng như Trung Quốc. Trái lại - đây là khi ta nhớ tới sự sa sút trong đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và lời cảnh báo chính trị nghiêm khắc vừa qua của Tổng bí thư Tập Cận Bình cho đảng viên cao cấp - Bắc Kinh không có đất lùi và sẽ phải chống trả tới cùng, bằng cách này hay cách khác.
Nguyên Lam: Theo lối phân tích của ông, về việc Bắc Kinh sẽ chống trả tới cùng, bằng cách này hay cách khác, ông dự đoán cục diện sẽ xoay chuyển thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có cuộc tranh chấp về mậu dịch, với võ khí là thuế suất nhập nội như 10% hay 25% trên một lượng hàng trị giá chừng 200 tỷ đô la. Song song, đôi bên còn có mâu thuẫn về chế độ đầu tư của doanh nghiệp xứ này vào thị trường xứ kia với chính sách kỳ thị của Bắc Kinh. Thứ ba, Hoa Kỳ khiếu nại việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc ăn cắp, thậm chí ăn cướp, công nghệ cao của các nước. Thứ tư, việc cưỡng bách chuyển giao công nghệ, hay thuật lý – technologies – còn xâm phạm an ninh của các nước theo kinh tế thị trường, điển hình là vụ Huawei hay Hoa Vi đang bùng nổ. Ngần ấy đòn phép từ phía Hoa Kỳ sẽ tăng sức ép cho lãnh đạo Bắc Kinh, trước sự thẩm xét và tính toán của các doanh nghiệp đôi bên và của các thị trường.
- Nhưng Bắc Kinh vẫn có thể tác động vào thị trường bằng từng bước trì hoãn cho tới khi doanh nghiệp Mỹ mệt mỏi với thiệt hại trước mắt và gây áp lực vào chính trường Hoa Kỳ, vì nếu chấp thuận đòi hỏi của Chính quyền Donald Trump thì hệ thống kinh tế quốc doanh và chính trị của Bắc Kinh sẽ bị rúng động.
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, phải chăng mâu thuẫn giữa hai nước lại có tính chất toàn diện, gần như là mâu thuẫn giữa hai hệ thống kinh tế chính trị chứ không thu hẹp vào vài ba trăm tỷ đô la về nhập siêu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy và vì thế tôi cho rằng trận thương chiến chỉ là một phần của một trận đấu sẽ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, trong trung hạn là từ hai tới năm năm, Bắc Kinh vẫn còn lợi thế. Vì hết đất lùi, lãnh đạo Bắc Kinh nhắm vào thiệt hại của nhà sản xuất và giới tiêu thụ Hoa Kỳ để chính trường Mỹ gây sức ép cho Chính quyền Trump, như ta đang thấy truyền thông báo chí nhận định mỗi ngày. Nhưng về dài thì các nhược điểm nội tại trong hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc vẫn nổi lên và vượt khỏi khả năng chống đỡ của Bắc Kinh. Đây là ta chưa nói đến yếu tố quốc tế, là phản ứng của các nước khác, nhất là các nước Đông Nam Á, về trận thương chiến và về nhiều vấn đề kinh tế lẫn an ninh khi họ giao dịch với Trung Quốc.
Những chọn lựa
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin bước qua phần hai của chương trình là chọn lựa của các quốc gia đang phát triển trong trận đấu mà ông nói là sẽ kéo dài nhiều năm. Thưa ông, các nước khác có thể làm những gì?
Tuy nhiên , vẫn nói về nội lực, thì Việt Nam nên nhân cơ hội tiến hành cải cách toàn diện để doanh hiệp nội địa, của người Việt, lên tới trình độ sản xuất cao hơn thay vì chỉ trông chờ vào đầu tư của nước ngoài. Đấy là một nghịch lý mà chúng ta nên hiểu ra.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta hãy nhìn vào hai giải pháp quốc tế. Một là Hiệp định Đối tác Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP, giữa 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN và sáu nước đã ký thỏa ước tự do thương mại với khối ASEAN là Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và New Zealand. Bắc Kinh nỗ lực vận động cho sáng kiến này mà vẫn chưa thành. Giải pháp kia là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP giữa 12 nước. Dù Hoa Kỳ đã triệt thoái, 11 nước còn lại vẫn xúc tiến và hoàn thành, do sự cổ võ của Nhật Bản, Úc, Canada và Mexico. Hai giải pháp khác nhau ở vai trò của Trung Quốc và ở tầm hợp tác rộng lớn hơn.
- Nói cho dễ hiểu thì các nước có sự chọn lựa ngấm ngầm, và thiên về giải pháp toàn diện hơn là chỉ có thỏa thuận thương mại và theo mô hình quản lý kinh tế chính trị của Trung Quốc. Nói cho rõ thì giải pháp TPP đề cao quy luật tự do thị trường hơn là sự can thiệp của nhà nước qua hệ thống kinh tế quốc doanh. Các nước đều thấy quy luật tự do có lợi hơn cho kinh tế quốc dân, chứ cũng chẳng vì bênh vực Hoa Kỳ hay đố kỵ Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Chưa kể là, như ông trình bày nhiều lần trước đây, 11 nước còn lại của Hiệp định TPP đã cải tiến vẫn tin rằng sẽ có ngày Hoa Kỳ đổi ý mà lại xin tham dự sau này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính là những cam kết cải cách có tính chất toàn diện - từ kinh tế tới xã hội, lao động và môi sinh - của 11 thành viên trong Hiệp định TPP mới giúp các nước phát triển về dài. Khi đối chiếu quy định rộng lớn của TPP với các mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ta có thể thấy ra ba chuyện. Thứ nhất, Trung Quốc không thể là đối tác đáng tin với khối TPP của 11 nước, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, Hiệp định TPP còn có thể mở rộng và nhận thêm nhiều nước khác vì lợi ích hiển nhiên của nó. Thứ ba, các thành viên của TPP có thế mạnh khi cần thương thuyết lại với Hoa Kỳ sau này để làm ăn với một thị trường có sức tiêu thụ cao nhất. Thị trường đó là Hoa Kỳ nếu ta chú ý đến sức tiêu thụ đang sa sút của kinh tế Trung Quốc, một nền kinh tế đang có quá nhiều vấn đề nội tại.
Nguyên Lam: Bước vào phần kết luận, thưa ông, ông tổng kết thế nào về tình hình quá phức tạp trước mắt chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang chứng kiến một trận đấu về nội lực giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất mà quá lệ thuộc vào nhau. Thứ nữa, nội lực của Trung Quốc bị suy giảm sau vài chục năm tăng trưởng ngoạn mục và đây là vấn đề cho lãnh đạo Bắc Kinh. Hậu quả trước mắt là nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ chuyển đầu tư từ thị trường Trung Quốc qua các thị trường khác, nên nhiều nước thấy ra cơ hội mới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ng, vẫn nói về nội lực, thì Việt Nam nên nhân cơ hội tiến hành cải cách toàn diện để doanh hiệp nội địa, của người Việt, lên tới trình độ sản xuất cao hơn thay vì chỉ trông chờ vào đầu tư của nước ngoài. Đấy là một nghịch lý mà chúng ta nên hiểu ra.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Tin, bài liên quan