Friday, January 25, 2019

Vẫn chuyện học sinh chán học lịch sử! - Trung Khang,


Vẫn chuyện học sinh chán học lịch sử!
Trung Khang, RFA
2019-01-25
Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hôm 20 tháng 1 tiếp tục nhìn nhận lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh trong nước. Nguyên nhân do đâu?
Vị Thủ tướng cho rằng muốn học sinh yêu lịch sử, phải làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 1 năm 2019, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, cũng từng giảng dạy môn lịch sử, hiện đã về hưu, nhận xét:
Có nhiều trường hợp sự thật lịch sử nhiều khi không được nhắc đến một cách khách quan, trung thực. Cho nên học sinh chán, đó là lý do thứ hai.
-PGS. TS. Mạc Văn Trang
“Trước kia tôi đã từng dạy lịch sử, ở những năm 60, 70, 80, học sinh rất thích học môn lịch sử. Mà bây giờ việc học gắn liền với việc thi, tức thi gì học nấy, mà môn sử thì không thi. Chứ không phải học sử vì thích thú, học vì phát triển trí tuệ, nhân cách. Mà ở Việt Nam học là mục đích để có cái bằng. Đấy là lý do thứ nhất, lý do thứ hai là càng lên trên môn học lịch sử càng bị chính trị hóa đi, nó trở nên khô khan, trở nên một cái gì nó nhàm chán. Và có nhiều trường hợp sự thật lịch sử nhiều khi không được nhắc đến một cách khách quan, trung thực. Cho nên học sinh chán, đó là lý do thứ hai.”
Còn theo Nhà giáo Phạm Toàn, môn lịch sử bây giờ học sinh không thích là vì giảng giải chứ không được tìm hiểu. Lịch sử cũng như những môn học khác là phải học cái cách học. Nhưng theo ông, hiện nay chương trình chỉ tập trung vào kiến thức. Ông nói tiếp:
“Môn học lịch sử khi nói đến cách học thì học sinh phải được nhập thân, nhập cái tâm hồn tình cảm của mình vào những sử liệu. Nhưng sử liệu bây giờ không có, hoặc có rất ít, hoặc có một cách phiến diện. Khi học sinh nhập thân vào sử liệu rồi nó mới có cái phán đoán lịch sử, tức là học sinh phải được quyền phản biện. Mà quyền phản biện thì bây giờ người lớn còn bị hạn chế huống gì trẻ con.”
https://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu lên. Nhiều năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục từng lên tiếng cho rằng học sinh, sinh viên ngày này không còn thích học môn lịch sử. Tuy nhiên mọi ý kiến phản biện thì như thường lệ, ít được lắng nghe.
Theo Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, thật sự lịch sử Việt Nam rất nhiều cái bi hùng, chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, nhiều tấm gương hy sinh anh hùng, từ thời Hai Bà Trưng đến nay. Nhưng vì chính trị hóa môn lịch sử, nên học sinh không thích học nữa, giáo viên cũng không thích dạy nữa. Ông nói thêm:
“Tôi lấy ví dụ ngay cuộc cách mạng tháng tám 1945, nói là chính quyền đảng cộng sản lãnh đạo cướp chính quyền, giành thắng lợi.v.v… thì cũng không nói rõ chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó như thế nào. Sau này cũng nhiều học sinh thắc mắc. Thứ hai là khi nói về cuộc chiến tranh giữa miền nam và miền bắc, thì lên án chính quyền Sài Gòn là ngụy quân ngụy quyền, và nói toàn những điều xấu xa. Đã gọi là ngụy thì cái gì cũng xấu xa. Nhưng học sinh bây giờ có thông tin nhiều chiều lắm, các em học sinh biết ông Ngô Đình Diệm ngày xưa cũng rất là yêu nước, có tinh thần dân tộc và chính quyền Sài Gòn ngày xưa cũng có nhiều cái phát triển rất là tốt.v.v… Thế thì khi học sinh hỏi vặn lại giáo viên thì giáo viên không dám trả lời.”
Cùng quan điểm với Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, một giáo viên dạy lịch sử cấp trung học, tại Sài Gòn, không muốn nêu tên chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:
“Lịch sử là phải đa chiều, sự thật lịch sử phải nằm ở chỗ nhiều góc tiếp cận, nhưng họ chỉ tiếp cận theo quan điểm lịch sử của họ thôi. Như thế bản chất môn lịch sử đã chết từ lâu. Thành ra học sinh không thích học nữa, vì cứ học cầm súng tiến lên, nay thắng trận này, mai thắng trận kia, đế quốc Mỹ rồi ngụy quân, ngụy quyền nhét vô ngày mấy tháng mấy, rồi Ấp Bắc ngày mấy tháng mấy. Như vậy học sinh nó ngán quá. Lịch sử như vậy không phải là lịch sử.”
Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhìn nhận tuy không nghiên cứu sâu môn học lịch sử của miền nam Việt Nam trước 1975, nhưng ông thấy chế độ Việt Nam Cộng Hòa viết về lịch sử khách quan và trung thực hơn. Ông đưa ra ví dụ như khi nói về ông Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp chẳng hạn, họ không hề bôi nhọ bêu xấu mặc dù họ chống cộng.
Môn học lịch sử khi nói đến cách học thì học sinh phải được nhập thân, nhập cái tâm hồn tình cảm của mình vào những sử liệu. Nhưng sử liệu bây giờ không có, hoặc có rất ít, hoặc có một cách phiến diện.
-Nhà giáo Phạm Toàn
Khi trả Đài Á Châu Tự Do trước đây, Sử gia Trần Gia Phụng cho biết trước năm 1975, chính sách giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc và khai phóng; sau năm 1975, chính sách giáo dục của cộng sản là giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng cộng sản. Vì vậy trước và sau năm 1975, việc giáo dục hoàn toàn khác nhau.
Ông Trần Gia Phụng nói thêm về sách giáo khoa, trước năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ đưa ra chương trình lịch sử, không ban hành sách giáo khoa. Mỗi giáo sư tự soạn giáo khoa giảng dạy cho học sinh, hoặc dùng một sách giáo khoa do tư nhân soạn mà giáo sư ưng ý.
Theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, môn lịch sử muốn thu hút học sinh, phải viết lại lịch sử cho trung thực khách quan, phải cho phổ biến bộ quốc sử viết lại, phải thay đổi nhận thức trong xã hội, trong ngành giáo dục. Về phía giáo viên theo ông cũng phải đào tạo lại, phải dạy lịch sử đúng với phương pháp của lịch sử, chứ không thể chính trị hóa được. Ngoài ra, phải cho học sinh có nhiều tài liệu tham khảo, tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt và có những tranh luận khác nhau.
Tuy nhiên Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cũng nhìn nhận, nhiều vấn đề không thể cải tổ do sự cản trở của thể chế:
“Thể chế rất cản trở việc cải cách. Như ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư và chủ tịch nước, ổng nói là không được nói được làm gì trái với chủ trương của đảng và nhà nước. Cho nên ai cũng sợ, nói khác đi thì ổng nói là tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái…”
Tiến Sĩ Mạc Văn Trang kết luận, trong thể chế này, môn học lịch sử cũng như môn khoa học xã hội nói chung, bị chính trị hóa, không còn hấp dẫn, thiếu trung thực và khách quan.

No comments:

Post a Comment