Saturday, September 29, 2018

Thực Hư Chuyện ‘Trung Quốc Vượt Mỹ’ - Nguyễn Hải Hoành


Thực Hư Chuyện ‘Trung Quốc Vượt Mỹ’
9/23/18
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Năm 2010 tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc vượt Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ, và tăng trưởng tiếp với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Dư luận bắt đầu bàn về thời điểm kinh tế Trung Quốc sẽ soán ngôi số một. Theo một dự báo của phương Tây, đó là khoảng năm 2030. Nhật báo Kinh tế Trung Quốc ngày 13/12/2017 đưa ra dự đoán lạc quan hơn: trước năm 2028.
Khoảng hơn chục năm nay dư luận Trung Quốc ngày càng bàn thảo sôi nổi về vấn đề vượt Mỹ. Dường như từ sau ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền, một số học giả và viện nghiên cứu chính sách nhà nước Trung Quốc càng hăng hái đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của Trung Quốc trên một số mặt đã vượt Mỹ từ rất sớm. Những công bố đó làm nức lòng dân chúng trong nước, hình thành “Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ”. Nhân vật tiêu biểu của thuyết này là Giáo sư Hồ An Cương, một trong các học giả khoa học xã hội uy tín nhất ở Trung Quốc hiện nay.
Hồ An Cương hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình Trung Quốc [“Quốc tình Nghiên cứu Viện”, National Conditions Institute, NCI] thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh – một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Trung Quốc. Năm 2012 ông được bầu là đại biểu Đảng thành phố Bắc Kinh đi dự Đại hội 18 Đảng CSTQ. Tháng 1/2018 ông được ĐH Thanh Hoa trao danh hiệu “Giáo sư cấp cao khoa Văn”, còn gọi là GS-Viện sĩ, trong đợt bình chọn đầu tiên 18 GS cấp này.[1]
Trong bài “Những thành tựu mới của lý luận trị quốc Tập Cận Bình kể từ Đại hội 18 tới nay” công bố tháng 12/2016, Hồ An Cương viết: Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất thế giới trong ngành chế tạo, năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu…Trung Quốc đã tiến vào trung tâm vũ đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu.
Tháng 1/2018, GS Hồ công bố Báo cáo khoa học tổng kết đánh giá tình hình mọi mặt của Trung Quốc và so sánh với Mỹ, đưa ra nhận định:
Thực lực kinh tế, thực lực KHKT và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã lần lượt vượt Mỹ vào các năm 2013, 2015 và 2012. Đến 2016, ba sức mạnh này của Trung Quốc so với Mỹ bằng 1,15 lần, 1,31 lần và 1,36 lần, đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra về sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, Trung Quốc cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ.
Nhận định trên ăn nhập với trào lưu sùng bái Tập Cận Bình đang dâng cao và được dư luận quảng bá rùm beng đã nâng cao tinh thần dân tộc và tâm lý tự hào của dân chúng.
Truyền thông Mỹ cũng quan tâm tới vấn đề Trung Quốc vượt Mỹ, chủ yếu để giới thiệu sự tiến bộ của Trung Quốc mà không tranh cãi đúng sai.
Mặt khác, “kết quả nghiên cứu khoa học” của GS Hồ đã gây ra sự phản cảm ở một số học giả và quan chức, những người hiểu rõ hiện tình lạc hậu của Trung Quốc , nhất là về văn hóa và KHKT. Tiếng nói phản biện của họ tuy nhỏ bé nhưng được các mạng xã hội truyền đi rộng rãi đã thức tỉnh dân chúng. Cuối cùng lãnh đạo cấp cao cũng nhận thấy cách tuyên truyền thổi phồng thành tựu của Trung Quốc thực ra là phản tác dụng.
Tháng 11/2015, khi giải thích kế hoạch “Made in China 2025” tại hội nghị Ủy ban thường vụ Chính Hiệp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thông tin Miêu Vu [Miao Wei] nói:
Trung Quốc cần 30 năm để trở thành cường quốc chế tạo. Hiện nay ngành chế tạo toàn cầu gồm 4 thê đội. Thê đội thứ nhất là Mỹ, trung tâm sáng tạo đổi mới KHKT toàn cầu; thê đội thứ hai gồm EU và Nhật, thuộc lĩnh vực chế tạo cấp cao; thê đội thứ ba thuộc lĩnh vực chế tạo cấp trung và thấp, chủ yếu là các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc; thê đội thứ tư là các nước xuất khẩu tài nguyên, gồm OPEC, châu Phi, Mỹ Latin. Về sức mạnh KHKT, số một là Mỹ, sau đó đến Anh, Nhật, Pháp, Đức, Phần Lan, Israel, Thụy Điển, Ý, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Australia, Na Uy, Bỉ, Nga, Singapore, Hàn Quốc. Trong Top 20 này không có Trung Quốc. Trong 5 cấp bậc về sức mạnh KHKT toàn cầu, Trung Quốc ở vào cấp 4.
Theo Báo cáo Sức cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Trung Quốc xếp thứ 27 trong số 137 nước được xét; riêng về KHKT, Mỹ đứng thứ nhất, tiếp sau là Anh, Nhật; Trung Quốc thậm chí chưa lọt vào Top 20.
Một công bố cuối 2017 của công ty Chứng khoán Đông Hưng cho biết:
·         Xét theo GDP bình quân đầu người (là chỉ tiêu phổ biến nhất đánh giá trình độ phát triển kinh tế) thì sau đây 32 năm Trung Quốc vẫn chưa đuổi kịp Mỹ;
·         Năng suất lao động của Trung Quốc năm 2017 chỉ bằng chưa đến 10% của Mỹ….
Ngày 21/6/2018, Lưu Á Đông Tổng biên tập “Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật” (của Bộ KHKTTQ) nói trong một cuộc họp:
Ai cũng biết Trung Quốc còn cách Mỹ và các nước phát triển khác một khoảng cách rất lớn về KHKT. Những thành tựu KHKT khiến chúng ta vui mừng khôn xiết, như làm được máy bay cỡ lớn…, thì người ta đã có từ nửa thế kỷ trước. Một số dự án lớn ta đang gian khổ tiến hành, như đưa người lên Mặt Trăng thì nước Mỹ từ năm 1969 đã thành công lớn… Thế mà ở ta vẫn có một số người lúc thì nói “4 Tân đại phát minh”, lúc thì nói “Đuổi và vượt [Mỹ] toàn diện”, trở thành “Nhất thế giới”… Nếu Trung Quốc cho rằng mình có thể sớm thay thế Mỹ, trở thành quốc gia dẫn đầu KHKT thế giới thì đó chỉ là sự tự lừa dối.
Phát biểu này được dư luận khen là “dám nói thật”:
Phái bênh vực Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ cũng viện dẫn nhiều tư liệu để chứng minh họ đúng. Ví dụ họ cho rằng cách tính GDP hiện nay là chưa hợp lý, nếu tính GDP theo sức mua ngang giá thì một báo cáo của IMF năm 2014 cho biết ngay năm đó, GDP Trung Quốc đã vượt Mỹ… Trung Quốc còn nhất thế giới về nhiều mặt, ví dụ cuối 2016 có 22.340 km đường sắt cao tốc (ĐSCT) chiếm 60% tổng chiều dài ĐSCT toàn cầu; trong khi Mỹ chưa hề có ĐSCT. Trung Quốc có vệ tinh lượng tử, vệ tinh thăm dò vật chất tối, tàu ngầm Giảo Long lặn sâu nhất thế giới, dẫn đầu về nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch kiểm soát được….
Cuộc tranh cãi nói trên lắng dần sau khi Tổng thống Trump “nâng cấp” các tranh chấp buôn bán Trung-Mỹ thành chiến tranh thương mại, bắt đầu với vụ trừng phạt Tập đoàn ZTE (Trung Hưng), gã khổng lồ công nghệ thông tin của Trung Quốc, có doanh thu 17 tỷ USD (2017).
Do ZTE vi phạm lệnh cấm bán cho Iran các sản phẩm dùng công nghệ Mỹ, ngày 7/3/2016 Mỹ ra lệnh hạn chế bán sản phẩm cho ZTE. Lệnh này có thể sẽ làm ZTE bị phá sản, vì mọi sản phẩm của họ đều dùng sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, như chip của Qualcomm và Intel, hệ điều hành của Apple và Google. Vì thế tháng 3/2017 ZTE ký thỏa thuận hòa giải, nhận tội, chịu nộp phạt 892 triệu USD và ký quỹ 300 triệu USD, thay các cán bộ có lỗi. Phía Mỹ gửi cho ZTE bản tổng kết “5 bài học xương máu”, trong đó hai bài học đầu là không được dối trá và không được hủy chứng cứ phạm pháp.
Ngày 16/4/2018, với lý do ZTE vẫn lừa dối, bịa đặt và tái phạm thỏa thuận hòa giải, Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ giao dịch với ZTE trong 7 năm (tới 13/3/2025). Lệnh cấm này làm tê liệt hoạt động của 75.000 nhân viên ZTE và ZTE phải ngừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. 8 tuần sau, để đổi lấy sự dỡ bỏ lệnh cấm, ZTE chịu nộp phạt 1 tỷ USD, ký quỹ 400 triệu USD và chịu thuê cán bộ quản lý người Mỹ. Khi giao dịch trở lại, cổ phiếu ZTE rớt giá 39%. Ngày 7/6 Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. ZTE ước tính vụ này bị lỗ hơn 3 tỷ USD.
Một nhà báo Trung Quốc viết “Nếu không vì lão điên Trump gây ra cuộc chiến tranh thương mại này thì có lẽ chúng ta vẫn còn say sưa với ‘Kỳ tích kinh tế 40 năm qua’ và vòng hào quang ‘Nước lớn trỗi dậy’, tới mức chưa tỉnh”.
Vì sao một đại gia công nghệ lớn nhất nhì Trung Quốc như ZTE mà chỉ một đòn đã gục ngã? Đó là vì họ phụ thuộc vào nguồn chip cấp cao của Mỹ. Chip Mỹ chiếm 60% vật liệu làm bộ xử lý trong điện thoại di động (ĐTDĐ) của ZTE. Mạch tích hợp là “lương thực” của công nghiệp điện tử, không có lương ăn thì sao sống được. Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm bán dẫn nhiều nhất thế giới, hàng năm nhập 230 tỷ USD chip (hơn cả tiền nhập dầu mỏ). Công nghệ chip của Trung Quốc quá lạc hậu, chủ yếu chế tạo chip theo kiểu gia công và chỉ dùng cho sản phẩm cấp thấp. Mỹ, Nhật, châu Âu sản xuất nhiều chip nhất. Trung Quốc chế tạo 77% lượng ĐTDĐ toàn cầu nhưng chỉ 3% dùng chip Trung Quốc… Giờ đây người ta mới thấy cái hại của “chủ nghĩa lấy về” rất phổ biến ở Trung Quốc — chỉ sao chép công nghệ nước ngoài mà không sáng tạo đổi mới. Tập Cận Bình lập tức chỉ thị phải dồn sức đầu tư cho công nghệ chip đuổi kịp trình độ quốc tế. Một nguồn tin nói việc này cần 10 năm.
Trước khả năng thiệt hại cực lớn từ vụ ZTE, Trung Quốc lập tức đàm phán với Mỹ. Ngày 20/5, hai bên đồng ý ngừng chiến tranh thương mại và tiếp tục thương lượng. Website Hội các doanh nghiệp bán dẫn Trung Quốc viết: Tin này làm mọi người từ nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải cho tới người thợ trên dây chuyền sản xuất thở phào; giờ đây chúng ta có một phát hiện bất ngờ nhất: Thực lực của Trung Quốc còn kém Mỹ một khoảng cách lớn khó tưởng tượng!
Dư luận Trung Quốc dấy lên phong trào chống tuyên truyền khoa trương [anti-hype movement]. Đầu tháng 8, một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa gửi thư ngỏ đòi Hiệu trưởng trường này sa thải Hồ An Cương. Ngay cả Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cũng viết: “Một học giả nổi tiếng tuyên truyền rằng quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ. Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc về phán đoán ấy.” Xã luận ngày 1/8 của báo này nêu ra 8 điều Trung Quốc cần làm, trong đó điều thứ nhất là Về chiến lược phải giữ thái độ khiêm tốn và thế thủ, trong bất kỳ tình thế nào cũng không được chủ động khiêu khích Mỹ và thể hiện cho Mỹ thấy mặt mạnh của Trung Quốc.
Dân mạng Trung Quốc “moi” ra nhiều tin về sự lạc hậu của nước mình. Như Mỹ có 10 tàu sân bay hạt nhân, Trung Quốc có 2 tàu loại nhỏ chạy diesel, hỏa lực của chiếc “Liêu Ninh” chưa bằng 1/4 chiếc Kitty Hawk đóng năm 1960, nghỉ hưu 2009. Tướng Trung Quốc Trương Triệu Trung nói: Giả thử về quân sự Mỹ cứ đứng yên thì chúng ta cũng cần 24 năm mới đuổi kịp.
Trung Quốc đi sau Mỹ rất xa trong lĩnh vực tập trung nhiều KHKT đỉnh cao là thám hiểm vũ trụ. Các năm 1969-1972 Mỹ đã đưa 12 người đáp xuống Mặt Trăng rồi trở về. Tàu không người lái Chang E 5 của Trung Quốc dự kiến phóng cuối 2017 để lượm đất Mặt Trăng đem về, nhưng đến nay vẫn trục trặc chưa phóng. Tên lửa Trường Chinh 5 mạnh nhất Trung Quốc có sức chở 25 tấn, còn tên lửa Falcon Heavy của một công ty tư nhân Mỹ chở được 63,8 tấn…
Báo cáo (6/2018) của Viện Khoa học Trung Quốc nói Mỹ dẫn đầu thế giới 87 trong 143 điểm nóng nghiên cứu tuyến đầu (Trung Quốc dẫn đầu 24 điểm) và 8 trong 10 lĩnh vực khoa học lớn.
So bì về sức mạnh mềm thì Trung Quốc càng lép vế. Văn hóa lễ giáo đạo Khổng hạn chế sức sáng tạo, tính độc lập. Văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn chỗ cho sự dối trá. Trung Quốc đầu tư lớn lập cả nghìn Viện và lớp học Khổng Tử khắp toàn cầu nhưng kết quả quảng bá văn hóa Trung Quốc rất hạn chế. Văn học Trung Quốc đương đại không có tác phẩm nào gây tiếng vang trên thế giới. Hán ngữ không thể nào được hoan nghênh và phổ cập toàn cầu như tiếng Anh…
Một nhà báo Trung Quốc viết: Cái đáng sợ nhất của nước Mỹ là họ có sức sáng tạo rất mạnh mẽ.
Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang tiếp diễn ngày càng găng, mỗi bên đều sẽ trổ hết tài, vận dụng mọi ưu thế của mình. Chưa biết cuối cùng ai sẽ thắng, nhưng có thể nói Trung Quốc đã “thắng” ở chỗ nhận ra cách tuyên truyền phô trương quá đáng thành tựu và thế mạnh của mình chỉ có hại, chẳng có lợi. Có lẽ Tập Cận Bình nên trở lại chiến lược khôn ngoan “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, chớ nên khích lệ tâm lý tự hào dân tộc biến ra thành tự kiêu, chủ quan; nên chú trọng sáng tạo đổi mới chứ không nên mải mê theo “chủ nghĩa lấy về” — một thứ chủ nghĩa cơ hội rất tai hại.
Tóm lại, cú gục ngã của ZTE trở thành liều thuốc thử chứng tỏ “Thuyết Trung Quốc đã vượt Mỹ” thiếu căn cứ đứng vững, qua đó Trung Quốc bắt đầu thấy họ cần tỉnh táo nhận rõ các mặt mạnh yếu của mình.
————
[1] Senior professors of Liberal Arts. Nhà nước Trung Quốc chỉ lập chế độ Viện sĩ Khoa học và Kỹ thuật (KHKT), không có Viện sĩ về khoa học xã hội; GS cấp cao khoa Văn được hưởng chế độ đãi ngộ như Viện sĩ KHKT.


Liệu có phải công nhân biểu tình là do ‘thế lực thù địch’ kích động?


Liệu có phải công nhân biểu tình là do ‘thế lực thù địch’ kích động?
RFA
2018-09-28
Bị xúi giục biểu tình
Phát biểu tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình ở Hà Nội vào ngày 25 tháng 9, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ra cảnh báo được trích dẫn nguyên văn “tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.”
Một nữ công nhân may Công ty Pouchen ở Đồng Nai có ý kiến về phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Phú Trọng:
 “Ổng phát biểu vậy là nói sai rồi, hông có ai xúi giục đâu. Công nhân giờ họ có trình độ, hiểu biết nhiều, tự công nhân họ thấy quyền lợi họ bị xâm phạm thành ra họ tự đình công, biểu tình chứ đâu ai xúi giục đâu.”
Đồng quan điểm với nữ công nhân trên, anh Đoàn Huy Chương, người từng bị tuyên án 7 năm tù giam trong vụ đình công của hơn chục ngàn công nhân nhà máy Mỹ Phong ở Trà Vinh vào đầu năm 2010 giải thích:
“Không ai xúi công nhân cả, mỗi công dân thì phải biết quyền lợi mình ở đâu và quyền lợi đó là chính đáng. Trong Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định trong điều 25 là người dân có quyền biểu đạt ý kiến, quyền nêu chính kiến của mình, và có quyền hội họp, tự do biểu tình. Khi một người Tổng Bí thư mà không hiểu về luật pháp như vậy, có khi họ hiểu về luật pháp và ngồi xổm trên Hiến pháp thì dân không tôn trọng, vừa qua dân phản ứng rất nhiều.”
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu phát động cuộc cách mạng luôn đề cao vai trò của giai cấp công nhân là tiên phong chống lại những thế lực bị những người cộng sản kết án ‘lạc hậu, bóc lột’.
Sau bao nhiêu năm, giai cấp công nhân Việt Nam cũng không khá hơn lên là bao. Nhiều người cho rằng thành quả của cuộc cách mạng vô sản mà đảng cộng sản Việt Nam hô hào họ không hề được thụ hưởng.
Quyền lợi người công nhân không được bảo đảm khiến cuộc sống của họ chẳng khá gì hơn. Từ đó, lâu nay công nhân phải tiến hành đình công thường xuyên để yêu cầu Nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam phải có chính sách đúng đắn.
Chị nữ công nhân Pouchen từng tham gia biểu tình nhắc lại khi tiến hành biểu tình tất cả công nhân đều đồng lòng chứ không phải do bị thúc ép, kích động. Họ phải lên tiếng vì những quyền lợi của họ:
“Thứ nhất là chế độ không đảm bảo. Thứ hai là mức lương, quyền lợi của công nhân bị xâm phạm. Rồi bóc lột sức lao động nữa. Không được đền bù thỏa đáng thì công nhân bức xúc, tự đình công.”
Ngoài biểu tình đòi hỏi quyền lợi, nhiều công nhân còn tham gia biểu tình để nói lên chính kiến của họ như trong đợt biểu tình vào giữa năm 2014 phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hay gần đây nhất là hai cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra trong hai ngày 9-10/6 với sự tham gia của rất nhiều công nhân ở nhiều tỉnh thành như Sài Gòn, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Anh Đoàn Huy Chương nhận định rằng việc đổ cho ‘thế lực thù địch’ là cách để chính quyền Việt Nam trấn áp hoạt động này của công nhân:
“Đảng Cộng sản họ gọi thế lực thù địch nhắm đến những người biểu tình. Không riêng gì một người kêu gọi hay một nhóm nào, mà họ nhắm trực diện đến người biểu tình họ cho là thế lực thù địch chứ không riêng gì một ai hết. Vừa qua họ thấy những người đi đầu thì họ bắt bỏ tù. Từ ngày 10/6 đến nay họ bắt gần cả trăm người và cho là thù địch.”
Công đoàn
Cũng tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 25 tháng 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến vai trò của công đoàn, phải tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ đảng, coi đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công nhân.
Trong thực tế, lâu nay đảng và chính quyền Việt Nam dựng lên công đoàn cơ sở ở các nhà máy, xí nghiệp cũng không ngoài mục tiêu để dễ bề kiểm soát giới công nhân. Đại diện công đoàn cơ sở không do chính công nhân bầu ra.
Điều này được nữ công nhân công ty Pouchen xác nhận:
“Công đoàn của công ty không bao giờ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công nhân hết, công nhân không có cơ quan nào bảo vệ, thành ra họ mới đình công tự phát.”
Mong mỏi của người công nhân là công đoàn phải quan tâm đến quyền lợi của họ, như chia sẻ của nam công nhân sau:
“Hy vọng công đoàn sẽ đi sâu đi sát vào đời sống vật chất tinh thần người lao động. Công đoàn phải hiểu và chia sẻ thì mới tạo niềm tin sâu rộng đối với người lao động.”
Công nhân cũng như người nông dân và các thành phần khác trong xã hội là những lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính quyền có trách nhiệm bảo đảm mọi quyền lợi và giúp họ phát huy hết mọi năng lực để cuộc sống cá nhân, gia đình được bảo đảm và góp phần phát triển đất nước.


Quy hoạch mọi thứ, trừ ‘tin yêu và hy vọng’ - Trân Văn


Quy hoạch mọi thứ, trừ ‘tin yêu và hy vọng’
27/09/2018
Tuần trước, VnExpress đăng phóng sự “Thiếu phòng, học sinh Hà Nội nghỉ luân phiên” (1). Theo đó, toàn bộ học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chỉ được học tám buổi mỗi tuần thay vì 10 buổi mỗi tuần như các trường tiểu học bán trú khác. Có những đứa trẻ - kể cả học sinh lớp một – mỗi tuần phải ở nhà các ngày thứ hai, thứ ba, chỉ đến trường vào các ngày thứ tư và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ bảy. Ngược lại, có những đứa trẻ được đến trường vào các ngày thứ hai và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ năm rồi ở nhà!
Lịch học kỳ quái như vừa kể là kết quả của tình trạng học sinh quá đông còn phòng học thì có hạn. Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 41 phòng học nhưng có tới 57 lớp. Lúc đầu, Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai dự trù sắp xếp cho học sinh của trường này học mỗi ngày một buổi (học sinh các lớp một và hai sẽ học các buổi sáng, học sinh các lớp từ ba tới năm sẽ học các buổi chiều) song phụ huynh phản đối. Kết quả là bây giờ, phụ huynh phải tự tìm giải pháp chăm sóc cho con cháu của mình hai ngày đầu tuần, hoặc ba ngày cuối tuần bởi trường Tiểu học Chu Văn An không thể tiếp nhận học sinh như bình thường.
***
Tuần này, cũng VnExpress loan báo chính quyền thành phố Hà Nội đã “nhất trí” với chủ trương “xây dựng trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các phường, thị trấn, xã” theo mẫu chung về “hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc” (2).
Theo chủ trương này, nếu ở các “đô thị trung tâm”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 300 mét vuông đến 2.000 mét vuông, cao đến sáu tầng. Nếu ở các “đô thị trung tâm mở rộng”, các “đô thị vệ tinh” hoặc “thị trấn mật độ dân cư cao”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 880 mét vuông đến 3.900 mét vuông, cao đến năm tầng. Còn nếu ở “các xã và thị mật độ dân cư thấp”, diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 1.530 mét vuông đến 4.100 mét vuông, cao đến ba tầng.
VnExpress cho biết, Hà Nội hiện có 584 trụ sở cấp phường, xã, thị trấn (386 ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn từ 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng chi phí là hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn bảy phường, xã đang phải thuê trụ sở. Với chủ trương mới mà Vn Express gọi là “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng số trụ sở có thể áp dụng “thiết kế mẫu” khi đầu tư xây dựng là 483. Trong số này có 75 cần xây mới, 136 phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 đã được xây rồi nhưng cần cải tạo, sửa chữa. Dựa vào mô tả có tính “tiêu chuẩn” về diện tích, quy mô của trụ sở phường, xã, thị trấn, người ta không rõ chi thêm vài ngàn tỉ đồng nữa đã đủ để đáp ứng chủ trương xây dựng trụ sở phường, xã, thị trấn theo mẫu chung về “hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc” hay chưa?
Dẫu kế hoạch “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn chưa được phê duyệt nhưng chuyện “thu thập ý kiến” của các quận, huyện dường như chỉ là thủ tục bởi chính quyền thành phố Hà Nội đã “nhất trí” với kế hoạch này từ năm ngoái.
***
Khoan bàn đến chuyện ngay tại nội thành Hà Nội, trẻ con không đủ phòng học nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không bận tâm mà chỉ chú tâm vào chuyện cải tạo bổ sung, cải tạo sửa chữa, thậm chí xây mới sao cho các công thự cấp phường, xã, thị trấn khang trang, đồng bộ…
Khoan bàn đến lệnh tạm ngưng xây dựng các “trung tâm hành chính” được ban hành hồi tháng 11 năm 2015 vì công khố cạn kiệt, liên tục bội chi, phải liên tục vay mượn để cầm cự nhưng từ đó đến nay, hết chính quyền các tỉnh (Long An, Vĩnh Long, Thanh Hóa, gần đây là Hải Dương…) thi nhau bán công thổ, công thự để hoàn thiện các “trung tâm hành chính”cấp tỉnh, kèm biện bạch theo kiểu “chủ động, tự cân đối nguồn vốn” chỉ xin hỗ trợ một phần từ công quỹ, giờ tới chính quyền thành phố Hà Nội giới thiệu chủ trương “khoác đồng phục” cho trụ sở phường, xã, thị trấn…
Chỉ nhìn hiện trạng sau khi các quy hoạch được thực thi, người ta đã thấy hết sức quái gở. Quy hoạch từng biến phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, sau vài năm, từ một khu vực vốn thuần nông có khoảng 4.500 gia đình, với chừng 14.000 người, thành một phường nội thành được mô tả là “ngộp thở” vì có tới hàng chục ngàn gia đình cư trú, với số dân được ước đoán không dưới 80.000 người. Quy hoạch qua tay vài chục cơ quan thuộc đủ mọi cấp, ở đủ mọi ngành, trước khi hàng trăm cao ốc được phép vươn lên, dung chứa hết hàng chục ngàn người này đến hàng chục người khác nhưng không nơi nào thèm tính đến những chuyện đơn giản như chỗ để xe, hoặc tới những vấn đề thiết thân của sinh hoạt xã hội như trường học, bệnh viện,… và trường hợp Tiểu học Chu Văn An như đã kể chỉ là một ví dụ.
Quy hoạch khởi đi từ quy hoạch nhân sự lãnh đạo cấp thấp nhất cho tới cấp cao nhất rồi vươn vòi bám vào, chi phối tất cả các lĩnh vực, không nhân, không nghĩa, không trước, không sau, bất tri, bất trí như thế thì tìm kiếm “tin yêu và hy vọng” chỉ là hoang tưởng.
Chú thích



Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?


Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện b xóa?
29 tháng 9 2018
Tối 29/8, như mọi khi, doanh nhân Lê Hoài Anh lại đăng một livestream về bữa tiệc gia đình bà lên tài khoản Facebook của bà với hơn 300.000 người theo dõi.
Nhưng sang ngày hôm sau, tất cả mọi thứ biến mất, tất cả những bài viết, hình ảnh và hàng ngàn bạn bè bà tích lũy trong suốt 6-7 năm qua trên ngôi nhà ảo của mình đã hoàn toàn bốc hơi.
"Facebook báo là 'Bạn đã bị vô hiệu hóa vì vi phạm quy định cộng đồng'. Tôi thật sự rất buồn và rất giận vì nó như một tài sản tinh thần của tôi," bà Hoài Anh nói.
'Dân oan Facebook'
Doanh nhân Lê Hoài Anh là một trong khoảng hàng chục hot Facebooker bị xóa hoặc khóa tài khoản - những người có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người theo dõi và chuyên viết những bài viết về chính trị, xã hội gồm những tên như:
Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Ngọc Chu, Trương Châu Hữu Danh, Hoàng Dũng, Mạnh Kim, Trần Quốc Quân, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Trung Quân...
Nhà văn Trần Quốc Quân ở Warsaw, CH Ba Lan xác nhận với BBC ông bị xoá tài khoản Facebook đã bảy lần.
"Mấy lần trước BBC đã có bài về vấn đề này, hai hôm sau Facebook vào hộp thư thanh minh và hướng dẫn. Lần này khóa nick luôn. Tôi đã đăng nguyên thư trả lời của Facebook trong status mới."
Cũng thường xuyên tương tác với các Facebooker này, bà Hoài Anh nói bà nhận thấy hầu hết đây là những người thường xuyên viết bài về vấn đề Luật An ninh mạng, Luật Đặc Khu và các cuộc biểu tình xảy ra hồi tháng Sáu.
"Tôi có liên hệ với Help Center (Trung tâm trợ giúp) của Facebook nhưng họ không bao giờ trả lời. Tôi đã tìm hiểu tiêu chuẩn cộng đồng của họ và tôi thấy tôi không vi phạm điều nào cả. Tôi chỉ muốn biết tôi đã vi phạm ở bài viết nào, nhưng Facebook không trả lời."
Nhà hoạt động Hoàng Dũng thì cho BBC biết anh đã sống chung với tình trạng bị khóa Facebook liên tục hơn một năm qua.
"Lần cuối tôi bị khóa Facebook là cách đây 2, 3 ngày, sau khi tôi đăng hình ảnh Phó chủ tịch UBND Hà Nội đi thăm mấy anh chàng nghiện ma túy và có đăng số điện thoại trên hình." ông Dũng nói với BBC hôm 28/9. "Tôi bị report là đăng thông tin cá nhân."
Thủ thuật tố cáo tinh vi, phức tạp
Hoàng Dũng nói ông hay bị report vì "đã đăng tải thông tin cá nhân".
"Khi viết một bài viết liên quan đến vấn đề xã hội thì phải có những thông tin đó [email, số điện thoại] nhưng Facebook không xem xét cẩn thận mà dựa trên số lượng report. Nên có người đã lợi dụng cái này để tấn công tôi," anh Dũng nói.
Còn trong trường hợp của bà Lê Hoài Anh, bà phát hiện bà đã bị ba tài khoản bà không hề kết bạn, đưa bà vào làm quản trị viên của một trang Facebook đăng những hình ảnh ấu dâm mà bà không hề hay biết.
"Sau đó họ báo rằng trang đó vi phạm và Facebook đã khóa trang đó và khóa luôn tài khoản của tôi. Đây là một lỗ hổng của Facebook, khiến một người không phải bạn của tôi cũng có thể cho tôi vào làm thành viên một nhóm nào đó mà tôi không hay biết," bà Hoài Anh nói.
Trường hợp của anh Nguyễn Anh Tuấn còn tinh vi, phức tạp hơn. Anh nói có người đã hack vào tài khoản của một ca sĩ giống tên, sử dụng hình ảnh của anh và tố cáo anh giả mạo ca sĩ này; hoặc nói rằng tấm ảnh do chính anh chụp đăng trên Facebook vi phạm bản quyền.
Âm mưu nào đằng sau?
Bà Hoài Anh và ông Hoàng Dũng đều nghi ngờ rằng có khả năng Facebook đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc khống chế, 'bịt miệng' giới bất đồng chính kiến.
Bà Hoài Anh nói các bài viết về chính trị đặc biệt bị nhắm đến, thường xuyên bị ẩn đi hoặc xóa vì "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook", còn những bài đăng bình thường thì không gặp bất cứ vấn đề gì.
Những người theo dõi bà Hoài Anh cũng nói họ không thấy bài viết bà xuất hiện nhiều trên News Feed của họ như trước.
Ông Dũng cho biết có người thừa nhận đã được thuê với giá 500.000 đồng để report (báo cáo) tài khoản của ông.
Đồng thời, cả hai cũng không loại trừ khả năng có những doanh nghiệp sử dụng các công ty truyền thông mạng xã hội để tấn công các tài khoản chỉ trích một doanh nghiệp nào đó.
Bà Hoài Anh nói tài khoản của bà bị khóa 30 ngày sau khi viết bài bênh vực công ty Con Cưng hôm 10/8.
Facebook nói gì?
Phóng viên BBC đã liên lạc với đại diện của Facebook tại Việt Nam trong nhiều ngày qua về tình trạng nhiều tài khoản của những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội Việt Nam bị khóa.
Facebook đề nghị BBC cho biết thông tin danh sách các tài khoản bị khóa để Facebook "kiểm tra lại".
Ban biên tập BBC giải thích rõ thêm câu hỏi là về cơ chế khóa và xóa tài khoản của Facebook đối với những cá nhân tại Việt Nam, và liệu Facebook có biết về các nhóm được nhà nước bảo hộ như Lực lượng 47 hay dư luận viên hay không.
Hiện BBC vẫn chưa nhận được phản hồi của Facebook.
Giải pháp?
Bà Hoài Anh cho biết tài khoản cũ của bà đã được mở lại vào chiều hôm qua, tuy nhiên bà không nhận được bất cứ lời giải thích hay thông báo gì của Facebook.
"Rất nhiều người bạn của tôi đột nhiên nhắn cho tôi rằng 'Ô chị ơi, em thấy Facebook chị rồi'," bà Hoài Anh nói.
Tuy vậy bà vẫn không "hài lòng với cách làm việc của Facebook".
Bà cho biết trước đó bà đã nhờ nhiều người bạn bên Mỹ, soạn lá thư gửi cho Thượng nghị sĩ Marco Rubio, trước phiên điều trần trước Thượng viện của Giám đốc hoạt động (COO) của Facebook Sheryl Sandberg hôm 5/9.
Và cách đây năm ngày bà cũng viết một lá thư khác gửi đến văn phòng thượng nghị sĩ.
Bà Hoài Anh nói bà cũng dùng thêm tài khoản mạng xã hội Minds song song với Facebook để lưu giữ các bài viết.
Tuy nhiên Minds vẫn chưa có một cộng đồng lớn như Facebook.
"Facebook rất có thể đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam, vì nó kiếm rất nhiều tiền từ người dùng Việt, nhất là những người ăn chơi nhảy múa, mua hàng quảng cáo trên các fanpage. Còn những người viết về chính trị thì không được chú ý nên việc bị tấn công cũng dễ hiểu," ông Hoàng Dũng nói.
"Mình buộc phải sống chung, nhưng những tài khoản có tiếng nói thì vẫn nên lên tiếng và thay vì chỉ share thì những người khác nên copy và đăng toàn bộ tại trên tường của mình. Đây là cách mình thách thức trước sự tấn công của Facebook," nhà hoạt động bình luận.


Cựu đại sứ VN tại Mozambique bị cáo buộc tiếp tay buôn lậu ngà voi


Cựu đại sứ VN tại Mozambique bị cáo buộc tiếp tay buôn lậu ngà voi
29/09/2018
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mozambique Nguyễn Văn Trung được nêu tên là người giúp móc nối những kẻ buôn lậu ngà voi người Việt với các quan chức cao cấp trong lực lượng cảnh sát và hải quan của quốc gia Châu Phi này, cũng như báo động cho họ khi họ bị nhà chức trách nhắm mục tiêu, theo một báo cáo được công bố hồi gần đây.
Bản báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi chính phủ ở Anh chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm và lạm dụng về môi trường, phơi bày hoạt động của những đường dây vận chuyển và buôn bán ngà voi bất hợp pháp từ Châu Phi và tiết lộ danh tính của những cá nhân người Việt tham gia trong hoạt động này. Các nhà điều tra của EIA đã giả dạng làm người mua tiềm năng để tiếp cận các đối tượng và lén quay lại các cuộc trao đổi với họ, bắt đầu từ tháng 4 năm 2016.
EIA xác định người cầm đầu đường dây này là Phan Chí, được nói là lãnh đạo một băng nhóm tội phạm có tổ chức gồm ít nhất 10 “lính,” vốn là những người buôn lậu trong những giai đoạn khác nhau của chuỗi buôn bán, để thực hiện các công việc cần thiết từ thu mua, đóng gói, vận chuyển và bán ngà voi và sừng tê giác.
Ông Chí khoe với các nhà điều tra EIA rằng ông có mối quan hệ thân thiết với ông Nguyễn Văn Trung, người giữ chức đại sứ Việt Nam tại Mozambique tới ít nhất là đầu năm 2018, và rằng ông Trung đã giới thiệu với ông các quan chức cao cấp trong giới cảnh sát và hải quan của chính phủ Mozambique, theo một chú thích dưới hình ảnh chụp ông Chí đang nói chuyện với các nhà điều tra EIA trong bản báo cáo.
Một người buôn lậu khác ở Mozambique, được xác định danh tính là Nguyễn Thành Trung, nói với các nhà điều tra EIA rằng ông ta cũng quen biết Đại sứ Trung và rằng ông ta đã được Đại sứ Trung cảnh báo nên thận trọng hơn vì ông ta đang bị tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) theo dõi.
Cựu đại sứ Trung hiện là phó tổng biên tập của báo Thế giới & Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, EIA cho biết. Báo này không hồi đáp email của VOA yêu cầu xác nhận mối quan hệ giữa ông Trung và ông Chí. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không trả lời những câu hỏi của VOA gửi qua email về những cáo buộc nhắm vào ông Trung.
Ông Trung là một trong những người thuộc phái đoàn Việt Nam tới thảo luận với những người đồng cấp ở Mozambique để hướng tới một thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm, buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã, theo một bản tin đăng trên website của Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique vào năm 2015.
“[Ông Trung] đã nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, đồng thời nhấn mạnh các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời, mở rộng sự hợp tác này ra quy mô tiểu vùng và khu vực,” bản tin viết.
Không rõ nhà chức trách Việt Nam có biết về những mối quan hệ bị cáo buộc giữa ông Trung và những người buôn lậu bị nêu tên hay không, và cũng không rõ việc thay đổi công tác của ông Trung có liên quan tới vấn đề này hay không.
Đại sứ Việt Nam tại Mozambique hiện là ông Lê Huy Hoàng, người chính thức nhận nhiệm sở vào tháng 5.
Trong một email gửi cho VOA, một đại diện của EIA cho biết họ đã chia sẻ một “tập hồ sơ thông tin mật toàn diện” với cơ quan chấp pháp hữu trách trước đó trong năm nay. “Bản báo cáo công khai chỉ bao gồm một số thông tin từ tập hồ sơ mật lớn hơn và chúng tôi chưa trình bày chi tiết về tất cả các đối tượng trong bản báo cáo công khai,” Shruti Suresh, chuyên gia Vận động Dã sinh Cao cấp của EIA, nói với VOA.
EIA cho biết họ đã chia sẻ bản báo cáo công khai của mình tới giới hữu trách Việt Nam cũng như Mozambique và các nước khác nằm trong tuyến đường vận chuyển trái phép.
“Chúng tôi đang liên lạc với nhà chức trách Việt Nam, tuy nhiên không rõ có hành động thích hợp nào đang được thực hiện hay không dựa trên bản báo cáo của chúng tôi,” bà Suresh nói. Bà cho VOA biết thêm rằng tới giờ những cá nhân bị nêu tên trong bản báo cáo chưa có ai lên tiếng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi của VOA về việc cải thiện hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực buôn lậu ngà voi.
Báo cáo nói mặc dù là đối tượng của nhiều cuộc điều tra và những vụ phanh phui về vai trò trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.
Nghiên cứu và phân tích của cơ quan này cho thấy từ năm 2009, 56 tấn ngà voi đã bị thu giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi có liên quan tới Việt Nam bị thu giữ tại các quốc gia khác, “tương đương với lượng ngà voi bắt nguồn từ khoảng 11.414 con voi,” theo bản báo cáo.
Vai trò của Việt Nam trong buôn bán ngà voi bất hợp pháp toàn cầu đã tăng nhanh trong thập niên qua, theo EIA. Được nói là một tuyến trung chuyển chính cho các lô ngà voi lớn sang Trung Quốc, Việt Nam cũng sở hữu ngành công nghiệp chạm khắc ngà voi đang phát triển và là một trong những thị trường buôn bán ngà voi lớn nhất thế giới.
Báo cáo của EIA khuyến nghị Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, đảm bảo sự hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan và hoạt động chấp pháp, cũng như cải thiện hợp tác quốc tế với các quốc gia nguồn, trung chuyển và tiêu thụ.
A

Bất chấp giá lạnh, người Nga xếp hàng nhiều ngày chờ mua iPhone mới


Bất chấp giá lạnh, người Nga xếp hàng nhiều ngày
chờ mua iPhone mới
29/09/2018

Hàng trăm người Nga đã bất chấp cái lạnh và mưa để xếp hàng nhiều ngày bên ngoài một cửa hàng điện thoại ở Moscow trước khi chiếc iPhone mới của Apple ra mắt vào thứ Sáu (28/9), nhưng điều kỳ lạ là sau khi cánh cửa mở ra, không một ai bước vào để mua hàng, theo tường thuật của Reuters.
Thay vào đó, họ cố gắng trong vô vọng để bán chỗ xếp hàng của mình cho những người thực sự mê sản phẩm của Apple bên ngoài cửa hàng đầu tiên của Nga bán iPhone mới XS và XS Max ngay trung tâm Moscow.
Cơn sốt điện thoại dẫn đến xếp hàng nhiều ngày để chờ mua còn diễn ra bên ngoài các cửa hàng ở Singapore, Sydney và nhiều nơi khác.
Những người xếp hàng ra giá cho chỗ đứng đầu tiên là 450.000 rúp (khoảng 7.000 đôla).
Giá tiền này sẽ giảm dần theo thứ tự xếp hàng, nhưng cuối cùng, tất cả đều không bán được vì người mua hàng sẵn lòng chờ cơ hội mua iPhone XS với giá 87.000 rúp (1.300 đôla) hoặc XS Max với giá 96.000 rúp (1.500 đôla).
Reuters cho biết người quản lý cửa hàng đã gọi theo số vé để mời những người đầu tiên vào mua, nhưng không ai trả lời.
Cuối cùng, người giữ vé số 247 đến cửa và nhiếp ảnh gia người Nga Anatoly Doroshchenko, người đã đến vào sáng hôm đó và không trả tiền thuê xếp hàng, trở thành người đầu tiên ở Nga mua một trong những chiếc điện thoại mới.
Đối với nhóm người được nhảy thứ tự xếp hàng, một số người đã xé số thứ tự và rao bán chỗ chờ, tránh lãng phí thời gian.
“Trời lạnh. Chúng tôi không đói, nhưng ướt át và gió”, một người tên Vladimir nói với Reuters.
“Sự kiện này liên kết mọi người với nhau. Chúng tôi có những cuộc trò chuyện thú vị với mọi người. Tất nhiên chúng tôi không kiếm được tiền, nhưng thực sự rất vui”, anh này nói.