Thursday, September 27, 2018

Thương chiến giữa dân chủ và độc tài - Nguyễn Xuân Nghĩa


Thương chiến giữa dân chủ và độc tài
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-09-26

Trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và mỗi đợt trả đũa lại dẫn tới biện pháp cứng rắn hơn. Chúng ta đang chứng kiến một trận thương chiến giữa hệ thống chính trị dân chủ và một chế độ độc tài. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về lợi thế tương đối của hai hệ thống chính trị đối nghịch này.
Mâu thuẫn tay đôi
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chiều Thứ Hai 17 Chính quyền Hoa Kỳ đưa ra quyết định áp thuế đợt thứ ba, lần này tăng 10% trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la, bắt đầu từ ngày 24 và qua đầu năm tới thì còn tăng từ 10% lên 25%. Phía Bắc Kinh đã trả đũa chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ và sau khi từ chối đàm phán đã ra bạch thư kết án thái độ đàn áp của Hoa Kỳ. Trong mâu thuẫn gay gắt giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất địa cầu, ông nghĩ rằng chúng ta nên chú ý tới những gì nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có nhiều cách phân tích mâu thuẫn tay đôi này.
- Đầu tiên là nhìn vào cơ bản của lẽ thắng bại về ngoại thương giữa các nước, như tôi có dịp trình bày vào đầu Tháng Ba khi trận chiến khai mào. Đó là xứ nào lệ thuộc nhiều hơn vào ngoại thương? Nếu dùng tỷ lệ bách phân của xuất khẩu trong Tổng sản lượng GDP thì xuất khẩu của Trung Quốc chiếm gần 20% GDP, của Hoa Kỳ thì chỉ có 12%, tức là nếu xuất khẩu bị sụt vì thương chiến thì Trung Quốc bị hại hơn Hoa Kỳ. Thứ hai là nhập khẩu. Hoa Kỳ có thị trường nhập khẩu lớn nhất các nước và bị nhập siêu với các nước lớn mà nặng nhất là với Tầu. Điều ấy có nghĩa là trong thương chiến, xuất siêu của Trung Quốc mới là nhược điểm. Vì sao lại có nghịch lý như vậy? Vì Tổng sản lượng của Trung Quốc có 3% là nhờ bán hàng qua Mỹ còn Hoa Kỳ chỉ có phân nửa 1% là nhờ bán hàng qua Tầu. Nếu lượng hàng đó giảm thì kinh tế của Tầu bị ảnh hưởng mạnh hơn của Mỹ.
- Nói vắn tắt, Hoa Kỳ có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% GDP, còn 88% là sản xuất nội địa. Con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu thương chiến bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ thì cũng chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua. Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng muốn tránh, thì kinh tế Mỹ  có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất, của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch này.
Nguyên Lam: Ông nói rằng chúng ta có nhiều cách phân tích chuyện này và cách đầu tiên là nhìn vào tương quan lực lượng của đôi bên về mặt ngoại thương, xem nước nào lệ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Sau đó thì người ta còn có những cách phân tích gì khác nữa, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cách thứ hai là nhìn vào lịch sử. Hơn 40 năm trước, Hoa Kỳ bị sa sút nhiều mặt khi kinh tế suy trầm, lạm phát gia tăng và vì phí tổn của cuộc chiến tại Việt Nam lẫn đòn phong tỏa dầu khí của khối Á Rập Hồi giáo. Khi đó, ông Ronald Reagan tranh cử Tổng thống với tôn chỉ “Làm Cho Hoa Kỳ Vĩ Đại Trở Lại”, tức là khi ấy, Hoa Kỳ hết còn vĩ đại và cố chinh phục ưu thế cũ mà ưu thế đó không chỉ có kinh tế. Ông Donald Trump ra tranh cử với khẩu hiệu tương tự và khi thắng cử, ông kết hợp an ninh với kinh tế mà đòi xét lại những cam kết của nước Mỹ với các nước khác. Trong các nước, Trung Quốc đã vươn lên thành một đối thủ có khả năng thách đố quyền lực và quyền lợi của Hoa Kỳ.
- Quyền lợi của Hoa Kỳ không chỉ có ngoại thương mà bao gồm nhiều yếu tố khác, như sức mạnh của khu vực chế biến, quyền sở hữu trí tuệ hay ưu thế trong các ngành sản xuất dịch vụ. Quyền lợi của Hoa Kỳ cũng thế, nó trải rộng toàn cầu và đi cùng quyền lợi kinh tế. Vì Trung Quốc là một thách đố mới, trận thương chiến giữa hai nước chỉ là một phần của vấn đề và Hoa Kỳ có thể nhắm vào mục tiêu rộng lớn là làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.
Thương chiến kéo dài
Nguyên Lam: Nếu giả thuyết này đúng, thưa ông, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm, chứ sẽ không kết thúc trong vài tháng, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy vì Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Ngày 19 Tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 Tháng Tư sau đó ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum. Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ còn đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Khi ấy Nội các Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự hạn chế của Quốc Hội. Sau đó, Chính quyền Trump còn viện dẫn khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để cho các doanh nghiệp Mỹ quyền khiếu nại nếu bị thiệt hại trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Và trong suốt năm qua, Hoa Kỳ không hề nhượng bộ Bắc Kinh mà còn tìm thế liên minh cùng các nước để chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ mâu thuẫn giữa hai nước không dễ giải quyết và chẳng thu hẹp vào lĩnh vực thương mại.
Nguyên Lam: Nhiều nhà bình luận cho rằng phía Bắc Kinh khó nhượng bộ và có biện pháp tinh vi là chọn đối tượng trả đũa hầu gây thiệt hại cho các địa phương với mục tiêu chính là tác động vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay và cả cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020. Ông nghĩ sao về những biện pháp đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có hai phần trong câu trả lời. Liên quan tới các biện pháp chống trả, phần đầu ta tìm hiểu về khả năng hay toan tính của Bắc Kinh. Phần hai mới rắc rối hơn. Phần đầu, nói về “lượng” thì vì Bắc Kinh đạt xuất siêu gần 400 tỷ với Mỹ và chỉ nhập khẩu chừng 185 tỷ hàng hóa của Hoa Kỳ nên các biện pháp trả đũa trên hàng Mỹ không thể bằng việc Mỹ áp thuế trên hơn 500 tỷ hàng hóa của Tầu. Do đó, Bắc Kinh phải nghĩ tới “phẩm” là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn làm ăn buôn bán với thị trường Trung Quốc,  như kéo dài thủ tục duyệt xét thuế quan hay thể thức đầu tư. Và phía Hoa Kỳ đã chuẩn bị trước những kịch bản đó và các nước khác, như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, cũng đang tính toán về chuỗi cung ứng của mình trong loại sản phẩm có công nghệ cao mà rút khỏi thị trường Trung Quốc để khỏi bị thiệt thòi. Nôm na là họ sản xuất lấy linh kiện điện tử ở nhà hoặc đưa đầu tư từ Trung Quốc qua các nước khác, thí dụ như Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam. Chúng ta sẽ còn phải theo dõi chuyện này.
Nguyên Lam: Ông vừa nói đến hai phần trong câu trả lời. Thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết phần thứ hai là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng vì Hoa Kỳ muốn làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, chúng ta nên tìm hiểu và phân tích trận thương chiến giữa hai hệ thống chính trị trái ngược, giữa hệ thống dân chủ pháp quyền và có phân quyền của Hoa Kỳ với hệ thống độc tài và tập quyền của Trung Quốc.
- Hoa Kỳ là một nước dân chủ đa nguyên với hệ thống phân quyền về chính trị, và cứ hai năm lại có bầu cử. Vì đa nguyên nên trước mọi vấn đề người ta có nhiều cách nhận định và phản ứng chứ không thể có sự đồng dạng hay hiện tượng độc quyền chân lý. Hệ thống phân quyền khiến Hành pháp cấp Liên bang phải chia sẻ thẩm quyền với Lập pháp, Tối cao Pháp viện và quyền lực của các tiểu bang, lẫn hệ thống Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trong trận thương chiến đang bùng nổ với Bắc Kinh, quan điểm của doanh nghiệp kiếm lời nhờ làm ăn với Trung Quốc vẫn được truyền thông báo chí trình bày và phân tích để tác động vào dư luận và cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Bắc Kinh nhắm kỹ vào thành phần đó với tấm lịch bầu cử.
Trung Quốc có lợi thế?
Nguyên Lam: Nếu vậy thì lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều lợi thế tương đối so với lãnh đạo của Hoa Kỳ, thưa ông có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về lý thuyết thì như vậy, thực tế lại rắc rối hơn.
- Quả thật, lãnh đạo Bắc Kinh tập trung quyền lực tới độ cao nhất, chẳng phải lo bầu cử và mọi thành phần chỉ có một quan điểm từ lời phán của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình trên ngai Hoàng đế. Trong khi đó, chính trường và cả doanh trường Hoa Kỳ lại đầy tiếng nói ồn ào lẫn nhiễu âm thường trực về kinh tế lẫn chính trị, thậm chí về thẩm quyền của Tổng thống. Hậu quả của hai hiện tượng đó là gì?
Nguyên Lam: Thưa ông đúng như vậy, hậu quả của hai hiện tượng trái ngược đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hậu quả đơn giản là ta biết lãnh đạo Bắc Kinh muốn gì mà chẳng biết rằng lãnh đạo Hoa Kỳ muốn gì, khi nào thì nói thật và sẽ làm thật!
- Trong khi đó, và đây mới là chuyện lý thú, cả hai nền kinh tế vẫn bị thị trường chi phối qua quyết định của hàng tỷ tác nhân kinh tế chạy theo ánh mặt trời. Đó là giới tiêu thụ, đầu tư và giới trung gian, từ người mua hàng đến doanh nghiệp hoạt động toàn cầu cho tới người giao dịch trái phiếu hay cổ phiếu trên thị trường tài chính thường xuyên hoạt động 24 tiếng một ngày. Lực lượng đông đảo mà vô danh ấy tác động vào thị trường chứng khoán, ngoại hối, vào phân lời trái phiếu lẫn khối nợ mà các chính phủ cần xử lý!
- Khi tổng hợp lại thì chúng ta thấy gì? Tại Hoa Kỳ, niềm tin của giới tiêu thụ và đầu tư đang nâng đà tăng trưởng tới mức cao nhất và mức thất nghiệp xuống thấp nhất kể từ 17 năm nay. Tại Trung Quốc đà tăng trưởng của 30 năm sau cải cách chỉ còn là vang bóng và núi nợ quá lớn gia tăng quá nhanh đang là một vấn đề cho lãnh đạo. Khi trận thương chiến gia tăng cường độ thì chế độ tập quyền tại Bắc Kinh vẫn phải ứng phó với thị trường và càng muốn duy trì một đà tăng trưởng an toàn về chính trị thì càng phải bơm thêm tín dụng chứ không dễ gì phá  giá đồng bạc để bù vào sự tổn thất vì xuất khẩu sút giảm. Các bài toán kinh tế ấy mới thách đố quyền lực tuyệt đối của chế độ độc tài.
- Vì vậy, chế độ dân chủ có thể gây ra ấn tượng hỗn loạn như tại Hoa Kỳ nhưng vẫn cho phép mọi người thích ứng với hoàn cảnh đổi thay dồn dập và thay đổi luôn cả giới dân cử sẽ lãnh đạo. Chứ một chế độ độc tài như tại Bắc Kinh thì khó linh động thích ứng với sự vận hành của một môi trường đa nguyên và phức tạp vì vậy cho đến nay họ chưa giải quyết nổi những thất quân bình nội tại đã thấy từ thời 2002-2007 và nay còn lâm vào một trận thương chiến tai hại!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích quả là có đầy nghịch lý vào tuần này.
Tin, bài liên quan
·         Chiến tranh mậu dịch
·         Mâu thuẫn mậu dịch


No comments:

Post a Comment