Nhân quyền có là nút thắt đối với Hiệp định mậu dịch
tự do Việt Nam Châu Âu?
Kính Hòa RFA
2018-09-25
2018-09-25
Hơn 30 Dân biểu Quốc Hội Châu Âu vào ngày 17 tháng 9 đồng ký tên
vào thư gửi đến hai
Cao Ủy Thương Mại và
Đại Diện Cấp Cao của Liên Minh Châu Âu nói rõ nếu tình trạng nhân quyền tồi tệ
của Việt Nam không được cải thiện, thì rất khó để họ có thể đồng ý phê chuẩn
Hiệp định Mậu Dịch Tự Do EU-Việt Nam.
Vậy vấn đề nhân quyền
ảnh hưởng thế nào đến quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung, và
thỏa thuận mậu dịch tự do Việt Nam Châu Âu nói riêng?
Việc đàm phán Hiệp
định thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) đã bắt đầu khá lâu, từ
năm 2013. Trong suốt quá trình đàm phán đó, hai bên đã bận rộn với những định
chế pháp lý, quyền lao động, tiêu chuẩn môi trường, … Theo một số nhà quan sát,
tầm quan trọng của EVFTA đối với Việt Nam đã tăng lên nhiều trong hai năm gần
đây, khi khuynh hướng bảo hộ mậu dịch bắt đầu xuất hiện mạnh trong thương mại
toàn cầu, mà Việt Nam lại là một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào thương mại
quốc tế, với tổng kim ngạch thương mại cao hơn 100% tổng sản phẩm quốc dân.
Với sự khó khăn của
thị trường Mỹ, vốn lớn bậc nhất cho hàng xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam đã kỳ
vọng nhiều vào thị trường Châu Âu. Trong hai năm qua người ta chứng kiến liên
tục các đoàn ngoại giao Việt Nam đến Châu Âu, mà mục đích lớn nhất được cho là
để thúc đẩy EVFTA.
Nhưng đồng thời trong
hai năm qua, các vụ đàn áp người bất đồng chính kiến, các tổ chức hoạt động xã
hội, chính trị trong nước cũng trở nên rất căng thẳng với liên tục những phiên
tòa bỏ tù những blogger, nhà báo tự do.
Một trong những người
bị bắt bỏ tù vì thành lập tổ chức Hội anh em dân chủ là Luật sư Nguyễn Văn Đài,
hiện đang tị nạn chính trị tại Đức nói với RFA:
“Mức độ vi phạm nhân
quyền từ đầu 2016 đến nay là hết sức nghiêm trọng. Về phía quốc hội Châu Âu thì
họ sẽ cẩn thận cân nhắc trong vấn đề thảo luận hiệp định thương mại. Nếu Việt
Nam không cải thiện thì số lượng dân biểu quốc hội EU phản đối tăng lên, mà
điều này dẫn đến việc bỏ phiếu, thành ra quốc hội có thông qua hay không thì
không thể nói trước được.”
Đầu năm 2018, một tạp
chí về kinh tế của Việt Nam là Vneconomy cho rằng có thể việc ký kết sẽ diễn ra
trong mùa hè năm 2018, nhưng đến tháng 9/2018 việc đó vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên ông Nguyễn
Huy Vũ, một chuyên viên kinh tế hiện sống và làm việc tại Na Uy cho rằng vấn đề
nhân quyền sẽ không ảnh hưởng nhiều đến EVFTA.
Sau khi một số dân
biểu Nghị viện Châu Âu gửi bức thư lên Ủy ban Châu Âu bày tỏ sự lo ngại về tình
trạng vi phạm nhân quyền của Việt Nam, ông Nguyễn Huy Vũ trả lời đài RFA:
“Nhân quyền vẫn có thể
dùng như một đòn bẩy để họ áp lực Việt Nam để Việt Nam đưa ra những cải tổ,
thậm chí đưa ra những điều khoản thương mại đem lại nhiều lợi ích hơn cho Châu
Âu. Cuối cùng thì tôi nghĩ chuyện nhân quyền không ảnh hưởng mấy đến việc thông
qua hiệp định thương mại, sớm muộn gì thì cũng sẽ được thông qua.”
Ông Vũ cho rằng sự
phản đối mới nhất của một số nghị viên Châu Âu có thể chỉ gây nên một ít tiếng
vang nhưng không cản được sự hợp tác thương mại giữa hai bên. Ông cho rằng Việt
Nam có trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhưng điều đó không quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Đài là
một trường hợp mà nhiều người cho rằng được trả tự do và cho sang tị nạn chính
trị tại Đức là nhằm vào việc tỏ thiện chí với Cộng đồng Châu Âu, vì ông Đài có
những quan hệ thân thiết với giới ngoại giao của nước Đức và các quốc gia Châu
Âu.
Ông Nguyễn Văn Đài
cũng cho rằng sự vận động của các tập đoàn, công ty ở Châu Âu cho EVFTA là quan
trọng về phía hành pháp của EU tức là Ủy ban Châu Âu, nhưng ông nhấn mạnh tầm
quan trọng của các dân biểu Châu Âu:
“Về phía Ủy ban Châu
Âu thì có sự vận động của các tập đoàn kinh tế, họ sẽ có những nhượng bộ nhất
định nào đó với Việt Nam. Nhưng họ phụ thuộc Quốc hội Châu Âu. Sau Quốc hội
Châu Âu còn có các nước thành viên nữa. Với những thủ tục rất phức tạp, nên tôi
nghĩ Việt Nam khó cỏ thể có hiệp định song phương trong năm nay hay sang năm.”
Ông Nguyễn Huy Vũ thì
lại củng cố cho lập luận của ông rằng EVFTA là có lợi cho chính Cộng đồng Châu
Âu:
“Hiệp định thương
mại Việt Nam Châu Âu thì không phải chỉ có mình Việt Nam có lợi, mà Châu Âu
cũng có lợi, vì Châu Âu họ muốn dùng Việt Nam như một cửa ngõ để xâm nhập vào
thị trường Đông Nam Á. Còn Việt Nam thì với một thị trường 80 triệu dân, một
tầng lớp nhà giàu mới nổi lên, thì đó là một thị trường tương lai rất tốt cho
hàng hóa xa xỉ phẩm châu Âu, cũng như những dịch vụ về sức khỏe, giáo dục,… của
Châu Âu cho Việt Nam.”
Vấn đề nhân quyền bị
xem nhẹ trong các quan hệ kinh tế không chỉ đối với trường hợp Cộng đồng Châu
Âu mà còn với các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế khác nữa như Quĩ tiền tệ
quốc tế, Ngân hàng thế giới.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt,
cựu chuyên viên về thống kê của Liên Hiệp Quốc, nói với RFA:
“Các ông ở Việt Nam
bắt người này người kia bỏ tù đều đều thì các tổ chức nhân quyền lên tiếng thôi
chứ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng thế giới đâu có nói gì. Thực ra họ cũng nói
là Việt Nam phải mở rộng nhân quyền. Mà đàn áp dữ quá thì đến một lúc nào đó mà
bị Liên Hiệp Quốc lên án, thì sẽ là chuyện lớn, ví dụ như trường hợp Myanmar bị
chấp dứt tất các sự giúp đỡ vào thời kỳ quân phiệt đàn áp nhân quyền.”
Việt Nam hiện nay
không có tình trạng tệ hại như Myanmar thời quân phiệt, thậm chí ông Vũ Quang
Việt còn nêu ra một số quốc gia đối tác quan trọng của Châu Âu mà tình trạng vi
phạm nhân quyền còn trầm trọng hơn Việt Nam như là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
nói tiếp:
“Tôi không nghĩ là
Cộng đồng chung Châu Âu đặt vấn đề lên hàng đầu. Vấn đề là họ không chỉ xem đó
là đối tác thương mại, mà còn có những vấn đề chính trị khác nữa, như là vai
trò của Việt Nam ở khu vực, rồi chuyện đối phó với Trung Quốc,… Họ phải tính
tới tất cả những chuyện đó.”
Như để minh chứng cho
điều mà ông Việt nhận xét, trong tháng 8 năm 2018, một số quốc gia Châu Âu như
Anh, Pháp đã cho tàu chiến vào Biển Đông tham gia chiến dịch tự do hàng hải do
Mỹ khởi xướng, mà chiến dịch này được cho là nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện
sự bành trướng trên Biển Đông. Việt Nam không những không phản đối những quốc gia
châu Âu này, mà trong nhiều lần cũng đã lên tiếng chính thức ủng hộ tinh thần
tự do hàng hải tại Biển Đông. Và Việt Nam được xem như quốc gia đứng ở tuyến
đầu trong việc ngăn cản mộng bá quyền của Trung Quốc ở khu vực này.
Cuối cùng Tiến sĩ
Nguyễn Huy Vũ nói với chúng tôi rằng câu chuyện nhân quyền là câu chuyện giữa
những người Việt Nam với nhau, còn những quốc gia bên ngoài sẽ quan tâm đến hợp
tác kinh tế với Việt Nam hơn.
No comments:
Post a Comment