Wednesday, September 26, 2018

Việt Nam sẵn sàng 'nhận ghế' Hội đồng Bảo an LHQ


Việt Nam sẵn sàng 'nhận ghế' Hội đồng Bảo an LHQ
·         3 giờ trước
Tại tòa nhà sáng bóng của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), giới ngoại giao Việt Nam đang quyết tâm và lặng lẽ vận động cho vị trí thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, theo Geo Political Monitor.
Cái chết bất ngờ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang càng thúc đẩy các cuộc đàm phán và các bên tham gia vào tiến trình này, đặc biệt với sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại New York, tác giả bài báo trên Geo Political Monitorbình luận.
Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu cho thành viên không thường trực vào tháng 6/2019.
Các ứng viên được chọn bởi một trong năm khu vực địa lý. Việt Nam thuộc nhóm 54 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã nổi lên từ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) năm ngoái, khi đón tiếp thành công lãnh đạo các nước như Donald Trump, Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Trong ba thập niên qua, Hà Nội đã nhận được sự công nhận toàn cầu như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hà Nội đã thuận theo các cơ chế thị trường, đưa đến hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vẫn theo bài báo trên Geo Political Monitor.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đạt được sự hội nhập lớn hơn với hệ thống kinh tế quốc tế, chẳng hạn như trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Tháng 10/2007, Việt Nam được bầu lần đầu tiên là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đã được Hoa Kỳ ca ngợi vì những đóng góp tích cực và sự hợp tác chặt chẽ đối với các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố", ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Úc, cho hay.
Sự hiện diện của Thủ tướng Phúc tại LHQ gửi một thông điệp rõ ràng tới Hội đồng Bảo an rằng Hà Nội cam kết hợp tác với ASEAN trong việc chủ động thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, cũng như tăng cường môi trường hợp tác và hữu nghị trong khu vực.
Các nỗ lực đáng chú ý của Việt Nam thời gian qua còn bao gồm việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Hoa Kỳ, sự hoà nhập với thế giới mở ra những cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Hà Nội đã trở thành thành viên của ASEAN (1995) và APEC (1998). Hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam được ký kết vào năm 2001.
Việt Nam cũng thông qua "Sáng kiến ​​Một Liêp Hiệp Quốc" năm 2006: một kế hoạch, một ngân sách, một lãnh đạo và một bộ thực hành quản lý.
Hà Nội cũng được đánh giá là đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, mở rộng giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.
Các nhà ngoại giao Việt Nam cũng thuật lại việc đã bảo vệ Myanmar khỏi lệnh trừng phạt trong năm 2008-2009. Kết quả là, Myanmar đã mở cửa cho Việt Nam.
Việt Nam cũng đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan.
Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam được đánh giá là 'người gìn giữ hòa bình'.
Bất chấp việc Trung Quốc quân sự hóa trên những hòn đảo bị tranh chấp ở Biển Đông và liên tục tấn công các tàu cá Việt Nam, Hà Nội đã dựa trên nền tảng ngoại giao, cùng với các nhà ngoại giao cấp cao kêu gọi hòa bình và kiềm chế ở vùng biển tranh chấp, tác giả James Borton viết trên Geo Political Monitor.


No comments:

Post a Comment