Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?
29 tháng 9 2018
Tối 29/8, như mọi khi,
doanh nhân Lê Hoài Anh lại đăng một livestream về bữa tiệc gia đình bà lên tài
khoản Facebook của bà với hơn 300.000 người theo dõi.
Nhưng sang ngày hôm
sau, tất cả mọi thứ biến mất, tất cả những bài viết, hình ảnh và hàng ngàn bạn
bè bà tích lũy trong suốt 6-7 năm qua trên ngôi nhà ảo của mình đã hoàn toàn
bốc hơi.
"Facebook báo là
'Bạn đã bị vô hiệu hóa vì vi phạm quy định cộng đồng'. Tôi thật sự rất buồn và
rất giận vì nó như một tài sản tinh thần của tôi," bà Hoài Anh nói.
'Dân oan Facebook'
Doanh nhân Lê Hoài Anh
là một trong khoảng hàng chục hot Facebooker bị xóa hoặc khóa tài khoản - những
người có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn người theo dõi và chuyên viết những
bài viết về chính trị, xã hội gồm những tên như:
Lê Nguyễn Hương Trà,
Nguyễn Ngọc Chu, Trương Châu Hữu Danh, Hoàng Dũng, Mạnh Kim, Trần Quốc Quân,
Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Trung Quân...
Nhà văn Trần Quốc Quân
ở Warsaw, CH Ba Lan xác nhận với BBC ông bị xoá tài khoản Facebook đã bảy lần.
"Mấy lần trước
BBC đã có bài về vấn đề này, hai hôm sau Facebook vào hộp thư thanh minh và
hướng dẫn. Lần này khóa nick luôn. Tôi đã đăng nguyên thư trả lời của Facebook
trong status mới."
Cũng thường xuyên
tương tác với các Facebooker này, bà Hoài Anh nói bà nhận thấy hầu hết đây là
những người thường xuyên viết bài về vấn đề Luật An ninh mạng, Luật Đặc Khu và
các cuộc biểu tình xảy ra hồi tháng Sáu.
"Tôi có liên hệ
với Help Center (Trung tâm trợ giúp) của Facebook nhưng họ không bao giờ trả
lời. Tôi đã tìm hiểu tiêu chuẩn cộng đồng của họ và tôi thấy tôi không vi phạm
điều nào cả. Tôi chỉ muốn biết tôi đã vi phạm ở bài viết nào, nhưng Facebook
không trả lời."
Nhà hoạt động Hoàng Dũng
thì cho BBC biết anh đã sống chung với tình trạng bị khóa Facebook liên tục hơn
một năm qua.
"Lần cuối tôi bị
khóa Facebook là cách đây 2, 3 ngày, sau khi tôi đăng hình ảnh Phó chủ tịch
UBND Hà Nội đi thăm mấy anh chàng nghiện ma túy và có đăng số điện thoại trên
hình." ông Dũng nói với BBC hôm 28/9. "Tôi bị report là đăng thông
tin cá nhân."
Thủ thuật tố cáo tinh vi, phức tạp
Hoàng Dũng nói ông hay
bị report vì "đã đăng tải thông tin cá nhân".
"Khi viết một bài
viết liên quan đến vấn đề xã hội thì phải có những thông tin đó [email, số điện
thoại] nhưng Facebook không xem xét cẩn thận mà dựa trên số lượng report. Nên
có người đã lợi dụng cái này để tấn công tôi," anh Dũng nói.
Còn trong trường hợp
của bà Lê Hoài Anh, bà phát hiện bà đã bị ba tài khoản bà không hề kết bạn, đưa
bà vào làm quản trị viên của một trang Facebook đăng những hình ảnh ấu dâm mà
bà không hề hay biết.
"Sau đó họ báo
rằng trang đó vi phạm và Facebook đã khóa trang đó và khóa luôn tài khoản của
tôi. Đây là một lỗ hổng của Facebook, khiến một người không phải bạn của tôi
cũng có thể cho tôi vào làm thành viên một nhóm nào đó mà tôi không hay
biết," bà Hoài Anh nói.
Trường hợp của anh
Nguyễn Anh Tuấn còn tinh vi, phức tạp hơn. Anh nói có người đã hack vào tài
khoản của một ca sĩ giống tên, sử dụng hình ảnh của anh và tố cáo anh giả mạo
ca sĩ này; hoặc nói rằng tấm ảnh do chính anh chụp đăng trên Facebook vi phạm
bản quyền.
Âm mưu nào đằng sau?
Bà Hoài Anh và ông
Hoàng Dũng đều nghi ngờ rằng có khả năng Facebook đã thỏa hiệp với chính quyền
Việt Nam trong việc khống chế, 'bịt miệng' giới bất đồng chính kiến.
Bà Hoài Anh nói các
bài viết về chính trị đặc biệt bị nhắm đến, thường xuyên bị ẩn đi hoặc xóa vì
"vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook", còn những bài đăng bình
thường thì không gặp bất cứ vấn đề gì.
Những người theo dõi
bà Hoài Anh cũng nói họ không thấy bài viết bà xuất hiện nhiều trên News Feed
của họ như trước.
Ông Dũng cho biết có
người thừa nhận đã được thuê với giá 500.000 đồng để report (báo cáo) tài khoản
của ông.
Đồng thời, cả hai cũng
không loại trừ khả năng có những doanh nghiệp sử dụng các công ty truyền thông
mạng xã hội để tấn công các tài khoản chỉ trích một doanh nghiệp nào đó.
Bà Hoài Anh nói tài khoản
của bà bị khóa 30 ngày sau khi viết bài bênh vực công ty Con Cưng hôm 10/8.
Facebook nói gì?
Phóng viên BBC đã liên
lạc với đại diện của Facebook tại Việt Nam trong nhiều ngày qua về tình trạng
nhiều tài khoản của những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội Việt Nam bị
khóa.
Facebook đề nghị BBC
cho biết thông tin danh sách các tài khoản bị khóa để Facebook "kiểm tra
lại".
Ban biên tập BBC giải
thích rõ thêm câu hỏi là về cơ chế khóa và xóa tài khoản của Facebook đối với
những cá nhân tại Việt Nam, và liệu Facebook có biết về các nhóm được nhà nước
bảo hộ như Lực lượng 47 hay dư luận viên hay không.
Hiện BBC vẫn chưa nhận
được phản hồi của Facebook.
Giải pháp?
Bà Hoài Anh cho biết
tài khoản cũ của bà đã được mở lại vào chiều hôm qua, tuy nhiên bà không nhận
được bất cứ lời giải thích hay thông báo gì của Facebook.
"Rất nhiều người
bạn của tôi đột nhiên nhắn cho tôi rằng 'Ô chị ơi, em thấy Facebook chị
rồi'," bà Hoài Anh nói.
Tuy vậy bà vẫn không
"hài lòng với cách làm việc của Facebook".
Bà cho biết trước đó
bà đã nhờ nhiều người bạn bên Mỹ, soạn lá thư gửi cho Thượng nghị sĩ Marco
Rubio, trước phiên điều trần trước Thượng viện của Giám đốc hoạt động (COO) của
Facebook Sheryl Sandberg hôm 5/9.
Và cách đây năm ngày
bà cũng viết một lá thư khác gửi đến văn phòng thượng nghị sĩ.
Bà Hoài Anh nói bà
cũng dùng thêm tài khoản mạng xã hội Minds song song với Facebook để lưu giữ
các bài viết.
Tuy nhiên Minds vẫn
chưa có một cộng đồng lớn như Facebook.
"Facebook rất có
thể đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam, vì nó kiếm rất nhiều tiền từ người
dùng Việt, nhất là những người ăn chơi nhảy múa, mua hàng quảng cáo trên các
fanpage. Còn những người viết về chính trị thì không được chú ý nên việc bị tấn
công cũng dễ hiểu," ông Hoàng Dũng nói.
"Mình buộc phải
sống chung, nhưng những tài khoản có tiếng nói thì vẫn nên lên tiếng và thay vì
chỉ share thì những người khác nên copy và đăng toàn bộ tại trên tường của
mình. Đây là cách mình thách thức trước sự tấn công của Facebook," nhà
hoạt động bình luận.
No comments:
Post a Comment