Du
Lịch CuBa
VARADERO,
Cuba - Chuyến bay của hãng hàng không Sunwing - Ðôi cánh mặt trời - đưa
chúng tôi ra khỏi đất nước Canada lạnh cóng trong một ngày giữa mùa Ðông để
sang Cuba ấm áp, trong một chuyến đi tôi tự đặt tên: Chuyến đi “trở về quá
khứ.”
Chiếc
Boeing 737 vừa rời khỏi phi trường Toronto (Canada), hầu như tất cả hành khách
đều vỗ tay và huýt sáo inh ỏi. Người ta sắp được nghỉ ngơi, người ta sắp được
tạm biệt cái lạnh đến - 40 độ C. Và với hầu hết trong số họ: Ngày lễ hội sắp
bắt đầu!
Tôi
thì khác, tôi đang “đi về quá khứ,” tôi đi tìm lại hoài niệm, về một giai đoạn
mà tất cả những ai kẹt lại Việt Nam sau 1975 đều đã trải qua. Cuba là một trong
vài quốc gia xã hội chủ nghĩa còn sót lại đến nay, vẫn là “bao cấp,” vẫn là
“khẩu hiệu.” Quyền của người dân ư? Vâng, người dân còn được một quyền, duy
nhất: Quyền xưng tụng và ca ngợi lãnh đạo.
Suốt
3 tiếng rưỡi trên máy bay, nhìn qua cửa sổ, thấy phía dưới toàn những quầng
sáng nối dài vô tận như sao sa. Tôi hiểu, đó là ánh sáng khu đô thị dân cư, và
máy bay sẽ bay suốt trên không phận từ phía Bắc đến cực Nam nước Mỹ để đến với
nơi được mệnh danh “Hòn đảo Tự do,” cái tên đôi lúc trở nên một sự mỉa mai,
giễu cợt... Chợt nhớ một chiều cuối năm 2008, tôi đứng tần ngần trước tấm bia
bằng đồng đơn sơ, tưởng niệm những người Cuba bỏ mình trên con đường rời bỏ
“Hòn đảo Tự do” để đến với “xứ sở Tự do,” trong lòng dấy lên cảm giác xót xa,
mắt cay xè khi liên tưởng đến điểm tương đồng của định mệnh lịch sử giữa người
Cuba và người dân nước tôi.
Từ
nơi tôi đứng lúc đó - Key West, cực Nam nước Mỹ - sang Cuba chỉ chưa đến 100
hải lý, người dân địa phương nói những ngày biển yên, sóng lặng có thể thấy
hình dáng Cuba bằng mắt thường mà không cần dùng đến ống dòm. Tôi đứng bất
động, nhìn mông lung vô định về phía Cuba... Không thấy gì cả ngoài những cánh
hải âu chấp chới trên những cơn sóng bạc đầu trong hoàng hôn... Cuba thật gần
sao mà xa vời đến thế! Rồi tôi phải chờ đến 5 năm sau để chạy ngược lên cực Bắc
nước Mỹ, chỉ để thực hiện được ước mơ của mình: Ðặt chân lên mảnh đất huyền
thoại, đầy ắp lãng mạn mà cũng đầy ắp mâu thuẫn.
Máy
bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế Varadero lúc 2 giờ sáng giờ địa phương
(trùng với giờ miền Ðông nước Mỹ). Varadero là địa danh du lịch nổi tiếng ở
Cuba, cách thủ đô La Habana gần 150 km. Du khách đến nơi, đi thẳng vào bên
trong qua một đường ống áp sát cửa máy bay nối vào “Gate.” Trong trí tưởng
tượng của tôi thì Cuba nghèo và lạc hậu lắm, chắc hành khách sẽ phải đi bộ lếch
thếch, xách hành lý từ máy bay xuống băng qua phi đạo để vào, hoặc sang hơn thì
được xe bus chở đi. Hóa ra còn hơn phi trường Long Beach nơi tôi hay đi!
“Giấy
thông hành” cho du khách đến Cuba.
Nơi
làm thủ tục nhập cảnh cũ kỹ, nhếch nhác như phi trường Tân Sơn Nhất của Việt
Nam vào đầu những năm 90s. Các bục làm thủ tục hải quan nằm sát nhau, được che
chắn kín mít bởi thứ ván ép rẻ tiền. Hành khách đứng xếp hàng không thể nhìn
thấy các nhân viên hải quan và di trú ngồi bên trong.
Kiểm
tra visa và passport của tôi là một cô sĩ quan da đen rất mập. Biết tôi đến từ
Mỹ, cô hỏi vặn vẹo bằng tiếng Anh rất chuẩn, đại khái: Ðã từng ở Mỹ bao lâu?
Làm gì? Hình như không hài lòng với câu trả lời của tôi, cô với tay lấy điện
thoại nội bộ, gọi đi đâu đó, rồi cúi xuống nhìn vào passport của tôi, rồi lại
nhìn lên, nói lau láu bằng thứ tiếng Spanish tôi không thể nào hiểu nổi. Bỏ
điện thoại xuống, cô lặp lại những câu hỏi cũ. Tôi bắt đầu mất bình tĩnh, đáp
trả: “Tôi làm gì ở Mỹ đâu liên quan gì đến cô?” Cô ta nhìn tôi, thoáng ngạc
nhiên, rồi đột nhiên hỏi về bảo hiểm y tế! Tôi trả lời đã mua rồi và được yêu
cầu trưng bằng chứng. Tôi liền cái điện thoại “smartphone” ra, tính mở email
đưa cho cô ấy xem “Insurance Confirmation” mà hãng bảo hiểm gửi cho tôi. Nhưng
số điện thoại ở Mỹ của tôi lại không “roaming” được ở đây nên không có
internet. Khi hơi hoảng: “Ôi, mình đang lạc vào xứ sở nào thế này?” Tôi ấp úng
giải thích, rằng đã mua rồi nhưng do không có Internet nên tôi không thể đưa
cho cô xem. Cô sĩ quan khoát tay chỉ ngược lại phía sau bảo tôi đi mua bảo hiểm
rồi quay lại.
Bối
rối quay lui thì đã có một người địa phương đứng chờ sẵn, dắt đến bàn bán bảo
hiểm, nơi có một số hành khách đang đứng lố nhố vây quanh. Ðang sẵn bực mình,
tôi hơi lớn tiếng: “Tôi đã mua bảo hiểm rồi khi mua tour đến đây, sao lại bắt
tôi mua nữa?” Cô gái Cuba ngồi ở bàn bán bảo hiểm ngước lên nhìn tôi, từ tốn
trả lời: “Ông mua rồi thì có thể đi, không phải mua bảo hiểm thêm lần nữa!”
Thái độ nhã nhặn của cô gái làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa xấu hổ bởi sự nóng nảy
của mình. Tôi quay lại nơi làm thủ tục nhập cảnh, nhưng chọn một sĩ quan khác.
Cô này lại hỏi tôi những câu hỏi giống hệt như cô đầu tiên: Ở Mỹ bao lâu? Làm
gì? và rồi lại nhấc điện thoại lên gọi đi đâu đó. Tôi bắt đầu hoang mang, tự
hỏi: “Chẳng lẽ mình phải quay lại Canada?” May mắn sao, cô sĩ quan nở một nụ
cười, đóng dấu vào tờ visa, kèm theo lời chúc: “Welcome to Cuba! Have a nice
time.”
“Ðiện
Capitol” ở La Habana. Những chiếc xe “Hoa Kỳ” thời thập niên 50s vẫn còn ngự
trị trên đường phố nơi đây.
Niềm
vui không kéo dài được lâu. Tới trạm hải quan (Custom Clearance), tôi lại bị
kiểm tra rất kỹ. Túi đeo lưng bị cho vào máy soi, soi đi, soi lại, rồi bị ra
lệnh lấy hết đồ đạc ra. Nhân viên hải quan cầm cái đây AC Adapter charge điện
thoại của tôi cùng cục battery chuyền tay nhau săm soi thật kỹ, xong bỏ riêng
vào một cái khay, lại cho vào vô máy soi. Sau đó họ hỏi tôi dùng những thứ này
để làm gì. Tôi bèn cắm cục battery dự trữ vào điện thoại rồi chỉ tín hiệu trên
màn hình điện thoại cho họ xem. Quá nhiều “thủ tục,” tôi gần như là hành khách
cuối cùng trong chuyến bay được nhập cảnh Cuba hôm đó. Thật sự, tôi cảm thấy
thật khó chịu khi được “đón tiếp chu đáo” đến như vậy!
Về
đến khách sạn thì trời đã sáng bửng, tôi lăn ra ngủ. Sáng ra, lục tung cả phòng
để tìm cuốn hướng dẫn các dịch vụ của khách sạn. Không thấy cuốn nào. Tôi đành
xuống quầy tiếp tân, hỏi số điện thoại của một khách sạn “5 sao,” khác cũng ở
trong vùng Varadero này. Cô tiếp tân lôi ra một cuốn sổ dày cộm, cong mép, sờn
gáy, chi chít những dòng chữ viết tay bằng đủ thứ màu mực, gạch xóa lung tung
rồi lật từng trang để tìm.
Trong
lúc cô lúi húi dùng ngón tay dò từng chữ, tôi đảo mắt quan sát và suýt nữa phải
kêu lên kinh ngạc: Bảng dự báo thời tiết trong tuần ở Varadero được in trên một
nửa miếng giấy A4 bị xé góc nham nhở đặt bên cạnh tấm bảng thông báo giờ “check
in” và “check out.” Khách sạn 4 sao mà nơi tiếp tân không có lấy một bảng dự
báo thời tiết cho đàng hoàng, cũng không có lấy một bản đồ địa phương, hoàn
toàn không có cuốn sách hướng dẫn du lịch nào hết... Nothing!
Cuba
thu hút du khách bởi cảnh thơ mộng, yên bình. Một tiềm năng du lịch còn gần như
nguyên vẹn.
Khi
được cô tiếp tân đưa cho mảnh giấy ghi nguệch ngoạc thông tin của khách sạn 5
sao mà tôi cần, tôi ra chỗ điện thoại đặt trong quầy tiếp tân, quay số. Quay
hoài nhưng không ai trả lời, đành gọi thẳng vào số điện thoại di động cho người
bạn từ một nước khác cũng vừa đến Cuba. Nói thật nhanh, cúp điện thoại thật
nhanh, quay lại quầy tiếp tân trả tiền. Tôi không tin vào tai mình khi nghe cô
gái báo giá 20 CUC (đồng tiền chuyển đổi Cuba-Cuban Convertible Peso), khoảng
$25 Mỹ kim, cho... 3 phút điện thoại.
“Rẻ”
hơn điện thoại một chút là Internet. Tôi mua một card 10 CUC (khoảng $13) cho 1
giờ đồng hồ sử dụng dịch vụ Internet của khách sạn. Nhưng khi vào phòng
Internet thì cả 3 cái máy điện toán hiệu Dell chỉ có 2 cái sử dụng được.
Internet dùng “dial up” loại cũ nên chậm như rùa bò. Ðang quen dùng Wifi, 3G,
4G... tôi gần như nổi quạu khi mở hoài không được một website, đừng nói gì vào
Facebook hay Youtube.
Thất
vọng với Internet, tôi trở về phòng của mình, chợt nhận ra chiếc gương thủy
tinh bao quanh thang máy bị vỡ lỗ chỗ, trên trần hành lang khách sạn mang danh
4 sao đọng nước, tụ thành từng giọt có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, những cánh
cửa phòng được sơn cẩu thả như trong ký túc xá của sinh viên. Bathroom trong
phòng thì không có tấm màn chắn bồn tắm. Mỗi khi tắm, nước bắn tung tóe, ướt
đẫm sàn... Nói chung nhìn quanh đâu cũng thấy... tiêu cực. Cuba của thực tại u
ám khác hẳn với cảm xúc khi còn ngồi trên máy bay.
Cuba:
'Thiên đường' và 'thế giới thật' (kỳ 2)
Bài
và hình: Misha Ðoàn
VARADERO,
Cuba - Varadero là dải đất hẹp vươn dài ra biển. Nơi đây san sát những
khách sạn, resort... dành riêng cho người nước ngoài. Người bản xứ ở đây rất
ít, ngoại trừ người phục vụ trong lãnh vực du lịch. Thu nhập chính của Cuba là
dựa vào du lịch, nên lãnh vực này được đầu tư rất nhiều.
Trong
lúc người dân Cuba vẫn còn phải “thắt lưng buộc bụng,” du khách nước ngoài được
phục vụ như những ông hoàng, đúng nghĩa “khách hàng là Thượng đế.”
Những
khách sạn, resort ở đây hoàn toàn khép kín. Du khách từ khách sạn này qua khách
sạn khác đều bị kiểm tra nghiêm ngặt, còn người bản xứ thì hoàn toàn không được
phép lai vãng, ngoại trừ người làm việc tại đây.
Nếu
bỏ qua những nghèo nàn về trang trí nội thất cùng sự lạc hậu về phương tiện
liên lạc, như điện thoại, Internet... thì những dịch vụ còn lại của khách sạn
đều rất... OK!
Với
khoảng $500 đến $800, tùy thời điểm, người ta có thể mua một tour du lịch từ
Canada đi Cuba trong 1 tuần, bao gồm vé máy bay khứ hồi, khách sạn 4, 5 sao,
bao gồm mọi thứ. Thủ tục mua tour thì rất đơn giản: book online, điền thông tin
cá nhân (tên, họ, credit card), không cần khai ngày sinh, quốc tịch, số
passport. Thậm chí không có cả Voucher nữa, khi ra sân bay “check in,” chỉ cần
đưa “confirmation number” ra, lấy boarding pass rồi... leo lên máy bay. Ðến
Cuba, cũng chỉ cần nói tên khách sạn là được đưa lên xe bus chở về đến nơi.
Visa được cấp trên máy bay, du khách tự điền thông tin vào, rất sơ sài: Họ tên,
ngày sinh, số passport, quốc tịch (nhưng nhớ điền cho đúng; lỡ điền sai, muốn
lấy mẫu đơn visa khác, phải trả thêm $20 tiền Canada). Có lẽ vì giá rẻ như vậy
nên các chuyến bay từ Canada sang Cuba luôn đầy ắp hành khách, bất cứ thời điểm
nào trong năm.
Giới
trẻ trong vũ trường. Nơi đây, nhiều thiếu niên 17, 18 tuổi từ các quốc gia văn
minh đến uống rượu thả giàn.
Ðiều
thú vị ở Cuba là khách sạn phục vụ ăn uống suốt 24 giờ trong ngày. Ba bữa chính
là sáng, trưa, tối, theo hình thức buffet. Thức ăn ê hề, từ lobster, cá salmon,
thịt thỏ, đến mì Ý, salad kiểu Nga, thịt cừu nướng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ... Ngoài ra,
nếu đói bụng không đúng giờ của ba bữa chính, cứ việc chạy xuống bất cứ quán
bar nào, kêu thức ăn là có ngay, cho dầu thực đơn “nghèo” hơn, chỉ là steak
hoặc hambuger. Khát nước? Bất cứ lúc nào! Tha hồ uống! Các quán bar mở cửa
24/24, không nghỉ một phút. Tại các quán bar, bạn có thể uống bất kỳ loại nào,
không hạn chế, từ cà phê Capuchino, nước trái cây ép, đến bia, cocktail, rượu
rhum, vodka... Nếu không muốn ngồi bar ồn ào, bạn có thể mang ly của mình xuống
bar, nói người phục vụ rót đồ uống vào rồi mang đi bất cứ nơi nào bạn muốn.
Thậm chí bạn có thể nằm dài ở bãi biển, gọi nhân viên mang thức uống đến. Wow,
không gì sướng bằng nằm ngắm hoàng hôn với ly cocktail Mojito - gồm Rhum,
chanh, soda, bạc hà... - nghe tiếng sóng biển Caribe vỗ rì rào. Thiên đường
chẳng ở đâu xa!
Bãi
biển Cuba rất đẹp, cát trắng mịn thủy tinh, nước biển trong vắt, lấp lánh nhiều
sắc màu, xanh nhạt, xanh đậm... Trên bãi biển, du khách nằm phơi nắng hoặc đánh
bóng chuyền. Có người học nhảy điệu Salsa theo sự chỉ dẫn của dân địa phương
sành sỏi nhiều ngoại ngữ, Anh, Nga, Tây Ban Nha... Dưới nước, người người bơi
lội, lướt ván, đu diều, nhảy múa, những cánh buồm Kayak sặc sỡ dập dờn trên
sóng nước. Biển, trời hòa làm một, thành bức tranh đẹp đến không thực.
Buổi
tối, các ban nhạc chơi đủ loại, từ blue đến Pop, Rock... dân tình uống lai rai
vài ba sợi, dìu nhau ra sàn lả lướt theo giai điệu Flamenco hoặc Chachacha...
Giới trẻ thì kéo nhau vô Discotheque, vừa cầm bia rượu tu liên tục, vừa nhảy
nhót trong tiếng nhạc đập đinh tai giữa ánh đèn màu chấp chới...
Ở
đây dường như du khách được sống theo... bản năng. Có nghĩa là chẳng còn ràng
buộc nào cả, về đạo đức cũng như về luật pháp. Tôi hay đi “night club” với một
nhóm bạn trẻ, khoảng 17-20 tuổi, đến từ Canada. Tuổi này, theo luật Canada,
chưa được phép uống bia rượu. Thế nhưng ở Cuba thì có thể uống từ sáng cho đến
khuya! Khách hàng trẻ, cởi trần trùng trục, vô sàn nhảy nhót rồi cặp nách những
con búp bê kích thước to bằng người thật, khỏa thân, làm bằng silicon, vô bar
ngồi ngật ngưỡng với ly rượu... Có cặp phụ nữ, cỡ trên 70, cặp kè với một chàng
trai da nâu bắp thịt cuồn cuộn bằng tuổi cháu ngoại. Hai bà đến Cuba nhiều lần
rồi, ghé tai tôi nói nhỏ: “Trai bao bản xứ!”
Du
khách đến Cuba từ khắp nơi. Nga có, Châu Âu có, Mỹ có... Nhiều nhất có lẽ là
Canada. Chuyến bay của tôi hầu hết là người Canada. Họ bắt đầu uống rượu từ
trên máy bay, và khi lên xe bus ở Cuba, lại mua uống tiếp. Tôi hơi ngạc nhiên
vì cứ nghĩ chỉ dân Nga mới uống nhiều thôi chứ dân Bắc Mỹ rất nghiêm túc, đạo
mạo. Tôi đã lầm!
Có
dịp nói chuyện với một thanh niên Nga, đến từ Moscow. Anh này, loại “nhà giàu
mới nổi,” cho biết đi vé “Business Class,” ở khách sạn 5 sao cho 2 tuần, chi
hết $10 ngàn. Tay này thuộc loại tay chơi có hạng. Miệng lúc nào cũng ngậm
“cây” cigar, mỗi cây giá 47 CUC (khoảng $55), rít chừng nửa điếu thì quăng, đi
mua “cây” khác. Lúc đã say say, anh này tâm sự: “Chỉ sang đến đây mới thật sự
được nghỉ ngơi. Nghĩ cảnh quay lại Nga mà ớn vì bao công việc đang chờ. Mà
thôi, hưởng thụ đã, Cuba quả thật là... thiên đường.”
Khách
hàng trẻ, nhảy nhót rồi cặp nách những con búp bê bằng silicon, vô bar ngồi
ngật ngưỡng với ly rượu.
Dân
Canada còn lạ hơn nữa: Qua đến Cuba rồi mà vẫn còn phân biệt là... Quebec hay
Canada. Chẳng hạn, trong những cuộc trình diễn thời trang do khách sạn tổ chức,
và người mẫu là... du khách, khi người dẫn chương trình hỏi: Where are you
from? Người tham dự trả lời Russia, France, Canada... Có lần, có một người nhất
định trả lời: “From Quebec!” Trong đám bạn trẻ đi chơi cùng, có lúc tôi vô tình
hỏi: “Are you from Canada?” Câu trả lời là: “Nope! I'm from Quebec.”
Nói
chung, sang đến Cuba, du khách dường như thoát ra được cuộc sống thường nhật,
nơi con người phải gồng mình lên để chạy theo cho kịp nhịp sống hiện đại, với
bao nỗi lo toan cơm áo, gạo tiền; rồi phải theo kịp sự thay đổi chóng mặt của
thiết bị điện tử, như điện thoại, máy tính tablet, computer, và cả... quần áo.
Ở đây, ở xứ Cuba này, không có cảnh mọi người cắm mặt vào màn hình smartphone,
không có Skype, không có Viber, cũng chẳng có iCloud... Tất cả bỏ lại sau lưng!
Chỉ có nắng vàng, biển xanh, cát trắng, điệu nhạc Flamenco sôi nổi, điệu nhảy
Salsa bốc lửa, chỉ có rượu bia như suối và những cuộc vui kéo dài tưởng như vô
tận. Ở đây, ranh giới giữa ngày và đêm tưởng như không còn tồn tại.
Thế
nhưng, “thiên đường” chỉ gói gọn trong khuôn viên của khách sạn, resort mà du
khách ngoại quốc đang trú ngụ mà thôi. Muốn khám phá cuộc sống thật của đất
nước Cuba? Hãy bước ra khỏi khu resort dành cho người nước ngoài.
“Thế
giới thật” hoàn toàn khác với “thiên đường.” Chỉ cách nhau có vài bước chân.
“Thế giới thật” ấy, cái giá cho sự khám phá hoàn toàn không rẻ.
Người
Cuba 'đói sạch, rách thơm' (kỳ 3)
Bài
và hình: Misha Ðoàn
VARADERO,
Cuba - Thời tiết Cuba Tháng Giêng thật lý tưởng, khoảng 20 đến 23 độ C.
Thuê một chiếc Scooter hiệu SYM của Taiwan với giá 30 CUC (khoảng $38) một
ngày, tôi bắt đầu lang thang từ Varadero xuyên qua thủ phủ Mantazas để đến thủ
đô La Habana cách khu resort 150 km.
Ðường
sá Cuba rất tốt, ngoài sự tưởng tượng của tôi về một đất nước bị coi là nghèo
nàn bởi chính sách khép kín của nhà cầm quyền cũng như chính sách cấm vận của
Mỹ. Những con đường thênh thang không ổ gà uốn quanh, ôm lấy bờ biển, vươn dài
xuyên qua những khu dân cư màu sắc sặc sỡ. Tốc độ được phép chạy tối đa ở đây
là 100 km/giờ. Số lượng xe lưu thông trên đường không nhiều lắm, chủ yếu là xe
hơi, xe bus, thi thoảng có những chiếc xe ngựa gõ móng lóc cóc trên đường, âm
vang y hệt miền Tây Việt Nam.
Xe
hơi riêng chủ yếu là xe Mỹ, sản xuất khoảng thập niên 50s trở về trước. Thứ đến
là xe Lada của Liên Xô cũ, Fiat của Ý, Renault của Pháp, Huyndai, Kia của Hàn
Quốc... Thỉnh thoảng cũng bắt gặp những chiếc BMW hoặc Mercedes đời mới phóng
vù qua. Xe máy (scooter) và xe đạp rất hiếm, chủ yếu là do dân du lịch và dân
thể thao sử dụng chứ không phải là phương tiện giao thông chính. Chính vì vậy
mà đường phố ở Cuba sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp. Hoàn toàn không có cảnh kẹt
xe, giao thông hỗn loạn như ở Việt Nam hoặc ở các nước đang phát triển khác.
Thủ
đô La Habana từ xa nhìn vào tráng lệ và cổ kính không khác gì những thành phố
Mỹ và Châu Âu. Và khác với sự hình dung trong tôi, Cuba có rất nhiều cây bàng
phơi lá đỏ, lãng mạn, nhìn giống miền Bắc Việt Nam. .
Tôi
ghé lại một cửa hàng ven đường gần thủ phủ Mantazas. Một số người bản xứ đứng
túm tụm trước một quầy hàng được chắn bằng những song sắt. Tôi cũng đứng cùng
họ, mua một chai bia Cuba hiệu Crystal mát lạnh, giá 1 CUC (khoảng $1.25). Bia
ngon, thậm chí theo tôi còn ngon hơn cả Heineken quá quen thuộc đến nhàm chán.
Nhìn tôi nốc bia, những người Cuba mỉm cười thân thiện và giơ ngón tay cái lên
với ý muốn nói là “OK.” ..
Khi
tôi tò mò ngắm nghía một chiếc xe hơi không rõ loại gì và sản xuất năm nào,
người chủ xe đi tới, đưa cho tôi chìa khóa rồi lấy tay làm động tác vặn vặn vô
lăng. Tôi hiểu ông ấy cho tôi lái thử xe. Thế là tôi chui tọt vào trong. Nội
thất xe trần trụi, ghế rách nát, lòi cả lò xo kim loại, bảng báo hiệu các thông
số kỹ thuật của xe đã bể gần hết, dây điện thì nối chằng chịt... Vậy mà, cho
chìa khóa vào, vặn máy, xe nổ phành phạch như cánh quạt... máy bay trực thăng.
Vừa thích thú vừa sờ sợ, tôi sang số, đạp ga và... xe chạy! Ngập ngừng, thận
trọng, tôi lái xe chạy ra đường rồi từ từ nhấn hết ga. Gió rít phần phật bên
tai, vừa giữ vô lăng tôi vừa phấn khích hét lên: “Guantanamera...” Tuy nhiên,
không dám mạo hiểm, tôi chạy khoảng chưa tới 1 km rồi quay lại và thấy cả đám
người đứng lố nhố chờ giơ tay chỉ về phía xe tôi đang trờ tới. Dân Cuba dễ tin
thật, giao xe cho một người lạ không biết gốc tích.
Một
ban nhạc trên đường phố. Cuba nổi tiếng về âm nhạc sôi động, trữ tình và lãng
mạn.
Xe
dừng lại, ông chủ xe chạy tới mở cửa xe cho tôi, vỗ vỗ vai tôi rồi chỉ vào vô
lăng, nháy nháy mắt. Tôi giơ hai ngón tay hình chữ V lên, rồi dang tay ôm lấy
ông ấy, cả hai vỗ tay vào lưng nhau và ngoác miệng cười sảng khoái. Ðám đông
đứng quanh cũng cười và giơ ngón tay cái lên. Từ giây phút đó tôi bắt đầu có
cảm tình đặc biệt đối với dân Cuba, những con người thân thiện, chất phác, và
dễ tin.
Tôi
lục ba lô lấy ra một số thanh kẹo chewing gum. Tôi tặng mỗi người một cây. Họ
nhoẻn miệng cười thay lời cám ơn và săm soi những dòng chữ tìm xem được sản
xuất tại đâu. Tôi tặng thêm người chủ xe một tờ $2 mới cứng.
Ông
đưa lên về phía mặt trời, ngắm nghía rồi hồn nhiên hôn tờ tiền màu xanh, mỉm
cười mãn nguyện.
Trong
lúc tôi đang quây quần với những người bản xứ thì một cô gái da đen tiến lại,
đề nghị với tôi bằng thứ tiếng Anh khá chuẩn: “Anh cho em mượn chiếc xe của anh,
chạy chút được không?” Tôi quay sang hỏi người bạn đi cùng thì nhận được cái
lắc đầu vì sợ cô ấy... chạy luôn. Thuyết phục người bạn là người ta còn dám
giao cho mình “gia tài khổng lồ” là cả chiếc xe hơi trong khi đây chỉ là chiếc
xe máy, người bạn vẫn ngần ngại. Trong chớp nhoáng, tôi quyết định cho cô ấy
mượn chiếc scooter, cô ấy lái, và tôi ngồi phía sau.
Cô
gái bật khóa mở máy xe, chạy loạng choạng ra đường lớn, rồi vặn tay ga hết cỡ,
phóng nghênh ngang giữa đường. Vừa lái, cô vừa phấn khích hét lên bằng tiếng
Spanish mà tôi chỉ nghe được mấy từ “A, a, a...” Tôi ngồi sau, dạng hai chân
trong tư thế chuẩn bị chống nếu bị té, tay đập lên vai cô gái và hét: “Slow
down, please!” Khi cô gái vòng quay trở lại, tôi phải nhoài người lên giơ tay
bóp thắng bởi thấy xe hoàn toàn không có ý định giảm tốc độ. Cô xuống xe, líu
ríu nói gì với đám bạn và một cô khác lại tiến tới đề nghị được thử. Và tôi lại
phải làm người hướng dẫn bất đắc dĩ. Tất cả lặp lại như cũ, xe loạng choạng
phóng hết ga, tiếng kêu phấn khích “A, a, a...” và màn nhoài người ra trước...
bóp thắng. Chia tay những con người thân thiện, tự nhiên trong tôi trỗi dậy sự
thương cảm và chút xót xa cho họ; những cô gái thích thú, hồn nhiên, và bày tỏ
hết ra bên ngoài khi... lần đầu được lái xe “gắn máy.”
Thật
sự mà nói, trước khi tới Cuba, tôi cứ hình dung là người dân xứ này nhếch nhác,
đói nghèo, mang hình của người Việt Nam thời thập niên 80s, hoặc mang vẻ mặt
khắc khổ, thiếu thốn của dân Liên Xô đầu thập niên 90s. Sang đây rồi, tiếp xúc
với họ, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Người
Cuba ăn mặc rất đẹp, rất đàng hoàng khi ra đường, hoàn toàn không có vẻ rách
rưới hay luộm thuộm của sự thiếu thốn. Khuôn mặt người Cuba cũng luôn rạng rỡ,
ít thấy ưu phiền. Có lẽ do dòng máu Caribe chạy trong huyết quản chẳng? Họ sống
vô ưu, thích âm nhạc và chuộng lễ hội. Cuộc sống Cuba chậm nhưng sôi động.
Ngoài đường phố, thi thoảng lại thấy những ông già ngồi thổi kèn, những chàng
trai ngồi chơi guitar, quanh họ là đám đông nhún nhảy theo điệu nhạc. Sự thiếu
thốn về vật chất dường như không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống tinh thần; hay
họ đã cam chịu đến mức bình thường?
Ðiều
mà tôi kính trọng là sự cởi mở và trung thực của họ. Một lần, nằm trên bãi
biển, tôi thấy một số người bán hàng rong đi qua. Tôi gọi một người lại, hỏi
mua mấy món đồ kỷ niệm, nhưng sực nhớ không mang theo tiền nên nói sẽ mua sau.
Người bán hàng nói tôi cứ cầm lấy rồi cho biết khi nào có thể quay lại để nhận
tiền. Theo tôi về khách sạn nhận tiền thì không được vì người Cuba không được
phép vào nơi lưu trú của người nước ngoài, để “làm tin,” tôi cho người bán hàng
rong tên khách sạn và số phòng tôi trú ngụ. Ông xua tay bảo không cần. Ông nói:
“Tôi tin ông.” Cảm động vì sự tin tưởng ấy, tôi trở về khách sạn ngay, lấy tiền
để trả cho món hàng. Thú thật, tôi nghĩ rằng đức tính trung thực của người Cuba
thì người Việt Nam mình còn lâu mới có được!
Một
lần khác, vào một nhà hàng nổi tiếng ở La Habana mang tên La Casa, tôi xem
những tấm ảnh treo trên tường mới biết gia đình Kennedy từng ăn ở đây, và báo
The New York Times từng có bài viết về nhà hàng này. Ăn xong, tôi ra ngoài đi
dạo và chụp ảnh. Một lát sau thấy người tài xế taxi cùng cô waitress hớt hải
chạy đi tìm. Thì ra, tôi để quên túi xách ở quán nên cô đi tìm để trao lại. Tôi
nhận lại túi xách, vừa mừng vừa run bởi bên trong, ngoài tiền mặt còn có
passport và vé máy bay trong khi chỉ vài tiếng đồng hồ nữa tôi đã phải bay về
lại Canada. Thật tình, nếu không có sự trung thực của người làm việc trong
quán, chưa biết số phận của tôi sẽ ra sao.
Xe
ngựa lóc cóc gõ móng trên đường, gợi nhớ âm thanh miền Tây Nam Bộ.
Người
Cuba hồn nhiên, phóng khoáng, trung thực và... hài hước. Lang thang trong khu
phố cổ La Habana, tôi gặp một người đàn ông đẩy chiếc xe đạp treo cờ sặc sỡ
cùng hai con chó đội mũ, đeo kính ngồi trên. Thấy tôi thích thú chụp ảnh, ông
dừng xe, kéo tôi lại và bảo ôm 2 con chó còn ông lấy chiếc cell phone của tôi
chụp ảnh giùm. Chụp xong, ông quay lại làm hề với mấy con chó, mấy con chó được
huấn luyện nên cũng làm những động tác ôm hôn, ngã người, vỗ tay... Rồi đột
nhiên ông rút ra một khẩu súng lục nhựa chĩa về phía tôi, lớn giọng: “America,”
hai con chó đồng loạt nhe răng ra nhìn tôi gừ gừ, rồi sủa ầm lên. Ðám đông vây
quanh cười ngả nghiêng, vỗ tay rào rào! Tôi rút ra tờ $2 tặng ông và nói, “Ðây
không chỉ là tiền! Ðây là niềm may mắn sẽ tới với ông!” Ông nhận tiền, cúi đầu
cám ơn.
Người
Việt Nam ta có câu: “Giàu sang, nghèo hèn.” Ðiều này không hẳn đúng với người
dân Cuba. Tuy phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn bởi chế độ chính trị, người
Cuba vẫn giữ được sự lạc quan, thư thái, trung thực. Ðiều này thể hiện từ trong
lối sống, cách ăn mặc và những xử sự thường nhật. Ðối với người Cuba, câu ngạn
ngữ “Ðói cho sạch, rách cho thơm,” theo tôi, đã khắc họa tính cách họ rõ nét và
chính xác nhất.
Lãnh
đạo Cuba 'ăn đứt' Việt Nam (kỳ cuối)
VARADERO,
Cuba - Những khi đi dạo trên phố cổ La Habana, tôi có cảm giác như được
xem đoạn phim đen trắng quay chậm, đưa mình về thế giới xa xưa của gần cả thế
kỷ trước. Kiến trúc Cuba mang phong cách Châu Âu với những tòa nhà cổ đặc trưng
trường phái Tây Ban Nha thuộc địa xen lẫn với những tòa nhà đúc bê tông vuông
vức hình khối mang đậm dấu ấn thời Liên Xô. Rồi những chiếc xe hơi cũ kỹ, những
cửa hàng “mậu dịch quốc doanh” trống trơn, những hàng người xếp hàng mua thịt ở
những “chợ nông trường...” làm tôi liên tưởng đến thời “bao cấp” xa xưa ở Việt
Nam hay giai đoạn “trì trệ” trước Perestroika (tái kiến trúc) ở Liên Xô cuối
những năm 80 của thế kỷ trước.
Quá
khứ không phải lúc nào cũng đẹp nhưng người ta luôn nhớ đến, bởi nó đã xa,
không bao giờ trở lại. Thật lòng, bên cạnh sự ngưỡng mộ đức tính của người
Cuba, tôi thương cảm và xót xa cho họ.
Những
người ngoại quốc đến Cuba thường thích thú khi thấy những chiếc xe từ thập niên
50 trở về trước vẫn chạy bon bon ngoài đường. Tất nhiên không phải dân Cuba ưa
chuộng xe cổ mà là vì họ không còn chọn lựa nào khác. Xe hơi đối với người dân
Cuba là một gia tài khổng lồ. Mà không phải cứ có tiền là có xe hơi bởi việc
mua xe hơi là cả một vấn đề phức tạp. Phụ tùng xe hơi cũng rất hiếm, nhất là vỏ
xe - điều mà tôi không thể nào hiểu nổi. Khi đi thuê xe - khoảng gần $150/ngày,
loại compact, bảo hiểm mọi thứ, trừ... vỏ xe. Nghĩa là, nếu vỏ xe bị hư thì bạn
phải tự bỏ tiền túi ra sửa, để đền.
Tôi
đã ngạc nhiên khi thấy dòng người chủ yếu là giới trẻ xếp hàng dài dưới trời
nắng chang chang để mua “card internet” rồi sau đó xếp hàng tiếp để vào phòng
sử dụng Internet. Và người dân Cuba vẫn nhẫn nại chấp nhận dù Internet ở đây
vẫn dùng loại “dial up” chậm như rùa bò. Tôi không nghĩ rằng vì bị cấm vận nên
Cuba bị lạc hậu trong lĩnh vực Internet mà có lẽ đây là một chính sách của nhà
nước hòng ngăn chặn bớt sự tiếp cận thông tin đa chiều của người dân trong thời
đại “thế giới phẳng” ngày này.
Tôi
cảm nhận một điều nữa, dù cuộc sống bề ngoài của dân Cuba lạc quan và sôi động,
vẫn còn rõ ràng một trạng thái tù túng vô hình nào ngự trị đâu đây.
Nhưng
mặt khác, cũng phải thừa nhận sự cởi mở về chính trị tại Cuba so với một số
nước còn mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa khác, trong đó có Việt Nam. Ði qua một
quảng trường ở La Habana, tôi thấy một đám đông tụ tập có vẻ đang tranh cãi với
nhau về một vấn đề gì khá gay gắt. Hỏi cô gái bản xứ đi cùng thì được biết hàng
ngày người dân tập trung tại đây, thảo luận những vấn đề quan tâm chung, có thể
là quan điểm trái ngược với chính phủ, thậm chí chỉ trích cả Fidel Castro.
Chính quyền không can thiệp hay cấm đoán.
Trước
khi sang Cuba, tôi cứ ngỡ cả Cuba ngập tràn trong những khẩu hiệu “Cách Mạng.”
Thực tế không như vậy. Ði cả La Habana, qua nhiều địa điểm chính, tôi chỉ thấy
một biểu ngữ lớn là mang tính “chính trị.” Người bạn đi cùng nói đã có rất
nhiều đổi thay bởi cách đây chưa tới 10 năm, những biểu ngữ “Ðả đảo Bush, đả
đảo Ðế quốc Mỹ” vẫn còn giăng khắp thủ đô. Ở Varadero, tôi thấy duy nhất một
tấm biểu ngữ lớn có mang hình Che Guevara, không thấy ảnh Fidel đâu cả. Cứ ngỡ
chỉ khu du lịch dành riêng cho khách nước ngoài mới không có chuyện chính trị,
lên đến La Habana cũng chỉ thấy chủ yếu hình ảnh Che Guevara.
Một
“cửa hàng quốc doanh” trống rỗng giữa trung tâm La Habana.
Trung
tâm La Habana có những tòa nhà hoang phế, cửa sổ mở toang xập xệ, cửa chính
được khóa bởi những dây xích sắt hen gỉ. Người bạn cùng đi cho biết chủ nhân
thực sự của những ngôi nhà này nay đã định cư tại Mỹ. Họ rời Cuba sau khi Fidel
lên cầm quyền năm 1959. Khi tôi hỏi sao chính phủ không trưng thu, cô ấy tỏ ra
rất ngạc nhiên: “Sao lại trưng thu tài sản của người khác?” Thú vị thật, cũng
cùng chung một thể chế chính trị nhưng cách hành xử ở Cuba nhân bản hơn, không
“tập thể hóa” hay “mượn tạm” (rồi lấy luôn) như Cộng Sản Việt Nam đã làm sau 30
tháng 4,1975.
Tôi
mới đến Cuba lần đầu nên chỉ có thế cảm nhận được thực tế chứ không hình dung
được sự thay đổi. Người bạn đi cùng, trong vòng hơn 10 năm đã tới Cuba 6 lần,
cho biết đất nước này “đã thay đổi rất nhiều.”
Bạn
kể, khoảng đầu những năm 2000, Cuba còn thiếu cả đến giấy... toilet chứ đừng
nói gì đến hàng xa xỉ khác. Lúc đó, mỗi lần sang Cuba thì bạn mang theo nào là
kẹo chewing gum, xà bông Camay, kem đánh răng, dầu gội đầu... để làm quà và
người dân Cuba rất thích thú và biết ơn khi được nhận những thứ quà đó. Có
người kể, thời ấy, sinh viên Việt Nam du học tại Cuba còn phải dùng cả xà bông
giặt đồ để ... gội đầu. Có lần, một sinh viên Việt Nam mang tới cho 1 thùng mì
ăn liền, cả ký túc xá biến thành một ngày hội.
Cách
đây khoảng 5, 6 năm, cell phone hay DVD, GPS, camera... vẫn là những mặt hàng
cấm đem vào Cuba. Còn hiện tại, ngoài phố dân Cuba dùng mobile phone khá nhiều,
thậm chí cả iPhone. Tuy nhiên, để sở hữu một cái “sim” thì phải qua bao thủ tục
phiền phức, phải trình passport, hộ khẩu, và chỉ được sở hữu tối đa 3 sim, và
phải dùng luân phiên chứ không được dùng cùng lúc. Ðiều này nhắc lại chuyện đã
từng xảy ra ở Nga thời “tư bản hoang dã.” Những năm đầu thập niên 90s, ở Nga
người sử dụng cell phone phải có giấy phép sở hữu riêng. Vậy nên sự “thả lỏng”
trong việc cho phép sử dụng mobile phone ở Cuba vẫn còn rất nhẹ nhàng, dễ chịu
so với những nước khác trong cùng khối ý thức hệ.
Trong
lúc lang thang ở La Habana, tôi ghé vào một cửa hàng quốc doanh. Bài trí thì
xập xệ, bên trong toát lên mùi mốc meo, ẩm thấp, lại còn có cả hình lãnh tụ
Raul Castro, và quầy hàng thì ... trống rỗng. Có thể nói, nhìn quầy hàng “quốc
doanh” là biết được “sức khỏe” của nền kinh tế. Các cửa hàng quốc doanh vẫn tồn
tại, ở đó người ta có thể dùng đồng Peso nội địa để mua hàng nhưng trên thực tế
hầu như chẳng mua được gì cả vì không có gì để mua ngoài mớ rau, củ hành, bao
diêm... Trong khi đó, những cửa hàng tư nhân được mang danh là “thương nghiệp
hợp tác xã” hoặc trong những siêu thị thì đầy ắp hàng hóa kể cả hàng nhập cảng.
Nhưng tại đó người mua phải dùng đồng Peso chuyển đổi (CUC) chứ không thể dùng
Peso thường nội địa. Mà đồng CUC thì không phải người dân nào cũng có thể có
được.
Từ
khi lên cầm quyền thay ông anh Fidel, ông Raul đã tiến hành những bước “cải tổ”
dè dặt, thận trọng về cả chính trị lẫn kinh tế, mang lại một số kết quả.
Dân
chúng đã sống dễ thở hơn kể cả vật chất lẫn tinh thần: Hàng hóa nhiều hơn
(nhưng không phải ai cũng có tiền để mua), giới trẻ thoải mái mặc T-shirt mang
cờ Mỹ, nghe những bản nhạc mới nhất trong “10 USA Top Hit Songs...” Ngày nay,
dân Cuba xì xào với nhau về một niềm tin không hiểu lấy từ đâu ra: Trong vòng
ít nhất 2 năm nữa, sẽ có những thay đổi lớn lao!
Ngoài
việc cho phép phát triển kinh tế tư nhân, Cuba bắt đầu tiến hành cải cách tiền
tệ. Hiện nay, xứ này sử dụng 2 thứ tiền: Peso nội địa (dành cho dân địa phương)
và “Peso chuyển đổi” (dành cho dân nước ngoài và cho dân bản địa khi muốn mua
hàng xịn). Trên lý thuyết, hai đồng tiền này giá trị ngang nhau.
Trên
thực tế, 1 đồng “peso chuyển đổi” - CUC - đổi được 25 đồng Peso nội địa. Và
người ngoại quốc khi đi ra khỏi khu resort mình ở phải chi tiêu đắt gấp ... 25
lần so với dân bản địa. Chẳng hạn, một ly nước mía dân Cuba trả 1 peso thì dân
ngoại quốc trả 1 CUC. Ðó là một, trong những, sự vô lý chỉ tồn tại ở những nước
mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa. Mặt khác, việc sử dụng 2 đồng tiền gây ra sự phân
hóa, xáo trộn trong xã hội của chính người dân Cuba, đào sâu thêm khoảng cách
giàu nghèo, tạo nên một tầng lớp “Cuba mới,” giàu rất nhanh nhờ nắm bắt được cơ
hội.
Cơ
hội làm ăn ở nơi “tranh tối tranh sáng” như Cuba khá nhiều nhưng ít người dám
đầu tư vào bởi không biết mang vốn và lợi nhuận ra bằng cách nào khi đồng CUC
không được chấp nhận chuyển đổi ở bên ngoài Cuba (có chuyện rất vui liên quan
đến đồng tiền: Ðồng CUC chỉ có giá trị trong Cuba nhưng vì Mỹ cấm vận nên Cuba
trả đũa lại bằng cách cho đồng đô la Mỹ giá trị thấp hơn đồng đô la Canada, mặc
dầu trên thị trường, đô la Mỹ có giá cao hơn tiền Canada). Tháng 10 năm ngoái,
Raul ra sắc lệnh xóa bỏ sự tồn tại song song của 2 đồng peso. Nhưng trên thực
tế, khi tôi ở Cuba vào tháng 1, 2014, người ta vẫn còn sử dụng 2 đồng tiền.
Cuộc
sống sôi động trên một khu phố La Habana
“Ðổi
mới để tồn tại,” hơn ai hết, chính quyền Cuba hiểu rõ điều ấy. Họ biết không
thể nhốt dân Cuba mãi trong bốn bức tường để ru ngủ với những câu khẩu hiệu
nóng bỏng nhưng vô nghĩa, với những học thuyết vừa thiếu khoa học vừa thiếu
thực tế. Người dân Cuba cởi mở, đôn hậu... xứng đáng được sống một cuộc sống tự
do, dân chủ gấp nhiều lần so với hiện tại. Và sự đổi mới đang đến dù chỉ mới là
le lói. Là người đi sau, rút được kinh nghiệm xương máu của những bậc “đàn anh”
đi trước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... Cuba đang chập chững bước những bước
chân đầu tiên trên con đường thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, để xã hội cởi mở
và dân chủ hơn. Trong thâm tâm, tôi vẫn có thiện cảm với những người cầm quyền
Cuba hiện tại hơn so với những “đồng nghiệp” của họ ở các quốc gia Xã Hội Chủ
Nghĩa khác.
Rời
La Habana để quay về lại Varadero vào lúc chạng vạng tối, đi dọc con đường
chính nối Old Town với New Town La Habana, tôi bất chợt nhìn thấy một cô gái
ngồi trên bờ kè đá quây quanh biển. Cô nhìn mông lung về hướng mặt trời đang
lặn xa xa... Xe chạy vụt qua, tôi vẫn kịp đưa smartphone bấm vài kiểu ảnh. Cô
nhìn gì? Cô chờ ai? Hay dân tộc cô đang chờ đợi điều gì? Có phải những ngọn gió
mới, mang sự thay đổi, sẽ đến với họ. Người Cuba xứng đáng được hưởng những
điều tốt lành trên trái đất này!