Wednesday, July 22, 2015

Vén Môi Giữa Trời -Nguyễn Xuân Nghĩa



Vén Môi Giữa Trời                       
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Ngày 150721
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Lẩy Kiều và Lẩy Bẩy   

Tuần qua, người viết này vắng bóng giang hồ vì phải đi bác sĩ.

Thầy lang ái ngại hỏi con bệnh. Vì sao mà lại bai rốn như vậy? Gặp thầy thì phải thành thật khai báo.  - Vì cười.

Cười đến bai rốn vì thấy các “dư luận viên” tưng bừng ngợi ca Phó Tổng thống Joe Biden của Mỹ lẩy Kiều để chào mừng Tổng bí thư của đảng ta – typo ơi, đừng xếp chữ thành “đảng nó” vì có phần khiếm nhã – là Nguyễn Phú Trọng khi chàng cười toe bước vào thủ đô Hoa Kỳ. 

Vì thiên hạ cứ bàn tán về thiên tài Joe Biden - xin đọc là Bai-đơn chứ không là bi đen – nên người viết đành tìm hiểu và cười lăn lộn đến nỗi trong nhà phải gọi Nai Oan Oan để nằm hở rốn trình diện bác sĩ.

Số là Joe Biden đã nâng ly kể lại tiến trình hòa giải hòa hợp Mỹ-Việt – lại gõ sai rồi, Mỹ-Việt Cộng, chứ Mỹ-Việt thì có gì mà hòa giải – và chàng kết thúc với phép trích dẫn, quotation, câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vì khán giả còn lai láng hồn thơ nên ít ai để ý đến việc Biden nhấp môi rồi để lại trên bục cái ly rượu như ly thuốc đắng. Yến tiệc hơi đạm bạc!

Câu thơ (3121) trở thành dừng danh kim cổ Mỹ là:
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Sau đó, các bậc thức giả trong nước liền ngợi ca Phó Tổng thống Mỹ khéo Lẩy Kiều để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước. Một số người uyên bác hơn còn nhắc rằng vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cũng lẩy Kiều khi chào mừng Chủ tịch nước thời đó là ông Nguyễn Minh Triết, với câu thơ:
“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”.

Đọc lại chuyện này, người viết cười lăn lộn về trình độ của những người được gọi là trí thức hay học giả trong nước!

Mọi người đều biết Truyện Kiều là tác phẩm văn học phổ biến nhất của dân ta, được các thành phần xã hội từ bình dân đến có học cùng ưa thích. Cũng từ Nguyễn Du, dân ta vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều hoặc dẫn Kiều và cho thấy trí thông minh của người Việt trong nhệ thuật chơi chữ.

Nói về ngoại giao thì nếu lãnh đạo nước khác mà muốn làm người Việt vui lòng thì có thể yêu cầu ban tham mưu tìm trong Truyện Kiều đôi lời hoa mỹ thích hợp cho tinh thần hữu nghị. Cũng vậy, lãnh đạo xứ khác có thể trích vài câu danh ngôn của Thomas Jefferson hay Abraham Lincoln để ngợi ca Hoa Kỳ như Chủ tịch Trung Quốc thời đó là Giang Trạch Dân đã biểu diễn. Nếu cứ lấy đó làm thật thì Mỹ đã tưởng bở như khi đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập” của Hồ Chí Minh 70 năm về trước.

Nhưng bảo rằng Bill Clinton và Joe Biden đã lẩy Kiều thì e là không chuẩn mà cần chỉnh! 



***


Khách có kẻ ngồi bên đang lấy vaseline xoa vào rốn… mình thì đùng đùng bật dậy: “Nhà bác nghĩ sao mà cho là có vấn đề?”

- Chỉ vì các ông ấy không Tập Kiều hay Lẩy Kiều mà trich Kiều, thế thôi.

Thấy khách còn  phân vân nghi ngại thì mình phải giải thích, chứ biết làm sao.

Này nhé, “Tập Kiều” là dùng chữ trong Truyện Kiều để làm ra bài thơ mới. Cụ thể là lấy vài chữ trong Truyện Kiều ráp lại thành một bài thơ có vần, không nhất thiết là giữ nguyên thể lục bát của Nguyễn Du, để diễn tả một điều khác hẳn. Nếu không quen thói đốt sách và chôn học trò của cường Tần là phần thư khanh nho, thì Hà Nội phải nhớ rằng nhiều bậc danh sĩ như Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu hay Tản Đà và Vũ Hoàng Chương đã có nhiều bài Tập Kiều rất hay. Một ví dụ không nên quên là bài điếu văn do cụ Thẩm Quỳnh soạn tại Sàigon năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm sinh của Nguyễn Du, trong đó có câu ca tụng Tố Như của chúng ta lấy toàn chữ trong Truyện Kiều:
Hào hoa phong nhã
Mai tuyết tinh thần
Vốn nhà trâm anh
Có chiều phong vận

Xa hơn thế, cụ Cử Hà Mai Khôi cũng có bài Tập Kiều khá dài, trong đó có đoạn mô tả giả cảnh của Thúy Kiều với chữ lấy từ trong truyện:
Có nhà viên ngoại
Vốn dòng Nho gia
Một trai con rốt (út)
Hai ả Tố Nga
Đủ mùi ca ngâm
Nổi danh tài sắc
Phú quý ai bì
Phong lưu rất mực



Còn Lẩy Kiều là ráp một câu sáu chữ ở đoạn này với một câu tám chữ ở đoạn khác nhưng phải cùng một vần và cũng từ Truyện Kiều để có hai câu lục bát mang ý nghĩa khác với nguyên bản. Một thí dụ Tập Kiều là khi cụ Sào Nam Phan Bội Châu bị thực dân Pháp an trí tại Bến Ngự vào năm 1925, thì nhà chí sĩ đã lẩy Kiều mà báo với dân chúng về thân phận mình. Bài Kính Cáo Quốc Dân mở đầu như sau:
Ví chăng xét tấm tình si
Thiệt ta mà có ích gì đến ai!
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi…

«Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi» là lời ước nguyện của cụ vì cái bệnh tình si là yêu nước.

Một bài Lẩy Kiều khác thì có ý nghĩa như câu đố:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.
Một mình âm ỷ canh chầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Lời giải là cái đèn cầy, là cây nến!

Như vậy thì câu chào mừng mà Tổng thống Clinton và Phó Tổng thống Biden đã đọc chỉ là nguyên bản trong Truyện Kiều chứ làm sao gọi là Lẩy Kiều hay Tập Kiều?

Khách hả hê xoa đầu và đểu thêm một cấp khi tung câu hỏi như ám khí: «Hình như ai đó soạn thảo đoạn diễn văn ấy cũng có dụng ý trong phép trích dẫn Truyện Kiều. Vì tại sao trong 3254 câu và 1627 cặp lục bát lại chọn hai cặp này mà trích?»  

Người viết phân vân một sát na, chớp nhoáng, mà nghĩ đến câu «người làm sao của chiêm bao làm vậy».

Tổng thống Clinton là gã đa tình, ưa liếm mép, mà sợ vợ nên ai đó mới chọn cho câu 1795 diễn tả nỗi niềm của anh chàng Thúc Sinh đa tình mà sợ vợ. Câu “Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” là trong đoạn Thúc Sinh bồi hồi đếm lịch cả năm sau khi tưởng là mất Kiều mà nhớ vợ là nàng Hoạn Thư nổi tiếng có máu ghen! Với nết thần nanh đỏ mỏ, nàng có thể được ngồi trong trướng của Hillary.

Không biết là có ai dịch cả văn cảnh của câu thơ cho Bill Clinton biết hay chăng. Và học giả Hà Nội thì mắc bệnh mê Clinton chẳng thua gì em Monica Lewinsky nên cóc nhớ chi tiết mà cứ xuýt xoa.

Giải nhất về tài nghệ xuýt xoa là sau đó: nhiều anh cóc nhái Hà Nội còn học thói vừa thổi da trâu vừa vỗ mông ngựa của Vi Tiểu Bảo, là vừa nói phét vừa nịnh hót, mà luận rằng chữ SEN ấy là để nhắc đến làng Kim Liên của Bác Hồ! Tuyệt chiêu của nền nịnh láo.

Bây giờ là 15 năm sau, ban tham mưu của Joe Biden thì khá hơn và quỷ quái hơn nên chọn câu Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Đó là lời chàng Kim Trọng rất mã thượng an ủi nàng Kiều ở đoạn tái hồi vào cuối chuyện, khi Thúy Kiều tự nghĩ thân mình là ong qua bướm lại đã thừa xấu xa! Tức là nước Mỹ vui lòng gặp lại cái anh Hà Nội đã rữa nát!

Mà các dư luận viên của Hà Nội chẳng đọc thêm câu sau mới là 10 phần thê thảm: Hoa tàn mà lại thêm tươi. Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!

Dù tốt nghiệp Văn chương của Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng đã lẩy Kiều trật khớp tới hai lần nên chắc cũng không thể nhớ đến cái văn cảnh rất mực đểu cáng của lời chào mừng! Và cái lũ thổi da trâu và vỗ mông ngựa thi còn tệ hơn vậy.

Khách ngồi bên bèn Tập Kiều: «Tan xương đầu ngõ, vén môi giữa trời» để diễn tả cái nụ cười toe của Trọng Lú.

Than ôi. Ngàn năm văn vật đất Thăng Long!

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment