Thursday, July 23, 2015

Đầu tư vào thị trường cổ phiếu-Nguyễn Xuân Nghĩa



Đầu tư vào thị trường cổ phiếu
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015-07-22

NGHE: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/investing-in-the-stock-market-07222015080855.html/0722015-investing-in-the-stock-market.mp3

Sau biến động vừa qua trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc, một vấn đề cơ bản được đặt ra. Đó là nhà đầu tư căn cứ trên những yếu tố gì để quyết định mua hay bán cổ phiếu? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này trong bối cảnh của các thị trường cố phiếu còn sơ khai và đầy bất trắc như tại Trung Quốc và Việt Nam.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, những thăng trầm dồn dập của các thị trường cổ phiếu Trung Quốc từ một năm qua, nhất là cơn biến động vào đầu Tháng Bảy, khiến người ta tự hỏi là vì sao cổ phiếu của Trung Quốc tăng giá mạnh rồi lại suy sụp rất nhanh? Kỳ này, tiết mục chuyên đề của chúng ta còn muốn đi xa hơn và nhìn vào giác độ của nhà đầu tư. Họ căn cứ vào những yếu tố nào để quyết định là nên mua hay bán các cổ phiếu? Câu hỏi ấy có thể giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro lỗ lã khi lại muốn vào thị trường để đầu cơ. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, xin được mở đầu với vài khái niệm căn bản. Nhà đầu tư trên thị trường tài chính nên là người dùng tiền tiết kiệm mua chứng phiếu, như cổ phiếu hay trái phiếu, vì hy vọng kiếm lời mà cũng ý thức được rủi ro bị lỗ, và nếu bị lỗ thì không gây hậu quả tai hại cho sinh hoạt thường nhật của gia đình. Thông thường thì nhà đầu tư nhìn vào viễn ảnh dài là nhiều năm hơn là cứ mua ra bán vào, mỗi lần lại trả tiền hoa hồng. Khi nhà đầu tư ham có lời thật lẹ và mà lấy rủi ro thật lớn thì họ thành người đầu cơ. Thuần về kinh tế thì khác biệt giữa đầu tư với đầu cơ chính là yếu tố rủi ro, mà đầu cơ không hàm ý xấu về đạo đức như chúng ta thường hiểu.
- Vào thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư mua cổ phần của một doanh nghiệp với hy vọng là công ty đó sẽ có doanh lợi cao và chia lời cho mình dưới hình thức cổ tức; hy vọng ấy cũng có nghĩa là cổ phiếu sẽ lên giá trong tương lai làm tài sản mà mình đầu tư vào đó cũng lên giá. Muốn có hy vọng ấy nhà đầu tư phải nắm vững thông tin cơ bản về kinh tế, về thị trường của doanh nghiệp đối tượng và về tình hình tài chính cùng mức doanh lợi dự phóng cho tương lai của doanh nghiệp này. Không ai có thể có mọi thông tin như vậy, nhưng trong các nền kinh tế tiên tiến và thị trường cổ phiếu hữu hiệu thì người ta phải có thông tin khá đầy đủ, kể cả chi tiết kế toán đáng tin của công ty. Cho nên, yếu tố quyết định chính yếu ở đây là thông tin và các dữ kiện khả tín, tin được.
Nguyên Lam: Ông nêu ra yếu tố quyết định đầu tiên là thông tin khả tín. Các thị trường tiên tiến thì phải có loại thông tin cơ bản ấy, trong khi các thị trường sơ khai và bất trắc thì còn thiếu. Phải chăng đấy là vấn đề khiến thị trường Trung Quốc có thể tăng giá rất nhanh rồi sụp đổ rất lẹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đấy là một lý do. Năm qua, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, mức lời doanh nghiệp co cụm, và các ngân hàng, là thành phần chủ yếu trong Chỉ số Phức hợp Thượng Hải, có tỷ lệ nợ xấu tăng mà thị trường cổ phiếu lại lên giá mạnh thì đấy là nghịch lý.
- Theo phương pháp gọi là “cơ bản” là tìm thông tin từ các yếu tố về triển vọng sinh lời của doanh nghiệp đối tượng thì người ta có hai cách thông dụng. Một là tính ra hiện giá của tổng số thanh khoản hay hiện kim trong cả chục năm tới nhân với một chiết khấu suất là lãi suất trên thị trường, nhưng khi ấy đã phải biết lưu lượng của dòng hiện kim, là điều khó biết trong các doanh nghiệp Trung Quốc và nếu có thì cũng khó tin. Cách kia là so sánh giá cổ phiếu với mức lợi nhuận, gọi là “tỷ số giá trên mức lời” từ chữ “price-earning ratio” hay P/E. Nghĩa là người ta vẫn cần thông tin cơ bản về số thu hoạch của doanh nghiệp, là chuyện không dễ tại Trung Quốc.
- Thế rồi, trong một năm mà tỷ số P/E của các doanh nghiệp trong Chỉ số Phức hợp Thượng Hải tăng hơn gấp đôi, từ 10 lên 23, và của các doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu Thẩm Quyền lên tới 50 thì đấy là chuyện bất thường. Vì trong 70 năm qua tỷ số P/E của Standard and Poor’s tại Mỹ bình quân chỉ là 17 và tỷ số P/E tại thị trường Hong Kong chỉ có 12 thôi, ta biết là có gì đó không ổn. Nhưng đấy là lúc giới đầu cơ lại nhảy vào cuộc.
Nguyên Lam: Thưa ông, yếu tố gì khiến cho giới đầu cơ đem tiền vào thị trường?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại rằng nhà đầu tư thì tính theo trường kỳ, giới đầu cơ thì tìm lời nhanh trong ngắn hạn. Họ không tỉ mỉ tính toán trên cơ sở của thống kê kinh tế và kế toán kinh doanh như nhà đầu tư, mà đón bắt loại tin tức xin gọi là “bên ngoài thị trường” để suy đoán rằng mức lời của doanh nghiệp sẽ tăng vọt. Thí dụ như tin về biện pháp can thiệp và kích thích của nhà nước hay tin về việc nhà nước cho phép vay tiền dễ dàng hơn để mua cổ phiếu. Loại tin tức ấy thật ra hời hợt mà dễ gây phản ứng bày đàn là làm cổ phiếu vọt tăng giá. Đấy là lúc nhà đầu cơ nhảy vào tìm cơ hội kiếm lời thật nhanh. Vì nhà nước Bắc Kinh cứ hay can thiệp để kích thích thị trường như chúng ta đã có lần phân tích cách nay mấy tuần, thị trường cổ phiếu của Trung Quốc là thị trường đầu cơ và có mức dao động rất lớn, rủi ro rất cao.
Nguyên Lam: Trở lại tính toán của nhà đầu tư, họ có phương cách gì để phòng ngừa rủi ro không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phương cách thông thường vẫn là “biết chạy để tránh lỗ”. Khi thấy giá cổ phiếu sụt đến một tỷ lệ giả dụ là 8 hay 10% dưới giá mua trước đấy thì lập tức bán ra để giảm lỗ chứ đừng nán đợi giá lên trở lại. Một cách tinh vi hơn thì áp dụng phương pháp gọi là “kỹ thuật” là tìm đọc các đồ biểu và đường tuyến biểu hiện giá cổ phiếu. Phương pháp cơ bản như nói hồi nãy thì cho nhà đầu tư biết được vì sao giá sẽ tăng hay hạ, phương pháp kỹ thuật thì cho biết là nếu tăng hay hạ thì ở những mức nào, và bao giờ có thể xảy ra do tâm lý của thị trường. Nói chung thì nhà đầu tư thường có ý thức về rủi ro rất cao nên ít khi bị lỗ, nhà đầu cơ thì chú ý đến mức lời nên lãnh rủi ro rất nặng. Đa số giới đầu cơ tại Trung Quốc lại không có kiến thức cơ bản về đầu tư, về thị trường và tới 80% chưa tốt nghiệp trung học nên họ là thành phần cò con rất dễ sạt nghiệp, nhất là khi còn vay tiền đi vào sòng bạc cổ phiếu theo sự khuyến khích của nhà nước.
Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy rằng mọi thị trường đầu tư tài chính đều có dao động là giá cả lên xuống khá thất thường. Thế thì làm sao tránh được sự dao động ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng là các thị trường tài chính đều có dao động vì nhiều yếu tố khó kiểm soát được về an ninh, kinh tế, tài chính hay cung cầu, v.v…. Nhà đầu tư có trình độ nghiệp vụ cao hoặc sử dụng dịch vụ của công ty môi giới chứng khoán thì còn hy vọng giảm thiểu rủi ro, giới đầu cơ thì thường trở tay không kịp.
- Nỗi éo le ở đây là nếu nhà nước can thiệp để tránh dao động về mặt này thì lại gây dao động về mặt khác. Như tránh dao động về tiền tệ qua biện pháp lãi suất thì lại gây dao động về ngoại hối qua hối suất, hoặc ngược lại. Chẳng hạn như phá giá đồng bạc là biện pháp về ngoại hối lại gây dao động về tiền tệ hay vật giá. Phá giá có thể nâng giá cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu vì bán hàng rẻ hơn nên dễ hơn, mà lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp cần nhập khẩu và có thể dẫn tới lạm phát, v.v… Nói ra thì có vẻ ngược ngạo nhưng nhà nước không nên can thiệp vào thị trường cổ phiếu để tránh dao động vì mọi sự can thiệp đều có thể gây hậu quả bất lường và còn làm nhà đầu tư bị thiệt hại oan uổng vì thay đổi nền tảng tính toán của họ.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau vụ dao động lớn trong tuần đầu của Tháng Bảy vừa qua khiến các thị trường cổ phiếu của Trung Quốc đã mất gần bốn ngàn tỷ đô la thì liệu giới đầu tư có thể hy vọng vào một giai đoạn ổn định hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói đến một yếu tố tâm lý trước, để mình hiểu ra tình hình sắp tới của thị trường Trung Quốc, yếu tố đó là “phản ứng bầy đàn”, hay con người ta thường đi theo đám đông. Bước vào thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư không chỉ điều nghiên về doanh nghiệp đối tượng để quyết định là sẽ mua vào hay bán ra cổ phiếu. Họ còn cần nghĩ đến phản ứng tâm lý hay trào lưu của tập thể. Nếu tập thể đầu tư mà đoán thị trường sẽ lên giá thì điều ấy cũng có hiệu ứng làm giá tăng. Nếu tập thể đầu tư mà đoán rằng thị trường sẽ đi vào ổn định sau giai đoạn dao động vừa qua thì người ta có thể tránh được sự hốt hoảng tai hại. Đấy là quy tắc chung.
- Khốn nỗi thị trường Trung Quốc lại khác. Thứ nhất, chính là nhà nước đã can thiệp vì mục tiêu chính trị nên mới thổi giá cổ phiếu như bong bóng và gây dao động. Thứ hai, khi trái bóng bị xì thì nhà nước lại nhảy vào với nhiều biện pháp cứu nguy bất thường và mâu thuẫn như vừa bơm thêm tiền vừa cấm giới đầu tư bán ra cho tới một hạn kỳ hay một mức nào đó của giá cả. Gặp hoàn cảnh ấy thì tập thể rất khó đoán ra phản ứng chung. Bây giờ, có thể là mọi người đều cho rằng tình hình đã tạm ổn định và chỉ số Thượng Hải đã từ hơn 3.000 vào ngày Thứ Ba Đen cách nay hai tuần lên tới 4.000. Nhưng sau đó ra sao thì cả tập thể hết biết, nghĩa là không còn đồng thuận, và mọi người lại canh chừng nhau để cùng mua hay cùng bán. Tức là tình hình sẽ bất trắc với mức dao động còn lớn hơn nữa. Quan trọng nhất, giới đầu tư hết tin vào nhà nước.
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta đang gặp một nghịch lý rất lớn là trong hơn 30 năm, người dân Trung Quốc đã tin vào đảng và nhà nước vì đà tăng trưởng rất cao dựa trên lực đẩy của đầu tư. Thế rồi nhà nước đó can thiệp vào thị trường địa ốc và thổi lên bong bóng đầu cơ và vài năm sau lại điều hướng tài nguyên qua thị trường cổ phiếu và thổi lên trái bóng khác. Khi bóng bể trên thị trường đầu tư cổ phiếu, các cơ quan hữu trách dàn quân như trong một chiến dịch để ngăn đầu này chặn đầu kia. Hậu quả là như ông vừa trình bày, giới đầu tư hết biết là tình hình chuyển biến ra sao và hết tin vào nhà nước, thậm chí đã có nơi bàn tán về uy tín chính trị bị giảm sút của Chủ tịch Tập Cận Bình về những gì vừa xảy ra trên thị trường đầu tư cổ phiếu. Kết luận của ông là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay rất bấp bênh với mối nguy lớn nhất là bể bóng tín dụng vì mắc nợ quá nhiều trong khi đà tăng trưởng lại sút giảm. Khi nhà nước Bắc Kinh lụp chụp đối phó với một vụ sụt giá thị trường cổ phiếu, dù sao cũng chỉ là một vấn đề nhỏ vì kích thước còn giới hạn của thị trường này trong nền kinh tế quốc dân, thì uy tín nhà nước bị sa sút nặng. Và điều ấy mới là tai họa khi hệ thống tài chính bị sụp đổ dưới núi nợ. Có lẽ những gì xảy ra trên thị trường đầu tư cổ phiếu là chỉ dấu tiên báo của một vụ khủng hoảng tài chính xuất phát từ mục đích chính trị của đảng cộng sản.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/investing-in-the-stock-market-07222015080855.html

No comments:

Post a Comment