Monday, July 20, 2015

Bệnh Bí Ẩn: Nói giọng người ngoại quốc



Bệnh bí ẩn làm nói giọng tiếng nước ngoài
David Robson
July 18, 2015
Matthias thường chơi trò thách nhau nhại giọng tiếng Anh của người nước ngoài mỗi khi bà trở về từ một cuộc hẹn với bác sỹ trong sự thất vọng.
Trò đùa này là để giải tỏa phần nào nỗi bức xúc về một hội chứng mà các bác sỹ của Julie không thể chữa khỏi.
Mặc dù sống ở Anh quốc cả cuộc đời, Matthias chợt nhận ra bà không thể nói tiếng Anh bằng giọng bản xứ nữa, mà giống người Pháp hay người Trung Quốc.
“Bốn năm trước, cũng vào dịp Lễ Phục Sinh này, là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của mình,” bà nói với tôi trên điện thoại.
Matthias là một trong số nhiều người ở Anh mắc hội chứng nói giọng nước ngoài.
Mặc dù có thể sử dụng tiếng Anh một cách trôi chạy, giọng của họ nghe như những người lớn lên ở một nước nào khác.
Nguyên nhân gây ra hội chứng này khá phức tạp, và đôi khi vẫn còn là một câu đố đối với các nhà khoa học.
Bà Matthias nghĩ điều này có thể bắt nguồn từ một tai nạn xe hơi, dẫn đến những cơn đau đầu và đau toàn thân sau đó.
“Não bạn khi đó cảm giác như sắp nổ,” bà Matthias nói.
“Các khớp xương của bạn như mềm nhũn, bạn cảm thấy đau đớn, khó thở, không thể hấp thụ không khí… Tôi thà phải sinh nở thêm vài lần nữa hơn là chịu đau như vậy một lần nữa.”
Vài tháng sau đó, điều kỳ lạ hơn xảy ra.
Giọng của bà bắt đầu thay đổi. Sự thay đổi này bắt đầu thu hút sự chú y’ của những người tại thẩm mỹ viện của bà.
“Các khách hàng nói chuyện với tôi như thể tôi không hiểu tiếng Anh”.
Không rõ vì sao vụ tai nạn xe hơi lại tạo nên sự thay đổi này. Bất chấp những lần khám bệnh viện, các bác sỹ thần kinh vẫn không thể xác định nguyên nhân chính xác khiến bà bị đau đầu và làm giọng bà trở nên kỳ lạ như vậy.
Điều đau đớn hơn cả là vì thiếu kết quả chẩn đoán, những người xung quanh cho rằng bệnh tình của bà là không có thật. Họ không thể nhìn thấy tác hại của sự rối loạn.
“Nhiều người cứ nghĩ đó là đùa. Họ cứ ngỡ là chúng tôi nói bằng một giọng hài hước,” bà nói.
Thế nhưng điều này không hài hước chút nào.
“Hãy thử tưởng tượng bạn đi ngủ, tỉnh dậy và không còn phát âm như chính mình nữa, và bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó,” bà Sheila Blumstein, từ Đại học Brown, Rode Island, nói.
“Điều này gây nên những tác động nghiêm trọng đến các bệnh nhân.”
Điều may mắn là những nhà nghiên cứu như bà Blumstein đang bắt đầu tìm ra nguyên nhân cũng như hậu quả của hội chứng này.
Những kết quả nghiên cứu ban đầu của bà Blumstein cho thấy cách phát âm chỉ thay đổi một chút ít.
Tuy nhiên ngữ điệu mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
“Khi chúng ta nói chuyện, lời nói của chúng ta có giai điệu và nhịp điệu – và đó là những thứ thay đổi trong trường hợp này,” bà Blumstein nói.
Ngữ điệu và cách chúng ta nhấn câu để thể hiện quan điểm của mình đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Vào năm 2012, Anla Kushmann, từ Đại học Strathclyde ở Glasgow nhận thấy những sự khác biệt trong cách mà những người mắc hội chứng nói tiếng nói ngoài nhấn mạnh những từ khác nhau.
“Họ vẫn phát ra những âm cao và thấp như những người bình thường, nhưng làm điều đó thường xuyên hơn. Thay vì chỉ nhấn mạnh một số từ, họ lại nhấn mạnh tất cả các từ.”
Ngữ điệu là điều khó học nhất. Rất nhiều người nước ngoài có giọng khác với những người bản xứ.
Mặc dù vậy, cách nhìn nhận về giọng nói có thể khác nhau, tùy thuộc vào mỗi người.
Một số có thể cho là những người mắc hội chứng nói tiếng nước ngoài phát âm như người Nga, một số khác lại cho là họ phát âm như người Đức.
“Đó là những thứ hư cấu được tạo nên bởi người nghe,” ông Johan Verhoeven, từ Đại học Thành phố London, nói.
Trong lúc nói chuyện với bà Matthias, thật dễ để hiểu vì sao người ta phạm phải những lỗi này.
Một ví dụ, bà nói từ ‘accent’ (giọng nói) theo cách nhấn mạnh âm thứ nhì. Điều này khiến tôi nghĩ đến giáo viên dạy tiếng Pháp của mình khi còn ngồi ghế nhà trường.
Thế những đoạn ngắt âm của bà lại giống như giọng Trung Quốc.
Một số trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng nói tiếng nước ngoài bị chấn thương não
Thường thì điều này là do những chấn thương thần kinh.
Bà Barbara Tomasino, từ Đại học Udine ở Ý, gần đây đã khám một bệnh nhân với một khối u trong não.
“Đôi lúc bà nói tiếng Ý như người Nam Phi, đôi khi lại nói như người Anh,” bà Tomasino nói.
Bệnh nhân vẫn tỉnh khi các bác sỹ phẫu thuật khối u trên não. Điều này giúp các nhà nghiên cứu giám sát hoạt động của các tế bào xung quanh khối u.
Mặc dù điều này nghe thì có vẻ đau đớn, nhưng nó giúp các bác sỹ phẩu thuật xem khối u lan ra đến đâu.
Kết hợp với thông tin từ máy quét cộng hưởng từ sẽ giúp họ phát hiện ra vị trí các tế bào đóng chức năng điều khiển chuyển động miệng và thanh quản – nằm ngay cạnh khối u.
Bằng việc nằm đè lên khu vực này, khối u đã tác động đến khả năng chuyển động lưỡi để phát âm một cách bình thường, dẫn đến giọng nói kỳ lạ. Nhờ bệnh nhân tiếp tục nói chuyện trong suốt cuộc phẫu thuật, các bác sỹ có thể đảm bảo là họ không gây tổn thương đến những khu vực quan trọng xung quanh khối u.
Não của bệnh nhân này dần dần phục hồi trong những tuần sau đó và giọng của bà trở lại bình thường.
“Tin mới nhất mà chúng tôi có được là bà vẫn ổn và quay lại cuộc sống bình thường,” bà Tomasino nói.
Tuy nhiên trường hợp nói trên không có nghĩa là tất cả các bệnh nhân đều bị tổn thương một vùng nào đó trong não.
“Chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn nhưng chúng tôi vẫn không có một câu trả lời hoàn chỉnh,” bà Blumstein nói.
Có lẽ có sự liên kết giữa nhiều vùng não và chỉ cần một trong số chúng bị tổn thương có thể dẫn đến giọng nói hoàn toàn khác.
Một trong các bệnh nhân của bà mắc hội chứng nói giọng nước ngoài sau một cơn đau tim. Sau khi một cơn đau tim thứ hai làm tổn thương một vùng tách biệt gọi là tiểu não, giọng nói của bà này trở lại bình thường.
“Tôi không biết vì sao lại có hiệu ứng này. Tôi chỉ biết rằng tiểu não là khu vực tác động đến giai điệu giọng nói,” bà Blumstein nói.
Trong trường hợp của Matthias, các bác sỹ đã không thể xác định nguyên nhân sinh học của căn bệnh.
Những người mắc hội chứng nói tiếng nước ngoài cảm thấy bị xa lánh
Tuy nhiên trường hợp của bà khá giống với những người khác ở điểm nó thay đổi cách bà nhìn nhận về bản thân.
“Bạn mất đi chính mình,” bà nói.
“Đôi lúc khó để phát âm khi nhìn vào gương, vì đó không phải là giọng của tôi,” bà nói.
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhất là khi xét vai trò của giọng nói trong việc xây dựng vị trí của chúng ta trong thế giới.
“Cách chúng ta nói chuyện cũng chính là cánh cửa dẫn đến tâm hồn mình,” ông Nick Miller, từ Đại học Newcastle, giải thích.
“Nó đánh dấu tầng lớp xã hội, học thức của chúng ta và cho người khác biết chúng ta đến từ đâu. Bằng một cách vô thức hay có ‎ thức, chúng ta dùng giọng nói để nhận biết mình là ai và mình như thế nào.”
Ông Miller, cùng với ông Jack Ryalls từ Đại học Central Florida, gần đây đã cho ra một cuốn sách ghi lại những trường hợp này, với tên gọi “Hội chứng nói giọng nước ngoài: Nhưng câu chuyện mà họ muốn kể”.
“Tôi cảm thấy cô đơn, bị cô lập và sợ hãi. Tôi cảm giác như tôi bị cướp mất một người bạn tốt,” Kath Lockett, một trong những bệnh nhân, thuật lại trong cuốn sách.
Bà nói khi ở nhà một mình, bà luôn có cảm giác ớn lạnh như có một người lạ mặt nào đó đang ở trong nhà, mỗi khi bà cất tiếng.
Bên cạnh vấn đề về danh tính, những người mắc hội chứng này còn phải đối mặt với thái độ, đôi lúc là tàn nhẫn, của những người xung quanh.
Giọng nói là cách quan trọng để chúng ta xây dựng ranh giới giữa các nhóm xã hội khác nhau.
Một số người trong sách của ông Miller nói họ cảm thấy bị xa lánh như thể “một người ngoại quốc ở ngay chính đất nước mình”.
Matthias và Lockett thậm chí còn là nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
“Một tài xế taxi đã bắt tôi trả gấp đôi tiền cho một chặng đường mà tôi đã từng đi trước đây,” Lockett nói.
“Hai tài xế xe bus thì đối xử với tôi như thể tôi bị điếc và ngu dốt.”
Đôi khi những người bạn cũng bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về giọng nói mới của họ.
Đối với Matthias, gia đình là nguồn an ủi lớn nhất của bà.
“Tôi không dễ tiếp nhận sự thương hại,” bà nói.
“Gia đình tôi biết vậy, và vì vậy, họ đổi sang châm chọc và thách tôi nói những từ mà tôi thấy khó. Và rồi chúng tôi phá lên cười.”
Giống như nhiều người khác mắc hội chứng này, bà luôn cố gắng giữ một thái độ tích cực.
“Chúng ta phải nhìn về khía cạnh tươi sáng của vấn đề.”
“Ít ra thì hội chứng của tôi không nguy hiểm đến tính mạng, và chúng tôi cần cảm thấy biết ơn vì điều đó.”
“Tôi phải học thích nghi với nó và chiến đấu mỗi ngày.”
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/07/150718_the-weird-effects-of-foreign-accent-syndrome_vert_fut

No comments:

Post a Comment