Friday, March 15, 2019

Những Ngày Tháng Buồn - Song Thao


Những Ngày Tháng Buồn
Song Thao
Sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào tháng 4/1975, toàn dân miền Nam, nếu chậm chân không leo được lên tàu di tản, đều sống trong những tháng ngày buồn. Nhưng cô nữ sinh 18 tuổi Ngọc Ánh, hơn mọi người, đã phải chịu cảnh buồn hiu. “Ngày Tháng Buồn Hiu” là tập hồi ký của Ngọc Ánh, con một cán bộ Việt cộng có vai vế, nhưng không chấp nhận được chế độ mà cha chị đã say mê tham gia tranh đấu. “Ba tôi là một người Cộng Sản, ông đã tham gia cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chống Mỹ, các chị em tôi lớn lên ở Sài Gòn, nằm trong lòng “địch” nhưng cả nhà đều là những chiến sĩ xung kích trên khắp các mặt trận ở miền Nam cho tới ngày “giải phóng”. Má thì nuôi giấu cán bộ Việt cộng, các chị em thì làm giao liên. Sau ngày 30/4/75, ba và chị tôi được đón về từ nhà tù Côn Đảo như những người vinh quang nhất trong ngày vui đại thắng, gia đình tôi là một địa chỉ đỏ của thành phố với nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ được treo đầy tường”.
Cô nữ sinh Ngọc Ánh, trước 1975, không ở với gia đình tại Sài Gòn mà được gửi về Sóc Trăng, trọ tại nhà người cô ruột, cô Sáu, một gia đình có người tham gia vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, Ngọc Ánh được mang về Sài Gòn đoàn tụ với gia đình. Đoàn tụ nhưng không…đoàn kết. Chị lẻ loi giữa những người thân. Trong một buổi họp gia đình, ba chị đã nhận xét về chị: “Tư tưởng còn lệch lạc, nặng về chủ nghĩa cá nhân, bản thân cần phải tích cực rèn luyện để phấn đấu tiến bộ”. Nhưng chị không tiến bộ như ba chị mong muốn. Sau vài tháng bị bắt buộc làm công tác xã hội, sinh hoạt tập thể vớ vẩn, chị được chọn kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Chị không nhận. Ba chị hét lên: “Con có  biết tại sao con được vào Đoàn không? Nhờ ba, nhờ lý lịch cách mạng của gia đình mình. Con có biết mọi người vẫn mơ ước được đứng vào hàng ngũ vẻ vang này không? Có những anh bộ đội đi suốt từ Bắc vào Nam để chiến đấu, đã đổ biết bao xương máu mà vẫn chưa được kết nạp. Còn con, tại sao con không thấy được cái vinh quang đó?”. Chị đã bình tĩnh trả lời: “Thưa ba, chính vì con chưa đổ một giọt mồ hôi nào cho chế độ này nên con không muốn trở thành người Cộng sản!”.
Không muốn trở thành người Cộng sản, chị bị gia đình từ bỏ. Và chị lội ngược dòng. Thành hôn với anh Trần Thắng Tài, Ngọc Ánh cùng chồng lo khôi phục lại một đất nước không Cộng sản. Âm mưu bại lộ, công an xộc vào nhà. “Định vào nhà nhưng thoáng thấy bóng tên công an đứng ở đầu hẻm, tôi linh tính có gì đó bất thường, vội rẽ xe hướng khác đạp một mạch ra Ngã Bảy, quanh quẩn hàng giờ trên đường mà không biết đi đâu, lòng bồn chồn khó chịu khi nghĩ tới Vy Dân ở nhà một mình, chắc thằng bé đang đói sữa, trái tim tôi như nghẹn lại khi nghĩ đến những bất trắc sắp xảy ra, phải về thôi dù biết sẽ bị bắt với mớ tài liệu và cây AK giấu trong bếp (trời dung đất rủi anh mới mang về tối hôm qua, chúng tôi chưa kịp đem đi). Căn nhà im lặng đến ngột ngạt, giọng má Sáu khe khẽ: “Công an kêu nó lên phường có chuyện gì đó không biết”. Má không biết nhưng tôi biết, chấp nhận vào cuộc là đối đầu với rủi ro mà. Tôi đưa Vy Dân cho má và vội chạy lên lầu đốt tài liệu, không nhiều lắm nhưng có khói, đang tháo cuộn phim ra thì nghe tiếng chân chạy rầm rập lên cầu thang, bọn chúng đã tới, tôi đá cuộn phim vào gầm giường. Thế là hết! Mọi chuyện có vẻ như bắt đầu hơn là kết thúc, không hiểu sao tôi lại nghĩ như vậy”.
Không khó cho công an kiếm được bao súng giấu trong bếp. Cả ba người trong cái gia đình nhỏ bé của Ngọc Ánh bị bắt. “Chấp nhận cuộc chơi mà, chuyện thua thắng cũng bình thường thôi, ít ra trong chuyến xe cuối cùng này mình cũng còn có nhau…Chỉ thương cho thằng bé, nó bị vạ lây vướng vào ngục tù theo ba mẹ vì không có sự chọn lựa nào khác, nó còn quá bé nhỏ để cảm nhận biến cố đau buồn này của gia đình”.
Họ bị kết tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Tội không oan vì anh Trần Thắng Tài đã thực sự dấn thân vì đại nghĩa. Chị Ngọc Ánh biết tất cả công việc của chồng nhưng thủ khẩu như bình, nhất định không khai dù bị dụ dỗ ngọt ngào hay quát tháo xỉ nhục. Có lần một anh công an trẻ đã mai mỉa: “Tôi không hiểu sao một người vừa trẻ, vừa đẹp, vừa thông minh như chị lại lấy thằng cha vừa già vừa cận thị như tên Tài? Hay là chị mơ ước được làm bà Tổng Thống?”. Chị đối đáp: “Bởi vậy bây giờ tôi mới ngồi ở đây để nghe ông kết tội vợ tên phản bội!”.
Một ngày 30/4, khi đi khai cung, chị đã quấn khăn trắng trên đầu. Tên cán bộ hỏi: “Chị để tang ai thế, chồng chị chưa chết mà”. Chị trả lời nhát gừng: “Tang cho 30/4”. Tên cán bộ lồng lộn quát: “Chị đừng có bố láo nhé, đất nước giải phóng độc lập tự do hạnh phúc thế này mà tang chế gì?” Chị điềm nhiên đáp: “Người ta chết như rạ trong ngày này mà không để tang à? Nếu không có mấy ông vào đây thì làm sao nên nỗi”.
Trong hoàn cảnh tù tội khắc nghiệt, chị vẫn còn đủ bình tĩnh trải lòng với nước non.
Vì sao miếng cơm ăn vẫn nghẹn
Một nửa còn đau xót người ơi,
Vì sao bát canh rau bỗng mặn
Nước mắt nào thương nhớ không nguôi
Vì sao nụ cười tươi tắt vội
Nỗi tình nhà, nỗi hận nước đầy vơi
Vì sao đường đi không biết mỏi
Khi còn nghe tiếng khóc của dân tôi!
Tháng 7 năm 1981, phiên tòa xử vụ án bắt đầu. Có nhiều thanh niên còn rất trẻ cũng liên quan vào vụ này. Trên xe ra tòa, họ bị còng chân và tay. Mọi người nhường cho chị ngồi cạnh chồng. “Tháng bảy trời mưa lâm râm, buổi sáng sao mà âm u thế! Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau, lòng rưng rưng xúc động, nhìn mắt anh tôi cảm nhận được điều đó, nhưng gương mặt anh vẫn bình thản muôn đời, tôi nắm bàn tay anh mân mê những ngón thuôn gầy như ngày nào, tự dưng một ý nghĩ thoáng qua khiến tôi hốt hoảng, có khi nào mình mất nhau không?...Chuyến xe khựng lại và lúc này anh mới nói với tôi bằng giọng trầm ấm dịu dàng như bao giờ: “Hãy can đảm lên, rồi con chúng ta cũng sẽ giống như vậy, cố gắng chăm sóc cho Vy Dân, em còn trẻ nên đừng để phí tuổi trẻ của em, nếu không làm một khán giả vô tư thì cũng nên làm một nhà phê bình sắc bén, anh xin lỗi đã đưa em ra khơi và bây giờ phải bỏ em trở về một mình”.
Trong tù anh Tài vẫn hiên ngang bất khuất bày tỏ chí khí của mình. Năm 1980, anh làm bài thơ sau:
Ta nay thất thế bị giam cầm
Nghiến răng ngậm miệng nuốt hờn căm
Một lòng vì nước vì dân tộc
Sá chi tù ngục chốn ta nằm
Đêm nghe tiếng cuốc chiêu hồn nước
Ngày thấy hoàng hôn phủ núi sông
Miền Nam tan tác, đau lòng khóc
Án tử chung thân, gió thoảng lòng.
Tòa đã tuyên án tử hình anh Trần Thắng Tài. Bản án được thi hành vào ngày 14/6/1982 tại Phan Thiết. Nhiều năm sau, chị Ngọc Ánh đã bốc mộ anh và thiêu ngay tại chỗ, mang tro cốt về nhà để thờ. Trước khi đi Mỹ, chị đã mang tro rải trên sông Sài Gòn để anh ra đi thanh thản.
Nuôi con trong tù là chuyện quá vất vả. Mặc dù có những giúp đỡ của các bạn đồng tù, Vy Dân cũng bị suy dinh dưỡng trầm trọng. “Bỏ thằng bé ở nhà, đi làm theo tập thể, sáng không kịp cho con ăn, trưa về muộn, thằng bé đói rã ruột, đành cố gắng vậy, để mẹ phấn đấu mau về, mọi khó khăn hai mẹ con đều phải khắc phục, dỗ dành mãi thằng bé mới chịu ở nhà. Vy Dân rất thông  minh và hóm hỉnh, nó nghe và hiểu tất cả, có điều nó không nói được, nó trở thành kẻ tật nguyền từ sau cơn viêm màng não lạ lùng ở tại trại giam, chân tay lỏng khỏng, không ngồi được, không nhai được, không cầm nắm được, chỉ có nằm ngửa suốt ngày với hai chân ngo ngoe mạnh mẽ để ra dấu thay cho ngôn ngữ bằng cái đập chân, chân đưa lên cao là “có”, chân hạ xuống thấp là “không”, mọi người cứ đặt câu hỏi và nó sẽ trả lời thành thạo, nhưng tôi biết trái tim nó tràn đầy cảm xúc mà chỉ có mẹ mới cảm nhận ra”. Sau 8 năm ở tù chung với mẹ, Vy Dân được một cơ quan thiện nguyện Thụy Sĩ can thiệp và mang về Thụy Sĩ nuôi nấng chữa trị.
Trong bài viết “Ông Già Noel Là Mẹ”, chị đã tâm sự: “ Nhưng điều tôi ân hận nhất đời là phải đẩy thằng bé vào trong hoàn cảnh khốn khổ này. Đêm Giáng Sinh đầu tiên trong phòng biệt giam tăm tối ở một tỉnh nhỏ xa lạ ngoài Trung, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ rất gần, tôi ôm thằng bé đang khóc ngất vì đói sữa mà nát cả lòng “Lạy Chúa con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao...” Tôi thành tâm cầu nguyện theo cái cách riêng của mình để mong Chúa nghe thấy, nhưng chắc Ngài cũng bận rộn với hàng triệu triệu con chiên đang khốn khổ trong cái xã hội loi nhoi ngoài kia cần cứu rỗi hơn, nên bóng tối vẫn phủ trùm quanh đây sự im lặng đáng sợ và tôi lại mơ đến ông già Noel đầy huyền thoại của tuổi thơ. “Ước gì ông già Noel là có thật để ông mang đến đây một bình sữa cho thằng bé nhà tôi”. Rồi những năm tháng lạnh lùng trôi qua trong trại giam, chồng tôi bị tử hình sau đó không lâu, con trai tôi qua những cơn sốt nặng không thuốc men, thiếu dinh dưỡng, thoi thóp trong hôn mê kéo dài... Để khi tỉnh dậy thì tay chân co rút và lưỡi líu lại, một bác sĩ tù nào đó nói với tôi về di chứng của bệnh viêm não. Tôi tuyệt vọng tưởng mình có thể giết chết đứa bé và tự tử để thoát khỏi kiếp lưu đày. Nhưng khi nghe tiếng kêu thét đầy hoảng sợ  của con, tôi lại chùn tay bật khóc!.. Gương mặt ngây thơ của nó đáng yêu biết bao nhiêu, tôi phải sống để giữ lời hứa với anh ấy là sẽ nuôi dạy nó nên người, cho dù bây giờ hình hài nó không còn giống như bao đứa trẻ khỏe mạnh bình thường khác, cho dù chúng tôi đang sống trong sự trả thù hèn hạ của bên chiến thắng, nhưng tôi không thể dạy nó lòng căm ghét kẻ đã giết cha nó, không thể dạy nó sự oán hận cái xã hội đã đẩy người dân vào bước đường cùng. Chưa bao giờ tôi kể cho nó nghe về sự thật đáng buồn của gia đình mình. Tôi không muốn tinh thần nó bị tổn thương, chịu đựng một thân thể khiếm khuyết cũng đủ làm đau nó cả đời rồi”.Trong buổi ra mắt sách, trước cử tọa, chị đã nói bằng một giọng buồn bã nhưng cương quyết: “Nếu bây giờ phải làm lại, tôi cũng sẽ làm y như vậy!”.
Phần chị, sau khi ra tù, về Bình Dương, nuốt tủi hờn, làm bất cứ việc gì để nuôi thân, kể cả làm con sen con ở. “Chủ nhà còn rất trẻ, dân Bắc kỳ 75 đanh đá chanh chua, tôi cần tiền nên cũng dẹp tự ái để làm con sen quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới ngả lưng nằm. Nhiều lúc thấy tủi thân nhưng tôi phải tập cho mình lòng kiên nhẫn. Một hôm con nhỏ chủ liệng cái quần lót từ tầng ba xuống thau đồ tôi đang ngồi giặt rồi cười hăng hắc vì “trúng mục tiêu” khiến tôi nổi giận thật sự. Tôi chửi con chủ te tét rồi xách giỏ đi về, không cần đòi  món tiền lương hèn hạ của đứa khốn nạn”.
*
*    *
Cuốn hồi ký “Ngày Tháng Buồn Hiu” tôi có trong tay ngày chị Ngọc Ánh qua Montreal ra mắt sách thực ra là hai cuốn hồi ký, mỗi cuốn đúng trăm trang. Ngoài cuốn “Ngày Tháng Buồn Hiu” là cuốn “Nhật Ký Mực Tím” mà chị để như là phần phụ lục. “Nhật Ký Mực Tím” nói lên tâm trạng của lớp học sinh tại Sóc Trăng những ngày sống dưới ách thống trị của Việt cộng từ Bắc vào. Đó là nỗi lòng của những người trẻ lạc lõng trong nạn nước mất nhà tan.
Bữa ăn tối ngày 17 tháng 6 năm 2018, sau khi ra mắt sách, tôi ngồi cùng bàn với chị Ngọc Ánh, định hỏi chị về những ngày tiếp theo nằm ngoài cuốn “Ngày Tháng Buồn Hiu” nhưng vì chị ngồi đối diện với tôi trên một bàn ăn tròn mười người nên không tiện hỏi. Khi ra về, tôi mới hỏi được chị về cháu Vy Dân hiện ra sao. Chị cho biết cháu nay đã 40 tuổi, vẫn ở Thụy Sĩ, mỗi năm chị đều qua thăm cháu. Cháu vẫn không nói được nhưng nay chỉ hiểu tiếng Pháp. Nhưng khi chị hỏi bằng tiếng Việt, cháu vẫn hiểu được mẹ, chắc không nhiều. Cách trả lời của cháu rất đặc trưng. Muốn nói yêu thương ai thì lè lưỡi ra. Yêu nhiều thì lưỡi dài ra nhiều, yêu ít thì lưỡi chỉ lấp ló giữa môi.
Cũng tối đó, ngồi cạnh tôi là anh bạn nhà văn Nguyễn văn Sâm. Chị Ngọc Ánh là học trò của bạn anh Sâm. Năm chị 18 tuổi, anh có một lần gặp chị tại nhà bạn, khi đó anh 36 tuổi. Vài chục năm sau, anh từ Mỹ về thăm lại anh bạn và gặp lại chị. Anh tiết lộ trên hội trường trong buổi ra mắt sách: lúc đó chị gầy gò ốm yếu, ở trong một chái nhà tồi tàn lụp xụp. Anh không bị ràng buộc chuyện vợ con, thương hoàn cảnh của chị nên cưới và mang chị qua Mỹ. Tôi tìm được bài viết của nhà văn Nguyễn văn Sâm: “Hoàng Diệu Và Em”, (Hoàng Diệu là tên trường chị học và anh dạy học) mà tôi ngờ rằng anh viết về người bạn đời muộn màng của anh: “Thời gian đăng đẳng với biết bao biến cố đau thương dồn dập đời em, vậy mà em vẫn đứng dậy, vững vàng, tự tin như chưa bao giờ vấp ngã, chưa bao giờ gặp bất hạnh. Khi nghĩ về em lúc này tôi nhớ tới câu  thơ của ai đó “….và chắc thế em ơi- em vẫn sống!”. Một lần nữa tôi lại ngả đầu cảm phục em, em đã kiên cường ở lại, trong khi tôi bỏ nước ra đi…Như một kết thúc có hậu, lần đầu tiên em làm cô dâu ở tuổi 50, hôn lễ do bạn bè tổ chức, ấm cúng và cảm động. Hoàng Diệu tuổi trẻ của em đứng đó không xa, đang chúc mừng hạnh phúc muộn màng, em  hồn nhiên rạng rỡ giữa bạn bè, tưởng như quá khứ xót xa chưa từng dẫm lên cuộc đời em”.
Trước khi tôi đọc cuốn hồi ký “Ngày Tháng Buồn Hiu”, nhà văn Võ Kỳ Điền, bạn thân của nhà văn Nguyễn văn Sâm, nức nở khen văn của Ngọc Ánh “ấm” lắm. Anh phụ đề thêm: khi đọc văn, anh cảm nhận được cái “khí hậu” của văn, có những bài viết “lạnh tanh”, đọc không nổi, có những bài văn “ấm” khiến người đọc cảm được. Tôi không giấu cái hàn thử biểu trong người nên không cảm thấy ấm hay lạnh nhưng tôi đã bị lôi kéo khi đọc cuốn hồi ký này. Cũng vẫn anh Võ Kỳ Điền, ngồi cạnh tôi khi cuốn sách được ra mắt, đã phàn nàn là không ai đề cập tới khía cạnh văn chương của cuốn hồi ký. Quả có vậy. Có lẽ câu chuyện can trường của một thiếu nữ đi ngược lại thời thế, gạt đi những đặc quyền đặc lợi của một gia đình “cách mạng”, anh dũng cùng chồng chống lại chế độ, chấp nhận tù đầy trong 10 năm trời, là một hy sinh cao quý, đã làm mờ đi phần văn học của tác phẩm.
“Ngày Tháng Buồn Hiu” được viết với một nhiệt tình hiếm có nên suốt cuốn hồi ký là những trang sách hừng hực sự kiện. Có những lúc quá bực tức khi phải sống trong một nơi chốn mà sự dối trá, bịp bợm lên ngôi, đã khiến tác giả không cầm lòng được phải lên tiếng…chửi thề. Tác giả đã “tiên sư anh” hoặc “sư khỉ” hoặc “mồ tổ cha nó” khi chứng kiến trò hề gọi là bầu cử dưới chế độ Cộng sản. Rất nhiều chỗ trong sách, tác giả phải chạy theo những sôi nổi do uất ức tràn đầy nên dùng những câu viết dài với rất nhiều dấu phết. Câu văn không dừng lại được bằng những dấu chấm cách đoạn. Điều này chứng tỏ cây viết của tác giả chấm hơi sâu vào bình mực, một thói quen của những người mới viết hoặc chưa quen viết. Nhưng khi kể lại một đoạn đời nhiều truân chuyên, người ta có cần phải trau chuốt câu văn không, tôi nghĩ là không. Chính cái thô nhám của những dòng chữ đã chứng tỏ sự trung thực của tác giả. Sự trung thực đã phả hồn vào chữ nghĩa khiến người đọc không rời được cuốn sách một khi đã đọc những dòng đầu. Chất văn học nằm trong cái tinh ròng của một mảnh quý kim chưa mài dũa.
Nhìn khuôn mặt không hề có lửa của Ngọc Ánh, tôi không hiểu do đâu mà chị có đủ nghị lực và cương quyết để dấn thân vào một cuộc sống ít người có can đảm làm được. Mặt nước phẳng lặng không phải là không có những chuyển động cuồn cuộn bên dưới. Tôi khâm phục con người thức thời và quả cảm này.
06/2018


No comments:

Post a Comment