Hai nhà thơ Huế
Lưu Dân
Lưu Dân
26.02.2019
(Viết, nhân đọc một tin… tức mình)
Source: SBS Radio, Australia – Vietnamese.
Huế
là xứ thơ. Có lẽ do các yếu tố lịch sử, phong cảnh và nếp sống, vùng đất sông
Hương núi Ngự là nơi sản sinh ra nhiều nhà thơ – cả nổi tiếng lẫn khét tiếng.
Nếu kể hết tên, chắc chắn sẽ thiếu sót. Bài này chỉ viết lơn tơn – không phải
với mục đích phê bình văn học hoặc tài liệu giáo khoa gì ráo – về hai tác giả
mà cuộc đời và sự nghiệp có những liên hệ oái oăm về thân tộc và chỗ đứng của
họ trên văn đàn và trong lòng độc giả.
Tố Hữu, bia
miệng để đời
Theo tin của một số báo trong nước, đầu
năm nay (2019) một khu lưu niệm nhá thơ Tố Hữu sẽ được xây dựng tại thôn Tân
Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế "nhằm
tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng
đất nước, góp phần giáo dục truyền thống và tạo điểm tham quan góp phần phát
triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Kinh phí dự trù – chỉ mới dự trù thôi,
chưa kể phần “chi phí phát sinh” thường thấy trong các dự án công cộng ở Việt
Nam – là 28 tỷ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước (tức tiền thuế của dân).
Để bạn có thể hình dung, khoản tiền ấy
(hơn 1 triệu Mỹ kim) bằng chi phí xây dựng khoảng 10 trường tiểu học hoặc 10
bệnh xá cấp xã – không tính đến giá trị của diện tích đất khá lớn ở vị trí đắc
địa của huyện.
Ừ, thì UBND Thừa Thiên – Huế có lý do để
làm như vậy vì ông Tố Hữu không chỉ là một nhà lãnh đạo của đảng CSVN mà còn
được coi như “nhà thơ cách mạng hàng đầu” của chế độ. Với họ, việc xây dựng khu
lưu niệm là ưu tiên hơn 10 trường tiểu học hoặc 10 bệnh xá ở tỉnh miền trung
“mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn” này.
(Thật ra, khi còn sinh tiền, ông Tố Hữu
khiêm nhượng nhận mình đứng… thứ nhì. Dĩ nhiên, người được xếp hạng trên ông
là… “bác”, tác giả được bộ máy tuyên truyền của chế độ thổi lên như “nhà thơ vĩ
đại nhất của dân tộc sau Nguyễn Trãi” và cũng là người viết nhiều quyển sách tự
ca tụng mình dưới các bút hiệu khác nhau).
Cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu (1920 –
2002) được chia làm hai phần (không hoàn toàn rõ rệt vì chúng chồng lấn nhau):
làm quan và làm thơ. Khi làm quan, ông cũng làm thơ ca tụng chế độ và khi làm
thơ, ông viết những bài đầy chất miệng nhà quan.
Đời làm quan của Tố Hữu là một thất bại
hiển nhiên. Khi ông đạt đến ngôi vị quan trường cao nhất cũng là lúc người dân
sáng tác câu vè mỉa mai “Nhà thơ làm kinh tế / Thống chế đi đặt vòng”. [1]
Đời làm thơ của Tố Hữu càng thảm hại
hơn. Dù đã in hàng chục tập thơ và các sáng tác của ông được giảng dạy rộng
khắp từ bậc tiểu học lên đến đại học trong nhiều thập niên, nhưng sự nghiệp văn
chương của Tố Hữu ngày nay chỉ còn lại một cái bỉu môi kinh tởm bởi những người
cầm bút cùng thời và thế hệ kế tiếp.
Họ không còn muốn đọc – và thậm chí,
không thèm đọc – những bài thơ chiến đấu đầy tính “lãng mạn cách mạng” của
thời Việt Bắc, Theo Chân Bác, Ba Mươi Năm Đời Ta Có Đảng hoặc Từ
Ấymà chỉ nhớ những đòn thù dã man của Tố Hữu vì tư oán và ghen tài đối với
những văn nghệ sĩ chân chính chỉ viết theo lương tâm của người cầm bút.
Nhà thơ Tố Hữu và tập thơ Theo Chân Bác
Trường hợp Nhân Văn – Giai Phẩm ở miền
Bắc (từ năm 1955-58) là một ví dụ rõ nét nhất. Cuộc đời oan khiên, bầm dập, tan
nát của những tài hoa kiệt xuất trong nền văn học nước nhà như Trần Dần, Phùng
Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng
Cung… không thể nào đổ thừa cho ai khác ngoài Tố Hữu, Thứ trưởng Bộ Tuyên
truyển kiêm “Quan đầu ngành” kiểm soát tư tưởng của giới văn nghệ sĩ miền Bắc.
Khi Nhân Văn – Giai Phẩm bùng nổ, Tố Hữu
đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên cột trụ của phong trào. Tuy
ngày nay vụ oan khuất Nhân Văn – Giai Phẩm đã sáng tỏ và các nạn nhân được phục
hồi danh dự nhưng Tố Hữu vẫn dửng dưng như người vô can mặc dù nhiều người
trong cuộc chỉ đích danh ông ta là kẻ bách hại tự do sáng tác của phong trào
này.
Hãy nghe một vài nhận định tiêu biểu trong giới cầm bút ở cả hai miền, cùng và sau thế hệ của Tố Hữu:
Nhà văn Nguyễn Viện, một người bất đồng
chính kiến sống tại Sài Gòn, cho rằng thơ của Tố Hữu không hay, thơ của ông
nặng tính tuyên truyền, đôi khi đến nỗi khát máu và nịnh bợ quá đáng.
Nhà thơ Hoàng Hưng, sống ở miền Bắc,
thuộc thế hệ những văn nghệ sĩ từng bị đàn áp trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm,
đồng ý rằng thơ Tố Hữu một thời đã thấm sâu vào dân chúng còn hơn cả ca dao
nhưng vẫn là thơ tuyên truyền.
“Ngoài cái việc chung (phục vụ cho
chế độ) thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù, vì nhóm Nhân Văn dám làm một cuộc hội
thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy, trong đó có hai người là Trần Dần
và Hoàng Cầm.”
Nhà thơ Tố Hữu (bên trái) và Tổng Bí thư
Lê Duẩn
Một bài thơ của Tố Hữu được phổ biến và
học tập rộng rãi trong thời Cải cách Ruộng đất, lại là những câu sát máu rợn
người và vong bản tột cùng:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút
nghỉ.
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau
xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước
chung
lòng,
Thờ Mao
Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
Hoặc những câu thơ vô sỉ như thế này đã
và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ
cách mạng:
Áo Ông trắng giữa mây
hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm
cười
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập
nói
Tiếng đầu lòng con gọi
Stalin!
….
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông
thương mười.
Ngay cả những bài thơ về tình yêu của Tố
Hữu cũng “thấm đẫm tính đảng”:
Tim anh đó chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
Em khẽ bảo thế cũng nhiều anh
nhỉ... [2]
Việt Nam là nơi có nhiều khu
lưu niệm, tượng đài, bia đá nhiều nhất thế giới, một kỷ lục mà quan chức nhà
nước rất tự hào. Người ta đua nhau xây dựng các công trình đó – để làm gì, ai
cũng biết – dù có khi những nhân vật / sự kiện được lưu niệm chỉ là sản phẩm
của sự lừa dối (như anh hùng Lê Văn Tám tẩm xăng chạy vào đốt trại giặc, liệt
sĩ Võ Thị Sáu cài hoa lê-ki-ma lên mái tóc trên đường ra sân bắn, Phan Đình
Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai...).
Tố Hữu không là một trường hợp như vậy.
Ông ta là con người với những câu chuyện có thật còn rỉ máu một thời chuyên
chính vô sản. Ông ta có xứng đáng được người dân lưu niệm, lập bia hay không?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả của bài
thơ Bài Học Đầu Cho Con được phổ nhạc với tựa Quê
Hương (là chùm khế ngọt), một người cầm bút thuộc thế hệ sau ở
miền Nam, nhận xét về Tố Hữu:
“Ông ấy là một nhà thơ nổi tiếng, nổi
tiếng theo kiểu là hàng đầu của văn học cách mạng. Nhưng đó là chuyện của cách
mạng, không phải là chuyện của tôi… Cứ xây đi (khu lưu niệm Tố Hữu), để sau này
người ta còn có cái để mà hạ xuống.”
Mới hay ông bà mình từ xưa nói chẳng hề
sai:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Phùng Quán,
nhà thơ chân thật
Tuy quan điểm sáng tác và vị trí xã hội
khác nhau – và đối nghịch nhau – nhưng, như một định phận trớ trêu, Phùng Quán
(1932 – 1995) và Tố Hữu lại có quan hệ thân tộc với nhau. Trong tác phẩm “Ba
phút sự thật”, Phùng Quán viết ông gọi Tố Hữu bằng cậu nhưng thực ra Tố Hữu
là bác (anh ruột của mẹ) của ông, theo cách xưng hô của người Bắc.
Phùng Quán bắt đầu viết từ rất sớm,
khoảng năm 20 tuổi, phần lớn là văn. Ông nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu
tay “Vượt Côn Đảo”, được giải thưởng của Hội Nhà văn
Việt Nam năm 1955 [3]. Nhưng sự nghiệp của Phùng Quán thật sự đi vào
văn học sử - và cuộc đời ông cũng bắt đầu bị cuốn xoáy xuống tận cùng oan
nghiệt vì họa văn tự - sau hai bài thơ “Lời Mẹ dặn” và “Chống
tham ô lãng phí” đăng trong Nhân Văn – Giai Phẩm năm 1957. Gần như lập
tức, hai bài thơ này được coi như tuyên ngôn lương thức của giới văn nghệ sĩ
miền Bắc lúc ấy.
Phùng Quán bị kỷ luật, tống xuất khỏi
quân đội và bị tước tư cách hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ ấy, ông bị
lưu đày trong các trại tù cải tạo ở nhiều nơi và sống lây lất với kiếp “câu
trộm, rượu chịu, văn chui” [4] suốt gần 30 năm cho đến thời kỳ “đổi mới” giữa
thập niên 1980, khi các thành viên của Nhân Văn – Giai Phẩm được phục hồi danh
dự.
Trong suốt thời gian bầm dập đó, tên
tuổi Phùng Quán hầu như biến mất trên văn đàn dù ông vẫn “viết chui” (lấy tên
người khác) và nhận được một số giải thưởng lớn (vẫn do... người khác lãnh)
[5].
Phùng Quán chỉ chính thức cầm bút lại
năm 1988 với quyển tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” đoạt Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội
Nhà văn Việt Nam. Ông cũng đã sáng tác
nhiều bài thơ giá trị như Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ
nghe...
Oái oăm thay, năm 2007, tức 12 năm sau
khi ông qua đời, Chủ tịch nước CHXHCNVN ký quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước về
văn học nghệ thuật cho Phùng Quán (cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng
Cầm). Không biết dưới suối vàng ông có
vui lòng lãnh nhận giải thưởng này không để đánh đổi cả cuộc đời bị đọa đày tủi
nhục.
Thơ Phùng Quán, đặc biệt là bài Lời
Mẹ dặn (viết khi tác giả mới 25 tuổi), như kể chuyện, đơn giản đến mức
ai cũng có thể viết được, nhưng nó lại có một sức hút kỳ lạ khó cưỡng vì chứa
đựng một lý tưởng nhân văn thuần khiết và cao đẹp:
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
...
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
...
Rồi đến lúc lớn khôn, Mẹ dạy:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
...
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
...
Đến khi trở thành nhà văn, tác giả tự
nguyện:
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Hơn nửa thế kỷ qua, bài thơ đã trở thành
tài sản tâm hồn của nhiều thế hệ độc giả ở cả hai miền Nam Bắc. Chẳng có gì lạ
mà sau này, trong tuyển tập 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ 20 của Trung tâm
Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục, Lời Mẹ Dặn được
trang trọng in lại, dù vì nó mà tác giả đã long đong gần suốt một đời.
Dịch giả Nguyễn Hiệu, nguyên Trưởng ban
Tu thư của Đại học Vạn Hạnh và cũng là một bạn tâm giao với Phùng Quán, đã đưa
ra lý do sâu xa của sự thù hận và trù dập ấy. Ông cho rằng bài thơ mang đậm
tính phản kháng, trực tiếp chạm đến một nhân vật mà ai cũng biết, đó là Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Hiệu nhận xét:
"Bài Lời Mẹ Dặn nó có một ý nghĩa
lớn. Đối với Phùng Quán, với tôi và rất nhiều người bởi vì bài thơ
ấy anh viết năm 25 tuổi thôi nhưng anh đã nói những điều đại kỵ đối
với miền Bắc trong ấy có bốn câu “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là
ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành
ghét / Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói ghét thành yêu.”
Những câu này trực tiếp nhắm vào Hồ Chí
Minh và nhắm vào giáo dục miền Bắc tức là không ai yêu Hồ Chí Minh cả nhưng mà
từ nhỏ tới lớn mọi người được dạy là ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi
đồng? Cái câu của Phùng Quán bảo “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là
ghét” là câu chạm nọc họ kinh khủng lắm.
Cho nên đến năm 1995 thì họ muốn xoa dịu
những người trong Nhân Văn - Giai Phẩm, họ hứa in cho mỗi người một tập
thơ và 5 triệu tiền nhuận bút thế nhưng họ bảo với Phùng Quán là phải bỏ bài
thơ “Lời Mẹ Dặn” ra, Phùng Quán nhất định không chịu và sau
khi anh chết họ mới chịu in bài thơ này."
Phùng Quán mất ngày 22.01.1995 (cũng là
ngày sinh của ông) tại Hà Nội. Sau khi vợ ông, nhà giáo Vũ Bội Trâm, qua đời
năm 2010, thể theo lời di chúc của ông: Tôi sẽ đào nấm huyệt / Cạnh mồ
cha mẹ tôi, gia đình đã đưa hài cốt ông bà về cải táng (năm 2011) tại quê
nhà ở làng Thanh Thủy Thượng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phần mộ trang nhã và khiêm tốn của họ -
do bạn bè và những người ái mộ trong và ngoài nước quyên góp xây dựng (không
phải 28 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước) – chỉ chiếm một diện tích khoảng
20 mét vuông, nằm thoai thoải trên một triền đồi nhỏ, nhìn xuống một hồ nuôi cá
và, cách đó không xa, một con đường làng nhỏ mang tên ông với một “Quán nhậu
bình dân Phùng Quán”.
Lưu Dân bên đường mang tên Phùng Quán và
Quán nhậu bình dân Phùng Quán
Từ nay, Phùng Quán sẽ vĩnh viễn thoát
khỏi cuộc đời “câu trộm, rượu chịu, văn chui” vì không ai còn có thể giam hãm
hoặc cấm đoán một hồn thơ khẳng khái và chân thật của ông được. Hồ cá trước
mặt, quán nhậu bên cạnh và văn của ông đã được người đời khắc lên trên đá.
(Nếu bạn có dịp đến thăm, ngôi mộ Nhà
thơ Phùng Quán và Nhà giáo Vũ Thi Bội Trâm nằm cách Thành phố Huế khoảng 6km về
phía nam, trên đường đi phi trường Phú Bài. Bạn phải để ý kỹ vì chỉ có một tấm
bảng nhỏ phía tay mặt ghi dòng chữ “Mộ Phùng Quán” dẫn vào một hương lộ có thể
chạy xe hơi, khoảng 10 phút là tới.)
Theo lời kể của một người bạn thân trong
gia đình, Phùng Quán đã có lần đến thăm Tố Hữu, khi người cậu là quan chức cao
cấp của chế độ và đứa cháu lại là một nhà thơ phản động. Hai người chỉ dấm dẳng
dăm câu vì không hợp nhau. Đại khái Tố Hữu có lời khuyên gì đó nhưng Phùng Quán
không nghe và bỏ về. Sau, Tố Hữu lại nhắn: “Quán, đừng dại nữa!” Nghe
chuyện, Phùng Quán cười: “Mình dại lâu rồi, nhưng chỉ muốn làm người
chân thật.”
Bây giờ, cả hai đều đã trở thành người
thiên cổ.
Thế mới hay, khôn (như Tố Hữu) cũng
chết, mà dại (như Phùng Quán) cũng chết. Một khu lưu niệm hàng ngàn mét vuông
trị giá tiền tỷ hay một phần mộ nho nhỏ tha hồ gió reo trên đồi cũng như nhau
thôi. Chỉ còn lại trơ trơ ngàn năm một tấm bia miệng.
*************
[1] Câu vè này nói về Tố Hữu và Võ
Nguyên Giáp. Tố Hữu từng nắm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế trong
những năm 1980. Quyết định của Tố Hữu về “Giá, Lương, Tiền” đã khiến tốc độ lạm
phát của Việt Nam lúc ấy tăng đến 770%. Trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên
Giáp cũng bị hạ tầng công tác do sự đấu đá nội bộ, Ông ta bị sỉ nhục bởi “công
tác đảng giao” về làm Chủ tịch Ủy ban Sinh đẻ có kế hoạch.
[2] Đoạn thơ này sau năm 1975 bị dân
cà-phê vỉa hè “nhái” lại để mô tả hiện tượng cán bộ CS hủ hóa, bỏ bê gia đình
chạy theo đào nhí: Lương anh đó chia ba phần to nhỏ / Anh dành riêng
cho bả phần nhiều / Phần bao em và phần để anh tiêu / Em sẽ bảo thế cũng liều
anh nhỉ...
[3] Trong một bài viết của nhà văn
Nguyễn Quang Lập, Phùng Quán thú nhận truyện Vượt Côn Đảo là…
bịa. Hồi đó, ông nghe người ta kể lại một phần ông bịa ra chín phần. “…
Cho đến ngày anh (PQ) ngồi kể cho mình (NQL) nghe, khoảng năm 85 – 86 chi đó,
anh vẫn chưa biết Côn Đảo méo hay tròn. Trong đó có mấy câu anh tả con đường từ
nhà tù ra Bãi Dương (trường bắn) được lót xương của các tù nhân bị án tử hình.
Là anh bịa ra thế để nâng cao lòng căm thù Đế quốc thực dân chứ xương người làm
sao lót được đường. Chẳng ngờ trong hồi ký của một ông ở tù Côn Đảo về (ông này
nổi tiếng lắm, không dám nêu tên) khi viết về con đường này cũng tả y chang như
anh, cũng con đường lót xương các tù nhân…”
“Cũng chuyện tù Côn Đảo,
trong Trường ca Võ Thị Sáu, anh (PQ) viết tuổi 16 chị Sáu vẫn
hái hoa lê-ki-ma cài tóc. Buổi sáng ngày bị hành hình, chị đã ngắt
một nhành hoa lê-ki-ma cài lên mái tóc, trên đường ra pháp trường, vừa đi vừa
hát. Anh đâu biết lê-ki-ma là cây gì, nghe cái tên đẹp thì tưởng hoa của nó
chắc đẹp lắm. Sau này mới biết lê-ki-ma thực ra là cây quả trứng gà, hoa
đã xấu lại đầy nhựa, “ngắt một nhành hoa cài mái tóc” có mà dở hơi… Anh
Quán cười khà khà, nói sau này hễ viết về chị Võ Thị Sáu
thì người ta lại bê nguyên chi tiết này vào, vui quá là vui.”
[4] “Sinh kế” của Phùng Quán trong suốt
quãng đời bị trù dập là câu cá trộm (không có giấy phép) vào ban đêm ở các hồ
quanh Hà Nội, nhiều nhất là ở Hồ Tây. Ông trở thành “thợ câu” do sự giúp đỡ và
che chở của vài người bạn lính trong đơn vị cũ hâm mộ thơ ông. Ban đầu, ông
không biết nghề, chật vật lắm mới đủ một bữa “cơm đầu ghế” (ngày nay gọi là cơm
bụi), nhưng về sau ông trở thành một “chuyên gia bậc nhất” trong giới câu trộm.
Phùng Quán tính rằng trong thời gian đăng đẳng đó, ông đã câu trộm được 4 tấn
cá. Ông hứa rằng khi được “trở lại đời”, ông sẽ đến chợ Đồng Xuân lạy tạ những
bà hàng đã mua cá chui của ông và đền cho họ những sáng tác tim óc của mình…
cho công bằng.
[5] Khoảng năm 1969-70, Phùng Quán mượn
tên một người em họ đang làm công nhân lâm trường ở Nghệ An để gửi bài dự thi
viết về Lenin do tờ Phụ nữ Liên Xô tổ chức. Mục đích của ông là cố giật… giải
an ủi, với phần thưởng là chiếc đồng hồ báo thức cho con gái đi học khỏi trễ
giờ. Với thân phận phản động hạng nặng, Phùng Quán làm gì dám mơ một thứ hàng
xa xỉ như vậy mà chỉ có cán bộ cấp cao mới có sổ mua. Nào ngờ, truyện
ngắn Như con cò vàng trong cổ tích mà ông viết ngoáy trong hai
ngày lại… chiếm giải nhất, với phần thưởng là một chiếc xe đạp. Báo hại người
em họ của ông vừa lãnh giải thưởng văn học vào hạng giá trị nhất của Liên Xô
vừa… đái trong quần, vì được báo đài cả miền Bắc ca tụng như “sản phẩm trí tuệ
của giai cấp công nhân Viet Nam”. Sau này, khi biết tác giả thật, bộ máy tuyên
truyền của chế độ cũng tắt tiếng luôn.
(Bài do tác giả gửi tới Việt
Báo)
No comments:
Post a Comment