Posted on November 16, 2007
Hoanghaithuy
Nhân đây, xin viết vài hàng về nhân vật Triệu Quốc Mạnh. Anh có
chứng chỉ Cử nhân Luật, gia nhập Cảnh sát Quốc Gia, mang lon đại úy Cảnh Sát.
Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảnh Sát Đô Thành Sài Gòn trong chính phủ hư
thai Dương Văn Minh. Sau Đại Hội Đảng kỳ 6, Tổng bí thư Chăn Trâu Nguyễn Văn
Linh tuyên bố: “đổi mới tư duy”, Triệu Quốc Mạnh và Nguyễn Đăng Trừng được phép
mở một cái gọi là Phòng Dịch Vụ Pháp Lý. Tiếp đó, để cho có vẻ có pháp luật đôi
chút Triệu Quốc Mạnh và Nguyễn Đăng Trừng trở thành “luật sư” biện hộ những vụ
án chính trị được mang ra tòa xử. Triệu Quốc Mạnh biện hộ cho đám “Những Tên
Biệt Kích Cầm Bút,” Nguyễn Đăng Trừng biện hộ cho nhóm Tu Sĩ Già Lam Chống Đối
trong có Thượng Tọa Thích Đức Nhuận, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương,
Ni Cô Thích Trí Hải, v.v… Năm 1992, trường Đại Học Luật Khoa được Võ Văn Kiệt
cho mở ở thành phố Hồ Chí Minh, Triệu Quốc Mạnh là khoa trưởng.
Nghe nói cái gọi là trường Đại Học Luật Khoa Thành Phố HCM bị
bọn lãnh đạo ở Hà nội coi là không được danh chính, ngôn thuận. Thủ đô Hà Nội
không có Đại Học Luật. Bộ Nội Vụ Việt Cộng có cái trường gọi là Đại Học Pháp Lý
chuyên đào tạo các anh chị cán ngố làm nhân viên Bộ Nội Vụ. Những cán đực, cán
cái không cần có trình độ học vấn vẫn vào được Đại Học Pháp Lý. Vì vậy người ta
thấy có những chị chuối chiên, vịt lộn viết cái biên lai giặt ủi cũng mướt mồ
hôi nách trở thành những vị “thẩm phán”. Thời cộng sản mở toang mọi cửa lớn,
cửa nhỏ, cửa trước, cửa sau để khều ngoại nhân vào đầu tư cho chúng ăn bám có
nhu cầu phải có những chuyên viên về luật thương mại – chuyên viên cán sự thôi,
đừng nói đến danh từ “luật sư” đao to búa lớn. Võ Văn Kiệt cho Thành Hồ mở Đại
Học Luật Khoa, thu nhận sinh viên dân sự vào học, bọn cộng sản Hà Nội không
bằng lòng. Thành Hồ hiện có một số anh được phong đại là “Luật gia” thường xuất
hiện trên Tivi nói lăng nhăng về các vấn đề luật pháp. Không ai biết những anh
“luật gia” này ở trường Luật nào ra. Lại thêm Đại Học Luật mà Giáo sư Khoa
trưởng là ông Cựu Đại úy Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới có chứng
chỉ cử nhân thì trình độ giảng huấn của trường tất nhiên là khá quá rồi.
Triệu Quốc Mạnh – giống như những anh Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng
Cầu, Vũ Hạnh – là một thứ “phi cầm, phi thú”. Mấy anh không phải là đảng viên
cộng sản. Cộng sản không nhận mấy anh là đồng đảng. Mấy anh phản bội những
người quốc gia Việt Nam Cộng Hòa từng nuôi dưỡng mấy ảnh. Hai mươi mùa lá rụng
qua rồi, thân phận những anh “phi cầm, phi thú” không có gì đáng để nói .
Trở lại chuyện “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” tôi nói rõ:
Tôi không “trả lời” hai anh Nam Thi – Minh Kiên. Hai anh ở trong hàng ngũ bọn
Công An Cộng sản đã bắt giam chúng tôi, hai anh viết vung xích chó về đời tư,
vợ con, cha mẹ, việc làm của chúng tôi. Khi ở trong vòng kìm kẹp của các anh,
tôi không có điều kiện để viết về việc chúng tôi làm. Hôm nay có điều kiện
viết, tôi viết. Tôi đăng một số trang hai anh viết về chúng tôi để bạn đọc của
tôi biết các anh đã – học mót bọn Nga cộng, Tàu cộng – “chửi bới” những người
phơi bầy những tội ác của Đảng các anh như thế nào .
*****
Mặt trận không tiếng súng… Đó là lời huê mỹ anh Phan Hiền viết
trong Lời Tựa “Quái Phẩm” NTBKCB. Trong cái gọi là “Mặt trận không tiếng
súng” ấy một bên là phe công an Việt Cộng có súng, có nhà tù, có quyền bắt
người, giết người, giam người gần như hoàn toàn tự do tùy ý. Phe bên kia, phe
nạn nhân, không phải phe đối nghịch, là nhân dân, chân tay không, những người
dân khốn khổ không có qua một chút bảo đảm nào về an ninh, những nạn nhân bị
đàn áp suốt đời chỉ chịu trận mà không có qua một cách nhỏ nhất nào để có thể
tự vệ, đỡ đòn, đừng nói đến chống trả.
Tôi – người viết loạt bài này – không cho việc Công An Thành Hồ
bắt giam chúng tôi là việc xẩy ra trên một “Mặt Trận”. Không phải tôi nhát đến
độ sang được Xê Kỳ rồi vẫn còn sợ không dám nhận mình có thời từng “chiến đấu”
với Công an Việt cộng trên “mặt trận”, dù đó là “Mặt Trận Văn Hóa.” Theo tôi,
gọi việc Công An Việt cộng bắt giam chúng tôi là việc xẩy ra trên một “Mặt
Trận” là danh không chính và ngôn không thuận. Anh em chúng tôi chỉ có những
cây bút Bic. Và chúng tôi cũng không được sử dụng cây bút để thể hiện một nửa
khả năng của chúng tôi. Chúng tôi lén lút viết, lén lút gửi đi. Viết rồi gửi đi
thấy lòng ngẩn ngơ như thả con mình đi vượt biên mà không biết nó sống chết ra
sao. Người viết có cái lạc thú đọc bài mình in trên trang báo, trang sách, chữ
in sáng sủa, gọn gàng. Những mùa thu lá bay vàng võ ở Thành Hồ chúng tôi hoàn
toàn không có cái lạc thú đó.
Những ngày, những đêm dài u ám nằm ngâm Thơ Gãi Háng đến chán
ngấy ở những phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Ô ten Chí Hòa, Trại Cải Tạo
Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai, đôi khi tôi nghĩ vẩn vương: “Nó có cả một bộ máy
tuyên truyền cực mạnh; các báo, các nhà xuất bản, truyền thanh, truyền hình…
của nó hết. Tại sao nó không dùng những phương tiện đó để tranh luận với mình?
Mình viết về những cái xấu của nó, nó có thể phản bác, trưng bằng cớ nó không
có những cái xấu ấy, nhân dân sẽ quyết định thằng nào đúng, thằng nào sai? Tại
sao nó không làm thế? Tại sao nó lại phải bắt mình, phải bỏ tù mình?”
Sau những lần nghĩ như vậy tôi vẫn bùi ngùi thương thân. Trong
tuyệt vọng tôi đã mong ước những người cộng sản làm với tôi cái việc họ không
bao giờ làm. Đó là việc tranh luận để nhân dân làm Ngự sử. Mong cộng sản tranh
luận thì thật là ngu đến cỡ phi-ní lô đia, tức ngu hết nước nói. Người cộng sản
không đối thoại với bất cứ ai. Cách đối xử duy nhất họ áp dụng với những người
không ca tụng họ là bắt, giết, bỏ tù đến chết. “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.”
Lời Cố Hồng, Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng.
Nón cối, dép râu, A-ka, cờ đỏ ngơ ngáo vào Sài Gòn. Cuộc biển
dâu khủng khiếp bắt đầu.
Trải qua một cuộc biển dâu.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Hai trăm năm trước người thơ xưa phải chứng kiến cuộc biển dâu
Lê-Trịnh-Nguyễn- Nguyễn phân tranh, ông chỉ thấy đau lòng thôi. Con cháu ông
không được cái may mắn chỉ chứng kiến biển dâu và chỉ thấy đau lòng như ông.
Chúng tôi bị nhận chìm trong biển dâu, chúng tôi chết trong cái dâu biển ghê
rợn, thê thảm ấy.
…. Ngươi đi bốn biển vui hò hẹn
Ta ở đây chìm dưới biển dâu
Mưa nắng xứ người ngươi gắng chịu
Sắt son dạ ấy chớ phai màu
Thôi ngươi đi nhé. Đừng quay lại
Ta khóc đây ngươi có biết đâu!
Ta ở đây chìm dưới biển dâu
Mưa nắng xứ người ngươi gắng chịu
Sắt son dạ ấy chớ phai màu
Thôi ngươi đi nhé. Đừng quay lại
Ta khóc đây ngươi có biết đâu!
Thơ Mặc Thu tiễn Nhã Ca-Trần dạ Từ đi ODP ra nước ngoài. “Ta ở
đây chìm dưới biển dâu” là cái ý tôi mượn để tả tình cảnh chúng tôi ở Thành Hồ
sau ngày oan nghiệt Ba Mươi Tháng Tư 75.
No comments:
Post a Comment