Úc cần sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á để đương đầu với
Trung Quốc
Việt Hà, RFA
2015-11-17
2015-11-17
Trước những tham vọng của Trung Quốc
trong việc khống chế Biển Đông, nhiều nước trong khu vực đã công khai bày tỏ
quan ngại, và đều trông mong vào sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực với hy vọng
kiềm chế Trung Quốc.
Tiếp tục loạt bài phỏng vấn về an
ninh khu vực và căng thẳng Biển Đông trước thềm thượng đỉnh Đông Á, Đài Á Châu
Tự Do hỏi chuyện Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc học viện
Quốc phòng Úc. Giáo sư Carl Thayer sẽ nói về vai trò của Úc tại khu vực trước
sự trỗi dậy đáng lo ngại của Trung Quốc và hợp tác Úc - Mỹ.
Trước hết nói về vấn đề Biển Đông và
Trung Quốc tại thượng đỉnh Đông Á sắp diễn ra từ ngày 21 đến 22 tháng 11 tại
Malaysia, giáo sư Carl Thayer cho biết:
“Bởi vì Trung quốc cho xây dựng các
đảo nhân tạo và Hoa Kỳ phản ứng với vấn đề tự do hang hải nên những thượng đỉnh
cuối năm nay bao gồm thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh ASEAN với các đối
tác sẽ chứng kiến vấn đề biển Đông lại được hâm nóng…
Liên quan đến thượng đỉnh Đông Á,
ngay từ trước khi Mỹ tham gia thượng đỉnh này thì họ đã có nghị trình, theo đó
vấn đề biển Đông chỉ được đề cập trong các cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo các
nước nhưng không thể được đề cập đến trong tuyên bố chung của thượng đỉnh…
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì
trong thượng đỉnh lần này vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập đến và Trung Quốc sẽ
chống lại và cố gắng làm như Hoa Kỳ là người làm mất ổn định trong khu vực.”
Mối
đe dọa từ Trung Quốc
Việt Hà: Thưa Giáo sư, có thông tin nói rằng Úc đang xem xét cho
tàu tham gia việc tuần tra trên biển Đông. Theo ông, với những diễn biến gần
đây trên Biển Đông, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Úc hiện nay thế nào?
GS Carl Thayer: 60% hàng hóa của Australia phải đi qua đường biển và đi qua
Biển Đông, ngay cả trước khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo thì
Australia vẫn luôn có lợi ích quan trọng tại đây và muốn đảm bảo tự do
hang hải và an ninh qua khu vực này.
Bất cứ những xung đột nào tại đây
cũng làm cho chi phí bảo hiểm tăng cao và làm gián đoạn thương mại cho
Australia.
Australia cũng có nghĩa vụ theo như
thỏa thuận quốc phòng 5 nước (FPDA) với Singapore và Malaysia mà theo đó các
nước tham gia thỏa thuận này phải hỏi ý kiến nhau và giúp đỡ nhau khi họ gặp
những đe dọa về quốc phòng, nhưng chỉ giới hạn với bán đảo Singapore và
Malaysia. Tuy nhiên những cuộc diễn tập của FPDA đã được thực hiện trên
biển Đông.
Và cuối cùng là về phía chính phủ
Úc, ngay khi nhậm chức thì Thủ tướng mới của Úc cũng đã nói là hành động của
Trung QUốc là phản tác dụng.
Chính phủ của Thủ tướng Úc trước và
chính phủ Úc hiện tại đều tin vào tự do hàng hải và luật quốc tế, luôn
ủng hộ ASEAN trong vấn đề này, gần như tương đồng với chính sách của Hoa Kỳ là
mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình theo luật quốc tế. Tàu và máy bay
quân sự của Australia vẫn đi qua khu vực này thường xuyên.
Vài năm trước thì máy bay, tàu của
Australia có gặp một số khó khăn với Trung Quốc khi đi qua đây và Australia đã
ngay lập tức đã lên tiếng về lập trường của mình và quyền tự do hang hải và sau
đó thì không gặp vấn đề gì với Trung Quốc nữa.
Thực tế thì khi tàu của Mỹ đi qua
biển Đông thì Australia đang diễn tập bắn đạn thật với Trung Quốc và đã có
thông báo công khai là khi tàu của Australia đi về lại Australia thì sẽ đi qua
biển Đông nhưng không gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng vì đó là sự
xúc phạm.
Nhưng trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng
giữa Mỹ và Australia vào năm nay tổ chức ở Boston, phía Hoa Kỳ đã đề nghị một
cách không chính thức Úc tham gia vào hoạt động tuần tra trên biển Đông với Mỹ.
Australia vẫn duy trì lập trường về tự do hang hải và có thể thực hiện các hoạt
động này trong một lúc nào đó do chính Australia lựa chọn nhưng rất có thể là
sẽ không nói gì và cứ thế làm.
Vào lúc này, tuần tra chung với Mỹ
là không được đặt ra. Nhật Bản cũng đang xem xét vấn đề này.
Việt Hà: Ông nhận định thế nào về quan hệ giữa Trung Quốc và Úc
vào lúc này?
GS Carl Thayer: Cũng giống như là với Mỹ, Trung Quốc là bạn hàng
thương mại lớn của Australia. Australia đồng thời cũng là đồng minh của Mỹ cho
nên có tranh luận là Australia nên có hai chính sách, một trong số đó là chính
sách về kinh tế với Trung Quốc nhưng điều này không còn quá lớn vào lúc này khi
kinh tế Trung quốc phát triển chậm lại và do đó nhu cầu về quặng sắt nhập từ Úc
giảm, và nhập than của Úc cũng giảm vì Trung Quốc đang tìm cách giảm lượng khí
thải.
Thứ hai nữa là chúng tôi cũng muốn
Trung Quốc tham gia và chúng tôi vẫn đang làm vậy. Ngoài ra có một vấn đề khác
nữa cũng ít người biết vì nó cũng nhỏ thôi nhưng quan trọng đó là thủy quân lục
chiến Mỹ định kỳ đến Darwin của Úc, có một số nhỏ trong đó tham gia cùng quân
của Úc và Trung Quốc để thực hiện các cuộc diễn tập sống còn tại miền bắc Úc.
Cho nên Úc cũng có suy nghĩ giống
như Mỹ là không muốn biến Trung Quốc thành kẻ thù nhưng sẽ kháng cự lại nếu
Trung Quốc có hành động gây hấn và không chơi theo luận chơi. Australia giống
Mỹ là cố gắng tham gia với Trung Quốc, nói chuyện với lãnh đạo quân đội Trung
Quốc để họ có hành động giống như các cường quốc biển khác.
Vai
trò cần thiết của Mỹ
Việt Hà: Có những lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành quân
sự hóa những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông. Câu hỏi bây giờ
là bao giờ mà thôi. Vậy một khi Trung Quốc hoàn tất việc xây lấp các đảo và
tiến hành quân sự hóa khu vực, mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông với Úc
sẽ thế nào?
GS Carl Thayer: Không có bất cứ việc gì mà Mỹ đang làm có thể ngăn cản được
Trung Quốc củng cố sự hiện diện của họ ở 7 đảo nhân tạo tại biển Đông. Không có
gì có thể ngăn cản được việc Trung Quốc từng bước đưa vào các thiết bị quân sự
như rada tầm xa, tên lửa chống tàu, tên lửa chống máy bay, đưa tàu vào khu vực
này, kết nối các thiết bị với nhau để Trung Quốc có thể có được thông tin ngay
lập tức về các hoạt động quân sự tại đây.
Vị trí của Trung Quốc có thể gây sức
ép lên đồng minh của Mỹ là Philippines. Họ đã gây khó khăn cho tàu của
Philippine hoạt động trong vùng nước của chính Philippines.
Cho nên từng chút từng chút một
Trung Quốc sẽ gây sức ép lên Malaysia, Indonesia, Việt Nam để các nước này
không gây khó khăn cho Trung Quốc mà làm suy yếu vị thế của Mỹ và của cả
Australia. Australia hoạt động hiệu quả nhất khi có Mỹ và Nhật Bản.
Thứ hai nữa là Trung Quốc sẽ có thể
kiểm soát đường đi lại của hàng hóa qua Biển Đông. Trung Quốc chưa can thiệp
vào tuyến đường này vì thực sự nếu Trung Quốc làm thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả
mọi người. Nhưng Australia và cả những bên không liên quan sẽ bị ảnh hưởng nếu
có bất cứ xung đột nào nổ ra tại đây vì nó ảnh hưởng đến đường đi của hang hóa
qua đây. Các tàu chở hàng sẽ phải chuyển hướng và đi đường dài hơn để đến đích
của mình.
Điều quan trọng nhất là phải giữ Hoa
Kỳ tham gia vào khu vực mà không rút lui, và thấy là những cam kết của Hoa Kỳ
phải được chứng minh bằng hành động.
Như giáo sư Joseph Nye Harvard,
nguyên Thứ trưởng quốc phòng Mỹ nói thì Hoa Kỳ cung cấp khí Oxy cho an ninh.
Chúng ta không cảm thấy điều này vì Hoa Kỳ vẫn ở đó và chúng ta vẫn hưởng khí
oxy bình thường, nhưng khi họ không còn ở đó thì chúng ta sẽ cảm thấy ngay. Và
vì vậy Australia muốn Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp oxy cho an ninh khu vực.
Làm
thế nào để giúp Việt Nam, Philippines?
Việt Hà: Xin ông cho biết là Australia có thể làm gì để giúp các
nước như Việt Nam và Philippines trong việc đối phó với sức ép từ Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Thứ nhất đóng góp của Australia là làm cho Australia mạnh
để có khả năng để tự vệ và đóng góp cho các đồng minh và có thể hoạt động cùng
Hoa Kỳ, có nghĩa là duy trì vũ khí quốc phòng ở tiêu chuẩn cao. Điều này rất
quan trọng với Australia và cả với Nhật bản. Australia có chương trình hợp tác
quốc phòng.
Australia không giàu khi so sánh về
độ lớn của nền kinh tế với Nhật bản hay Mỹ. Nhưng Australia đã cung cấp
tàu đã qua sử dụng cho Philippines và đó là điều mà Nhật cũng đã làm qua vốn
ODA…
Nhưng sự giúp đỡ của Australia lớn ở
mặt nhân sự. Kể từ khi quan hệ quốc phòng bắt đầu vào năm 1999 Australia
đã đào tạo hơn 2000 nhân sự quốc phòng cho Việt Nam, nhiều hơn bất kể nước nào
trên thế giới trong cùng quãng thời gian như Ấn Độ, Nga là những nước cũng giúp
đào tào nhân sự quốc phòng cho Việt Nam.
Australia giúp đào tạo về tiếng Anh
cho sĩ quan Việt Nam để họ có thể dự các khóa học ở Australia và các nước khác
trên thế giới và hiểu được những gì đang diễn ra trong các đối thoại..… tất
nhiên là tàu của Australia cũng ghé thăm Việt Nam, và có những trao đổi ở mức
thấp với Việt Nam. Nhưng chúng ta phải đặt mọi thứ trong điều kiện là Việt Nam
vẫn chưa tiến hành các cuộc tập trận với bất cứ nước nào.
Với Philippines, Australia cũng gửi
một số lượng nhỏ quân đến tập trận cùng Philippines và Mỹ trong năm nay. Cả
Australia và Philippine đều ký hiệp ước với Mỹ và mọi người đều không để ý
nhưng khi đọc các hiệp ước đồng mình với mỹ thì đoạn quan trọng nói về cam kết
của Mỹ thì từng chữ một của hai hiệp ước đều giống nhau.
Cho nên điều mà Australia có thể nói
với Philippines là một liên minh thì anh cần phải tự biết giúp mình. Có nghĩa
là tự hiện đại hóa, đầu tư tiền vào quân đội của mình vì mục đích phòng vệ thay
vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, tức là làm cho chính mình trở nên hữu ích trong
mối quan hệ đồng mình thay vì đòi hỏi Mỹ làm toàn những việc nặng.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn
này!
No comments:
Post a Comment