Vụ nước mắm: Minh bạch giải cứu chính phủ
19/03/2019
Giá trị mỗi cổ phiếu của Masan - tập đoàn
chuyên sản xuất hàng tiêu dùng – đã giảm 3.300 đồng. Cuối tuần vừa qua, giới am
tường hoạt động của thị trường chứng khoán tại Việt Nam ước đoán, chỉ trong
vòng vài ngày, do cổ phiếu liên tục giảm giá, Masan mất khoảng 4.000 tỉ đồng.
Chuyện chưa dừng ở đó,
trong 30 loại cổ phiếu thuộc loại nặng ký trên thị trường chứng khoán Việt Nam,
hiện có 21 loại cũng bị mất giá làm chỉ số VN-Index mất 4,31 điểm. Thực trạng
vừa kể được xem là hệ quả của Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về Quy phạm thực hành
sản xuất nước mắm (TCVN-12607: 2019) (1).
Cho dù hệ thống công
quyền Việt Nam loan báo tạm ngưng thẩm định Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia
TCVN-12607:2019, cả dư luận lẫn công luận vẫn chưa lắng xuống.
***
Dự thảo TCVN-12607:
2019 rõ ràng là chuyện “dại một giờ”. Chẳng riêng công chúng, hệ thống truyền
thông chính thức cũng nhập cuộc, bày ra nhiều dữ kiện, chứng minh, dự thảo
TCVN-12067: 2019 là một nỗ lực nữa nhằm bóp cổ cho nước mắm tuyệt tử, tuyệt
tôn, giao thị trường trị giá 11.300 tỉ vào tay giới sản xuất nước mắm công
nghiệp.
Trong số những
facebooker tham gia chứng minh, hệ thống công quyền bị dẫn dắt, tham gia vào
công cuộc “đuổi cùng, giết tận” nước mắm có Nam Phan. Facebooker là Chủ nhiệm
Khoa Hóa của Đại học Bách khoa TP.HCM không giấu được sự bất bình trước gian ý
và dã tâm đối với nước mắm.
Ông Nam nhắc lại
chuyện cũ, xảy ra cách nay hai năm: Hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt
loan báo “nước mắm nhiễm thạch tín”. Khi người tiêu dùng hoang mang thì các cơ
sở sản xuất nước mắm lao đao. Gian ý và dã tâm của kế hoạch tuyên truyền nằm ở
chỗ, thạch tín trong nước mắm là thạch tín dạng cơ kim trong cá
(arsenobetaine), vẫn hiện diện trong nước mắm là vô hại. Thạch tín chỉ cực độc,
nguy hại cho sức khỏe nếu ở dạng vô cơ. Lập lờ “nước mắm nhiễm thạch tín” là
một chiêu cực độc.
Cách nay hai năm, ông
Nam từng là một trong những người dùng kiến thức chuyên môn giải cứu đại nạn
cho giới sản xuất nước mắm. Giờ, trước viễn cảnh dự thảo TCVN-12067: 2019 có
thể trở thành quy phạm pháp luật, ông Nam lưu ý công chúng, ở góc độ khoa học,
chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sử dụng nước mắm sẽ bị ung thư hoặc mắc
những chứng bệnh nguy hiểm, có hại cho sức khỏe và có thể mất mạng. Song phải
hết sức cẩn trọng và đòi hỏi minh bạch đối với “nước mắm công nghiệp”.
Theo ông Nam, nếu thực
sự quan tâm đến việc “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” thì hệ thống công quyền
phải tuân thủ luật chơi chung. Nói cách khác, phải chú ý nhiều hơn tới “nước
mắm công nghiệp” – sản phẩm được pha chế từ đủ loại yếu tố nhân tạo, phi tự
nhiên như đường hóa học, chất tạo hương, chất tạo màu, chất tạo vị, chất tạo độ
sệt, chất bảo quản. Trong chế biến thực phẩm, đã dùng hóa chất thì bắt buộc
phải kê khai rạch ròi, phải khuyến cáo những rủi ro có thể đi kèm.
Facebooker là Giáo sư
– Tiến sĩ chuyên ngành hóa, nhấn mạnh, bất kỳ hóa chất nào dùng trong lĩnh vực
dược và thực phẩm, an toàn đến đâu cũng phải soát xét xem có lẫn tạp chất hay
không (?), những tạp chất này có nguy hại cho sức khỏe hay tính mạng không (?).
Thậm chí “tuyệt đối an toàn” cũng chỉ có giá trị tương đối vì có thể đến thời
điểm nào đó, người ta sẽ phát giác hàm lượng hay dư lượng do hóa chất đó lưu
lại trong cơ thể sẽ sinh chuyện lớn.
Chuyện định danh, định
tính, định chuẩn cho nước mắm không chỉ đơn thuần là có tổ chức hội nghị, hội
thảo khoa học mà phải là mời những giới nào tham gia. Ngoài “khách quen”, các
hội nghị, hội thảo khoa học đó có mời chuyên gia của các chuyên ngành như: Công
nghiệp thực phẩm, Công nghiệp chế biến thủy hải sản, Hóa phân tích,… cũng như
giới sản xuất nước mắm không? Bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến tiêu chuẩn cũng
phải có bằng chứng khoa học.
Ông Nam cười khà khà
khi đại diện bộ phận soạn thảo TCVN-12607: 2019 phân bua đã “tổ chức nhiều hội
nghị, hội thảo”. Ai ở xứ này không biết, thiếu gì hội nghị, hội thảo, thậm hội
đồng gồm toàn chuyên gia thẩm định,… đều được tổ chức theo kiểu, chọn lọc thành
phần tham dự để cuối cùng, kết quả vừa đúng mục đích, vừa… “đúng quy trình”?!
Nam nêu nhiều thắc mắc, kiểu như: Đặt định tiêu chuẩn sao không xác định tiêu
chí về arsen cơ kim, arsen vô cơ?...
Tại sao nước mắm được
làm từ cá biển mà bộ phận soạn thảo TCVN-12607: 2019 lại buộc phải kiểm tra dư
lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh? Ông Nam đặt vấn đề: Nếu hệ thống
công quyền muốn “sức khỏe người tiêu dùng” không bị đe dọa do dư lượng thuốc
trừ sâu thì việc cần làm ngay không phải là định chuẩn cho nước mắm mà là sớm
tìm giải pháp cho rau củ, trái cây đã và đang nhiễm thuốc trừ sâu. Tương tự,
nếu sợ tác hại dư lượng thuốc thú ý hay kháng sinh thì phải chú ý đến thịt heo,
thịt bò (2)...
***
Dự thảo TCVN-12067:
2019 đã được rút lại để “nghiên cứu” nhưng chẳng có gì bảo đảm ý kiến của các
tổ chức, hiệp hội về định danh, định tính, định chuẩn nước mắm sẽ được lắng
nghe. Trên mạng xã hội Việt ngữ, chẳng có bao nhiêu người tin, hệ thống công
quyền đủ thành tâm, thiện ý trong việc định danh, định tính, xác lập tiêu chuẩn
nước mắm, tạo được sự đồng thuận, không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất,
kinh doanh nước mắm, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh những
facebooker như Loc Vinh, khẳng định như đinh đóng cột rằng, nước mắm sẽ chết vì
hệ thống công quyền sẵn sàng lộn ngược mọi thứ để… ăn, hoặc thở dài như Văn
Hưng vì gần như toàn bộ chính sách kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay đang bị
con buôn (bất động sản, thực phẩm,...) chi phối (3).
Trong bối cảnh như
thế, dường như chỉ có một cách để giải cứu uy tín của hệ thống công quyền là tổ
chức điều tra, buộc các cá nhân, cơ quan hữu trách trả lời rạch ròi tại sao
trong vài năm gần đây, việc định danh, định tính, định chuẩn nước mắm lại lằng
nhằng, phát sinh vô số điểm bất thường khiến sự ngờ vực của công chúng tăng
nhanh và cao đến như vậy. Chứng tỏ chính phủ không chấp nhận chuyện bị lũng
đoạn về chính sách cũng là cách giải cứu Masan, thậm chí giải cứu thị trường
chứng khoán.
Chú thích
No comments:
Post a Comment