Bất
trắc và đa diện hóa năm 2019
2019-03-20
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trước khi bước vào năm
2019, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã có dự báo kém vui về tình hình kinh tế toàn cầu.
Sau ba tháng đầu, một số trung tâm nghiên cứu cũng xác nhận chiều hướng đó, đặc
biệt là tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu
tại sao và dự đoán về hậu quả….
Viễn ảnh kinh tế toàn cầu
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trước khi nhân loại bước
vào năm 2019 mà ông gọi là “một năm đảo điên”, thì viễn ảnh kinh tế toàn cầu đã
có nhiều dấu hiệu đình trệ. Bây giờ ba tháng đầu của năm 2019 đã sắp hết, thưa
ông, các tổ chức quốc tế dự báo thế nào về tình hình kinh tế trong giai đoạn kế
tiếp?
Khung cảnh bất trắc và
ảm đạm của năm nay lại có một điểm sáng là làm các nước đang phát triển trong
khu vực nhìn lại toàn cảnh - từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương - để dần dần ra
khỏi sức hút của Trung Quốc, nôm na là đa diện hóa thị trường và giảm số xuất
khẩu vào Trung Quốc để khỏi bị xứ này chi phối.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi xin được nhắc lại phát
biểu của mình trong chương trình phát thanh ngày 12 Tháng 12 năm ngoái. Đó là
“Khi tham khảo công trình nghiên cứu của quốc tế, từ các định chế đa phương như
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế Giới hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển
Kinh tế OECD gồm 34 nền kinh tế tiên tiến, tới các trung tâm đầu tư kinh tế tài
chính thực hiện riêng cho thân chủ của họ, tôi đều thấy một nét chung ở chữ
“bất trắc” là biến động khó lường”. Bây giờ, sắp vào Quý II của năm 2019, người
ta thấy ra chuyện đó một cách rõ ràng hơn, là đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu
cho năm nay có thể giảm vì hai lý do. Một vì là sự giảm sút trong khối kinh tế
công nghiệp hóa; hai là điều đáng lo hơn, vì sự suy giảm nhẹ của các nền kinh
tế đang phát triển, thông thường vẫn có đà tăng trưởng cao hơn các nước công
nghiệp hóa.
Nguyên Lam: Khi theo dõi các dự báo đó, ông có thấy
nguyên nhân vì sao hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng các rủi ro bất trắc trong
năm nay xuất phát từ những nguyên nhân sau đây. Thứ nhất là sự bất định trong
cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới là Hoa Kỳ
và Trung Quốc, mà bản thân tôi thì cho là chưa thể dàn xếp nổi trong vòng ba
tháng tới. Thứ hai là nạn suy sụp kinh tế nặng hơn nhiều dự đoán trước đây của
Trung Quốc, vốn buôn bán với rất nhiều quốc gia. Thứ ba là khó khăn dồn dập
trong khối Euro gồm các nước sử dụng chung một đồng bạc, từ Đức tới Pháp và
nhất là Ý với bài toán ngân sách của họ. Thứ tư là sau khi đạt mức tăng trưởng
3% năm ngoái, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ có thể chậm lại trong năm nay qua năm
tới. Thứ năm là các nền kinh tế đang lên, vốn sống nhờ xuất nhập khẩu với quốc
tế, cũng bị khựng do vấn đề của khối công nghiệp hoá và số cầu sút giảm đồng
loạt, với vài ngoại lệ như trường hợp Brazil.
Nguyên Lam: Chúng ta chuyển qua tình hình Á Châu
Thái Bình Dương vì trong đó có Việt Nam, thì thưa ông, viễn ảnh kinh tế năm nay
có thể là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong khu vực này, hai nền kinh tế có
sản lượng đứng hạng nhì và hạng ba là Trung Quốc và Nhật Bản lại nằm trong
chuỗi cung ứng của các nước khác. Kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn dự
đoán và các biện pháp kích thích mới ban hành sau phiên họp vừa qua của Quốc
hội không đủ tầm công hiệu mà còn bị hiệu ứng của trận thương chiến với Hoa Kỳ.
Năm nay, nhiều trung tâm nghiên cứu cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng
chừng 6% là mừng, bản thân tôi thì cho là còn thấp hơn vậy trong thực tế nếu ta
định nghĩa lại thế nào là tăng trưởng.
- Thứ hai, kinh tế
Nhật bị nhược điểm là lệ thuộc vào ngoại thương nên gặp bất lợi khi luồng giao
dịch thương mại nói chung lại sa sút năm nay vì sự thoái lui của trào lưu ta
gọi là toàn cầu hóa và vì mâu thuẫn chính trị giữa các nước. Vì vậy, kinh tế Nhật
không có tăng trưởng trong ba tháng cuối năm ngoái và năm nay chỉ tăng trưởng
khoảng 0,6% thôi. Khi hai đầu máy đều khựng như vậy, các nước khác đều lo.
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta muốn biết
rõ hơn về viễn ảnh năm nay của kinh tế Trung Quốc vì có ảnh hưởng lớn tới kinh
tế của Việt Nam. Theo dõi xứ này, ông nhận xét ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi lâm vào trận thương chiến
với Hoa Kỳ thì Trung Quốc đã có nhiều vấn đề kinh tế xã hội trong nội bộ mà
lãnh đạo Bắc Kinh chưa thể giải quyết được, như gánh nợ quá lớn và đặc biệt rất
khó đếm của các chính quyền địa phương, hay rủi ro tài chính của hệ thống ngân
hàng, nạn ô nhiễm môi sinh và cả bất ổn xã hội vì nỗi lo thất nghiệp. Trận
thương chiến Mỹ-Hoa có thể là cơ hội hay lý cớ họ tiến hành việc cải cách cơ
chế đã bị đình hoãn quá lâu. Nhưng nỗ lực cải cách chưa thể có kết quả ngay mà
có khi còn bị hậu quả xã hội và chính trị bên trong, giữa các tỉnh duyên hải ở
miền Đông và các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa. Đã vậy, mâu thuẫn đa diện
và ngoài kinh tế với Hoa Kỳ cũng sẽ còn kéo dài.
Viễn ảnh kinh tế châu Á Thái Bình Dương
Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta nói về các nước khác
trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Ông đọc được những
gì là đáng chú ý.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về lý thuyết thì các nước Đông Nam Á
có thể khai thác được lợi thế trong khu vực chế biến các mặt hàng tiêu dùng rẻ
tiền do Trung Quốc bỏ lại để lên tới trình độ sản xuất cao hơn, là chiều hướng
đã có từ năm năm trước và diễn đàn của chúng ta cũng đã nói đến từ 2014. Vì
chiều hướng đó mà cũng vì trận thương chiến Mỹ-Hoa, giới đầu tư quốc tế đang
nhắm vào các thị trường Đông Nam Á như chúng ta đã có dịp trình bày ách nay ba
tuần. Trong số đó, Việt Nam và Malaysia có lợi thế nhất vì là thành viên của
Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã cải tiến. Đó là về lý thuyết và
trong lâu dài.
- Về thực tế thì khi
số cầu của quốc tế sút giảm mà Trung Quốc vẫn còn dư một số khả năng xuất khẩu
để cứu vãn tình hình khó khăn của họ, các nước Đông Nam Á sẽ chưa có lợi ngay
trong năm nay. Có lẽ Việt Nam nên nhân cơ hội mà tiến hành cải cách cơ chế kinh
tế và chính trị để khai thác vận hội mới cho lâu dài. Ngoài ra, chúng ta cũng
không thể quên một khía cạnh rộng lớn khác.
Nguyên Lam: Thưa ông, khía cạnh đó là gì?
Trong đà cải tiến quan
hệ với Hoa Kỳ và nhìn lại các rủi ro dồn dập xuất phát từ Trung Quốc, kinh tế
Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ năm nay, nếu lãnh
đạo Hà Nội thực tình muốn như vậy.-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên là khu vực Á Châu
Thái Bình Dương có bốn nền kinh tế chuyên về sản xuất các mặt hàng điện tử là
Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore. Viễn ảnh kinh tế khó khăn trong năm
nay, với số cầu sút giảm như tôi vừa trình bày, là vấn đề cho nhóm bốn nước
tiên tiến này. Nếu họ đã lên tới đó mà còn bị như vậy thì các nước Đông Nam Á
tính sao?
- Tôi thiển nghĩ rằng
ngoài khía cạnh kinh tế, động thái hung hăng của Bắc Kinh trên vùng biển Đông
Nam Á, càng khiến các nước trong Hiệp hội ASEAN phải tỉnh táo nghĩ tới việc ra
khỏi quỹ đạo giao dịch với Trung Quốc trong trường kỳ. Vì vậy, khung cảnh bất
trắc và ảm đạm của năm nay lại có một điểm sáng là làm các nước đang phát triển
trong khu vực nhìn lại toàn cảnh - từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương - để dần
dần ra khỏi sức hút của Trung Quốc, nôm na là đa diện hóa thị trường và giảm số
xuất khẩu vào Trung Quốc để khỏi bị xứ này chi phối.
Nguyên Lam: Thưa ông, khi ấy và nhìn lại Việt Nam
thì ông kết luận thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo các số liệu mà tôi có được, thì
hai nền kinh tế trong khu vực bán hàng nhiều nhất cho Trung Quốc là Đài Loan và
Nam Hàn sẽ bị điêu đứng nhất, về cả kinh tế lẫn chính trị khi số cầu của Trung
Quốc thì giảm mà tham vọng của Bắc Kinh lại tăng. Trong khu vực đó, Việt Nam có
thể là ngoại lệ bất ngờ vì bán hàng vào thị trường Mỹ nhiều hơn thị trường
Trung Quốc, rồi mới đến thị trường Nhật Bản, theo tỷ lệ là 19%, 17% và 8%.
- Trong đà cải tiến
quan hệ với Hoa Kỳ và nhìn lại các rủi ro dồn dập xuất phát từ Trung Quốc, kinh
tế Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ năm nay, nếu
lãnh đạo Hà Nội thực tình muốn như vậy. Chiến lược thực tế và ngôn ngữ ngoại
giao sẽ là “Việt Nam cần đa diện hóa” chẳng khác gì các nước Đông Nam Á kia.
Nguyên Lam: Nguyên Lam biết rằng ông đang bị đau và
gặp nhiều trở ngại về giờ giấc nên càng muốn cảm tạ ông về bài phỏng vấn tuần
này.
No comments:
Post a Comment