Tuesday, December 2, 2014

Thà Ta Phụ Người Hơn Để Người Phụ Ta?-Chu Tất Tiến






November 27, 2014 4:14 PM

Có hai câu chuyện để suy nghĩ:

-Chuyện thứ nhất: Ngày xưa, có một làng kia đang sống yên lành thì một bầy hổ dữ từ đâu kéo đến ăn thịt người hằng đêm. Dân làng bầy mưu chống lại nhưng vì bầy hổ đông quá, càng ngày càng nhiều người chết nên mới chạy sang làng bên, cầu cứu. Dân làng bên mới đầu cũng giúp hăng lắm, sau thì thấy dân mình cũng chết, nên chán nản, bỏ đi. Bầy hổ kia thấy thế càng hung tợn, làm cho một nửa số dân phải bỏ làng chạy sang làng bên, trú ngụ. Trong đám hổ dữ, có một con hổ con, hiểu được tiếng người, thấy gia đình hổ tham lam quá, bèn đứng giữa đường, can gián. Bầy hổ dữ kia thấy bị chặn đường, bèn xúm vào cắn hổ con gần đứt lìa chân. Hổ con buồn bã, lết sang làng bên, tưởng được trị thương. Đâu ngờ, dân làng cũ thấy hổ con bò vào làng, thì giật mình. Tuy biết là hổ con không cắn được mình, nhưng vì mối thù với cha mẹ hổ, nên kiếm đủ lý lẽ để hè nhau đập hổ con một trận thừa sống thiếu chết. Bầy hổ dữ ở nhà nghe tin hổ con bị đập, bèn cười lớn: “Đáng đời mi! Ai bảo dám chống lại ta, thì đi đâu cũng chết.”
- Chuyện thứ hai: Trần Cung, tự Công Đài là một mưu sĩ thời Đông Hán. Khi làm huyện lệnh, ông đã cứu mạng Tào Tháo từ nhà giam, và đi theo Tào Tháo để làm chuyện lớn. Dọc đường, hai người vào nhà một người bác của Tào Tháo đối đãi rất hậu, và sai người làm thịt con heo để đãi Tào Tháo, nhưng vì bản tính đa nghi nên khi nghe người nhà ở phía sau nói “Trói vào rồi mới giết!”, Tào vội vàng rút kiếm ra đâm chết hết. Đến khi nhận ra là người nhà chỉ định giết heo thôi, thì Tào sợ, kéo Trần Cung chạy. Ra đến đường, gặp ông bác đi mua rượu về, Tào làm bộ đến chào rồi rút dao giết chết luôn. Trần Cung hoảng hốt hỏi tại sao lại giết ông ta, Tào nói: “Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta!” để giải thích rằng nếu để ông bác sống, ông sẽ đi thưa và mình sẽ bị bắt. Trần Cung từ đó chán nản, bỏ Tào Tháo và sau này giúp Lữ Bố đánh Tào Tháo.
Tháng 11 năm 2014, Nhà Báo Tự Do Điếu Cầy được Mỹ đưa từ nhà giam sang thẳng Hoa Kỳ. Điếu Cầy, một người can đảm, đã chấp nhận bỏ hết quá khứ, gia đình, vợ con, tài sản, tiện nghi để đứng lên chống lại Việt Cộng bán nước cho Tầu Cộng và đã bị Việt Cộng giam giữ bằng 2 bản án cực kỳ bất công. Nhưng Điếu Cầy không sợ, dù sức khỏe yếu, đã tuyệt thực 2 lần, đòi hỏi Cộng Sản phải chấm dứt việc tra tấn tù nhân và phải tôn trọng nhân phẩm của tù nhân cũng như phải hủy bỏ bản án bất công dành cho ông. Trước áp lực quốc tế, và của cộng đồng hải ngoại, và qua sự trao đổi của Mỹ với Việt Cộng, Việt Cộng phải chấp nhận trả tự do cho ông tống ông sang xứ sở Tự Do.

Nhưng một điều mà Điếu Cầy không thể tiên đoán được là ngay sau hơn 6 năm tù liên tiếp, bị hành hạ hàng ngày, bị bưng bít thông tin, không hiểu được bất cứ chuyện gì xẩy ra bên ngoài nhà tù, rồi bay môt mạch hơn 20 tiếng đồng hồ (một tiện nghi mà chưa bao giờ Điếu Cầy được hưởng), đang bị ảnh hưởng xây xẩm của chuyến đi (Jet Lag), đầu óc lụ mụ, Điếu Cầy bị du vào một tình thế hoàn toàn bất công cho anh. Một người nào đó, nhét một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vào tay anh, khi anh đang trong tình trạng bất ổn định, cực kỳ xúc động, cả thể xác lẫn tinh thần đều lao đao, vào lúc mà tay phải của anh được nhiều bàn tay nắm lấy đưa ra xa, anh đã không biết đến việc một người khác đã lấy lá cờ ra khỏi tay anh. Đó là giây phút định mệnh đã kết thúc sự hoan hỷ của anh! Một người có tính thích chẻ sợi tóc làm tư, làm tám, (hay là tay sai của Cộng Sản nằm vùng?) hô hoán lên là Điếu Cầy TỪ CHỐI KHÔNG NHẬN CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA, rồi phân tích một cách bất công cho anh về sự liên hệ giữa Nhân Vật Điếu Cầy và Lá cờ Tổ Quốc, mặc dù anh chưa hề biết tiểu sử và giá trị của lá cờ đó bao giờ, cũng như anh không hề có ý định phủ nhận lá cờ đó. Điều hô hoán có dụng ý phá hoại này đã tạo được một phản ứng dây chuyền với một số người chống Cộng cực đoan và từ đó, “con châu chấu đá xe Cộng Sản” tên là Điếu Cầy đã bị dìm chết trong dư luận, hoàn toàn thích hợp với điều mong muốn của Cộng Sản Việt Nam là “không diệt được Điếu Cầy về thể xác thì mượn tay người khác, lấy đi tinh thần của anh, vô hiệu hóa mọi hoạt động của anh tại hải ngoại”. Một số người viết thư kêu gọi “tẩy chay Điếu Cầy”, không chấp nhận cho anh một chỗ đứng trong cộng đồng tị nạn. Vài người còn lục lọi lịch sử gián điệp để so sánh và biến anh thành kẻ thù của cộng đồng, thành môt “tên mang sứ mạng của Cộng Sản” sang Mỹ, với dự tính là “lãnh đạo Cộng đồng” dẫn dắt cộng đồng làm tay sai cho Cộng Sản. Sự “vô hiệu hóa Điếu Cầy” mà Cộng Sản mong muốn đã trở thành sự thực khi một nhân vật cộng đồng tại thủ đô Mỹ tuyên bố là “cộng đồng sẽ không gặp gỡ, không trao đổi, không đối thoại với Điếu Cầy!” Điều nguy hiểm nhất cho cộng đồng tị nạn Cộng Sản là cộng đồng bị xé ra làm hai: bên bênh, bên chống, bên nào cũng lý luận, phân tích, tổng hợp đủ thứ chuyện để rồi tấn công lẫn nhau, náo loạn! Mới đầu thì còn sử dụng ngôn ngữ lịch sự, nhưng dần dần, hai bên dùng những lời lẽ khích bác nhau, đưa đến việc mạ lị nhau, dù cả hai bên đều chống Cộng, có nghĩa là cộng đồng chống Cộng giờ chống lẫn nhau.

So sánh chuyện Điếu Cầy với câu chuyện giả tưởng thứ nhất thấy không có gì khác biệt. Chuyện thứ hai là chuyện thực, xẩy ra tận bên Tầu, nhưng bây giờ tại cộng đồng Việt cũng chẳng khác là bao vì có những người muốn “thà ta phụ người trước, còn hơn để sau này, người phụ ta!” nghĩa là chấm dứt hậu hoạn ngay từ khi bắt đầu nghi ngờ, không cần chờ đợi một thời gian theo dõi nào hết.

Vậy, tóm lại, qua câu chuyện Điếu Cầy, người ta thấy kết quả như thế nào: cộng đồng chia ba (chống, bênh, thầm lặng), một “nạn nhân Cộng Sản” lại biến thành “nạn nhân cộng đồng”, dư luận người Việt trên toàn thế giới hoang mang, sự đoàn kết chống Cộng nứt rạn, không có hy vọng gì hàn gắn được, và như thế thì ước vọng ngày trở về quê hương “phục quốc” đã tan tành, trong khi đó thì Việt Cộng vỗ tay cười khoái trá! Tất cả những điều đã xẩy ra chỉ vì một người vô ý thức (hay là cố tình?) đã hô hoán lên một sự kiện không có thực, và bất công với một “anh hùng quên mình vì nước, vì dân” xẩy ra trong một cộng đồng có tính “quên chuyện lớn, nhớ chuyện nhỏ” và tính thích “đánh con dế đá trước mặt, mà quên con cọp sau lưng!”

Chuyện lớn là gì?

- Thứ nhất: tất cả những người Việt di tản, (trừ những người đi vì kinh tế), đều phải kinh hoàng chạy trốn Cộng Sản bằng bất cứ giá nào, dù phải bỏ lại cha mẹ, vợ con, anh chị em, chấp nhận để trinh tiết của mình bị dầy vò bởi cướp biển, cũng như chấp nhận phải bỏ mạng trên biển hay trong đường mòn. Những người trẻ thì hát: “Con nuôi má hay con nuôi cá!”. Những người lớn tuổi, thuộc thế hệ từng phục vụ cho chế độ Cộng Hòa thì luôn tâm niệm: “phải quang phục quê hương!” Mà muốn “quang phục quê hương”, giành lại đất đai Tổ Tiên, thì những điều kiện tiên quyết là phải “Đoàn Kết, Thêm Bạn Bớt Thù, Lôi kéo được càng nhiều người theo Cộng Sản trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia càng tốt, và hậu thuẫn cho Dân Oan vùng lên lật đổ chế độ.

- Thứ hai: Hầu như toàn bộ những người đang đấu tranh cho Tự Do, Độc Lập Dân Tộc đều là những người sinh trưởng và lớn lên trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu ta coi tất cả những người đã từng phục vụ cho Cộng Sản đều là Cộng Sản muôn đời, thì chắc chắn tất cả những người đang ở tù Cộng Sản vì tranh đấu cho Nhân Quyền, Tự do, Độc Lập của xử sở đều phải bị tẩy chay khỏi cộng đồng, một khi họ có cơ hội sang Mỹ hay đâu đó. Thí dụ như Tạ Phong Tần, một cựu Đại Úy Công An Hình Sự và cũng là một luật gia, Bùi thị Minh Hằng là con một Thiếu Tướng Việt Cộng, Huỳnh Thục Vy từng là Thiếu Nhi Khăn Quàng Đỏ, Trần Anh Kim là một Trung Tá bộ đội… Trong khi đó, có được bao nhiêu người Sĩ Quan, Viên Chức chế độ Cộng Hòa (trừ Nguyễn Hữu Cầu…) đang chiến đấu như Điếu Cầy và các bạn anh đang chiến đấu mãnh liệt tại quê nhà? Có mấy người thuộc chế độ Cộng Hòa đang dõng dạc lên tiếng trước họng súng và còng số 8 của Công An Cộng Sản?

- Thứ ba: Trong vài thập niên trở lại đây, hàng trăm người đang về Việt Nam hợp tác với Việt cộng. Điều đáng nói là đại đa số đều có bằng cấp như Bác Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Sư, Tiến Sĩ, Luật Sư, Thương Gia… nghĩa là số “TRÍ THỨC MÊ SẢNG” rất nhiều và ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra còn số người về quê “hưởng lạc” thì đông vô số kể. Vậy tại sao không tìm ra phương pháp nào tẩy chay họ ra khỏi cộng đồng cũng dữ dội như đã tẩy chay Điếu Cầy? Có thể trong số người đang la hò to tiếng đòi tẩy chay Điếu Cầy cũng nằm trong danh sách này hoặc thoát được vì che dấu khá kỹ lưỡng.

- Thứ tư: Nhóm Dân Oan ở Việt Nam cũng như những nhà tranh đấu cho Dân Chủ và Độc lập, đòi Hoàng Sa và Trường Sa trả lại cho Việt Nam, lúc nào cũng ngóng chờ tin tốt từ hải ngoại, mong được yểm trợ tinh thần cũng như vật chất cho họ tiếp tục chiến đấu thay cho hải ngoại. Họ có phương tiện để tiếp xúc cũng như chuyển tin qua hệ thống email, cho nên chuyện gì xẩy ra ở nước ngoài, họ đều biết hết. Khi họ biết tin Điếu Cầy, Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy.. bị dí đánh tơi bời, liệu họ có còn tinh thần mà chiến đấu nữa không? Hay bắt đầu buông xuôi, mặc cho Cộng Sản hoành hành, vì chiến đấu bằng tay không với Cộng Sản là lũ vượn người vũ khí tận răng, đã rất mệt mỏi, mà lại phải chiến đấu để tự vệ trước những cái loa phóng thanh của cộng đồng hải ngoại thì làm sao họ chịu đựng nổi?
Chuyện nhỏ là gì?

Chỉ có một: việc Điếu Cầy cầm cờ hay không cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa khi anh vừa đặt chân lên nước Mỹ! Một điều tức cười và mâu thuẫn là khi Điếu Cầy không cầm cờ thì chỉ tay ngay vào Điếu Cầy và la lên: “Đúng nó rồi! Tên Cò Mồi Cộng Sản!”. Nhưng khi thấy Điếu Cầy đứng nghiêm chào cờ Quốc Gia thì lại hô lên rằng: “để khỏa lấp âm mưu của mình, Điếu Cầy đã giả bộ chào kính cờ Quốc Gia!” Như vậy thì rõ ràng là “không chào cờ cũng chết, mà có chào cờ cũng chết!” Trước sau gì, những người anh hùng chiến đấu cho Độc Lập của nước nhà, hễ cứ bước chân ra hải ngoài là tên tuổi bị giết chết thê thảm!

Như thế, thì những người đang đòi tẩy chay Điếu Cầy có phải là người chống Cộng thực hay chỉ là háo danh, thích nổi tiếng là người chống Cộng chân chính, hoặc thích lấy lòng những người chống Cộng cực đoan? Hoặc nhát sợ dư luận?

Lịch sử cho thấy, muốn làm việc chính trị phải có hai yếu tố: Trí Tuệ và sự Dũng Cảm! Nếu chỉ có Trí Tuệ mà không có can đảm thì lại có thể trở thành Ông Đồ Gàn, hoặc là những người Mũ Ni Che Tai, thích đứng vào hàng ngũ những người Thầm Lặng, đứng nhìn nước chẩy qua cầu. Ngược lại, nếu chỉ có dũng lược mà không Trí Tuệ thì lại là kẻ phá hoại. Điều đau lòng khôn xiết là những người có trí tuệ mà thiếu dũng lược lại quá nhiều, tức là số đông thầm lặng thì có hàng triệu, còn thiểu số những kẻ phá hoại, thiếu trí tuệ thì chỉ rất nhỏ nhưng lại hung hãn khống chế hàng triệu người thầm lặng kia, chỉ bằng… BÀN TAY NĂM NGÓN CHẠY TRÊN KEYBOARD mà thôi. Thiểu số này chẳng đóng góp thực tế gì cho xứ sở đang rên xiết dưới gót giầy Việt Cộng, không hề yểm trợ chút nào cho Dân Oan và những nhà Dân Chủ, khi cộng đồng biểu tình chống Việt Cộng thì nằm nhà, biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng thì ngồi xem tivi, nghe kêu gọi đóng góp cho Thương Phế Bình thì hờ hững. Lại còn một thiểu số nữa, lúc nào cũng núp sau cờ vàng mà tấn công những người đang làm công việc chống Cộng bằng những ngôn ngữ cực kỳ thô bỉ.

Ôi! Như thế thì Đất nước tôi bao giờ hết bóng Cộng Sản? Bao giờ thì dân tôi được tự do? Giang Sơn Tổ Quốc tôi bao giờ mới lấy lại được từ tay Tầu Cộng? Bao giờ? Bao giờ? Hay là hết kiếp này, những người yêu nước chân chính ở hải ngoại vẫn là kẻ lưu vong, mất gốc, ngồi ở phương trời xa, nhìn về quê mà nước mắt dàn dụa? Trời ơi!

Chu Tất Tiến




THANH PHONG
(VienDongDaily.Com - 27/11/2014)

Những ngày cuối cùng trong vai trò Nghị Sĩ Tiểu Bang California, vào lúc 12 giờ 30 trưa thứ Hai, ngày 24 tháng 11, 2014, ông Lou Correa đã mời nhà văn Chu Tất Tiến đến văn phòng của ông tại Santa Ana để trao cho ông Nghị Quyết của Thượng Viện California vinh danh nhà văn Chu Tất Tiến.

Nghị Sĩ Lou Correa cho biết, lẽ ra ông dự định trao Nghị Quyết này cho ông Chu Tất Tiến một cách long trọng trong Ngày Vui Gia Đình do ông tổ chức tại Santa Ana Zoo vào Chủ Nhật 23 tháng 11, 2014 nhưng rất tiếc nhà văn Chu Tất Tiến không thể có mặt vào ngày đó nên hôm nay ông mời ông Chu Tất Tiến đến văn phòng để trao Nghị Quyết này.

NS Lou Correa trao Bản Nghị Quyết vinh danh nhà văn Chu Tất Tiến. (Thanh Phong/Viễn Đông)
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2014/11/27-Nov-2014/Chu%20Tat%20Tien.jpg

Nghị Quyết số 1238 ghi nhận rằng: Ông Chu Tất Tiến là một người Mỹ gốc Việt đã có quá trình tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam qua các bài viết cũng như việc làm của ông. Năm 1990 ông Chu Tất Tiến đến định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O là chương trình giúp đỡ những người đã phục vụ trong chính quyền VNCH bị cộng sản cầm tù từ 3 năm trở lên sau ngày 30-4-1975.
Sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, ông Chu Tất Tiến đã làm diễn giả chính trong hai cuộc hội thảo, một do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và một do đại học UCLA tổ chức để trình bày về chế độ giam giữ và hành quyết để trả thù những viên chức chính quyền, giới chức quân sự và những người cộng tác với chính phủ VNCH.

Ông Chu Tất Tiến cũng đứng ra tổ chức hai lần Cây Mùa Xuân H.O vào năm 1991 và 1992 cho những gia đình H.O mới đến định cư. Hai năm liên tiếp, 1993 và 1994 ông tổ chức những buổi hát tù ca được sáng tác trong tù để nói lên tinh thần bất khuất, kiên cường của các cựu tù nhân chính trị VNCH dưới chế độ cộng sản.

Năm 2002 đến 2006, ông Tiến tự nguyện tổ chức Trung Tâm Săn Sóc Người Mỹ gốc Á Châu, giúp những người không có bảo hiểm sức khỏe hay lợi tức thấp được điều trị tại Trung Tâm này. Từ năm 2005 đến nay, ông Tiến bắt đầu yểm trợ tài chánh cho những người dân oan và thương phế binh VNCH bằng tiền quyên góp của bạn bè, thân hữu và tiền bán những cuốn sách do ông viết, nội dung chống lại sự vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN cũng như một vài quốc gia khác.

Ngoài ra, ông Tiến cũng tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng. Tất cả những thành quả của ông được xét rất xứng đáng được hưởng danh dự đặc biệt và sự giới thiệu có giá trị nhất. Cuối cùng, Nghị Quyết 1238 ghi rằng: “Vì thế, Quyết Nghị của NS Lou Correa để ghi nhận và cám ơn ông Chu Tất Tiến cho những thành công và tinh thần phục vụ của ông. Đồng thời NS Lou Correa cũng xin chúc lành cho những nỗ lực của ông trong tương lai.”

Sau khi tuyên đọc những lời trong Bản Nghị Quyết trên, NS Lou Correa đã bắt tay thân mặt và trao cho nhà văn Chu Tất Tiến bản Nghị Quyết 1238 được ký ngày 1 tháng 11, 2014 tại Thượng Viện California. (tp)



No comments:

Post a Comment