Lợi hại của Hiệp định EVFTA
Nguyễn Xuân Nghĩa
2020-02-19
2020-02-19
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/eu-and-vn-connections-02192020094644.html
Cách nay đúng một
tuần, hôm 12 Tháng Hai, Nghị hội Âu Châu đã phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương
mại giữa Liên hiệp Âu châu với Việt Nam, thường được gọi tắt là EVFTA. Quyết
định này được Chính quyền Hà Nội ca tụng vì cho là có lợi cho kinh tế của Việt
Nam, nhưng một số không ít đại biểu tại Quốc hội Âu châu, nhiều tổ chức phi
chính phủ và dư luận trong ngoài lại e rằng vì quyền lợi kinh tế mà Âu Châu hy
sinh các giá trị tinh thần, như nhân quyền của người dân Việt Nam. Điễn đàn
Kinh tế sẽ tìm hiểu về hồ sơ rắc rối này…
Hồ sơ EVFTA
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa và xin đề nghị
ông phân tích cho hồ sơ kinh tế là Hiệp định Tự do Thương mại giữa các nước Âu
Châu với Việt Nam. Thưa ông, vì sao lại có người chống Hiệp định Thương mại
này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi phải rất thận trọng khi được yêu
cầu phân tích một hồ sơ phức tạp vì liên quan đến kinh tế, chính trị và nhất là
nhiệt tình tâm lý của nhiều người. Như mọi khi, trước hết xin nói về bối cảnh.
- Liên hiệp Âu châu
gồm 27 quốc gia thành viên với dân số 450 triệu người có sản lượng kinh tế hàng
năm chừng 16 ngàn tỷ đô la Mỹ, là một thế lực kinh tế đứng sau Hoa Kỳ mà trước
Trung Quốc về sản lượng. Tại khu vực Đông Nam Á, tập thể này giao dịch buôn bán
nhiều nhất với Singapore, sau đó mới là Việt Nam, với kim ngạch hơn 47 tỷ Euro
về hàng hoá và hơn sáu tỷ Euro về dịch vụ, tổng cộng là hơn 51 tỷ. Xuất khẩu
của khối Euro vào Việt Nam đã tăng đều, khoảng 6% một năm, mà vẫn bị nhập siêu
là mua nhiều hơn bán với Việt Nam. Từ năm 2012, đôi bên mất bảy năm thảo luận
trước khi ký kết một thỏa ước vào Tháng Sáu năm ngoái. Sau đó, ngày nay, mới là
thủ tục phê chuẩn, năm tới mới thi hành.
- Chuyện thứ hai, đôi
bên thật ra thảo luận về HAI hồ sơ, 1/ là Tự do Thương mại với mục tiêu hạ thấp
hàng rào quan thuế khi mua bán với nhau theo một lịch trình nhất định; 2/ là
Bảo hộ Chế độ Đầu tư, nhưng tiêu chí là đôi bên sẽ tiến tới một chế độ tự do
giao dịch và đầu tư có tiêu chuẩn cao nhất tại Đông Nam Á.
Chúng ta nên chú ý tới
hai yếu tố trong lý luận của Âu Châu. Thứ nhất là đầu tư với các tiêu chuẩn cao
hơn. Thứ hai là củng cố vai trò của Liên Âu tại Việt Nam và trong khu vực. Đây
không là chuyện kinh tế kinh doanh nữa mà là mục tiêu địa dư chính trị cấp toàn
cầu.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Ông nói tới HAI hiệp định mà chúng ta
xin tạm gọi là Việt-Âu làm nhiều thính giả có thể thắc mắc. Nguyên Lam xin đề
nghị ông giải thích thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, hôm Thứ Tư 12, Nghị hội
(hay Quốc hội) Liên Âu đã phê chuẩn Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Việt-Âu, gọi tắt
theo Anh ngữ là EVFTA, với tỷ số là 401 đồng ý, 192 phiếu chống và 40 phiếu
trắng. Cùng ngày hôm đó, Nghị hội Liên Âu đưa ra nghị quyết về chế độ đầu tư
theo đó đôi bên lập ra một hệ thống tòa án với các thẩm phán độc lập để giải quyết
mâu thuẫn giữa giới đầu tư và các nước. Nghị quyết ấy được 407 phiếu ủng hộ,
188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Sau đó, Nghị quyết được phê chuẩn với 406
phiếu thuận, 184 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Vì vậy, ta có hai văn kiện về
hai lãnh vực thương mại và đầu tư, một là EVFTA hai là EVIPA, với nhiều cam kết
cải cách sẽ chỉ thi hành sau khi quốc hội của đôi bên phê chuẩn. Xin nói thêm
rằng theo quy chế Liên Âu, Quốc hội từng nước trong số 27 thành viên sẽ phải
phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA này.
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua phần hai, thưa ông.
Như ông vừa trình bày, có thể các nước Liên Âu muốn gia tăng luồng giao dịch
với Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á vì quyền lợi của họ. Những quyền lợi ấy là
gì?
Quyền lợi của EU
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Liên Âu muốn tăng thế lực toàn cầu của
cả khối khi phát huy tự do thương mại, chống xu hướng họ gọi là “bảo hộ mậu
dịch” với hàm ý đả kích Mỹ, và nâng tiêu chuẩn quốc tế về quyền lao động, về
bảo vệ môi sinh và nhân quyền, với kết quả là 1/ đem lại sự thịnh vượng; 2/ tạo
ra công việc làm mới; 3/ với mức lương cao hơn; 4/ giảm bớt phí tổn cho mọi
doanh nghiệp lớn nhỏ khi họ dễ đầu tư vào các thị trường Việt và Âu. Chúng ta
nên chú ý tới hai yếu tố trong lý luận của Âu Châu. Thứ nhất là đầu tư với các
tiêu chuẩn cao hơn. Thứ hai là củng cố vai trò của Liên Âu tại Việt Nam và
trong khu vực. Đây không là chuyện kinh tế kinh doanh nữa mà là mục tiêu địa dư
chính trị cấp toàn cầu.
Nguyên Lam: Như thế, vì sao lại có khá nhiều đại
biểu của Âu Châu bỏ phiếu chống và mấy chục tổ chức phi chính phủ NGO kêu gọi
Liên Âu đừng phê chuẩn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đi vào phần rắc rối của hồ sơ
đây!
- Sau khi Chiến Tranh
Lạnh kết thúc cuối năm 1991, các nước Âu châu mơ ước hội nhập thành một khối
thống nhất dưới sự lãnh đạo của cơ chế siêu quốc gia tại thủ đô Brussels để sẽ
là một thế lực mới. Nhưng từ năm 2008-2010, nội tình đã có sự rạn nứt về kinh tế,
rồi chính trị, v.v… Vấn đề chính là các nước thành viên vẫn muốn duy trì tiếng
nói của người dân, hay chủ quyền của quốc gia, chứ không để một cơ chế siêu
quốc chi phối. Vì vậy, giới lãnh đạo và doanh nghiệp Liên Âu cần tìm một thắng
lợi dễ dãi tại Đông Nam Á qua Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam.
- Nhưng cánh tả tại Âu
Châu vẫn quyết liệt với lý tưởng của họ về quyền dân, về môi sinh và chống lại
Hiệp định này vì tình trạng quá tệ tại Việt Nam. Các tổ chức phi chính phủ cũng
vậy, họ đề cao sức mạnh vô hình là xã hội dân sự và đả kích nạn ô nhiễm môi
sinh hay đàn áp lao động. Vì vậy, họ mới chống.
Nên chống hay nên thuận?
Nguyên Lam: Chúng ta xin bước qua phần ba là quan
điểm về quyền lợi của Việt Nam. Thưa ông, Việt Nam nên chống hay nên thuận với
các hiệp định này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta lại có ba tầng phân tích hơi
đối nghịch.
- Thứ nhất, Hà Nội cần
một thắng lợi ngoại giao, nhất là khi đang khốn đốn vì dịch bệnh xuất phát từ
Vũ Hán. Họ trình bày sự thể như một thắng lợi kinh tế cho Việt Nam và từ đó là
bước tiến cho giới lao động.
- Cụ thể là Hiệp định
sẽ tạo thêm việc làm cho người Việt nhờ xuất khẩu nhiều hơn vào Âu Châu, mà
những việc làm ấy nằm trong khuôn khổ rất cao của Tổ chức Lao động Quốc tế. Tôi
chú ý đến lý luận xã hội và lao động của Hà Nội vì họ thấy đấy là chuyện nhạy
cảm khó thể bỏ qua. Vì sao trong một “thắng lợi ngoại giao” mà lại biện bạch về
quyền lợi của giới lao động, kể cả quyền thành lập công đoàn độc lập và tự do?
Kết luận một của tôi là Hiệp định Âu-Việt này sẽ đẩy Hà Nội vào một tiến trình
cải cách mới.
Khi Hiệp định về Đầu
tư EVIPA được từng nước Âu Châu phê chuẩn với sự khắt khe cụ thể, Hà Nội sẽ
không thể là con cá mại cờ uốn éo trong bồn kính mà sẽ phải thoát xác. Và đấy
là cơ hội khác cho người Việt Nam!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, việc quan
trọng là thời điểm cải cách. Các hiệp định chúng ta nói tới không lập tức thi
hành mà có một trình tự thực hiện trải qua cả chục năm, trong khi ấy, chính
Liên Âu cũng bị áp lực phải theo dõi việc Việt Nam thực hiện các cam kết, kể cả
quyền tự do báo chí và chính trị. Kết luận hai của tôi, rất nôm na thô thiển,
là Việt Nam muốn bơi vào biển lớn thì phải bỏ thói tật trong chốn ao tù là lòng
tong cá chốt! Tức là cuối cùng hay về dài thì người Việt vẫn có lợi.
- Thứ ba, nhìn từ quan
điểm chính đáng của người Việt ở trong và ngoài, sự cam kết của lãnh đạo Hà Nội
là chuyện đáng nghi có truyền thống. Vì vậy, nhiều người mong rằng quốc tế nên
gây sức ép. Nhưng một cách cụ thể thì người Việt trong nước hay tại Âu Châu sẽ
gây sức ép đó với hai Hiệp định EVFTA và EVPIA? Kết luận thứ ba của tôi là cuộc
vận động có chính nghĩa này đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và sự nhắc nhở liên tục cho
Âu Châu. Những ai sẽ làm chuyện đó, tôi không rõ.
Nguyên Lam: Như mọi khi, Nguyên Lam sẽ lại yêu cầu
ông nêu ra một kết luận cho chương trình của chúng ta dù chính ông vừa nói đến
ba kết luận ở trên.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người cộng sản chỉ cải cách và tạm từ
bỏ ý thức hệ Mác-Lê khi bị khủng hoảng, như Trung Quốc vào năm 1978 hay Việt
Nam năm 1987. Nhưng ý thức hệ và quyền lợi do quyền lực tuyệt đối vẫn tạo ra
những quán tính và thói quen tệ hại, là sự cấu kết. Vì vậy, cứ chục năm lại
phải đổi mới một lần!
- Lần này, sau Hiệp
ước Xuyên Thái Bình Dương TPP với 10 nước và Hiệp định cùng Âu Châu, con cá
chốt từ vùng ao tù Mác-Lê bơi vào khu nước lợ sẽ phải đi vào biển lớn và sẽ
phải lột xác. Lãnh đạo lo sợ là phải, nhưng sức ép của thực tế vẫn là động lực
khó cưỡng chống.
- Sau cùng, khi Hiệp
định về Đầu tư EVIPA được từng nước Âu Châu phê chuẩn với sự khắt khe cụ thể,
Hà Nội sẽ không thể là con cá mại cờ uốn éo trong bồn kính mà sẽ phải thoát
xác. Và đấy là cơ hội khác cho người Việt Nam!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment