Trí thức Việt và việc đóng góp cho đất nước
RFA
2019-01-30
2019-01-30
Ông Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nhấn mạnh rằng cuộc gặp lần này không chỉ đơn thuần là dịp chúc tết
các nhà trí thức Việt Nam mà còn là dịp để chính phủ lắng nghe ý kiến phản
biện, tâm tư nguyện vọng của các nhà trí thức. Đây không phải là cuộc gặp mặt
hình thức “chuồn chuồn đạp nước” như bấy lâu nay.
Ông Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nhắc lại quan điểm của Đảng và Nhà nước là luôn coi trọng đội ngũ trí
thức và nhân tài trong và ngoài nước. Theo lời Ông Phúc thì nếu không có nhân
tài, đất nước không thể phát triển được; nhưng có nhân tài mà không trọng dụng
thì đất nước suy yếu. Ông đề nghị 300 nhà trí thức có mặt tại cuộc gặp, đại
diện cho 4 triệu trí thức Việt Nam, cùng đóng góp cho sự phát triển của quốc
gia.
Luật sư Trần Quốc
Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội từ Sài Gòn có ý kiến về kêu gọi mới nhất
của Ông thủ tướng chính phủ Hà Nội đối với trí thức:
Những người Việt
Nam mình ở nước ngoài mà có nhân tài khi về nước có thể giữ nhiệm vụ là có thực
quyền thay vào những nhiệm vụ chỉ nói và phản biện.
- LS. Trần Quốc Thuận
“Lời kêu gọi trong
tình hình cách mạng 4.0 và đi vào thế giới thì cái đó nó cũng nằm trong xu thế
chung của khu vực và thế giới. Còn kêu gọi trí thức thì nếu như nghe kỹ thì lời
kêu gọi ấy là nhằm nói nhiều đến ý kiến phản biện với các ý kiến chủ trương của
chính phủ mà tôi không thấy là được mời tham gia vào chính phủ, người ta mong
muốn rằng những người trí thức nhất là những người Việt Nam mình ở nước ngoài
mà có nhân tài khi về nước có thể giữ nhiệm vụ là có thực quyền thay vào những
nhiệm vụ chỉ nói và phản biện.”
Giáo sư, tiến sĩ Phùng
Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường chia sẻ với chúng tôi
rằng từ trước đến này chính sách của Việt Nam là nhất quán lúc nào cũng
kêu gọi nhưng khi đưa ra những lời kêu gọi thì thường sẽ kèm theo những điều
kiện cụ thể và đặc biệt lần này có thể đã đến thời điểm.
“Thật ra hiện nay
chính sách có những cái về thể hiện chính sách và văn bản chưa thật sự đầy đủ
dẫn đến trường hợp một số nhà khoa học vẫn còn e ngại nhưng đến thời điểm hiện
nay thì tôi nghĩ rằng nó đã đầy đủ điều kiện và chín mùi rồi, để cho các trí
thức về thực hiện những đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau.”
Tại buổi tiếp xúc, Ông
Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận rằng hiện nay chính sách về thuế và nhiều chính sách
khác đối với giới nhà khoa học trong nước còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó chính
sách thu hút nhân tài nước ngoài về Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế.
Luật sư Trần Quốc
Thuận khẳng định rằng, vấn đề thay đổi chính sách cần nhất là giao quyền cho
những nhà trí thức chứ không phải tham mưu và đề xuất ý kiến.
“Chính sách và thu hút
nhân tài thể hiện rất là rõ dưới thời cách mạng tháng 8, chủ tịch Hồ Chí Minh
khi ở bên Pháp về thì có rất nhiều nhân tài về nước như ông Trần Đại Nghĩa và
nhiều nhà khoa học khác…Thì đó là họ về giữ những nhiệm vụ quan trọng. Cho nên
tôi cho rằng đó là chính sách phát huy rất là tích cực và sau đó cũng nhiều đợt
kêu gọi nhưng mà những nhân tài về nước thường là giữ ở những góc độ là cơ quan
tham mưu, đề xuất, phản biện chứ chưa thật sự là giao được quyền, mà muốn giao
thực quyền thì nó sẽ dẫn đến vấn đề rất quan trọng đó là thay đổi cơ chế thể
chế và nhất là thể chế ở Việt Nam là một điều cấm kỵ.”
Luật sư Trần Quốc
Thuận giải thích thêm, Việt Nam luôn phát biểu rằng các Bộ trưởng thường không
cần là Đảng viên cũng có thể nắm được những vị trí quan trọng đó; tuy nhiên
trên thực tế hiện nay để tìm ra được một vụ trưởng mà không phải đảng viên thật
sự không có nói chi đến những vị trí cao hơn.
Không đồng tình với
quan điểm này, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ khẳng định với chúng tôi:
“Tôi nghĩ không phải
thế bởi vì Việt Nam số Đảng viên cũng không phải là nhiều lắm, trong số các nhà
khoa học là đảng viên hay kỹ sư là đảng viên thì đâu phải tất cả là đảng viên
đâu, rất nhiều người không phải đảng viên nhưng họ vẫn phát triển được. Cái quan
trọng là tài năng của anh, triển vọng và hiệu quả của anh chứ không phải anh cứ
là Đảng viên sẽ được hỗ trợ nhiều hơn người khác, hiện nay Việt Nam không có
chính sách nào như thế cả.”
Tuy ông Phùng Chí Sỹ
thừa nhận điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho các công trình nghiên cứu tại
Việt Nam còn thiếu thốn rất nhiều và chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà trí
thức nước ngoài; nhưng theo lời ông thì những nhà khoa học cũng nên kiên nhẫn
và chứng tỏ khả năng qua những công trình thiết thực.
Ông giải thích “Nhiều
em du học sinh được gia đình cho đi nước ngoài sau khi tốt nghiệp rất muốn về
Việt Nam nhưng khi về Việt Nam thấy điều kiện để nghiên cứu để phát triển lại
không có và không bằng nước ngoài thì các em lại đi. Tất nhiên không phải
trường hợp nào cũng vậy nhưng khi về nước ban đầu chắc chắn sẽ khó khăn nhưng
cần kiên trì chút thì mới đạt thành quả được. Tôi nghĩ rằng một khi có hiệu quả
thì nhà nước sẵn sàng đầu tư thôi, anh chưa làm nên chưa biết phải đầu tư cho
anh cái gì, khi khó khăn anh phải kêu, đề xuất thì nhà nước mới sẵn sàng hỗ trợ
để cho ra hiệu quả.”
Ông Nguyễn Tử Quảng
tổng giám đốc công ty phần mềm BKAV Việt Nam cho biết phía chính phủ có thay
đổi trong cách tiếp cận giới trí thức làm khoa học:
“Cách đây vài tháng
chính phủ có buổi làm việc mời 100 nhà khoa học có thành tựu nhất định trên thế
giới về Việt Nam để đóng góp cho nên khoa học VN và có mời các doanh nghiệp lớn
về công nghệ của VN đến tham dự, nó rất là khác so với trước đây là mời các
quan chức bộ ngành về nói chuyện với các nhà khoa học thôi nhưng lần này họ mời
các doanh nghiệp đến để nói chuyện với các bạn trẻ, họ đặt ra là phải có doanh
nghiệp ứng với nhân tài đó thì theo tôi thấy cách này nó có hiệu quả.”
Trong khi đó một
chuyên gia về an ninh mạng làm việc tại Silicon Valley ở San Jose, Hoa Kỳ vào
năm ngoái được mời trong số 100 người khắp nơi được cho là thành công trong
lĩnh vực khoa học, công nghệ đến Hà Nội gặp gỡ thủ tướng chính phủ và những
quan chức khác.
Khi ra về chuyên gia
này ghi lại nhật ký những ngày làm việc bị cho là không ích lợi gì.
Hẳn ai cũng biết một
trí thức có tiếng của Việt Nam là giáo sư Ngô Bảo Châu từng về Việt Nam để đóng
góp. Tuy nhiên đến nay không có tin tức gì về thành quả các dự án mà vị giáo sư
này thực hiện ở quê nhà.
Thành phố Đà Nẵng, nơi
từng được biết đến với dự án thu hút nhân tài, vào giữa năm ngoái có 40 người
trong diện này phải xin thôi việc; trong số này có người chấp nhận bồi thường
kinh phí đào tạo vì chưa đủ thời gian cống hiến 7 năm theo như cam kết.
No comments:
Post a Comment