Sunday, January 27, 2019

Cảm Nhận của một Tình Nguyện Viên Chương Trình Tri Ân TPB/VNCH



CẢM NHẬN CỦA MỘT TÌNH NGUYỆN VIÊN LẦN ĐẦU THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH TRAO QUÀ XUÂN, TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Đăng ngày 26.01.2019 - 7:23am
"Tin Mừng Cho Ngườ Nghèo"

CẢM NHẬN CỦA MỘT TÌNH NGUYỆN VIÊN LẦN ĐẦU THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH TRAO QUÀ XUÂN, TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VIỆT NAM CỘNG HÒA.
“Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26)
Vốn dĩ tôi được sinh ra trong bối cảnh nước nhà đã qua thời chinh chiến điêu linh, dầu vậy cũng không nên hiểu nhầm là đã có hòa bình thực sự. Những ông, những bác bước ra từ cuộc chiến đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Thời trai trẻ oanh liệt quý ông đã dấn thân cho nước non nhà, để rồi một phần thân thể bỏ lại trên đất mẹ yêu thương. Ấy là những điều tôi chỉ được nghe mẹ kể. Tôi không nghĩ có ngày mình gặp được những người anh hùng ấy bằng xương, bằng thịt. Đến tận bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn không nguôi nỗi xúc động dâng lên, nghèn nghẹn…nghèn nghẹn ở cổ.
Được thông báo nhận quà xuân từ quý ân nhân thông qua các cha Dòng Chúa Cứu Thế tại giáo xứ Hòa Khánh, giáo phận Đà Nẵng, một số quý ông đã thức dậy và lên đường từ rất sớm. Mới 5 giờ sáng, nhưng tôi đã nhìn thấy một số quý ông hiện diện ở một vài ghế đá bên hông nhà thờ. Tôi cũng đến sớm, nên bắt chuyện với một ông. Ông ngồi đó, bình lặng, thanh thản, đôi mắt trông xa mờ nhưng hình như cũng không còn được rõ lắm. Ông cho biết ông từ Tuy Hòa đến đây lúc 4 giờ sáng, xe ôm chở ông đi lòng vòng, đến nhà thờ thì vừa mở cửa nên ông vào đây ngồi. Trời Đà Nẵng lạnh thấu, không biết có làm nhức thêm mấy vết thương còn nhói trong thân thể còm cõi, già nua của ông hay không? Điều làm tôi thấy ngạc nhiên hơn cả là cung cách của ông: điềm đạm, lịch sự và ý nhị. Ông nói: “Thưa cô, cô có thể chỉ giúp tôi ‘chỗ công cộng’ ở đâu không? Tôi ngồi xe hơi mệt”. Dù bị cho là “kẻ bại trận” nhưng đối với tôi ông là một người chiến thắng, chiến thắng lũ lưu manh giả danh trí thức bây giờ ở nhân cách, thái độ và lòng thiện tâm. Tôi nhìn theo dáng ông hao gầy, rồi tôi nhìn lên Mẹ, xin Mẹ ban phúc lành trên ông.
Đã gần sáng nhưng trời cũng chẳng tỏ mấy, thêm cái lạnh còn sót lại của trận mưa đêm qua càng khiến không khí thêm phần ảm đạm. Từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đến. Người què, người mù, người chẳng lành lặn đôi tay, đôi chân, ông mang nạng, ông ngồi xe lăn, ông đi bằng hai tay…dắt dìu, bồng bế nhau với vẻ hết sức khó khăn và chậm chạp, duy chỉ có khuôn mặt vẫn ánh lên niềm tin, niềm hi vọng rạng rỡ. Ánh sáng vẫn bừng trong đôi mắt mù lòa và bản nhạc tươi vui vẫn reo trong đôi tai câm điếc. Tôi hít một hơi thật sâu, tôi tin Mẹ luôn dõi theo và đồng hành cùng tôi, Mẹ mỉm cười với công việc mà tôi đang làm. Tôi xin Mẹ cho chương trình diễn ra tốt đẹp như dự kiến, vì…có ai nhìn thấy quý ông tàn phế như vậy mà lại không động lòng thương.
7 giờ sáng, mọi công tác chuẩn bị đã xong: tấm pano cỡ lớn “Tri ân TPB VNCH” được treo lên, những dãy ghế được xếp ngay ngắn, âm thanh chuẩn bị sẵn sàng. Các ông cũng đã đến ngồi gần đủ hội trường thì cũng là lúc các vòng vây của nhà cầm quyền tiến sâu hơn vào trong nhà thờ để tiếp cận chỗ phát quà. Cho đến khi giọng của cô MC vang lên, giới thiệu chương trình thì ông phó ban tôn giáo thành phố đến tắt âm thanh và yêu cầu cha quản xứ Phanxico phải tháo dỡ Pano xuống. Tôi ngạc nhiên hết sức, nhà cầm quyền sợ gì tấm pano? Hay việc chúng tôi đang làm vi phạm điều gì của pháp luật hiện hành khiến cho nhà cầm quyền bức xúc muốn cấm cản? Bên cạnh đó, một số cán bộ còn ra sức tiếp cận và hạch sách các tình nguyện viên chúng tôi, có anh còn bị chúng chỉ mặt, điểm tên đuổi về. Nhưng lòng kiên định trong anh không dễ bị khuất phục, anh vẫn tiếp tục công việc của mình mặc cho sự hung dữ cản phá của hơn trăm an ninh thường phục, sắc phục vòng trong, vòng ngoài. Chương trình của chúng tôi đến đây phải dừng lại, chỉ có trao quà và cấp thuốc cho quý ông chứ không nói chuyện và văn nghệ như dự kiến. Tuy vậy, lúc này, chúng tôi được sự “giám sát” của nhà cầm quyền 24/24.
Một số ông tường thuật lại vài ngày trước khi được thông báo đến nhận quà, thì nhà cầm quyền địa phương đã tới hạch sách, cấm cản, rồi vận động quý ông không nên đến tham gia chương trình. Từng lời nói run run trên khuôn mặt già nua, khắc khổ khiến lòng tôi dâng lên một nỗi xúc động khó tả. Các ông vượt khó, vượt khổ, vượt cả nỗi đau của bản thân để vươn lên trong cuộc sống, để đến đây “bên nhau đi nốt cuộc đời” cho những tháng ngày ít ỏi còn lại. Có ông không có gia đình, lay lắt từng ngày bằng việc bán vé số mưu sinh, đến với chương trình nhờ mấy chú xe ôm giúp đỡ. Có ông còn gia đình, thì hoàn cảnh cũng khá vất vả, nương tựa chút hơi ấm cho những ngày cuối đông lay lắt của đời người. Quý ông đã chiến đấu cho tự do, chính nghĩa, song thời cuộc và “bên thắng cuộc” không nhìn nhận các ông là con người, họ rêu rao hòa hợp, hòa giải nhưng lại phân biệt đối xử và kì thị, xem các ông như là thành phần bỏ đi của xã hội. Tuy vậy các ông vẫn không ngừng những cố gắng để sống, vì tinh thần VNCH “Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm” không dễ dàng bị khuất phục.
Chúng tôi kết thúc chương trình với nhau bằng Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa lúc 3 giờ chiều. Thánh Vịnh “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho đến khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân con” khiến tôi càng vững tâm thêm về công việc mình đang cộng tác. Lời Chúa trong Thánh lễ như đánh động trong tâm hồn chúng tôi: “Trong ngày Sabat được làm sự lành hay sự dữ? Được cứu sống hay là giết chết?” Và Chúa Giêsu đã chữa người bại tay ấy. Tôi cũng tự hỏi, mình phải làm sự lành hay sự dữ, khi mà xung quanh tôi đang là những con người tàn tật, đau ốm, thân cô thế cô bên lề xã hội? Chúa thiếu mất đôi tay, xin cho con làm đôi tay của Chúa. Chúa thiếu mất đôi chân, xin cho con làm đôi chân để nâng đỡ…
Lạy Chúa, Chúa là người mù lòa, xin cho con làm đôi mắt sáng để dẫn đường cho Chúa. Và lạy Chúa, dù cho có bất cứ một hoàn cảnh nào hay một thế lực nào chèn ép khiến cho con run sợ đi chăng nữa, thì xin Chúa hãy làm sức mạnh cho con để con nên người công chính, dám dấn thân sống cho anh chị em mình bằng những việc làm cụ thể.
Cỏ

No comments:

Post a Comment